Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

Báo cáo nghiên cứu khoa học: " NGHIÊN CỨU MỘT SỐ ĐẶC TRƯNG NGỮ NGHĨA CỦA HOÁN DỤ TRONG BÁO TIẾNG ANH VÀ TIẾNG VIỆT" ppsx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (384.48 KB, 8 trang )

TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(40).2010

133
NGHIÊN CỨU MỘT SỐ ĐẶC TRƯNG NGỮ NGHĨA CỦA HOÁN DỤ
TRONG BÁO TIẾNG ANH VÀ TIẾNG VIỆT
A STUDY ON SOME SEMANTIC FEATURES OF METONYMY IN ENGLISH
AND VIETNAMESE NEWSPAPERS

Lưu Quý Khương
Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng
Nguyễn Thị Yến Hồng
Trường THPT Vạn Tường, Quảng Ngãi

TÓM TẮT
Hoán dụ (metonymy) có vai trò rất quan trọng đối với con người trong việc nhận thức
thế giới xung quanh cũng như làm giàu thêm kiến thức ngôn ngữ. Có thể tìm thấy ví dụ của

biện pháp tu từ này ở hầu hết các diễn ngôn trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Tuy
nhiên, hoán dụ vẫn chưa được đề cập đến nhiều trong dạy và học tiếng Anh dù rằng nó là một
trong những cách hữu hiệu giúp học sinh phát triển từ vựng và nâng cao kỹ năng giao tiếp
ngôn ngữ, đặc biệt là kỹ năng viết. Với mục đích giúp người học ngôn ngữ hiểu được bản chấ
t
tri nhận của hoán dụ, bài báo tập trung nghiên cứu một số đặc điểm ngữ nghĩa của hoán dụ
thông qua những dữ liệu về cách sử dụng hoán dụ trong các bài báo tiếng Anh và tiếng Việt.
Đó là việc mở rộng nghĩa, thu hẹp nghĩa của các cụm từ hoán dụ và việc sử dụng các cụm từ
hoán dụ như một hiện tượng đa nghĩa
. Từ đó, bài viết rút ra những điểm giống nhau và khác
nhau trong việc sử dụng biện pháp tu từ này ở hai ngôn ngữ. Những kết quả nghiên cứu của
bài báo có thể góp phần nâng cao hiệu quả của việc giảng dạy từ vựng tiếng Anh cũng như
giúp người Việt Nam học tiếng Anh phát triển vốn từ vựng cho cho bản thân.
ABSTRACT


Metonymy plays an important role for people to perceive the world as well as enrich
their language knowledge. It can be seen in most of discourses in our everyday life. However, it
is not widely dealt with in teaching and learning English though this device is one of the effective
ways that can help English learners develop their vocabulary and their communicative skills,
especially their writing skill. In view of helping learners to understand the cognitive nature of
metonymy, this article focuses on some semantic features of metonymy such as the
meaning
extension, meaning reduction as well as the use of metonymy as a polysemic phenomenon
through analyzing many metonymic instances collected from English and Vietnamese
newspapers. With the discovery of similarities and differences of these semantic features, the
author hopes to make a little contribution to promoting the vocabulary teaching efficiency and
help Vietnamese learners of English develop their English vocabulary.

1. Đặt vấn đề
Hoán dụ là một trong những biện pháp tu từ được sử dụng hầu hết trong các lĩnh
vực không những trong các tác phẩm văn chương như chúng ta vẫn thường gặp mà nó
còn được sử dụng triệt để trong các bài báo. Hoán dụ không chỉ là một biện pháp tu từ
mà là một phần trong cách suy nghĩ hằng ngày của mỗi người. Các nhà báo sử dụng
hoán dụ nhằm tăng thêm hiệu quả ngôn từ, làm cho bài báo thêm sinh động và tránh
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(40).2010

134
được sự nhàm chán. Người đọc khi hiểu được những hình ảnh hoán dụ sẽ khám phá
thêm được sự phong phú trong ngôn ngữ và sử dụng nó một cách hiệu quả trong giao
tiếp hằng ngày. Trong bài viết này, qua khảo sát hơn 300 ví dụ trích từ các bài báo tiếng
Anh và tiếng Việt chúng tôi đề cập đến việc mở rộng nghĩa, thu hẹp nghĩa của hoán dụ
và hiện tượng đa nghĩa trong việc sử dụng hoán dụ trong các bài báo tiếng Anh và tiếng
Việt trên mạng Internet nhằm góp phần nâng cao hiệu quả của việc giảng dạy từ vựng
tiếng Anh cũng như giúp người Việt Nam học tiếng Anh phát triển vốn từ vựng cho cho
bản thân.

2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu
Cho đến nay đã có không ít công trình nghiên cứu về hoán dụ. Galperin [2],
nghiên cứu mối tương quan giữa nghĩa của hoán dụ trong từ điển và trong ngữ cảnh,
Lakoff và Johnson [4], Kovecses và Radden [3] xem xét hoán dụ bằng ngôn ngữ học tri
nhận, Nguyễn Thiện Giáp [5] đề cập đến sự chuyển đổi của hoán dụ dựa trên các mối
quan hệ giữa các vật thể. Đỗ Hữu Châu [1] đã chỉ ra một loạt các mối quan hệ của hoán
dụ. Võ Thu Duyên [6] đã nghiên cứu về ngữ nghĩa, cú pháp và ngữ dụng học của hoán
dụ trong các truyện ngắn. Bài báo này đề cập đến sự mở rộng nghĩa và thu hẹp nghĩa
của các biểu đạt hoán dụ cũng như việc sử dụng hoán dụ như một hiện tượng đa nghĩa
trong các bài báo tiếng Anh và tiếng Việt.
3. Khái niệm về hoán dụ
Theo Galperin [2, p.140] "Hoán dụ được dựa trên một kiểu quan hệ khác nhau
giữa nghĩa từ điển và nghĩa ngữ cảnh, một mối quan hệ không dựa trên sự tương đồng
mà dựa trên sự liên tưởng nào đó kết nối 2 khái niệm mà những ý nghĩa này biểu thị.”
Trong khi đó với quan điểm ngôn ngữ học tri nhận, Kovecses và Radden
[3, p.39] cho rằng "Hoán dụ là một quá trình tri nhận mà một thực thể khái niệm, mang
nghĩa phương tiện, quy định ý nghĩ đến một thực thể khái niệm khác, mang nghĩa đích,
trong cùng một mô hình tri nhận được lý tưởng hoá".Ví dụ:
(1) There are a lot of good heads in this university. [4]
(Có nhiều người giỏi ở trường đại học này.)
Trong ví dụ này, từ “heads" (những cái đầu) được sử dụng theo hình thức hoán
dụ. Người viết đã sử dụng một bộ phận của cơ thể để chỉ toàn bộ người. Trong đó
"heads" là một thực thể khái niệm có mối quan hệ đến "people" nên nó được xem là
m
ột phương tiện quy định cho nét nghĩa "người" trong ví dụ này. Vì vậy, người ta phải
hiểu "good heads" chính là "intelligent people" trong ngữ cảnh này.
Xét ví dụ trong Tiếng Việt:
(2) Nhiều cây viết khác thì nổi giận vì tổng thống cúi người trước con trai của Nhật
hoàng Hirohito, từng lãnh đạo nước Nhật trong Thế chiến II. [11]
Nghĩa hoán dụ của ví dụ trên được thể hiện thông qua mối quan hệ giữa vật

TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(40).2010

135
được sử dụng và người sử dụng vật đó. "Cây viết" là một thực thể khái niệm làm cho
người đọc liên tưởng đến một thực thể khác có liên quan đến nó thông qua mối quan hệ
của chúng. Vì vậy, người đọc có thể hiểu được "những cây viết" ở đây dùng để chỉ cho
người thường xuyên sử dụng chúng trong công việc của mình, đó chính là những nhà
báo, nhà văn.
Như vậy, rõ ràng sự chuyển nghĩa của hoán dụ được xác định thông qua mối
quan hệ giữa các thực thể có mối liên quan với nhau và cùng nằm trong một mô hình tri
nhận được lý tưởng hoá.
4. Đặc trưng ngữ nghĩa của hoán dụ
Hoán dụ được dùng rất phổ biến trong các bài báo tiếng Anh và tiếng Việt. Một
cụm từ hoán dụ đôi khi được dùng như một cái toàn thể để biểu thị cho một bộ phận của
nó hay ngược lại một bộ phận được sử dụng để biểu thị cho cái toàn thể. Chính vì thế
chúng ta có được sự mở rộng nghĩa cũng như sự thu hẹp nghĩa trong quá trình chuyển
nghĩa của các cụm từ hoán dụ.
Hơn nữa, trong cùng một mô hình tri nhận được lý tưởng hóa thì có nhiều
mối quan hệ giữa cái toàn thể và bộ phận. Có thể trong trường hợp này cái toàn thể
được liên tưởng đến bộ phận này nhưng trong trường hợp khác cái toàn thể lại được
liên tưởng tới một khía cạnh khác. Vì vậy, có thể nói hoán dụ cũng là một hiện
tượng đa nghĩa.
4.1 Hoán dụ là một phương tiện mở rộng nghĩa
Hoán dụ có một vị trí quan trọng trong việc mở rộng nghĩa của từ. Một cụm từ
chỉ đến một khía cạnh của một vật hay một sự kiện nào đó có thể tạo ra một nghĩa mở
rộng mang tính chất tương đối. Tính chất mở rộng nghĩa của hoán dụ thường nằm trong
mối quan hệ từ nghĩa của cái bộ phận được thay thế bằng nghĩa của cái toàn thể. Xét các
ví dụ sau:
(3) A chief minister who was a former LTTE (the Liberation Tigers of Tamil Eelam)
child soldier headed a provincial council. [10]

Head → leader → action of leading
Ví dụ này đã minh hoạ cho sự mở rộng nghĩa trong hoán dụ. Chúng ta nhận thấy
"head", một bộ phận cơ thể được dùng để biểu đạt cho một con người có khả năng kiểm
soát người khác hoặc là có vai trò lãnh đạo. Thông qua phép chuyển từ một danh từ
sang động từ, từ này được dùng để chỉ đến một hành động lãnh đạo: nghĩa của từ "head"
đã được mở rộng từ nghĩa gốc của nó.
Ngoài việc dùng phép chuyển để mở rộng nghĩa của từ hay cụm từ hoán dụ,
trong các bài báo tiếng Anh nghĩa của từ hoán dụ được mở rộng qua việc miêu tả những
đặc tính cụ thể.
(4) They are there to offer a friendly, neutral ear for any problems
. [9]
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(40).2010

136
(Họ ở đấy để đóng vai trò một người lắng nghe thân thiện và trung lập đối với bất cứ
vấn đề nào.)
Chúng ta biết rằng "ear" (tai) là cơ quan thính giác và khi chúng ta muốn để tâm
đến một câu chuyện nào đó thì chúng ta cần phải vận dụng đôi tai một cách tối đa để
nghe những gì người khác nói. Chính vì thế "ear" có thể được dùng để thay thế cho một
chức năng mang tính chất trừu tượng, đó là sự chú ý. Xét ví dụ trên ta thấy rằng nghĩa
của cụm từ "a friendly, neutral ear" có thể được hiểu là "a person who friendly listens
to any problem".
Trong các bài báo tiếng Việt, chúng tôi không tìm thấy việc dùng phép chuyển
đổi từ loại để mở rộng nghĩa như trong tiếng Anh mà chỉ thấy sự mở rộng nghĩa được
dùng trong việc miêu tả những đặc tính cụ thể của từ hoán dụ.
(5) Viên bảo vệ này là cánh tay đắc lực của lãnh đạo áo đỏ Khattiya Sawasdipol vừa
qua đời hôm 17.5 vì bị bắn trước đó.
[12]
Cánh tay → người → người trợ lý
Hoán dụ trong ví dụ trên mang tính mở rộng nghĩa thể hiện trong việc miêu tả

thêm một đặc tính của nghĩa đích. Chúng ta biết rằng cụm từ "cánh tay" có thể dùng để
chỉ cho một người sở hữu "cánh tay" này. Tuy nhiên việc dùng thêm tính từ " đắc lực"
đã làm cho nghĩa của từ hoán dụ được mở rộng thành "một người rất đáng tin tưởng"
cho "lãnh đạo áo đỏ".
Với cách mở rộng nghĩa như vậy, ở ví dụ dưới đây "chân" không chỉ đơn thuần
là một bộ phận cơ thể dùng để chỉ đến một con người mà với nét đặc trưng của nghề
người mẫu là phải sở hữu những đôi chân dài thì chúng ta có thể hiểu được hoán dụ này
đã được mở rộng nghĩa.
(6) Ba chân dài không được cấp phép thi Hoa hậu quốc tế. [13]
chân→ người → người mẫu
4.2 Hoán dụ là phương tiện để thu hẹp nghĩa
Hoán dụ cũng được xem như là phương tiện thu hẹp nghĩa trong trường
hợp mối quan hệ giữa nghĩa nguồn và nghĩa đích là sự chuyển nghĩa từ cái toàn thể đến
cái bộ phận. Nghĩa của một từ hay cụm từ có thể bị thu hẹp khi nghĩa mà nó muốn
chuyển tải chỉ mang một nét nghĩa trong rất nhiều nét nghĩa của từ được thể hiện.
(7) The White House hopes the Senate Judiciary Committee can hold hearings before
July 4, but some Congressional aides were skeptical. [17]
(Nhà Trắng hy vọng Uỷ ban Tư pháp Thượng viện có thể tổ chức các phiên tranh
luận trước ngày 4 tháng 7, nhưng các phụ tá ở Quốc hội vẫn chưa chắc về việc này.)
Nhà Trắng → cơ quan → những người làm việc trong cơ quan này
Trong ví dụ trên, nghĩa gốc của "The White House" là một nơi làm việc, nó
thường được ngụ ý đến một cơ quan đứng đầu của nước Mỹ. Tuy nhiên, với nghĩa của
ví dụ trên một cơ quan không thể được dùng với động từ "hope" (hy vọng), chỉ có
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(40).2010

137
những con người làm trong đó mới có thể hy vọng một điều gì đó. Điều này chứng tỏ
"The White House" là cái toàn thể bị thu hẹp nghĩa sử dụng thành "những người làm
trong Nhà Trắng".
(8) Việt Nam ký hợp đồng dầu khí trị giá 350 triệu euro. [20]

Việt Nam (quốc gia) → cơ quan → người lãnh đạo của cơ quan này
“Nước Việt Nam” với tư cách là một không gian địa lý, một dải giang sơn gấm
vóc không thể ký hợp đồng dầu khí trong trường hợp này mà phải là một tổ chức, một cơ
quan ở Việt Nam được Nhà nước cho phép ký hợp đồng này. Như vậy, trong khuôn khổ
giao thương với các nước trên thế giới thì thay vì nói đến một tổ chức hay một cơ quan
của Việt Nam thì người ta thường dùng tên "Việt Nam" để thay thế. Ở ví dụ trên hoán
dụ được sử dụng dựa vào mối quan hệ giữa tổng thể là "Việt Nam" với bộ phận "Tổng
công ty xây lắp dầu khí Việt Nam" và công ty không phải đứng ra ký hợp đồng với đối
tác mà là những người có trách nhiệm của công ty làm việc này. Từ mối quan hệ dây
chuyền này, "Việt Nam" ở ví dụ trên đã bị thu hẹp nghĩa thành "những người lãnh đạo
của tổng công ty xây lắp dầu khí Việt nam".
(9) Capello thuộc số ít HLV tại vị bất chấp kết quả không như ý ở Nam Phi. [21]
Nam Phi (quốc gia) → sự kiện có liên quan đến Nam Phi → Giải vô địch
bóng đá thế giới năm 2010
Nghĩa của "Nam Phi" đã bị thu hẹp. Với nghĩa gốc là tên của một quốc gia,
người ta đã sử dụng từ này để chỉ một sự kiện nổi bật đang xảy ra: giải bóng đá thế giới
năm 2010.
4.3 Hoán dụ là một hiện tượng đa nghĩa
Ngoài những đặc điểm mở rộng nghĩa và thu hẹp nghĩa, hoán dụ còn được xem
là một hiện tượng đa nghĩa. Với lý do có rất nhiều mối quan hệ giữa tổng thể và bộ phận
trong cùng một mô hình tri nhận được lý tưởng hoá và một bộ phận có thể có mối liên
hệ với nhiều tổng thể khác nhau nên hoán dụ có thể được xem là một hiện tượng đa
nghĩa. Xét các ví dụ sau:
(10) Some heads admitted that this was attractive in a time of austerity, but others said
the details must be clarified before they would commit themselves. [18]
(11) A strong head and committed staff insist on good behaviour, provide expert
teaching and inspire high aspirations.
(12) There is the one in which his team are comprehensively outplayed for long periods
before an opponent is persuaded to head the ball into his own net in the fifth minute.[7]
(13) A chief minister who was a former LTTE child soldier headed a provincial council.

[10]
Các từ hoán dụ được dùng trong các ví dụ trên giống nhau về mặt hình thức
nhưng lại mang những ý nghĩa khác nhau. "Head" (đầu) có trường hợp là dùng để thay
thế cho người nói chung như trong ví dụ (10), có trường hợp lại dùng để chỉ người lãnh
đạo (11). Khi chuyển đổi chức năng từ danh từ sang động từ thì nó lại mang nghĩa hành
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(40).2010

138
động, có lúc là "dùng đầu để thực hiện hành động" (12) có lúc là "đứng đầu/ lãnh đạo
một tổ chức” (13).
Trong tiếng Việt, hoán dụ cũng tồn tại như một hiện tượng đa nghĩa, nó biểu thị
những đặc điểm, thuộc tính khác nhau của một đối tượng, hoặc biểu thị những đối
tượng khác nhau của thực tại. Xét các ví dụ sau:
(14) Phú Mỹ Hưng 'trốn' cư dân. [14]
(15) Các tầng hầm để xe tại Phú Mỹ Hưng đều được lắp đặt hệ thống chữa cháy tự
động bằng bọt foam. [15]
(16) Phú Mỹ Hưng kêu cứu vì bị cắt ngọn nhà. [16]
Các từ hoán dụ được dùng trong các ví dụ (14), (15), (16) biểu thị những thuộc
tính khác nhau của "Phú Mỹ Hưng". "Phú Mỹ Hưng" là tên của một công ty nhưng ở ví
dụ (14) nó được dùng để chỉ lãnh đạo của công ty. Trong khi đó, ở ví dụ (15) nó đề cập
“không gian và các công trình thuộc công ty Phú Mỹ Hưng” và “cư dân ở khu đô thị
Phú Mỹ Hưng” là đối tượng được thay thế cho Phú Mỹ Hưng trong ví dụ (16). Rõ ràng
từ hoán dụ "Phú Mỹ Hưng" có nhiều nghĩa khác nhau ở những ngữ cảnh khác nhau.
Những ví dụ trên đã chứng tỏ được mối quan hệ giữa sự chuyển nghĩa trong
hoán dụ và hiện tượng đa nghĩa. Vì thế, hiện tượng đa nghĩa được xem là một đặc tính
ngữ nghĩa của hoán dụ.
5. Sự giống nhau và khác nhau của các cụm từ hoán dụ trong tiếng Anh và tiếng
Việt
5.1 Giống nhau
Về các đặc trưng ngữ nghĩa của hoán dụ, chúng tôi nhận thấy rằng ở cả hai ngôn

ngữ đều có sử dụng sự mở rộng nghĩa, thu hẹp nghĩa và hiện tượng đa nghĩa. Chúng tôi
đã thống kê số lượng của các cụm từ hoán dụ xét trên các đặc trưng về ngữ nghĩa ở 200
ví dụ trong tiếng Anh và tiếng Việt theo bảng dưới đây:
Bảng 1. Đặc trưng ngữ nghĩa của hoán dụ trong Tiếng Anh và Tiếng Việt
Tiếng Anh (200) Tiếng Việt (200) Đặc trưng ngữ nghĩa
Số lượng % Số lượng %
Mở rộng nghĩa
102 51 87 43.5
Thu hẹp nghĩa
64 32 61 30.5
Hiện tượng đa nghĩa
34 17 52 26
Nhìn vào bảng ta thấy đặc trưng mở rộng nghĩa (51%) ở tiếng Anh và (43.5%) ở
tiếng Việt bộc lộ nhiều hơn cả so với 2 đặc trưng còn lại và hiện tượng đa nghĩa ở tiếng
Anh chỉ chiếm 17% và tiếng Việt là 20.5%. Lý do là trong quá trình nghiên cứu, chúng
tôi nhận thấy số lượng cụm từ hoán dụ thể hiện quá trình chuyển nghĩa từ cái bộ phận
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(40).2010

139
sang cái toàn thể nhiều hơn rất nhiều so với việc chuyển nghĩa từ cái toàn thể sang cái
bộ phận mà việc mở rộng nghĩa hầu như dựa trên việc chuyển nghĩa từ bộ phận sang
toàn thể, điều này được thể hiện cụ thể ở bảng so sánh dưới đây:
Bảng 2. Quá trình chuyển nghĩa của hoán dụ trong tiếng Anh và tiếng Việt
Quá trình chuyển nghĩa Ngôn ngữ
Bộ phận → Toàn thể Toàn thể → Bộ phận
Tiếng Anh (200)
122 78
Tiếng Việt (200)
134 64
5.2 Khác nhau

Việc sử dụng hoán dụ như một phương tiện mở rộng nghĩa được dùng trong
tiếng Anh nhiều hơn trong tiếng Việt. Chúng ta có thể thấy rõ trong Bảng 1, với số
lượng 200 mẫu ở mỗi ngôn ngữ thì phương tiện mở rộng nghĩa trong tiếng Anh là 102
còn trong Tiếng Việt chỉ có 87. Lý do là ngoài việc các cụm từ hoán dụ trong Tiếng
Anh sử dụng các tính từ bổ nghĩa cho danh từ trung tâm để mở rộng nghĩa như tiếng
Việt thì người viết còn dựa vào phép chuyển từ danh từ sang động từ để thực hiện nét
đặc trưng này. Bên cạnh đó hiện tượng đa nghĩa trong tiếng Việt lại được sử dụng nhiều
hơn trong tiếng Anh.
Một điểm khác biệt nữa giữa tiếng Anh và tiếng Việt trong quá trình sử dụng
hình ảnh hoán dụ là tiếng Việt có sử dụng động từ để làm bổ nghĩa sau cho danh từ
trung tâm như "chân sút", "tay chèo", tay đàn", … còn tiếng Anh không có hiện tượng
này.
6. Kết luận
Hoán dụ có giá trị rất lớn trong việc giảng dạy từ vựng. Nó là một trong những
phương tiện hữu hiệu để mở rộng, thu hẹp nghĩa của từ làm cho cách diễn đạt thêm
phong phú. Hơn nữa, là một hiện tượng đa nghĩa nên 1 từ hoán dụ có thể được dùng
trong nhiều trường hợp với nhiều nghĩa khác nhau. Do vậy, sử dụng biện pháp tu từ này
là một cách hữư hiệu giúp rút ngắn cách diễn đạt mà nghĩa vẫn không mất đi nên làm
cho bài viết trở nên súc tích và có phong cách hơn .
Chính vì những lợi ích đó, trong quá trình giảng dạy, giáo viên có thể đưa ra một
loạt các dẫn chứng về hoán dụ và khuyến khích học sinh tư duy về nghĩa mà người viết
muốn chuyển tải, đồng thời cho học sinh thường xuyên luyện tập biện pháp tu từ này
trong một số tình huống cụ thể. Bên cạnh đó, giáo viên cần cung cấp cho học sinh
những kiến thức cần thiết về mô hình tri nhận lý tưởng hoá (ICM: Idealized Conceptual
Models), nó sẽ giúp học sinh hiểu được cách ICM tác động đến việc chuyển nghĩa của
hoán dụ. Điều này cũng sẽ giúp cho học sinh khám phá ra mối quan hệ bên trong giữa
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(40).2010

140
nhiều nghĩa khác nhau của cùng một từ hay cụm từ để từ đó dần dần lĩnh hội được quy

luật sử dụng hoán dụ. Ngoài ra, việc giới thiệu những đặc tính ngữ nghĩa của hoán dụ
cho học sinh cũng rất quan trọng, học sinh sẽ biết sử dụng hoán dụ làm phương tiện mở
rộng nghĩa và thu hẹp nghĩa, sử dụng một từ trong nhiều trường hợp khác nhau với
nhiều nghĩa khác nhau.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Đỗ Hữu Châu (2007), Đỗ Hữu Châu tuyển tập, tập 1& 2, Nhà xuất bản Giáo dục.
[2] Galperin, I.R. (1971), Stylistics, High School Publishing House, Moscow.
[3] Kovecses, Z. and Radden, G. (1999), Toward a Theory of Metonymy, John
Benjamins
[4] Lakoff, G. and Johnson, M. (1980), Metaphor We Live By, University of Chicago
Press.
[5] Nguyễn Thiện Giáp (1997), Dẫn luận ngôn ngữ học, Nhà xuất bản Giáo dục.
[6] Vo Thi Thu Duyen (2006), An Investigation into Metonymy in English and
Vietnamese Short Stories, M.A.Thesis, University of Danang.
[7] (30/4/2008)
[8]
[9] />children-at-risk
[10]
11] (5/11/2009)
[12]
[13] />hau-quoc-te.htm
[14]
[15]
[16]
[17]
[18]
(27/5/2110)
[19]

[20]
[21] (7/7/2010)

×