Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

Báo cáo nghiên cứu khoa học: "GIỚI THIỆU QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ AN TOÀN CHÁY CHO NHÀ VÀ CÔNG TRÌNH" pdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (226.77 KB, 7 trang )


GIỚI THIỆU QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ
AN TOÀN CHÁY CHO NHÀ VÀ CÔNG TRÌNH

PGS. TS. CAO DUY TIẾN, TS. NGUYỄN CAO DƯƠNG, ThS. HOÀNG ANH GIANG
Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng

Tóm tắt:
Ngày 28 tháng 7 năm 2010, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký thông tư số
07/2010/TT-BXD ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công
trình, mã số QCVN 06: 2010/BXD có hiệu lực từ ngày 17/9/2010. Quy chuẩn do Viện KHCN
Xây dựng – Bộ Xây dựng phối hợp với Cục Phòng cháy chữa cháy – Bộ Công an biên soạn.
Để giúp độc giả nghiên cứu, sử dụng Quy chuẩn này, nhóm biên soạn xin thuyết minh thêm
về cơ sở biên soạn và lưu ý một số nội dung khi sử dụng Quy chuẩn.

1. Sự cần thiết của Quy chuẩn
Để tăng cường hiệu lực trong việc quản lý và thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy
đối với các công trình xây dựng, bên cạnh các văn bản pháp luật (Luật, Nghị định) của Nhà
nước về công tác này đòi hỏi cần có các văn bản pháp quy kỹ thuật (Quy chuẩn, tiêu chuẩn
kỹ thuật) đồng bộ và thống nhất liên quan đến vấn đề phòng cháy, chống cháy cho nhà và
công trình trên tất cả các khâu thiết kế, thi công xây dựng và sử dụng công trình.
Thời gian qua, để quản lý kỹ thuật an toàn cháy cho nhà và công trình xây dựng, chúng ta
dựa chủ yếu vào tiêu chuẩn TCVN 2622:1995 – “Phòng cháy, chống cháy cho nhà và công
trình – Yêu cầu thiết kế”. Tiêu chuẩn đã đưa ra các yêu cầu cơ bản về phòng cháy, chống
cháy khi thiết kế các công trình xây dựng. Tiêu chuẩn này được biên soạn từ những năm
1960, dựa trên hệ thống các tiêu chuẩn tương ứng của Liên Xô (cũ), được soát xét lần 1 năm
1978 và lần 2 năm 1995. Tiêu chuẩn TCVN 2622:1995 còn được coi như một tiêu chuẩn kỹ
thuật có tính cơ sở chung nhất, để từ đó làm chỗ dựa cho việc hình thành các tiêu chuẩn khác,
đưa ra các yêu cầu cụ thể hơn về PCCC cho từng đối tượng công trình như:
- TCVN 6160:1996 – Phòng cháy, chống cháy nhà cao tầng – Yêu cầu thiết kế;
- TCVN 6161:1996 – Phòng cháy chống cháy chợ và Trung tâm thương mại – Yêu cầu


thiết kế;
- Và một số tiêu chuẩn khác.
Năm 1997, Bộ Xây dựng đã cho ban hành “Quy chuẩn xây dựng Việt Nam”, trong đó vấn
đề an toàn cháy cho nhà và công trình được thể hiện tại chương 11: “Phòng chống cháy”. Nội
dung của chương này về cơ bản thống nhất với các quy định của tiêu chuẩn TCVN
2622:1995.
Các văn bản pháp quy kỹ thuật về PCCC cho nhà và công trình nêu trên đã góp phần tích
cực trong việc quản lý và thực hiện công tác PCCC ở Việt Nam thời gian qua. Tuy nhiên,
trước nhu cầu phát triển của nền kinh tế đất nước và hội nhập với kinh tế thế giới, các quy
chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC cho nhà và công trình của chúng ta hiện nay đang có nhiều bất
cập cần được xem xét, điều chỉnh theo một định hướng thống nhất, đồng bộ phù hợp với điều
kiện cụ thể của Việt Nam và đáp ứng được nhu cầu hội nhập chung của nền kinh tế đất nước
trong thời gian tới.
Từ những lý do trên, việc nghiên cứu biên soạn một Quy chuẩn về an toàn cháy cho nhà
và công trình đáp ứng các yêu cầu mới đặt ra là rất cần thiết.
2. Cơ sở biên soạn Quy chuẩn
Viện KHCN Xây dựng được Bộ Xây dựng giao chủ trì biên soạn “Quy chuẩn kỹ thuật
quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình”.
Có thể nói, đây là lần đầu tiên, một Quy chuẩn trong lĩnh vực xây dựng chuyên về phòng
cháy, chống cháy cho nhà và công trình được biên soạn ở Việt Nam, tại thời điểm mà vai trò
“Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia” của nó được khẳng định rõ ràng hơn theo Luật tiêu chuẩn và
quy chuẩn kỹ thuật. Ngoài ra, Quy chuẩn này còn phải đảm bảo đáp ứng các yêu cầu quy
định của Luật Xây dựng và Luật phòng cháy và chữa cháy trong quá trình biên soạn cũng
như ban hành đưa Quy chuẩn áp dụng vào thực tế. Cũng chính vì vậy, việc biên soạn Quy
chuẩn đã có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ Xây dựng, đồng thời có sự tham gia phối hợp
rất chặt chẽ của Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn (PCCC& CHCN)
ngay từ những bước định hướng ban đầu cũng như trong suốt quá trình biên soạn và đến các
bước hoàn tất công việc biên soạn Quy chuẩn. Theo tinh thần trên, các vấn đề đã được đặt ra
xem xét trong quá trình biên soạn Quy chuẩn là:
- Quy chuẩn phải đặt ra được các yêu cầu chung, quy định chung có tính nguyên tắc trong

việc thực hiện các giải pháp kỹ thuật an toàn cháy và thống nhất áp dụng cho các loại nhà và
công trình xây dựng;
- Quy chuẩn phải là một tài liệu chuẩn có tính cơ sở cho việc thống nhất biên soạn, hoàn
chỉnh hệ thống các tài liệu chuẩn quy định các yêu cầu cụ thể hơn về an toàn cháy phù hợp
cho từng đối tượng công trình, và từng khía cạnh kỹ thuật có liên quan của công trình;
- Tiếp thu những vấn đề mới, hiện đại của khoa học công nghệ để Quy chuẩn đáp ứng
được nhu cầu hội nhập kinh tế hiện nay, đồng thời vẫn phải phù hợp với các điều kiện thực tế
của Việt Nam;
- Trong lúc chưa thể có ngay được một hệ thống đầy đủ các tài liệu chuẩn có liên quan,
Quy chuẩn cần đề cập những vấn đề thật cần thiết trước mắt, không chỉ đưa ra những yêu cầu
chung, mà cần có các quy định, yêu cầu kỹ thuật cụ thể trong một phạm vi nhất định các công
trình thông dụng và phổ biến, tập trung vào các giải pháp cơ bản nhất của an toàn cháy là:
thoát nạn cho người khi xảy ra cháy, chống cháy lan và chữa cháy cứu nạn;
- Nghiên cứu, kế thừa một cách hài hòa các nội dung cơ bản của các tài liệu chuẩn hiện
hành như TCVN 2622:1995, chương 11 – Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam (1997), để sự
chuyển đổi tiếp cận các vấn đề mới hiện đại không gây xáo trộn nhiều trong hệ thống tiêu
chuẩn hiện hành, tránh gây vướng mắc cho áp dụng thực tế.
Để đáp ứng các yêu cầu trên, trong quá trình biên soạn, ngoài việc nghiên cứu kỹ các văn
bản pháp quy kỹ thuật hiện hành có liên quan của Việt Nam, nhóm đề tài đã tham khảo chi
tiết nội dung của những quy chuẩn tương ứng của nước ngoài bao gồm:
- Hoa Kỳ:
+ NFPA – 101 Life Safety Code;
+ NFPA – 1 Uniform Fire Code.
- Vương quốc Anh: Building Regulation – Approved Document B – 2000;
- Singapore: Fire Code 2002;
- Nga:
СНиП
21-01-97*
(2002)
Пожарная Безопасность Зданий И Сооружений;



- Úc, Trung Quốc,
Về cơ bản, các tài liệu trên đều đã được biên soạn bởi những Ủy ban kỹ thuật gồm các
chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực PCCC cho nhà và công trình, do vậy đều đáng
tin cậy về mặt nội dung. Tuy nhiên, mỗi tài liệu đều có cách tiếp cận riêng phù hợp với từng
hệ thống quản lý và hạ tầng kỹ thuật cũng như thói quen thiết kế ở các quốc gia tương ứng.
Trong điều kiện cụ thể của nước ta, chúng tôi cho rằng cần lựa chọn một tài liệu gốc làm cơ
sở cho việc biên soạn phù hợp với yêu cầu đặt ra trong các điều kiện cụ thể hiện nay, cũng
như đáp ứng các bước tiếp theo trong việc hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp quy kỹ thuật
về PCCC cho nhà và công trình.
Qua việc nghiên cứu các tài liệu Quy chuẩn, tiêu chuẩn trong và ngoài nước có liên quan
ở trên, bám sát các mục tiêu đề ra, tranh thủ ngay từ đầu mọi ý kiến góp ý của Cục Cảnh sát
PCCC và CHCN, nhóm biên soạn đã thống nhất kiến nghị sử dụng tài liệu
СНиП
21-01-97*
(2002) của Nga làm tài liệu cơ sở cho việc biên soạn Quy chuẩn này. Đồng thời có xem xét
bổ sung phù hợp các kết quả mới hoặc mở rộng hơn từ các tài liệu tương đương của các nước
khác, cũng như từ các tài liệu chuẩn khác có liên quan của Nga, nhằm làm tăng tính thích ứng
và thuận lợi cho việc áp dụng của Quy chuẩn.
Sau một thời gian dài triển khai biên soạn Quy chuẩn, với sự phối hợp chặt chẽ của các
chuyên gia thuộc Cục Cảnh sát PCCC và CHCN, qua nhiều cuộc hội thảo, có sự tham gia
đóng góp ý kiến của tất cả các phòng chuyên môn của Cục Cảnh sát PCCC và CHCN, của

nhiều cơ quan quản lý PCCC và quản lý xây dựng ở các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội,
thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, của các chuyên gia trường Đại học Phòng cháy chữa
cháy , đồng thời tuân thủ đúng trình tự theo quy định về biên soạn tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ
thuật hiện hành, đến nay Quy chuẩn đã được Bộ trưởng Bộ Xây dựng chính thức cho ban
hành với mã số QCVN 06:2010/BXD. Chúng tôi xin giới thiệu sâu hơn về nội dung của Quy
chuẩn này.

3. Giới thiệu nội dung Quy chuẩn
3.1. Bố cục của Quy chuẩn
Bố cục của Quy chuẩn bao gồm các phần sau:
1. Quy định chung
2. Phân loại kỹ thuật về cháy
3. Bảo đảm an toàn cho người
4. Ngăn chặn cháy lan
5. Chữa cháy và cứu nạn
Phụ lục A: Giải thích từ ngữ
Phụ lục B: Phân loại vật liệu xây dựng theo các đặc trưng cháy
Phụ lục C: Phân hạng nhà và các gian phòng theo tính nguy hiểm cháy và cháy nổ
Phụ lục D: Các quy định bảo vệ chống khói cho nhà và công trình
Phụ lục E: Yêu cầu về khoảng cách PCCC giữa các nhà và công trình
Phụ lục F: Giới hạn chịu lửa danh định của một số cấu kiện kết cấu
Phụ lục G: Quy định về khoảng cách đến các lối thoát nạn và chiều rộng của lối thoát nạn
Phụ lục H: Một số quy định về số tầng giới hạn và diện tích khoang cháy của nhà
3.2. Giới thiệu nội dung các phần của Quy chuẩn
Phần 1 – Quy định chung
Phần 1 có các mục sau:
1.1 – Phạm vi điều chỉnh
1.2 – Đối tượng áp dụng
1.3 – Giải thích từ ngữ
1.4 – Các quy định chung
Phần này đề cập các vấn đề chính sau:
- Nêu rõ Quy chuẩn đưa ra các yêu cầu chung nhất về an toàn cháy và các tiêu chí kỹ thuật
thống nhất về an toàn cháy cho nhà và công trình;
- Khẳng định vai trò và phạm vi áp dụng của Quy chuẩn trong hệ thống quy chuẩn, tiêu
chuẩn xây dựng, nêu phương pháp áp dụng Quy chuẩn và cách thức giải quyết các vướng
mắc có thể khi áp dụng Quy chuẩn vào thực tế;
- Nhấn mạnh chủ yếu đến các giải pháp: thoát nạn cho người, chống cháy lan và chữa

cháy, cứu nạn.
Phần 2 – Phân loại kỹ thuật về cháy
Phần này đưa ra các tiêu chí kỹ thuật về cháy cho các đối tượng công trình và các bộ phận
công trình, trên cơ sở xem xét các đặc tính bất lợi và có lợi của chúng đối với vấn đề an toàn
cháy. Các đối tượng cụ thể được phân loại là:
2.2 – Vật liệu xây dựng
2.3 – Cấu kiện xây dựng
2.4 – Bộ phận ngăn cháy
2.5 – Cầu thang và buồng thang bộ
2.6 – Nhà, khoang cháy, gian phòng
Có thể nói phần này thể hiện rõ nhất tính mới và tiến bộ hơn so với các quy chuẩn, tiêu
chuẩn hiện hành (TCVN 2622:1995, chương 11 Quy chuẩn xây dựng 1997) ở những điểm
sau:
- Đưa ra được một tập hợp các tiêu chí phân loại kỹ thuật về cháy chặt chẽ và khoa học,
giúp cho việc thống nhất trong quản lý, thiết kế và kiểm tra các giải pháp kỹ thuật an toàn
cháy cho các loại nhà và công trình;
- Nhiều vấn đề mới đã được đưa vào nhằm đảm bảo vấn đề an toàn cháy được kiểm soát
chặt chẽ hơn như:
+ Kiểm soát thêm nhiều đặc trưng nguy hiểm cháy của vật liệu như: tính cháy, tính bắt
cháy, tính lan truyền lửa, sinh khói, khí độc;
+ Làm rõ khả năng chịu lửa của cấu kiện cụ thể bằng các tiêu chí: chịu lực, toàn vẹn và
cách nhiệt;
+ Đối với nhà và công trình, ngoài yêu cầu phân loại theo bậc chịu lửa, còn yêu cầu phân
loại theo cấp nguy hiểm cháy kết cấu, theo nhóm nguy hiểm cháy về công năng, và theo hạng
nguy hiểm cháy và cháy nổ của các công trình sản xuất;
+ Bộ phận ngăn cháy được xem xét ở dạng một tổ hợp các bộ phận cấu thành một cách
chặt chẽ, đặt ra yêu cầu kỹ thuật cụ thể cho từng bộ phận cấu thành đó;
+ Cầu thang và buồng thang bộ dùng cho thoát nạn cũng đã được tổng hợp đầy đủ và phân
loại rõ ràng, có các loại thông thường và các loại không nhiễm khói.
- Nêu rõ các tiêu chí kỹ thuật về cháy phải được xác định thông qua thử nghiệm với các

tiêu chuẩn thí nghiệm xác định như:
+ Đối với cấu kiện xây dựng: thí nghiệm theo TCXDVN 342:2005 đến TCXDVN
348:2008;
+ Đối với vật liệu xây dựng: thí nghiệm theo các tiêu chuẩn cho trong phụ lục B.
- Để thuận tiện cho việc áp dụng vào thực tế, trong phần này có đưa bổ sung thêm phụ lục
F. Phụ lục này đưa ra các bảng tra giới hạn chịu lửa danh định của nhiều loại cấu kiện kết cấu
thường gặp trong xây dựng hiện đại. Có thể sử dụng bảng tra này để xác định giới hạn chịu
lửa của các cấu kiện kết cấu tương đương mà không cần phải thử nghiệm.
- Việc phân hạng nhà theo tính nguy hiểm cháy và cháy nổ cũng được quy định rõ ràng và
cụ thể hơn (cho ở phụ lục C).
Phần 3 – Đảm bảo an toàn cho người
Phần này có các mục sau:
3.1 – Quy định chung
3.2 – Lối ra thoát nạn và lối ra khẩn cấp
3.3 – Đường thoát nạn
3.4 – Cầu thang bộ và buồng thang bộ trên đường thoát nạn
Đảm bảo an toàn cho người khi có cháy là mục tiêu hàng đầu của Quy chuẩn, phần này có
một số nội dung cơ bản sau:
- Mục 3.1, quy định chung: đặt ra các yêu cầu chung để đảm bảo an toàn cho con người
(thoát nạn) khi xảy ra cháy trong thiết kế công trình. Đó là tổ hợp các giải pháp về bố trí mặt
bằng, giải pháp kết cấu, sử dụng vật liệu, giải pháp kỹ thuật công trình và tổ chức thực hiện
việc thoát nạn. Nó liên quan đến việc bố trí, thiết kế phù hợp và an toàn cho các lối ra thoát
nạn, đường thoát nạn và cầu thang thoát nạn của công trình;
- Mục 3.2, lối ra thoát nạn: đặt ra các điều kiện cần thiết để một lối ra của một gian phòng,
của một tầng, của một ngôi nhà đáp ứng yêu cầu của lối ra thoát nạn, đồng thời quy định cách
tính toán hợp lý số lượng và kích thước các lối ra thoát nạn phù hợp cho từng đối tượng công
trình.
Để có thể tính toán thiết kế được ngay số lượng và kích thước của các lối ra thoát nạn cho
một số công trình thông dụng, Quy chuẩn có bổ sung thêm phụ lục G. Phụ lục này đưa ra các
quy định định lượng cho một số thông số kỹ thuật có liên quan trong quá trình tính toán, thiết

kế lối ra thoát nạn, phù hợp cho từng đối tượng công trình như:
+ Khoảng cách giới hạn cho phép từ chỗ xa nhất của gian phòng tới lối ra thoát nạn gần
nhất;
+ Khoảng cách giới hạn cho phép từ cửa ra vào của gian phòng tới lối ra thoát nạn gần
nhất của tầng;
+ Định mức về số lượng người cần thoát nạn trên 1m chiều rộng của lối ra thoát nạn;
+ Hệ số không gian sàn (mét vuông sàn cho một người) ở các khu vực sử dụng khác nhau,
để tính số lượng người lớn nhất.

Có thể nói, phụ lục G với đầy đủ các quy định định lượng trên cũng là một tiến bộ mới
của Quy chuẩn so với các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành về PCCC cho nhà và công trình.
- Mục 3.2, lối ra thoát nạn còn đề cập một số các yêu cầu khác có liên quan như:
+ Quy định cửa trên lối ra thoát nạn (hướng mở, khả năng chịu lửa, ngăn khói );
+ Quy định việc sử dụng các lối ra khẩn cấp (lối ra không thỏa mãn yêu cầu là một lối ra
thoát nạn).
- Mục 3.4, đường thoát nạn đặt ra một số quy định đáp ứng các câu hỏi sau:
+ Điều kiện thông thoáng, có chiếu sáng và biển báo trên đường thoát nạn?
+ Yêu cầu chiều dài, chiều rộng, chiều cao của đường thoát nạn?
+ Yêu cầu vật liệu hoàn thiện sàn, tường, trần của đường thoát nạn?
+ Yêu cầu bảo vệ chống xâm nhập của lửa, khói vào đường thoát nạn?
+ Các khu vực không được coi là đường thoát nạn?
- Mục 3.4, cầu thang bộ và buồng thang bộ trên đường thoát nạn đặt ra một số yêu cầu kỹ
thuật sau:
+ Yêu cầu số lượng tính toán các cầu thang bộ, buồng thang bộ;
+ Yêu cầu kích thước, độ dốc của bản thang và chiếu thang của cầu thang bộ;
+ Điều kiện thông thoáng và an toàn trong buồng thang bộ;
+ Yêu cầu bảo vệ chống xâm nhập của lửa, khói vào buồng thang bộ.
- Mục buồng thang bộ trong phần này đã có một số quy định mới, đặt ra điều kiện lựa
chọn sử dụng các cầu thang bộ và buồng thang bộ sao cho phù hợp với từng đối tượng công
trình và chiều cao công trình, đặc biệt là cách lựa chọn sử dụng các buồng thang bộ không

nhiễm khói. Cầu thang bộ hở nói chung không được sử dụng cho mục đích thoát nạn.
- Việc bảo vệ chống khói xâm nhập vào đường thoát nạn và vào buồng thang bộ trên
đường thoát nạn còn được bổ sung các quy định cụ thể hơn trong phụ lục D của Quy chuẩn.
Đây cũng là vấn đề mới của Quy chuẩn này.
Phần 4 – Ngăn chặn cháy lan
- Đây cũng là một phần chính của Quy chuẩn, đặt ra các yêu cầu quy định sử dụng các
giải pháp kết cấu, quy hoạch không gian và vật liệu để ngăn cản sự lan truyền của lửa khói và
các yếu tố nguy hiểm cháy trong một gian phòng, giữa các gian phòng với nhau, giữa các
nhóm gian phòng, giữa các tầng, giữa các khoang cháy và giữa các ngôi nhà với nhau.
- Để có thể thiết lập được giải pháp ngăn chặn cháy lan giữa các khoang cháy và giữa các
ngôi nhà với nhau, Quy chuẩn có bổ sung thêm phụ lục H và phụ lục E. Phụ lục H, quy định
diện tích cho phép của một khoang cháy phù hợp cho từng đối tượng công trình, với các
chiều cao khác nhau. Phụ lục E quy định khoảng cách PCCC giữa các ngôi nhà phù hợp cho
từng loại nhà.
Một vấn đề mới trong phần này là cho phép các ngôi nhà có thể có khoảng cách gần nhau
hoặc sát nhau nhưng phải được xử lý bằng các tường ngăn cháy phù hợp. Vấn đề này cũng
được quy định định lượng cụ thể trong phụ lục E.
- Vấn đề ngăn chặn cháy lan còn được đề cập ở các khía cạnh kỹ thuật sau:
+ Bố trí hợp lý các gian phòng có nguy hiểm cháy trong ngôi nhà;
+ Bố trí và xử lý các mối tiếp giáp giữa các đường ống kỹ thuật với các kết cấu tường, sàn
ngăn cháy;
+ Các giải pháp ngăn cháy, lan khói trong các giếng kỹ thuật, giếng thang máy, ống đổ
rác ;
+ Yêu cầu kỹ thuật các cửa và van ngăn cháy phù hợp;
+ Yêu cầu sử dụng các khoang đệm ngăn cháy phù hợp;
+ Yêu cầu bố trí hợp lý các kênh, giếng, đường ống vận chuyển khí cháy, chất lỏng cháy;
+ Yêu cầu trang bị các hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động phù hợp cho từng đối
tượng công trình.
Phần 5 – Chữa cháy và cứu nạn.
- Phần này đưa ra một số yêu cầu tối thiểu cần thiết, tạo điều kiện cho vấn đề chữa cháy và

cứu nạn được hiệu quả. Đó là yêu cầu về:
+ Bố trí và yêu cầu kỹ thuật các đường cho xe chữa cháy
+ Bố trí thang chữa cháy, thang máy chữa cháy
+ Bố trí đường ống cấp nước chữa cháy và nguồn nước chữa cháy
+ Bố trí lối tiếp cận an toàn cho lực lượng chữa cháy tới được khu vực cháy
+ Bố trí phòng trực điều khiển chống cháy.
- Một vấn đề mới trong phần này là yêu cầu về thang máy chữa cháy đã được cụ thể hơn
như: nhà có chiều cao trên 28m phải có thang máy chữa cháy
4. Kết luận
Quy chuẩn biên soạn lần này được dựa vào một hệ thống các tài liệu chuẩn có nhiều ưu
điểm: cập nhật nhiều vấn đề mới, hiện đại nhưng cũng rất cơ bản, đồng thời có tính đồng bộ và
có xu hướng hội nhập rõ rệt với thế giới. Mặt khác, hệ thống tiêu chuẩn này cũng có nhiều
điểm tương đồng, phù hợp với hệ thống tiêu chuẩn hiện có của Việt Nam. Vì vậy, Quy chuẩn
có thể vận dụng ngay vào thực tế, đáp ứng yêu cầu quản lý và thực hiện công tác PCCC trong
thời gian tới.
Mặc dù đã có được nhiều quy định cụ thể để Quy chuẩn có thể áp dụng được ngay vào
thực tế, nhưng cũng cần nhấn mạnh lại: Quy chuẩn là tài liệu có tính cơ sở, quy định những
yêu cầu tối thiểu cần thiết. Để đảm bảo tính đồng bộ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp
dụng vào thực tế, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy nhanh việc biên soạn và phổ biến các
quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật (kể cả các tiêu chuẩn tính toán thiết kế và thử nghiệm), đi sâu
đề cập những vấn đề cụ thể hơn phù hợp cho từng đối tượng công trình, từng bộ phận công
trình, từng giải pháp kỹ thuật của công trình có liên quan đến an toàn cháy.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. СНиП 21-01-97* (2002) Пожарная Безопасность Зданий и Сооружений (An toàn cháy
cho nhà và công trình).
2. TCVN 2622:1995 – Phòng cháy, chống cháy cho nhà và công trình – Yêu cầu thiết kế.
3. Quy chuẩn xây dựng Việt Nam – 1997 chương 11 – Phòng chống cháy.
4. Những văn bản quy phạm pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.
Nhà xuất bản Công an
nhân dân – Hà Nội, 2006.

5. ГОСТ 12.1.044-89(1991) Пожаровзрывоопасность Веществ и Материалов
Номенклатура Показателей и Методы Их Определения (Tính nguy hiểm cháy nổ của
các chất và vật liệu, ký hiệu đặt tên các chỉ số và phương pháp xác định chúng).
6. ГОСТ 30403-96 Конструкции Строительные - Метод Определения Пожарной
Опасности (Cấu kiện xây dựng – Phương pháp xác định tính nguy hiểm cháy).
7. НПБ 105-95 Определение Категорий Помещений И Зданий По Взрывопожарной и
Пожарной Опасности (Xác định hạng của nhà và gian phòng theo tính nguy hiểm cháy
và cháy nổ).
8. СНиП 2.07.01-89* (1990) Градостроительство. Планировка и Застройка Городских и
Сельских Поселений (Quy hoạch và xây dựng khu dân cư đô thị và nông thôn).
9. СНиП II-89-80

(1982) Генеральные Планы Промышленных Предприятий (Mặt bằng
tổng thể các xí nghiệp công nghiệp).
10. СНиП 41.01(2003) Отопление, Вентиляция и Кондиционирование (Hệ thống sưởi,
thông gió và điều hòa không khí).
11. СНиП 2.08.01-89* (1994) Жилые Здания (Nhà ở).
12. СНиП 31-01-2003 Здания Жилые Многоквартирные (Nhà ở nhiều căn hộ).
13. СНиП 2.08.02-89* (2003) Общественные здания и сооружения (Nhà và công trình
công cộng).
14. СНиП 31-03-2001 Производственные Здания (Nhà sản xuất).
15. СНиП 31-04-2001 Складские Здания (Nhà kho).
16. ГОСТ 30244-94 (1995) Материалы Строительные Методы Испытаний На Горючесть
(Vật liệu xây dựng – Các phương pháp thử nghiệm tính cháy).
17. ГОСТ 30402-96 Материалы Строительные Метод Испытания на Воспламеняемость
(Vật liệu xây dựng – Phương pháp thử tính bắt cháy).

18. ГОСТ 30444-97 (1998) Материалы строительные. Метод испытания на
распространение пламени (Vật liệu xây dựng – Phương pháp thử tính lan cháy).
19. Code of Practice for Precaution in Building 2007 – Singapore.

20. The Building Regulation 2000 (2002) – Fire Safety (document B) của Vương quốc Anh.
21. TCVN 3890:2009 Phương tiện PCCC cho nhà và công trình – Trang bị, bố trí, kiểm tra,
bảo dưỡng.
22. Các tiêu chuẩn thí nghiệm và các tiêu chuẩn khác có liên quan đã trích dẫn trong nội dung
của Quy chuẩn.
Ngày nhận bài: 23/4/2010.

×