Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

Báo cáo nghiên cứu khoa học: " CƯƠNG VỰC – MỘT KHÁI NIỆM CẦN ĐƯỢC LÀM SÁNG TỎ TỪ GÓC NHÌN CỦA NGỮ PHÁP CHỨC NĂNG" pps

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (283.91 KB, 6 trang )

TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 2(25).2008
CƯƠNG VỰC – MỘT KHÁI NIỆM CẦN ĐƯỢC
LÀM SÁNG TỎ TỪ GÓC NHÌN CỦA NGỮ PHÁP
CHỨC NĂNG
RANGE – AN IMPORTANT CONCEPT NEEDS TO BE CLARIFIED
FROM THE ASPECT OF FUNCTIONAL GRAMMAR

PHAN VĂN HÒA
Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHĐN

Tóm tắt
Bài viết này nhằm giới thiệu một phần nội dung cơ bản của khái niệm cương vực.
Trước hết người viết sẽ khái quát tư tưởng chủ đạo của Halliday trong ngữ pháp
chức năng. Sau đó, thông qua một số ví dụ minh họa, khái niệm cương vực sẽ
xuất hiện như là một thực thể quan trọng trong hoạt động của ngôn ngữ khi thực
hiện chức năng giao tiếp. Cuối cùng, phần kết luận sẽ nêu ra một cách hệ thống
những hoạt động đa diện của khái niệm cương vực trong một số diễn trình. Và
cũng từ đây, bài viết gợi ra rằng nghiên cứu sâu hơn nữa khái niệm cương vực
sẽ giúp ta nhận diện tốt hơn những đặc điểm mới của một số từ loại, đặc biệt
quan hệ giữa động từ và danh từ khi tham gia vào các diễn trình giao tiếp của
ngôn ngữ.
Abstract
This paper aims at making the basic content of the concept of Range clearer.
Firstly, the writer generalizes Halliday’s ideology in his functional grammar. Then,
illustrated by some lively examples, the concept of Range will be identified as an
important entity of language in use. Finally, the conclusion will systematically point
out some active functions of Range in some processes. From this, it is suggested
that to investigate Range well would help us reliably identify more new features of
word classes, especially the relationships between verbs and nouns participating
in communicative processes.


1. Dẫn nhập
Trong một thời gian dài khái niệm cương vực (range) không được chú ý đến. Khái
niệm cương vực phản ảnh những đặc trưng ngữ nghĩa của quá trình nhận thức thế giới
kinh nghiệm của con người thông qua hệ thống ngôn ngữ. Đồng thời, cương vực là khái
niệm chỉ ra chức năng của những tham thể tác động mạnh mẽ trong một số diễn trình dưới
góc nhìn ngữ pháp chức năng. Làm rõ khái niệm này sẽ cho chúng ta (a) phân biệt được
các chức năng cú pháp cũng như vai trò ngữ nghĩa của các thành phần trong câu, nhất là
các thành phần trong cụm động từ và cụm danh từ, (b) nhận thấy rõ hơn một số hoạt động
rất tinh tế của hệ thống ngữ nghĩa trong ngôn ngữ, (c) làm hé lộ các mối quan hệ giữa quá
trình nhận thức và quá trình sáng tạo ngôn ngữ.
2. Sơ lược các chức năng cơ bản của cú dưới góc nhìn của ngữ pháp chức năng.
Trong hệ thống lý thuyết ngữ pháp chức năng của Halliday (1976,1978,1984) có 3
chức năng quan trọng của cú (clause); mỗi cú đều được thể hiện trong mô hình cấu trúc
chức năng - ngữ nghĩa cơ bản như sau:
146
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 2(25).2008

147
A. Cú như một thông điệp (clause as message), có mô hình: Đề ngữ – Thuyết ngữ
(Theme – Rheme)
B. Cú như một sự trao đổi (clause as exchange), có mô hình: Thức - Phần dư
(Mood - Residue)
C. Cú như một sự thể hiện (clause as representation), có mô hình: Diễn trình, các tham thể
trong diễn trình, và các chu cảnh gắn với diễn trình. (Process, Participants, Circumstances)
Khái niệm cương vực nằm trong phần “cú như một sự thể hiện”.
Qua các mô hình này chúng ta thấy mỗi loại diễn trình ứng với các phạm trù ý
nghĩa và các tham thể như sau:
C.1. Diễn trình vật chất (material processes) ứng với phạm trù ý nghĩa hành động.
(doing), gồm hành động (doing) và hiện tượng xảy ra (happening), với các tham thể chính
gồm hành thể (Actor) và đích thể (Goal).

Ví dụ:
(1) Con sư tử đuổi bắt người khách du lịch
(Hành thể) (Diễn trình) (Đích thể)
Có thể có các yếu tố khác như chu cảnh thời gian, không gian, cách thế như:
(1’) Con sư tử đuổi bắt người khách du lịch sáng nay
(Hành thể) (Diễn trình) (Đích thể) (Chu cảnh: thời gian)
C.2. Diễn trình tinh thần (mental proceseses) ứng với phạm trù ý nghĩa cảm nhận
(sensing), gồm tri giác (nhìn thấy: seeing), tình cảm (cảm thấy: feeling) tri nhận
(thinking), và các tham thể cảm thể (senser) và hiện tượng (phenomenon).
Ví dụ:
(2) Tôi tin tưởng anh.
(Cảm thể) (Diễn trình: tri nhận) (Hiện tượng)
C.3. Diễn trình hành vi (behavioural processes), ứng với phạm trù ý nghĩa cư xử
(behaving), gồm tham thể ứng xử được gọi là ứng thể (behaver).
Ví dụ:
(3) Người ấy thở dài
(Ứng thể) (Diễn trình: hành vi)
C.4. Diễn trình hiện hữu (existential processes), ứng với phạm trù ý nghĩa tồn tại
(existing), gồm có tham thể chủ yếu được gọi là Hiện hữu thể (Existent).
Ví dụ:
(4) Có một trận bão
(Diễn trình:hiện hữu) (Hiện hữu thể)
C.5. Diễn trình quan hệ (relational processes), ứng với phạm trù ý nghĩa quan hệ
(being), gồm các tham thể chủ yếu được gọi là Đương thể (Carrier) và Thuộc tính
(Attribute).
Ví dụ:
(5) Anh ta là vị lãnh đạo tài ba
(Đương thể) (Diễn trình: quan hệ) (Thuộc tính)
C.6. Diễn trình phát ngôn (verbal processes), ứng với phạm trù ý nghĩa nói năng
(saying), gồm các tham thể chủ yếu được gọi là phát ngôn thể (Sayer) và đích ngôn thể

(Target).
Ví dụ:
(6) Tôi bao giờ cũng khen ngợi anh
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 2(25).2008
(Phát ngôn thể) (Diễn trình: phát ngôn) (Đích ngôn thể)
Qua 6 loại diễn trình vừa nêu một cách vắn tắt, chúng ta thấy rằng mỗi loại diễn
trình có ít nhất một phạm trù ý nghĩa tương ứng (như diễn trình hiện hữu, diễn trình hành
vi) và có tối đa là 3 phạm trù nghĩa tương ứng (như diễn trình tinh thần). Mỗi loại diễn
trình cũng có những tham thể được gọi tên khác nhau theo chức năng ngữ nghĩa khác nhau
trong mỗi loại diễn trình. Đồng thời chúng cũng được gọi tên khác nhau theo chức năng
cú pháp khác nhau.Chẳng hạn, tham thể phát ngôn thể (sayer) thường có chức năng là chủ
ngữ logic trong diễn trình phát ngôn còn tham thể đích ngôn thể thường có chức năng là
một tân ngữ trong diễn trình này như ở ví dụ (6).
Ngoài các tham thể vừa nêu, Halliday còn đưa ra 2 tham thể khác là tham thể lợi
thể (Beneficiary) và tham thể cương vực (Range). Vì giới hạn của bài viết, chúng ta chỉ
chú ý đến tham thể cương vực. [Hoàng Văn Vân (2001) là người đầu tiên dịch khái niệm
Range là Cương vực].
3. Khái niệm “ tham thể cương vực”
Xét các ví dụ:
(7) Anh ta chơi đàn piano.
(8) Anh ta làm vỡ đàn piano.
(9) Họ đang leo núi.
(10) Họ đang đào núi.
Ta thấy rằng các nhóm danh từ “đàn piano” ở (7) và (8) và “núi” ở (9) và (10) đều
có chức năng cú pháp giống nhau; theo cách hiểu truyền thống, chúng là tân ngữ (objects).
Tuy nhiên, về mặt chức năng ngữ nghĩa, giữa (7) và (8), giữa (9) và (10) có sự khác biệt
rất lớn:
Ở (7), “đàn piano” không chịu sự tác động của động từ “chơi” một cách bị động
mà qua tác động của động từ “chơi” nó thực hiện được chức năng của nó là đàn piano
đồng thời giới hạn được tính chất của hoạt động “chơi”. Trong khi ở (8), “đàn piano” chịu

sự tác động của động từ làm vỡ một cách hoàn toàn bị động, và vì hành động này mà bản
thân “đàn piano” không còn là chính nó nữa.
“Núi” ở (9) không hề chịu sự tác động nào của động từ “leo”. “ Núi” ở (9) chỉ cho
chúng ta biết cái phạm vi hoạt động của động từ “leo” mà thôi. Nhưng ở (10), “núi” phải
chịu sự tác động của động từ “đào”. Vì hành động đào có thể làm biến dạng “núi”, làm
ảnh hưởng thực sự đến thực thể “núi”.
Như vậy, “đàn piano” ở (8) và “núi” ở (10) là những thực thể chịu sự tác động
trực tiếp của các hành động trong diễn trình vật chất, chúng được gọi tên là “đích thể”
(Goal).
Theo Martin (1997), “đích thể” khác với “cương vực” trong diễn trình vật chất ở
chỗ “đích thể” là một tham thể chịu sự tác động và ảnh hưởng của hành động trong diễn
trình được thực hiện bởi “tác thể” (Actor). Ví dụ cây cối và quả bóng trong:
(11) Họ triệt hạ cây cối.
(12) Họ ném quả bóng vào trong góc.
Ngược lại, cương vực không chịu sự tác động của diễn trình, nhưng cương vực lại
bổ sung thêm thông tin về diễn trình hoặc làm chi tiết hóa diễn trình bằng các yếu tố của
chu cảnh không gian hoặc mức độ; cụ thể như sau:
3.1. Bổ sung thông tin:
a. Bằng cách tường thuật lại các yếu tố chia sẻ ý nghĩa của động từ ở diễn trình.
148
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 2(25).2008

149
Ví dụ:
(13) Anh ta hát một bài dân ca cổ.
(14) Cô ấy cười một tiếng cười khàn đục của người hút thuốc lá.
b. Bằng cách cụ thể hóa nội hàm từ vựng (động từ trong diễn trình).
Ví dụ:
(15) Họ phạm phải một sai lầm chết người!
c. Bằng cách minh họa thêm để diễn trình được nhận diện một cách chi tiết hơn.

Ví dụ:
(16). Họ chơi quần vợt.
3.2. Chi tiết hóa diễn trình bằng các đặc trưng của chu cảnh.
Ví dụ:
(17) Họ trèo đỉnh núi gần nhất.
(18) Con ngựa nhảy qua hàng rào.
(19) Quần chúng ùa ra các ngã đường
Theo Halliday (1976), cương vực cho thấy (i) phạm vi mà trong đó diễn trình xảy
ra hoặc (ii) mô tả bản thân diễn trình ở mức độ khái quát hay mức độ cụ thể. Cương vực
có thể:
a. là một thực thể tồn tại độc lập với diễn trình, nhưng nó cho thấy những giới hạn hoặc
hạn định của diễn trình.
Ví dụ:
(20) Chúng tôi đã từng leo lên ngọn núi này nhiều lần.
Rõ ràng ngọn núi tồn tại độc lập với diễn trình leo lên của tham thể chúng tôi.
Nhưng đồng thời ngọn núi cũng cho thấy phạm vi hoạt động của hành động leo lên.
b. Hoặc không phải là một thực thể nào cả mà chỉ là một tên gọi khác của diễn trình mà
thôi.
Ví dụ:
(21) Họ đang chơi quần vợt.
Quả vậy, “quần vợt” không phải là một thực thể mà là tên gọi của môn chơi qua
hành động chơi mà thôi.
Cương vực thường được thể hiện ở các mức độ và phạm vi như sau:
+ Khái quát. Ví dụ:
(22). Họ chơi đủ các trò chơi.
+ Cụ thể số lượng. Ví dụ:
(23). Họ chơi 5 môn.
+ Cụ thể về chủng loại. Ví dụ:
(24). Họ chơi bóng chuyền.
(24’). Họ không chơi bóng rỗ.

+ Cụ thể về chất lượng. Ví dụ:
(25). Họ chơi một trò chơi rất hay.
Nhiều khi “cương vực” còn thực hiện chức năng lấp đầy ý nghĩa của diễn trình và
vì vậy động từ trong diễn trình trở nên một động từ mang tính hình thức, trống nghĩa, hoặc
chuyển đổi nghĩa theo hướng nghĩa của “cương vực”. Ví dụ:
(26) Họ dùng bữa cơm thân mật.
Halliday (1976) cho rằng trong diễn trình vật chất có thể có một trong hai loại
cương vực: (1) Cương vực thực thể và (2) cương vực diễn trình.Ví dụ:
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 2(25).2008
(27). Con sóc chạy qua sân chơi. (sân chơi là một cương vực thực thể).
(28). Cả nước phải trả một giá đắt. (giá đắt là một cương vực diễn trình).
Ngoài diễn trình vật chất, cương vực có thể xuất hiện ở các diễn trình hành vi,
diễn trình tinh thần, và diễn trình phát ngôn. Ví dụ:
Ở diễn trình tinh thần:
(29). Tôi sẽ nhận ra khuôn mặt ấy ở bất kỳ nơi nào.
Ta gọi khuôn mặt ấy là cương vực hiện tượng trong diễn trình tinh thần.
Ở diễn trình hành vi:
(30). Mắt chị ấy tuôn ra những giọt nước mắt sầu muộn
Những giọt nước mắt sầu muộn được gọi là cương vực hành vi.
Ở diễn trình phát ngôn:
(31). Cô ta nói tiếng Anh rất chuẩn.
“Tiếng Anh” được gọi là cương vực ngôn thể.
Thật ra, cương vực còn khó nhận diện hơn trong một số cấu trúc kiểu như:
(32). Nền giáo dục thực sự của Bernard Shaw xuất phát từ nền tảng của âm nhạc và hội
họa, một nền giáo dục Shaw lĩnh hội được ở quê nhà.
Một nền giáo dục là cương vực thực thể.
(33). Năm 1876, Shaw theo cùng mẹ và chị đến ở tại Luân Đôn; ở đây, Shaw đã phải trải
qua chín năm ròng trong cuộc sống vất vả nghèo khổ không thể nào tả hết được.
Mẹ và chị là cương vực thực thể, chín năm ròng là cương vực diễn trình.
4. Kết luận

Như chúng ta vừa thấy, cương vực có thể xuất hiện ở 4 loại diễn trình: Trong diễn
trình vật chất ta có cương vực thực thể [ví dụ (9), (17), (18), (19), (20)] và cương vực diễn
trình [ví dụ (7), (21), (22), (23), (24), (24’), (25)]. Trong diễn trình tinh thần ta có cương
vực hiện tượng [ví dụ (29)]. Trong diễn trình hành vi ta có cương vực hành vi [ví dụ (30)].
Trong diễn trình phát ngôn, ta có cương vực ngôn thể [ví dụ (14), (30)]. Xác định được
khái niệm cương vực nói chung giúp chúng ta nhận ra được bản chất ngữ nghĩa của các
yếu tố ngôn ngữ khi chúng tham gia vào các kết cấu cú pháp trong câu. Xác đinh được
khái niệm cương vực một cách cụ thể như cương vực thực thể, cương vực diễn trình,
cương vực hiện tượng, cương vực hành vi, cương vực ngôn thể giúp chúng ta càng nhìn rõ
hơn các mối quan hệ rất tinh tế của các yếu tố ngôn ngữ khi thực hiện chức năng chuyển
tác kinh nghiệm phong phú của con người. Nhất là phân biệt rõ hơn chức năng tham thể
cương vực với các chức năng tham thể khác như cương vực với đích thể, cương vực với
hành thể, cương vực với đương thể Bởi lẽ, mỗi loại cương vực như vậy lại cho chúng ta
đi sâu hơn nữa phân tích một cách triệt để hoạt động của một số động từ cũng như một số
từ loại khác khi chúng trở thành các yếu tố lập ngôn, nhất là mối quan hệ giữa động từ và
danh từ khi chúng tham gia vào các diễn trình. Điều này cũng gợi ra cho chúng ta cần tìm
hiểu sâu hơn về những hoạt động tri nhận trong hệ thông ngôn ngữ, nhất là mối quan hệ
giữa ngữ nghĩa và cú pháp khi mối quan hệ này cùng tham gia vào các chức năng giao
tiếp.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

150
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 2(25).2008

151
[1] Lý Toàn Thắng, Ngôn ngữ học tri nhận- Từ lý thuyết đại cương đến thực tiễn tiếng
Việt, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005
[2] Lê Quang Thiêm, Về khuynh hướng ngữ nghĩa học tri nhận, T/c NN, Số 11, 2006, 6-

19.
[3] Hoàng Văn Vân, Ngữ pháp kinh nghiệm của cú tiếng Việt mô tả theo quan điểm chức
năng hệ thống, Hà Nội, 2000
[4] Hoàng Văn Vân, Dẫn luận ngữ pháp chức năng, (bản dịch từ An Introduction to
Functional Grammar, Edward Arnold, London, của Halliday, 1976), Đại học Quốc
gia Hà nội, 2001.
[5] Bach, K., & Harnish, R.M., Linguistic Communication and Speech Acts, The MIT
Press, London, 1984
[6] Halliday, M.A.K, An Introduction to Functional Grammar, Edward Arnold, London,
1976
[7] Langcker, R.W, Foundations of Cognitive Grammar, Stanford University Press,
California, 1987.
[8] Martin,J.R, Matthiessen I.M, & Painter, C, Working with Functional Grammar,
Arnold, London & New york, 1988

×