Tải bản đầy đủ (.pdf) (4 trang)

Báo cáo nghiên cứu khoa học: "TỔ CHỨC SẢN XUẤT NGÀNH DỆT MAY SAU KHI BÃI BỎ CHẾ ĐỘ HẠN NGẠCH" ppt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (272.6 KB, 4 trang )

TỔ CHỨC SẢN XUẤT NGÀNH DỆT MAY
SAU KHI BÃI BỎ CHẾ ĐỘ HẠN NGẠCH
ORGANIZING THE GARMENT AND TEXTILE INDUSTRIES
AFTER QUOTA SYSTEM BEING ABOLISHED


NINH THỊ THU THUỶ
Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng


TÓM TẮT
Việc bãi bỏ chế độ hạn ngạch dệt may vào ngày 1/1/2005 của Tổ chức Thương mại Thế giới
(WTO) đã đánh dấu một sự kiện quan trọng trong ngành dệt may thế giới. Tuy nhiên đối với
các quốc gia chưa là thành viên WTO như Việt nam sẽ phải đối mặt với những rào cản mới,
với áp lực cạnh tranh lớn hơn. Các nhà sản xuất sẽ phải đương đầu với những yêu cầu khắt
khe hơn của các đơn hàng về giá cả, chất lượng, mẫu mã và điều kiện giao hàng. Để thích
ứng với hoàn cảnh mới, ngành Dệt - May phải cải tiến hệ thống tổ chức sản xuất kinh doanh
sao cho có khả năng cạnh tranh cao mới có thể tiếp cận các thị trường xuất khẩu lớn như:
Mỹ, EU
ABSTRACT
The World Trade Organization's abolishment of quota system on garment and textile products
commencing on Jan 1, 2005 was an important event in the world garment and textile
industries. However, those countries who are non-members of WTO like Vietnam have faced
new barriers, and more fierce competition. Their producers encounter more demanding orders
in terms of prices, quality, design and delivery terms. In response, the garment and textile
industries must improve their production networks in order to raise their competitiveness and
tap big export markets such as the U.S, EU, and so on.


1. Vị trí của công tác tổ chức sản xuất
Tổ chức sản xuất trong doanh nghiệp là hệ thống các biện pháp nhằm phân bố, tổ chức


và sử dụng đầy đủ nhất toàn bộ nguồn lao động và tư liệu sản xuất trên cơ sở kết hợp một
cách hợp lý về không gian và thời gian theo những mối quan hệ công nghệ, kỹ thuật ngày
càng hoàn thiện nhằm bảo đảm cho quá trình sản xuất diễn ra nhịp nhàng, liên tục với hiệu
quả kinh tế cao.
Nếu xét theo giác độ ngành thì tổ chức sản xuất là sự bố trí, xắp xếp, phối hợp các yếu
tố của quá trình sản xuất về không gian và thời gian giữa các doanh nghiệp với nhau để hướng
theo một mục tiêu nhất định.
Khi tổ chức sản xuất là phải quyết định những vấn đề hết sức cơ bản như: Vấn đề
chuyên môn hoá sản xuất của doanh nghiệp, vấn đề đa dạng hoá nội dung sản xuất kinh
doanh, xác định qui mô hợp lý của doanh nghiệp, vấn đề liên kết trong hoạt động sản xuất
kinh doanh và quyết định địa điểm phân bố doanh nghiệp.
Vì vậy, mỗi quyết định về tổ chức sản xuất sẽ có ý nghĩa rất quan trọng ảnh hưởng
trực tiếp và lâu dài đến hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như khả năng cạnh tranh của doanh
nghiệp và ngành.
Trước hết, tổ chức sản xuất sẽ tác động mạnh mẽ, trực tiếp đến nhịp độ phát triển của
khoa học kỹ thuật trong ngành từ việc nghiên cứu, phát minh đến việc ứng dụng các thành tựu
đó vào sản xuất. Mỗi trình độ của tổ chức sản xuất có ảnh hưởng đến khả năng hiện đại hoá
máy móc thiết bị cũng như hiệu quả hoạt động của trang thiết bị công nghệ.
Tổ chức sản xuất là cơ sở khách quan để tổ chức bộ máy quản lý và tổ chức lực lượng
lao động. Hình thức và phương pháp quản lý bao giờ cũng phải dựa trên cách thức tổ chức sản
xuất, khi tổ chức sản xuất hợp lý sẽ giúp cho bộ máy quản lý trở nên gọn nhẹ, hiệu quả quản
lý được nâng cao. Đồng thời tổ chức sản xuất cũng là căn cứ khoa học để phân bố, tổ chức và
sử dụng toàn bộ nguồn lao động cả về không gian và thời gian.
Tổ chức sản xuất còn tạo ra khả năng kết hợp các yếu tố sản xuất một cách hợp lý, nó
quyết định khả năng khai thác và hiệu quả sử dụng các yếu tố vật chất của quá trình sản xuất
như máy móc thiết bị, việc cung ứng, sử dụng nguyên vật liệu
Có thể nói tổ chức sản xuất là cơ sở để rút ngắn thời gian sản xuất (bao gồm cả thời
gian lao động và thời gian công nghệ) để tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm và
nâng cao sức mạnh cạnh tranh trong quá trình phát triển ngành. Tuy nhiên, tổ chức sản xuất
vừa là một công tác có tính chất sản xuất - kỹ thuật, vừa là công tác có tính chất kinh tế - xã

hội. Do đó, nó cần được hoàn thiện thường xuyên để đáp ứng những đòi hỏi của sự phát triển
trong lực lượng sản xuất và dưới tác động của các điều kiện về kinh tế - xã hội.

2. Những xu thế tác động đến công tác tổ chức sản xuất ngành Dệt - May sau khi bãi bỏ
chế độ hạn ngạch
Sự kiện bãi bỏ hạn ngạch ngày 1/1/2005 đánh dấu một bước tiến quan trọng của xu thế
tự do hoá thương mại quốc tế. Sự kiện này có tác động khác nhau đối với các quốc gia. Nó sẽ
mở rộng giao dịch về hàng dệt may giữa các nước là thành viên WTO, còn với Việt nam vẫn
phải chịu hạn ngạch đồng thời phải đối phó với những hàng rào bảo hộ mới mà Mỹ và liên
minh châu Âu (EU) áp dụng. Theo dự báo của các chuyên gia trong ngành Dệt - May, sẽ xuất
hiện những xu hướng mới sau đây:
- Thứ nhất, khi bãi bỏ hạn ngạch, các nhà sản xuất Việt nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt
hơn với những nước thành viên khổng lồ của WTO mà tiêu biểu là Trung Quốc. Khi đó giá
các sản phẩm của Trung quốc sẽ giảm mạnh và yếu tố thời trang sẽ được khách hàng quan
tâm nhiều hơn. Vì vậy nhà sản xuất nào kết hợp được hai yếu tố: Giao hàng nhanh với chi phí
thấp sẽ có lợi thế. Các nhà nhập khẩu sẽ chọn nơi sản xuất nào họ có thể đặt hàng trọn gói, từ
vải, thiết kế mẫu, dây kéo đến nhãn mác Do đó nước nào phát triển được ngành công nghiệp
dệt may với cơ cấu cân đối cả Dệt - May - Các ngành phụ trợ thì sẽ có nhiều lợi thế vì có thể
đáp ứng các đơn hàng chủ động hơn, nhanh hơn.
- Thứ hai, khi chế độ hạn ngạch bị bãi bỏ, các khách hàng sẽ không chia lẻ đơn hàng
cho các nhà sản xuất nhỏ như trước nữa mà tìm đến với những doanh nghiệp lớn có qui mô từ
1000 lao động trở lên và có uy tín để đặt những đơn hàng lớn. Trong xu thế ấy, chỉ những
doanh nghiệp nào có quan hệ bạn hàng tốt, hệ thống phân phối tốt, biết liên kết để nâng cao
sức cạnh tranh và uy tín trong quan hệ bạn hàng thì sẽ thắng còn những doanh nghiệp nhỏ lẻ,
đơn độc sẽ khó tồn tại được.
- Thứ ba, cùng với xu thế tự do hoá thương mại, sản xuất không còn bó hẹp trong
phạm vi một quốc gia, địa phương nữa, việc lựa chọn địa điểm sản xuất ở đâu cần phải được
xem xét cẩn thận hơn rất nhiều. Các nhà sản xuất sẽ phải đối mặt với các quyết định về nguồn
cung ứng đó là nên tự sản xuất hay mua ngoài nguyên liệu, phụ liệu cho sản xuất. Xu hướng
chung của các quốc gia là sẽ sản xuất những mặt hàng nào có hiệu quả (lợi thế) hơn và nhập

khẩu những mặt hàng nào mà việc sản xuất ở trong nước kém hiệu quả. Từ đó đặt ra vấn đề
trong công tác tổ chức sản xuất là các doanh nghiệp nên hợp nhất theo chiều dọc việc sản xuất
nguyên phụ liệu hay nên mua chúng từ những nhà cung ứng độc lập và cơ cấu sản xuất của
ngành sẽ cần phải hoàn thiện theo chiến lược sản xuất ấy.
- Thứ tư, khi xoá bỏ hạn ngạch, sức ép về cạnh tranh sẽ ngày càng gia tăng, yêu cầu
của khách hàng cũng khắt khe hơn. Do đó muốn đứng vững trong cạnh tranh thì tổ chức sản
xuất phải trên cơ sở đáp ứng yêu cầu của các tiêu chuẩn quốc tế, phải hoà nhập vào hệ thống
quản lý chất lượng ISO 9000, quản lý môi trường ISO 14000 và hệ thống trách nhiệm xã hội
SA 8000

3. Phương hướng điều chỉnh hệ thống tổ chức sản xuất ngành Dệt - May nhằm thích ứng
với yêu cầu hội nhập quốc tế
Từ những phân tích trên cho thấy ngành dệt may muốn tồn tại và đứng vững trong
cạnh tranh thì hệ thống tổ chức sản xuất của ngành cần điều chỉnh theo hướng sau đây:
- Về cơ cấu ngành: Những năm qua ngành dệt may chỉ phát triển mạnh về lĩnh vực
may mặc do lĩnh vực này cần ít vốn, thời gian thu hồi vốn nhanh; còn lĩnh vực dệt phát triển
chưa tương xứng cả về qui mô, trình độ, năng lực cạnh tranh rất thấp không đáp ứng được nhu
cầu của ngành may; đặc biệt là công nghiệp phụ trợ còn rất nhỏ bé có thể nói là rất yếu không
đáp ứng được nhu cầu phát triển ngành: nguyên phụ liệu phải nhập khẩu từ 70- 80%. Vì vậy
ngành Dệt - May chỉ thiên về làm gia công giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế thấp. Xu thế
phân tích đã chỉ rõ cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp dệt và công nghiệp phụ trợ để tạo ra
ngành có cơ cấu Dệt - May - công nghiệp phụ trợ cân đối và tăng tính chủ động cũng như hiệu
quả trong phát triển ngành.
Thực tế những năm qua đã cho thấy việc mua ngoài nguyên phụ liệu có ưu điểm là tạo
được sự linh hoạt nhờ có thể chuyển đổi các nhà cung ứng để chọn nguồn nguyên liệu giá rẻ
và giảm được những rủi ro khi quá trình kinh doanh không thuận lợi. Nhưng mặt hạn chế lớn
đó là làm tăng tính phụ thuộc vào các nhà cung cấp, nên rất dễ bị ép giá và hạn chế sự chủ
động trong sản xuất, đáp ứng đơn hàng. Vì vậy nếu có khả năng thì cần chuyên nghiệp hoá
các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phụ trợ và phát triển quan hệ trao đổi mua bán nguyên
liệu giữa các doanh nghiệp dệt và may trong vùng, trong nước, trong khu vực để giảm áp lực

cạnh tranh từ bên ngoài, đồng thời tăng tính chủ động và tạo động lực để phát triển cả hai
ngành dệt và may.
- Về qui mô sản xuất và mối liên hệ sản xuất: Theo số liệu điều tra của Tổng cục
Thống kê, tính đến 31/12/2003 ngành dệt may Việt nam chỉ có 645/1919 doanh nghiệp
(chiếm khoảng 33,6%) là doanh nghiệp lớn, có nguồn vốn từ 10 tỷ đồng trở lên, trong đó
ngành dệt có 245/708 doanh nghiệp, ngành may có 400/1211; còn lại 66,4% là doanh nghiệp
vừa và nhỏ. Những doanh nghiệp lớn chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước nằm trong hệ thống
của Tổng Công ty Dệt May (Vinatex), còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ là của các địa
phương. Trong tương lai khách hàng có xu hướng tìm đến những nhà sản xuất lớn có nguồn
cung ổn định, thời hạn giao hàng nhanh thì rõ ràng các doanh nghiệp lớn sẽ tiếp cận các khách
hàng lớn dễ hơn, còn những doanh nghiệp có qui mô sản xuất nhỏ, sức cạnh tranh thấp sẽ vô
cùng bất lợi. Điều này sẽ đặt ra yêu cầu thúc đẩy các nhà sản xuất trong nước phải đi theo xu
thế hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ để hình thành những tập đoàn sản xuất lớn có sức
mạnh cạnh tranh cao. Các doanh nghiệp đầu đàn sẽ trở thành những đầu mối, hỗ trợ cho các
doanh nghiệp nhỏ bằng cách thu hút các doanh nghiệp nhỏ làm vệ tinh hoặc nhận sát nhập các
doanh nghiệp nhỏ để củng cố, hay thành lập các công ty cổ phần
- Vấn đề chuyên môn hoá sản xuất: Để mở rộng khả năng hợp tác giữa các nhà sản
xuất cũng như khả năng hoàn thiện sản phẩm đòi hỏi các nhà sản xuất phải đẩy mạnh sản xuất
theo hướng chuyên môn hoá. Mỗi doanh nghiệp cần đi sâu làm chủ một vài công nghệ, từ đó
định hướng đầu tư những máy móc chuyên dùng để tập trung sản xuất chuyên sâu theo từng
nhóm sản phẩm: sợi, dệt, riêng khâu may mặc nên chuyên môn hoá hẹp hơn theo các sản
phẩm như: sản phẩm quần âu, áo sơ mi, quần áo trẻ em, quần áo thể thao

4. Kết luận
Trước áp lực cạnh tranh gay gắt của quá trình hội nhập, để tồn tại và phát triển không
có cách nào khác, ngành dệt may phải cải tiến mọi mặt trong hoạt động sản xuất kinh doanh
và cái gốc để tạo ra sự thay đổi ấy chính là bắt đầu từ việc tổ chức lại hệ thống sản xuất.


TÀI LIỆU THAM KHẢO


[1] Tổng cục Thống kê, Thực trạng doanh nghiệp qua kết quả điều tra năm 2002, 2003,
2004, (2005), Nxb Thống kê, Hà Nội.
[2] Công ty Cổ phần Thông tin Kinh tế Đối ngoại, Dệt may Việt Nam - Cơ hội và thách
thức, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội, 2003.
[3] Nguyễn Văn Thường, Tăng trưởng kinh tế Việt Nam những rào cản cần phải vượt
qua, Nxb Lý luận Chính trị Hà Nội, 2005.
[4] Các Website:
http://www. Smenet.com.vn/
http://www. Economy.vn/


×