SỞ GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO THANH HÓA
TRƯỜNG THPT HOẰNG HÓA 4
SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM
ĐỀ TÀI: XÂY DỰNG HỆ THỐNG CÂU HỎI
KHI DẠY HỌC BÀI 33: “HOÀN THÀNH CÁCH MẠNG
TƯ SẢN Ở CHÂU ÂU VÀ MỸ GIỮA THẾ KỶ XIX”
Người thực hiện : Nguyễn Thị Giang
Chức vụ: Giáo viên
SKKN thuộc môn: Lịch sử
THANH HÓA, NĂM 2013
1
PHẦN I: ĐẶT VẤN ĐỀ
I.1. Lý do chọn đề tài.
Việc dạy học lịch sử ở trường phổ thông hiện nay là một quá trình sư
phạm phức tạp,bao gồm nhiều hoạt động khác nhau của giáo viên và học
sinh.Những hoạt động đó nhằm mục đích: học sinh nắm vững tri thức lịch sử và
phát triển tư duy lịch sử. Do dạy học lịch sử là một quá trình rất phức tạp nên
đòi hỏi người giáo viên cần có một phương pháp dạy học đúng đắn,khoa học và
linh hoạt mới có thể đạt được mục đích dạy học.
Có nhiều quan niệm khác nhau về phương pháp dạy học lịch sử. Có quan
niệm cho rằng: chỉ cần có những tri thức lịch sử uyên bác là có thể dạy học lịch
sử. Ý kiến khác cho rằng phương pháp dạy học lịch sử chỉ là phương tiện,thủ
thuật của người thầy để cung cấp kiến thức cho học sinh. Chỉ cần có kiến thức
lịch sử thần tuý,cứ dạy theo sách giáo khoa không cần phải có những tư
tưởng,phương pháp giáo dục
Những quan điểm trên rất phiến diện và sai lầm. Về mặt lí luận,nói đến
phương pháp là nói đến đối tượng cần tác động,làm biến đổi đối tượng cho phù
hợp với mục đích của sự nghiệp giáo dục. Không hiểu được quy luật vận động
của đối tượng thì không thể có phương pháp,cách thức tác động đến đối tượng
đó. Một phương pháp được coi là khoa học khi nó tác động đúng vào đối tượng
phù hợp với quy luật vận động của đối tượng.
Nói đến phương pháp dạy học là nói đến các yếu tố cấu thành: mục
đích,nội dung,phương pháp dạy học. Các yếu tố này có tác động biện chứng với
nhau. Mục đích và nội dung tác động phương pháp dạy học và phương pháp dạy
học lại tác động trở lại giúp chúng ta thực hiện tốt nội dung và đạt được mục
đích dạy học. Khoa học dạy học lịch sử đã ra đời dựa trên cơ sở nghiên cứu quy
luật nhận thức của đối tượng và bản chất của nhận thức đó là đi từ trực quan
sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn. Do đó để
có thể truyền thụ một cách tốt nhất những kiến thức lịch sử đến học sinh thì
chúng ta- những người giáo dục cần phải có phương pháp dạy học riêng của
mình,vì mỗi đối tượng có một cách tiếp thu,lĩnh hội tri thức riêng. Vì thế giáo
viên cần linh hoạt,có những tri thức về quy luật vận động nội tại của đối tượng
trước khi xác định phương pháp,tức là phương pháp có chủ thể và khách
thể,phải xuất phát từ việc nắm vững quy luật vận động của đối tượng ,quy luật
2
nhận thức của học sinh để có tư tưởng giáo dục và dạy học đúng đắn chỉ đạo.
Phải nắm vững và vận dụng một cách linh hoạt và thành thạo kĩ năng, kĩ xảo và
phương pháp dạy học phải dựa trên gốc rễ sâu bền là khoa học và thực tiễn.
Phương pháp dạy học lịch sử cũng đòi hỏi những kinh nghiệm dạy học
cũng như năng lực lao động sáng tạo,không ngừng cải tiến phương pháp dạy học
của người thầy và cải tiến phương pháp tiếp cận,lĩnh hội của học sinh. Hay nói
khác đi,phương pháp dạy học còn là một nghệ thuật của người thầy.
Trong phương pháp dạy học có hai hoạt động: dạy và học, do hai chủ thể
đảm nhiệm. Hai hoạt động này có tác động biện chứng với nhau.Thầy đóng vai
trò chủ đạo tổ chức,hướng dẫn; trò có vai trò tích cực chủ động trong quá trình
thi công lĩnh hội tri thức xã hội từ thầy. Nhiêm vụ của phương pháp dạy học lịch
sử là nghiên cứu và phát hiện ra những quy luật của quá trình dạy học lịch sử
xác định nội dung,hình thức tổ chức và phương pháp dạy học cho phù hợp với
đặc trưng bộ môn,tâm lí lứa tuổi học sinh và mục tiêu đào tạo của nhà trường.
Với khóa trình lịch sử khối 10 hiện hành,chưong trình lịch sử bao gồm
cả lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam thời nguyên thuỷ,cổ đại,trung đại,cận
đại.Với lượng kiến thức rất nhiều,lại là các giai đoạn lịch sử cách xa thời điểm
hiện tại nên có thể xa lạ với nhiều học sinh, ít tư liệu lịch sử và nhiều thuật ngữ
lịch sử khó,nên viêc học tập lịch sử giai đoạn này đối với học sinh lại càng khó
khăn hơn.
Xuất phát từ thực tiễn dạy học phần cách mạng tư sản thuộc khoá trình
lịch sử lớp 10,tôi đã rút ra một số phương pháp dạy học lịch sử để học sinh có
thể hiểu những kiến thức lịch sử một cách hiêụ quả nhưng khắc sâu nhất ,có thể
vận dụng các kiến thức lịch sử để phối hợp trong học tập các môn học khác cũng
như áp dụng những kiến thức lịch sử trong thực tiễn cuộc sống.
Một trong những phương pháp mà tôi đã và đang sử dụng trong dạy học
phần cách mạng tư sản thời cận đại này là: xây dựng hệ thống câu hỏi nêu vấn
đề và câu hỏi giải quyết vấn đề để có thể đơn giản hoá nhưng kiến thức lịch sử
được coi là khó học,khó nhớ đối với học sinh hiện nay. Với mong muốn học
sinh sẽ hứng thú hơn với môn học lịch sử, chủ động trong viêc lĩnh hội những tri
thức lịch sử giai đoạn cận đại và hiểu nhiều hơn nữa,hiểu sâu hơn nữa những tri
thức lịch sử,tôi xây dựng hệ thống câu hỏi khi dạy học bài 33: “Hoàn thành
cách mạng tư sản ở Châu Âu và Mĩ giữa thế kỉ XIX” . Qua hệ thống câu hỏi
3
tôi sử dụng trong quá trình dạy học bài này sẽ nêu bật được một hình thái khác
nữa của cách mạng tư sản,hoàn thành khái niệm “cách mạng tư sản”,Cách mạng
“từ trên xuống”, “từ dưới lên” Ngoài ra còn có tác động lớn đến nhận thức của
học sinh về các mốc lịch sử của nước Đức,Italia,Mĩ trong quả trình xây dựng và
phát triển của Chủ nghĩa tư bản.
I. 2. Mục đích, yêu cầu :
I.2.1. Mục đích:
Mục đích của đề tài là nhằm phát tiển tư duy lịch sử,khơi dậy tính chủ
động và sáng tạo của học sinh trong qúa trình lĩnh hội tri thức lịch sử. Đây là
mục đích lớn nhất của phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm.
I.2 .2. Yêu cầu :
90% học sinh trở lên hiểu được kiến thức cơ bản của bài học, 70% học
sinh trở lên hứng thú với môn học,có thể tự nêu được các vấn đề cơ bản của
những bài học về cách mạng tư sản, có khả năng phân tích,so sánh,khái quát và
tổng hợp về các cuộc cách mạng tư sản diễn ra dưới các hình thức khác nhau
4
PHẦN II: GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
II.1. Cơ sở lí luận của vấn đề.
Như đã trình bày,dạy học lịch sử là một quá trình phức tạp, phải dựa trên
những quy luật của nhận thức, phù hợp vơi từng bài học,từng lứa tuổi,tâm sinh lí
học sinh. Dựa trên nguyên tắc này người thầy mới có thể đưa ra phương pháp
dạy học đúng đắn,từ đó mới nâng cao được hiệu quả trong dạy học lịch sử.
Cách mạng tư sản là một trong ba vấn đề chủ yếu của nội dung lịch sử
thế giới cận đại. Trong đổi mới phương pháp dạy học chúng ta không nên tập
trung cung cấp các sự kiện của các cuộc cách mạng tư sản mà quan trọng hơn
hết là gợi mở các vấn đề của bài học thong qua các câu hỏi nêu vấn đề để học
sinh phát huy năng lực tư duy,vận dụng kiến thức đã học và đánh giá. Trong
khuôn khổ của nội dung cách mạng tư sản nói chung và bài 33 “Hoàn thành
cách mạng tư sản ở châu âu và Mĩ giữa thế kỉ XIX” nói riêng, tôi xin đưa ra
các nội dung chính mà trong 2 tiết học giáo viên và học sinh cần phải giải quyết
thông qua hệ thống câu hỏi nêu vấn đề và câu hỏi gợi mở vấn đề.
* Thứ nhất: Nguyên nhân bùng nổ các cuộc đấu tranh thống nhất
Đức và Italia,cũng như nguyên nhân của cuộc nội chiến ở Mĩ.(Thực chất là
nguyên nhân của các cuộc cách mạng tư sản).
Mỗi cuộc cách mạng tư sản nổ ra trong những điều kiện lịch sử cụ thể,có
duyên cớ trực tiếp riêng. Cần làm cho các em hiểu rõ mâu thuẫn gay gắt giữa lực
lượng sản xuất đang phát triển và quan hệ sản xuất lạc hậu đang thống trị là
nguyên nhân sâu xa làm bùng nổ các cuộc cách mạng tư sản,dưới những hình
thức khác nhau. Chế độ quân chủ chuyên chế với quyên chiếm hữu ruộng đất,
các nghĩa vụ phong kiến nặng nề,với mọi quyền hành tập trung trong tay quan
lại quý tộc và sự chuyên chế không giới hạn của nhà vua,sự thống trị của phong
kiến nước ngoài,sự chia cắt đất nước hay những hạn chế đối với sản xuất,thông
thương là trở nại lớn,chủ yếu cho sự thắng lợi của quan hệ tư bản chủ nghĩa
đang phát triển.
* Thứ hai: Về động lực và lãnh đạo cách mạng.
Cuộc cách mạng nhằm lật đổ chế độ phong kiến,cho nên nó đã tập được
đông đảo các tầng lớp xã hội,giai cấp có cùng chung mục tiêu song lại rất khác
nhau về quyền lợi,mục đích, thái độ đấu tranh.
Động lực cơ bản của cách mạng tư sản là đông đảo quần chúng nhân
dân.Trong bất kì cuộc cách mạng nào,bất kì giai đoạn nào của cách mạng,quần
5
chúng nhân dân bao giờ cũng giữ vai trò chủ yếu và có tác động thúc đẩy cách
mạng tiến lên. Qua các cuộc cách mạng tư sản ta cũng nhận ra rằng quần chúng
là lực lượng làm nên lịch sử song khi nào quần chúng hoạt động tích cực,tự giác
độc lập, đưa đến thắng lợi của cách mạng thì vai trò của quần chúng thể hiện
tính quyết định. Trong các cuộc cách mạng bị thất bại hoặc không phát triển
được tình thế cách mạng để đưa đến thắng lợi thì rõ ràng ý thức tổ chức,sự nhận
thức của quần chúng chưa chín muồi,không tạo được điều kiện cho cách mạng
thành công. Sức mạnh của quần chúng thực hiện một “cuộc cách mạng từ dưới
lên” sẽ làm cho thắng lợi được triệt để hơn như cuộc đấu tranh thống nhất Italia.
Trái lại quần chúng không đủ mạnh,khi cần thiết phải tiến hành các cuộc cải
cách tư sản, giai cấp thống trị tiến hành một “cuộc cách mạng từ trên xuống”như
cuộc đấu tranh thống nhất Đức thì cách mạng không đem lại quyền lợi gì cơ bản
cho nhân dân.
Trong các cuộc cách mạng tư sản,sự lãnh đạo thuộc về giai cấp tư sản,lực
lượng tiên tiến lúc bấy giờ,nhưng do điều kiện cụ thể ở mỗi nước ,tuỳ theo từng
giai đoạn khác nhau mà trong cách mạng,giai cấp tư sản không có khả năng nắm
quyền lãnh đạo như ở Đức.
* Thứ ba: Về nhiệm vụ của cách mạng.
Về cơ bản cách mạng tư sản nhằm vào mục tiêu đánh đổ chế độ phong
kiến,thông qua việc thực hiện hai nhiệm vụ dân tộc và dân chủ.
Nhiệm vụ dân tộc là nhằm xoá bỏ tình trạng phong kiến cát cứ,thống
nhất thị trường,bảo vệ tổ quốc khi có sự xâm lược của phong kiến nước ngoài.
Trong đấu tranh thống nhất Đức và Italia,bên cạnh việc xoá bỏ phong kiến cát
cứ lại có thêm nhiệm vụ giải phóng các bộ phận lãnh thổ bị nước ngoài chiếm
đóng. Nhiệm vụ dân tộc trong các cuộc cách mạng tư sản đều thúc đẩy sự phát
triển của chủ nghĩa tư bản.
Nhiệm vụ dân chủ được thể hiện ở việc xoá bỏ chế độ phong kiến
chuyên chế,hoặc là sự thống trị của phong kiến nước ngoài,xác lập nền dân chủ
tư sản với việc thành lập nhà nước Cộng hoà tư sản và ban bố các quyền tự
do,dân chủ tư sản. Vấn đề ruộng đất là một trong những vấn đề cơ bản của cách
mạng tư sản. Ở các cuộc cách mạng tư sản,với các hình thức khác nhau,quyền tư
hữu ruộng đất được chú ý,song cách giải quyết không giống nhau,do những điều
kiện cụ thể của đất nước,của giai cấp lãnh đạo.
* Thứ tư: Về diễn biến của cách mạng.
6
Là một nội dung quan trọng của bài,song không nên trình bày chi tiết,cụ
thể mà phải chọn những sự kiện cơ bản,kết hợp sử dụng đồ dùng trực quan,tài
liệu tham khảo để tường thuật,miêu tả nhằm tạo biểu tượng cho học sinh về bức
tranh lịch sử quá khứ.
* Thứ năm: Ý nghĩa lịch sử của cách mạng tư sản.
Được trình bày thông qua trao đổi,thảo luận dưới sự hướng dẫn của giáo
viên để học sinh hiểu rằng :
Cách mạng tư sản có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của lịch sử thế giới.
Trước hết nó xác lập sự thắng lợi của chủ nghĩa tư bản đối với chế độ
phong kiến trên phạm vi thế giới,mở ra thời đại mới của lịch sử loài người -thời
cận đại.
Tuy nhiên cách mạng tư sản cũng có những hạn chế nhất định: sự thay
thế hình thức bóc lột này bằng hình thức bóc lột khác,vấn đề ruộng đất của nông
dân không được giải quyết,những quyền tự do dân chủ của nhân dân vẫn chưa
được đảm bảo thực hiện như quy định Do đó về nguyên tắc,về bản chất cách
mạng tư sản khác hẳn cách mạng vô sản,sự phân biệt của hai loại cách mạng này
là “sợi chỉ đỏ xuyên qua thời cận đại”(Stalin),chuyển qua thời đại mới- thời kì
xã hội chủ nghĩa.
II.2. Thực trạng vấn đề.
Hiện nay,việc dạy và học về vấn đề cách mạng tư sản nói chung và bài 33
“Hoàn thành cách mạng tư sản ở châu âu và Mĩ” nói riêng là cả một quá trình
phức tạp và khó khăn. Do lượng kiến thức nhiều,thời gian hạn chế, lại có nhiều
khái niệm khó nhưng bắt buộc phải hình thành,với nội dung phần diễn biến
tương đối dàn chải Do đó nếu thầy không đổi mới phương pháp dạy học,không
xây dựng hệ thống câu hỏi nêu vấn đề để hướng dẫn học sinh tìm hiểu bài thì
trong thời lượng 2 tiết học thầy và trò không thể nào giải quyết hết nội dung của
bài học cũng như việc hoàn thiện các khái niệm lịch sử ,rút ra bài học và liên hệ
thực tế.
Xuất phát từ thực trạng trên, tôi dã xây dựng hệ thống câu hỏi nêu vấn đề
và câu hỏi gợi mở,giải quyết vấn đề,phần nào tháo gỡ những khó khăn trong dạy
và học bài 33 “Hoàn thành cách mạng tư sản ở Châu Âu và Mĩ” hiện nay.
II. 3. Giải pháp và tổ chức thực hiện.
Căn cứ vào mục đích,nội dung của bài học,tôi xây dựng và sử dụng hệ
thống những câu hỏi sau:
Mục 1. Cuộc đấu tranh thống nhất Đức.
7
Trước khi hướng dẫn cho học sinh tìm hiểu về cuộc đấu tranh thống nhất
Đức,giáo viên đưa ra câu hỏi mang tính chất gơi nhớ các kiến thức của các bài
học trước.
Câu hỏi 1: “ Tại sao trong những năm 50-60 của thế kỉ XIX chủ nghĩa
tư bản lại phát triển mạnh mẽ ở Châu Âu”. Với câu hỏi này,ngoài mục đích
củng cố kiến thức về cách mạng tư sản của các bài học trước,giáo viên còn có
thể gợi mở vấn đề về những cuộc cách mạng tư sản tiếp theo diễn ra dưới các
hình thức khác nữa. Đó là các cuộc đẩu tranh thống nhất Đức và Italia,cuộc nội
chiến ở Mĩ.
Câu hỏi 2: “Tại sao nói cuộc đấu tranh thống nhất Đức lại được gọi là
một cuộc cách mạng tư sản?”
Câu hỏi này được giáo viên sử dụng vào đầu mục 1. Đây là câu hỏi nêu
vấn đề nhằm định hướng cho sự nhận thức của học sinh vào kiến thức trọng tâm
của mục 1.
Câu hỏi này học sinh không thể trả lời ngay được mà chỉ khi giáo viên đã
cung cấp cho học sinh đầy đủ những dữ kiện các em mới trả lời được. Tức là chỉ
khi các em nắm được nguyên nhân,biễn biến,kết quả của cuộc đấu tranh thống
nhất Đức. Đồng thgời giáo viên đưa ra các ý gợi mở: “mục đích”, lực lưọng lãnh
đạo”, “đông lực”của các cuôc cách mạng tư sản đã học. Dựa vào các tiêu chí nêu
trên học sinh có thể dễ dàng trả lời được câu hỏi này và khẳng định cuộc đấu
tranh thống nhất Đức là một cuộc cách mạng tư sản,vì mục đích xoá bỏ tình
trạng chia cắt đất nước,thành lập một nước Đức thống nhất,mở đường cho chủ
nghĩa tư bản ở Đức phát triển. Lãnh đạo cách mạng là tầng lớp quý tộc quân
phiệt phổ. Xu hướng là đi lên thống nhất,phát ttriển chủ nghĩa tư bản. Động lực
là quân đội Phổ và tầng lớp quý tộc quân phiệt Phổ,không có vai trò của quần
chúng nhân dân.
Câu hỏi 3: “Vì sao Đức phải thống nhất?”.
Đây là câu hỏi gợi mở,giúp học sinh hiểu được nguyên nhân của cuộc
đấu tranh thống nhất Đức. Đó là do Đức bị chia cắt thành nhiều vương quốc lớn
nhỏ. Sự chia cắt đất nước kìm hãm sự phát triển của kinh tế tư bản chủ
nghĩa.Yêu cầu thống nhất đất nước,mở đường cho kinh tế tư bản chủ nghĩa phát
triển được đặt ra cấp bách.
8
Câu hỏi này học sinh có thể theo dõi sách giáo khoa,kết hợp với bài
giảng của thầy để tìm ý trả lời.
Câu hỏi 4: “Vì sao quá trình thống nhất Đức lại do quý tộc quân
phiệt Phổ tiến hành?”.
Câu hỏi này nhằm giúp học sinh nắm dược tình hình các giai cấp trong
xã hội Đức lúc này: Giai cấp vô sản Đức tỏ ra khiếp sợ trước phong trào vô sản
và khuất phục trước phong kiến. Còn giai cấp vô sản chưa đủ trưởng thành để
lãnh đạo cuộc đấu tranh thống nhất “từ dưới lên” bằng phương pháp cách mạng.
Từ đó giúp học sinh thấy được vì sao thống nhất Đức là một nhiẹm vụ cách
mạng do lực lượng phản động quý tộc quân phiệt Phổ tiến hành “từ trên xuống”
bằng một loạt các cuộc chiến tranh.
Câu hỏi này được giáo viên sử dụng trong tiến trình bài học,giúp học
sinh hiểu rõ bản chất của giai cấp tư sản và giai cấp quý tộc quân phiệt Phổ là
bất chấp mọi thủ doạn để đạt được mục đích.
Câu hỏi 5: “Tính chất và ý nghĩa của cuộc đấu tranh thống nhất Đức?”
Câu hỏi này được giáo viên sử dụng ở cuối mục 1,sau khi học sinh đã
được trang bị những kiến thức co bản về nguyên nhân,diễn biến,kết quả của
cuộc đấu tranh thống nhất Đức. Để giúp gọc sinh trả lời câu hỏi này,giáo viên
phát vấn học sinh tìm ra tính chất của của cuộc đấu tranh thống nhất Đức từ việc
nhận xét quá trình thống nhất về: mục đích,xu hướng,lực lượng lãnh đạo, động
lực. Từ đó các em đối chiếu với các cuộc cách mạng tư sản đã học trước đó và
rút ra được tính chất, ý nghĩa của cuộc đấu tranh thống nhất Đức: Là một cuộc
cách mạng diễn ra dưới hình thức đấu tranh thống nhất đất nước,mở đường cho
chủ nghĩa tư bản phát triển ở Đức.
Mục 2: Cuộc đấu tranh thống nhất Italia.
Câu hỏi 6: “Tại sao cuộc đấu tranh thống nhất Italia được gọi là cuộc
cách mạng tư sản?”
Câu hỏi này học sinh không thể trả lời ngay được. Chỉ khi học sinh nắm
được nguyên nhân,diễn biến,kết quả của cuộc đấu tranh thống nhất Italia mới
trả lời được câu hỏi này. đồng thơ3ì giáo viên đưa ra các câu hỏi gợi mở: “lãnh
đạo?”, “lực lượng tham gia?”, “mục đích của cuộc cách mạng?”. Với các gợi ý
này,học sinh khẳng định đuợc đây là cuộc cách mạng tư sản diễn ra dưới hình
thức vận động thống nhất và giải phóng dân tộc.
9
Câu hỏi 7: “Tại sao Italia lại phải thống nhất?”
Đây là câu hỏi gợi mở,giúp học sinh hiểu được nguyên nhân của cuộc
đấu tranh thông nhất Italia. Đó là do Italia bị chia cắt thành 7 vương quốc lớn
nhỏ,phần lớn lệ thuộc đế quốc Áo. Sự cản trở của phong kiến trong và ngoài
nước đã kìm hãm sự phát triển kinh tế. Yêu cầu đặt ra là phải thống nhất lãnh
thổ,thị trường dân tộc và giải phóng Italia khỏi sự lệ thuộc vào đế quốc Áo.
Câu hỏi 8: “Điều kiện nào đã đặt Piêmôntê vào địa vị trung tâm của
phong trào thống nhất quốc gia?”
Câu hỏi này nhằm giúp học sinh hiểu được những điều kiện đặt Piêmôntê
vào vị trí trung tâm của phong trào thống nhất quốc gia là do Piêmôntê có nền
kinh tế tư bản phát triển nhất nhờ các chính sách canh tân của Cavua,là xứ duy
nhất không chịu sự thống trị của Áo,có nền chính trị tiến bộ hơn so với các xứ
khác. Chính vì thế khi vấn đề thống nhất Italia được đặt ra cấp bách thì toàn thể
giai cấp tư sản Italia hướng về Piêmôntê.
Câu hỏi 9: “Cavua đại diện cho giai cấp nào,chủ trương của Cavua là gì?”
Để trả lời câu hỏi này học sinh có thể dựa vào sách giáo khoa: Cavua là
đại biểu của giai cấp tư sản và địa chủ tiến bộ. Chủ trương của Cavua muốn
thống nhất Italia “từ trên xuống”,lập ra nhà nước quân chủ tư sản dưới quyền
vua Piêmôntê. Mục đích của câu hỏi này giúp học sinh hiểu được bản chất của
Cavua,của giới cầm quyền Piêmôntê không muốn dựa vào sức mạnh của nhân
dân để thống nhất Italia mà muốn thống nhất quốc gia bằng con đường phản
cách mạng “từ trên xuống” và để thực hiện chủ trương này Cavua đã tìm cách
liên minh với Pháp để chống lại Áo.
Câu hỏi 10: “Quá trình thống nhất Italia có thể chia thành mấy giai
đoạn, đặc điểm của mỗi giai đoạn?”
Với câu hỏi này,giáo viên khéo léo dẫn dắt học sinh nhận thức
quá trình thống nhất Italia có thể chia thành hai giai đoạn. Giáo viên giúp học
sinh nhận thức bằng cách nêu diễn biến của cuộc đấu trnh thống nhất Italia,nêu
rõ ngay khi cuộc đấu tranh chống Áo của liên minh Italia-Pháp bùng nổ thì làn
sóng cách mạng của quần chúng nhân dân phát triển rất cao. Đóng vai trò quan
trọng trong phong trào nhân dân là đoàn quân của Garibanđi mang tên “đội xạ
thủ xứ Anpơ” bao gồm những người lính tình nguyện yêu nước, đầy tinh thần
anh dũng,họ giành thắng lợi liên tiếp,bọn phong kiến thống trị bỏ chạy sang Áo,
10
Áo có nguy cơ thất bại hoàn toàn. Trước cao trào cách mạng của quần chúng,
Cavua một mặt muốn lợi dụng tinh thần cách mạng của quần chúng,nhưng mặt
khác cũng tiến hành các biện pháp nhằm kìm hãm thế chủ động cách mạng của
quần chúng. Khi cuộc khởi nghĩa của nhân dân miền Nam Italia bùng nổ,Cavua
đã khôn khéo bố trí cho Garibanđi đem hơn 1000 quân tình nguyện tiến xuống
miền Nam,giải phóngNam Italia. Như vậy toàn bộ miền Nam Italia được giả
phóng bằng con đường cách mạng của quần chúng “từ dưới lên”. Qua đó học
sinh hiểu được,trong giai đoạn đầu,nhiệm vụ thủ tiêu tình trạng chia cắt Italia
chủ yếu được thực hiện “từ dưới lên” bằng phương pháp cách mạng của quần
chúng. Hầu hết các miền bắc,trung và nam Italia được giải phóng bằng con
đường cách mạng “từ dưới lên”.
Trong giai đoạn sau,việc thống nhất Italia hoàn thành bằng con đường
“từ trên xuống” và tất cả vì quyền lợi vương triều Piêmôntê,dưới sự lãnh đạo
của tư sản và địa chủ tư sản hoá.
Câu hỏi 11: “Tại sao Italia có thể thống nhất từ trên xuống?”
Câu hỏi này có trong sách giáo khoa,giúp học sinh hiểu được trong giai
đoạn đầu của cuộc vận động thống nhất Italia,quần chúng nhân dân có trò quyết
định và khi Nam Italia được giả phóng,Garibandi đã không kiên quyết đấu tranh
thồng nhất Italia bằng con đường cách mạng “từ dưới lên” mà tiến hành chính
sách thoả hiệp,Nam italia sáp nhập vào Piêmôntê. Đây là chính sách sai lầm của
Garibanđi. Vì vậy Cavua thực hiện được chủ trương thống nhất Italia bằng con
đường phản cách mạng : “từ trên xuống”.
Câu hỏi 12: “Tính chất và ý nghĩa của cuộc đấu tranh thống nhất Italia?”
Câu hỏi này được sử dụng ở cuối mục 2,sau khi học sinh đã được trang bị
những kiến thức cơ bản về nguyên nhân,diễn biến,kết quả của cuộc đấu tranh
thống nhất Italia. Với câu hỏi này học sinh phải tư duy tích cực để thấy được
tính chất và ý nghĩa của cuộc đấu tranh thống nhất Italia. Đồng thời để giúp học
sinh trả lời câu hỏi này,giáo viên phát vấn học sinh tìm ra tính chất của cuộc đấu
tranh thống nhất Italia từ việc nhận xét quá trình thống nhất Italia về : mục
đích,lãnh đạo,xu hướng, động lực. Từ đó các em rút ra được tính chất và ý nghĩa
của cuộc đấu tranh thống nhất Italia. Đó là một cuộc cách mạng tư sản diễn ra
dưới hình thức đấu tranh thống nhất đất nước với ý nghĩa thống nhất lãnh
thổ,thống nhất thị trường dân tộc,giải phóng Italia khỏi sự thống trị của đế quốc
Áo,tạo điều kiện cho kinh tề tư bản chủ nghĩa phát triển.
11
Mục 3: Cuộc nội chiến ở Mĩ.
Câu hỏi 13: “Vì sao có thể nói cuộc nội chiến ở Mĩ là cuộc cách mạng
tư sản lần thứ 2?”
Câu hỏi này được giáo viên sử dụng ở đầu mục 3.
Đây là câu hỏi nêu vấn đề nhằm định hướng cho học sinh nắm được kiến thức
cơ bản của mục 3 và giúp các em nhớ lại các kiến thức cũ đã học. Với câu hỏi
này học sinh không thể trả lời ngay được mà chỉ khi nào học sinh nắm được
nguyên nhân,biễn biến,kết quả của cuộc nội chiến mới trả lời được câu hỏi. Giáo
viên đưa ra các câu hỏi gợi mở: “Ở Mĩ đã diễn ra cách mạng tư sản chưa?”. “Vì
sao cuộc chiến tranh giành độc lập của các thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ là một cuộc
cách mạng tư sản?”. Với câu hỏi này học sinh nhớ lại kiến thức cũ và hiểu được
ở Mĩ đã từng diễn ra cuộc cách mạng tư sản lần thứ nhất,nội chiến ở Mĩ là cuộc
cách mạng tư sản lần thứ hai. Từ gợi ý này học sinh tiếp tục phát triển tư duy
độc lập,tự đặt ra câu hỏi vì sao nước Mĩ phải làm cuộc cách mạng tư sản lần thư
2 và học sinh hiểu đựơc rằng cuộc cách mạng tư sản lần trước là một cuộc cách
mạng tư sản nửa vời chưa đến nơi nên nước Mĩ phải làm cuộc cách mạng tư sản
lần thứ hai. Nhưng lúc này học sinh cũng vẫn chưa thể trả lời được câu hỏi: “Tại
sao cuộc nội chiến ở Mĩ được gọi là cuộc cách mạng tư sản lần thứ hai?”. Để
giúp học sinh trả lời câu hỏi này,giáo viên đưa ra các gợi mở: mục đích,lực
lượng lãnh đạo, động lực của các cuộc cách mạng đã học. Giáo viên gọi học sinh
trả lời sau đó hướng các em dựa vào tiêu chí trên để trả lời. Như vậy học sinh sẽ
trả lời được câu hỏi cuộc nội chiến ở Mĩ là cuộc cách mạng tư sản lần thứ hai,vì
lực lượng lãnh đạo là giai cấp tư sản,mục đích nhắm xoá bỏ chế độ nô lệ,mở
đường cho kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển, động lực cách mạng là tư
sản,công nhân,nông dân và nô lệ da đen.
Câu hỏi 14: “Nguyên nhân sâu xa và nguyên nhân trực tiếp của cuộc
nội chiến ở Mĩ?”
Câu hỏi này giúp học sinh nắm được nguyên nhân sâu xa và nguyên
nhân trực tiếp của cuộc nội chiến ở Mĩ.
* Về nguyên nhân sâu xa:
Cuộc chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ thắng lợi nhưng
nhiệm vụ của một cuộc cách mạng chưa hoàn thành: ruộng đất chưa giải quyết
theo nguyện vọng của nông dân,chế độ nô lệ tàn bạo vẫn được duy trì ở miền Nam.
12
Về kinh tế,chia làm 3 miền với 3 cơ cấu kinh tế khác nhau:
+ Miền Bắc công nghiệp phát triển
+ Miền Nam: kinh tế đồn điền dựa vào bóc lột sức lao động của nô lệ da đen
chiếm ưu thế.
+ Miền Tây: nông nghiệp chủ trại phát triển.
Về chính trị: Miền Nam chủ nô lớn mạnh, đưa được 11 người của mình
lên làm tổng thống trong số 16 tổng thống của Mĩ tính đến thời điểm bấy giờ.
Miền Bắc tư sản công thương đang phát triển lại bị cản trở bởi chế độ nô lệ. Sự
phát triển đối lập về kinh tế giữa hai miền làm nảy sinh mâu thuẫn giữa chủ nô
miên Nam với tư sản miên Bắc. Đây chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến cuộc
nội chiến ở Mĩ.
*Về nguyên nhân trực tiếp:
Năm 1860 Abraham Lincôn thuộc đảng cộng hoà - đại diện cho quyền
lợi của tư sản miền Bắc và trại chủ miền Tây đã trúng cử tổng thống. Sự kiện
này đe doạ đến quyền lợi của chủ nô miền Nam. Vì thế 11 bang ở miền Nam đã
tuyên bố tách khỏi Liên bang thành lập Hiệp bang,có chính phủ riêng,tổng
thống riêng và chuẩn bị để tấn công Liên bang.
Câu hỏi 15: “Cuộc nôi chiến ở Mĩ diễn ra như thế nào. Quá trình này
trải qua mấy giai đoạn?”
Câu hỏi này giúp học sinh hiểu được cuộc nội chiến ở Mĩ kéo dài 4 năm
(từ tháng 4/1861 đến tháng 5/1865). Đây là cuộc chiến tranh dài nhất và quyết
liệt nhất trong thế kỉ XIX do chủ nô miền Nam gây ra. Cuộc nội chiến này trải
qua 2 giai đoạn:
+ Giai đoạn 1: Ưu thế thuộc về chủ nô miên Nam vì giai cấp không muốn
tiến hành chiến tranh một cách kiên quyết,có tư tưởng thoả hiệp với chủ nô.
+ Giai đoạn 2: Ưu thế thuộc về tư sản công thương miền Bắc. Năm 1862
miền bắc đã thi hành những biện pháp cách mạng: Chia đất miền Tây cho tất cả
những ai muốn có đất,miễn là không tham gia phản loạn chống lại sự thống nhất
quốc gia,người được mua phải đóng 10 đôla và nếu không để đất không thì sau
5 năm có quyền sở hữu.
Đầu năm 1863 ra sắc lệnh xoá bỏ chế độ nô lệ, nô lệ da đen được giải phóng.
Với các chính sách trên của tư sản miền Bắc đã động viên đông đảo nông
dân và nô lệ tham gia vào quân đội Liên bang,tình thế cách mạng thay đổi, ưu
thế nghiêng về Liên bang.
13
Ngày 9/4/1865 quân đội Liên bang thắng trận quyết định ở Xaratôga,
tổng chỉ huy miền Nam đầu hàng,nội chiến kết thúc.
Câu hỏi này được sử dụng trong tiến trình bài học nhằm giúp học sinh nhớ sâu
sự kiện.
Câu hỏi 16: “Cuộc nội chiến ở Mĩ có những hạn chế gì?”
Câu hỏi này giúp học sinh thấy được những hạn chế của cuộc nội
chiến ở Mĩ:
+ Không thực sự giải phóng nô lệ da đen.
+ Tệ phân biệt chủng tộc vẫn diễn ra gay gắt.
+ Ruộng đất vẫn chưa được giải quyết thêo nguyện vọng của nhân dân.
Để trả lời câu hỏi này học sinh có thể dựa vào sách giáo khoa. Giáo
viên sử dụng câu hỏi này sau khi đã cho học sinh tìm hiểu nội dung của giai
đoạn 2 của cuộc nội chiến . Qua đó học sinh mới nhận xét được hạn chế của
cuộc nội chiến.
Câu hỏi 17: “Tính chất và ý nghĩa của cuộc nội chiến ở Mĩ?”
Câu hỏi này được sử dụng ở cuối mục 3,sau khi học sinh đã nắm được
nội dung cơ bản về nguyên nhân,diễn biến,kết quả của cuộc nội chiến ở Mĩ. Để
giúp học sinh tìm ra tính chất của cuộc nội chiến ở Mĩ,giáo viên phát vấn học
sinh: mục đích,lực lượng lãnh đạo, động lực. Từ đó các em rút ra tính chất của
cuộc nội chiến ở Mĩ.
Tính chất: Là cuộc cáh mạng tư sản lần thứ hai,một cuộc chiến tranh
chính nghĩa,tiến bộ,mang tính chất cách mạng chống lại chế độ nô lệ.
Ý nghĩa: Xoá bỏ chế độ nô lệ tồn tại dai dẳng ở Mĩ,tạo điều kiện cho
nền kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển mạnh mẽ ở Mĩ,Mĩ chuyển sang giai đoạn
chủ nghĩa đế quốc cùng với các nước tư bản Châu Âu.
Câu hỏi 18: “Em hãy rút ra các giai đoạn thắng lợi của chủ nghĩa tư
bản đối với chế độ phong kiến?”
Câu hỏi này được giáo viên đưa ra ở mục 3,giúp học sinh củng cố được
kiến thức đã học, đồng thời giúp học sinh hiểu được sau cuộc cách mạng tư sản
đầu tiên: cách mạng tư sản Anh,chiến tranh giành độc lập ở Bắc Mĩ,cách mạng
tư sản Pháp khẳng định thắng lợi bước đầu của giai cấp tư sản,xác lập nền kinh
tế tư bản chủ nghĩa. Đầu thế kỉ XIX, cách mạng tư sản đồng loạt nổ ra ở Mĩ
latinh,khai sinh ra các quốc gia tư bản: Haiti, Braxin
14
Phong trào cách mạng 1848 – 1849 phát huy ảnh hưởng rộng rãi ở các
nước Châu Âu còn lại,chế độ phong kiến bị tấn công dồn dập.
Với cuộc đấu tranh thống nhất Đức,Italia,cuộc nội chiến ở Mĩ, chủ nghĩa
tư bản đã thực sự trở thành hệ thống thế giới,khẳng định sự thắng thế của chủ
nghĩa tư bản đối với chế độ phong kiến.
II. 4. Kết quả thực nghiệm:
Sau khi chuẩn bị giáo án với việc sử dung hệ thống câu hỏi nêu vấn đề và câu
hỏi giải quyết vấn đề như tôi đã trình bày ở trên,tôi đã tiến hành giảng dạy thực
nghiệm ở 4 lớp 10 - trường THPT Hoằng Hoá IV. 10A4 - 52 học sinh và 10A8-
50 học sinh,là 2 lớp ban khoa học tự nhiên; 10A5 – 47 học sinh,10A6 – 49 học
sinh, là 2 lớp ban cơ bản.
Kết quả như sau:
Kết quả
Lớp 10 A4
52HS
Lớp 10A8
50HS
Lớp 10A5
47HS
Lớp 10A6
49HS
0đ -> 4.9 đ 0HS (0%) 0HS(0%) 2HS(4%) 1HS(2%)
5.0đ -> 7.9đ 31HS(60%) 31HS(62%) 33HS(70%) 33HS(67%)
8.0đ-> 10đ 21HS(40%) 19HS(38%) 12HS(26%) 15HS(31%)
PHẦN III: KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT
15
III.1. Kết luận :
Việc phát triển các hoạt động nhận thức độc lập nhất là tư duy độc lập và
sáng tạo của học sinh có ý nghĩa đặc biệt đối với hiệu quả bài học. Hoạt động
nhận thức độc lập của học sinh là một trong những điều kiện quan trọng trong
việc nâng cao hiệu quả giảng dạy,giáo dục và phát triển toàn diện nhân cách học
sinh.
Hoạt động nhận thức độc lập của học sinh sẽ đảm bảo kết quả lĩnh hội
kiến thức của các em. Có hai loại lĩnh hội kiến thức: lĩnh hội sáng tạo dựa trên
cơ sở hoạt động tư duy độc lập và lĩnh hội tái tạo dựa trên cơ sở nhớ lại và hiểu
biết những kiến thức có sẵn. Trong dạy học bài 33 “Hoàn thành cách mạng tư
sản ở châu âu và Mĩ giữa thế kỉ XIX” tôi đã kết hợp cả hai loại lĩnh hội
này,song đặc biệt chú ý đến lĩnh hội sáng tạo trên cơ sở hoạt động tư duy độc
lập. Nắm vững nội dung sẽ xác định phương pháp dạy học tốt,sử dụng phương
pháp tốt sẽ giúp học sinh nắm vững nội dung bài học. Chuẩn bị bài học lịch sử là
chuẩn bị một cách toàn diện nội dung,phương pháp,các phương tiện dạy học để
đạt hiệu quả cao.
Hiệu quả của bài học còn được thể hiện ở việc phát triển toàn diện học
sinh, đặc biệt là năng lực nhận thức như tri giác,trí tưởng tượng,trí nhớ,tư duy
Việc phát triển các năng lực nhận thức không thể tách rời các yếu tố của nhân
cách như: chú ý,xúc cảm lịch sử,hứng thú học tập, ý chí Ngoài ra giáo viên
cũng không quên hình thành cho các em lòng ham muốn và khả năng tham gia
tích cực,có hiệu quả các hoạt động xã hội,chính trị và lao động sản xuất. Đồng
thời việc phát triển các năng lực nhận thức,giáo viên phát triển các kĩ năng,kĩ
xảo của học sinh,nhất là khả năng tư duy như phân tích,so sánh,tổng hợp,khái
quát và các kĩ năng thực hành bộ môn.
Phương pháp dạy học không phải là kinh nghiệm,thủ thuật trong dạy
học,theo từng công việc cụ thể,như vậy sẽ tản mạn,không tập trung vào mục
đích chính của nó,trên cơ sở khoa học. Phương pháp dạy học lịch sử là con
đường,cách thức hoạt động của thầy và trò trong quá trình thống nhất của việc
giảng dạy và học tập nhằm truyền thụ và tiếp thu kiến thức lịch sử. Trong quá
trình này,giáo viên là người tổ chức,lãnh đạo,hướng dẫn quá trình học tập và học
sinh phải giữ vai trò chủ thể,trung tâm. Có nhiều con đường,phương pháp khác
16
nhau để phát triển các hoạt động nhận thức độc lập của học sinh,phổ biến và có
tác dụng lớn nhất là vận dụng phương pháp dạy học nêu vấn đề.
Việc nhận thức lịch sử phải thông qua hoạt động tư duy của học
sinh,không phải là sự áp đặt chủ quan,công thức. Vì vậy giáo viên phải đặt vấn
đề và hướng dẫn học sinh giải quyết vấn đề. Học sinh phải tự mình nhận thức
bản chất của sự kiện lịch sử,vận dụng những tri thức đã học để giải thích lịch sử
và tuỳ trình độ mà nêu khái quát sự kiện,quá trình lịch sử. Phương pháp nhận
thức lịch sử chủ yếu được tiến hành thông qua dạy học nêu vấn đề,nêu câu hỏi
có tính chất bài tập nhận thức.
Thông qua việc sử dụng hệ thống câu hỏi nêu vấn đề để dạy học bài 33
“Hoàn thành cách mạng tư sản ở Châu Âu và Mĩ giữa thế kỉ XIX” tôi hy
vọng sẽ tăng thêm hiệu quả của việc dạy học,học sinh sẽ chủ động trong việc
lĩnh hội kiến thức lịch sử cũng như sẽ phát huy hơn nữa tinh thần học bộ môn
lịch sử của các em. Đồng thời cũng thông qua đề tài nghiên cứu này,sẽ góp phần
làm phong phú thêm những kinh nghiệm trong đổi mới phương pháp dạy học
của đồng nghiệp khi dạy về nội dung cách mạng tư sản thời cận đại.
III.2. Đề xuất:
Xuất phát từ thực tiễn dạy học hiện nay ở trường THPT,với những khó
khăn mà những giáo viên lịch sử như chúng tôi đang trải qua, đó là những hạn
chế trong cơ sở vật chất,trang thiết bị dạy học,những hạn hẹp trong quỹ thời gian
học các buổi ngoại khoá,tham quan lịch sử trong khuôn khổ phân phối chương
trình Chúng tôi,những người giáo viên lịch sử khó có thể truyền tải những kiến
thức lịch sử đến các em một cách đầy đủ và hoàn thiện hơn. Lại càng khó hơn
khi nói đến việc truyền lại cho các em nhiệt huyết lịch sử. Từ đó để thu hút
những nhân tài thực sự cho nghành khoa học lịch sử nói chung và sư phạm lịch
sử nói riêng sẽ gặp nhiều khó khăn,thậm chí là những nan giải.
Từ những suy nghĩ này, tôi mạnh dạn đề xuất một số giải pháp sau:
* Đối với cấp bộ,nghành: Biên soạn một bộ sách giáo khoa lịch sử từ
khối 10 đến khối 12 thật sự chuẩn về kiến thức,gọn về chương trình,hấp dẫn về
cách thể hiện là cần thiết. Thời lượng trung bình để học môn lịch sử hiện nay ở
các khối lớp là 1,5 tiết /tuần là quá ít ỏi so với lượng kiến thức lịch sử ngày càng
tăng,học lịch sử như vậy chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa”. Do đó nên tăng thêm số
tiết học bộ môn lịch sử trên tuần. Tăng thêm các tiết học ngoại khoá,tham quan
17
lịch sử,hay các tiết học dạ hội lịch sử cũng rất bổ ích đối với môn học này
nhằm hấp dẫn hơn môn học lịch sử vốn bị học sinh hiện nay cho rằng học lịch
sử khô khan,khó học, khó nhớ Nên có các chính sách thu hút những học sinh
khá giỏi thi vào sư phạm lịch sử hoặc là nghiên cứu lịch sử, đồng thời cũng nên
giải quyết tốt khâu đầu ra đối với những sinh viên lịch sử
* Đối với các cấp địa phương và nhà trường: Nên có các biện pháp phối
hợp để đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất,trang thiết bị dể dạy và học lịch sử. Xây
dựng phòng học lịch sử là một yêu cầu rất cần của bộ môn này. Phòng học lịch
sử tạo điều kiện cho việc dạy và học lịch sử đạt hiệu quả cao. Những trang thiết
bị trong phòng học lịch sử sẽ gây được hứng thú học tập cho học sinh,giúp các
em say mê với môn học,khơi dậy sự tích cực nhận thức,nâng cao hiệu quả giáo
dục tư tưởng,tình cảm, đạo đức cho học sinh. Tổ chức học tập trong phòng học
lịch sử không chỉ góp phần phát triển óc quan sát, đánh giá các sự kiện lịch sử
mà còn góp phần phát triển óc tư duy,tưởng tượng,thẫm mĩ của các em khi các
em tự xây dựng các đồ dùng trực quan học tập dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
Đồng thời việc xây dựng phòng học lịch sử còn phát huy sự sáng tạo trong lao
động sư phạm của giáo viên,là cơ sở để giáo viên nghiên cứu về phương pháp
bộ môn.
Trong khuôn khổ của một sáng kiến kinh nghiệm,chắc hẳn không thể
tránh khỏi những tư duy mang tính chủ quan.Tôi rất mong nhận được sự góp ý
chân thành của đồng nghiệp và bạn đọc quan tâm.
18
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Sách giáo khoa môn lịch sử lớp 10 –NXB Giáo dục.
2. Sách giáo viên môn lịch sử lớp 10 – NXB Giáo dục.
3. Dạy học theo chuẩn kiến thức,lớp 10 – NXB Giáo dục.
4. Phương pháp dạy học lịch sử - NXB Giáo dục
5. Phương pháp luận sử học – NXB Đại học quốc gia Hà Nội.
6. Tài liệu bồi dưỡng giáo viên SGK lớp 10 môn lịch sử - NXB Giáo dục.
7. Thiết kế bài giảng lịch sử ở trường THPT – NXB Đại học quốc gia Hà Nội
8. Lịch sử thế giới cận đại – NXB Giáo dục.
9. Những mẩu chuyện lịch sử thế giới -tập 3 –NXB Giáo dục.
10. Kênh hình - Lịch sử lớp 10- NXB Giáo dục.
11.Bài tập lịch sử ,lớp 10 – NXB Giáo dục.
19
PHỤ LỤC
Nội dung Trang
Phần I: Đặt vấn đề. 1
I.1. Lí do chọn đề tài . 1
I.2. Mục đích,yêu cầu. 3
Phần II: Giải quyết vấn đề . 4
II.1. Cở sở lí luận của vấn đề . 4
II.2. Thực trạng vấn đề. 6
II.3. Giải pháp và tổ chức thực hiện. 6
II.4. Kết quả thực nghiệm. 14
Phần III: Kết luận và đề xuất. 15
III.1. Kết luận. 15
III.2. Đề xuất. 16
Tài liệu tham khảo. 18
XÁC NHẬN CỦA
THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
Thanh Hóa, ngày 20 tháng 05 năm 2013
Tôi xin cam đoan đây là SKKN của mình viết,
không sao chép nội dung của người khác.
Tác giả
Nguyễn Thị Giang
20