Ung thư gan nguyên phát –
điều trị và phòng ngừa
Ung thư gan nguyên phát là một bệnh thường gặp ở Việt Nam cũng như trên thế
giới. Tỷ lệ mắc ung thư gan ở nước ta rất cao, đứng hàng thứ 4 sau ung thư phổi,
ung thư dạ dày và ung thư vòm. Hầu hết bệnh nhân ung thư gan sống thêm chỉ
khoảng từ 6 tháng đến 1 nǎm tính từ khi phát bệnh, đa số bệnh nhân đều đến với
thầy thuốc ở giai đoạn muộn
Ngày nay có nhiều phương pháp chẩn đoán ung thư gan như: siêu âm, chụp cắt lớp
vi tính, định lượng AFP, sinh thiết gan. Về điều trị cũng có nhiều tiến bộ, đặc biệt
khi bệnh nhân được phát hiện sớm và lựa chọn biện pháp điều trị thích hợp, khi đó
thời gian sống thêm sẽ được kéo dài đáng kể.
1. Triệu chứng
Ở thời kỳ đầu đa số bệnh nhân hoàn toàn không có triệu chứng gì, thường bệnh
được phát hiện qua siêu âm định kỳ hoặc xét nghiệm AFP tăng cao.
Khi khối u lớn dần, có thể thấy một hay nhiều triệu chứng dưới đây: mệt mỏi, sụt
cân, gầy sút nhanh; đau âm ỉ, cảm giác tức nặng khó chịu vùng hạ sườn phải; chán
ăn, ăn chậm tiêu; sốt; vàng da; cổ chướng; có thể bệnh nhân tự sờ thấy khối u ở
vùng hạ sườn phải
Khi thăm khám, bác sỹ chuyên khoa sẽ xác định bản chất khối u cùng với việc
đánh giá toàn trạng cơ thể bệnh nhân để có thể lựa chọn phương pháp điều trị thích
hợp.
2. Phương pháp điều trị
Có nhiều phương pháp điều trị ung thư gan đã được ứng dụng trong lâm sàng cũng
như còn trong giai đoạn thử nghiệm:
Phẫu thuật cắt gan: Là phương pháp điều trị kinh điển, thường chỉ định phẫu
thuật khi khối u còn khu trú dưới ba phân thùy gan, chưa có di căn phổi và chức
năng gan còn tốt. Hiện nay, đã có nhiều phương pháp mới ít xâm lấn hơn do vậy
chỉ định phẫu thuật cắt gan đã giảm nhiều.
Nút mạch hóa dầu động mạch gan (TOCE – Transarterial Oily
Chemoembolization): Nút mạch hóa dầu động mạch gan là dựa trên cơ sở nguồn
cung cấp máu cho mô ung thư gan phần lớn là từ động mạch gan, hóa chất chống
ung thư được đưa tới các tế bào ung thư thông qua ống thông đồng thời với việc
gây nút tắc lại nguồn máu nuôi các tế bào ung thư, kết quả là các tế bào ung thư sẽ
chết, khối u bị hoại tử. Với phương pháp này 100% bệnh nhân có kích thước khối
u nhỏ hơn 2 cm còn sống sau 3 năm.
Phương pháp này có ưu điểm là tránh được vết mổ, điều trị trực tiếp lên khối u,
các hóa chất hủy diệt khối ung thư ít gây tổn thương tới nhu mô lành lân cận. Đây
còn được coi như là biện pháp hỗ trợ điều trị phẫu thuật cắt gan hoặc ghép gan.
Tuy vậy phương pháp này không thể áp dụng đại trà cho các thể ung thư gan.
Tiêm cồn tuyệt đối vào khối u qua da (PEIT - Percutaneous Enthanol Injection
Therapy): Cơ sở của phương pháp này là dựa vào đặc tính của cồn tuyệt đối có tác
dụng làm mất nước, đông vón protein, gây độc tế bào đồng thời làm bít tắc các
mạch máu nuôi khối u. Dưới hướng dẫn của siêu âm, thầy thuốc dùng kim tiêm
bơm cồn tuyệt đối vào khối u và vì vậy khối u sẽ bị hoại tử.
Liệu pháp này đơn giản, an toàn, không tốn kém. Thường chỉ định tiêm cồn qua da
với khối u gan dưới 3 cm có thể lên tới 6 cm và không quá 3 khối u. Nhiều kết quả
nghiên cứu thấy rằng tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 40% với các khối u nhỏ dưới 3
cm. Biến chứng thường gặp sau tiêm là rò rỉ cồn ra bao gan và vào khoang bụng
gây đau và sốt cần được theo dõi chặt chẽ, tuy nhiên tỷ lệ tử vong do thủ thuật là
rất thấp.
Đốt nhiệt khối u bằng sóng cao tần (RFA - Radiofrequency Ablation): Dưới
hướng dẫn của siêu âm hay qua nội soi ổ bụng, thầy thuốc đưa kim điện cực vào
khối u, tác dụng của sóng cao tần sẽ làm hoại tử khối u. Phương pháp này có hiệu
quả tốt với khối u dưới 3 cm. Tác dụng phụ hay gặp là rối loạn nhịp tim, sốt, chảy
máu… Tuy vậy biến chứng nặng nề rất hiếm gặp.
Ung thư gan nguyên phát thường xuất hiện trên nền bệnh xơ gan hoặc viêm gan
mạn tính, chức năng gan suy giảm nhiều, vì vậy việc lựa chọn phương thức điều
trị thích hợp với từng bệnh nhân cụ thể là rất quan trọng; thông thường phải được
các thầy thuốc chuyên khoa cân nhắc cẩn thận và có hệ thống.
Ở Việt Nam hiện nay, nhiều bệnh viện đã có thể thực hiện các phương pháp trên
để điều trị ung thư gan với hiệu quả tốt, có thể kết hợp giữa các phương pháp với
nhau như TOCE với tiêm cồn hoặc đốt nhiệt cao tần… Ngoài ra, những phương
pháp khác có thể được chỉ định như: tiêm acid acetic, đốt nhiệt khối u bằng sóng
viba, điều trị hóa chất, điều trị nội tiết, điều trị miễn dịch, xạ trị, áp lạnh, hóa trị;
điều trị gen, ghép gan cũng là hướng có nhiều triển vọng tuy rằng có những khó
khăn nhất định.
3. Phát hiện sớm và phòng bệnh
Hiện nay, phát hiện sớm ung thư gan nguyên phát có nhiều khó khǎn do điều kiện
chǎm sóc sức khỏe ban đầu ở nước ta còn chưa tốt, do sự phát triển thầm lặng của
bệnh và tâm lý chủ quan của bệnh nhân. Hầu hết khối u được phát hiện khi đã quá
to, làm cho khả năng lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp giảm đi rất nhiều.
Phát hiện sớm ung thư gan có thể dựa vào kiểm tra định kỳ bằng siêu âm và định
lượng AFP ở tất cả các đối tượng có nguy cơ cao như: xơ gan, viêm gan mạn,
người mang virus viêm gan B, C, người nghiện rượu và mắc các bệnh gan mạn
tính khác; thông thường nên làm 3 đến 6 tháng một lần. Khi nghi ngờ có thể bổ
sung bằng: chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, chọc hút dưới hướng dẫn của
siêu âm để làm xét nghiệm tế bào và mô bệnh học…
Ung thư gan nguyên phát liên quan chặt chẽ với nhiễm viêm gan virus và bệnh xơ
gan vì vậy để phòng ngừa cần chống lây nhiễm virus viêm gan đặc biệt là virus B,
C bằng cách cắt các đường lây truyền, tiêm vaccin, khi bị nhiễm cần điều trị triệt
để bằng thuốc kháng virus; hạn chế uống rượu; liên quan tới độc tố aflatoxin do
nấm Aspergillus Flavus hay có ở một số thực phẩm như lạc, đậu tương mốc… do
vậy bạn cũng cần biết để có cách phòng tránh khi ăn các thực phẩm này.