XỬ TRÍ TÍCH CỰC GIAI ĐOẠN 3
CỦA CHUYỂN DẠ
Tuyến áp dụng.
Mọi trường hợp đẻ đường dưới tại cơ sở y tế từ trung ương đến xã và các trường
hợp đẻ tại nhà có nhân viên y tế hỗ trợ.
Người thực hiện.
Bác sĩ, nữ hộ sinh/y sĩ sản nhi, cô đỡ thôn bản đã được đào tạo về đỡ đẻ và xử trí
tích cực giai đoạn 3 của chuyển dạ.
Xử trí tích cực giai đoạn 3 của chuyển dạ là các thao tác chủ động của người đỡ đẻ
tác động ở giai đoạn sau khi sổ thai để giúp rau bong và sổ ra ngoài nhanh hơn,
nhằm phòng ngừa chảy máu sau đẻ.
1. Chỉ định.
Cho mọi trường hợp đẻ đường dưới, khi thai vừa mới sổ ra ngoài và chắc chắn
không còn thai nào trong tử cung.
2. Cách thức tiến hành.
2.1. Tư vấn.
Giải thích công việc sẽ tiến hành để lấy rau sau khi thai ra ngoài cho sản phụ yên
tâm và hợp tác với nhân viên y tế.
2.2. Phương tiện, dụng cụ.
Ngoài các dụng cụ, thuốc men, đồ vải và các vật liệu vô khuẩn cần thiết cho đỡ đẻ
và kiểm tra rau, cần có thêm oxytocin 10 đv, chuẩn bị trong bơm tiêm để sẵn trên
bàn dụng cụ đỡ đẻ.
2.3. Qui trình thực hiện.
- Bước 1: Nắn tử cung ngay sau khi thai sổ ra ngoài để chắc chắn trong tử
cung không còn thai nào nữa.
- Bước 2: Tiêm bắp oxytocin vào mặt trước đùi cho sản phụ 10 đv oxytocin
đã chuẩn bị trước.
- Bước 3: Cặp và cắt dây rốn ở gần sát âm hộ bà mẹ để khi kéo dây rốn dễ
dàng hơn (không nên vội vàng cắt rốn ngay).
- Bước 4: Kéo dây rốn có kiểm soát.
+ Kiểm tra sự co hồi của tử cung: một tay giữ căng dây rốn chờ đợi tử cung
co lại, tay còn lại đặt trên bụng sản phụ đánh giá tử cung đã co tốt.
+ Đỡ rau: một tay người đỡ đẻ đặt trên bụng sản phụ, phía trên xương mu, ấn
nhẹ vào mặt trước đoạn dưới tử cung, đẩy nhẹ lên phía xương ức tránh tử cung bị
kéo xuống dưới khi kéo dây rốn. Tay kia giữ kẹp dây rốn, kéo dây rốn nhẹ nhàng
và liên tục dọc theo ống đẻ, kéo như vậy trong vòng 2 - 3 phút, nếu rau không sổ
trong giai đoạn này, dừng lại 5 phút rồi kéo lại.
+ Màng rau: hạ thấp bánh rau xuống để lợi dụng sức nặng của bánh rau kéo
màng ra. Cũng có thể dùng hai bàn tay đỡ bánh rau và xoay nhẹ để màng rau ra
hết.
+ Xoa nắn tử cung: sau khi rau sổ, xoa ngay đáy tử cung qua thành bụng đến
khi tử cung co tốt.
- Kiểm tra rau: khi đã chắc chắn tử cung co tốt và không thấy chảy máu mới
tiến hành kiểm tra bánh rau, màng rau, dây rốn như thường lệ (xem qui trình
“Kiểm tra rau”).
- Theo dõi sản phụ sau đẻ: xoa đáy tử cung 15 phút/lần trong vòng 2 giờ đầu
cho đến khi chắc chắn tử cung đã co hồi tốt.
2.4. Khó khăn và cách xử trí:
- Kéo dây rốn nhưng bánh rau không bong và không xuống dần trong tử
cung: không được kéo giật, không được kéo mạnh, chờ đợi một lát rồi tiếp tục kéo
lại. Nếu vẫn không kết quả, chờ cho rau bong tự nhiên rồi đỡ ra. Nếu rau vẫn
không bong:
+ Tuyến xã:
· Nếu chảy máu: bóc rau nhân tạo tại chỗ.
· Nếu không chảy máu: chuyển tuyến trên.
+ Tuyến huyện trở lên có thể đặt 1 - 4 viên misoprostol (200 - 800 mcg) ngậm
dưới lưỡi, sau 15 phút nếu rau không bong tiến hành bóc rau nhân tạo.
- Trường hợp dây rốn bị đứt trong khi kéo: thực hiện bóc rau nhân tạo (tuyến
xã cũng chuyển bệnh viện).
- Sau khi xử trí tích cực giai đoạn 3 chuyển dạ mà vẫn chảy máu, tham khảo
bài “Chảy máu sau đẻ”.