Con đường Hồ Chí Minh - con đường
giải phóng dân tộc
Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người thiếu niên 15 tuổi. Người thiếu
niên ấy đã sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng
bào. Lúc bấy giờ anh đã có chí đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng
bào. Anh đã tham gia công tác bí mật, nhận công việc liên lạc. Anh
khâm phục các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Chu Trinh
và Phan Bội Châu, nhưng không hoàn toàn tán thành cách làm của một
người nào. Vì:
Cụ Phan Chu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương. Anh
nhận điều đó là sai lầm, chẳng khác gì xin giặc rủ lòng thương.
Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp. Điều đó rất nguy
hiểm, chẳng khác gì "đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau".
Cụ Hoàng Hoa Thám còn thực tế hơn, vì trực tiếp đấu tranh chống
Pháp. Nhưng theo lời người ta kể thì cụ còn nặng cốt cách phong kiến.
Nghiên cứu những bài học lịch sử của các bậc cha, anh và khảo nghiệm
trong thực tiễn, anh Nguyễn Tất Thành thấy rằng mọi cách thức tiến
hành ở trong nước, hay đi ra nước ngoài, sang Trung Quốc, hay Nhật
Bản đều không thể thành công. Những con đường mà các bậc sĩ phu đã
đi đều bị kết thúc bằng những thất bại đau đớn. Phải tìm con đường
khác, con đường mới; phải đi ra nước ngoài nhưng theo một hướng
khác. Đó là kết luận rất quan trọng của anh thanh niên Nguyễn Tất
Thành với lòng yêu nước mãnh liệt và một cách suy nghĩ táo bạo, một
trí tuệ hết sức minh mẫn quyết khám phá bằng được con đường đi đến
giải phóng cho đồng bào.
Tư tưởng quyết hướng sang nước Pháp tìm đường cứu nước sớm nảy
sinh ở anh Nguyễn Tất Thành. Nhưng anh cần có thời gian chuẩn bị, suy
nghĩ chín chắn hơn, để phác họa con đường sẽ đi, ít ra là chặng đầu.
Tháng 5 năm 1909, Nguyễn Tất Thành từ giã Huế theo cha vào huyện
Bình Khê thuộc tỉnh Bình Định (nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định)
nhân ông Nguyễn Sinh Sắc được cử nhận chức tri huyện ở đó. Để tiếp
tục việc học tập, từ tháng 9 năm 1909, Nguyễn Tất Thành được cha gửi
đến Quy Nhơn để học thêm tiếng Pháp với thầy giáo Phạm Ngọc Thọ
dạy tại Trường tiểu học Pháp - bản xứ Quy Nhơn theo chương trình lớp
cao đẳng. Ông Phạm Ngọc Thọ kính trọng quan thừa biện Nguyễn Sinh
Huy và rất mến Tất Đạt, Tất Thành. Tất Thành rất yêu quý Phạm Ngọc
Thạch, con trai ông Thọ. (Trên đường từ Huế vào Sài Gòn, để đáp tàu ra
nước ngoài tìm "con đường giúp đồng bào thoát khỏi ách thống trị của
Pháp", Nguyễn Tất Thành, sau này là Nguyễn Ái Quốc, tức là Chủ tịch
Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu, đã dừng chân lại tỉnh Bình Định một
thời gian đáng kể. Khoảng thời gian đó nếu tính đến đầu tháng 8-1910
là hơn 12 tháng, từ 18-5-1909 đến 30-7-1910).
Vào một ngày đầu thu (tháng 8-1910), Nguyễn Tất Thành tạm biệt Quy
Nhơn, đi vào Sài Gòn.
Phong cảnh tươi đẹp, đất đai màu mỡ, rừng vàng biển bạc, nhưng đâu
đâu cũng thấy có những con người lam lũ, rách rưới.
Lần theo ven biển đi đến Phan Rang, anh thấy một cảnh tượng đau lòng
mà mấy năm sau, anh còn nhắc lại với một người bạn: Những người
Pháp ở Pháp phần nhiều là tốt. Song những người Pháp thực dân rất
hung ác, vô nhân đạo. Ở đâu chúng nó cũng thế. Ở ta, tôi cũng thấy
chuyện như thế xảy ra ở Phan Rang. Bọn Pháp cười sặc sụa trong khi
đồng bào ta chết đuối vì chúng nó. Đối với bọn thực dân, tính mạng của
người thuộc địa da vàng hay da đen cũng không đáng một đồng xu.
Từ nửa sau tháng 9-1910 đến trước tháng 2-1911, Nguyễn Tất Thành
dạy học ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết). Thời gian đầu, thầy Thành ở
nhờ nhà cụ Hồ Tá Bang, sau chuyển ra ở cùng với học sinh nội trú của
trường tại nhà Ngư trong vườn cụ Nguyễn Thông.
Thầy Thành được phân công dạy chữ Hán và chữ quốc ngữ cho học sinh
lớp nhì. Thầy dạy rất tận tâm, hết lòng thương yêu, chăm sóc học sinh.
Thầy đã trao đổi tâm tư về thân phận người dân mất nước nhiệm vụ
cứu nước của mỗi người dân Việt Nam, trước hết là thanh niên có học
thức với các thầy giáo và học sinh. Vấn đề thầy Thành đặt ra cũng là nỗi
băn khoăn chung của thầy và trò, nên đã có ngay được sự đồng cảm
sâu sắc, cùng nhau đào sâu chí căm thù và bồi dưỡng lòng tự hào về
truyền thống yêu nước của dân tộc, bày mưu tính kế đánh đuổi quân
thù.
Sau mấy tháng dạy học ở Trường Dục Thanh, Nguyễn Tất Thành rời
trường đi vào Sài Gòn, thực hiện hoài bão từng nung nấu là tìm cách đi
sang Pháp và các nước phương Tây để xem "họ làm như thế nào rồi trở
về giúp đồng bào chúng ta".
Trước ngày 2 tháng 6 năm 1911, Nguyễn Tất Thành bàn với một số
người bạn thân về chuyến đi ra nước ngoài. Anh nói: tôi muốn đi ra
ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như
thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng nếu đi một mình,
thật ra cũng có điều mạo hiểm, ví như khi đau ốm Anh muốn đi với tôi
không?
Khi người bạn hỏi lấy đâu ra tiền mà đi, anh Thành vừa nói vừa giơ hai
bàn tay:
- Đây, tiền đây chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để
sống và để đi.
Ngày 2 tháng 6 năm 1911, Nguyễn Tất Thành xin làm việc ở tàu Amiran
Latusơ Tơrêvin, một tàu lớn vừa chở hàng vừa chở khách của hãng Năm
Sao đang chuẩn bị rời Cảng Sài Gòn đi Mác Xây, Pháp.
Ngày 3 tháng 6 năm 1911, Nguyễn Tất Thành bắt đầu làm việc ở tàu
Amiran Latusơ Tơrêvin, nhận thẻ nhân viên của tàu với tên mới: Văn
Ba.
Ngày 5 tháng 6 năm 1911, Nguyễn Tất Thành từ cảng Nhà Rồng, thành
phố Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) rời Tổ quốc. Người thanh
niên 21 tuổi ấy ra đi với mục đích gì? Để kiếm kế sinh nhai, hay để thỏa
mãn một ước mơ xa lạ nào đó của tuổi trẻ. Điều đó, hơn mười năm sau
chính anh đã trả lời nhà báo, nhà thơ Nga ÔXip Mandenstan rằng: Vào
trạc tuổi mười ba, lần đầu tiên tôi được nghe những từ TỰ DO - BÌNH
ĐẲNG - BÁC ÁI. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người
Pháp. Người Pháp đã nói thế và từ thuở ấy, tôi muốn làm quen với nền
văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy.
Một lần khác, trả lời nhà văn Mỹ Anna luy Xtirông, Người nói: Nhân dân
Việt Nam, trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường hỏi nhau
ai là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ
là Nhật, người khác nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi
ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở
về giúp đồng bào tôi.
Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, trước yêu cầu mới của tình
hình và được Quốc tế Cộng sản chấp nhận, ngày 28 tháng 1 năm 1941,
Nguyễn Ái Quốc lên đường về nước. Khi bước tới cột mốc 108 trên biên
giới Việt - Trung (thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng),
Người đứng lặng hồi lâu, xúc động.
Ngày 8 tháng 2 năm 1941, Nguyễn Ái Quốc ở hang Cốc Bó (hang Cốc Bó
thuộc địa phận làng Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao
Bằng, với bí danh Già Thu). Từ đây, Người trực tiếp lãnh đạo cách mạng
Việt Nam.
Từ ngày 10 đến ngày 19 tháng 5 năm 1941, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội
nghị lần thứ VIII của Trung ương Đảng Cộng sản Đông dương. Trên cơ
sở đánh giá tình hình giai cấp và xã hội Việt Nam trong hoàn cảnh chiến
tranh thế giới, với quan điểm lý luận gắn với thực tiễn cách mạng, Hồ
Chí Minh nêu cao vấn đề giải phóng dân tộc, coi đó là nhiệm vụ hàng
đầu của cách mạng. Người kêu gọi: "Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải
phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế
quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng".
Tiếp thu tư tưởng chỉ đạo của Người, Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám
của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ghi rõ: "Trong lúc này nếu
không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc
lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân
tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến
vạn năm cũng không đòi lại được". Đồng thời, Hồ Chí Minh sáng lập ra
Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh gọi tắt là Mặt trận Việt Minh,
nhằm đoàn kết mọi lực lượng yêu nước, chống đế quốc, giành độc lập
dân tộc, không phân biệt dân tộc, giai cấp, đảng phái, tôn giáo Nhằm
phát huy sức mạnh của ba dân tộc Việt, Miên, Lào dưới sự lãnh đạo của
Đảng Cộng sản Đông Dương, theo sự chỉ đạo của Hồ Chí Minh, Hội nghị
chủ trương: ở Lào và ở Campuchia thành lập mặt trận thống nhất riêng
của hai dân tộc: Ai Lao độc lập đồng minh và Cao Miên độc lập đồng
minh. Sau khi cách mạng thắng lợi, mỗi quốc gia sẽ thành lập một chính
phủ riêng và độc lập. Đối với nước ta, Hội nghị chủ trương thành lập
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lấy cờ đỏ với ngôi sao vàng năm
cánh ở giữa làm quốc kỳ. Để đoàn kết toàn dân một cách rộng rãi, thực
hiện chủ trương cứu nước do Hội nghị Trung ương lần thứ tám nêu ra,
trong bản Chương trình hành động, Việt Minh đã đề ra những chính
sách cụ thể nhằm đoàn kết các tầng lớp nhân dân, tiến lên Tổng khởi
nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Cùng với Kính cáo đồng bào của Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh), ngày 6
tháng 6 năm 1941, những chính sách cụ thể, hợp lòng dân của Việt
Minh đã quy tụ toàn dân dưới ngọn cờ của Đảng do Hồ Chí Minh lãnh
đạo, đưa Cách mạng tháng Tám 1945 đến thắng lợi.
Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đọc bản Tuyên
ngôn Độc lập tại Quảng Trường Ba Đình (Hà Nội), tuyên bố nước Việt
Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở
Đông Nam Á.
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là thắng lợi của ý chí độc lập tự
chủ, tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam và là thắng lợi vĩ đại đầu
tiên của tư tưởng Hồ Chí Minh ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến.
Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam bước vào kỷ nguyên
độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí Minh được toàn dân bầu làm
Chủ tịch của nước Việt Nam mới. Với cương vị cao quý ấy, tư tưởng
cách mạng và khoa học của Người được thể chế bằng Hiến pháp và
pháp luật hiện hành của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946).
Nhưng nhân dân Việt Nam giành được độc lập chưa bao lâu thì thù
trong giặc ngoài câu kết với nhau đẩy nước lâm vào cảnh "nghìn cân
treo sợi tóc". Dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam
bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai.
Đường lối kháng chiến đúng đắn của Hồ Chí Minh và của Đảng đã dẫn
dắt nhân dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu,
lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Hòa bình được lập lại, nhưng đất nước tạm thời bị chia cắt thành hai
miền. Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã sớm xác định rõ kẻ thù
chính của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới là đế quốc Mỹ, và
vạch ra đường lối cùng một lúc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Miền
Nam tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cách mạng dân tộc, dân chủ; miền Bắc
đã được hoàn toàn giải phóng, từng bước tiến dần lên chủ nghĩa xã hội.
Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa, nửa phong kiến, được
một Đảng Cộng sản lãnh đạo đã cùng một lúc tiến hành hai nhiệm vụ
chiến lược và quá độ lên chủ nghĩa xã hội không qua chế độ tư bản chủ
nghĩa. Trong điều kiện ấy, tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng phát triển
và thấm sâu vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Trước khi qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn
quân và toàn dân ta bản Di chúc thiêng liêng. Trong Di chúc, Người đã
nói lên niềm tin tất thắng ở sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước; tổng kết
sâu sắc những bài học đấu tranh và thắng lợi của cách mạng Việt Nam;
đồng thời đề ra những phương sách lớn để xây dựng lại đất nước sau
chiến tranh nhằm thực hiện mục tiêu: "Xây dựng một nước Việt Nam
hòa bình, thống nhất độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng
đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới".
Bản Di chúc là những lời căn dặn cuối cùng đầy tâm huyết, thắm đượm
tình người của Chủ tịch Hồ Chí Minh; một di sản vô cùng quý báu của
dân tộc và nhân loại.
Với lòng kính yêu và thương tiếc vô hạn, toàn Đảng, toàn dân, toàn
quân ta đã thực hiện nghiêm chỉnh Di chúc thiêng liêng của Người
"đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào", giải phóng hoàn toàn miền
Nam, hòa bình, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước cùng tiến lên chủ
nghĩa xã hội.