Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

Chức năng giải trí trong sáng tạo và thưởng thức văn nghệ doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (167.53 KB, 8 trang )

Chức năng giải trí trong
sáng tạo và thưởng thức
văn nghệ
Khi nói đến những chức năng cơ bản của văn học - nghệ thuật, từ
xưa đến nay, hầu hết mọi người đều thừa nhận: nhận thức, giáo dục và
thẩm mỹ (hay nói cách khác, văn nghệ hướng con người tới Chân, Thiện,
Mỹ) là những phẩm chất đồng bộ, chỉnh thể, nhằm phát huy tác dụng tích
cực của văn nghệ đối với đời sống xã hội và cuộc sống tinh thần của con
người.
Tuy nhiên, đã đến lúc, qua thực tiễn sáng tạo nghệ thuật, trên phương
diện nghiên cứu và lý luận, cần đề cập và khẳng định những chức năng
khác, không thể không coi trọng khi xem xét động cơ và hiệu quả của hoạt
động văn nghệ. Theo hướng này, cần nói đến thư giãn, giải trí qua sáng tạo
và thưởng thức văn học - nghệ thuật. Chúng đem lại sự thoải mái, vui vẻ,
hoá giải được những phiền não, căng thẳng do mưu sinh phải tập trung sức
lực vào lao động chân tay và lao động trí óc, do vướng vào những hệ luỵ
không mong muốn hoặc bất khả kháng từ những mối quan hệ xã hội ràng
buộc Qua đó, người ta lấy lại được sự cân bằng về tâm - sinh lý, duy trì
được một sức khoẻ tâm thần cần thiết để tiếp tục tồn tại, lao động và sáng
tạo, có một đời sống gia đình ổn định, hoà hợp với thiên nhiên, gắn bó chan
hoà với nhân quần hướng thiện(1).
Trước đây, dưới chế độ phong kiến thống trị, ở ta quan điểm "Văn dĩ
tải đạo", "Thi dĩ ngôn chí" chi phối mạnh mẽ, khiến cái nhìn về hoạt động
sáng tạo và thưởng thức văn nghệ không khỏi phiến diện ("Đạo" ở đây
nhiều khi chỉ nhấn mạnh đến lòng trung quân ái quốc; "Chí" là chí của kẻ sĩ,
của người quân tử). Thi hào dân tộc Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều bằng
tâm huyết và thiên tài của mình, cất lên tiếng nói đấu tranh và bảo vệ quyền
sống của con người trong một chế độ còn nhiều oan trái, bất công. Kết thúc
tác phẩm lớn của đời mình, ông đã phải tránh né, khi viết rằng:
Lời quê chắp nhặt dông dài,
Mua vui cũng được một vài trống canh.


Khiêm tốn, khiêm nhường là thế, nhưng qua cách nói của mình,
Nguyễn Du đâu có xem thường loại văn chương mua vui, giải trí! "Cũng
được" chữ dùng thật mát mẻ, tưởng là hạ thấp, nhưng thực ra ít nhất cũng
khẳng định: một tác phẩm văn nghệ chân chính không thể không đem lại
chút ít gì là bổ ích cho người đời, đem lại cho họ niềm vui sống. Nhà thơ tự
tin và tự hào biết bao vì công việc của mình chí ít cũng thoả mãn cái thú
tiêu khiển qua văn chương viết bằng ngôn ngữ dân tộc "nôm na" giành cho
những người đọc tri âm, tri kỷ.
Trong vòng kìm kẹp của ách thống trị chủ nghĩa thực dân cách đây
ngót 70 năm thuộc thế kỷ trước, trên văn đàn công khai ở ta đã nổ ra cuộc
tranh luận "Nghệ thuật vị nghệ thuật" hay "Nghệ thuật vị nhân sinh". Đó là
sự đụng độ giữa một bên là các quan điểm của lập trường tiểu tư sản, tư
sản và bên kia là lập trường cách mạng của giai cấp vô sản, trong bối cảnh
cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xung quanh cái nhìn về những vấn đề
cốt tử của nghệ thuật, trong đó có vấn đề về sự ra đời, tồn tại, phát triển và
chức năng của văn học - nghệ thuật trong các mối liên hệ giữa: Cuộc sống -
Tác giả - Tác phẩm - Công chúng. Cuộc tranh luận này đã tạo được một
ảnh hưởng khá sâu rộng đối với giới sáng tác cũng như công chúng, đã
khẳng định tính ưu việt của mỹ học mác xít trong khả năng tiếp nhận chân
lý đời sống và chân lý nghệ thuật.
Hải Triều và các chiến hữu của ông đã thành lập một "chiến tuyến
hợp nhất", đấu tranh chống lại quan điểm nghệ thuật thoát ly đời sống chỉ
để thoả mãn cái "Tôi" cá nhân, tách những tìm tòi về nghệ thuật biểu hiện
biệt lập với việc thực hiện các chức năng xã hội từ nội dung và nghệ thuật
của tác phẩm. Trong khi xác lập ngọn nguồn vật chất và cơ sở tinh thần của
hoạt động sáng tạo nghệ thuật, tính độc lập và tự do của loại lao động đặc
thù đòi hỏi tài năng đích thực và công phu bền bỉ, các ông đề cao vai trò tác
phẩm văn nghệ là vũ khí tinh thần của giai cấp và dân tộc, tư cách chiến sĩ
của văn nghệ sĩ trong cuộc đấu tranh nhằm thúc đẩy tiến bộ xã hội, góp
phần hoàn thiện nhân cách, thoả mãn các yêu cầu phong phú và đa dạng

của con người.
Đứng trên lập trường của chủ nghĩa duy biện chứng mác xít, Hải
Triều khẳng định tác dụng kỳ diệu của tác phẩm văn nghệ chân chính khi
nó đạt tới giá trị cao trong sự hoà hợp, thống nhất giữa nội dung và nghệ
thuật. Những tác phẩm như vậy sẽ đem tới sự cộng hưởng, tâm đắc trong
quá trình thưởng thức của công chúng, nâng cao khoái cảm thẩm mỹ nơi
họ.
Ông viết: "Trong lúc các bạn nghe một nhạc sĩ đánh đàn, cái đoạn mà
họ đánh hay nhất chính là lúc họ đã thoát tiếng tơ, tiếng đồng, mà chỉ còn
buông ra giữa không trung những âm điệu nhẹ nhàng, êm ái hay mãnh liệt,
hùng hồn Tôi nghĩ, một thiên tiểu thuyết hay cũng giống như cái điệu đàn
đã thoát tiếng tơ"(2).
Ở đây, qua một so sánh độc đáo, chính xác, Hải Triều đã chạm vào
một khía cạnh tìm tòi lý luận lý thú: ấy là sự tổng hợp các chức năng nhận
thức, giáo dục, thẩm mỹ, giải trí trong một tác phẩm văn nghệ khiến người
ta phải nhận là hay. ở trình độ cao này, tác phẩm đã thăng hoa, xúc động
đến gan ruột công chúng, chạm vào tơ lòng sâu kín của họ, dấy lên trong
họ những tình cảm tốt đẹp. Như vậy cũng tức là nó thoả mãn, đáp ứng
những đòi hỏi thiết tha của việc làm phong phú tâm hồn, tư tưởng, tình cảm
của con người.
Phía Hoài Thanh, Lê Tràng Kiều chỉ một chiều nhấn mạnh chức năng
giải trí, đề cao sự tìm tòi nghệ thuật đơn thuần - sự phiến diện này không
thể không xem là thái độ trốn lánh thực tế khắc nghiệt của đời sống, đi tìm
sự tự ru ngủ khi chưa tìm ra câu giải đáp. Hoài Thanh viết: "Một tí hương
man mác lúc canh trường, những màu xinh tươi rung rinh dưới ánh trời khi
ban sớm khiến cho khách giang hồ quên những nỗi nhọc nhằn mà trong
chốc lát hưởng những phút say sưa, như vậy chẳng đủ cho một đời hoa
hay sao?"(3).
Tuy vậy, lòng yêu nước và tinh thần dân tộc đã giúp Hoài Thanh điều
chỉnh lại nhận thức. Trong khi "vẫn nhìn nhận sức tiêu khiển của văn

chương và kể tiêu khiển bằng văn chương cũng vô hại”, ông lại nhận ra
rằng "văn chương nào phải vì thế mà chỉ là trò giải trí"(4) và kêu gọi nhà
văn cũng như mọi người, trong đó đi hàng đầu là thanh niên, cần phải thực
hiện nghĩa vụ cấp bách làm dân, làm người, đặt lòng tin vào tương lai, tin
vào năng lực tự nhiên của dân tộc và bằng việc làm, bằng ngòi bút, hành
động cho cái tương lai rực rỡ của đất nước. Nhà cầm quyền thực dân tất
nhiên không thể dung thứ cái tư tưởng "nghịch ý" này. Chúng cấm lưu hành
tác phẩm Văn chương và hành động, vì tác phẩm khơi gợi tinh thần yêu
nước theo chủ nghĩa dân tộc. Đây là khía cạnh khả thủ trong hệ thống quan
điểm nghệ thuật nhìn chung còn phiến diện của phái "Nghệ thuật vị nghệ
thuật" hồi trước Cách mạng tháng Tám 1945.
Với lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhà cách mạng của dân tộc và của cách
mạng vô sản, người khai sáng con đường cách mạng Việt Nam theo chủ
nghĩa Mác - Lênin, thì loài người sáng tạo và phát minh ra văn hoá (trong
đó bao gồm cả văn học - nghệ thuật) là "vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích
của cuộc sống". Người chủ trương "văn hoá phải soi đường cho quốc dân
đi", người văn nghệ sĩ cần là những chiến sĩ có tinh thần xung phong, dấn
thân cho sự nghiệp phò chính trừ tà, luyện cho ngòi bút vững vàng chất
thép kiên cường.
Mặt khác, từ kinh nghiệm bản thân, Người ghi nhận tác dụng tiêu
khiển tích cực của sáng tạo nghệ thuật, khi, trong niềm vui và cảm hứng
nghệ thuật, người sáng tạo vượt lên sự bó buộc của hoàn cảnh, những nỗi
khổ cực dày vò thân xác hàng ngày để có được một chỗ dựa tinh thần, tin
vào ngày mai sẽ tìm thấy tự do của cá nhân trong tự do của dân tộc. Bài
thơ mở đầu tập Nhật ký trong tù (1942) có những dòng tràn đầy cảm hứng
tự tin, bình thản với khát vọng cao đẹp:
Liêu tá ngâm thi tiêu vĩnh nhật
Thả ngâm thả đãi tự do thì.
Dịch:
Ngày dài ngâm ngợi cho khuây

Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do(5).
Nhớ về những ngày tù tội trong nhà lao Quốc dân Đảng (Trung Quốc)
và có làm thơ, Bác Hồ nói: "Mười mấy tháng bị nhốt trong cái phòng u ám
và quạnh hiu, một mình một bóng, không được nói chuyện với ai, không có
việc gì làm Để "tiêu khiển" ngày giờ, chỉ có cách nghêu ngao, vắn tắt ghi
lại sinh hoạt người ở tù, cho khuây khoả thế thôi "(6).
Sau này, trong hoàn cảnh đất nước giành được độc lập, xây dựng và
phát triển nền văn nghệ dân tộc, cho nhân dân, vì nhân dân, Chủ tịch Hồ
Chí Minh vẫn lưu ý đến các khía cạnh "phong phú", "vui tươi", hấp dẫn và
"bổ ích" của sáng tác văn nghệ. Người khuyên văn nghệ sĩ quan tâm đáp
ứng các nhu cầu của đại chúng: "Quần chúng mong mỏi những tác phẩm
có nội dung chân thực và phong phú, có hình thức trong sáng và vui tươi.
Khi chưa xem thì muốn xem, xem rồi thì có bổ ích"(7).
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần phải đạt tới sự hài hoà có
mức độ khi thực hiện sự giải trí bằng văn nghệ, qua văn nghệ. Sẽ là thiếu
sót, nếu xét về toàn cục và tổng thể, khi triển khai hoạt động văn hóa - văn
nghệ, người thực hiện lại "nặng về mặt giải trí mà coi nhẹ về mặt nâng cao
tri thức cho quần chúng"(8).
Những lời dạy và nhận xét của Chủ tịch Hồ Chí Minh thật quý báu;
chúng ta không nên xem thường hoặc có cái nhìn chiếu cố, châm chước
đối với chức năng giải trí, "mua vui" của văn nghệ. Lao động và vui chơi,
làm việc và nghỉ ngơi, thư giãn; nghiêm túc và hài hước, dí dỏm là những
phương diện bổ sung, bù đắp làm cho con người và thế giới sinh tồn trong
sự hài hoà và phát triển. Văn nghệ thực hiện đúng một trong những thiên
chức của mình khi nó đáp ứng kịp thời nhu cầu về sự giải trí, tiêu khiển bổ
ích, giúp con người không xa lạ với chính mình. Đúng như câu cách ngôn
mà K.Marx ưa thích: "Cái gì con người có, tôi đều có" (Nihil humani a me
alienum puto) (9).
Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII (tháng
7/1998) đã ra Nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam

tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết có đoạn viết: "Khuyến khích
tìm tòi, thể nghiệm mọi phương pháp, mọi phong cách sáng tác vì mục đích
đáp ứng đời sống tinh thần lành mạnh, bổ ích cho công chúng".
Tiếp đó, tại Đại hội IX của Đảng cộng sản Việt Nam (tháng
4/2001), Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương đã một lần
nữa khẳng định phương hướng xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà
bản sắc dân tộc trên đất nước ta, xem văn hoá vừa là mục tiêu, vừa là động
lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, nhằm xây dựng con người Việt
Nam phát triển toàn diện cả về tinh thần và thể chất. Nhân dân lao động trở
thành những chủ thể sáng tạo văn hoá và hưởng thụ các thành quả của
văn hoá, được nâng cao trình độ thẩm mỹ và thưởng thức nghệ thuật.
Đường lối văn hoá của Đảng chú trọng khai thác các kho tàng văn hoá cổ
truyền, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, đẩy mạnh các hoạt động vui
chơi, giải trí
Trong quá khứ, chúng ta có một vốn quý về văn nghệ dân gian và văn
nghệ cổ điển, truyền thống: các truyện cười dân gian, truyện tiếu lâm,
truyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, Xiển Ngộ, truyện Ba Phi (ở miền Nam),
truyện làng cười Văn Lang (miền Bắc), thơ trào phúng - trữ tình của Hồ
Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Học Lạc, Kép Trà, Huyện Nẻ,
các vai hề trong sân khấu truyền thống, chú Tễu trong múa rối nước từ
lâu đã đem lại cho người đọc, người xem trong nước và bạn bè quốc tế
những giây phút sảng khoái, thú vị, niềm vui của trí tuệ và sự hiền minh
trong thưởng thức nghệ thuật.
Thời hiện đại, những vở kịch hài, phim hài, phim trinh thám, phim
cảnh sát hình sự, độc tấu vui, tiết mục biểu diễn xiếc người, xiếc thú, những
chương trình truyền hình đố vui, giải trí có sự tham gia của các đối tượng
theo nhiều chủ đề của đời sống, những sáng tác văn thơ trào phúng của Tú
Mỡ, Đồ Phồn, Thợ Rèn, Bút Châm, Đặc Công, Tú Sụn, Tú Sót, Ngũ Liên
Tùng đã được công chúng khắp vùng miền, các lứa tuổi hồ hởi đón nhận,
chia sẻ trong sự giao lưu, hưởng ứng một cách hào sảng. Song, cũng

không phải là không có những lời chê, góp ý về những cái chưa được,
chưa ổn của một số tiết mục, chương trình.
Dù sao, trong cuộc sống hiện nay, con người phải mưu sinh để tồn
tại, ổn định và phát triển xã hội, gìn giữ hạnh phúc trong độc lập tự do và
dân chủ, văn nghệ giải trí cho đại chúng vẫn được xem là trợ thủ đắc lực.
Không sa vào khuynh hướng giải trí tầm phào, rẻ tiền, bị "thương mại hoá"
chi phối, văn nghệ giải trí lành mạnh, bổ ích và giàu chất trí tuệ vẫn tiếp tục
xuất hiện. Nó khơi dậy, thắp sáng lên trong con người một nguồn lực trong
trẻo, ham sống và yêu đời, nhìn thẳng vào sự thật, khắc phục các khó khăn
và trở ngại, đấu tranh chống tiêu cực, cái xấu và cái ác, vững lòng và mạnh
bước đi lên.

×