Tải bản đầy đủ (.pdf) (10 trang)

Kiểu thời gian sử thi trong tiểu thuyết "Những người lao động biển cả" doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (233.09 KB, 10 trang )

Kiểu thời gian sử thi trong
tiểu thuyết "Những người lao
động biển cả"
1) Không khí sử thi là một nét đặc trưng trong các sáng tác của
Victor Hugo (1802-1885) mà bất kỳ người đọc nào cũng dễ dàng nhận ra
điều đó. Để tạo được âm hưởng này, Victor Hugo thường sử dụng một thủ
pháp thường gặp của chủ nghĩa lãng mạn là ngoa dụ. Có thể bắt gặp rất
nhiều biến thái của thủ pháp này ở những hình thức khác nhau. Đó có thể
là những nhân vật phi thường quá khổ kiểu Gilliatt, Quasimodo, Jean
Valjean về hình thức, về tham vọng, về hành trạng Cũng có thể là
những ngoa dụ về mặt tu từ học rất phổ biến trong các trường đoạn trữ tình
ngoại đề. Trong bài viết này chúng tôi sẽ lý giải không khí nghệ thuật sử thi
của tiểu thuyết Hugo dưới góc độ thời gian, và giới hạn trong tiểu
thuyết Những người lao động biển cả (Les travailleurs de la mer- 1866).
2) Thời gian trong một tiểu thuyết hiện diện ở nhiều dạng để tạo
nên nhịp điệu: thời gian nhân vật, thời gian cốt truyện, và thời gian trần
thuật (hay còn có thể được gọi là thời gian văn bản). Trong Dẫn luận thi
pháp học của giáo sư Trần Đình Sử, thời gian nhân vật được hiểu bao
gồm thời gian tiểu sử và thời gian “được nếm trải qua tâm hồn của nhân
vật. Hoạt động tâm lý, ký ức dòng ý thức tạo thành thời gian nhân vật. Nếu
nhân vật thiếu đời sống nội tâm thì thời gian của nó chỉ còn tồn tại trên cấp
độ sự kiện nhân quả, trên cấp độ thời gian đồng hồ và lịch. Thời gian nhân
vật gắn với những thời điểm có ý nghĩa riêng của nhân vật đó Mỗi nhân
vật có một thời khoá biểu, một nhịp độ hoạt động. Thời gian nhân vật có độ
dài hiện diện trong tác phẩm khác nhau. Chỉ có nhân vật chính là có thời
gian bằng thời gian tiền sử và thời gian cốt truyện”
[1]
.
Các nhân vật trong tiểu thuyết Những người lao động biển cả cũng
như hầu hết những tác phẩm khác của ông đều không có nét đặc sắc về
tâm lý: Gilliatt không có những biến đổi tâm lý mạnh. Không có nhiều


trường đoạn khắc hoạ suy nghĩ của anh. Liệu đó có phải là một nhược
điểm của đại văn hào Victor Hugo so với rất nhiều nhà văn tâm lý đương
thời, như người ta vẫn thường quan niệm? Như giáo sư Đặng Thị Hạnh đã
nhận xét thì đó chỉ là những giản đồ tâm lý so với Stendhal, Balzac,
Flaubert Vì vậy so với thời gian tiểu sử-cốt truyện thì có thể coi dòng thời
gian tâm lý trong tác phẩm này không có vai trò như trong các tiểu thuyết
đương thời của Balzac, Flaubert Nhịp điệu trong tác phẩm này chỉ vang
lên rõ nhất ở bè thời gian sự kiện.
Tuy không được chú ý tới như các tác phẩm khác, nhưng Những
người lao động biển cả cũng có một kết cấu sự kiện chặt chẽ chứng tỏ sự
già dặn trong nghệ thuật kể chuyện của Hugo sau những kiệt tác Nhà thờ
Đức Bà Paris (1831), Những người khốn khổ (1862). Có thể chứng minh
điều này khá rõ qua cách bố trí một cách chặt chẽ kết cấu sự kiện trong lời
kể của tác giả và việc sử dụng những thủ pháp “treo tình tiết” theo kiểu tiểu
thuyết đen khá phổ biến đương thời. Các chương kể về chiếc thuyền bầu
và chiếc ghế Gild-Holm-‘Ur khởi đầu tác phẩm chính là để chuẩn bị cho
những chương cuối cùng khi viết về cuộc chiến trên biển và cái chết định
mệnh của Gilliatt. Trước khi dừng giới thiệu về Gilliatt, người kể chuyện có
thắt nút câu chuyện lại bằng một câu thông báo vắn tắt của sieur Landoys:
“Có chuyện lạ đấy, Gilliatt ạ Cứ đến Bravé đi. Anh khắc biết” (tr.161). Chỉ
cho tới khi đọc chương I quyển bảyHỏi đến sách là dại dột thì người đọc
mới biết cụ thể “chuyện lạ” đó là việc Clubin làm cho chiếc thuyền máy của
Lethierry bị va vào đá ngầm. Cách kể giãn hai sự việc đồng thời này trên
trục thời gian văn bản trần thuật có thể gợi nhớ tới kiểu lời kể trong sử
thi Iliade, tương tự như ở chi tiết cuộc so tài giữa Pâris và Ménélas: nữ
thần Aphrodite cứu Pâris rồi tìm nàng Hélène xinh đẹp đưa về cho chàng.
Sau đó nhà thơ mới quay trở lại tiếp tục kể về việc Ménélat đi tìm Pâris như
thế nào. Cách kể của Hugo dĩ nhiên có khác về mục đích vì ông làm điều
đó trên cơ sở của một ý thức sâu sắc về kịch tính truyện và cũng do sự
khác biệt ở đặc điểm của thể loại. Nhưng bản chất hiệu quả nghệ thuật gần

nhau: tạo độ sai lệch thời gian (anachronie) như trong sử thi, làm giãn tốc
độ truyện kể, trở nên khoan thai, chậm rãi.
Trong những chương này, cách kể cũng rất tiêu biểu cho nghệ thuật
dẫn dắt kịch tính gợi âm vang phiêu lưu rất thích hợp kiểu tiểu thuyết đăng
báo dài kỳ (roman-feuilleton) đang thịnh hành đương thời: mạch kể có khi
tưởng đứt lại hoá nối. Trong chương II quyển năm có một chi tiết rất có thể
bị người đọc bỏ qua vì được trần thuật vắn tắt: Clubin nhìn thấy Rantaine,
nhân vật trước đó đã bỏ trốn cùng một số tiền lớn của Lethierry. Ngay sau
đó là việc Clubin mua vũ khí, mà người kể- vốn thường theo thói quen thâm
nhập sâu bên trong tính toán của nhân vật để mách bảo cho người đọc -
cũng không hề bình luận gì thêm, chương tiếp theo kể về việc Clubin đi đâu
đó một cách bí hiểm. Xen vào đó đột nhiên là một chương kể về lũ trẻ
chuyên đi phá tổ chim và những câu chuyện bí hiểm chúng vô tình nghe
được trong ngôi nhà ma. Đó là câu chuyện kể về sự kiện Clubin đi tìm gặp
bọn buôn lậu để chuẩn bị cho kế hoạch bỏ trốn. Như vậy thời gian tiền sử
của toàn bộ cốt truyện được xếp lại theo hình nan quạt, kế tiếp nhau và đều
xoay về cùng một trục: kỳ công của Gilliatt cứu chiếc Durande ở hòn
Douvre. Đây là một cách kết cấu quen thuộc trong tiểu thuyết của Hugo. Xét
theo dung lượng tác phẩm thì Victor Hugo đã dành tới phân nửa cho quá
trình kể về những sự việc chuẩn bị cho sự kiện chính. Xét trong tiến trình
thời gian truyện kể
[2]
, có thể nhận ra rằng mặc dù tác phẩm dài khoảng 539
trang (theo bản dịch của Hoàng Lâm) nhưng chi tiết liên quan chỉ bắt đầu từ
trang 54 (tức là được kể trong 485 trang) và sự kiện chính của câu chuyện
theo đúng tên gọi của truyện chỉ tập trung trong phần thứ nhì Gilliatt tinh
khôn (190 trang). Có nghĩa là thực tế cốt truyện chính chỉ chiếm khoảng
34% tổng số trang truyện kể. Có lẽ chính kiểu xây dựng kết cấu đó vừa phù
hợp với phong cách kể chuyện của Hugo, vừa làm nổi rõ một cảm nhận:
con người cô đơn trong hành động và con người đương đầu với biển cả -

motif rất tiêu biểu trong sáng tác của Hugo.
Vậy đây là cách kể khá quen thuộc trong tác phẩm Hugo: dành
khoảng một nửa tổng số giờ đọc để viết về các sự kiện và nhân vật chính
trong cốt truyện. Trong sự kiện này quần tụ đủ những nhân vật cơ bản của
tác phẩm: chiếc tầu, Gilliatt và biển cả. Điều đó càng làm nổi bật tầm vóc
của nhân vật trước thiên nhiên: dám đương đầu để giành chiến thắng. Sau
đó sẽ là một trục sự kiện đóng vai trò thu hút tất cả vào, để họ gặp nhau và
câu chuyện sẽ kết thúc với phần bất lợi nghiêng về nhân vật chính. Như vậy
ngay trong cách cấu trúc các lớp thời gian tạo nên tuyến sự kiện của truyện,
người ta không chỉ cảm nhận được sự kỳ công của nhà văn; mà còn cả một
nhịp điệu thời gian kể chậm rãi, khoan thai của tác phẩm gần giống nhịp
điệu thời gian sử thi. Nhịp điệu này càng rõ hơn khi ta xem xét trong quan
hệ với dòng thời gian văn bản.
3) V.Hugo là một nhà văn nổi tiếng với những trường đoạn trữ tình
ngoại đề, mà Những người lao động biển cả cũng không phải là ngoại lệ.
Nhưng việc sử dụng trữ tình ngoại đề (vốn luôn được đặt ở thời hiện tại) để
đối thoại với người đọc chưa phải là cái gì mới mẻ. L.Tolstoi, I.Turguénev
cũng từng sử dụng thủ pháp này. Điều quan trọng trước hết là vì ông rất ưa
thích sử dụng phương tiện này với một tần suất lớn. Nhịp điệu thời gian
trong trường hợp này xuất hiện từ sự luân phiên của các thành phần cốt
truyện và trữ tình ngoại đề, lời kể và miêu tả.
V.Hugo dành cả một phần mở đầu chừng 64 trang để viết về khung
cảnh quần đảo Manche giống như cả một quyển sách hướng dẫn du lịch
hay tìm hiểu về văn hóa vậy. Riêng phần Quần đảo Manche được viết
thoạt đầu gồm 12 chương: 2,3,5,6,7,8,9,11,13,15, 17, 18. Vào tháng
11.1865 chia lại chương và có thêm thắt thành các 8 chương còn lại để tạo
thành 19 chương (chưa có chương 12 và 21). Do một số lỗi về đánh số
chương mà sau đó ông đã viết thêm vào 4.1864 sáu trang tạo thành hai
chương phụ (12 và 21). Vẫn như thường lệ, sau những tranh cãi của tác
giả với nhà xuất bản Verboeckhoven et Cie (Bruxelles) về phần trữ tình

ngoại đề Quần đảo Manche (54 trang) vào mùa đông 1835, cuốn sách đã
ra mắt bạn đọc đồng thời ở Paris và Bruxelles ngày 13.3.1866 thành ba tập.
Thế nhưng chưa hết. Sinh thời, ông còn có thêm một chương Biển và
gió (24 trang) không được đưa vào tác phẩm một cách chính thức. Việc
chèn thêm toàn bộ phần viết thêm này là do ý định của những người biên
tập sau này khi thực hiện tổng tập (oeuvres complètes), mặc dù còn nhiều ý
kiến khác nhau đề nghị nên đưa vào phần di cảo (reliquat)
*
. Có thể nói nếu
nhìn từ góc độ thời gian cốt truyện thì 87 trang hoàn toàn trữ tình ngoại đề
này không đóng vai trò gì. Nhưng xét trong tổng thể hiệu quả nghệ thuật, do
số lượng tạo nên chất lượng, mà ngòi bút của Hugo tác động tới người đọc
nên quả thật khó có thể bỏ qua.
Trước hết là sức hấp dẫn của nghệ thuật ngôn từ trong lối viết của
ông. Đúng như giáo sư Đặng Thị Hạnh nhận xét ở chuyên luận Tiểu thuyết
V.Hugo, “ngoại đề chính luận trong quyển Waterloo [ ] có phần do sức đẩy
của ngôn từ và của những ẩn dụ đẹp, cũng như do sức đẩy của một tư duy
đầy nghịch lý, luôn luôn tìm tòi cái đối nghịch với chính điều mình vừa
nói”
[3]
. Có thể trong chừng mực nào đó thì những đoạn trữ tình ngoại đề đó
không khỏi gây cảm giác nặng nề. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng xét trong
tổng thể thời gian trần thật còn có một ý nghĩa khác nữa. Sự gia tăng các
đoạn kể này tạo ra hai hiệu ứng: một mặt nó tạo ra nhịp điệu trì hoãn của
kiểu thời gian sử thi, mặt khác cái mà nhà văn kể lại vẫn đang thuộc về hiện
tại. Hiện tượng này có thể gần giống với cách miêu tả mở rộng trong sử thi,
như ở chi tiết vết sẹo của Ulysse trong sử thi Odyssée.
Nếu như những trường đoạn miêu tả trong sử
thi Iliade hay Odyssée được coi là mẫu mực trong nghệ thuật tu từ cổ đại,
thì đồng thời từ khía cạnh thời gian cũng được các nhà phê bình hiện đại

nhìn nhận rằng chúng đứng ngoài thời gian câu chuyện. Song E.Auerbach
khi nghiên cứu đoạn thơ này thì nghĩ khác. “Người đọc hiện đại ngay lập
tức sẽ nghĩ rằng đoạn ngoại đề này có mục đích nhằm tăng độ căng của
câu chuyện; một ý kiến không hoàn toàn sai lầm, nhưng nó không tính hết
tới nét đặc sắc của Homère. Bởi vì trong các tác phẩm của Homère,yếu tố
độ căng chỉ là thứ yếu; những bài ca này, như phong cách của ông chứng
minh, không nhằm duy trì sự chú ý của người đọc hay người nghe. Đối với
điều này, không cần những cách quả thật có tạo nên độ căng, làm giãn kịch
tính, mà điều này lại xảy ra thường xuyên, nhất là trong đoạn chúng ta đang
quan tâm Nhưng Homère, và chúng ta sẽ cần quay lại điểm này, không
biết tới hậu cảnh (arrière-plan). Điều mà ông kể luôn là hiện tại và tràn ra
toàn cảnh cũng như ý thức”
[4]
. Không có sự phân định thật rạch ròi giữa thời
gian hậu cảnh với thời gian tiền cảnh như của tiểu thuyết hiện đại để tạo
nên tính phối cảnh thời gian (perspective du temps). Khi so sánh kiểu thời
gian trần thuật trong hai tác phẩm cổ đại: Odyssée và Kinh Thánh để thấy
được nét đặc sắc trong thời gian của sử thi người HyLạp, E.Auerbach cho
rằng không phải Homère có mức độ tư duy kém hơn, mà thực ra phải nói
ngược lại. Tuy nhiên điều mà tác giả sử thi quan tâm hình như không phải
là làm cho người nghe-người đọc tin vào những tín điều như trong Kinh
Thánh. Nó không có nhu cầu tạo nên kiểu thời gian phối cảnh trong quá
trình kể hư cấu để tạo một không-thời gian giả (pseu-tempo spacial). Vả lại,
trong tâm lý của người cổ đại không có sự phân biệt giữa thế giới thực
đang tồn tại và thế giới tâm linh. Theo nhà nghiên cứu M.Iliade thì trong thời
cổ đại, “các nhân vật thần thoại trở thành những người tham gia vào cuộc
sống hiện tại, những người đương thời. Điều đó cũng có nghĩa, con người
sống không phải trong thời gian lịch đại, mà trong thời gian khởi thuỷ, khi
mà sự kiện lần đầu tiên diễn ra.”
[5]

. Chính vì thế việc tạo nên phối cảnh thời
gian là không cần thiết. Bản chất của dòng thời gian ở đây đã mang tính
chất hiện tại. Đây chỉ là một tiếng đàn thời gian độc điệu.
Tương tự như vậy, ngoài giá trị về thời gian văn bản khi không tham
gia trực tiếp vào cốt truyện, cũng là một dấu hiệu cuối cùng của thuật tu từ
hùng biện trong văn học, các đoạn trữ tình ngoại đề trong tác phẩm của
Hugo còn có tác dụng tạo nên hiệu quả nhịp điệu trì hoãn gần giống như
trong nhịp điệu của sử thi. Chỉ từ góc độ đó mới có thể lý giải việc Victor
Hugo dừng lại trong cả chương II quyển bốn phần thứ nhì Con quái vật có
tính chất ngoại đề dài 9 trang để nhẩn nha kể và miêu tả về con quái vật-
bạch tuộc. Trong khi ngay ở phần kết thúc của chương I trước đó, ông hạ
một câu văn tưởng như đang chuẩn bị cho cuộc chiến dưới lòng biển:
“Gilliat nhận ra con thuồng luồng”. Phải đợi tới chương III thì Hugo mới
quay lại kể tiếp về cuộc chiến này. Đó là chưa kể rất nhiều những đoạn trữ
tình ngoại đề khác nằm rải rác trong toàn tác phẩm. Tính chất hiện tại trong
tiểu thuyết do vậy mang vẻ lóng lánh một mầu sử thi.
4) Kiểu cốt truyện sơ lược là một trong những nguyên nhân dẫn tới
tâm lý nhân vật nguyên phiến và đơn giản. Trong cách lý giải của
E.Auerbach khi so sánh sử thi Odyssée và Kinh Thánh, ông cho rằng kiểu
nhân vật tâm lý đơn giản trong sử thi có mối liên quan nhất định tới kiểu
thời gian một chiều không theo luật phối cảnh thời gian. Thông thường, các
nhà văn vẫn thường tạo độ chênh các tuyến thời gian sự kiện được kể
nhằm tạo nên một giả không-thời gian trong truyện kể (récit). Xen vào giữa
đó là đời sống tâm lý của các nhân vật. Còn ởNhững người lao động biển
cả, các nhân vật hiện ra do lối kể như trong sử thi nên sống bằng cả thời
gian tâm linh và thời gian có thực trong cuộc đời. Vả lại với một khoảng
cách gần như tuyệt đối về thời gian mang tính sử thi như vậy, nhà văn cũng
không cần thiết có những phân tích tâm lý tinh tế như kiểu của Balzac hay
Proust sau này. Quay lại điều mà rất nhiều nhà nghiên cứu đề cập tới như
một hạn chế trong sáng tác của Hugo là tính giản lược ở tâm lý nhân vật,

nhưng dưới góc độ của tổng thể thời gian tiểu thuyết, chúng ta có thể nói
đó là một chỉnh thể nghệ thuật thực sự chứ không hẳn là một nhược điểm
của đại văn hào vốn rất tinh tế trong các cung bậc tình cảm của thơ ca.
5) Như vậy không khí sử thi được gợi ra từ việc sử dụng các đoạn
trữ tình ngoại đề mở rộng. Trường hợp này có vẻ mâu thuẫn với lý thuyết
của Bakhtine về thi pháp tiểu thuyết. Theo đó thì tính chất phân biệt sử thi
với tiểu thuyết chính là độ giãn khoảng cách tiếp cận đối tượng về thời gian.
Được đẩy lùi về quá khứ với khoảng cách thời gian tuyệt đối, các hình
tượng trong sử thi chỉ còn dành để chiêm ngưỡng chứ không phải là để
bình phẩm nhận xét, vỗ vai như với người đương thời. Tuy nhiên, như đã
nói trên dù câu chuyện có rất nhiều mốc thời gian hiện đại, nhưng lại không
hề gợi ra không khí hiện tại của câu chuyện. Victor Hugo không bao giờ
giấu giếm tính chất hiện đại của câu chuyện. Tháng 3. 1864, Hugo chuẩn bị
viết phần Gilliatt tinh khôn. Ngày 4.6.1864 công việc viết bắt đầu chính
thức. Tháng 8 thì xong phần một của tiểu thuyết, ông tạm ngưng để đi
Bruxelles. Ngày 4.12.1864 bắt đầu phần hai. 30.3 1865 bắt đầu phần ba.
Ngày 29. 4 kết thúc viết và tạm đặt tên là Vực thẳm. Tháng 5.1865 ông viết
phần Quần đảo Manche. Vậy là mặc dầu tác phẩm được viết năm 1864,
hoàn thành năm 1866, nhưng trong truyện có thể gặp khá nhiều chi tiết đề
rõ năm tháng hiện tại, chủ yếu vẫn là ở những đoạn trữ tình ngoại đề:
“Cuối năm 1864, cách bờ biển Malaba một trăm dặm, một trong
những hòn đảo của Maldive đã chìm nghỉm.”(tr.303)
“Bằng sức nhanh, ngọn gió mát trở thành viên đạn. Tốc độ nghiền
nát. Cái nhảy của con hổ cũng làm nên cuồng phong. Năm 1836, một cơn
gió đi từ Luân đôn lúc mười giờ sáng, tới mười giờ tối thì đến Settin. Một
cơn khác, ngày 27 tháng hai 1860, trong nửa giờ đã cuốn tới Paris hai
mươi triệu tấn không khí. Một cơn khác cũng đổ xuống Paris, ngày 23
tháng năm1865, một triệu sáu mươi vạn khối nước trong ba mươi phút. Và
bên cạnh những cơn gió châu Phi và châu á thì những cơn gió châu Âu
chẳng có nghĩa lý gì.” (tr.405).

“Trong khi chờ đợi, văn minh vẫn hành hạ người thuỷ thủ, thật là một
điều nhục nhã. Năm 1863, để chỉ kể năm ấy thôi, hải quân đã nhận hai vạn
năm nghìn năm trăm mười ba roi” (tr.407).
Điều quan trọng chính là câu chuyện luôn được kể trong một tâm thế
dường như toàn bộ mọi việc đã kết thúc, đã hoàn thành. Giống như trong
đoạn ngoại đề nổi tiếng về cảnh trận Waterloo của Những người khốn
khổ, mọi kết quả của trận đánh luôn được thông báo trước. Cốt truyện vì
vậy trở nên không còn quan trọng. Trong tiểu thuyết này, việc Victor Hugo
sử dụng các sơ đồ, các mẫu gốc quen thuộc có lẽ cũng là để thông báo một
cách gián tiếp rằng tất cả câu chuyện thực ra đã an bài ngay khi người kể
bắt đầu câu chuyện. Không gian và thời gian của truyện vì thế dù có những
chi tiết cụ thể theo kiểu truyện kể hiện đại vẫn làm cho người đọc dường
như thoát khỏi cái hiện tại để quay về với không khí cổ tích
[6]
, và nhấn mạnh
tầm vóc sử thi của nhân vật Gilliatt. Cũng do đó mà câu chuyện tuy mang
cái không khí cao rộng của sử thi cổ sơ do cách khắc họa hình tượng các
nhân vật, trong đó chủ yếu là Gilliatt, nhưng không xa lạ với một người đọc
bình dân bởi những mẫu gốc, những sơ đồ kịch dân gian mà nhà văn đã
vận dụng vào trong sáng tác của mình. Như vậy đi kèm việc gia tăng ngoại
đề là giản lược cốt truyện. Đọc tiểu thuyết của Hugo, vì thế người ta có
quyền ước mơ nhưng không bị huyễn tưởng. Ít nhất là cho đến giờ, khi
người đọc Việt Nam có thể đối mặt trước nhiều cách tân thử nghiệm của
tiểu thuyết hiện đại phương Tây nhưng vẫn chưa hề cảm thấy sự cũ mòn
khi đọc những trang tiểu thuyết Hugo. Điều này quay lại chứng minh cho
chúng ta một lần nữa nhận định về vai trò của ảnh hưởng văn học dân gian
tới chủ nghĩa lãng mạn phương Tây thế kỷ XIX.
Hơn nữa, góp phần vào dấu ấn thời gian kiểu sử thi - công bằng mà
nói có thể Hugo không hẳn có ý thức làm điều đó - ông còn đẩy công việc
của Gilliatt ra xa khỏi thế giới của loài người, nơi chỉ có sóng và gió, đại

dương và đêm tối. Hành động của anh khép kín trong chính mình, và một
mình đối diện với biển cả. Hình tượng và tầm vóc nhân vật vì thế càng trở
nên kỳ vĩ theo kiểu sử thi. Dĩ nhiên điều này cũng phần nào có thể cắt nghĩa
từ việc xây dựng tình huống truyện. Chính do đó mà công việc của Gilliatt
mang dáng vẻ của một hành vi mang tính siêu nhiên hơn là việc cứu nạn
thông thường. Có thể nói chính ở đây lý thuyết tương đối của Einstein về
sự gắn bó của không gian và thời gian cũng phát huy tác dụng: hiệu quả
gián cách về không gian đã góp phần làm tăng thêm hiệu quả gián cách về
thời gian. Mặt khác, khi nghiên cứu về các hình thái truyện cổ tích,
V.I.Propp cũng nhận ra rằng, “bố cục câu chuyện (cổ tích - PNK chú thích)
được xây dựng trên sự thay đổi không gian của nhân vật. Bố cục đó không
chỉ đặc trưng trong các truyện cổ tích thần kỳ mà còn ở các sử thi
(Odyssée) và các tiểu thuyết khác”
[7]
. Câu chuyện này cũng có một nét
tương tự như thế. Trong truyện đôi khi có thể có những mốc thời gian sự
kiện như: “Một tuần trôi qua”, nhưng chắc chắn không ai chú ý tới. Điều mà
người đọc quan tâm là sự kế tiếp của các sự kiện liên quan tới nhân vật
Gilliatt tại không gian biển cả xa vời đó, chứ không phải là khoảng thời gian
cụ thể của việc cứu nạn.
6) Như vậy, bằng cách tận dụng lại các mẫu gốc quen thuộc trong
dân gian, lối sử dụng đậm đặc các trường đoạn trữ tình ngoại đề, lối kể
giãn cách các sự kiện trên trục thời gian trần thuật, Victor Hugo đã tạo nên
trong tiểu thuyết Những người lao động biển cả cảm nhận về một kiểu
nhịp điệu thời gian tương tự như trong các tác phẩm sử thi cổ đại: chậm rãi
và khoan thai. Điều đó không chỉ góp phần khắc họa tầm vóc các hình
tượng trong tiểu thuyết, mà còn phần nào lý giải kiểu nhân vật có đời sống
tâm lý đơn giản ở một nhà thơ từng đánh thức mọi cung bậc tình cảm tinh
tế, lãng mạn trong con người./.

×