Tải bản đầy đủ (.pdf) (13 trang)

Những biến thiên của Phóng sự Việt Nam từ 1930 đến trước thời kỳ Đổi mới pps

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (272.25 KB, 13 trang )

Những biến thiên của Phóng
sự Việt Nam từ 1930 đến trước
thời kỳ Đổi mới
Là một thể loại văn học - báo chí còn khá non trẻ nhưng ngay từ khi
mới ra đời, phóng sự đã khẳng định được những thế mạnh của mình trong
việc phản ánh hiện thực. Tuy nhiên do những đặc thù của lịch sử, xã hội
nước ta, thể loại phóng sự đã trải qua những biến thiên vô cùng phức tạp.
Từ “một thể văn xung kích trên mặt báo” những năm 1930-1945, ngay sau
đó phóng sự có một thời gian dài tạm lắng, để rồi phóng sự lại từng bước
khôi phục vị thế trong thời kì lịch sử sang trang (1975-1985) và đạt đến sự
phát triển vượt bậc vào thời kì đổi mới. Những thăng trầm của phóng sự
gắn với mỗi thời đoạn lịch sử đều phần nào thể hiện qui luật phát triển riêng
của thể loại. Song trong phạm vi bài viết này, bước đầu chúng tôi tập trung
lí giải về những tác động căn bản tạo nên một đồ thị phát triển không đồng
đều của phóng sự Việt Nam trước cuộc bùng phát lần thứ hai (sau năm
1986).
1. Phóng sự Việt Nam những năm 1930-1945
Thoát thai từ một hiện thực chín muồi, phóng sự Việt Nam những
năm 30-45 đã có được một bước đột phá ngoạn mục hiếm có. Kể từ
sau Tôi kéo xe nổi tiếng của Tam Lang - Vũ Đình Chí ra đời đã có cả một
cao trào phóng sự nở rộ khắp trong Nam ngoài Bắc. Chỉ trong vòng mươi
năm các nhà văn, nhà báo đã liên tiếp trình làng một khối lượng tác phẩm
phóng sự đồ sộ: Cạm bẫy người, Kỹ nghệ lấy Tây, Cơm thầy cơm cô, Lục
xì, Một huyện ăn tết của Vũ Trọng Phụng; Tập án cái đình, Việc làng của
Ngô Tất Tố; Ngoại ô, Ngõ hẻm, Thanh niên trụy lạccủa Nguyễn Đình
Lạp, Trước vành móng ngựa của Hoàng Đạo; Hà Nội lầm than, Làm
tiền, Làm dân… của Trọng lang, Tôi làm xiếc của Tạ Hữu Thiện; Phù du và
nhan sắc của Lãng Tử;Hầu Thánh của Lộng Chương… "Theo tập hợp của
các tác giả Phan Trọng Thưởng, Nguyễn Cừ, Nguyễn Hữu Sơn qua ba tập
sách Phóng sự Việt Nam 1932-1945 xuất bản năm 2000 thì chỉ riêng thời kỳ
này đã có sự góp mặt của 63 tác giả với hơn 120 tác phẩm phóng


sự”
(1)
tiêu biểu. Mà có thể đây chưa phải là con số chính xác về diện mạo
phóng sự Việt Nam 30-45 vì như nhà nghiên cứu Phan Trọng Thưởng đã
bầy tỏ: “Một phần do sự mai một của nhiều tờ báo, sự thất lạc của nhiều tác
phẩm, một phần do nhiều năm trước chúng ta còn có những cách nhìn
nhận đánh giá khác nhau về một số tác phẩm, đặc biệt là những tác phẩm
viết về những mặt trái, những tệ nạn xã hội… Cho nên, những thành tựu
của phóng sự chưa được giới thiệu hết”
(2)
. Dẫu vậy, với những gì lịch sử đã
lưu giữ lại được về phóng sự thời kỳ này, không thể không thừa nhận rằng:
chưa bao giờ trong lịch sử văn học Việt Nam trước 1930 lại có một thời đại
phóng sự hoành tráng và rực rỡ đến thế.
Hiện tượng đột ngột phát sinh và chói sáng của phóng sự - một thể
loại mới của văn học những năm 30 của thế kỉ XX có thể do nhiều nguyên
nhân. Song trước hết phải thấy rằng chính những sự thật nóng bỏng và bức
xúc của đời sống xã hội lúc đó đã làm nên động lực thôi thúc lương tâm
người cầm bút. Trong lúc các thể loại văn xuôi, nhất là tiểu thuyết lãng mạn
quẩn quanh với những mộng mị của ái tình, hoan lạc… đã không còn mấy
hấp dẫn, hiện thực cuộc sống lại đang đặt ra những vấn đề cần nhận thức
một cách bức thiết hơn, những người cầm bút chân chính không thể không
nghĩ tới một phương thức chuyển tải thông tin mới. Gần với cảm hứng phản
ánh thực tại của văn học hiện thực phê phán, nhưng trong phóng sự mọi
khoảng cách từ thông tin sự kiện tới công chúng đều được rút ngắn tới mức
tối đa, cuộc sống được tái hiện trong tầm nhìn cận kề, trở nên sát thực, sinh
động, cập nhật và đa màu sắc hơn. Bạn đọc đến với phóng sự không chỉ để
tìm ở những trang viết tả chân những gì họ chưa từng thấy, chưa từng biết
mà thông qua những sự thật đã được kiểm chứng ấy, họ còn cần được
bừng tỉnh, vỡ lẽ về một thực trạng đầy vô lí, bất công. Cố nhiên, để có được

những mảng màu hiện thực giàu ý nghĩa nhân sinh như thế, đòi hỏi các nhà
văn cũng phải trải qua những chặng đường lao động nghệ thuật hết sức
đặc biệt. Chắc chắn rằng lịch sử phóng sự Việt Nam sẽ không có một Tôi
kéo xe nếu Tam Lang – Vũ Đình Chí không có đoạn đời dấn thân, nếm trải
“kiếp ngựa người”; sẽ chẳng thể có một Lục sì, Kĩ nghệ lấy Tây hay Cạm
bẫy người… nếu “ông vua phóng sự đất Bắc” hồi ấy không xuất thần nhập
vai khi thì một khách làng chơi, khi thì một tên giang hồ bịp bợm… Và ví thử
không có một kí giả Ngô Tất Tố dày công đột nhập, lân la khắp các xó xỉnh
nhà quê từ hiên đình tới góc bếp thì cũng không thể có “bộ sưu tập” - Việc
làng. Biết bao nhiêu những chi tiết tưởng chừng vụn vặt của cuộc sống đời
thường đã được các kí giả huy động kĩ năng tác nghiệp của mình một cách
tinh nhậy nhất, hiệu quả nhất để điều tra, tìm tòi, chớp lấy và tái hiện lại
nguyên hình những “vỉa quặng sự thật” vốn bị chìm lấp hoặc che đậy bởi sự
vô tình hay cố ý của công luận. Dưới ngòi bút của những tư cách nhân
chứng ấy, dường như tất cả những gì là giả trá, ngụy tạo của tấn tuồng “Âu
hóa” nhằm che đậy cho một xã hội mục ruỗng, lung lay đều bị bóc trần,
phanh phui. Các nhà văn cũng không ngại ngần bộc lộ thái độ, chính kiến
của mình nhằm thức tỉnh con người về những căn bệnh trầm kha, kinh niên
đang lây lan trong xã hội với một tốc độ chóng mặt. Tuy nhiên, đằng sau sự
phỉ báng, giễu cợt đến gay gắt, quyết liệt, tấm lòng nhân ái của các nhà văn
vẫn đọng lại trên từng trang viết. Ấy là nỗi xót thương, chia sẻ, là sự cảm
thông với những kiếp người đã và đang bị cuốn theo những vòng xoáy của
một trật tự đảo điên. Có thể nói trước khi phóng sự ra đời, hiếm khi công
chúng được tiếp xúc với hiện thực cuộc sống ở chiều sâu, bề chìm một
cách chân xác, trên tinh thần hướng thiện như thế. Cho nên hàng loạt
những tác phẩm thuộc thể loại mới mẻ này đã nhanh chóng trở thành một
“thực đơn tinh thần” ích dụng đối với đông đảo các tầng lớp nhân dân. Hầu
hết các tờ báo lớn thời kì ấy đều triệt để khai thác phóng sự, coi phóng sự
như một thể loại chủ công, “một phương tiện điểm huyệt quan trọng của
thông tin báo chí”

(3)
, và phần lớn các nhà văn hiện thực đều ít nhiều gắn bó
cùng duyên nghiệp kí giả phóng sự. Với báo chí, phóng sự đã cùng một lúc
thực hiện vai trò đa chức năng: vừa thực thi nhiệm vụ mô tả, điều trần
những sự thật nhức nhối, khuất lấp, vừa giúp mở mang, thức tỉnh, khai
sáng nhận thức cho công chúng, đồng thời mang đến cho các thế hệ bạn
đọc lúc đó một kênh giao tiếp mới, thú vị, tiện lợi hơn bao giờ hết. Còn đối
với các nhà văn, trong cái gọi là “kế sách lấy nghề nuôi nghiệp” thì viết
phóng sự không chỉ nhằm mục đích mưu sinh mà còn để đáp lại lòng khao
khát, sự mến mộ của công chúng, ít nhiều giúp giải tỏa những bức xúc
thường nhật, dồn nén, gom góp, tích lũy vốn sống cho những bước đường
sáng tạo nghệ thuật về sau. Chẳng thế mà Vũ Trọng Phụng, sau những
phóng sự xuất hiện thường kì, cập nhật tựa như những mảnh vụn của cuộc
sống nóng hổi là những tiểu thuyết giàu màu sắc phóng sự trường thiên
như Vỡ đê, Giông tố, Số đỏ…, theo Vũ Ngọc Phan thì người viết đã “luyện
nó ra một cây bút tiểu thuyết, nhưng cái giọng phóng sự vẫn còn”
(4)
. Các
tiểu thuyết của Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan… cũng đều
ít nhiều mang hơi hướng phóng sự và không thể không chịu ảnh hưởng
của không khí phóng sự đang sục sôi khi ấy. Tính chất đan xen văn báo
trong phóng sự (thậm chí tràn sang cả các thể loại văn học khác) đã tạo ra
chất lượng đặc biệt cho phóng sự thời kì này. Nó kết dệt trong cấu trúc tác
phẩm cái đẹp của sự thật được xâu chuỗi, chỉnh lí theo nhãn quan thẩm mĩ
tinh tế của các nhà văn nên giàu yếu tố thi vị và hấp dẫn.
Có thể nói trong một thời điểm văn học, báo chí có nhiều tác nhân
thuận lợi, phóng sự Việt Nam thời kỳ mở đầu 30-45 đã thỏa mãn cơ bản
những đòi hỏi của hiện thực cuộc sống bộn bề những sự kiện, đã tác
nghiệp nhanh nhậy, cập nhật theo phương thức và yêu cầu thông tấn báo
chí. Và điều đặc biệt là phóng sự thời kì này đã biết chưng cất hiện thực

ngổn ngang bằng nhãn quan thẩm mĩ văn chương để có được những tác
phẩm giàu ấn tượng cho đông đảo bạn đọc. Thực sự đáp ứng những yêu
cầu về nhiều mặt mà cuộc sống xã hội trông đợi nên phóng sự có được
mùa gặt bội thu như thế cũng là điều hiển nhiên.
2. Phóng sự Việt Nam trong hai cuộc chiến
Công bằng mà nói thể loại văn học nào cũng có thể tìm được đất
sống phù hợp với đặc trưng thể loại của nó bởi lẽ bản thân cuộc sống muôn
màu muôn vẻ luôn tiềm chứa những sắc thái cảm hứng thích ứng với mọi
thể loại văn học. Có điều tùy từng thể chế, nhiệm vụ chính trị của mỗi thời
kì lịch sử mà hiện thực cuộc sống được tiếp cận, phản ánh, lí giải và cắt
nghĩa bởi những quan niệm, cách thức khác nhau. Không phải khi nào cuộc
sống cũng có thể được tái tạo nguyên khối với tất cả các sắc thái vốn có
của nó. Do vậy khả năng nhập cuộc của từng thể loại cũng luôn chịu sự chi
phối bởi cảm quan thời đại. Có thể loại gặp thời thì dễ thăng hoa nở rộ, lại
cũng có thể loại đôi khi nếu không phải rút lui vào hậu trường chờ thời thì
cũng phải tìm cách hóa thân sự sống của mình vào trong các thể loại khác.
Phóng sự thuộc loại thứ hai.
Ba mươi năm chiến tranh (1945-1975) phóng sự với đúng nghĩa là
một thể loại dân chủ, có khả năng đặc biệt trong việc phanh phui, mổ xẻ
những thực tại xã hội nhức nhối, cập nhật hầu như đã không còn cơ hội
phát triển. Cả về qui mô lẫn chất lượng đều có phần giản đơn. Nó hiện hữu
dưới dạng những ghi chép, tường thuật, kể việc… trong khuôn khổ hoạt
động thông tin báo chí thông thường cho phù hợp với nhu cầu tiếp nhận
của quảng đại quần chúng khi ấy nên không có được những tầm vóc đáng
kể. Trong khi đó một số thể kí khác như ghi chép, kí sự, tùy bút, truyện kí…
lại phát triển mạnh mẽ. Ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến
chống Pháp (1945-1954) bùng nổ, kí đã tìm được hiện thực sôi động để
phản ánh. Các tác phẩm kí thời kì này chủ yếu là các loại kí tự sự có khả
năng phản ánh hiện thực trong trạng thái khách quan sinh động như: kí sự,
ghi chép hay tin sâu… Đề tài hướng tới là các trận đánh, các chiến dịch,

thậm chí có khi bao quát cả một không gian rộng lớn của các mặt trận
như: Ngược sông Thao của Tô Hoài, Chặt gọng kìm số 4 của Hoàng Lộc, Kí
sự Cao Lạng của Nguyễn Huy Tưởng, Chiến dịch biên giới, Trận phố
Ràng của Trần Đăng… Ngoài ra có thể kể thêm một số tác phẩm tùy bút
như: Đường vui, Tình chiến dịch, Tùy bút kháng chiến… của Nguyễn Tuân;
các nhật kí như: Ở rừng, Chuyện biên giới… của Nam Cao. Về căn bản
những tác phẩm kí này đều mang dáng dấp kí sự ở tính chất kể người, kể
việc một cách sinh động bằng chính sự trải nghiệm của người viết. Các tác
giả ít dừng lại khắc họa những chân dung, những số phận nhân vật tiêu
biểu mà cái nhìn thường hướng tới toàn cảnh sự kiện trong mối quan hệ
đông đảo của các nhân vật. Cái nhìn hiện thực của các nhà văn cũng chủ
yếu là cái nhìn thuần khiết ngợi ca. Cuộc sống đời thường cùng những trăn
trở, bức xúc, lo toan được đẩy lùi về phía sau, những chuyện mờ chìm,
khuất lấp nếu có cũng tạm thời gác lại, tất cả chỉ có đi và đánh, đã đánh là
thắng. Với ý thức, quan niệm và mục tiêu như thế, cố nhiên phóng sự khó
có thể hiện diện với đúng bản chất đặc trưng của nó. Bắt buộc những trang
viết thuộc thể loại này phải có những điều chỉnh để thích ứng với hiện thực
chiến tranh. Trên các báo lớn thời kì này lẻ tẻ vẫn có những phóng sự phản
ánh cuộc đấu tranh chống giặc bắt lính trong các vùng tạm chiếm, lên án tội
ác của giặc, ca ngợi những tấm gương quên mình vì đồng đội… nhưng hầu
như không mấy để lại ấn tượng về thể loại. Ngay cả Thép Mới vào những
năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp có những phóng sự chiến
tranh khá đặc sắc như:Pháo binh trẻ tuổi của ta, Dân công hỏa tuyến, Giờ
phút cuối cùng của địch ở Điện Biên Phủ… song lúc đó ít ai xem đây là
những tác phẩm phóng sự với đúng nghĩa của nó. Rõ ràng thời đại đã tạo
ra những thăng trầm của thể loại. Sở dĩ phóng sự có vẻ mờ chìm đi trước
sự phát triển rực rỡ của kí sự chống Pháp là bởi trước hết kí sự là thể loại
có khả năng co dãn dung lượng rất linh hoạt để có thể phù hợp với qui mô
của mọi loại đối tượng phản ánh trong hiện thực. Kí sự đặc biệt thích ứng
với việc ghi chép lại một cách khách quan những điều tai nghe mắt thấy của

chủ thể sáng tạo trong điều kiện luôn phải gắn với các chuyến đi. Trước
những sự kiện dồn dập của cuộc chiến, hình thức kí sự giúp cho người cầm
bút chớp lấy cơ hội ghi lại tối đa các biến cố, không cần sự lắng đọng bình
bàn, suy tưởng, ngẫm ngợi như tùy bút hay bút kí, hoặc dụng công tổ chức
sự kiện, nhân vật trong các mối quan hệ vi mô phức tạp như truyện kí.
Ngoài ra kí sự còn có khả năng dung chứa hiện thực trong mọi chiều kích
lớn-bé, rộng-hẹp ở mọi sắc thái ngổn ngang bộn bề của nó. Người viết chỉ
cần ghi đúng, ghi đủ, ghi được nhiều điều xác thực không cần phải có
những cốt truyện chặt chẽ hay những dụng công khác về nghệ thuật. Đấy là
chưa kể trong thời kì kháng chiến chống Pháp, các phương tiện kĩ thuật ghi
hình, ghi âm hiện đại còn rất thiếu thốn. Kí sự hoặc ghi chép vì thế là hình
thức căn bản và thích hợp để ghi lại một cách khách quan, sinh động về
mọi mặt hoạt động của quân và dân ta lúc bấy giờ. Vì những lẽ đó, nếu từ
đỉnh cao của kí sự mà soi chiếu thì phóng sự thời kì này ắt hẳn không thể
có được tầm vóc bề thế như thời hoàng kim 1930-1945. Song thực chất
điều đó không có nghĩa là phóng sự không còn tồn tại. Nói như tác giả Đức
Dũng thì phóng sự thời kỳ này chỉ “xuất hiện không thường xuyên, đề tài
chưa đa dạng… thể loại còn nhiều lẫn lộn pha tạp”
(5)
mà thôi.
Đến thời kì kháng chiến chống Mĩ, phóng sự khởi sắc ngay trong bối
cảnh nhạy cảm sau 1954, khi hòa bình lập lại chưa được bao lâu, Bắc –
Nam lại bị chia cắt, con người phải đối diện với những trận tuyến mới,
không kém phần dữ dội. Giữa lúc tranh tối tranh sáng, kẻ địch cùng bè lũ
tay sai dụ dỗ, lừa mị nhân dân, ép buộc hàng loạt đồng bào Công giáo của
ta di cư vào Nam. Trước những sự thật bị man trá ấy, phóng sự không thể
đứng ngoài cuộc, nhiều tác phẩm đã xuất hiện kịp thời vạch trần âm mưu
và tội ác của bè lũ bán nước và cướp nước. Thiên phóng sự điều tra Trại di
cư Pa Gốt ở Hải Phòng của tác giả Sao Mai là một ví dụ. Với tư cách một
nhân chứng công tâm, người viết đã tái hiện hết sức sống động và đầy đủ

những thảm trạng mà kẻ địch đã gây nên cho các tầng lớp Giáo dân. Có
thể nói trong tác phẩm của Sao Mai, thiên chức mổ xẻ, phanh phui và điều
trần về sự thật của phóng sự lại có dịp được phát huy triệt để. Điều này
chứng tỏ rằng mỗi khi hoàn cảnh xã hội có vấn đề, phóng sự vẫn hoàn toàn
có thể dời khỏi hậu trường, vươn lên phía trước để làm tròn sứ mệnh đấu
tranh bảo vệ công lí của mình. Tuy nhiên, không bao lâu sau cái khoẳnh
khắc bừng dậy đó, phóng sự thời kì chống Mĩ trở lại vị trí khiêm nhường
trong dòng chảy của nền văn học anh hùng ca. Bên cạnh mảng đề tài đấu
tranh thống nhất Tổ quốc, phóng sự thời kì này đã có thêm một mảng đề tài
mới về xây dựng CNXH ở miền Bắc. Hiện thực của cuộc kháng chiến ở
miền Nam và kiến quốc ở miền Bắc đã được phản ánh khá sinh động, Song
nhìn chung đó vẫn chỉ là những mảng hiện thực được nhìn nhận ở những
khía cạnh tích cực, do vậy phóng sự hầu như chưa tránh khỏi tính đơn điệu
về cảm hứng sáng tạo. Về cơ bản, phóng sự vẫn mang hình thức của
những ghi nhanh, tường thuật với dung lượng ngắn gọn để đủ đăng trong
một kì báo, nhằm động viên, cổ vũ kịp thời. Mặc dù thời kì này đã xuất hiện
một số cây bút phóng sự mang bản sắc riêng như Đỗ Quảng, Thép Mới,
Thanh Châu, Lê Điền, Trần Minh Tân…, song trước vị thế áp đảo của một
số loại kí khác như tùy bút, bút kí, đặc biệt là truyện kí, phóng sự vẫn không
vươn tới được vai trò chủ công. Hàng loạt những tác phẩm gây tiếng vang
như:Bức thư Cà Mau của Bùi Đức Ái, Người mẹ cầm súng của Nguyễn
Thi, Trên quê hương anh hùng Điện Ngọc của Nguyễn Trung Thành, Sống
như Anh của Trần Đình Vân, Họ sống và chiến đấu của Nguyễn Khải, Kan
Lịch của Hồ Phương, Bất khuất của Nguyễn Đức Thuận… đã chứng tỏ thời
chống Mĩ là thời thăng hoa của truyện kí. Điều này cũng thật dễ hiểu bởi so
với các loại kí khác thì truyện kí là hình thức ghi chép thích hợp về những
con người và sự kiện mà ở đó con người xuất hiện trong tư cách là đối
tượng phản ánh nổi bật có số phận cụ thể. Với tâm điểm cái nhìn là con
người (thường là những nhân vật nổi tiếng, những sự kiện lớn lao), truyện
kí thường tổ chức mạch tự sự theo cốt truyện không chịu tính ước định của

thời gian và không gian sự kiện. Ưu thế này cho phép truyện kí có dung
lượng lớn tương đương như truyện vừa hoặc tiểu thuyết. Vì vậy, khác hẳn
với các loại kí khác, truyện kí dễ tạo được vẻ đẹp huy hoàng từ những thực
tại giàu ý nghĩa kết hợp với vẻ đẹp huyền ảo, kì vĩ từ sự hư cấu nghệ thuật
của các nhà văn. Mặt khác, thời kháng Mĩ các phương tiện nghe nhìn của
ta đã khá hiện đại, sự lớn mạnh của báo chí có thể đảm trách công việc của
kí sự, ghi chép… nên những người cầm bút cũng muốn đi vào khám phá
cuộc sống kháng chiến hào hùng của dân tộc bằng những hình thức mới có
sức khái quát lớn hơn. Năng lực về mọi mặt của truyện kí (dung lượng văn
bản dài, cái nhìn hiện thực đa chiều, bút pháp cơ động linh hoạt ) đã giúp
cho thể loại này nhanh chóng đáp ứng được yêu cầu của hiện thực mà
vươn lên đảm nhiệm vai trò chủ công trong các loại kí thời chống Mĩ.
Điểm qua về diện mạo của kí Việt Nam 1945-1975 có thể nhận thấy
trong sự thăng hoa chung của một số thể loại thì phóng sự với đầy đủ
những phẩm chất của nó lại dường như có vẻ mờ chìm. Về điều này, nhà
nghiên cứu Lã Nguyên đã từng khẳng định rằng: “Phóng sự - thể loại từng
phát triển mạnh mẽ trước cách mạng, nay bỗng thiếu vắng trên văn đàn”
(6)
.
Gần đây trong cuốn sách mới nhất của mình, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn
Long cũng chung một nhận xét: “Trong 2 cuộc kháng chiến thiếu vắng thể
loại phóng sự vốn rất phát triển trong giai đoạn 1930-1945”
(7)
. Cố nhiên sự
thiếu vắng mà các nhà nghiên cứu nói ở đây chỉ là sự thiếu vắng những tác
gia, tác phẩm có tầm vóc đáng kể, mang đậm các phẩm chất đặc trưng
phóng sự chứ không phải là sự triệt tiêu, mất hút của thể loại này. Ở vào
những thời khắc con người cần nhìn thấu vào sự thật, cần định hướng cho
hành động, phóng sự vẫn hoàn toàn chứng tỏ được vai trò xung kích tiên
phong của nó. Dẫu rằng 30 năm chiến tranh, phóng sự xuất hiện còn khiêm

nhường về qui mô, giản đơn về hình thức thể hiện, song những phẩm chất
phóng sự ở khả năng áp sát hiện thực cuộc sống nóng hổi và cập nhật vẫn
có thể tìm thấy trong một số thể loại kí khác của thời kì này. Có điều đó
chưa phải là những nét đặc trưng bản chất để phóng sự có thể đứng được
như một thể loại độc lập có qui mô và diện mạo sắc nét như nó từng có
trong lịch sử. Nhà văn Nguyên Ngọc - người để tâm nhiều đến các thể loại
văn xuôi Việt Nam hiện đại đã có lí khi ông cho rằng: “không phải cứ văn
học chiến tranh thì phóng sự sẽ mất đi…”
(8)
. Nhà nghiên cứu Hà Minh Đức,
một người dành nhiều tâm huyết cho lĩnh vực kí cũng đã nhận định: “Trong
những năm kháng chiến, nhiều thiên phóng sự từ mặt trận gửi về còn nóng
hổi hơi lửa thời sự. Phóng sự mặt trận theo sát diễn biến của chiến dịch
qua từng bước thắng lợi, từng mũi tiến quân, kịp thời thông báo những tin
tức, câu chuyện và những tấm gương trong chiến đấu”
(9)
. Như vậy, ở một
chừng mức nào đó có thể coi thời 1945-1975 phóng sự Việt Nam vẫn tồn
tại nhưng là sự tồn tại trong những hình thức mới tuy giản đơn hơn song
vẫn có sắc diện riêng biệt của nó. Để phụng sự nhiệm vụ chính trị lớn lao
giải phóng dân tộc, phóng sự đã phải tự gọt rũa, cưa cắt đi cái tư chất phản
tỉnh thực tại mạnh mẽ vốn có của mình để hóa thân vào các thể kí khác
trong cái nhìn định hướng một chiều của thời đại. Trong điều kiện chiến
tranh ác liệt, số phận dân tộc “ngàn cân treo sợi tóc”, yêu cầu tự điều chỉnh
ý thức sáng tạo sao cho thích ứng với khuôn thước lí tưởng chính trị chung
của cả cộng đồng là một đòi hỏi tất yếu khách quan. Điều này không hề nói
lên tính chất thụt lùi hay xuống cấp về chất lượng của phóng sự. Đó là cả
một sự nỗ lực từ trong ý thức của người cầm bút nhằm hướng tới kiếm tìm
những khả năng phản ánh thích ứng với thời cuộc một cách tốt nhất. Cho
nên dẫu chưa có được sự bề thế như giai đoạn trước đó, song phóng sự

1945-1975 cũng đã góp phần tích cực vào việc ghi lại những sự kiện sục
sôi đáng nhớ về một thời bom đạn chiến tranh gian khổ nhưng vô cùng anh
dũng của quân và dân ta. Nói cách khác phóng sự thời kì này đã góp thêm
vào lịch sử văn học Việt Nam và phóng sự Việt Nam một hình thức phóng
sự mới, đã từng xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới, đó là phóng sự viết
về chiến tranh giải phóng dân tộc.
3. Phóng sự bước vào thời kì lịch sử sang trang (1975-1985)
Năm 1975 đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam
hiện đại: hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc, đất nước thu về một
mối, mở ra một kỉ nguyên mới độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội.
Không còn chiến tranh, bom đạn, song không phải vì thế mà cuộc sống
không còn những lo âu, nỗi buồn. Trái lại cuộc sống trong thời bình lại còn
lắm gai góc, phức tạp hơn thời chiến. Những “di họa chiến tranh” để lại quá
nặng nề, những tệ nạn xã hội bức xúc, những khó khăn về kinh tế, những
thách thức mới về an ninh, chính trị, những rối ren trong quan hệ quốc tế,
cơ chế quan liêu bao cấp ngày càng phơi bày những bất cập… Tất cả đã
tạo nên những thách thức mới có khi còn quyết liệt hơn thời trận mạc chiến
tranh. Đúng như nhà văn Nguyễn Khải đã nói: “Chiến tranh ồn ào náo động
mà lại có cái yên tĩnh giản dị của nó. Hòa bình yên tĩnh, thanh bình mà lại
chứa chấp những sóng ngầm, những gió xoáy bên trong”
(10)
. Từ thời chiến
bước sang thời bình, hiện thực cuộc sống mở ra biết bao điều mới mẻ phức
tạp, văn học cần có thời gian suy ngẫm định vị tư thế và cách thức thể hiện
mới hoàn toàn khác với trước đây. Trong khi đối với các thể loại văn xuôi
nghệ thuật khác phải mất đi ngót nửa thập niên để vượt qua khoảng hẫng
kiếm tìm tinh thần sáng tạo mới thì các thể kí, đặc biệt là phóng sự, đã nhập
cuộc ngay vào hiện thực sau chiến tranh một cách vững vàng, tự tin. Có thể
nói phóng sự vẫn luôn là thể loại xung kích, song hành cùng lịch sử qua mỗi
bước đi của nó.

Bối cảnh lịch sử xã hội ăm ắp những mâu thuẫn cùng với biết bao
những biến cố phức tạp nảy sinh ở cả trong quan hệ đối nội và đối ngoại
thời tiền đổi mới đã tạo tiền đề cần thiết cho sự hiện diện của một giai đoạn
phóng sự mới mang những sắc thái riêng rất khác các giai đoạn phóng sự
trước đó. Nét đặc sắc nổi bật của phóng sự giai đoạn này là ở chỗ: bước
đầu phóng sự đã nới rộng đáng kể phạm vi đề tài phản ánh trên cả tầm vĩ
mô và vi mô. Đề tài chiến tranh vẫn tiếp tục được khai thác. Những sự kiện
tiêu biểu của hai cuộc chiến bảo vệ biên cương Tây Nam và biên giới phía
Bắc được tái hiện khá hào hùng trong các phóng sự của Nam Hà, Đỗ
Quảng tạo nên sự tiếp nối, liền mạch với phóng sự thời 1945-1975. Song
nổi bật nhất và phong phú nhất là phóng sự viết về đề tài kinh tế - xã hội
qua những cây bút phóng sự có nghề như Hữu Thọ, Đỗ Quảng, Trần Huy
Quang… Muôn mặt hoạt động kinh tế thời bao cấp đã được ghi lại khá sinh
động với tất cả các mặt tốt, xấu của nó. Đó là cuộc đấu tranh chống lại
những bảo thủ, trì trệ của cơ chế quan liêu bao cấp, chống lại thói buôn
gian bán lậu, phe vé tầu xe, giả mạo giấy tờ làm ăn bất chính… Phạm vi đề
tài về an ninh chính trị xã hội bước đầu cũng được khám phá qua những
phóng sự viết về làn sóng người di tản ra nước ngoài, về các lực lượng thù
địch chống phá cách mạng, về tệ nạn ma túy, mại dâm, buôn bán phụ nữ
qua biên giới… Thêm vào đó, những vấn đề dân sinh xã hội trong mọi sắc
thái thường nhật lúc này cũng có dịp đi vào các trang phóng sự sau 30 năm
ngắt quãng bởi chiến tranh.
Không chỉ mở rộng về đề tài, phóng sự thời kì này còn bước đầu tiếp
nối được cảm hứng phê phán hiện thực của phóng sự những năm 1930-
1945. Mặc dù sự phê phán có chút dè dặt, chưa trực diện theo lối “gọi tên
chỉ mặt”, song phóng sự thời kì này đã hướng tới phơi bày những hiện
trạng tiêu cực xã hội. Đó chính là tín hiệu mới hé mở khả năng áp sát hiện
thực cuộc sống bằng tinh thần can đảm vốn có của thể loại này. Bên cạnh
đó, bối cảnh hiện thực mới cũng đem đến cho phóng sự những cách tân
hình thức khác với các giai đoạn trước. Phóng sự thời chiến tranh vừa ưu

tiên tính cập nhật và giá trị tuyên truyền, cổ vũ, động viên theo lối ghi
nhanh, vừa chú trọng tái hiện qui mô sự kiện trong trạng thái ngổn ngang
vốn có của nó theo lối kí sự, đồng thời lại đòi hỏi sự ngắn gọn, hàm súc để
tiện in trong một kì báo. Còn giờ đây, sự “thư giãn” phần nào của thời bình
đã cho phép phóng sự được gia cố kĩ hơn. Tốc độ dòng trần thuật đã không
còn bị câu thúc bởi thời gian, không gian sự kiện, kể được đan xen với tả,
chân dung nhân vật cơ bản được khắc họa thêm phần sắc nét. Đặc biệt,
trong các phóng sự đã có những khoảng riêng cho chủ kiến của người
viết… Vì vậy dung lượng tác phẩm thường tương đối lớn, đòi hỏi phải in
trên báo thành nhiều kì. Nhiều phóng sự của Đỗ Quảng, Trần Huy Quang…
được đăng gối liên tiếp trên nhiều số báo (ví dụ phóng sự Âm mưu của kẻ
thù và số phận những người trốn bỏ Tổ quốc của Đỗ Quảng, Lời khai của bị
can của Trần Huy Quang…).
Năng lực tổng hợp phẩm chất các thể loại kí khác của phóng sự giai
đoạn này bước đầu cũng đã được ý thức ở một số cây bút tiêu biểu. Nhờ
điểm nhìn trần thuật được điều chỉnh, co giãn linh hoạt, không ít phóng sự
đã khai thác cái nhìn hoài niệm theo kiểu hồi kí hoặc mở ra các nhánh rẽ
bằng những tiểu đoạn miêu tả đầy ấn tượng về thiên nhiên, đồ vật, con
người… như trong văn chương thẩm mĩ. Tính chất chính luận cũng bắt đầu
được chú trọng sử dụng nhằm tạo nên tầm khái quát cho tác phẩm. Nổi bật
hơn cả vẫn là phẩm chất truyện kí trong các phóng sự dài kì. Mặt khác ý
thức truy tìm sự thật của phóng sự thời kì này (nhất là từ những năm 80 trở
đi) không thể không hàm chứa cái nhìn dân chủ của tiểu thuyết. Sự ra đời
của các tiểu thuyết - phóng sự như: Những khoảng cách còn
lại (1980), Đứng trước biển (1983), Cù lao tràm (1985) của Nguyễn Mạnh
Tuấn ít nhiều có sự tiếp sức của không khí phóng sự giai đoạn tiền đổi mới
này.
Nhìn chung phóng sự giai đoạn 1975-1985 có được bước tiến đáng
kể, tạo được một diện mạo mới khác trước. Phóng sự thời kì này đang từng
bước tiếp cận với hiện thực mới trong cái nhìn sâu hơn, đa dạng và linh

hoạt hơn ở cả mặt phải cũng như phía khuất lấp của cuộc sống. Tính dân
chủ và sự can đảm bước đầu của phóng sự thời kì này đã góp phần tạo đà
tích cực cho sự nở rộ khá trọn vẹn của phóng sự Việt Nam thời kì đổi mới
kể từ 1986 trở về sau.
Có thể nói trong vòng hơn nửa thế kỉ sinh thành và phát triển, phóng
sự Việt Nam đã thực sự tạo nên những biến thái bất ngờ. Sau sự khởi đầu
viên mãn, phóng sự đi qua hai cuộc chiến tranh như một dòng chảy ngầm
bền bỉ và dai dẳng. Có những lúc tưởng chừng thể loại này bị mờ chìm và
mất hút trong dàn hợp ca của các thể loại có ưu thế cổ vũ tinh thần đấu
tranh cách mạng của quân và dân ta. Song những dấu hiệu phục sinh mạnh
mẽ vào thời kì tiền đổi mới cho thấy phóng sự như một thể loại dã sinh, có
khả năng tồn tại theo những lối riêng, thích ứng với mọi hoàn cảnh lịch sử
xã hội. Cả sự thăng hoa lẫn chìm lắng đều mang những dấu ấn đặc thù của
thể loại văn học - báo chí quan trọng này./.

×