KHẢO SÁT HÀNH VI LỜI NÓI MỜI TRỰC TIẾP
TRONG TIẾNG ANH VÀ TIẾNG VIỆT
AN INVESTIGATION INTO SPOKEN DIRECT INVITATIONS
IN ENGLISH AND VIETNAMESE
LƯU QUÝ KHƯƠNG
Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng
TÓM TẮT
Mời là một hành vi lời nói rất phổ biến trong giao tiếp hàng ngày. Bài này khảo sát những đặc
trưng ngữ nghĩa, cú pháp, của hành vi lời nói mời trực tiếp (LMTT) trong tiếng Anh và tiếng
Việt, đưa ra những điểm giống nhau và khác nhau giữa LMTT trong hai ngôn ngữ nhằm góp
phần nâng cao hiệu quả việc dạy, học và dịch các phát ngôn mời trực tiếp trong tiếng Anh và
tiếng Việt.
ABSTRACT
Inviting is a very popular speech act used in daily communication. From a contrastive analysis
view, this paper examines the syntactic and semantic features of spoken direct invitations in
English and Vietnamese. Also, the paper same indicates the similarities and differeces
between English and Vietnamese in terms of direct invitations to enhance the effectiveness of
teaching, learning and translating this kind of speech act.
1. Đặt vấn đề
Mời là một hành vi lời nói rất phổ biến trong giao tiếp hàng ngày. Lời mời thay đổi tuỳ
theo tình huống, các mối quan hệ, giới tính của những người có liên quan trong cuộc thoại.
Xét các ví dụ sau:
(1) Em đi có một mình à? Thọ ngập ngừng. Ta vào kia uống cà phê đi.
[28:61]
(2) Này anh, trời cũng đang mưa, nếu anh không tìm ông Cương kia, tôi mời anh đi uống
cà phê được không? [19:60]
(3) I’d like to invite you to dinner this Saturday. [13:29] (Tôi muốn mời quý vị dung bữa
tối vào thứ Bảy này)
(4) How about dinner this Saturday? [13:29] (Còn bữa tối vào thứ Bảy này thì sao nhỉ ?)
(1) và (2) đều chứa lời mời đi uống cà phê. Tuy nhiên, ở (1) lời mời do một người nam
đưa ra với một người khác giới vốn quen nhau từ trước, ở (2) lời mời được đưa ra giữa hai
người đàn ông mới biết nhau.
(3) và (4) là hai lời mời đi ăn tối nhưng ở (3) tính trân trọng cao hơn và vì vậy độ thân
mật không nhiều như ở (4).
Lời mời có thể ở dạng trực tiếp hoặc gián tiếp. Dựa trên ngữ liệu rút ra từ các tác phẩm
văn học bằng tiếng Anh, tiếng Việt hoặc song ngữ Anh-Việt, bài này khảo sát những đặc trưng
cú pháp, ngữ nghĩa của hành vi lời nói mời trực tiếp (LMTT) trong tiếng Anh và tiếng Việt,
đưa ra những điểm giống nhau và khác nhau giữa LMTT trong hai ngôn ngữ nhằm góp phần
nâng cao hiệu quả việc dạy, học và dịch các phát ngôn mời trực tiếp trong tiếng Anh và tiếng
Việt cũng như năng lực sử dụng ngôn ngữ cho người Việt Nam học tiếng Anh hoặc người nói
tiếng Anh học tiếng Việt như một ngoại ngữ vì theo Wall [16:126]: “Phần lớn đời sống xã hội
của chúng ta bao gồm việc mời: thực hiện lời mời và đáp lại lời mời”.
2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu
Là một hành động lời nói phổ biến trong giao tiếp hàng ngày nhưng cho đến nay sự
nghiên cứu về lời mời chưa nhiều. Trong tiếng Anh, Tillitt [13] và Wall [16] giới thiệu một số
mẫu phát ngôn cơ bản mời, nhận và từ chối lời mời tiếng Anh trong giáo trình dạy kỹ năng
nói. Issacs và Clark [7] đưa ra khái niệm lời mời đưa đẩy (ostensible invitations) trong tiếng
Anh.Trần Xuân Thảo [11] khảo sát một số mẫu lời mời cả dạng ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói
trong tiếng Anh của người Úc (Australian English) và lời mời trong tiếng Việt.Trương Thị
Ánh Tuyết [12] tìm hiểu những thất bại về mặt dụng học của việc sử dụng lời mời trong tiếng
Anh và tiếng Việt. Nguyễn Thị Kim Quy [10] phân tích sự tương tác liên văn hoá Việt-Anh
đối với hành động lời nói mời và đáp trực tiếp và gián tiếp ở 3 tình huống định trước. Tuy
nhiên, cả 3 tác giả Trần Xuân Thảo, Trương Thị Ánh Tuyết và Nguyễn Thị Kim Quy đều thu
thập dữ liệu dựa trên các phiếu điều tra (questionnaires) với một số nghiệm thể hạn chế. Các
tác giả trên cũng không đưa ra được mô hình cú pháp-ngữ nghĩa của lời mời trong tiếng Anh
và tiếng Việt Trong tiếng Việt, Chu Thị Thanh Tâm [9] xác định các tiêu chí của đoạn thoại
mời.Nguyễn Văn Lập [5] khảo sát các yếu tố chi phối lời đáp trong tiếng Việt thông qua một
số nghi thức lời nói (etiquette). Rõ ràng, còn nhiều điều có thể bàn bạc liên quan đến lời mời
và cách đáp lại đặc biệt là những nghiên cứu từ cái nhìn so sánh, đối chiếu.
3. Khái niệm về hành vi lời nói mời
3.1. Định nghĩa về mời
Theo Từ điển Oxford Advanced Learner’s Dictionary [6:685], “Mời là yêu cầu ai đến
dự một sự kiện có tính xã hội”, hay, “yêu cầu ai đi đâu hay làm gì một cách trân trọng ”, ví dụ:
(5) Would you like to see a tennis march with me on Sunday ?
(Cậu có muốn đi xem một trận đâú quần vợt với mình vào ngày chủ nhật này không ?)
Tương tự, ”, Từ điển Tiếng Việt [15:624] định nghĩa “Mời” là “tỏ ý mong muốn, yêu
cầu người khác làm việc gì một cách lịch sự, trân trọng”, ví dụ:
(6) Mời anh đến chơi.
3.2. Hành vi lời nói mời trực tiếp
Theo Nguyễn Thị Kim Quy [10:43] “LMTT thường dùng với các động từ ngữ vi như
“mời” trong tiếng Việt hoặc “invite” trong tiếng Anh, hoặc có dạng tương tự như lời yêu cầu
hoặc ra lệnh”, ví dụ:
(7) “I would like to invite you to the final ceremony of our language program next Friday
evening at 8:00.” [16:138]
(Mình muốn mời cậu đến dự buổi lễ bế giảng khoá học tiếng vào lúc 8 giờ tối thứ sáu
tuần đến.)
“Mời đồng chí xơi cơm dưa muối với anh em chúng tôi đã.” [23:25]
4. LMTT trong tiếng Anh
4.1. Đặc điểm ngữ nghĩa chung
LMTT trong tiếng Anh đề cập ngay vào nội dung thông điệp người mời muốn chuyển
đến người nghe. Do vậy, người nghe hiểu ngay mà không phải suy diễn. Tuy nhiên, ngoài
những phát ngôn mời có động từ ngữ vi, những phát ngôn mời trực tiếp khác như quan niệm
trong bài này có bản chất là các câu yêu cầu hay mệnh lệnh, trong chừng mực nào đó là các
hành động có khả năng đe doạ lãnh địa hay thể diện âm (negative face) của người nghe
[5:149].
4.2. Cấu trúc LMTT trong tiếng Anh
Kết quả phân tích dữ liệu thu thập được (104 phát ngôn mời trực tiếp) cho thấy LMTT
trong tiếng Anh có những mô hình cấu trúc như sau.
4.2.1. LMTT có cấu trúc câu ngôn hành
Theo Cao Xuân Hạo [3:224], “Câu ngôn hành là một loại câu trần thuật tự biểu thị.
Nói như vậy có nghĩa là một câu ngôn hành biểu thị chính cái hành động được thực hiện trong
khi nói nó ra và chính bằng cách nói nó ra. Kiểu câu này vận dụng một loại động từ gọi là
động từ ngôn hành (hay động từ ngữ vi).” Động từ ngữ vi ở đây là “invite” (mời). Ví dụ:
(8)“Are you free? I’d like to invite you to our dancing party.” [8:29]
( Cậu có rỗi không? Tớ muốn mời cậu đến dự buổi khiêu vũ với chúng tớ.)
LMTT tiếng Anh là câu ngôn hành trong khối liệu thu thập của đề tài chủ yếu là câu có
dạng “ would like to invite ”. Bên cạnh, còn có thể có dạng “ want to invite ”.
4.2.2. LMTT có cấu trúc câu cầu khiến
Cầu khiến, theo Ngữ pháp tiếng Việt [14:204], là “nói chung về các trường hợp yêu
cầu, chúc tụng, sai bảo ”. Theo đó, LMTT trong tiếng Anh có các dạng câu cầu khiến dưới
đây.
a. Câu mệnh lệnh
(9) “Dine with me and Fritz at the inn in the park. We will have roast pheasants and porter,
plum-pudding and French wine.” [26:535]
(“Thế nào cũng ra công viên chén với tôi và Frit một chầu nhé. Chúng tôi sẽ gọi chim quay,
rượu mạnh, bánh pu-đin mận và cả rượu Pháp nữa.”
b. Câu yêu cầu với “let’s”
(10) “Let’s all have a drink,” Macomber said.[18:88]
(“- Tất cả cùng uống mừng một chầu nào. Macombơ nói.
(11) “Let’s go and have a drink somewhere.” [17:147]
( Chúng ta hãy đi kiếm nơi nào uống một chút đi.)
Trong dữ liệu đã thu thập, LMTT tiếng Anh chiếm tỉ trọng không nhiều. Một trong
những nguyên nhân là do LMTT tiếng Anh có khả năng đe doạ thể diện của người nghe.
5. LMTT trong tiếng Việt
Từ định nghĩa về LMTT đã nêu ở Mục 1.6.3 có thể quan niệm rằng “lời mời trực tiếp
trong tiếng Việt là các phát ngôn có chứa động từ ngữ vi như “mời” hoặc là phát ngôn có
dạng tương tự như lời yêu cầu hoặc ra lệnh”. Ví dụ:
(12) “Mời đồng chí xơi cơm dưa muối với anh em chúng tôi đã.” [23:25]
5.1. Đặc điểm ngữ nghĩa chung
LMTT trong tiếng Việt luôn luôn đi thẳng vào hành vi mời không quanh co hoặc người
nghe không phải hiểu nó thông qua một hành động ngôn ngữ khác. Xét các phát ngôn sau đây:
(13) “Mời bà sang ngay, chú con đợi mãi rồi” [29:495]
Khi đọc hay nghe các câu trên ai cũng hiểu đây là những lời mời mà không cần phải
qua một thao tác suy ý nào cả.
5.2.Cấu trúc LMTT trong tiếng Việt
337 phát ngôn mời trong khối liệu tiếng Việt cho thấy LMTT tiếng Việt có những dạng
dưới đây.
5.2.1. LMTT có cấu trúc câu ngôn hành
Nét khu biệt cơ bản của loại lời mời này so với các dạng lời mời khác là trong cấu trúc
của nó có chứa động từ ngữ vi “mời”.
(14 ) “Rồi bà ngồi xuống ghế, bảo Mai:
- Mời cô ngồi.” [20:91]
Câu ngôn hành biểu thị hành vi mời trực tiếp có thể có các dạng
sau:
a. Câu ngôn hành không có chủ ngữ (người mời)
(15) “-Oanh: Chào đồng chí y tá.
-Giao: Không dám, chào cô Oanh, mời cô vào chơi ” [23:106]
Thậm chí chỉ là một từ hay cụm từ ngắn:
(16) “- Uống chứ! Nào! Mời ” [21: 137]
(17) “- Long: Mời vào.” [27:41]
b. Câu ngôn hành có chủ ngữ (người mời)
(18) “ Cháu mời chú cùng đi về nhà cháu ăn cơm với cha mẹ cháu, anh em cháu ….”
[25:24]
(19) “ Nhà sẵn có chai rượu, tôi xin mời mỗi người một cốc.” [24:92]
Trong nhiều trường hợp, nhằm biểu lộ sự trọng thị của người mời đối với người được
mời đặc biệt là trong các cuộc giao tiếp có sự chênh lệch về khoảng cách xã hội giữa những
người tham gia giao tiếp, người ta thường đưa thêm một số từ, cụm từ như “kính”, “hân hạnh”,
“trân trọng”, “xin trân trọng”, “xin trân trọng kính ” “có nhã ý” vào trong câu. Ví dụ:
(20) “Tôi lấy làm hân hạnh mời ông lại nhà chơi.” [20:206]
(21) “Ngày mai tôi có nhã ý mời anh tới chơi” [20:121]
5.2.2. LMTT có cấu trúc câu trần thuật
(22) “ Chị xơi chén nước vậy.” [20:198]
5.2.3. LMTT có cấu trúc câu cầu khiến
(23) “- Uống đi chú!” [9:30]
(24 ) “Hãy thong thả, được nước rồi, uống vài chén chè tàu với tôi đã.”
[20:68]
6. Sự giống nhau và khác nhau về LMTT giữa tiếng Anh và tiếng Việt
6.1. Sự giống nhau
a. Cả hai ngôn ngữ đều có LMTT chứa động từ ngữ vi (performative verb): “invite”
(trong tiếng Anh); “mời” (trong tiếng Việt).
b. Ngoài lời mời chứa động từ ngữ vi, tiếng Anh lẫn tiếng Việt đều sử dụng quan hệ
liên nhân và ngữ huống để tạo ra LMTT từ câu yêu cầu và mệnh lệnh.
6.2. Sự khác nhau
a. Trong LMTT là câu ngôn hành, tiếng Anh có động từ ngữ vi là “invite”. Tiếng Việt
sử dụng động từ ngữ vi “mời”. Dù là hai yếu tố tương đương về nghĩa nhưng hai động từ này
hoạt động rất khác nhau trong lời mời ở hai ngôn ngữ. Động từ “invite”chỉ xuất hiện trong câu
ngôn hành dưới dạng câu trần thuật. Trong khi đó, động từ “mời” ngoài việc xuất hiện ở dạng
câu trần thuật còn có thể tự mình tạo ra lời mời dưới dạng câu mệnh lệnh: “ Uống chứ! Nào!
Mời ”
b. LMTT trong tiếng Việt đa dạng về cấu trúc và nhiều biến thể hơn trong tiếng Anh.
- LMTT trong tiếng Anh có 2 dạng câu cơ bản là câu ngôn hành và câu cầu khiến.
- LMTT trong tiếng Việt có 3 cấu trúc cơ bản là câu ngôn hành, câu trần thuật và câu
cầu khiến.
c. Trong lúc câu ngôn hành là LMTT tiếng Anh có một dạng duy nhất là câu đầy đủ
các thành phần, câu ngôn hành là LMTT tiếng Việt có 3 biến thể là câu có chủ ngữ, câu không
có chủ ngữ, câu chỉ có mình động từ ngữ vi.
d. LMTT trong tiếng Việt ít đe doạ thể diện người nghe hơn LMTT tiếng Anh. Có thể
giải thích hiện tượng này như sau:
- Trong tiếng Việt bản thân động từ “mời” đã chứa tính lịch sự rất cao. Sắc thái lịch sự
còn tăng lên khi tuỳ vào hoàn cảnh, mối quan hệ liên nhân với người nghe mà người mời đưa
vào trước từ “mời” những từ như “kính”, “xin”, “trân trọng kính”, “xin trân trọng kính”, “có
nhã ý” Những biến thể trên cộng với các biến thể của câu ngôn hành vừa trình bày ở trên
làm cho LMTT trong tiếng Việt uyển chuyển, linh hoạt có khả năng tải nhiều tình huống giao
tiếp với các yêu cầu về lịch sự khác nhau của người dùng.
- Trong tiếng Anh động từ “invite” xuất hiện trong một số mẫu câu rất hạn chế để tạo
ra hành vi lời nói mời lịch sự. Đó là các mẫu câu với “ would like to invite ”. Còn cấu trúc
mời trực tiếp là câu mệnh lệnh dễ đe doạ thể diện âm của người nghe.
7. Kết luận
“Mời” là một hiện thực ngôn ngữ trong mọi nền văn hoá. “Mời” thể hiện mối quan tâm
chia sẻ với người khác, giúp cũng cố mối quan hệ và làm cho cuộc sống thêm đa dạng và
phong phú. Tuy nhiên, cung cách mời bị chi phối bởi niềm tin, phong tục của nền văn hoá,
trạng thái tâm lý của người đưa ra lời mời và mối quan hệ giữa những người tham gia cuộc
thoại. Trên cơ sở lý thuyết lịch sự của Brown và Levinson [2] và thuyết hành vi ngôn ngữ của
Austin [1], bài này khảo sát LMTT trong tiếng Anh và tiếng Việt. Từ cái nhìn sosánh, đối
chiếu, bài viết nêu ra một số điểm giống nhau và khác biệt giữa LMTT trong hai ngôn ngữ,
trong đó sự khác biệt chiếm ưu thế. Do phạm vi của một bài viết, nhiều vấn đề khác của lời
mời như lời mời gián tiếp, cách đáp lại lời mời trong hai ngôn ngữ cũng như cách biểu hiện
của lời mời dưới tác động của các thông số như giới tính, tuổi tác, quyền lực xã hội xin dành
lại cho những bài viết sau.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Austin, J.L. (1962), How to Do Things with Words, Oxford University Press.
[2] Brown, P. and Levinson, S. (1987), Politeness: Some Universals in Language Usage,
Cambridge University Press.
[3] Cao Xuân Hạo (1991), Tiếng Việt Sơ thảo ngữ pháp chức năng, Quyển 1, Nxb Khoa
học xã hội.
[4] Chu Thị Thanh Tâm (1995), Đề tài diễn ngôn: Sự cộng tác hội thoại để hình thành đề
tài diễn ngôn và các hành vi dẫn nhập dề tài diễn ngôn, Luận án TS KHNV, ĐHSP Hà
Nội.
[5] Đỗ Hữu Châu, Bùi Minh Toán (2001), Đại cương ngôn ngữ học Tập 2, Nxb Giáo dục.
[6] Hornby (2003), Oxford Advanced Learner’s Dictionary, Oxford University Press.
[7] Isaacs, E. and Clark, H. (1990), “Ostensible Invitations”, in Language in Society,
Volume 19, Cambridge University Press.
[8] Lê Huy Lâm, Phạm Văn Thuận (biên dịch) (2004), Practical English Conversation for
Tourism, Nxb Tp.Hồ Chí Minh.
[9] Nguyễn Văn Lập (1989), Bước đầu tìm hiểu nghi thức lời nói tiếng Việt, luận văn sau
đại học khóa 12, Chuyên ngành ngôn ngữ, Trường ĐHSP I Hà Nội.
[10] Nguyễn Thị Kim Quy (2004), A Cross-Cultural Study on Inviting and Responding to
Invitations in Vietnamese and English, MA Thesis, National University - Ha Noi.
[11] Tran Xuan Thao (1990), Inviting in Vietnamese and in Australian English, University
of Canberra.
[12] Truong Thi Anh Tuyet, (2003), A Study on Cross-Cultural Pragmatic Failure of
Invitations in English versus Vietnamese, MA Thesis, Danang University.
[13] Tillitt, B. (1985), Speaking Naturally, Cambridge University Press.
[14] Ủy ban KHXH Việt Nam (1883), Ngữ pháp tiếng Việt, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[15] Viện Ngôn ngữ (1994), Từ điển tiếng Việt, Nxb Giáo dục.
[16] Wall, A. P. (1987), Say It Naturally, CBS College Publishing.
TƯ LIỆU ĐỂ DẪN CHỨNG VÀ THỐNG KÊ TẤN SỐ
[1] Fielding, Gabriel (1966), Gentlemen in Their Season, Williams Morrow & Co.
[2] Hemingway, Earnest (1996), The Short Happy Life of Francis Macomber, Nxb Ngoại
Văn Hà Nội.
[3] Hồng Hoang (2000), ‘Chữ kí’, Truyện ngắn hay Việt Nam, (Tập 4), Nxb Hội Nhà văn.
[4] Khái Hưng (1999), Nửa chừng xuân, Nxb Văn nghệ Tp.HCM.
[5] Nam Cao (2006), Sống Mòn, Nxb Hội Nhà văn.
[6] Nguyễn Công Hoan (2004), “Đống rác cũ”, Văn học Việt Nam thế kỉ XX- Quyển hai-
Tập XII, Nxb Văn Học.
[7] Nguyễn Khải (2004), “Chiến sĩ”, Nguyễn Khải tiếu thuyết 3, Nxb Hội Nhà Văn.
[8] Nhất Linh (2000), Đoạn tuyệt, Nxb Khoa học xã hội.
[9] Sơn Tùng (1999), Bông Sen Vàng, Nxb Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh.
[10] Thackeray, W. M. (1948), Vanity Fair, The Zodiac Press, London. (Trần Kim dịch:
Hội chợ phù hoa, Nxb Văn học, Nxb Đà Nẵng, Hà Nội (1988)).
[11] Thu Trân (2003), “Thu của ngàn năm trước”, Văn nghệ Quân đội số 625 – 7.
[12] Trần Chiến (2000), ‘Nỗi sợ’, Truyện ngắn hay Việt Nam, (Tập 4), Nxb Hội Nhà văn.
[13] Vũ Trọng Phụng (2004), “Tết cụ Cố”, Vũ Trọng Phụng toàn tập, Tập 5, Nxb Văn Hóa.