TIẾNG ANH “CHUẨN” CỦA NGƯỜI BẢN NGỮ HAY
TIẾNG ANH NHƯ NGÔN NGỮ QUỐC TẾ?
“NATIVE- LIKE STANDARD” ENGLISH OR “WORLD/INTERNATIONAL”
ENGLISH?
VÕ THỊ THAO LY
Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng
TÓM TẮT
Trong những thập niên vừa qua, vấn đề về “Tiếng Anh chuẩn của người bản ngữ” hay “Tiếng
Anh như ngôn ngữ quốc tế” đã đươc đề cập đến trong việc dạy - học tiếng. Liệu Việt Nam đã
nhận định được điều này và đã có biến chuyển gì trong viêc dạy - học cũng như trong thái độ
đối với “Tiếng Anh chuẩn”. Đây là trọng tâm bàn luận của bài báo này.
ABSTRACT
The question of “Native-like standard English and English as International Language context”
has been raised in English teaching. Standard English is viewed not necessarily associated
only with the standards and norms of the U.K or the U.S.A or any other Inner -Circle nations.
How about in Vietnam, where the English used by the speakers of Kachru’s Inner Circle
countries have been considered as a Standard English? This article analyzes to what extent
world Englishes perspective norms are adapted in our Vietnamese situation of English
teaching.
1. Đặt vấn đề
Thực tế hiện nay ở nước ta rất nhiều sinh viên tiếng Anh tốt nghiệp ra trường thường
thất bại khi giao dịch làm việc bằng tiếng Anh với các công ty Nhật Bản, Hàn quốc, Đài
Loan… tại Việt Nam. Tuy nhiên, họ thường cho rằng tiếng Anh của những người không bản
ngữ này (Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…) đã làm “hỏng” tiếng Anh “chuẩn” của họ. (Lược
dịch từ bài báo cáo “Institutional Affiliation: Hanoi University of foreign studies” của Trần
Thị Lan, (1997) tại Hội nghị do Hiệp hội Nghiên Cứu về Giáo dục của Úc tổ chức tại
Brisbane từ 30/11 đến 4/12, 1997).
Tiếng Anh “chuẩn” được đề cập ở đây là tiếng Anh họ đã được đào tạo chủ yếu ở các
trường trung học, cao đẳng, đại học trong nước; và người đào tạo chủ yếu cũng là giáo viên
người Việt dạy tiếng Anh đã qua hoặc chưa qua đào tạo ở nước ngoài. Là người trực tiếp đào
tạo những thế hệ sinh viên này, tôi vẫn trăn trở với câu hỏi: với tư cách người đào tạo các thầy
cô giáo chúng ta đã thất bại hay thành công trong việc giúp người học chỉ sử dụng tiếng Anh
chuẩn của người bản ngữ?
Trần Thị Lan (1997) khẳng định điều này là do tiếng Anh được sử dụng bởi người bản
ngữ ở các nước Anh, Úc, Mỹ (thông qua BBC, VOA, ABC) từ trước đến nay được xem là
“tiếng Anh chuẩn” ở Việt Nam. Tác giả này kết luận đã đến lúc cần xác định lại vấn đề “tiếng
Anh chuẩn bản ngữ” hay “tiếng Anh như ngôn ngữ quốc tế” ở Việt Nam.
2. Tại sao tiếng Anh nên được xem là ngôn ngữ quốc tế (international/ world language)
Crystal (1997) nhận định rằng tiếng Anh từ lâu đã không còn là sở hữu riêng của
người Anh, Mỹ nữa. Vì ngay cả quốc gia nói tiếng Anh lớn nhất thế giới cũng chỉ chiếm
khoảng 20% tổng số người sử dụng tiếng Anh trên toàn cầu.
Thực vậy, để phân loại và liệt kê số lượng các đối tượng sử dụng tiếng Anh, Kachru
(1992) đề nghị một sơ đồ như sau:
Và cũng theo Kachru (1992) thì chính các nước sử dụng tiếng Anh như một ngoại ngữ
(Expanding circle) là nơi tiếng Anh có tiềm năng truyền bá và phát triển nhanh nhất.
Gradoll (1999) cho rằng mức cân đối giữa lượng người bản ngữ (native) và không bản
ngữ (non-native) sẽ thay đổi đáng kể trong 50 năm đến. Lượng người sử dụng tiếng Anh như
ngôn ngữ thứ 2 sẽ tăng từ 235 triệu lên đến khoảng 462 triệu trong 50 năm đến. Điều này có
nghĩa là số người không bản ngữ sử dụng tiếng Anh sẽ vượt xa người bản ngữ.
Do vậy, theo các tác giả này đây là một trong những lý do tại sao nên xem tiếng Anh
như một ngôn ngữ của toàn cầu, chứ không còn là “vốn riêng” của người bản ngữ.
Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần là những con số cũng chưa thể định nghĩa “Tiếng Anh
như một ngôn ngữ quốc tế” (English as an international language) trong bối cảnh hiện nay,
mà cần phải khảo sát đặc điểm của ngôn ngữ quốc tế này (Mckay, 2002).
3. Đặc điểm của tiếng Anh như một ngôn ngữ quốc tế
Smith (1996), một trong những tác giả đầu tiên định nghĩa thuật ngữ “international
language” là ngôn ngữ được sử dụng bởi nhiều quốc gia khác nhau để giao tiếp với nhau.
Để làm rõ định nghĩa này, Smith đưa ra những nhận định về mối quan hệ giữa văn hoá
và ngôn ngữ quốc tế như sau:
1. Người học không nhất thiết chỉ tiếp thu và phải nắm vững các quy tắc văn hoá của
người bản ngữ của ngôn ngữ đó. (Its learners do not need to realize the cultural norms of
native speakers of that language).
2. Quyền sở hữu của ngôn ngữ quốc tế không thuộc quốc gia nào (the ownership of an
international language becomes de-nationalized).
3. Mục đích giáo dục của việc học ngôn ngữ là tạo điều kiện cho người học giao tiếp ý
tưởng và văn hoá với người khác (the educational goal of learning is to enable learners to
communicate their ideas and culture to others).
Expanding: các nước sử dụng tiếng
Anh như ngoại ngữ
Outer: các nước sử dụng tiếng Anh
nhu ngôn ngư thứ hai, chính thức
Inner: các nước sử dụng tiếng Anh
như tiếng mẹ đẻ
(theo Denham, P.A. (1992) sau công cuôc
đổi mới kinh tế, Vi ệt Nam đã có thể được
đưa vào danh s ách của Expanding circle)
Mckay (2002) cũng khẳng định rằng để sử dụng ngôn ngữ như một phương tiện giao
tiếp hiệu quả giữa các cộng đồng thì người học không chỉ nhất thiết thành thạo các quy tắc
văn hoá ngôn ngữ của người bản ngữ (Inner circle). Đặc biệt với người sử dụng tiếng Anh
như ngôn ngữ thứ hai và ngoại ngữ (Outer & Expanding) thì mục đích chính là giúp người
học có thể trao đổi ý tưởng và văn hoá với nhau.
Vậy nếu chấp nhận những tiên đề này thì liệu có sự chuyển biến nào trong việc dạy-
học và sử dụng tiếng Anh trong bối cảnh Việt Nam chúng ta hiện nay?
4. Việt Nam có sự chuyển biến nào theo xu hướng “xem tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế”?
Một lần nữa xin được mượn lời của tác giả Trần Thị Lan (1997) (đã nêu ở trang 1) để
đưa ra một nhận định rằng thực tế chúng ta không phải sử dụng tiếng Anh chỉ để giao tiếp với
người Anh, Úc, Mỹ mà đa phần là với những người không bản ngữ (non-native) sử dụng tiếng
Anh, đặc biệt là từ các nước Châu Á. Theo Radio Free Asia (RFA-28/2/2005), vốn đầu tư của
các nước châu Á bao gồm Singapore, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc chiếm khoảng 76% các
dự án đầu tư vào Việt Nam năm 2005. Hơn nữa, ngôn ngữ chính thức sử dụng trong khối
ASEAN là tiếng Anh. Vì vậy phải chăng chúng ta cũng nên thay đổi thái độ đối với tiếng
Anh. Tiếng Anh chuẩn của người bản ngữ không chỉ là mục tiêu duy nhất trong việc dạy và
học tiếng Anh của chúng ta.
Thực vậy, việc “dạy tiếng Anh như một ngoại ngữ” ở các nước không bản ngữ
(Expanding Circle) trong tương lai sẽ chuyển sang “dạy tiếng Anh như ngôn ngữ quốc tế” là
điều chắc chắn (Cem & Margaret, 1990).
Crystal (1997) thì cho rằng nên thay “sự lưu loát cận chuẩn bản ngữ” (native-like
fluency) bằng “năng lực ngôn ngữ khả dĩ” (reasonable competence). Theo Xu (2002), tiếng
Anh chuẩn” không nhất thiết phải gắn với tiêu chuẩn và quy tắc của Anh, của Mỹ hay của bất
cứ quốc gia bản ngữ nào (Inner Circle).
Savignon (2003) khẳng định rằng những qui tắc sử dụng tiếng Anh của các nước bản
ngữ có thể không phải là mục tiêu phù hợp cho tất cả mọi người.
Việt Nam chúng ta thì thế nào? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy cùng khảo sát bộ
sách tiếng Anh cải cách dành cho học sinh phổ thông cơ sở của Bộ Giáo dục và Đào tạo được
dùng thử nghiệm từ năm 2000 và sẽ đưa vào sử dụng chính thức vào năm nay 2006. Đề cập
đến bộ sách giáo khoa tiếng Anh được sử dụng trước 1997, Nguyễn Văn Bé và Crabbe, D.
(1999) viết rằng: “hầu hết chủ đề được giới thiệu trong bộ sách phản ảnh đời sống xã hội, lối
sống, văn minh và văn hoá của người bản ngữ” và vì thế “những giáo viên chưa bao giờ được
ra nước ngoài rất ngại sử dụng những tài liệu này vì bản thân họ chưa hề có kinh nghiệm gì về
cuộc sống, văn hoá của nước ngoài và họ cảm thấy khó sử dụng sách”.
So với bộ sách cũ này, bộ sách cải cách thể hiện rõ ràng quan điểm mới của ban biên
soạn, đặc biệt là các qui tắc/ tiêu chí văn hoá (cultural norms). Theo Cortazzi and Jin (1999),
thông tin văn hoá khi dạy tiếng Anh như ngôn ngữ quốc tế cần bao gồm cả ba loại như sau:
văn hoá nguồn của người học (source culture), văn hoá đích /mục tiêu của người bản ngữ
(target language) và văn hoá thế giới (international) bao gồm cả văn hoá của người bản ngữ
và không bản ngữ. Quan điểm này được các nhà biên soạn thể hiện qua các dữ liệu văn hoá sử
dụng trong bộ sách như sau:
+ Văn hoá nguồn cung cấp cho học sinh về từ vựng, cấu trúc và kỷ năng diễn đạt văn
hoá của Việt Nam trong bài tiếng Anh. Ví dụ:
- Gia đình 3 thế hệ ở Việt Nam (bài 3 - English 6)
- Các món ăn truyền thống, cách bày biện bàn ăn và sử dụng đũa của Việt Nam
(bài 12 - English 6)
- Văn hoá lớp học với cảnh giáo viên nữ mặc áo dài, và học sinh đứng dậy
chào giáo viên khi vào lớp (bài 1 - English 7)
- Tết cổ truyền Việt Nam (bài 8 - English 9)
- Đặc điểm địa lý khí hậu, thời tiết và phong cảnh đất nước Việt Nam (bài 15-
English 6)
- Áo dài Việt Nam (bài 2 - English 9)
- Lễ hội Việt Nam (bài 7 - English 7)
- Thay đổi xã hội về mức sống (bài 14 - English 7)
+ Văn hoá thế giới, chủ yếu của các nước trong khu vực châu Á (nhằm đáp ứng nhu
cầu giao tiếp xã hội & giúp học sinh giao tiếp tự tin hơn với đa số đối tác châu Á).
- Thủ đô Băng Kok, Bắc Kinh, Kula Lumpur… (bài 16 - English 6)
- Thắng cảnh nổi tiếng châu Á như Vạn Lý Trường Thành, tháp đôi Petronas
của Malaysia, lễ hội của người Do Thái (bài 8 - English 9)
- Tên người và các trang phục truyền thống của các nước châu Á (bài 8 -
English 9)
+ Văn hoá của ngôn ngữ đích, chủ yếu của Anh, Úc, Mỹ.
- Sears Tower ở Chicago, tháp London, đồng hồ Big Ben, Opera House ở
Sydney - Úc (bài 15 - English 6, bài 14 - English 8)
- Lễ hội ở Mỹ, cờ, diễu hành trong ngày Độc lập (bài 7 - English 7)
Đúng như Smith (1999) nhận định “bất kỳ nền văn hoá nào cũng có thể sử dụng Tiếng
Anh như một phương tiện” (any culture can use English as its vehicle).
Khác với trước đây, các nhà biên soạn bộ sách mới này cung cấp cho người học kỹ
năng sử dụng tiếng Anh như một phương tiện để trao đổi với người khác về văn hoá của Việt
Nam, của các nước châu Á (sử dụng tiếng Anh như ngoại ngữ hay ngôn ngữ thứ hai) trong
khu vực và cả các nước bản ngữ.
5. Thay lời kết
Mặc dầu các chính sách ngôn ngữ của Việt Nam không được phổ biến rộng rãi.
(Language planning in Vietnam is covert - Wright, 2002). Nhưng với những phân tích trên,
liệu chúng ta có thể cho rằng Việt Nam đã bắt đầu nhận thức được vai trò của tiếng Anh
không bản ngữ trong việc dạy & học tiếng Anh, và quan trọng hơn là bước đầu đã có những
cải tiến nhằm đáp ứng nhu cầu giao tiếp toàn cầu của người học? Và như vậy tất nhiên cần có
sự thay đổi thái độ đối với tiếng Anh chuẩn, “tiêu chí lý tưởng cận bản ngữ của tiếng Anh”
(native-ideal norms) nên được chuyển sang “năng lực ngôn ngữ khả dĩ” (reasonable
competence) để có thể giao tiếp được với bất kỳ quốc gia nào sử dụng tiếng Anh, cả bản ngữ
lẫn không bản ngữ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Cem,A. & Margaret, A., The question of culture: EFL teaching in non-English
speaking countries, in Rossner,R&Bolitho, R.(eds) Currents of change in English
Language Teaching, Oxford University Press, pp.21-27, 1990.
[2] Crystal, D., English as a global language, Cambridge University Press, 1997.
[3] Denham, P.A., English in Vietnam, World Englishes, 11 (1), 61-69, 1992.
[4] McKay, S.L., Teaching English as an international language: Rethinking goals and
approaches, Oxford University Press, 2002.
[5] Nguyen Van Be and Crabbe D., The design and use of English language textbooks in
Vietnamese secondary school, 1999, Retrieved April 25, 2005 from website: http://
www.languages.ait.ac.th/hanoi-proceedings/hanoi1999.htm.
[6] Nguyen Van Loi và các tác giả, English 6, 7, 8, 9, Hanoi: Nhà xuất bản Giáo dục,
(2002, 2003, 2004, 2005).
[7] Radio Free Asia (RFA), Các nước châu Á đứng đầu danh sách bỏ vốn đầu tư vào
Vietnam (Top Asian Investors to Vietnam), 2005, trích trên trang web: http://
www.rfa.org/vietnamese/tintuc/vietnam/2005/02/28/vietnam-economy
[8] Savignon, S.J., Teaching English as communication: A global perspective, World
Englishes, 22(1), 55-56, 2003.
[9] Tran Thi Lan, Institutional Affiliation: Hanoi University of foreign studies, The paper
presented at the 1997 AARE conference in Brisbane from 30 November to 4
December, 1997, Retrieved May 27,2005 on the website: http://
www.aare.edu.au/97pap/trant080.htm
[10] Xu, Z., From TEFL to TEIL: Changes in perceptions and practices: Englishes in Asia:
Communication, Identity, power and education, pp 225-238. Melbourne: language
Australia, 2002.