Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

Tôn giáo & thuyết thần quyền – Phần 1 docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (118.46 KB, 8 trang )

Tôn giáo & thuyết thần quyền – Phần 1


I- SỰ PHÁT-SANH CỦA NHỮNG TÔN-GIÁO, LÝ-THUYẾT THẦN
QUYỀN
Trong sự hoạt-động không ngừng của mình để sinh-tồn và tiến-hóa, loài người đã
nhờ một khả-năng đặc-biệt mà vượt lên trên mọi loài sanh-vật khác rất xa. Khả-
năng đó là trí khôn của người. Trí khôn này không phải chỉ lo giải-quyết những
vấn-đề trực-tiếp cần-thiết cho đời sống của người. Nó còn đưa người đến chổ tìm
hiểu những lý lẽ, những nguyên-nhơn của sự vật.
Cố-nhiên là sự suy-tưởng của người không phải đạt ngay được mực hoàn toàn từ
khi phát-hiện. Lúc ban đầu, những tri-thức của người về thế-giới ngoại quan hãy
còn thô-sơ lắm và những tư-tưởng của người, ngay đến những tư-tưởng rất sâu sắc
và có một lập-luận rất chặt chẽ, cũng vẫn dựa vào một nền tảng mơ-hồ không
vững chắc. Chỉ sau khi khảo sát kỹ càng về sự vật chung quanh mình và về ý-thức
mình, người mới tiến đến những tri-thức thực-nghiệm và lý-luận của người mới có
một cơ-sở khoa-học hơn.
Nói một cách khái-quát, những tôn-giáo là kết-quả sự cố gắng của người để giải-
thích sự vật lúc người vừa thoát khỏi thú tánh, lúc tư-tưởng người chưa đạt được
trình-độ chánh xác và chắc chắn của khoa-học. Sự phát-sanh của các tôn-giáo thật
ra rất là phức-tạp, và hiện giờ, chúng ta thiếu những tài-liệu cần-thiết để phác lại
lịch-trình cấu-tạo của nó một cách rõ ràng, đứng đắn. Tuy thế, sự khảo-sát về
phong-tục và tư-tưởng của những nhóm người còn lạc-hậu, và sự nghiên-cứu về
đời sống tâm-lý của người, đã giúp những nhà khoa-học nêu ra những giả-thuyết
có thể xem là phù-hợp với sự thật về vấn-đề này.
A- Ý-NIỆM LINH-HỒN
Một trong những sự-kiện làm phát-sanh ra những tôn-giáo là sự nhận có linh-hồn.
Người cổ-sơ thấy rằng khi mình thức và tỉnh-táo, mình có ý-thức, và nhận-chơn
được bản-ngã thường-nhựt của mình. Những khi ngủ hay bất-tỉnh, trái lại, người
mê man không cảm thấy gì cả, hay có chiêm bao mà cảm thấy điều kia việc nọ thì
những trí-thức của người cũng không phù-hợp với cái bản-ngã bình-thường của


mình. Điều này làm cho người nghĩ rằng ngoài thể-xác, còn có một nguyên-tố
khác tạo nên mình. Nguyên-tố đó là linh-hồn. Khi người thức và tỉnh-táo, linh-hồn
ở trong thể-xác người, khi người ngủ hay bất-tỉnh, linh-hồn tạm rời khỏi thể-xác
ấy.
Trong những giấc chiêm bao của mình, người cổ-sơ nhiều khi lại thấy những
người quen thuộc đã chết. Giữa giấc chiêm bao, họ thường ngộ-nhận rằng những
kẻ ấy còn sống như mình. Chỉ khi tỉnh dậy, họ mới nhớ rằng những kẻ ấy không
còn ờ cõi đời và không thể gặp được trong thế-giới này nữa. Do đó, họ nghĩ rằng
khi người chết, chỉ có thể-xác người là tan rã, còn linh-hồn thì tồn-tại mãi.
Những linh-hồn này vô-hình đối với người thường, nhưng vẫn ở chung quanh họ;
nó cũng có những tình-cảm, nhu-cầu như người sống, và có thể hại đến tánh-mạng
người sống. Đối với những linh-hồn không hình không ảnh, chỉ có thể gặp được
trong chiêm bao, người hoàn toàn bất-lực. Phương-pháp duy-nhứt của người để
đối-phó với các linh-hồn ấy là thỏa mãn những nhu-cầu của nó, và tỏ ra phục-tùng
nó để nó không phá-hoại mình. Vì đó, người nghĩ đến việc thờ phụng những linh-
hồn người chết.
B- Ý-NIỆM THẦN-MINH
Một mặt khác, người cổ-sơ nhận thấy rằng phần lớn những vật ở quanh mình đều
biến hình hay chuyển động, hoặc có những hình dáng lúc thì oai-nghiêm, lúc thì
hùng-vĩ lúc thì đáng ghê rợn. Mặt trời, mặt trăng và các vị tinh-tú luân phiên lặn
mọc; núi non rừng rú và mặt đất cùng biển cả hiện ra dưới những ảnh-tượng khác
nhau tùy mùa, tùy lúc; bầu trời khi thì quang-đãng, mây bay gió thổi nhẹ nhàng,
khi thì đen tối âm u, với bão tố, với sấm sét đùng đùng. Từng ấy hiện-tượng đánh
mạnh vào trí óc người.
Vì không hiểu rõ những cơ-cấu tác-động của các lực-lượng thiên-nhiên trên này,
và thấy rằng những tác-động đó khi thì có lợi, khi thì có hại cho mình, người cổ-sơ
cho rằng sau mỗi lực-lượng, đều có một nguyên-lý thiêng liêng điều-khiển.
Nguyên-lý này là vị thần-minh vô-hình và có nhu-cầu, tình-cảm như linh-hồn
người chết, nhưng có oai-quyền và thế-lực hơn linh-hồn người chết rất nhiều. Đối
với thần-minh, người cũng không có cách nào đối-phó lại, ngoài việc tế-lễ tôn-

sùng họ để họ thương tình mà tha thứ hay tin yêu mà bảo-vệ cho mình.
C- Ý-NIỆM VẬT-TỔ
Trong sự vật lộn với vạn-vật để mưu-cầu sự sống, người phải đụng chạm với
nhiều loài khác. Có nhiều loài thực-vật và nhất là động-vật làm cho người kinh sợ
hay cảm-phục. Với tâm-hồn mộc-mạc của mình, người cổ-sơ tưởng rằng nếu mình
ăn thịt những loài vật ấy, hoặc trá hình cho giống nó, mình cũng có những đức-
tánh như nó, hay được nó cho rằng mình đồng-loại với nó mà không sát-hại mình.
Người Việt-tộc ngày xưa làm nghề chài lưới nên thường hay lặn lội dưới sông
dưới biển. Họ rất sợ giống giao-long, tức là một loại thuồng luồng cá sấu, làm hại
mình. Vì đó, họ xâm mình cho giống nó và lần lần đi đến chỗ cho rằng mình thuộc
chủng-tộc giao-long.
Về sau, một chi-nhánh Việt-tộc đến đất Phước-kiến. Thường năm, họ hay đáp
thuyền vượt biển đi lại từ đất căn-cứ đến các miền duyên-hải ở phương nam, như
Hải nam, Bắc-Việt, có lẽ cả Nam-dương quần-đảo nữa. Mùa gió bấc, họ khởi-
hành, đến gió nồm, họ lại trở về quê quán. Trong những lần vượt biển như vậy, họ
tự so sánh mình với những đàn chim lạc, một giống hậu-điểu thuộc loại ngỗng
trời, cũng mỗi năm theo gió bấc bay về bờ biển phương nam, và đến mùa gió nồm
thì bay trở về đất cũ. Do đó, họ mang lông chim lạc để giả làm giống chim ấy. Sau
đó, họ thờ chim lạc làm vật-tổ, lấy tên nó làm tên bộ-lạc mình và tự gọi mình là
dân tộc Lạc-Việt. Họ là thủy-tổ của dân-tộc Việt-nam ta.
Dãu vết của sự thờ phụng vật-tổ trên này hãy còn trong lịch sử nước ta, với những
truyền-thuyết cho rằng nòi giống ta là con cháu Rồng Tiên, với những tên Lạc-
Long quân và Lạc-Vương, mà ta dùng để gọi những vị vua đầu tiên của đất nước
ta.
Có khi vật-tổ là một con vật đóng vai tuồng quan-trọng trong sự sống của dân, hay
đã giúp ích rất nhiều cho người quốc-tổ. Sự thờ phụng vật-tổ thường làm cho mối
dây liên-lạc quan-trọng cho tất cả mọi người trong một bộ-lạc, một thị-tộc, có khi
đến cả một tiểu-bang. Người cổ-sơ phải giữ nhiều qui-tắc đối với vật-tổ. Thường,
họ phải tỏ ý tôn-sùng vật-tổ, không bao giờ phạm đến nó, nhưng cũng có nhiều
bộ-lạc được phép ăn thịt vật-tổ trong một thời kỳ nhứt-định mỗi năm để nhờ đó mà

có được những đức-tánh quí báu của vật-tổ.
D- Ý-NIỆM VỀ VỊ THẦN BẢO-VỆ ĐOÀN-THỂ
Khi xã-hội tiến đến một trình-độ văn-minh cao hơn, ý-niệm vật-tổ lần lần phai mờ
trong trí người, và được thay thế bằng ý-niệm về một vị thần đặc-biệt bảo-vệ
đoàn-thể. Vị thần này có thể là người lãnh tụ đầu tiên đã điều-khiển đoàn-thể hay
là một vị anh-hùng của đoàn-thể, nhưng cũng có thể là một vị thần tưởng-tượng ra,
hay một vị thần nguyên-lý của lực lượng thiên-nhiên được đoàn-thể thờ cúng.
Đ- Ý-NIỆM THƯỢNG-ĐẾ
Những ý-tưởng về linh-hồn, về thần-minh, về vật-tổ, về vị thần bảo-vệ đoàn-thể
thường trộn lộn vào nhau. Nó tạo ra trong trí người một thế-giới vô hình đầy
những nhơn-vật quyền-năng rất lớn đối với võ-trụ và nhứt là đối với người.
Ban đầu, người thờ cúng tất cả những ma quỉ thần thánh như nhau. Nhưng sự
quan-sát bộ máy cai-trị chung quanh mình cho người thấy rằng xã-hội nào cũng có
trật-tự, có các cấp bực cao thấp.
Những thị-tộc đều có người tộc-trưởng cầm đầu. Những bộ-lạc do các thị-tộc liên
minh nhau lại để lập thành thì có người tù-trưởng chỉ-huy. Những tiểu-bang và
quốc-gia, kết-quả sự thôn-tính lẫn nhau hay sự thông-hôn giữa những bộ-lạc, cũng
có vị lãnh-chúa hay quốc-vương điều-khiển. Những tộc-trưởng, tù-trưởng có thể
còn được dung-nạp trong tiểu-bang và cai-trị thị-tộc hay bộ-lạc mình dưới quyền
lãnh-chúa hay quốc-vương.
Những điều này đưa người đến ý nghĩ sắp hạng các nhơn-vật của thế-giới vô-hình.
Bên trên những vị thần-minh, những linh-hồn người chết, người cổ-sơ tưởng-
tượng ra một vị thần có quyền-lực tối-cao, điều-khiển tất cả những thần-minh và
linh-hồn người chết, điều-khiển cả những lực-lượng thiên-nhiên và võ-trụ. Vị thần
này thường là vị thần bảo-vệ cho đoàn-thể đã thực-hiện được sự thống-nhứt các
bộ-lạc để lập nên tiểu-bang hay quốc-gia. Nhưng đó cũng có thể là một nhơn-vật
khác hơn tất cả những vị thần-minh sẵn có: đó là Trời hay Thượng-Đế.
Khi tư-tưởng người đã tiến đến một mực cao hơn, người suy nghĩ sâu xa hơn về
võ-trụ trong đó mình sống. Điều người nhận thấy trước hết là nó rất minh-mông
vĩ-đại, nhưng lại rất có trật-tự, rất điều-hòa. Người nghĩ rằng một công-trình tinh-

xảo như vậy không thể nào do sự ngẫu-nhiên mà cấu tạo được. Do đó mới phát-
sanh ý-tưởng cho rằng nhứt-định phải có một đứng toàn-thiện toàn-năng sáng-tạo
ra muôn vật. Đứng Tạo-hóa này tất-nhiên phải là ông Trời, vị Thượng-Đế người
đã tôn thờ.
Trong khi một số đông dân-tộc giữ mãi lòng tin tưởng nơi nhiều vị thần-minh, một
vài giống dân, sau khi có ý-niệm về Thượng-Đế khai sáng võ-trụ rồi, thì hướng về
thuyết độc-thần. Theo thuyết này, ngoài Thượng-Đế ra, không còn có vị thần-minh
nào khác nữa, và con người chỉ nên thờ cúng một mình Thượng-Đế mà thôi.
Buổi đầu, đứng Thượng-Đế do người tưởng-tưởng là một nhơn-vật có hình thể
giống như người, lắm khi lại có những nhu-cầu, xúc cảm, tánh-tình như người
nữa. Nhưng sau đó, những triết-gia lần lần trừu-tượng-hóa hình ảnh Thượng-Đế,
và cuối cùng, xem Thượng-Đế như là một nguyên-lý linh thiêng, ở đâu cũng có và
lúc nào cũng có, nhưng không có hình-thể tánh-chất như người.
E- SỰ PHÁT-TRIỂN CỦA TINH-THẦN ĐẠO-ĐỨC.
Với ý-niệm mới này về Thượng-Đế, những tôn-giáo bắt đầu có một nền triết-lý
uyên-thâm. Nền triết-lý này có khi đi đến chổ không công-nhận Thượng-Đế, cho
dẫu là dưới hình thức một nguyên-lý vi-diệu. Tuy thế, nó vẫn nhuộm màu huyền-
bí và không đạt được tánh-cách rõ ràng của khoa-học. Nhưng dầu sao nó cũng đưa
đến cho tư-tưởng người một yếu-tố mới là một nền đạo-đức trước kia chưa có.
Người cổ-sơ chỉ thờ cúng tôn-sùng các linh-hồn, các vị thần-minh hay Thượng-Đế
với mục-đích mua cảm-tình những đứng thiêng liêng để khỏi bị những đứng ấy
trừng-phạt, hay hơn nữa, để được những đứng ấy bảo-trợ, phù-trì cho. Với một
nền-tảng triết-lý cao hơn, các tôn-giáo đưa người đến ý-niệm tu-thân để xứng-
đáng với Ngài, để có thể hòa-hợp hồn mình với linh-hồn Thượng-Đế. Điều này
giúp người tiến một bước khá dài trên địa-hạt tinh-thần và làm cho nhơn-loại được
thuần-lương hơn trước.

×