Cách mạng Tháng Tám thành công là "cuộc tái sinh mầu nhiệm" đã mở ra bước
ngoặt lớn cho quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Đồng thời nó
cũng là động lực để tạo nên một cuộc cách mạng trong văn học. Đó là sự thay đổi
của một cách nhìn, một cách cảm, một quan niệm sống trong sáng tạo nghệ thuật.
Trong giai đoạn 1945 – 1975, vận mệnh của Tổ quốc đứng trước những tử thách
gay gắt, cả dân tộc muôn người như một sát cánh trong cuộc chiến đấu vì lí tưởng
chung là độc lập tự do, thống nhất đất nước. Chính vì lẽ đó, những người cầm bút
– những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa đã ý thức sâu sắc được trách nhiệm trong
các sáng tác của mình là phải phụng sự cho đất nước, các tác phẩm cần tập trung
đề cập đến các vấn đề thời sự liên quan đến vận mệnh dân tộc, tạo dựng và ca ngợi
những con người của thời đại đã sống, cống hiến và hy sinh cho Tổ quốc. Chính vì
vậy mà văn học giai đoạn 1945-1975 mang đậm khuynh hướng sử thi. Và để thấy
một cách sâu sắc, toàn diện, rõ nét cảm hứng sử thi bao trùm và chi phối đến văn
học thời kì này như thế nào ta có thể theo sát chặng đường thơ Tố Hữu – lá cờ đầu
của thơ ca cách mạng.
Trước hết ta cần hiểu thế nào là cảm hứng sử thi. Cảm hứng được hiểu là
cảm hứng nghệ thuật, là nội dung nội dung tình cảm chủ đạo, thể hiện những trạng
thái tâm hồn, cảm xúc được thể hiện đậm đà trong tác phẩm và Sử thi là một thể
loại văn học dân gian còn được gọi là anh hùng ca, trường ca, với một số đặc trưng
cơ bản là: đề cập đến những vấn đề lớn lao của cộng đồng, xây dựng hình tượng
nhân vật anh hùng là kết tinh sức mạnh vật chất và tinh thần của cộng đồng trong
cảm hứng ngợi ca
Vậy khái niệm Cảm hứng sử thi được hiểu là những tình cảm, cảm xúc tự hào,
ngợi ca của tác giả về những vấn đề lớn lao quyết định vận mệnh chung của cộng
đồng.
Khuynh hướng sử thi được biểu hiện ở các phương diện sau:
Thứ nhất Cảm hứng sử thi trong việc lựa chọn đề tài, chủ đề và tư tưởng tác
phẩm. Giai đoạn 1945 -1975 là 30 năm chiến tranh ái quốc vĩ đại, đầy gian khổ,
mất mát và đau thương. Văn học trong giai đoạn lịch sử ấy không thể là tiếng
nói của những số phận cá nhân mà phải là tiếng nói của cả cộng đồng dân tộc
và nhân dân. Những chủ đề bao trùm trong nền văn học giai đoạn này là những
vấn đề về vận mệnh của cộng đồng, hiện thực mà văn học phản ánh là hiện
thực lịch sử dân tộc. Nhà văn, nhà thơ là những người phát ngôn cho tư tưởng,
lập trường, tình cảm, quan niệm của cộng đồng, nhân danh cộng đồng mà ca
ngợi, lên án, kêu gọi và cổ vũ.
Tố Hữu trước khi giác ngộ cách mạng cũng mang tâm trạng chán nản như bao nhà
thơ của phong trào Thơ Mới, ông cũng băn khoăn lựa chọn con đường đi cho đời
mình, thơ mình:
Bâng khuâng đứng truớc đôi dòng nước
Chọn một dòng hay để nước trôi?
(Dậy lên thanh niên)
Và con đường đúng đắn mà Tố Hữu đã chọn là đi theo và quyết tâm dâng hiến đời
mình cho lí tưởng Cách mạng. Sự gặp gỡ định mệnh này không chỉ quyết định
đường đời một con người mà còn quyết định con đường và toàn bộ sự nghiệp sáng
tác của một nhà thơ, tạo nên một hồn thơ tiêu biểu của nền thơ hiện đại Việt Nam.
Để rồi “ Khi ta đã say mùi hương chân lí”, khi đã hiểu “ Đời đắng cay không một
chút ngọt bùi. Đời đau buồn không một tiếng cười vui. Đời đen tối phải đi tìm ánh
sáng” thì Tố Hữu hay cũng chính là lớp trẻ đang hừng hực sức sống quyết tâm một
lòng đi theo Cách mạng, đấu tranh bảo vệ đất nước, bất chấp những khó khăn gian
khổ đang đón đường tiến bước, tin tưởng phơi phới ở tương lai:
Ta bước tới chỉ một đường cách mạng
Vững lòng tin sẽ nắm chắc thành công
Như những con tàu giữa biển mênh mông
Còn xa đất vẫn tin ngày cập bến.
(Như những con tàu)
Chẳng phải vô cớ mà thơ Tố Hữu được coi là biên niên sử bằng thơ. Nói như vậy
bởi với khuynh hướng sử thi, chính trị chủ đạo, bao trùm, thơ Tố Hữu theo sát
những diễn biến lịch sử đâu tranh chống thực dân, đế quốc của dân tộc, hay có thể
nói từng sự kiện hào hùng của dân tộc đều “đổ bóng”, “in đậm” lên những trang
thơ của ông.
Trong những ngày sôi sục của cách mạng tháng Tám và trong niềm vui tưng bừng
của độc lập tự do, hồn thơ Tố Hữu như được chắp cánh bay bổng trong cảm hứng
lãng mạn say sưa với niềm vui lớn của cả dân tộc, trong cuộc hồi sinh của đất
nước.
Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh
Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời
Gió gió ơi! Hãy làm giông tố
Cuốn tung lên cờ đỏ máu thơm tươi
Vàng vàng bay, đẹp quá sao sao ơi!
Ta ngã vật trong dòng người cuộn thác
Ôi thiên đường! Tai miên man nắng nhạt
Từ muôn phương theo gót nện rầm rầm
Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam muôn năm!
(Huế tháng Tám)
Niềm vui lớn của dân tộc còn được thể hiện trong bài Vui bất tuyệt:
Ta hát suốt đêm nay vui bất tuyệt
Trống rung tim ta đập nhịp bồn chồn
Đầu ta qua lớp lớp khải hoàn môn
Hồn ta chạy sáng ngời trên ngọn đuốc
Lòng ta múa lồng lên theo đám rước
Ta xông lên trời với pháo thăng thiên
Bay bay lên, hỡi đôi cánh thần tiên
Đôi cánh mở của đất trời giải phóng !
Một năm sau khi chính quyền về tay nhân dân tại Huế ngày 23 tháng Tám năm
1945, hòa vào dòng người trong đêm hội của lễ kỷ niệm một năm ngày độc lập ở
Hà Nội, nhà thơ vẫn sống với cảm hứng say sưa, sôi trào như muốn bay lên.
Lòng yêu nước cũng thể hiện ở lòng tự hào dân tộc, gắn liền với ý thức làm chủ đất
nước của quần chúng nhân dân. Đặc biệt, khi dân tộc ta làm lên chiến thắng Điện
Biên Phủ « chấn động địa cầu », giành lại hòa bình và giải phóng một nửa đất nước
thì niềm vui và niềm tự hào dân tộc rất cao, thành khúc ca hào sảng, say sưa :
Của ta, trời đất, đêm ngày
Núi kia, đồi nọ, sông này của ta
(Hoan hô chiến sỹ Điện Biên)
Niềm vui chung của đất nước khi hòa bình lập lại :
Ngẩng đầu lên : trong sáng tuyệt trần
Tháng Tám trời thu xanh thẳm
Mây nhởn nhơ bay
Hôm nay ngày đẹp lắm
Mây của ta, trời thắm của ta
(Ta đi tới)
Đây là những bản hùng ca của cuộc kháng chiến, ghi lại nhiều hình ảnh, sự kiện và
bước trưởng thành của cuộc kháng chiến, những âm vang của lịch sử, của thời đại.
Không chỉ nói đến niềm vui, niềm tự hào của toàn dân trong chiến thắng mà Tố
Hữu còn nói cả đến những nỗi buồn, những mất mát lớn lao của cả dân tộc. Nồi
đao mất Bác :
Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa
Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa
Bác đã đi rồi sao Bác ơi
Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời
Miền Nam đang thắng mơ ngày hội
Rước Bác vào thăm thấy Bác cười
Bác Hồ là một đề tài và nguồn cảm hứng lớn trong nhiều chặng đường sáng tác của
Tố Hữu. Trong niềm đau thương lớn, nhà thơ đã cảm nhận chính xác và thấu hiểu
sâu sắc phẩm chất và đạo đức cao cả, tuyệt vời và trong sáng của Bác Hồ :
Bác sống như trời đất của ta
Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa
Tự do cho mỗi đời nô lệ
Sữa để em thơ, lụa tặng già
Theo chân Bác là bản trường ca tái hiện cuộc đời hoạt động cách mạng của lãnh tụ
Hồ Chí Minh trong một thời kỳ lịch sử hơn nửa thế kỷ đầy biến động, đau thương
nhưng cũng rất đỗi hào hùng với những bước ngoặt trong đại của dân tộc và thời
đại. Bác Hồ đã trở thành dân tộc và dân tộc tìm thấy mình trong hình ảnh của Bác.
Bởi thế, viết về Bác Hồ cũng chính là xây dựng hình tượng con người Việt Nam
đẹp nhất, tiêu biểu nhất, kết tinh phẩm chất dân tộc qua nhiều thời đại.
Biểu hiện thứ hai của tính sử thi chính trong việc xây dựng hình tượng.
Các nhân vật, hình tượng trong các tác phẩm mang cả hứng sử thi, dù là những
con người bình dị, thuộc nhiều tầng lớp, lứa tuổi, thành phần dân tộc đều
mang trong mình những phẩm chất anh hùng, thể hiện tầm vóc lớn lao, kết tụ
sức mạnh, ý chí chung của cả cộng đồng. Cảm hứng chủ đạo khi xây dựng
những hình tượng, nhân vật này là cảm hứng khẳng định, ngợi ca, tự hào
thường kết hợp với thủ pháp cường điệu hóa.Các nhân vật thường được đặt
trong bối cảnh không gian rộng lớn, kì vĩ để tôn nổi tấm vóc của nhân vật
Đó là hình ảnh của quần chúng nhân dân trong kháng chiến. những con người chân
thực mà bình dị của đời , dưới cái nhìn sử thi họ mang vóc dáng lớn lao kỳ vĩ của
lịch sử. Lịch sử của những chiến công, lịch sử của những anh hùng. Kháng chiến
chống Pháp bùng nổ, nhân dân Việt Nam anh dũng xông lên đáp lời kêu gọi của
Bác Hồ, ở đâu chúng ta cũng gặp bao nhiêu hình ảnh đẹp của con người Việt Nam
chiến đấu:
Chân toạc máu, chân dồn đuổi giặc
Tay chém thù tay sắc như gươm
Hình ảnh con người Việt Nam kiên cường bất khuất bình dị mà cũng đẹp rạng
ngời. Đó là những anh giải phóng quân, Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi:
Hoan hô anh giải phóng quân
Kính chào anh con người đẹp nhất
Lịch sử hôn anh chàng trai chân đất
Sống hiên ngang, bất khuất trên đời
Như Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi
Một cây ná, một cây chông cũng tấn công giặc Mỹ
Cái tôi trữ tình của nhà thơ đã hóa thân vào các nhân vật quần chúng hoặc có hiện
diện thì cũng chỉ là một đường viền để làm nổi bật những con người quần chúng,
trực tiếp bày tỏ niềm yêu mến và niềm cảm phục với họ trong sự gần gũi, thân thiết
của tình đồng bào đồng chí.
Đó là hình ảnh anh vệ quốc quân:
Giọt giọt mồ hôi rơi trên má anh vàng nghệ
Anh vệ quốc quân ơi sao mà yêu anh thế
Đó là những chiến sỹ Điện Biên:
Chiến sỹ anh hùng
Đầu nung lửa sắt
Năm mươi sáu ngày đêm
Khoét núi ngủ hầm
Mưa dầm, cơm vắt
Máu trộn bùn non
Gan không núng
Trí không mòn
Những đồng chí thân chôn làm giá súng
Đầu bịt lỗ châu mai
Băng mình qua núi thép gai
Ào ào vũ bão
Những đồng chí chèn lưng cứu pháo
Nát thân, nhắm mắt còn ôm.
Và những chị những anh ngày đêm ra tiền tuyến:
Mấy tầng mây gió lớn mưa to
Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ
Đèo Lũng Lô anh hò chị hát
Dù bom đạn thương tan thịt nát
Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh
Đó là hình ảnh của chị Út Tịch- người mẹ anh hùng:
Là mẹ của sáu đứa con nhỏ
Tóc bới cao bỏm bẻm nhai trầu
Là chị Út quân thù khiếp sợ
Bụng có mang vẫn cướp bốt phá cầu.
Đó là anh Trỗi- người công nhân ưu tú, với lòng yêu nước căm thù giặc cao độ,
anh đã hiến đời mình cho cách mạng, hy sinh hạnh phúc riêng để phục vụ lợi ích
chung. Anh xứng đáng được ngợi ca bằng những vần thơ đẹp nhất :
Có những phút làm nên lịch sử
Có cái chết hóa thành bất tử
Có những lời hơn mọi bài ca
Có con người như chân lý sinh ra.
Cuộc đời anh là một tấm gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho tất cả
chúng ta học tập.
Đó còn là chị Lý, người con gái Việt Nam anh hùng, chị bị bọn giặc tra tấn rất dã
man:
Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung.
Nhưng chúng « không giết được em người con gái anh hùng ».
Ôi trái tim em trái tim vĩ đại
Còn một giọt máu tươi còn đập mãi
Không phải cho em. Cho lẽ phải trên đời
Cho quê hương em, cho Tổ quốc, loài người
Ta còn thấy hình ảnh của anh Phạm Hồng Thái :
Sống, chết được như anh
Thù giặc thương nước mình
Sống làm quả bom nổ
Chết như dòng nước xanh
Đó là hình ảnh mẹ Suốt- người mẹ Quảng Bình bất chấp nguy hiểm chèo thuyền
đưa bộ đội qua sông giữa làn mưa bom bão đạn của kẻ thù :
Mẹ Suốt ơi !
Giữa bom rơi, đạn nổ
Giữa sóng lớn, gió to
Ngực huân chương, mẹ vẫn chèo đò
Không chịu nghỉ. Ai ngăn, cứ nói :
Tui già rồi, có chết khỏi lo
Bọn trẻ sống còn tay bắn giỏi
Và mẹ ngã
Bên bờ sông khói lửa
Đó là hình ảnh mẹ Tơm- người mẹ đã nuôi giấu, che chở cán bộ :
Buồng mẹ- buồng tim giấu chúng con
Bóng mẹ ngồi trông vọng nước non
Đó là bà má Hậu Giang kiên cường anh dũng
Tao già không sức cầm dao
Giết bay có các con tao trăm vùng
Con tao gan dạ anh hùng
Như rừng đước mạnh, như rừng chàm thơm
Thân tao chết dạ chẳng sờn
(Bà má Hậu Giang)
Đất nước Việt Nam với truyền thống đánh giặc anh dũng. Ở Việt Nam có bao
nhiêu bông hoa đẹp là bấy nhiêu anh hùng:
Ôi Việt Nam xứ sở lạ lùng
Đến em thơ cũng hóa những anh hùng
Ta không thể nào quên hình ảnh chú bé Lượm – chú bé liên lạc hồn nhiên, anh
dũng ngã xuống trên cánh đồng quê dưới làn đạn giặc mà linh hồn và hình ảnh của
em vẫn còn mãi với quê hương đất nước:
Cháu nằm trên lúa
Tay nắm chặt bông
Lúa thơm mùi sữa
Hồn bay giữa đồng.
Đó chính là sức sống Việt Nam không bao giờ nguôi cạn vẻ đẹp vô biên ấy của
những con người Việt Nam- những anh hùng áo vải, của đất nước Việt Nam đã
được kết tinh từ thuở đánh giặc anh hùng của cha ông. Từ đau thương gian khổ
chúng ta vẫn vững bước đi lên và trưởng thành mãi mãi. Những con người Việt
Nam trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ là những con người đứng lên
trên tầm cao của tâm hồn thời đại. Ở họ có một sức sống mãnh liệt đến lạ lùng:
Việt Nam!
Người là ai mà ta chưa bao giờ hiểu hết
Người là ai mà sức mạnh thần kỳ
Với cái chết chưa phút nào chịu hết
Lửa quanh mình một tấc cũng không đi
Và:
Ôi Việt Nam từ trong biển máu
Người vươn lên như một thiên thần
Thứ ba: Nghệ thuật trong khuynh hướng sử thi
Về ngôn ngữ, Ngôn ngữ thường có tính chất trang trọng, giàu hình ảnh, có tính
biểu tượng cao và giàu giá trị gợi cảm. Giọng điệu tác phẩm thường mang âm
hưởng hùng tráng, lay động và khích lệ mạnh mẽ tình cảm người đọc
Các thủ pháp nghệ thuật thường được tác giả sử dụng là thủ pháp cường điệu,
so sánh nhằm khắc họa nổi bật hình ảnh những nhân vật tượng trưng cho
phẩm chất cao đẹp và ý chí, khát vọng của cả cộng đồng.
Để phù hợp với nội dung sử thi, Tố Hữu đã lựa chọn những phương thức nghệ
thuật phù hợp. trước tiên, tác giả thường hướng đến thời gian và không gian mang
tính lịch sử. Thời gian trong thơ Tố Hữu thường lấy các sự kiện lịch sử của dân tộc
làm cột mốc. Tố Hữu đặc biệt coi trọng sự phát hiện về đất nước trong chiều dài
lịch sử và bề sâu văn hóa, tinh thần truyền thống:
- Ngực lép bốn nghìn năm trưa nay cơn gió mạnh
Thổi phồng lên tim hóa mặt trời
- Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận
- Ba mươi năm đời ta có Đảng
Không gian nghệ thuật trong thơ Tố Hữu là không gian của những con đường cách
mạng, là không gian của những mặt trận:
Rừng cọ đồi chè đồng xanh ngào ngạt
Nắng chói sông Lô hò ô tiếng hát
Chuyến phà dào dạt bến nước bình ca
(Ta đi tới)
Đường ta rộng thênh thang tám thước
Đường Bắc Sơn, Đình Cả Thái Nguyên
Đường qua Tây Bắc, đường lên Điện Biên
Đường cách mạng dài theo kháng chiến
Đến hôm nay đường xuôi về biển
Mới tinh khôi màu đất đỏ tươi
Để thể hiện nội dung sử thi Tố Hữu sử dụng giọng điệu với những chất khác nhau.
Chất giọng quyền uy có khi vút cao lên thành giọng hùng ca, thành lời truyền
mệnh kêu gọi:
Đứng lên đi xây dựng cuộc đời chung
Nắm tay sắt quyết đồng tâm lật đổ
Cả chế độ hung tàn gây thống khổ
Và tị hiềm, và gian dối điêu vong
Đứng lên đi hỡi tuổi trẻ xung phong
Sóng cách mạng đang gầm rung thế giới
(Ý xuân)
Đi, bạn ơi, đi! Sống đủ đầy
Sống trào sinh lực bốc men say
Sống tung sóng gió thanh cao mới
Sống mạnh dù trong một phút giây
Chất giọng trang trọng hào hùng:
Biển sóng trào lên thành đại hội
Muôn màu vũ trụ kết hoa đăng
Xôn xao mặt đất trăng là trăng
Chảy xiết ngân hà muôn sao vàng rực
Mặt trời đỏ huyền kỳ mọc lên ôi náo nức
Nhạc nhân gian cuồn cuộn bốc hồng trần
(Vui bất tuyệt)
Chất giọng phơi phới lạc quan, tin tưởng ở tương lai:
Ta hãy là đoàn chiến hạm ra đi
Hùng dũng tiến đạp muôn đầu ngọn sóng
Tương lai đó trước mặt ta biển rộng
Trên đầu ta lồng lộng gió trời cao
Giọng điệu thơ Tố Hữu mang nhiều màu sắc nhưng tất cả đều mang tính sử thi
lãng mạn. Đó là giọng tâm tình ngọt ngào tha thiết, giọng của tình thương mến. Đó
là giọng thơ hùng tráng, có lúc thôi thúc như mệnh lệnh khẩu hiệu xen lẫn với trầm
tư suy ngẫm. Tất cả tạo nên những bài ca trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc
có sức mạnh động viên cổ vũ thức tỉnh to lớn với mọi tầng lớp, thế hệ người Việt
Nam.
Tóm lại, khuynh hướng sử thi là khuynh hướng chủ đạo bao trùm giai đoạn văn
học 45-75. Khuynh hướng này đã chi phối các sáng tác thuộc đủ mọi thể loại.
Khuynh hướng sử thi đã hình thành từ những bước khởi đầu của nền văn học mới
ngay sau cách mạng tháng Tám, nhưng từ những năm cuối cuộc kháng chiến
chống Pháp và nhất là trong thời kỳ chống Mỹ, khuynh hướng ấy càng phát triển
mạnh mẽ và bao trùm cả nền văn học. Nhờ có khuynh hướng sử thi, nền văn học
Việt Nam đã có những bản anh hùng ca hào sảng, có sức sống mãnh liệt với thời
gian, với mọi thế hệ người dân Việt. Tiêu biểu cho những trường ca cách mạng đó
là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng – Tố Hữu. Ông là người đã tạo nên biên niên sử
bằng thơ. Đó là sự thành công và niềm vinh dự mà không phải bất kỳ nhà thơ nào
cũng đạt được.