TƯ VẤN CHO PHỤ NỮ CÓ THAI
Tuyến áp dụng.
Tất cả các tuyến.
Người thực hiện.
Cán bộ cung cấp dịch vụ.
Tư vấn cho phụ nữ có thai là quá trình giao tiếp, trao đổi hai chiều, giúp họ xác
định được những điều cần thiết về bảo vệ thai nghén, từ đó quyết định những hành
động thích hợp nhất có lợi cho sức khỏe mẹ và con.
1. Những nội dung tư vấn trong mọi trường hợp.
- Sự cần thiết của việc khám thai định kỳ.
- Dinh dưỡng của thai phụ trong khi có thai.
- Lao động, làm việc trong khi có thai.
- Vệ sinh thân thể trong khi có thai.
- Các sinh hoạt khác trong đời sống khi có thai kể cả quan hệ tình dục.
- Nhận biết những dấu hiệu nguy hiểm thường gặp khi có thai để kịp thời đi
khám.
- Chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc sinh sắp tới.
- Nuôi con bằng sữa mẹ (tham khảo bài “Tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ”)
- Biện pháp tránh thai sau khi sinh.
- HIV/AIDS và các NKLTQĐTD khác.
- Tư vấn về vai trò và trách nhiệm của chồng và các thành viên khác trong gia
đình.
2. Những nội dung tư vấn các trường hợp cụ thể.
Ngoài các nội dung trên, cần chú ý:
2.1. Có thai lần đầu.
Tư vấn đầy đủ về dinh dưỡng (thường có tâm lý sợ ăn nhiều, con to), về lợi ích
của khám thai sớm, khám định kỳ theo hẹn, dự kiến ngày đẻ, chuẩn bị đầy đủ cho
mẹ và con khi đẻ, dự kiến nơi đẻ, người đỡ đẻ và cả người nhà chăm sóc, chuẩn bị
cho việc nuôi con bằng sữa mẹ, tư vấn về sinh hoạt tình dục.
2.2. Đẻ từ 4 lần trở lên.
- Tư vấn về dinh dưỡng, nguy cơ ngôi bất thường, chuyển dạ kéo dài, chảy
máu trong giai đoạn sổ rau vì dễ bị đờ tử cung.
- Tư vấn về lợi ích của khám thai định kỳ để phát hiện nguy cơ và chuyển
tuyến.
2.3. Với thai ngoài ý muốn.
Nếu muốn đình chỉ (phá thai) thì khi nào là thích hợp, nếu để thai phát triển phải
có trách nhiệm đầy đủ của gia đình.
2.4. Với thai ngoài giá thú.
Cho thai phụ biết các biện pháp có thể lựa chọn. Nếu quyết định không đình chỉ
thai nghén, tư vấn về trách nhiệm làm mẹ khi sinh con.
2.5. Các trường hợp hiếm muộn, có thai quá sớm (dưới 18 tuổi), con so lớn
tuổi (trên 35 tuổi) sẩy liên tiếp, tiền sử dị dạng, thai chết lưu, đẻ khó, có sẹo
mổ cũ ở tử cung.
Nên tư vấn về sự cần thiết của việc khám thai nhiều lần và đều đặn hơn các trường
hợp bình thường khác và nói rõ vấn đề cần chuyển tuyến.
2.6. Với người thất nghiệp, nghèo đói, mù chữ.
Cần bàn biện pháp giúp đỡ để có thể đảm bảo đủ dinh dưỡng khi có thai và các chi
phí khi sinh đẻ.
2.7. Với những người ở vùng sâu, vùng xa.
Phải tư vấn kỹ về việc chuẩn bị đầy đủ phương tiện, khi cần chuyển tuyến (hoặc
đến bệnh viện sớm trước ngày dự định đẻ).
2.8. Ở những nơi có tập tục đẻ tại nhà.
Tư vấn về lợi ích của việc đẻ tại cơ sở y tế, nếu thai phụ chưa đồng ý, tư vấn nên
mời cán bộ y tế đã được đào tạo về đỡ đẻ đến đỡ đẻ tại nhà.
2.9. Tư vấn kế hoạch hóa gia đình và nuôi con bằng sữa mẹ.
Nếu có điều kiện cũng nên tiến hành từ khi còn mang thai.
2.10. Những trường hợp bạo hành với thai phụ.
Cần tư vấn cho gia đình nhất là với người chồng về nhiệm vụ bảo vệ bà mẹ và trẻ
em.
Xem thêm bài “Tư vấn cho phụ nữ bị bạo hành”
2.11. Đối với những bà mẹ chích hút ma túy.
Tư vấn về các nguy cơ có thể xảy ra đối với em bé, giới thiệu nơi có thể chăm sóc
ở tuyến trên, hướng dẫn cách phòng tránh hoặc hạn chế nguy cơ và biến chứng. Tư
vấn xét nghiệm HIV cho mọi bà mẹ nếu có thể.
2.12. Đối với trường hợp nghi HIV (+)
- Xem bài “Nhiễm HIV khi có thai” và “Qui trình phòng chống lây nhiễm
HIV từ mẹ sang con”
- Tư vấn và chuyển tuyến trên.
2.13. Trường hợp bị hiếp dâm.
- Động viên người phụ nữ và thảo luận vấn đề phá thai.
- Tư vấn về giảm nguy cơ và an toàn cho phụ nữ, xem thêm bài “Tư vấn về
bạo hành phụ nữ”.
- Sẵn sàng điều trị dự phòng các bệnh LTQĐTD.
3. Những việc cần làm.
- Thái độ vui vẻ thân mật, thông cảm.
- Nắm vững nội dung tư vấn, thông tin chính xác.
- Kiên trì giải thích.
4. Những việc cần tránh.
- Phê phán, gò ép, chỉ trích.
- Dùng lời khuyên quá chung chung.
- Đưa quá nhiều thông tin hoặc đưa các thông tin không phù hợp với trình độ
thai phụ.