Tải bản đầy đủ (.pdf) (10 trang)

Khoa Nghiên cứu văn học trong các hệ thống khoa học ppt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (170.08 KB, 10 trang )

Khoa Nghiên cứu văn
học trong các hệ thống
khoa học






Khoa nghiên cứu văn học là khoa học về nghệ thuật ngôn từ, về sự sáng tạo
ngôn từ. Lịch sử và phạm vi của nó rất rộng lớn, hệ thuật ngữ của nó rất phong phú. Có
thể gọi chúng là một hệ thống kiến thức nhất định về nghệ thuật ngôn từ: nghiên cứu văn
học so sánh - lịch sử (komparativistika), phương pháp xã hội học, phương pháp tiểu sử,
chủ nghĩa cấu trúc, chú giải văn bản cổ, v.v… Đó là một hệ thống kiến thức về sự sáng
tạo ngôn từ, nhưng bản thân khoa nghiên cứu văn học mang tính chất đa phương án chỉ
là tiểu hệ thống của một lĩnh vực kiến thức rộng lớn hơn vốn được gọi là ngữ văn học.
Khoa học này gồm hai bộ phận: khoa học về văn học và ngôn ngữ học.

Hệ thống kiến thức khoa học này đã từng là một hệ thống độc lập và rộng rãi.
Việc nghiên cứu văn học và ngôn ngữ mang tính chất tổng hợp, nhưng vào đầu thế kỷ
XX, khi việc chuyên ngành hoá các nghiên cứu khoa học mang tính chất cụ thể hơn
được bắt đầu, thì ngôn ngữ học và nghiên cứu văn học dường như tách khỏi nhau. Điều
đó, tất nhiên, đã mang lại một số kết quả khả quan bằng cách mở rộng những khả năng
của cả hai lĩnh vực khoa học về ngôn từ, song những tổn thất té ra còn nhiều hơn là
những thu hoạch. Mỗi một lĩnh vực đó, do được chi phối bởi khuynh hướng tự trị, đã
thôi không sử dụng “những dịch vụ” của nhau nữa, điều này đã tạo ra những khó khăn
trong việc phân tích cụ thể các văn bản nghệ thuật. Nhưng kinh nghiệm thực tế của việc
nghiên cứu sáng tác nghệ thuật và, chẳng hạn, của ngôn ngữ sinh hoạt đã đòi hỏi những
nỗ lực tương hỗ từ phía hai bộ phận của khoa ngữ văn vốn về mặt thuật ngữ nói chung
vẫn là đặc quyền của khoa học trong các trường đại học, còn trong các văn kiện xác
nhận đối với các bộ môn khoa học tương ứng trong các viện nghiên cứu trực thuộc Viện


Hàn lâm, người ta không thấy từ “ngữ văn”. Điều này cũng được phản ảnh trong tên gọi
các đơn vị của Viện Hàn lâm: có hai viện riêng là Viện Văn học và Viện Ngôn ngữ.
Tuy nhiên, kinh nghiệm nêu trên cần đến sự liên kết của hai phương pháp đó.
Chẳng hạn, khi chúng ta nhận xét việc dịch một từ từ hệ thống ngôn ngữ thông
thường sang hệ thống ngôn ngữ nghệ thuật, chúng ta thấy rõ nhu cầu đánh giá sự
chuyển đổi ấy đồng thời bằng hai bộ môn khoa học - bằng khoa học nghiên cứu văn
học và bằng khoa ngôn ngữ học vốn được liên kết lại bởi từ “ngữ văn”: chẳng hạn
câu nói thông thường “thời gian trôi nhanh quá” được chuyển thành câu thơ: “Hỡi
thời gian vun vút trôi, ngươi hãy phóng nhanh lên”.
Sự phân hoá khoa học những khái niệm trong lĩnh vực này đã xuất hiện do
ảnh hưởng của sự chuyên ngành hoá nói chung trong tất cả các hệ thống khoa học
của thế kỷ XX, đặc biệt trong lĩnh vực của cái gọi là những khoa học chính xác. Bản
thân sự xác định cuối cùng này đối với những hình thái khoa học tự nhiên của kiến
thức về mặt khách quan dường như đã không thừa nhận tính chính xác của phương
pháp trong các lĩnh vực nhân văn. Nhưng sinh thời, Viện sĩ D. Likhachev đã nói rất
đúng rằng không chỉ vật lý và toán học mà ngay cả khoa nghiên cứu văn học cũng
có tính chính xác riêng của nó. Ở thời đại ngày nay, khi việc đối lập giữa “vật lý
học” và “thơ trữ tình” vốn có lợi cho vế thứ nhất không còn mang tính chất thời
thượng nữa, thì các khoa học nhân văn, kể cả ngữ văn học, đã có được một cuộc
sống mới. Và điều đó nói lên rằng các kiến thức nhân văn và các kiến thức khoa học
tự nhiên có thể không đối lập lại nhau mà xích lại gần nhau. Trong trường hợp này,
khi nói về ngữ văn học, ta có thể nhận thấy rằng việc các nhà ngôn ngữ học và các
nhà nghiên cứu văn học cùng chung sức để phân tích một cách có hệ thống những
dạng tác phẩm rất khác nhau về mặt bố cục và phong cách là quan trọng đến nhường
nào.
Nhà ngữ văn học xuất chúng (chính là nhà ngữ văn học chứ không chỉ là nhà
ngôn ngữ học, như ông có thể làm cho người ta ngộ nhận là như vậy qua những
công trình chuyên ngành của mình). R.A. Budagov, người đã bổ sung nhiều kiến
giải quan trọng vốn xét cho cùng, có liên quan đến việc ông tích cực bảo vệ những
luận điểm về việc phục hồi ngữ văn học, cho học thuyết về việc xây dựng tác phẩm

nghệ thuật, trên cơ sở của sự thống nhất giữa khoa nghiên cứu văn học và khoa
ngôn ngữ học đã có thể khám phá ra một số điều bí ẩn vốn gắn liền với những hình
thái trần thuật, như đối thoại, chẳng hạn. Như mọi người đều biết, nhà triết học -
nhà nghiên cứu văn học lỗi lạc M.M. Bakhtin đã dành cho vấn đề này nhiều sự quan
tâm trong nghiên cứu. Nhưng những nhận xét của Budagov đã thúc đẩy một cách
đáng kể việc giải quyết vấn đề về đối thoại nghệ thuật. Chẳng hạn, Budagov phân
tích một trong những cuộc đối thoại trong Anna Karenina của L. Tolstoi: “Tôi bao
giờ cũng ngạc nhiên về cách diễn đạt rõ ràng và chính xác của chồng bà, - nàng (nữ
công tước Besti) nói - Những khái niệm tiên nghiệm đã trở nên dễ hiểu đối với tôi
khi ông ấy nói. - Dạ vâng! - Anna nói, nở một nụ cười sung sướng và không hiểu
một lời nào trong câu nói của Besti với mình” (Budanov R.A. Ngôn ngữ và lời nói
trong nhãn quan của con người, Tập I, 2000, tr.256). Trường hợp này, theo ý của
nhà nghiên cứu, dường như là kiểu đối thoại kép: một mặt, đó là cuộc đối thoại
mang tính chất ngữ nghĩa, ở đây dường như không có đối thoại, bởi lẽ Anna hoàn
toàn không hiểu những điều mà Besti nói với nàng; mặt khác đó là cuộc đối thoại
bằng lời nói, cuộc đàm đạo giữa Anna và Besti. Phương diện thứ nhất, phương diện
ngữ nghĩa là thuộc lãnh vực phân tích nghiên cứu văn học, còn cuộc đối thoại bằng
lời nói thì được nghiên cứu trước hết bằng những phương tiện phân tích ngôn ngữ
học. Thí dụ này về sự khác biệt giữa các nguyên tắc phân tích khoa học về một
trong những hình thái cốt truyện - lời nói của tác phẩm nghệ thuật - cho thấy rõ sự
tồn tại cần thiết của ngữ văn học, hoặc, chí ít, sự tồn tại không thể thiếu của mối
liên hệ giữa nghiên cứu văn học và ngôn ngữ học.
Những phương pháp nghiên cứu mối tương quan giữa lịch sử ngôn ngữ chuẩn
mực và ngôn ngữ của tác phẩm nghệ thuật trong một thời đại nhất định là có hiệu
quả cao. Nếu thiếu điều đó thì chúng ta, chẳng hạn, không thể hiểu được rằng tại
sao Lev Tolstoi lại có thái độ phê phán đối với công thức của A.Pushkin: “Sự dối
trá cao thượng đối với chúng ta còn quý hơn là vô số những chân lý thấp hèn”. Lev
Tolstoi cho rằng chân lý không thể có định ngữ, nó chỉ có một mà thôi. Nhưng
Pushkin có lẽ đã hiểu chân lý như là sự thật, mà sự thật, do yếu tố chủ quan, có thể
có định ngữ ấy, nhưng chỉ có ngôn ngữ học vốn nghiên cứu lịch sử ngôn ngữ chuẩn

mực nói chung mới có khả năng đưa ra cách đánh giá đúng đắn về công thức của
Pushkin, bởi lẽ ở thời Pushkin chưa có sự phân biệt rạch ròi giữa hai khái niệm chân
lý và sự thật, còn ở thời Tolstoi thì sự khác biệt đã xuất hiện.
Với sự hỗ trợ của ngôn ngữ học, nghiên cứu văn học được giải thoát khỏi
thuyết tương đối. Cho dù việc phân tích nghiên cứu văn học được thực hiện trên bất
cứ cấp độ phương pháp luận nào chăng nữa thì nó vẫn hầu như không bao giờ thoát
ra khỏi sự hướng tới việc tuyệt đối hoá tính tương đối. Phương pháp văn hoá - lịch
sử cường điệu quá mức sự phụ thuộc của văn bản nghệ thuật vào những nhân tố
khách quan khác nhau, vào những nhân tố xã hội và văn hoá. Còn ngôn ngữ học với
hệ thống quy chế “chuẩn mực” đòi hỏi sự hiện hữu của những yếu tố tuyệt đối trong
văn bản đó. Có thể nói rằng, với sự hỗ trợ của hệ thống ấy thì những chân lý tuyệt
đối có thể được tìm thấy. Đặc quyền của nghiên cứu văn học thường là cái được gọi
là sự thật nghệ thuật chứ không phải chân lý.
Tiếp sau ngôn ngữ học, lí luận chung về nhận thức, tức là triết học, trước hết
là mĩ học - một bộ phận cấu thành quan trọng nhất của nó - có quyền đòi hỏi mối
liên hệ mật thiết với nghiên cứu văn học. Vì thế, người ta thường bắt đầu nghiên
cứu ngôn ngữ của tác phẩm văn học từ ngữ nghĩa học của nó, tức là từ lãnh vực có
liên quan đến ý nghĩa và sự thay đổi ý nghĩa của từ. Tại sao nhiều nhà nghiên cứu
lại làm như vậy? Bởi vì việc chi tiết hoá hình tượng một cách cụ thể thuộc về lĩnh
vực của cái thẩm mỹ - theo công thức cổ điển của A. Baumgarten về quyền ưu tiên
của cái cụ thể - cảm tính, của cái vật thể trong bản chất của cái đẹp. Nghệ thuật
ngôn từ là một trong những hình thái thẩm mỹ cao nhất của hiện thực, do đó mới có
sự cần thiết phải hướng tới luận điểm của Baumgarten, nhưng không chỉ hướng tới
ông ta. Lĩnh vực của cái thẩm mỹ trong văn học là vô cùng rộng lớn. Trong đó có
tính độc lập tương đối của cái đẹp nhưng đồng thời cũng có cả sự phụ thuộc của cái
đẹp vào những hình thức khác của đời sống tinh thần.
Vào những thời kỳ của sự hỗn hợp nghệ thuật, tức là của sự hoàn toàn không
có tách biệt giữa các hình thái nhận thức, cái thẩm mỹ được nhìn nhận như cái phát
sinh từ cái sinh học hoặc từ cái thực dụng. Chẳng hạn, người ta cho rằng trong Ca
khúc của các ca khúc của Solomon, cái đẹp được xác định bằng những từ biểu thị

niềm khoái cảm về mặt sinh lý: em xinh quá, đôi môi em ngọt như mật ong. Cái
nguyên tắc về sự phụ thuộc trực tiếp của cái thẩm mỹ vào cái thực dụng còn được
lưu giữ ở các thời kỳ sau này. Trong thiên trường ca Ai sống sung sướng trên đất
nước Nga? của N. Nekrasov, các nhân vật tranh luận với nhau về việc xem lúa mạch
đen hay kiều mạch, thứ nào đẹp hơn và các ý kiến thiên về lúa mạch đen vì thứ ngũ
cốc này “nuôi sống mọi người”. Lúa mạch đen gần gũi với người nông dân của
Nekrasov hơn, và bởi vậy họ ca ngợi vẻ đẹp của nó. Đây chính là quan điểm thực
dụng đối với cái đẹp.
Văn học cũng ghi nhận nhiều ví dụ tương tự. Trong Nàng Bạch Tuyết của
A.Ostrovski, nàng Bạch Tuyết hỏi mẹ: tại sao mọi vật chung quanh lại đẹp như thế?
Người mẹ thông minh liền trả lời cô con gái: “Hỡi Bạch Tuyết! Vĩnh biệt con gái
của mẹ. Tâm hồn con đã tràn ngập hương vị yêu thương”. Như vậy là cội nguồn của
cái thẩm mỹ ở đây té ra là một trạng thái tình cảm và đạo đức đặc biệt - đó là tình
yêu. Song, tất nhiên, trong cuộc sống mọi cái cũng có thể đảo ngược: cảm xúc thẩm
mỹ không chỉ có thể được nảy sinh bởi một trạng thái đạo đức này khác mà chính
bản thân nó cũng có thể sinh ra một trạng thái khác. Pigmalion, người nặn tượng
Galatei, thông qua khoái cảm thẩm mỹ đã đi đến tình yêu. Vấn đề không phải ở chỗ
những cảm xúc nào nảy sinh sớm hơn còn những cảm xúc nào thì muộn hơn mà ở
mối liên hệ tất yếu giữa chúng. Trong khi đồ chiếu vẫn đề triết học - thẩm mỹ đó
vào sáng tác nghệ thuật với tư cách là một hình thái thẩm mỹ của cuộc sống, chúng
ta đồng thời cũng làm cho nghệ thuật mất đi tính độc lập, chúng ta đặt nó vào sự
phụ thuộc trực tiếp với những hình thái khác của sự nhận thức và sự miêu tả hình
thái đạo đức, hình thái xã hội và thậm chí có thể cả hình thái chính trị. Sau khi
chứng minh tính độc lập của sự thụ cảm thẩm mỹ nhờ sự hỗ trợ của những tiền đề
triết học đúng đắn, chúng ta cũng có thể chứng minh cả tính độc lập của sự sáng tạo
nghệ thuật và bằng cách đó cũng nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử và xã hội của nó.
Đứng bên cạnh mỹ học là một hệ thống kiến thức cũng rất cần thiết cho
nghiên cứu văn học - đó là xã hội học. Với sự hỗ trợ của xã hội học vào thời gian
gần đây có thể đưa những sửa đổi có tính chất nguyên tắc vào cách lý giải đặc trưng
của nghệ thuật và, do đó, của văn học do Hegel đưa ra (“tư duy bằng hình tượng”.

Tính hình tượng đại diện cho đặc trưng đã nêu trên, xét về thực chất, như một đặc
điểm về hình thức của sáng tạo nghệ thuật. Xã hội học khoa học cho phép khám phá
ra những cội nguồn đặc thù của nội dung nghệ thuật. Chúng giới thiệu tâm lý xã hội
của con người trong ý thức thường nhật của họ, ý thức này là cái nhìn không mang
tính hệ thống của con người đối với thế giới. Điều đó nhân thể cũng giải thích bản
chất dân chủ của nghệ thuật hay của văn học: ý thức thường nhật vốn có ở tất cả
mọi người. Khi người nghệ sĩ hướng tới hình thái ý thức không mang tính hệ thống
như vậy (những ấn tượng, sự nhận xét mang tính chất cảm xúc, v.v ), anh ta đã
biến tư duy đó thành hệ thống quan điểm, tức là tạo ra hệ tư tưởng nghệ thuật. Xã
hội học là cơ sở của việc biểu thị bằng thuật ngữ một hệ thống đặc biệt của nghiên
cứu văn học - đó là phương pháp xã hội học trong nghiên cứu văn học. Nó đặc biệt
phổ cập trong thời kỳ truyền bá quan điểm duy vật về nghệ thuật và văn học (cùng
với nhiều phương án lý giải, chẳng hạn “hệ tư tưởng tâm lý” của V.F. Pereverzev).
Văn học là một hiện tượng lịch sử, vì thế đã nảy sinh một cách tự nhiên luận
điểm về mối liên hệ gần gũi giữa nghiên cứu văn học và khoa học lịch sử. Điều đó
không chỉ liên quan tới việc đánh giá các thời kỳ và các giai đoạn phát triển văn
học, mà còn liên quan tới cả việc lý giải tác phẩm cụ thể. Trong trường hợp này,
việc nắm vững những kiến thức chuyên ngành, những kiến thức về thể loại hay về
cách tổ chức khác của trần thuật là không phải bao giờ cũng đủ, mà cần phải có sự
chi viện của các tài liệu lịch sử với tư cách là một khoa học. Sau đây là một vài ví
dụ tiêu biểu. Có sự định nghĩa về cái gọi là “sự thống nhất nghệ thuật” và một số
hình thái của tính ước lệ, chẳng hạn thủ pháp nghịch dị (grotesque). Ở đây chúng ta
không thể thoả mãn chỉ bằng những thuật ngữ nghiên cứu văn học mà thiếu sự hỗ
trợ về mặt thông tin của khoa học lịch sử. Chẳng hạn, vở hài kịch Nỗi khổ vì thông
minh của A.Griboedov. Như mọi người đều biết, ở đây được áp dụng một khái niệm
có liên quan đến bố cục của chủ nghĩa cổ điển với sự thống nhất về thời gian, địa
điểm và hành động, mặc dầu đây là tác phẩm hiện thực chủ nghĩa xét theo các
nguyên tắc lý giải tính cách nghệ thuật. Song điều đó không giúp cho việc hiểu
được, chẳng hạn, một lớp trong vở kịch, khi Chaski hỏi Repetilov: “Các vị làm ầm ĩ
gì thế? Và chỉ thế thôi sao?”. Nên hiểu câu hỏi này như thế nào? Vấn đề là ở chỗ

câu hỏi ấy xuất hiện trong hồi thứ ba của vở kịch sau khi nhà viết kịch trở về từ
Kavkaz là nơi ông bị đưa đi phát vãng như một người tham gia những cuộc hội họp
ầm ĩ với những lời lẽ quá trớn chống lại chính phủ, và ở đó ông bắt đầu viết vở kịch
này. Ông trở về Moskva và biết rằng những cuộc hội họp công khai của những
người trí thức yêu chuộng tự do đã được tổ chức thành các hội bí mật nhằm chuẩn
bị cho cuộc khởi nghĩa tháng Chạp tương lai. Và Griboedov đã bày tỏ, dù không
phải dưới hình thức cụ thể, sự cảm thông với chiến thuật mới của những người yêu
chuộng tự do. Do đó mới có câu hỏi: “Các vị làm ầm ĩ cái gì thế? Và chỉ thế thôi
sao?”. Rõ ràng là những tư liệu lịch sử về việc vở kịch đã được viết ra như thế nào
thật là quan trọng để ta hiểu được thế giới quan của người nghệ sĩ.
Một ví dụ khác có liên quan tới việc phân tích hình thái thứ hai của tính ước
lệ - ở đây nói đến thủ pháp nghịch dị châm biếm của M. Saltykov - Shedrin. Khi nhà
văn công bố tác phẩm châm biếm Lịch sử một thành phố vào những năm 1860, có
nhiều độc giả đã đi tìm trong các nhân vật của cuốn sách sự giống nhau với những
nhà hoạt động lịch sử có thật của quá khứ (thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX). Tuy
Shedrin đã trả lời rằng ông không định tranh luận với cái thế giới của những kẻ lỗi
thời. Có ý kiến phản đối ông: đây nhé, viên thị trưởng Vicont du Chario rất giống
vua Aleksandr đệ nhất. Trong tác phẩm, Vicont được gọi là con người tử tế. Mà
chính những người đương thời cũng gọi vua Aleksandr đệ nhất như vậy. Song
Shedrin vẫn một mực khẳng định rằng ông không tranh cãi với quá khứ. Vậy tính
thời sự của nhân vật châm biếm là ở chỗ nào?
Trong khi đọc kỹ cuốn sách và so sánh các nhân vật của nó với các nhân vật
lịch sử đương thời, độc giả có thể phỏng đoán rằng hình tượng viên thị trưởng chính
là nhà báo M.N. Katkov. Vấn đề là ở chỗ trong việc khắc hoạ nhân vật này có một
chi tiết: ông ta thích thay đổi chính kiến. Mà đó chính là sự ám chỉ đối với Katkov
là người khởi đầu sự hoạt động của mình bằng mưu toan kết thân với V.G. Belinski
và bằng việc dự các buổi thuyết trình của Giáo sư T.N. Granovski, trong đó có
không ít tư tưởng phóng túng tự do. Sau này, ông ta hùa theo những người theo chủ
nghĩa tự do vốn hành động theo nguyên tắc “dù chỉ là chút ít” và kết thúc sự nghiệp
của mình bằng những hành động “phù hợp với sự đê tiện”. Ngoài ra, bản thân tước

hiệu “tử tước” (vicomte) chứa đựng sự ám chỉ rằng nhà báo phản động khét tiếng,
chủ nhiệm tờ tạp chí tin tức Nga Katkov luôn mơ ước có được tước hiệu quý tộc cao
vốn là đối tượng giễu cợt từ phía các nhà thơ. Chính bằng cách đó đã xuất hiện sự
tổng hợp của hai cách tiếp cận đối với văn bản nghệ thuật: cách tiếp cận ngữ văn và
cách tiếp cận lịch sử.
Trong khi B. Slucki viết những câu nổi tiếng về “các nhà vật lí” và “các nhà
thơ trữ tình” thì cái gọi là các khoa học chính xác dường như chiếu cố tới những vấn
đề nhân văn và bắt đầu đề xuất các phương pháp của mình. Như vậy là đã xuất hiện
ngôn ngữ học toán học, còn nhà toán học nổi tiếng là Viện sĩ A.N. Kolmogorov thì đã
công bố những bài viết của mình về Majakovski và những nhà thơ khác. Trong một
thời gian nhất định, cái đó đã trở thành “mốt” trong việc nghiên cứu. Phương pháp
này có những kết quả khả quan bởi lẽ sự tổng kê các chỉ số định lượng trong câu thơ
có thể làm sáng tỏ vẻ đặc thù về chất của nó, vả lại, các nhà nghiên cứu văn học
truyền thống (L.I. Timofeev ) cũng làm như vậy. Nhưng những thời kỳ mới đã đến,
và trong số “các nhà vật lý” người ta nghe thấy những lời tuyên bố: “Chúng ta đưa
Gagarin lên trời trên đôi vai của Pushkin và Tolstoi”. Những lời ấy là của Viện sĩ vật
lý V. Legasov. Trong cách lý giải của V. Legasov, sáng tác của Pushkin và Tolstoi
được nhìn nhận như sự thăng hoa của tinh thần cao cả nhất là niềm tin.
Khi ấy, những ưu thế về phương pháp luận cũng thay đổi. Trong khi đọc
những bản tốc ký về các cuộc hội thảo quốc tế của các nhà lịch sử khoa học, có thể
nhận thấy rằng các học giả khoa học ấy đã bắt đầu thiên về kết luận sau đây: cái
thời mà khi vật lý học là “cầu trượt” đối với mọi khoa học, đã trôi qua và đến thay
thế nó là vi sinh học và sinh học phân tử, thời đại của chúng sẽ rất ngắn, tiếp sau đó
là kỷ nguyên của các khoa học nhân văn vốn có khả năng “gợi ý” về mặt phương
pháp luận cho các loại kiến thức về khoa học tự nhiên, điều đó đã ở một mức độ
nhất định đang diễn ra hiện nay. Tại Thuỵ Sĩ, trong Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân
Quốc tế đang chín muồi một ý tưởng về việc xây dựng Viện Công nghệ cao mang
tính chất nhân văn. Tại đây, người ta đề xuất một lý thuyết cho rằng những kiến
thức nhân văn, nhất là trong lĩnh vực nghệ thuật, mỹ học và nghiên cứu văn học, có
thể có ảnh hưởng tới các hình thái vật lý và kỹ thuật của các công trình nghiên cứu

và sản xuất. Tác giả của những dòng viết này đã có dịp tham gia vào việc xây dựng
một số công trình, trong đó đã được làm sáng tỏ, chẳng hạn, vấn đề “điều chỉnh thời
gian”, tức là người ta trù tính giảm bớt thời gian trong việc sản xuất máy móc và
thiết bị (xem Arshinov V.I, Kulberg N.N., Nikolaev P.A., Shkundenkov V.N., Theo
dòng sông thời gian, Tula, 2002; Borev Ju B., Nikolaev P.A., Shkundenkov
V.N, Nước Nga: điều hành thời gian trong vũ trụ, Tula, 2006; Shkundenkov
V.N., Thời gian và vẻ đẹp, Tula, 2004).
Cơ sở của những kiến nghị khoa học này là việc sử dụng hiệu quả của sự phi
tuyến tính thời gian, điều này dựa vào việc áp dụng trong nghiên cứu khoa học một
phương pháp khá nổi tiếng, đặc biệt là ở Nga, phương pháp của những quyết định
“đẹp”. Trong khi nghiên cứu vấn đề tổng hợp giữa các khoa học nhân văn và tự
nhiên, chúng tôi đã đi đến kết luận rằng chỉ một mình sự hoàn thiện về mặt thẩm mỹ
và nghệ thuật của bản thân quá trình sản xuất và sản phẩm cuối cùng của nó mới đạt
được mục đích thực tiễn lớn lao là cắt giảm thời gian.
Ý tưởng này không phải làm mới. Ngay từ thời Phục hưng, Leonardo da Vinci
vĩ đại đã nói với các học trò của mình: Hãy đi và nhìn những đám mây và dùng trí
tưởng tượng của mình vẽ thêm vào trong đó những vật thể nào đấy: cây cối, súc vật,
con người, và như thế các em sẽ phát triển ở nơi mình những năng khiếu sáng tác
thẩm mỹ, nhưng chỉ khi nào những năng khiếu ấy đạt tới sự căng thẳng tột cùng thì
kiến thức chuyên sâu của các em mới có được cú hích mạnh mẽ, và các em nhanh
chóng hoàn thành công việc chuyên môn của mình. Cho nên ý thức thẩm mỹ là chất
kích thích mãnh liệt cho hoạt động thực tiễn.
Ý tưởng đó sau này được phát triển trong các công trình của Viện sĩ Nga B.V.
Raushenbakh (nhà khoa học trong lãnh vực cơ học và các quá trình điều khiển).
Không phải ngẫu nhiên mà Raushenbakh không chỉ tích cực nghiên cứu cơ
học mà còn nghiên cứu cả hội hoạ Nga, đặc biệt là tranh tượng thánh. Hiển nhiên,
trong những điều kiện ấy, sự gần gũi giữa vật lý học và nghệ thuật học, nhất là
nghiên cứu văn học, có hiệu quả tốt đối với tất cả các loại hình nhận thức và sáng
tạo.
Sự thừa nhận như vậy trên phương diện lý luận về tầm quan trọng tổng thể, bộ

môn khoa học về văn học của chúng ta chưa bao giờ có được. Do đó, cần phải nhận
xét rằng quá trình ảnh hưởng này của các khoa học nhân văn là thuận lợi đối với
bản thân chúng. Trong những điều kiện ấy, khoa nghiên cứu văn học cũng có thể
tìm được một vị trí xứng đáng cho mình trong hệ thống kiến thức khoa học

×