Tải bản đầy đủ (.pdf) (10 trang)

Nguyễn Huy Tưởng - Nhà chép sử bằng văn chương Phần 1 pps

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (150.56 KB, 10 trang )

Nguyễn Huy Tưởng - Nhà
chép sử bằng văn chương
Phần 1







Trong giai đoạn văn học 1930-1945, so với những nhà văn đã thành danh
như Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng là
người đến muộn. Nhưng ngay từ khi xuất hiện, Nguyễn Huy Tưởng đã lựa chọn
được một thế đứng vững chắc với tư thế của một nhà tiểu thuyết và viết kịch
trước những vấn đề của hôm qua và hôm nay, của lịch sử và dân tộc. Dễ nhận
ra trong các sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng: Đêm hội Long Trì (1942), Vũ
Như Tô (1943), An Tư (1944), Cột đồng Mã Viện (1944), ngay từ nhan đề đến
văn bản nghệ thuật đều không đi chệch ra khỏi quỹ đạo của đề tài lịch sử. Cảm
hứng lịch sử, chất liệu lịch sử đã trở thành cảm hứng bao trùm trong các trang
viết của nhà văn.

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất phát tích những truyền thuyết, huyền thoại
lịch sử, vùng đất Dục Tú (phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh nay thuộc huyện Đông
Anh, Hà Nội) quê hương Nguyễn Huy Tưởng đã truyền cho ông niềm say mê
lịch sử và văn hóa dân tộc. Ngay khi đang học thành chung, Nguyễn Huy
Tưởng đã ý thức được vai trò của lịch sử trong đời sống nhân loại: “Người
không biết lịch sử nước mình là một con trâu đi cày ruộng. Cày với ai cũng
được mà cày ruộng nào cũng được” (Nhật ký tư tưởng 13-1-1932). Điều đó đã
lý giải vì sao trong các sáng tác của ông, ở bất cứ thể loại nào đều mang đậm
cảm quan lịch sử. Vào thời điểm những năm bốn mươi của thế kỷ XX, các tác
phẩm Đêm hội Long Trì, An Tư, Vũ Như Tô, Cột đồng Mã Viện không chỉ nhanh


chóng xác lập vị trí của Nguyễn Huy Tưởng trên văn đàn Việt Nam mà còn sớm
định danh ông là một tiểu thuyết gia lịch sử, một cây bút chuyên sâu về đề tài
lịch sử.

Trong cảm quan sáng tạo của Nguyễn Huy Tưởng, ở Đêm hội Long
Trì và An Tư, lịch sử chỉ là cái cớ để nhà văn triển khai những băn khoăn, trăn
trở không thôi day dứt tâm thế của người cầm bút về thân phận con người, về ý
thức công dân và sứ mệnh của nghệ thuật. Với các tiểu thuyết Đêm hội Long
Trì, An Tư, Nguyễn Huy Tưởng đã tỏ ra sở trường trong tạo dựng bối cảnh,
tình thế, trong cách đặt vấn đề về sự lựa chọn và đụng độ sinh tử của con
người với cái ác, với kẻ thù. Nguyễn Mại coi thường cái chết, giết Đặng Lân
cứu rỗi cho muôn dân (Đêm hội Long Trì), An Tư vì nghiệp lớn, vì đại sự phải
hiến thân cho tướng giặc Thoát Hoan (An Tư). Trước những khúc quanh, trước
triều cường của lịch sử và hoàn cảnh, con người trong tiểu thuyết của Nguyễn
Huy Tưởng đã tự nguyện đặt vận mệnh của dân tộc, đặt cái thiện, lòng nhân lên
phía trước, đẩy lại phía sau những gấp khúc, quanh co, bất hạnh và thân phận
con người.

Trong quá trình sáng tác, Nguyễn Huy Tưởng đã có ý thức tìm hiểu
nghiên cứu những tài liệu lịch sử, những tác phẩm về đề tài lịch sử của các nhà
văn tiền bối và soi chiếu chúng qua lăng kính của mình. Ông không nệ cổ,
không kể lại lịch sử, không “lịch sử hóa” tiểu thuyết mà đã hư cấu, tưởng tượng,
“tiểu thuyết hóa” lịch sử, phát huy khả năng sáng tạo của mình, phục hiện một
thời đại đã lùi sâu trong ký ức dân tộc. Tiểu thuyết của Nguyễn Huy Tưởng vừa
tạo sự sát gần lại vừa tạo khoảng cách với lịch sử. Nghĩa là nó đã đáp ứng
được yêu cầu và đặc trưng nghệ thuật của thể loại, làm nên dáng vẻ và thế giới
nghệ thuật khác hẳn với tiểu thuyết lịch sử của những người đi trước và của
những cây bút cùng thời.

Tiểu thuyết Hoàng Lê Nhất thống chí của Ngô Gia văn phái đã mô tả một

cách hệ thống và khá đầy đủ bộ mặt lịch sử thập niên tám mươi của thế kỷ
XVIII khi Tây Sơn ra Bắc và họ Trịnh mất nghiệp chúa. Tác giả đã phản ánh
sinh động, sắc nét xã hội nhiễu nhương, hỗn loạn của thời kỳ phong kiến suy
tàn. Hoàng Lê Nhất thống chí được kết cấu theo lối biên niên, mang tính chất
lịch sử, nghiêng về sự kiện hơn là khắc hoạ tính cách nhân vật. Những người đi
sau như Nguyễn Triệu Luật đã dựa vào Hoàng Lê Nhất thống chí để xây dựng
tác phẩm của mình. Bà chúa chè, Loạn kiêu binh (1938), Chúa Trịnh
Khải (1940) của Nguyễn Triệu Luật được sáng tác theo quan điểm chú trọng sự
thật và đã dựng lại khá chân xác không khí lịch sử bằng ngôn ngữ tiểu thuyết.
Ở một phương diện khác, Lan Khai với Cái hột mận, Ai lên phố Cát (1937), Khái
Hưng với Tiêu Sơn tráng sỹ (1937) lại thiên về lãng mạn hoá, lý tưởng hoá hiện
thực, lịch sử qua những truyện tình éo le hay những hành động phiêu lưu, thoả
chí anh hùng cá nhân. Tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Huy Tưởng bạt ngã theo
một lộ trình khác. Ông dựa vào một dữ kiện lịch sử được ghi vài dòng trong
chính sử tạo dựng nên tác phẩm với những nhân vật và sự kiện có thật và hư
cấu bằng một văn phong trang đài, lịch lãm, kết hợp hài hoà giữa sự kiện và
nhân vật, lịch sử và tiểu thuyết, đưa tác phẩm lên tầm cao của tư tưởng và
nghệ thuật, thấm đẫm tinh thần nhân văn, đạt tới sự hoàn thiện của thể loại.

Nguyễn Huy Tưởng đã ký thác tâm trạng người nghệ sỹ qua các tiểu
thuyết lịch sử Đêm hội Long Trì và An Tư. ở các tiểu thuyết này, nhà văn không
chỉ muốn diễn đạt tri thức của ông về lịch sử mà điều quan trọng hơn là muốn
gieo vào lòng độc giả những câu hỏi, đặt ra những vấn đề đối thoại trong các
trang viết để họ cùng nghiền ngẫm, liên tưởng, tìm mối thông cảm và chia sẻ
với những con người trong câu chuyện xưa, nay chỉ còn là vài dòng khắc trên
bia đá, tượng đài.

Tiểu thuyết Đêm hội Long Trì dựa trên sự kiện lịch sử xảy ra dưới thời
Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm (1739-1782). Trịnh Sâm say mê sắc đẹp đầy quyến
rũ, ma mị của Đặng Thị Huệ, bao che dung túng những việc phi nhân, vô đạo

của Đặng Lân, được gọi là Cậu Trời, em trai tuyên phi họ Đặng. Trên nền cốt
truyện ấy, Đêm hội Long Trì đã đặt ra những vấn đề bức xúc không chỉ với
đương thời mà với cả hôm nay. Vấn đề về quyền uy và nữ sắc (Trịnh Sâm và
Đặng Thị Huệ), về cái đẹp, cái thiện và cái ác (Quỳnh Hoa, Bảo Kim, Nguyễn
Mại và Đặng Lân), về sự nhập thế của kẻ sĩ, về công lý và thần quyền (Nguyễn
Mại và Trịnh Sâm). Khi khép lại trang cuối cùng của cuốn tiểu thuyết, các vấn
đề trên đã được giải quyết, với kết cục có hậu: Đặng Lân bị giết và không có
hậu: cái chết của Quỳnh Hoa. Nhưng đằng sau tiết tấu, biến cố của các sự kiện
và nhân vật vẫn ẩn náu một tiếng thở dài, một nỗi xót đau về thân phận con
người ở cả phía thần quyền, nữ sắc, công lý và cái đẹp.

Tuyên phi Đặng Thị Huệ là biểu tượng của nữ sắc. Được sở hữu vẻ đẹp
trời cho, Đặng Thị Huệ đã bộc lộ triệt để sự “chuyên quyền” của sắc đẹp. Sự
chuyên quyền đầy sức cám dỗ này vô hiệu hoá và huỷ hoại quyền lực tối
thượng của Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm. Một chúa thượng uy nghi, đường bệ
luôn bị ngả nghiêng, chao đảo giữa uy quyền, phép nước và tình phụ tử với nữ
sắc. Nguyễn Huy Tưởng đã thành công khi xây dựng nhân vật Trịnh Sâm. Một
nhân vật mang tính nước đôi, đa diện khác với tính cách bất biến của Đặng
Lân. Nhà văn đã có cái nhìn tiểu thuyết khi miêu tả nhân vật lịch sử này. Trịnh
Sâm dưới ngòi bút của Nguyễn Huy Tưởng là con người bình thường với tất cả
các khía cạnh phức tạp của nó. Khi Đặng Lân, em trai tuyên phi ỷ vào thế chị
lộng quyền, chuyên làm những việc dâm ác, loạn kỷ cương, khinh phép nước,
bị Nguyễn Mại, một võ tướng vì công lý và cái thiện giết chết. Đặng Thị Huệ đã
khóc than và xin chúa trị tội Nguyễn Mại, kẻ đã dám phạm đến một vị quốc
thích. Chúa Trịnh đứng trước hai sự lựa chọn. Nghe tuyên phi hay giết Nguyễn
Mại? Quỳnh Hoa con gái yêu của chúa cũng vì Đặng Lân mà chết yểu. Nguyễn
Mại vì trọng phép nước, quên cả bản thân mình, dám trừng phạt cả con rể
chúa. Nhưng là bậc quân vương, chúa phải để thiên hạ biết cái lẽ “Đại nghĩa
diệt thân”. Tĩnh Đô Vương vốn là người anh minh, có tinh thần gia tộc mạnh mẽ,
đứng trước ranh giới của sự lựa chọn đã “không còn là một gã si tình nữa, chúa

là một vị quốc trưởng biết lo đến vương nghiệp và đặt quốc gia lên mọi sự”
(1)
.
Bên cạnh đó, chúa còn là hiện thân của một người cha: “Lòng thương Quỳnh
Hoa chiếm cả tâm hồn chúa Tĩnh Đô, và đồng thời tất cả lòng chán ghét Đặng
Lân cũng nổi dậy. Chúa căm giận Lân đến nỗi lúc ấy, nếu em trai tuyên phi còn
sống, chúa cũng chính tay giết chết. Chúa thất thểu ra ngoài nghị sự, lên ngồi
trên sập. Đèn nến sáng trưng. Mặt chúa uy nghiêm nhưng vẻ buồn nặng trĩu.
Các quan văn võ đứng hầu hai bên. Đao phủ dẫn Nguyễn Mại vào chàng mặc
áo tội nhân, cổ đeo một thanh kiếm. Trông chàng vẫn một vẻ ngang tàng. Chúa
thầm cảm phục”
(2)
.

Trong Đêm hội Long Trì, Nguyễn Huy Tưởng đã xây dựng được những
cặp nhân vật đồng đẳng: Như mối tình giữa quận chúa Quỳnh Hoa và Bảo Kim,
như tình bạn giữa Bảo Kim và Nguyễn Mại. Đây là những nhân vật tượng trưng
cho cái đẹp thuần khiết, thanh cao, cho tài hoa và nghĩa khí. Mối tình Quỳnh
Hoa và Bảo Kim, vai trò của Nguyễn Mại là những sáng tạo đáng ghi nhận của
tác giả làm tăng thêm ý nghĩa của cuốn tiểu thuyết vào thời điểm mà nó xuất
hiện. Đã có người đề cập đến vai trò của kẻ sĩ, của từ chương trong bối cảnh
xã hội lúc bấy giờ. Dường như phải có sự cộng lực giữa văn tài, đại diện là Bảo
Kim, võ tài, đại diện là Nguyễn Mại mới có thể đối diện với bạo tàn và cái ác.
Cặp nhân vật tượng trưng cho sắc đẹp ở thế đối cực như Tuyên phi Đặng Thị
Huệ và quận chúa Quỳnh Hoa là một nỗ lực của ngòi bút Nguyễn Huy Tưởng
khi thể hiện hai mặt ánh sáng và bóng tối, thiên thần và ác quỷ tiềm ẩn đằng
sau cái đẹp mong manh như Quỳnh Hoa, dầy dặn như Đặng Thị Huệ. Nếu
không biết tự chống đỡ và hướng tới nhân bản, cả hai cấp độ của sắc đẹp hoặc
sẽ tạm thời thất bại vì thụ động như cái chết của Quỳnh Hoa và đi đến bại vong
vì chủ động và lộng quyền như Đặng Thị Huệ. Những vấn đề đặt ra trong Đêm

hội Long Trì đã vượt ra phạm vi đề tài, không chỉ có ý nghĩa đương thời mà với
cả hiện tại. Đó là những vấn đề của nhân sinh, thế sự, của cái thiện và cái ác,
khởi nguồn từ triều chính, từ “bão táp cung đình”.

Nếu như ở Đêm hội Long Trì là những câu chuyện xảy ra trong cung vua
phủ chúa, trong nội bộ quốc gia thì ở An Tư, biên độ phản ánh mở rộng hơn, từ
cung vàng điện ngọc đến phạm vi cả nước, từ vua quan nhà Trần đến quân
tướng của Trấn Nam Vương Thoát Hoan. Tất cả đan xen và diễn biến trong bối
cảnh kháng chiến chống quân Nguyên Mông của quân dân Đại Việt ở thế kỷ
XIII. Nổi bật trên nền cảnh ấy là câu chuyện về mối tình giữa công chúa An Tư
với Chiêu Thành Vương Trần Thông. Trong quá trình sống và viết của mình, từ
những năm đầu đời cho tới sau này, Nguyễn Huy Tưởng luôn bộc lộ tâm huyết
và tâm đắc với lịch sử Nhà Trần. Đây là triều đại tập trung nhiều bậc hiền tài,
vua sáng tôi trung đồng thời là triều đại huy hoàng và oanh liệt nhất trong lịch
sử dân tộc. Ông đã thổ lộ nỗi niềm khát khao viết về triều đại này ngay từ khi
mới bước vào nghề: “Tôi vẩn vơ nghĩ đến quyển anh hùng ca mà tôi định đem
hết tâm trí tôi mà cống hiến quốc gia tôi. Quyển ấy là quyển Thái Bình diên yến.
Trong đó, tôi kể chuyện bậc đại anh hùng nước ta là ông Hưng Đạo, là cái
gương nghị lực, kiên nhẫn, ái quốc trung quân, là biểu hiện của cả tinh thần của
dân tộc” “Câu nói của Trần Hưng Đạo, lá cờ của Trần Quốc Toản, định chí
của Ngũ Lão, khẳng khái của Khánh Dư, kể đại khái vài đoạn đã thấy rằng đời
bấy giờ nhân vật thật là kỳ khôi xuất chúng, hình như là tướng lĩnh đầu thai ở
một nguồn trong sạch để giúp giập cõi Việt bang, hình như linh khí non sông
hun đúc lại được bao nhiêu đoá hoa thơm để phù trợ đất đai. Những nhân vật ly
kỳ như là dòng nước trong chảy qua con sông đục, nghìn thu vẫn còn dương
danh”
(3)
. Bên cạnh thái độ chiêm bái, ngợi ca sử bình nguyên và ca ngợi tiền
nhân, Nguyễn Huy Tưởng cũng thể hiện cái nhìn tỉnh táo, ôn hoà với kẻ đã hơn
một lần nghênh chiến với nhà Trần: “Còn như bên địch cũng nhiều tướng ly kỳ.

Thoát Hoan kiêu ngạo, dùng binh cực giỏi. Ô Mã Nhi tàn bạo giết người không
tiếc tay, thực là kẻ tiêu biểu cho dòng Mông Cổ và những kẻ đi chinh phục
người. Lại còn Toa Đô. Tôi không biết lai lịch và tâm tính vị này ra sao, nhưng
tôi xem Đô là người dũng cảm, võ nghệ siêu quần, binh lính nghiêm trang, đi
đến đâu không tàn phá, một người tướng tâm linh sáng suốt, ngay thẳng, hết
lòng báo đỡ nước non”
(4)
. Với cái nhìn dân chủ và độ lượng trên toàn cục như
vậy, Nguyễn Huy Tưởng đã tỏ rõ thế mạnh của ngòi bút khi hướng vào thế giới
bên trong đầy giông bão và phức tạp của các nhân vật đại diện cho nhà họ
Trần: vua Thiệu Bảo, quốc công Trần Hưng Đạo, Chiêu Thành Vương Trần
Thông, An Tư, và Thoát Hoan, đại diện cho quân xâm lược Nguyên Mông.
Những nhân vật này, cho dù là những nhân vật kịch sử, họ cũng không được
đắp nặn theo một khuôn khổ, kích thước có sẵn của nhà văn mà đã được tái
tạo với chất người tự nhiên của nó. Một Hưng Đạo Vương vừa uy nghi, quyết
liệt, tàn nhẫn lại vừa bao dung, giầu tình cảm và tài hoa, một vua Thiệu Bảo
thương dân muốn cầu hoà để bách tính đỡ lầm than cơ cực, có những lúc
không khỏi thẹn với ba quân vì ý nghĩ hèn nhát của mình, một Chiêu Thành
Vương diệu nghệ gươm đao cũng là một chàng trai si tình, đau đớn khi người
mình yêu phải hiến cống cho tướng giặc để cứu mười vạn sinh linh Đại Việt.
Một An Tư nghiêng nước nghiêng thành, dòng dõi hoàng tộc, vừa chấp thuận,
vừa oán trách triều đình đã đem mình dâng cho Thoát Hoan làm kế hưu chiến.
Một Thoát Hoan, là kẻ thù của nước Việt, khi đã có An Tư, một thiên hương
quốc sắc trong tay, hắn có thể vì đại sự giết An Tư bất cứ lúc nào. Nhưng Trấn
Nam Vương còn là một đàn ông, một người vẫn “có lòng tôn thờ cái đẹp”. Ý
định giết An Tư của Thoát Hoan không thể lớn hơn sự ái mộ cái đẹp. Trong con
người Thoát Hoan đã diễn ra bao nhiêu lần sự lựa chọn giữa sắc đẹp và quốc
gia, đại sự. Cuối cùng vẻ đẹp và tâm hồn thuần khiết, thanh cao của An Tư đã
khiến lưỡi gươm của kẻ mạnh như Thoát Hoan không thể vung lên. Viên tướng
trẻ này khác hẳn Đặng Lân trong Đêm Hội Long Trì, kẻ đã mất hết tính người,

không những không biết nâng niu cái đẹp mà còn tàn phũ và huỷ hoại cái đẹp.

Trong tiểu thuyết An Tư cũng xuất hiện vấn đề về nữ sắc. Nhưng nữ sắc
ở đây không lộng hành, không độc quyền như tuyên phi Đặng Thị Huệ
trong Đêm Hội Long Trì. Nữ sắc trong An Tư tượng trưng cho cái đẹp biết dấn
thân, mang một ý nghĩa lớn lao có thể lay chuyển hàng binh thế trận: “An Tư đã
bắt đầu quen với Thoát Hoan, và tự chủ được mình: nàng thấy đủ sức quyến rũ
và có một lòng tin vững chắc về oai quyền của sắc đẹp nàng”
(5)
. An Tư đã gạt
lệ, chia tay người yêu và hoàng thân quốc thích nhà Trần, vì việc nước phải
hiến dâng trinh tiết và tấm thân ngà ngọc để ngăn chặn dù chỉ là tình thế sức
công phá của quân Nguyên thiện chiến. Nguyễn Huy Tưởng bằng tình cảm và
lòng ngưỡng mộ của mình đã ghi nhận và tôn vinh sự hi sinh thầm lặng nhưng
quyết liệt của An Tư, một nữ trung hào kiệt trong tiểu thuyết như một chiến công
sánh ngang với Trần Quốc Toản, Trần Bình Trọng và trường hợp của nàng
đáng được lưu danh như tên tuổi các bậc tiền nhân nhà Trần.

Với An Tư, Nguyễn Huy Tưởng không chỉ thành công trong cách khơi gợi
vấn đề, trong khắc hoạ thế giới nhân vật mà còn trong tạo dựng bối cảnh,
không khí và tình huống. Trong tiểu thuyết đã có những trường đoạn gây ấn
tượng với người đọc: Khí thế của các bô lão trong hội nghị Diên Hồng, cảnh vua
Thiệu Bảo ăn nắm cơm gạo đỏ của thảo dân, lễ xin 100 quẻ âm dương của
Quốc công Trần Hưng Đạo, quyết định hoà hay đánh cho thấy mệnh trời, khí
thiêng sông núi như hợp với lòng dân, mang màu sắc tâm linh; cảnh công chúa
An Tư chia tay Trần Thông trên đồi Cổ Hạc; cảnh An Tư bế Huyền Trân mới
sáu tháng tuổi thuộc hàng cháu cùng người thân trong hoàng tộc ra tiễn chân
nàng nhuốm màu tiền định, là một ẩn ý của nhà văn cho số phận giống như An
Tư của công chúa Huyền Trân, phải đem gả cho vua Chiêm Thành lấy hai châu
Ô, Lý sau này. Cảnh thiên nhiên rực rỡ, đầy sắc màu tương phản với lòng

người ra đi ảm đạm, tái tê Cảnh An Tư gieo mình xuống dòng sông Cái dưới
ánh trăng bàng bạc, văng vẳng tiếng reo ca thắng trận của quân Đại Việt và
bóng con ngựa bạch ngơ ngác, đánh hơi tìm chủ Tất cả đã hiện diện trên
những trang tiểu thuyết mang cảm hứng sử thi, với âm hưởng bi hùng, văn
phong đạt đến mức cổ điển đã làm nổi bật số phận bi kịch của An Tư cũng đồng
thời là số phận của một dân tộc trong cơn sóng gió kinh hoàng của lịch sử.

Có thể nói Đêm Hội Long Trì và An Tư là những đóng góp đáng kể của
Nguyễn Huy Tưởng với thể tài tiểu thuyết lịch sử nói riêng và với văn học 1932-
1945 nói chung. Ông đã đem đến cho thể loại một cách viết mới, với các biện
pháp nghệ thuật đặc sắc, đầy cẩn trọng trong chọn lời chuốt ý, với ý thức đề
cao vai trò của chủ thể sáng tạo trong tư duy nghệ thuật đã góp phần đẩy
nhanh quá trình hiện đại hoá thể loại. Những đóng góp đáng ghi nhận này đã
đưa Nguyễn Huy Tưởng vào danh sách những nhà văn tiêu biểu của văn học
giai đoạn 1930-1945 không chỉ với tư cách là một tiểu thuyết gia lịch sử mà còn
là một kịch tác gia lịch sử với kịch bản Vũ Như Tô (1942) và Cột đồng Mã
Viện (1944). Trong đó, Vũ Như Tô, với sức sống và tuổi thọ của nó không chỉ
được xếp vào vị trí hàng đầu của nền kịch Việt Nam hiện đại mà còn được định
danh là “tác phẩm bi kịch duy nhất và đích thực” của Nguyễn Huy Tưởng. Ra
đời trong bối cảnh văn học nửa đầu thế kỷ XX, trong đó kịch còn là thể loại mới
mẻ nhưng Vũ Như Tô đã hội đủ tính chất hiện đại của thể loại: “Một tác phẩm
như Vũ Như Tô chỉ có thể ra đời trong thời đại ngày nay, nó là một trong những
trái chín sớm tuyệt vời của tiến trình văn học Việt Nam hội nhập văn hoá thế
giới”
(6)
. Nguyễn Huy Tưởng khởi viết Vũ Như Tô vào năm 1941. Sau đó ông đã
sửa chữa và bổ sung lời đề tựa vào ngày 3-6-1942.

Chẳng biết Vũ Như Tô phải hay những kẻ giết Vũ như Tô phải.


Đài Cửu Trùng không thành, nên mừng hay nên tiếc? Tháp người Hời
nguyên là giống Ăngkor!

Mải vật lộn quên cả đài cao mộng lớn. Công ông cha hay là nỗi thiệt thòi?
Ôi khô khan! Ôi gay gắt! Nhưng đừng vội tủi. Sức sống tràn từ ải Bắc đến đồng
Nam.

Than ôi! Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? Ta chẳng biết.

Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm”.


×