năng động, dồi dào sinh lực hơn. Lão Trang
như một nghịch lý sống động làm cho
Khổng Mạnh lộ hết chỗ nhân vi cứng nhắc
của họ. Triết học phương Đông không còn
chỉ đóng khung trong các vấn đề thực tiễn:
nhân sinh quan, chính trị luận mà bắt đầu
đề cập một vấn đề rất cốt lõi là vũ trụ quan,
xoay quanh nó có hai cái đích mà bao
nhiêu thế hệ triết gia âm thầm hướng tới: vũ
trụ tự nhiên và vũ trụ tâm linh. Lão học và
sau này là Huyền học đã góp phần đưa con
người trở về với thiên nhiên, tắm mình
trong trạng thái hồn toàn, giải phóng con
người khỏi rất nhiều vòng vây lễ nghĩa
cứng nhắc, biến con người-chức năng hay
con người-phận vị thành con người-tự do
tự tại.
Ngoài vòng cương tỏa chân cao thấp,
Trong thú yên hà cuộc tỉnh say.
(Nguyễn Công Trứ)
Lần đầu tiên ở phương Đông, với Lão
học, những phẩm chất nội tại của con
người được đề cao, con người biết vui
sống cái bản năng sống của mình, biết
hưởng cái quyền được làm đúng với sở
thích của mình.
Còn Phật giáo thì mở lối cho con người
đi tìm cái tâm thanh tịnh, đắm vào những
giây phút trầm mặc siêu hình để lấy lại sự
cân bằng tâm trí, không còn bị các loại “giả
tướng” sống-chết, phải-trái, có-không,
buồn-vui, sướng-khổ lục đục tranh chấp
hành hạ thân xác, nhờ đó đạt tới trạng thái
thăng hoa, xuất thần. Thời gian và không
gian không còn tồn tại nữa trong tâm ý con
người đắc đạo:
Tạc dạ nguyệt minh, kim dạ nguyệt,
Tân niên hoa phát, cố niên hoa.
Tam sinh thúc hốt chân phong chúc,
Cửu giới tuần hoàn thị nghĩ ma.
(Đốn tỉnh-Chợt tỉnh)
Trăng rọi tối nay: trăng tối trước,
Hoa cười năm mới: hoa năm qua.
Ba sinh gió thổi: đuốc lòe tắt,
Chín cõi cối vần: kiến nhẩn nha.
(Chúng tôi tạm dịch)
Bài thơ trên là của Trần Tung (1230-
1291), một nhà Phật học uyên bác thời
Trần cũng là một nhà thơ xuất sắc. Trần
Tung đã ghi lại thần tình nguồn cảm hứng
“nhập Thiền” của ông - một sự thảnh thơi
tâm trí được nâng cấp dần dần:
Tằng vi vật dục dịch lao khu,
Bài lạc trần hiêu, thế ngoại du.
Tát thủ na biên, siêu Phật tổ,
Nhất hồi đẩu tẩu, nhất hồi hưu.
(Xuất trần-Thoát trần)
Vật dục hành cho xác mệt nhoài,
Ruổi rong thoát quách chốn trần ai.
Buông tay sang đấy ta siêu Phật,
Mỗi lúc vươn mình: lúc nghỉ ngơi.
(Chúng tôi tạm dịch)
Trong trường kỳ lịch sử chuyên chế
phương Đông, Nho giáo sớm giành được vị
trí độc chuyên, tầng lớp sĩ phu rường cột
của chế độ quân chủ đều xuất thân cửa
Khổng sân Trình, song có một hiện tượng lý
thú là nhà nho dù ở thời đại nào cũng vậy,
không mấy khi trung thành với chỉ một hệ tư
tưởng Nho giáo. Họ vừa là tín đồ của
Khổng Phu tử cũng vừa là tín đồ của Phật
Lão. Nho giáo cung cấp cho họ những
phương châm hành xử để làm một người
kinh bang tế thế, còn Phật Lão lại là chỗ
dựa để họ thoát khỏi gánh nặng của con
người chức phận, hòa nhập vào thiên
nhiên, tìm thú vui tiêu sái, giải thoát mọi
phiền muộn của cuộc đời bể khổ, trở lại sự
tự do, trở lại là mình.
5.
Ý nghĩa của cuộc đấu tranh phát huy
tương đối luận và giải lý tính Nho giáo của
các trào lưu Lão học và Phật học còn để
lại nhiều kinh nghiệm quý giá cho chúng ta
hôm nay, trong yêu cầu kiếm tìm một mẫu
số chung của thời buổi toàn cầu hóa, thời
buổi thiên nhiên bị xâm hại đến cùng kiệt,
thời buổi bài toán “tự do và tăng trưởng”
đang chưa có đáp số cuối cùng. Chúng ta
đã từng rút được không ít bài học thấm thía
về sự cả tin vào ý chí của một thời vốn
được mệnh danh là “thời đại cách mạng lay
trời chuyển đất”, cả tin vào lẽ phải của lý
trí, khi ta mơ ước chân thành mà cũng có
phần nông nổi về lý tưởng tối hậu của cuộc
đấu tranh giai cấp giữa giàu và nghèo là
cốt triệt đi một vế - vế xấu xa, vế của sự
giàu sang - để vế nghèo cũng được xóa bỏ,
cuộc đời xung quanh ta sẽ tốt đẹp hơn.
Nhưng kết cuộc lại không hẳn đã như ta
nghĩ. Cái giàu bị tiêu diệt nào ngờ cái
nghèo càng nghèo thêm. Xin thử chiêm
nghiệm lại Lão Trang, phải đâu hai bậc hiền
triết Trung Hoa chỉ trưng dẫn một câu châm
ngôn duy nhất: giàu nghèo mai phục ở trong
nhau; họ còn nhắc nhở ta trong nhiều ngụ
ngôn thâm thúy khác: giàu không phải có
mặt bất thiện của giàu mà có cả mặt thiện
của giàu, nó có thể cứu rỗi cái nghèo. Và
xin thử chiêm nghiệm lại Phật giáo: miễn là
“tức lự” thì kẻ sát sinh vẫn cứ thành Phật.
Người chỉ quen duy lý chắc rất khó nhìn ra
tiềm năng “thành Phật” của kẻ sát sinh. Vấn
đề là cần làm sao kịp thời thức tỉnh, đừng
biến mình thành nạn nhân của trò chơi lý trí
- một kiểu trò chơi ú tim. Lý trí là mặt sáng
mà giải lý trí là mặt tối, nhưng mặt sáng
nhiều khi là ảo còn mặt tối mới chứa đựng
sự thực, cái sự thực của những viên kim
cương nằm sâu trong lòng đá. Từ gần hai
thế kỷ nay, biết bao định hướng nạm vàng
bằng “lý trí thông thái”, Tây cũng như Đông,
đã lần lượt làm đá lát đường dẫn con
người xuống địa ngục. Giới hạn trong
nhiều cảnh ngộ “đắt giá” mà chúng ta từng
là người trong cuộc, liệu diễn dịch và quy
nạp thật đúng logique kể cả logique biện
chứng, có giải quyết được gì chăng? Tạm
lấy một ví dụ ngẫu nhiên và hơi thô thiển:
trước những chuyện đau lòng “đấu cha tố
mẹ” trong Cải cách ruộng đất cách đây hơn
50 năm, logique hình thức - và ngay cả