Tải bản đầy đủ (.pdf) (15 trang)

Tìm hiểu nhịp điệu kể chuyện trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng (Tiếp cận qua lý thuyết “thời gian giả” của G. Genette) pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (306.62 KB, 15 trang )

Tìm hiểu nhịp điệu kể chuyện trong tiểu thuyết
Vũ Trọng Phụng (Tiếp cận qua lý thuyết “thời
gian giả” của G. Genette)
Nhịp điệu kể chuyện là một trong những nhân tố chủ yếu của thời
gian tự sự, còn gọi là thời gian quy ước hay thời gian giả (pseudo-time) -
theo cách gọi của Gérard Genette, nhà lý luận văn học người Pháp. Trong
tác phẩm văn học tự sự, người kể chuyện có thể kể tỉ mỉ một khoảng thời
gian nhất định và cũng có thể bỏ qua hoặc chỉ kể rất ít một giai đoạn nào đó
của câu chuyện. Điều này dẫn tới tốc độ tự sự nhanh, chậm khác nhau; có
thể gia tốc khi một khoảng thời gian tương đối dài được kể trong số trang
tương đối ngắn, giảm tốc đối với trường hợp ngược lại, còn đẳng tốc (đồng
tốc) là tự sự có tính chất đẳng thời, nghĩa là trần thuật mà không có những
biến đổi về tốc độ.
Nghiên cứu nhịp điệu kể chuyện trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng là
nghiên cứu khoảng thời gian ở cấp độ câu chuyện (cái được biểu đạt) được
biểu hiện như thế nào trong khoảng thời – không gian (tức là số trang văn
bản truyện hay thời gian giả) ở cấp độ truyện kể (cái biểu đạt); xem xét sự
kết hợp giữa các vận động tự sự và nhịp điệu kể chuyện trong mỗi loại tiểu
thuyết Vũ Trọng Phụng. Mặt khác, đánh giá nhịp điệu ấy có giá trị như thế
nào trong việc biểu hiện nội dung, tư tưởng của tác phẩm.
Về tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, giới nghiên cứu trước nay
thường phân ra thành hai kiểu loại chính là tiểu thuyết – phóng
sự (gồm Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê) và tiểu thuyết tâm lý (gồmDứt tình, Lấy
nhau vì tình, Trúng số độc đắc, Làm đĩ). Chúng tôi nhất trí với cách đặt vấn
đề phân loại này. Tuy nhiên, việc tìm hiểu thời gian tự sự sẽ cho thấy Giông
tố thuộc về kiểu loại khác, không hoàn toàn tương đồng với các tiểu
thuyết – phóng sự.
1. Nhịp điệu kể chuyện tăng dần trong các tiểu thuyết phóng sự
(Số đỏ, Vỡ đê)
Muốn khám phá nhịp điệu kể chuyện trong tổng thể chung của tác
phẩm tự sự, trước hết, cần xem xét cụ thể về các vận động tự (narrative


movements) trong văn bản truyện. Theo G. Genette có bốn loại vận động tự
sự cơ bản. Lược thuật (summary) và tỉnh lược (ellipsis) là hai dạng thức dẫn
đến sự gia tốc. Ngừng nghỉ (pause) là làm giảm tốc đến mức tối đa. Trường
hợp trung gian là đẳng tốc thể hiện rõ nhất trong các hoạt cảnh (scene). Sự
kết hợp giữa các vận động tự sự này tạo ra nhịp điệu kể chuyện trong văn
bản tự sự.
Trong Số đỏ và Vỡ đê, chúng ta đều thấy sự có mặt của hầu hết các
vận động tự sự mà Genette đã khái quát. Trước hết là các tỉnh lược, dạng
thức tiêu biểu cho sự cực đại của gia tốc vì tỉnh lược là kể rất ít hoặc không
kể một vài phần của câu chuyện. Tỉnh lược mơ hồ xuất hiện ở khoảng cách
giữa chương XIX-XX của Số đỏ. Cho dù khoảng thời gian này không được
tác giả nói rõ (mơ hồ), nhưng người đọc hoàn toàn có thể suy ra bởi vì
chương XIX sự kiện ở tuần thứ 16 (nhà vua ngự giá Bắc tuần), đến chương
XX sự kiện đã là ở tuần thứ 20 (Xuân được suy tôn là “anh hùng cứu
quốc” – đúng 5 tháng sau như ông thầy số đã đoán ở đầu truyện). Như vậy
thời gian tỉnh lược là khoảng 3 tuần trong số 20 tuần của câu chuyện.
Khoảng thời gian bị “bỏ quên” không kể ở điểm gần cuối của tác phẩm là
một chi tiết đầy ý nghĩa. Xuân Tóc đỏ đã làm những gì trong khoảng thời
gian ấy? Nó đang chuẩn bị cho cú song phi ngoạn mục nhằm vừa phản đòn
tình địch, vừa đủ hạ gục hai quán quân quần vợt rồi sau đó lên ngôi “vĩ
nhân”, “anh hùng cứu quốc”. Thì ra, sống trong thế giới thượng lưu đểu giả
lâu ngày, thằng Xuân đâu có còn ngu ngơ, dốt nát? Điều đó cũng cho thấy
các mốc thời gian của truyện gắn liền với sự “thăng tiến” của nhân vật.
Các tỉnh lược giả định (không thể xác định được khoảng thời gian bị
lướt qua là bao lâu, các sự kiện xảy ra vào thời điểm nào) chủ yếu xuất
hiện ở phần giữa của truyện, từ chương VIII đến chương XVIII (Số đỏ). Các
tỉnh lược này đã làm mờ đường biên thời gian lịch đại, rút ngắn khoảng
cách thời gian, tạo ra ấn tượng về sự liền mạch của truyện kể.
Các ngừng nghỉ là những đoạn miêu tả dài của người kể mà trong đó
không có hành động nào xảy ra. Trong Số đỏ và Vỡ đê, ngừng nghỉ biểu

hiện qua các đoạn tả cảnh hoặc những lời bình luận bông lơn, hài hước,
cợt nhạo, mỉa mai của người kể chuyện. Những trang tả cảnh hồ Trúc
Bạch, cảnh hiệu may Âu hoá trong Số đỏ hay cảnh hộ đê, cảnh nước lụt,
cảnh hạn hán trong Vỡ đê đã phát huy chức năng quan trọng của ngừng
nghỉ là tạo đường viền không khí cho truyện hoặc tạo thành phông nền cho
các hoạt cảnh. Những miêu tả nhiều khi được kết hợp rất khéo với những
lời bình luận hài hước: “Thoạt đầu người ta hay nhảy xuống Hồ Tây, nhưng
vì Hồ Tây sâu lắm, những kẻ tự tử chẳng may phần nhiều không mấy ai
thoát chết cả, thành thử người ta bảo nhau nhảy xuống cái bên cạnh là hồ
Trúc Bạch nông hơn ( ). Vì những lẽ ấy, hồ Trúc Bạch chẳng bao lâu mà
trở nên một cách oanh liệt, là một sân khấu của tất cả những tấn đại thảm
kịch của những cảnh địa ngục giữa Hà Thành, là những gia đình Việt Nam,
những trở lực tai hại cho những cuộc tự do kết hôn, tự do ly hôn, tự do cải
giá, tự do tục huyền” (Số đỏ). Các ngừng nghỉ như thế đã tạo ra đường viền
và bối cảnh cho các hoạt cảnh rất sống động của truyện.
Hoạt cảnh là những giai đoạn sinh động của hành động, xảy ra đồng
thời với những thời khắc sôi nổi nhất của câu chuyện. Trong các tiểu thuyết
trên, hoạt cảnh chủ yếu là đối thoại và chiếm tỉ lệ tương đối lớn so với các
vận động tự sự khác. Trong Số đỏ, hoạt cảnh đối thoại xuất hiện với mật độ
khá dày đặc. Những cuộc đấu khẩu, cãi cọ nảy lửa, xuất hiện nhiều tạo nên
tính kịch cho hành động với những thời khắc sinh động nhất của câu
chuyện. Có thể kể ra những cuộc cãi cọ giữa cụ lang Tì và cụ lang Phế,
giữa vợ chồng cụ cố Hồng, giữa ông phán mọc sừng và Xuân Tóc đỏ với
các tình địch Đó là những hành động đóng kịch với những màn hề kịch
cười chảy nước mắt. Các hoạt cảnh trong Vỡ đê cũng chủ yếu là những đối
thoại phản ánh xung đột căng thẳng đang gia tăng giữa những người bị áp
bức, đè nén với những kẻ đại diện cho giai cấp thống trị gian tham như bọn
quan lại, lý dịch và cả những tên thực dân xảo quyệt. Theo Genette, trong
hoạt cảnh, thời gian của truyện (thời gian giả) và thời gian của câu chuyện
tương ứng với nhau (đồng tốc). Do vậy, việc sử dụng các hoạt cảnh cũng là

một trong những cách để đưa câu chuyện tiến sát với đời thường, phản
ánh chân thực những gì “đang diễn tiến” trong cuộc sống, vốn là một nét
đặc thù trong thi pháp tiểu thuyết hiện đại.
Lược thuật là thuật lại trong một vài đoạn hoặc một vài trang sự tồn tại
của những quãng thời gian tương đối dài mà không có những chi tiết của
hành động hoặc lời nói. Vũ Trọng Phụng đã sử dụng các lược thuật để nén
các sự kiện với mật độ dày đặc. Các sự kiện quan trọng được tung ra theo
cách thức gối đầu, đan cài, đồng hiện và nén lại trong một số ít dòng truyện.
Đây là đoạn lược thuật những sự kiện diễn ra trong 2 tuần kể từ khi Xuân
Tóc đỏ chữa khỏi bệnh cho cụ cố tổ: “đã hai tuần lễ vào cái gia đình trưởng
giả của Văn Minh Thanh thế nó mỗi ngày một to tướng mãi ra. Ảnh
hưởng của nó cũng vậy. Nó cứ tự nhiên tham dự vào những việc rất can hệ
cho xã hội mà nó không biết. Sự ngu độn của nó được người ta cho là nhũn
nhặn, là sự khiêm tốn, nên nó lại càng được yêu mến hơn Nó chỉ còn
chờ Nó biết rõ điều ấy lắm. Nó chờ số phận lôi nó lên cao chót vót. Ông
thầy số, những khi lai vãng nhà bà Phó Đoan để khen bà ta là trinh tiết, và
cậu con cầu tự (Em chã!) thật là con Giời con Phật, không bao giờ quên cổ
động cho Xuân Tóc đỏ là có một tương lai rực rỡ, lừng lẫy tiếng tăm có
phen Bà Phó Đoan lại cổ động cho Xuân là có học thức, với ông phán
mọc sừng. Ông này lại luôn luôn khen ngợi trước mặt cụ Hồng (Biết rồi!
Khổ lắm! Nói mãi! ) rằng Xuân là một người đứng đắn, mặc lòng hãy còn
trẻ trung. Cụ cố Hồng đã công kênh Xuân Tóc đỏ là sinh viên trường thuốc,
trước mặt cụ cố tổ và cụ bà Những người này vô tình nhắc lại những lời
ấy cho nhiều người khác cùng biết”. Trong Vỡ đê, đoạn lược thuật những
sự kiện diễn ra trong một tháng rưỡi kể từ ngày nước rút là khá tiêu biểu.
Nhịp điệu trần thuật ở đây trở nên dồn dập, khẩn trương, đặc biệt là ở
những giai đoạn căng thẳng của truyện.
Sự tương tác giữa các vận động tự sự sẽ tạo ra nhịp điệu kể chuyện
của tác phẩm. Genette cho rằng, nếu đem số trang dành cho một (một vài)
sự kiện hoặc một (một vài) phần của văn bản truyện để chia cho khoảng

thời gian thực tế (năm, tháng, ngày ) tương ứng của câu chuyện được kể
thì sẽ thấy được sự biến đổi của nhịp điệu kể chuyện.
Trong Số đỏ, ba chương đầu có thời gian sự kiện là 1 ngày được
thuật lại trong 28 trang (0,035 ngày/trang). Tác giả vừa xây dựng những
hoạt cảnh đối thoại giàu kịch tính vừa đan xen kể lại quá khứ của Xuân Tóc
đỏ, bà Phó Đoan, Văn Minh, cụ cố Hồng trong khoảng thời gian chỉ có
một ngày. Một ngày ấy đã xảy biết bao nhiêu chuyện và đến hôm sau thì
thằng Xuân Tóc đỏ từ thân phận kẻ ma cà bông, đầu đường xó chợ bỗng
chốc leo lên địa vị có thể “tham dự vào cải cách xã hội”! Bốn chương tiếp
theo có thời gian là 2 tuần với 43 trang (0,33 ngày/trang); Mới chỉ có 14
ngày mà thanh thế của thằng Xuân đã “mỗi ngày một to tướng mãi ra Nó
chờ số phận lôi nó lên cao chót vót”! Mười hai chương tiếp sau thuật lại sự
kiện diễn ra trong 13 tuần với 111 trang (0,9 ngày/trang), các sự kiện không
được đặt vào những điểm thời gian cụ thể như ở các chương trước và sau
đó. Người đọc không thể xác định được các sự kiện như xảy ra vào lúc
nào, thời điểm nào. Dấu hiệu thời gian rất mờ nhạt, tác giả chỉ cho biết
chúng xảy ra vào “hai giờ chiều hôm ấy” (chương VIII), “buổi sáng hôm ấy”
(chương XII), “buổi chiều hôm ấy” (chương XIV), “tối hôm ấy” (chương XV
và chương VIII). Đây là biểu hiện của các tỉnh lược giả định nhằm đẩy câu
chuyện tiến triển nhanh hơn với những bước thăng tiến như diều gặp gió
của Xuân từ “giáo sư quần vợt” rồi “nhà thơ” đến “cây hi vọng của Đông
Dương”. Hai chương cuối có khoảng thời gian là 5 tuần với 27 trang (1,2
ngày/trang) có sự tăng tốc rất nhanh qua việc tỉnh lược hơn 3 tuần (khoảng
gần 1/5 thời gian của câu chuyện) và khép lại khi Xuân Tóc đỏ lên ngôi,
lăng nhục, thoá mạ quần chúng mà vẫn được cả xã hội thượng lưu tâng
bốc, phỉnh nịnh, bợ đỡ.
Tình hình cũng tương tự trong Vỡ đê. Mười ba chương đầu có thời
gian sự kiện là 7 ngày được thuật lại trong 113 trang (0,06 ngày/trang) với
cảnh hộ đê, vỡ đê và cuộc sống tan tác của người dân nghèo trong cảnh đê
vỡ nước lụt cho đến khi Phú bị bắt giam cái tội cầm đầu biểu tình rồi may

mắn trốn thoát. Một tuần lễ căng thẳng với một loạt sự kiện lớn tác động
mạnh mẽ đến cuộc sống vốn bình ổn của người dân quê cùng với những
sự kiện kinh hoàng đối với Phú: bị bắt giam oan ức, bị tra tấn dã man và bất
ngờ được giúp trốn thoát mà chẳng hiểu vì sao. Hơn chín chương tiếp theo
thuật lại sự kiện diễn ra trong 45 ngày với 92 trang (0,5 ngày/trang) đã khái
quát tất cả nỗi thống khổ của người dân quê trong cơn hồng thuỷ kinh
hoàng: bị cướp bóc, đói rã và bệnh tật. So với 13 chương trước đó dành
cho 7 ngày thì sự gia tốc ở đây rất rõ nét nhằm thúc đẩy các mâu thuẫn, gia
tăng xung đột. Phần còn lại có khoảng thời gian thực tế là 120 ngày chỉ
chiếm 25 trang (4,8 ngày/trang) đã đẩy sự ngột ngạt, thống khổ của người
dân quê lên đến cực điểm. Cái đói đã giày vò con người trong ngót hai
tháng trời ngập nước, giờ đến cái khát hành hạ họ hơn bốn mươi ngày
dưới cái nắng như thiêu như đốt, đến cả “chim muông sã cánh, há hốc
mỏ bay hàng giờ mà không kiếm được một giọt nước nào”. Tiếp đó, lại
đến nạn thuế má tàn khốc được tiếp sức bằng sự vô tâm, vô nghĩa lý của
những kẻ thống trị. Thời gian sự kiện trôi nhanh với những cảnh đời bi
thương, thảm đạm đã tất yếu dẫn đến một cuộc biểu tình rầm rộ ở cuối tác
phẩm.
Như vậy, nhịp điệu kể chuyện trong Số đỏ là chậm – nhanh dần –
nhanh - rất nhanh, gần tương đồng với Vỡ đê (chậm – nhanh dần - rất
nhanh) nghĩa là tăng dần, đẩy nhanh về cuối. Ở phần đầu của truyện, sự
kết hợp luân phiên giữa các hoạt cảnh với các ngừng nghỉ tạo nên độ
căng (stretch) của thời gian sự kiện. Đây là tổ hợp của những ngừng nghỉ
và hoạt cảnh mà Genette là những “scène ralenti” (hoạt cảnh tiến triển
chậm). Các trần thuật trùng lặp (kể nhiều lần sự kiện diễn ra một lần) và các
đảo thuật (kể lại những sự kiện diễn ra trước thời điểm “bây giờ” của
truyện) thực chất cũng là những đoạn ngừng nghỉ. Một khoảng thời gian
ngắn của câu chuyện được kể với số trang tương đối lớn (trong tương quan
chung với các khoảng thời gian khác trong truyện) tạo nên một sự giảm
tốc đáng kể để tác giả có thể đi sâu khai thác các tình huống, tạo nên một

sự dồn nén, tích tụ mâu thuẫn truyện.
Ở phần giữa của truyện, khi các tỉnh lược, các lược thuật xuất hiện và
gia tăng cùng với các hoạt cảnh đã dần làm đảo ngược độ chênh giữa thời
gian của câu chuyện và thời gian kể chuyện so với phần đầu. Thời gian giả
bị co dần lại, thời gian sự kiện bị gấp khúc và chùng xuống, kéo theo sự gia
tốc trong trần thuật.
Nhịp điệu sẽ bị đẩy lên cao nhất khi các tỉnh lược rõ ràng, tỉnh lược
mơ hồ và lược thuật mở rộng phạm vi thời gian, đồng thời các hoạt cảnh
giảm xuống (hoặc không xuất hiện) tạo ra một sự gia tốc cực đại. Đây là tốc
độ ở phần cuối của các tiểu thuyết - phóng sự.
Nhịp điệu kể chuyện nhanh dần, dồn dập, khẩn trương đã phản ánh
rõ nét cấu trúc và tính chất của các sự kiện trong các tiểu thuyết - phóng
sự. Các sự kiện dần được tích đầy, dồn nén, giãn nở đến căng thẳng và bật
tung vào điểm chót. Đó là nhịp điệu của sự căng bức, phản ánh những mâu
thuẫn sục sôi trong cuộc sống xã hội. Điều này thể hiện cách nhìn cuộc
sống của Vũ Trọng Phụng trong sự xung đột căng thẳng đầy kịch tính với
những mâu thuẫn chồng chéo, đan xen, giẫm đạp lên nhau tạo thành
những cơn lốc của cuộc đời. Đây là mô hình về thế giới thực tại đã bị “dốc
ngược”, bị “lộn trái”, “bóc trần và vạch trần” không thương tiếc.
2. Nhịp điệu theo cấu trúc “làn sóng” trong các tiểu thuyết tâm lý
(Dứt tình, Lấy nhau vì tình, Làm đĩ, Trúng số độc đắc)
Nếu như ở các tiểu thuyết phóng sự, Vũ Trọng Phụng thiên về các
tỉnh lược mơ hồ thì ở các tiểu thuyết tâm lý ông hay dùng những tỉnh lược
rõ ràng để tạo ấn tượng rõ nét về sự chảy trôi nhanh chóng của thời gian:
Những tỉnh lược “một năm sau” (Dứt tình), “hai tháng đã qua” (Lấy nhau vì
tình), “hai tuần sau” (Trúng số độc đắc) với những thay đổi lớn lao đã tạo
nên cảm giác về sự bất ngờ, chóng vánh. Nhân vật và người kể chuyện
nhiều lần phải thốt lên “cuộc đời như một giấc mộng”. Các sự kiện tại các
chương IX, X, XI trong Dứt tình; những việc xảy ra từ lúc Huyền vào đời, lấy
chồng rồi trụy lạc trong Làm đĩ là những tỉnh lược giả định đáng chú ý.

Những khoảng trống này sẽ tạo ra những “nếp gấp” thời gian vô hình, đẩy
truyện kể vận động nhanh hơn về phía trước.
Việc sử dụng ngừng nghỉ cũng mang những nét riêng với những lời
bình luận triết lý, triết luận của người kể chuyện. Nhà nghiên cứu Nguyễn
Đăng Mạnh cho rằng khuynh hướng khái quát triết lý là một nét phong cách
của Vũ Trọng Phụng và thể hiện ở nhiều cấp độ từ chủ đề cốt truyện đến
kết cấu, nhân vật, lời văn Nhận xét này có lẽ nghiêng về dành cho các
tiểu thuyết tâm lý của Vũ Trọng Phụng. Tuy nhiên, từ góc độ thời gian tự
sự, chỉ những triết lý, bình luận của người kể chuyện mới là những ngừng
nghỉ đích thực. Nếu ở các tiểu thuyết phóng sự, những ngừng nghỉ kiểu này
chủ yếu là những lời bông lơn, hài hước, cợt nhạo thì ở các tiểu thuyết tâm
lý, dạng thức vận động này mang đậm màu sắc triết lý nhằm cắt nghĩa, lý
giải những trạng thái tâm lý của nhân vật. Có thể thấy những ngừng nghỉ
này trong Lấy nhau vì tình, Làm đĩ, Trúng số độc đắc. Những lời triết lý,
bình luận làm cho tốc độ kể chuyện chùng xuống và người kể chuyện có
thể len lỏi, khám phá những ngõ ngách trong tâm hồn của nhân vật.
Những ngừng nghỉ có tính chất miêu tả cũng xuất hiện trong các tiểu thuyết
này nhưng không nhiều chủ yếu là tạo khung cảnh. Tuy vậy, đôi khi cũng có
một số miêu tả mang chức năng dự báo cho cốt truyện với một vài hình ảnh
thiên nhiên chứa những ẩn ý (cảnh thiên nhiên xơ xác và con chim chết
dưới mưa giông trong Dứt tình hay cảnh thiên nhiên dữ dội, bí hiểm ở cầu
Paul Doumer trong Lấy nhau vì tình).
Những hoạt cảnh độc thoại ở đây tỏ ra chiếm ưu thế so với các hoạt
cảnh đối thoại nhằm phản ánh diễn biến tâm lý của nhân vật với những nghi
kỵ, giằng xé, cắn rứt. Trong Làm đĩ, đối thoại không nhiều và chủ yếu là
những tâm tư của nhân vật Huyền. Một điểm đặc biệt nữa là sự xuất hiện
của những hoạt cảnh khá đặc biệt, tạm gọi là hoạt cảnh phức hợp với sự
lồng ghép, đan xen của hoạt cảnh độc thoại và hoạt cảnh đối thoại. Nhân
vật vừa nói vừa suy nghĩ và tưởng tượng. Có thể gặp những dạng thức này
rất nhiều trong Lấy nhau vì tình hay Trúng số độc đắc. Những suy nghĩ,

tưởng tượng, hồi ức, kỉ niệm của nhân vật cũng góp phần tạo ra độ căng
của thời gian sự kiện.
Lược thuật trong tiểu thuyết tâm lý chủ yếu được thực hiện qua
những hồi tưởng của nhân vật về một quãng đời vừa qua của mình: những
trang nhật ký của Huỳnh Đức ghi lại những ngày đầu của cuộc hôn nhân
không thuận, những hồi tượng của Tiết Hằng về quá khứ với Việt Anh (Dứt
tình), hồi tưởng của Phúc về quãng thời gian 8 tháng sống nhạt nhẽo, vô vị
(Trúng số độc đắc), hồi thuật của Tân về chuyện tình yêu ngang trái (Lấy
nhau vì tình).
Nhịp điệu kể chuyện trong các tiểu thuyết tâm lý không xuôi theo
chiều nhanh dần như trong tiểu thuyết – phóng sự mà rất đa dạng, nương
theo số phận và diễn biến tâm lý của nhân vật và ứng với những khoảng
thời gian nhất định của câu chuyện.
Sự phân bố hai loại thời gian trong Lấy nhau vì tình tương đối rõ
ràng. Phần I (6 chương): 5 ngày/58 trang; phần II (6 chương): 5 ngày/54
trang; phần III (6 chương): 7 ngày/54 trang. Nhịp điệu kể chuyện của tác
phẩm là từ chậm rãi chuyển sang nhanh dần rồi lại chậm dần. Nhịp điệu
này phản ánh sự gấp khúc trong đồ thị tâm lý của Liêm: ban đầu là những
tình cảm yêu đương say đắm, êm đềm rồi những nghi ngờ xuất hiện và
nhanh chóng chuyển thành những cơn ghen tuông dữ dội khiến người vợ
mới cưới không chịu nổi phải nhảy xuống hồ Tây tự vẫn. Cuối cùng là
những “vỡ lẽ”, “sám hối” muộn màng của nhân vật.
Trúng số độc đắc vận động theo nhịp điệu: cực nhanh (32 tuần/11
trang) - rất chậm (98 trang/ 3 ngày) – nhanh dần (31 trang/ 2 tuần) – nhanh
hơn (96 trang/ 8 tuần) - chậm dần (31 trang/ 2,5 tháng). Nhịp điệu này phản
ánh rất rõ diễn biến của câu chuyện. Truyện lướt nhanh khi lược thuật 8
tháng nhàn cư, vô vị của nhân vật Phúc. Sau đó giảm tốc rất chậm với một
chuỗi hoạt cảnh phức hợp kết hợp với các ngừng nghỉ để đi vào thuật lại
những ngày đen tối của Phúc trước khi trúng số mà tác giả gọi là “những
hành hạ cuối cùng”. Nhịp điệu truyện tăng dần với các sự kiện kể từ khi

Phúc trúng số độc đắc – một cuộc đảo lộn tất cả, từ gia đình đến xã hội,
một sự đảo lộn nhanh chóng xung quanh một tờ vé số và quan niệm về
cuộc sống của Phúc cũng thay đổi theo. Các tỉnh lược và các hoạt cảnh bắt
đầu phát huy chức năng gia tốc kể chuyện. Tốc độ kể lên đến cao nhất khi
Phúc trong tay sẵn có đồng tiền và “đủ tiền để hư”: xỏ xiên cha và anh, giả
dối với bạn, lừa vợ, coi tiền hơn cả tính mạng con người Truyện giảm tốc
dần khi kể lại những ngày chán chường của Phúc “muốn sống lại quãng đời
lý thú bằng những kỷ niệm và hồi ức. Như vậy, nhịp điệu kể chuyện gắn với
nội dung của truyện, tham dự vào sự phát triển của mâu thuẫn và tình
huống, góp phần thể hiện tính cách, số phận, tâm lý của nhân vật.
Trong Dứt tình, từ chương I đến chương IV tác giả kể rất chậm rãi sự
kiện xảy ra trong khoảng 2 ngày với 41 trang về mối tình tay ba éo le,
ngang trái giữa Tiết Hằng – Quân - Việt Anh và kết thúc là cái chết đột ngột
của Đào Quân, chồng Hằng. Từ chương V đến chương VIII là một năm 7
ngày với 44 trang. Tốc độ ở đây là cực nhanh khi tác giả lược thuật các sự
kiện diễn ra trong một năm với 3 trang (kể về những thay đổi chóng mặt
trong cuộc đời Hằng kể từ khi chồng chết) và sau đó giảm tốc xuống với 41
trang cho 7 ngày để đi vào mối tình tay ba khác là Tiết Hằng - Huỳnh Đức -
Việt Anh. Chương IX là nhật ký của Huỳnh Đức ghi lại những sự kiện chính
trong đời sống vợ chồng Đức - Hằng từ 5/12 đến 25/2, tức là khoảng 2
tháng 20 ngày trong 11 trang. Tốc độ kể ở đây tăng nhanh để lướt qua
những ngày tháng sống trong dằn vặt đau khổ của nhân vật. Hai chương
cuối xuất hiện các tỉnh lược giả định, kể về cuộc ra đi của Việt Anh và sự
“bình yên” gượng ép của vợ chồng Huỳnh Đức - Tiết Hằng chiếm 34 trang.
Như vậy nhịp điệu kể của Dứt tình là: chậm rãi - cực nhanh - chậm - rất
nhanh – trung hoà. Nhịp điệu ấy phản ánh diễn biến của hai cuộc hôn nhân
gượng ép lúc thì bằng phẳng, nhạt nhẽo, khi lại nổi sóng dữ dội và những
éo le, ngang trái của một cuộc tình lỡ dở vì “bởi không duyên kiếp”.
Làm đĩ có phần phức tạp hơn vì đây là truyện trong truyện. Thuộc về
truyện thứ nhất là Đoạn đầu thuật sự kiện diễn ra trong một buổi chiều tối,

sau đó Huyền kể lại câu chuyện về đời mình trong 3 đêm và cuối cùng
là Đoạn kết kể sự việc trong một buổi sáng của ngày thứ 3. Như vậy thời
gian sự kiện của truyện thứ nhất là 3 ngày. Tuy nhiên, truyện thứ hai (nằm
trong truyện thứ nhất) mới chính là cuốn tiểu thuyết về đời Huyền, gồm 4
phần.
Phần I có tiêu đề là Tuổi dậy thì, kể chuyện từ lúc Huyền 7 tuổi đến
năm 16 tuổi (đỗ bằng sơ học) - tức là 10 năm – trong 29 trang. Đến phần
II (Ra đời); phần III (Lấy chồng); phần IV(Trụy lạc) người đọc không thể xác
định được những sự kiện, biến cố xảy ra vào những thời điểm nào sau năm
Huyền 16 tuổi. Tuy nhiên, hoàn toàn có thể xác định được khung thời gian
của các sự kiện chính là: Phần II: Từ khi Huyền gặp Lưu cho đến khi anh
này tự tử chỉ khoảng mấy tháng chiếm 30 trang. Phần III: Hai tháng đầu kể
từ khi lấy chồng được thuật trong 21 trang; cuộc tình duyên vụng trộm với
Tân được nói rõ là “kéo dài mãi ra hàng tháng” được kể trong 26
trang. Phần IV: Huyền bị chồng phát hiện ngoại tình phải sống cuộc đời
nhẫn nhục xó bếp trong “ba bốn tháng” được kể trong 20 trang. Phần còn
lại, Huyền thất vọng, chán chường, bỏ nhà ra đi tìm Tân không gặp rồi lao
vào con đường làm đĩ tác giả không nói rõ thời gian là bao lâu và được kể
trong 12 trang.
Có thể nói, phần I có sự gia tốc bởi các tỉnh lược để lướt nhanh qua
thời thơ ấu. Các phần tiếp theo, tốc độ kể chuyện vừa trung hoà (với các
tỉnh lược giả định) vừa giảm tốc xấp xỉ 20 lần so với phần I theo chiều
hướng biến đổi nhanh, chậm luân phiên. Ký ức của ngày hôm qua trở thành
một cuốn phim quay chậm với những sự kiện đau lòng xảy ra với một cô
gái đang tuổi trăng tròn.
Như vậy, so với tiểu thuyết – phóng sự, các tiểu thuyết tâm lý có nhịp
điệu kể chuyện rất linh hoạt, lúc căng, lúc chùng, khi nhanh, khi chậm luân
phiên xen kẽ theo kiểu làn sóng. Nhịp điệu này đã phát huy tác dụng trong
việc phản ánh diễn biến tâm lý của các nhân vật. Đó là sự ghen tuông vò xé
trong Dứt tình, Lấy nhau vì tình; tâm lý ích kỷ, hẹp hòi trong Trúng số độc

đắc và những ám ảnh tính dục trong Làm đĩ.
3. Nhịp điệu kể chuyện phức hợp trong Giông tố
Giông tố là tiểu thuyết bất hủ của Vũ Trọng Phụng xét từ nhiều
phương diện cả về nội dung và nghệ thuật. Từ phương diện thời gian tự
sự, xét riêng về nhịp điệu kể chuyện, có thể thấyGiông tố là sự kết hợp độc
đáo giữa nhịp điệu kể chuyện nhanh dần của tiểu thuyết phóng sự và nhịp
điệu “làn sóng” của các tiểu thuyết tâm lý.
Có thể nói, mỗi biểu hiện khác nhau của lược thuật, tỉnh lược, ngừng
nghỉ và hoạt cảnh trong các tiểu thuyết có tính chất phóng sự và tiểu thuyết
tâm lý đều được Vũ Trọng Phụng sử dụng phát huy ưu thế của chúng trong
kiệt tác của mình. Tỉnh lược mơ hồ xuất hiện ở khoảng cách giữa chương X
và chương XI, tỉnh lược giả định giữa các chương XI-XX. Các tỉnh lược này
là cần thiết cho sự vận hành của truyện. Lược thuật với việc nén các sự
kiện dồn dập diễn ra trong hai mươi ngày sau sự kiện hiếp dâm của nghị
Hách; lược thuật qua hồi tưởng của nhân vật Long, Hải Vân về quá khứ
của các nhân vật; các hoạt cảnh đối thoại đầy kịch tính trong diễn biến vụ
kiện của dân làng Quỳnh Thôn, cảnh nghị Hách phát chẩn Các hoạt cảnh
độc thoại khắc hoạ những biểu hiện tâm lý của các nhân vật Long, Mịch,
ông đồ. Các ngừng nghỉ cũng khá đa dạng như miêu tả phong cảnh (cảnh
Tiểu vạn lý trường thành của Nghị Hách, cảnh thôn quê vào những đêm
trăng), giới thiệu nhân vật, tình huống, bình luận ngoại đề
Các vận động tự sự kết hợp với nhau theo kiểu đan xen, lồng ghép:
hoạt cảnh này lại bao hàm một hoạt cảnh khác hoặc một lược thuật (đoạn
Hải Vân nhắc lại cho Nghị Hách nhớ về những sự kiện 28 năm về trước là
một ví dụ). Các hoạt cảnh có xu hướng kéo dài và đan xen với các ngừng
nghỉ và lược thuật tạo nên độ căng của thời gian giả trong 10 chương đầu.
Cũng có trường hợp các ngừng nghỉ đan cài với những suy nghĩ của
nhân vật (lời nửa trực tiếp) hoặc với lời thoại, làm cho ngừng nghỉ “tiến gần
đến tốc độ của hoạt cảnh” (2; tr.35). Đoạn văn sau đây là một ví dụ: “Càng
nghĩ đến những lời nhận xét của Tú Anh, Long càng thấy đúng, mà đã càng

thấy đúng, Lòng càng ngán ngẩm cho sự đời. Chao ôi! Ông đồ Uẩn! Một
người xưa kia như thế mà bây giờ như thế! Hay là tại ông đồ chưa phải hẳn
người đã thấm nhuần đạo nho? Hay tại đạo nho chỉ kết quả nên hạng
người như thế? Hay bởi lẽ mặc lòng được tiếng nhà nho, ông đồ Uẩn cũng
vẫn vô học như thường? Phải đâu, ừ phải đâu mới là một thày đồ có một
dúm chữ ê a dạy lũ trẻ ranh mà đã là có học! Vả chăng cái số thầy đồ vô
học mà tự phụ vẫn nhan nhản trong xã hội Nếu đúng thế Long đã nhầm,
đã nhầm một cách khốn khổ, đã sung sướng một cách vô nghĩa lý, khi
chàng hỏi được Mịch mà chàng tự đắc là sẽ được làm rể một bậc thượng
lưu học thức, một người thanh bần nhưng có một tâm hồn vững chãi, có
một căn bản tinh thần - một nơi dòng dõi thế gia”. Đây là kiểu miêu tả khá
đặc biệt mà theo Genette, thường xuất hiện trong tiểu thuyết của Proust và
Flaubert.
Nhịp điệu của Giông tố một mặt tuân theo kiểu nhịp điệu “làn sóng”
của các tiểu thuyết – tâm lý (từ rất chậm (100 trang/ 20 ngày) đến nhanh
dần (50 trang/ 20 ngày), rất nhanh (43 trang/ 90 ngày) rồi chậm dần (108
trang/ 90 ngày) và bất ngờ cực nhanh ở những trang cuối (13 trang/ 9
tháng). Song, nhịp điệu này lại bao hàm nhịp điệu nhanh dần như đã thấy ở
các tiểu thuyết có tính chất phóng sự của Vũ Trọng Phụng. Từ chương I
cho đến chương XX là cơn giông tố diễn ra trên diện rộng, từ Tiểu Vạn lý
trường thành của nghị Hách đến làng Quỳnh Thôn của thị Mịch. Quá trình
này diễn ra trong 6 tháng cho đến khi Hải Vân xuất hiện. Những đám mây u
ám xuất hiện từ cuộc cưỡng bức giữa đường của nghị Hách rồi chuyển
thành giông bão với biết bao tai hoạ ập xuống đầu những người dân vô tội
mà chính nghị Hách cũng trở thành một nạn nhân. Cơn giông có vẻ tạm
lắng xuống khi nghị Hách bằng lòng cưới cô thôn nữ thị Mịch làm vợ hờ và
Long trở thành hôn phu của Tuyết.
Sự xuất hiện của nhân vật Hải Vân đã châm ngòi cho một trận giông
tố thứ hai, diễn ra trong phạm vi không gian gia đình nghị Hách. Độ dài thời
gian của các sự kiện trong cơn giông tố thứ hai này là 12 tháng. Trong đó

có 3 tháng, tác giả dành 108 trang kể chậm rãi phanh phui những chuyện
đáng được gọi thâm cung bí sử của kẻ bạo chúa khét tiếng gian dâm. Đoạn
kết của truyện, tác giả bất ngờ tăng tốc bởi một tỉnh lược dài: quãng thời
gian chín tháng (từ cuối hè năm trước đến đầu hè năm sau) chỉ được thuật
trong 13 trang và kết thúc bằng sự kiện Long tự tử trong thác loạn.
Mỗi trận “giông tố” nằm trong hai phân đoạn như đã phân tích, mang
nhịp điệu của các tiểu thuyết – phóng sự, nghĩa là dồn nén, căng thẳng và
đẩy nhanh về điểm chót. Giông tố chính là những cơn bão táp dồn dập, phũ
phàng, xô đẩy những số phận, những cuộc đời từ mọi nẻo đường.
Nhịp điệu kể chuyện đóng một vai trò quan trọng trong việc thể hiện
nội dung – tư tưởng của tác phẩm; đồng thời, xem xét nhịp điệu kể chuyện
sẽ giúp chúng ta đánh giá đúng hơn cá tính sáng tạo của nhà văn trong
sáng tạo nghệ thuật. Tuy nhiên tốc độ, nhịp điệu kể mới chỉ là một yếu tố
của thời gian tự sự bên cạnh trình tự (order) và tần suất kể (frequency).
Nghiên cứu các biểu hiện và sự tương tác giữa các yếu tố này cho phép
đánh giá đầy đủ về thời gian tự sự trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng.
Xin được trở lại vào một dịp khác.

×