Tải bản đầy đủ (.docx) (7 trang)

Cái chết của tác giả ppsx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (95.05 KB, 7 trang )

Cái chết của tác giả

T
rong truyện vừa Sarrasine, khi viết về một castrato (hoạn nam) ăn mặc giả
nữ, Balzac có viết câu này: “Đó chính là Người nữ, với những cơn sợ hãi bất ngờ,
với những thất thường vô lý, với những lo lắng bản năng, với vẻ táo tợn đột nhiên,
sự dạn dĩ và tính nhạy cảm tuyệt vời tinh tế của nàng”. Những lời này là của ai đang
nói đây? Phải chăng của nhân vật chính, người đang một mực muốn làm ngơ
gã castrato ẩn dưới lớp vỏ đàn bà? Phải chăng là con người có tên Balzac với một
triết lý về Nữ tính hình thành qua những trải nghiệm cá nhân? Là Balzac tác gia
văn học, đang phát biểu những ý tưởng thuần “văn chương” về tính nữ? Là túi khôn
phổ quát? hay nghiên cứu tâm lý mang màu sắc lãng mạn? Sẽ chẳng ai bao giờ xác
định được, đơn giản vì sự viết bản thân nó đã là một thứ tiếng nói đặc biệt, tổng hợp
của nhiều giọng nói khó tách rời, và vì văn chương chính là quá trình sáng tạo ra
tiếng nói này, một tiếng nói không thể xác định được nguồn gốc cụ thể cho nó: văn
chương là thứ không gian trung tính, phức hợp, lạc hướng trong đó mọi chủ thể đều
mất hút, là hố đen nhấn chìm mọi bản thể, trước tiên là bản thể của con người cầm
bút viết.
*
Hiển nhiên hiện tượng đã luôn lặp lại thế này: một khi hành động được thuật
lại, không phải nhằm tác động trực tiếp lên thực tại nữa, mà với mục đích tự thân -
nói cách khác, không còn mang nhiệm vụ gì khác ngoài bản thân nhiệm vụ trình tấu
lại biểu tượng - sự đứt gãy sẽ diễn ra, tiếng nói đánh mất nguồn gốc, tác giả khởi sự
chết và sự viết bắt đầu. Tuy nhiên hiện tượng ấy trước nay đã được nhìn nhận theo
những cách khác nhau: trong xã hội nguyên thủy, vai trò trần thuật không phải là của
một “con người”, mà là của ông đồng, thầy phù thủy hay thuyết thoại nhân; người ta
có thể tán tụng màn “biểu diễn” - trình độ điều khiển của mã trần thuật - của người
này, nhưng không phải là tán thưởng “tài năng” của người đó. “Tác giả” là một nhân
vật của thời kỳ hiện đại, hiển nhiên là sản phẩm của xã hội này khi, ở thời điểm vừa
thoát khỏi những năm trung cổ, với chủ nghĩa kinh nghiệm Anh, duy lý Pháp và đức
tin cá nhân của cuộc cải cách tôn giáo, nó phát hiện ra uy lực của con người cá thể,


hay - như thường nói một cách sang trọng hơn - của “nhân cách người”. Cứ thế khi
đi vào lĩnh vực văn học, đúng theo logic, chính tư tưởng thực chứng - bản tổng kết,
tinh hoa của ý thức hệ tư bản - đã trao vai trò tối cao cho “con người” tác giả. Tác
giả, cho đến tận giờ, vẫn thống trị trong những bộ văn học sử, trong các tiểu sử văn
học, các cuộc phỏng vấn trên báo chí, thậm chí ngay trong ý thức của giới văn
chương, những người luôn bận tâm thống nhất làm một con người và tác phẩm của
mình trong các thể loại nhật ký hay hồi ký; bộ mặt văn chương hiện ra trong văn hóa
đương đại bị cưỡng ép phải xoay quanh Tác giả: nhân cách của hắn, cuộc đời hắn ta,
các thị hiếu và cảm xúc; phê bình văn học chủ yếu vẫn day đi day lại rằng tác phẩm
Baudelaire cho thấy sự suy sụp của con người Baudelaire, với tranh Van Gogh là
chứng điên của ông, với nhạc Tchaikovsky là tội lỗi: người ta luôn tìm kiếm lời giải
thích cho tác phẩm trong con người đã tạo ra nó, như thế sau khi đi qua lối ẩn dụ ít
nhiều cũng trong suốt của nghệ thuật hư cấu, đó rốt cuộc vẫn là tiếng nói của con
người ấy, vẫn là chính tác giả đang “gửi gắm” tới chúng ta.
*
Cho dù quyền uy của Tác giả cho đến giờ vẫn còn rất hùng mạnh (xu hướng
phê bình gần đây thường chỉ củng cố thêm cho nó), rõ ràng từ lâu trong số người
viết đã có những mưu toan lật đổ sự thống trị này. Ở Pháp hiển nhiên Mallarme là
người đầu tiên nhìn thấy, và nhìn xa đến tận cùng, yêu cầu phải đưa bản thân ngôn
ngữ thế vào vị trí của kẻ cho đến giờ vẫn được coi như làm chủ nó; với Mallarme,
cũng như với chúng tôi, chính ngôn ngữ mới là chủ thể phát ngôn chứ không phải
tác giả: viết có nghĩa là thông qua một thực thể phi nhân cách hằng tồn tại (đừng
nhầm lẫn với tính khách quan tự hoại của nhà hiện thực chủ nghĩa) để tìm cách đạt
tới trạng thái chỉ có riêng ngôn ngữ là hoạt động, “diễn xướng”, chứ không phải
“tôi”: đặc trưng của thế giới thi ca Mallarme là sự triệt tiêu tác giả để đề cao sự viết
(mà điều đó, như ta sẽ thấy về sau, có nghĩa là khôi phục lại vị thế cho độc giả).
Valery, do bị hạn chế bởi triết lý về Bản thể của ông, đã tô vẽ khá nhiều vào lý
thuyết của Mallarme, nhưng do đã bị lòng mến mộ hương vị cổ điển cuốn vào
những bài tập mỹ từ pháp, ông không ngừng chất vấn và chế giễu vai trò Tác giả,
nhấn mạnh bản tính ngôn ngữ học và gần như “ngẫu nhiên” trong công việc sáng tác

của mình, và trong mọi tác phẩm văn xuôi của mình ông cổ động cho dạng thức tồn
tại bằng ngôn từ tất yếu của văn học, so với nó, theo ông, mọi tham chiếu trở lại vào
cõi bên trong của người viết đều là thuần mê tín. Và rõ ràng là ngay cả Proust, bất
chấp những “phân tích” hiển nhiên mang tính chất tâm lý học của mình, luôn chủ
tâm xóa nhòa không thương tiếc - bằng những lựa chọn tinh tế đến cực đoan - mối
liên hệ giữa người viết và nhân vật: nhờ tạo dựng vai trần thuật không phải là
người đã nhìn thấy hay cảm thấy, thậm chí không phải người đang viết, mà là
người rồi sẽ viết (chàng trai trẻ trong cuốn sách - mà thật ra thì anh ta bao tuổi, anh
ta là ai? - muốn viết mà không viết được, và cuốn sách kết thúc ở thời điểm rốt cuộc
việc viết trở thành khả thể), Proust đã làm nên bản anh hùng ca cho lối viết hiện đại:
trải qua một đảo lộn đến tận căn cốt, thay vì đưa cuộc đời mình vào cuốn sách - một
điều đã được lặp đi lặp lại, ông đã sống cuộc đời mình như một tác phẩm lấy hình
mẫu từ cuốn sách của chính mình, nhờ thế chúng ta thấy rõ rằng không phải Charlus
mô phỏng lại Montesquiou, mà chính Montesquiou - trong hiện hữu có tính lịch sử
cũng như giai thoại của ông - chỉ là một mảnh vỡ có vai trò thứ yếu từ Charlus. Sau
rốt (để khỏi vượt quá lịch sử tiền hiện đại chúng ta đang kể), trường phái Siêu thực -
dù không đời nào trao vị trí chúa tể cho ngôn ngữ, một thứ hệ thống, bởi tự mình
xác định mục tiêu (một cách lãng mạn) là lật đổ tận gốc mọi thứ mã; một mục tiêu
bản thân nó đã mang tính ảo tưởng, bởi các mã không thể xóa sổ được, chỉ có thể
đem ra “lật lại” - bằng việc không ngừng phản lại táo bạo những nghĩa mà độc giả
đoán chừng (“cú sốc” siêu thực trứ danh), bằng việc bắt bàn tay phải viết ra càng
nhanh càng tốt những điều trí óc chưa kịp nắm bắt (lối viết tự động), bằng việc chấp
thuận nguyên tắc về lối viết tập thể cũng như đưa nó vào thực hành, đã góp phần
mình vào việc giải thiêng hình ảnh Tác giả. Cuối cùng, ngoài phạm vi văn học
(những ranh giới kiểu này thực tình đang dần mất hiệu lực), ngôn ngữ học mới đây
vừa cung cấp cho công cuộc hạ bệ vai Tác giả một công cụ phân tích quý báu khi
chứng minh rằng trọn vẹn hành động phát ngôn chỉ là một quá trình hoàn toàn rỗng,
vẫn thực hiện được bình thường mà không cần có “con người” của những nhân tố
tham gia can dự vào; xét về mặt ngôn ngữ, tác giả chẳng qua là chủ thể của hành
động viết, cũng như “tôi” chẳng qua là kẻ đã thốt lên “tôi’: ngôn ngữ làm việc với

một “chủ ngữ”, không phải một “con người”, và chỉ cần có chủ ngữ này - dù hoàn
toàn vô nghĩa nếu tách khỏi phát ngôn làm nên nó - là đủ để ngôn ngữ “vận hành”,
nói cách khác, đủ để khai thác nó.
*
Sự vắng mặt của vai Tác giả (ở đây ta có thể theo Brecht mà nhắc tới một
thao tác “xa lạ hóa” thực sự: Tác giả bị thu lại thành một hình thù tí xíu ở tít đầu kia
sân khấu văn học) không chỉ là một thực tế lịch sử hoặc một hành vi viết đơn thuần:
nó đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt văn bản hiện đại (hoặc có thể - thì cũng vậy đi - từ
đó trở đi văn bản được sản xuất ra, và được đọc theo lối mới, trong đó Tác giả ẩn
mình đi trên mọi cấp độ). Trước hết, cảm nhận về thời gian không còn như cũ. Tác
giả, thời ta còn tin có hắn, luôn được tri nhận như là quá khứ của cuốn sách: cuốn
sách và tác giả tự động chiếm lấy những vị trí trên cùng một trục, được chia
thành cái trước và cái sau: Tác giả được mặc định vai trò bú mớm cho cuốn sách;
hắn được coi như tồn tại trước nó, tư duy, đau khổ, trải nghiệm là vì nó, hắn duy trì
tư cách tiền bối với cuốn sách của mình như cha với con. Hoàn toàn ngược lại,
người viết hiện đại - người biên chép - sinh thành cùng lúc với văn bản của mình;
người đó không hề được trang bị một tồn tại có trước hoặc vượt ra ngoài bản thân sự
viết, người đó không bao giờ là đề ngữ được cuốn sách làm thuyết ngữ; không có
thời gian nào khác ngoài thời gian của bản thân việc phát ngôn, và mỗi văn bản đều
vĩnh viễn được viết ra tức thời, ngay trước mắt. Bởi thực tế là (hoặc “kết quả là”)
khái niệm viết giờ không còn biểu thị quá trình ghi chép, quan sát, trình bày, “họa
lại” (theo lối nói của các nhà văn cổ điển) nữa, mà về thứ mà các nhà ngôn ngữ học,
dựa vào lối đặt từ của phái Oxford, gọi là một “diễn cách” (perfomative), một thể
động từ hiếm gặp (chỉ đi kèm với ngôi thứ nhất thời hiện tại) trong đó phát ngôn
không nói lên điều gì khác ngoài bản thân hành động tạo ra phát ngôn đó, đại khái
giống như câu Ta ra lệnh của một ông vua hay Tôi hát của các ca sĩ rong thời xưa;
nhờ đó người biên chép hiện đại, sau khi đã vùi xong Tác giả, không còn tin tưởng -
theo quy tắc “pathos” của các bậc tiền bối - rằng bàn tay hắn quá chậm không theo
kịp tư duy hay cảm xúc của mình, rằng vì vậy - và nó trở thành một quy luật tất yếu
- hắn ta phải đề cao độ lệch này mà liên tục trau chuốt hình thức của mình. Với hắn

ngược lại, bàn tay hắn - đoạn tuyệt với bất kỳ tiếng nói nào, sinh ra trong một cử chỉ
ghi chép đơn thuần (và cũng không phải là một cử chỉ diễn đạt) - dạo trên một cánh
đồng không có khởi nguồn, hoặc ít nhất không có khởi nguồn nào khác ngoài bản
thân ngôn ngữ, là thứ đến lượt mình không ngừng chất vấn bất cứ khởi nguồn nào.
*
Giờ đây ta hiểu rằng văn bản không có nghĩa là một chuỗi tuyến tính từ ngữ
để mở ra một ý nghĩa “thần khải” duy nhất (thông điệp của Tác giả - Thượng đế)
nữa, mà là một không gian nhiều chiều trong đó nhiều lối viết khác nhau cùng hòa
trộn và đụng độ, không lối viết nào là hoàn toàn mới mẻ: văn bản là một tấm dệt từ
các trích dẫn, xuất phát từ hàng nghìn nguồn văn hóa. Cũng như Bouvard và
Pecuchet, hai nhà biên chép bất hủ, vừa trác tuyệt vừa ngộ nghĩnh, có sự lố bịch
thâm sâu đã nói lên chính xác bản chất của sự viết, người viết chỉ có thể phỏng
lại một cử chỉ suốt đời có trước, không bao giờ mới mẻ được; quyền năng duy nhất
của hắn chỉ là pha trộn nhiều lối viết khác nhau, đem một số địch lại một số khác, để
không bao giờ dừng chân ở một lối duy nhất; nếu hắn muốn phô bày bản thân mình
đi nữa, ít ra hắn cũng phải hiểu rằng “nội giới” mà hắn đang mong “diễn dịch” bản
thân nó cũng chỉ là một tập từ điển làm sẵn, các từ trong đó muốn giải thích được
cũng không thể không thông qua các từ khác, cứ thế đến vô tận: De Quincey trẻ tuổi
từng thể nghiệm điều này ở dạng điển hình; ông thông thạo tiếng Hy Lạp đến nỗi
khi cần dịch sang thứ từ ngữ này những ý tưởng và hình ảnh hoàn toàn mới mẻ, ông
đã - như Baudelaire cho ta biết - “tạo ra cho mình cả một cuốn từ điển sẵn sàng,
phức tạp hơn và bao quát hơn nhiều so với những sản phẩm của sự kiên nhẫn tầm
thường từ những đề tài mang tính văn chương thuần túy” (Những thiên đường nhân
tạo). Là hậu thân của vai Tác giả, người viết sẽ không còn mang theo trong mình
nào đam mê, dí dỏm, cảm xúc và ấn tượng, mà chỉ có cuốn từ điển đồ sộ đó mà từ
đó hắn rút ra một sự viết không có điểm dừng: cuộc đời chẳng qua phỏng lại theo
cuốn sách - mà bản thân cuốn sách cũng chỉ là một tấm dệt từ các ký hiệu - một sự
mô phỏng nhầm hướng, lạc tới vô tận.
*
Một khi Tác giả không cần nữa, ý đồ “giải mã” một văn bản trở thành khá

hàm hồ. Gán một Tác giả cho văn bản nghĩa là áp đặt cho văn bản ấy một thời hạn,
là trang bị cho nó một ý nghĩa sau cùng, là khép lại việc viết. Khái niệm này vô
cùng thích hợp cho việc phê bình; đến lượt nó phê bình tự cho bổn phận chủ yếu
của mình là khám phá lấy Tác giả (hoặc những gương mặt khác nhau của hắn ta:
mặt xã hội, mặt lịch sử, mặt tâm lý, mặt tự do) đằng sau tác phẩm: khi Tác giả
được khám phá xong, văn bản coi như đã được “giải thích”, nhà phê bình thắng
lợi: từ đó cũng không có gì đáng ngạc nhiên rằng, xét về mặt lịch sử, triều đại của
Tác giả cũng là triều đại của Nhà phê bình, cũng như không có gì lạ khi giờ đây
phê bình (kể ngay cả “Mới”) cũng cần lật đổ luôn cùng Tác giả. Đối diện với sự
viết đa nguyên như vậy, cần phải phân tách từng điều, chứ không phải đi giải mã
một điều gì cả; cần lần theo cấu trúc - được “bện” (như sợi len đan tất) vào từng
giao điểm và từng tầng bậc, nhưng bên dưới nó không có cơ sở nào hết; cần du
hành khắp không gian của sự viết chứ không phải là xuyên qua nó; sự viết không
ngừng kiến tạo các nghĩa để rồi lại luôn luôn phân giải nó, nhờ đó thực hiện một sự
triệt tiêu nghĩa theo hệ thống. Chính vì thế mà văn học (tốt hơn từ nay gọi là sự
viết), nhờ không chấp nhận gán một “bí ẩn”, một ý nghĩa tối hậu cho văn bản (và
cho cả thế giới này như một văn bản), đã mở đường cho một hành động có thể gọi
là phản thần học, một hành động thực sự cách mạng, bởi không chấp nhận việc cố
định một ý nghĩa, xét cho cùng, là không chấp nhận Chúa và những gương mặt
khác của ông ta: lý trí, khoa học, luật lệ.
*
Ta hãy trở lại với câu nói của Balzac. Không có ai - không “con người” nào -
đã thốt ra nó cả; nguồn gốc của nó, tiếng nói của nó không xác định được; vậy
nhưng nó vẫn được đọc một cách trọn vẹn; đó là vì sự viết diễn ra chính là ở nơi sự
đọc. Có thể hiểu thêm nhờ một ví dụ vô cùng chính xác sau đây: những khảo sát
gần đây (của J.V. Vernant) đã minh họa cho bản chất nước đôi đặc trưng của nền bi
kịch Hy Lạp; văn bản các bi kịch cài đầy những cụm từ hai mặt mà mỗi nhân vật
chỉ hiểu theo một nghĩa (sự hiểu lầm vĩnh cửu này chính là bản chất của “bi kịch”);
thế nhưng có một kẻ nhìn thấy tính đa nghĩa của từng từ, và hơn nữa, hiểu được
chính sự lạc lối của những nhân vật nói năng trước mặt mình: kẻ đó chính là độc

giả (hoặc như ở đây là khán giả). Từ đó có thể hiểu được toàn bộ phương cách tồn
tại của sự viết: một văn bản được làm nên từ nhiều lối viết, xuất phát từ nhiều nền
tảng văn hóa khác biệt, được đưa vào đối thoại với nhau, giễu nhại nhau, phản
kháng nhau; nhưng có một nơi tập hợp đa nguyên này được tập trung lại, và nơi đó
không phải tác giả - như chúng ta vẫn lầm trước kia - mà là độc giả: độc giả chính
là không gian trên đó chép lại mọi trích dẫn làm nên sự viết, không mất mát gì; sự
thống nhất của văn bản không nằm ở xuất phát điểm mà là ở đích; nhưng cái đích
này cũng không còn mang tính cá nhân được nữa: độc giả là một người không có
lịch sử, không có tiểu sử, không có tâm lý; đó chỉ là một kẻ đã thâu tóm lại mọi
con đường tạo thành văn bản vào một cánh đồng duy nhất. Vì thế thật là một
chuyện khôi hài khi người ta kết tội lối viết hiện đại nhân danh một tư tưởng nhân
văn cổ điển đã được phong, một cách đạo đức giả, làm kẻ bênh vực cho quyền lợi
người đọc. Độc giả chưa bao giờ có chỗ trong phê bình cổ điển; với nó, trong văn
chương chỉ tồn tại duy nhất người làm công việc viết. Giờ đây chúng ta bắt đầu
thoát khỏi sự lừa phỉnh của những phản ngữ kiểu đó, những phản ngữ đã tạo cớ
cho xã hội này huênh hoang bênh vực chính những gì nó tẩy chay, bỏ mặc, lấp
liếm hay hủy diệt; chúng ta biết rằng để trả lại tương lai cho sự viết, cần phải lật đổ
huyền thoại về nó: sự sinh thành của người đọc phải trả bằng cái chết của Tác
giả

×