Mối quan hệ giữa người kể
chuyện và tác giả
Các cuộc tranh cãi về vấn đề chủ ý và cái chết của tác giả buộc chúng ta phải xem
xét lại mối quan hệ này. Phải chăng mối quan hệ giữa người kể chuyện và tác giả
hoàn toàn chỉ là mối quan hệ phụ thuộc? Quan niệm một chiều và giản đơn này đã
trở nên lỗi thời. Người kể chuyện do nhà văn sáng tạo ra nhưng anh ta có một cuộc
sống tương đối độc lập trong cấu trúc tác phẩm, và đôi khi vượt khỏi mong muốn
và ý định của người cầm bút. Một mặt, sau khi đã lựa chọn người kể chuyện, tác
giả sẽ bị ràng buộc bởi logic của cái đã lựa chọn, cái logic mà anh ta phải khám
phá trong sự miêu tả, sự sắp đặt của mình. Bởi mọi sự sáng tạo đều có quy luật
riêng tuân theo các quy luật về chất liệu sử dụng và cấu trúc của đối tượng. Vì vậy
qui trình tạo dựng người kể chuyện, những định hướng và sự sắp đặt nên hình
tượng này hoàn toàn không phải là sự tùy tiện của tác giả. Nói như M. Bakhtin thì:
“Người ta không thể bịa đặt ra hình tượng nghệ thuật, dù nó như thế nào, bởi vì
bản thân nó có logic nghệ thuật, có quy luật riêng của nó”
(19)
. Mặt khác,người kể
chuyện và thế giới truyện kể mà anh ta đang tái hiện, tổ chức và điều khiển sẽ
sống trong sự giãi mã của người đọc. Đây chính là nhân tố đưa người kể chuyện đi
xa hơn những ràng buộc hay định kiến mà tác giả có thể gán ghép cho nó, mở ra
nhiều khả năng khai thác các giá trị tiềm ẩn trong văn bản tác phẩm. Người kể
chuyện gắn liền với ngôn ngữ và những sự biểu đạt, hoàn cảnh và các tình huống
đặc thù, vì thế việc diễn giải văn bản tác phẩm không bao giờ chỉ mang lại một
nghĩa duy nhất. Tri thức và những tâm thế tiếp nhận khác nhau của độc giả sẽ tạo
ra vô vàn cách lý giải một tác phẩm nào đó. Luôn có độ chênh và những khác biệt
giữa mỗi lần đọc và mỗi người đọc. Những điều này cho thấy, sự chi phối của tác
giả đối với người kể chuyện không chỉ được xem xét một chiều từ phía tác giả, mà
tính độc lập tương đối của người kể chuyện từ khi được sáng tạo ra với tư cách
một hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm, cùng với các khả năng diễn giải văn
bản của người đọc yêu cầu khảo sát vấn đề này trong sự tương tác và phụ thuộc lẫn
nhau. Vai trò của người kể chuyện luôn được đặt trong sự vận động, biến chuyển
và nó đòi hỏi phải được xem xét trong hệ thống.
Tác giả cố gắng tạo nên một thế giới mà ở đó người kể chuyện có vai trò
trần thuật và điều khiển truyện kể. Tuy nhiên, mối quan hệ này trở nên phức tạp
hơn khi người kể chuyện được coi là một trong những nhân tố quan trọng biểu đạt
tư tưởng của tác giả. Câu hỏi đặt ra là người kể chuyện sẽ đại diện cho nhà văn ở
mức độ nào? Để có thể làm sáng tỏ phần nào câu hỏi này, chúng ta cần giải quyết
hai vấn đề: 1) Xác định kiểu người kể chuyện, từ đó tìm khoảng cách giữa người kể
chuyện và tác giả; và 2) Xác lập vai trò và quyền năng của người kể chuyện trong
truyện kể.
Chúng ta biết rằng, ở mỗi một truyện kể sẽ hiện hữu một kiểu người kể
chuyện. Và người kể chuyện có hàng ngàn cách thức tạo ra sự khác biệt hoặc đồng
nhất với tác giả. Theo W. Booth, điều quan trọng là phải xác định rõ đó là
kiểu người kể chuyện đáng tin cậy (reliable) hay không đáng tin cậy (unreliable).
Việc xác định kiểu người kể chuyện là không hiện diện (ẩn tàng) hay hiện
diện (người kể chuyện tường minh) thực ra chỉ cho chúng ta những xác định bước
đầu khi tìm hiểu mối quan hệ giữa người kể chuyện và tác giả hàm ẩn
(20)
. Vấn đề
quan trọng hơn chính là phẩm chất của người kể chuyện. Một sự kiện nào đó khi
được kể lại nghĩa là toàn bộ các giá trị về độ chính xác, tính thẩm mỹ hoặc bất kỳ
một tiêu chí nào đó đã bị khúc xạ qua lăng kính của người kể, chịu sự chi phối bởi
hệ tư tưởng của cá nhân anh ta. Vì thế, phẩm chất của người kể chuyện với các
tiêu chí về thể chất hoặc tinh thần sẽ cho độc giả những hình dung cụ thể hơn về
thế giới truyện kể và người sáng tạo ra nó. Bên cạnh đó, những tiêu chí về đạo đức
hoặc trí tuệ, tín ngưỡng hay cảm xúc… sẽ là cơ sở để xác lập khoảng cách giữa
người kể chuyện và tác giả hàm ẩn – “cái tôi thứ hai” của nhà văn. Tuy nhiên, dựa
vào tiêu chí nào để xác định người kể chuyện là đáng tin cậy hay không đáng tin
cậy? Cũng theo quan điểm của Booth, người kể chuyện đáng tin cậy khi anh ta nói
hoặc hành động hợp với những quy chuẩn của tác phẩm (những quy chuẩn ẩn tàng
của tác giả); và không đáng tin cậy trong trường hợp ngược lại. Việc xác định này
dẫn chúng ta vào con đường nhiều chông gai hơn. Nếu khẳng định rằng những
phẩm chất và trí tuệ của người kể chuyện quan trọng với chúng ta hơn việc chỉ ra
người kể chuyện ở ngôi thứ nhất hay thứ ba buộc chúng ta phải chỉ ra được người
kể chuyện đáng tin cậy hay không đáng cậy, mức độ đáng tin hay khả năng phạm
lỗi lầm… Chỉ riêng việc xác định phẩm chất của người kể chuyện sẽ liên đới tới
hàng loạt các yếu tố cấu trúc nội tại tác phẩm. Bên cạnh đó, trong tác phẩm nghệ
thuật, cũng như nhân vật, người kể chuyện có thể sẽ tự ý thức về chính nó và về
thế giới của nó. Tất cả những phẩm chất khách quan, bền vững của người kể
chuyện sẽ trả lời cho câu hỏi “người kể chuyện là ai?”, song người kể chuyện đã
kể chuyện như thế nào sẽ còn phụ thuộc vào ý thức và sự tự ý thức của anh ta. Như
thế, khoảng cách giữa người kể chuyện và tác giả luôn bị đặt trong tình thế bấp
bênh.
Sự biến đổi luôn là tiền đề của sáng tạo và phát triển. Hình tượng người kể
chuyện cũng không nằm ngoài quy luật này. Và chính điều đó tạo ra những đánh
giá không đồng nhất về phẩm chất của người kể chuyện. Trước hết phải nhận thấy
rằng, phần đông những người kể chuyện đáng tin cậy lại phó mặc bản thân đi qua
những thời điểm dài của sự châm biếm và họ là người có khả năng lừa gạt. Khả
năng này rất có thể sẽ biến người kể chuyện thành không tin cậy. Tuy nhiên,
không tin cậy không có nghĩa là nói dối mà chính vô thức với những tham vọng,
những hiểu lầm đã tạo ra những sai biệt trong nhận thức và phản ánh của người kể
chuyện. Mặc dù người kể chuyện có thể xuất hiện thuận với những quy chuẩn của
tác phẩm song khả năng này rất có thể cũng chỉ là sự ngụy trang. Những trường
hợp phức tạp như thế buộc người nghiên cứu phải phác họa được tiến trình vận
động trong tư tưởng và hành động của người kể chuyện, từ đó mới có thể xác lập
được khoảng cách giữa anh ta với tác giả.
Nếu như người kể chuyện tin cậy được coi là đồng thuận với những quy
chuẩn của tác phẩm thì người kể chuyện không đáng tin cậy đối lập với những quy
chuẩn ẩn tàng của tác giả. Sự đối lập này hiện hữu theo nhiều cách thức khác nhau
và ở nhiều mức độ khác nhau. Những khác biệt về tâm lý, thị hiếu, đạo đức, thẩm
mỹ và trí tuệ đem đến những thách thức không nhỏ khi xác định khoảng cách giữa
tác giả và người kể chuyện. Rõ ràng có hàng loạt vấn đề cần phải giải quyết khi
chúng ta muốn xác định người kể chuyện đại diện cho nhà văn ở mức độ nào. Tất
cả những tiêu chí mà chúng ta có thể coi là cái gốc của vấn đề (chẳng hạn như
những quy chuẩn của tác phẩm, quan niệm về đạo đức, thẩm mỹ, quan niệm về giá
trị…) đều có thể bị biến đổi, gia tăng hoặc thoái hóa về ý niệm, phẩm chất. Bên
cạnh đó, sự biến đổi về phẩm chất của người kể chuyện trên tiến trình vận động
trong thế giới truyện kể cũng là một trong những thách thức đòi hỏi mỗi độc giả
khi giải mã văn bản tác phẩm phải tỉnh táo. Đó là yêu cầu đặt ra hàng đầu cho độc
giả khi tiếp xúc với những tác phẩm như thế.
Không đồng nhất và không tách biệt hoàn toàn người kể chuyện với tác giả
song để đánh giá được “giá trị” của người kể chuyện trước tác giả, khẳng định
được người kể chuyện đại diện cho tác giả ở mức độ nào thì cần phải tiến hành
khảo sát trên nhiều cấp độ với các mối quan hệ tương tác giữa người kể chuyện
với các yếu tố trong tác phẩm và mối quan hệ giữa người kể chuyện với các cấp độ
giao tiếp khác. Tìm câu trả lời cho vấn đề người kể chuyện đã đại diện cho tác giả
ở mức độ nào sẽ luôn xuất hiện trong trạng thái bỏ lửng hoặc không thống nhất.
Hầu như khó đưa ra một mô hình thuần túy công thức và mang tính lý thuyết, bởi
“mức độ” như thế nào sẽ tùy thuộc vào mỗi người sáng tạo nghệ thuật và chắc
chắn còn phải tùy thuộc vào bối cảnh truyện kể, những tình huống giao tiếp, và cả
sự giải mã của người đọc.
Như thế, từ những cấp độ giao tiếp trừu tượng người nghiên cứu có thêm cơ
hội đánh giá đúng mức vai trò và quyền năng của người kể chuyện trong tác phẩm
nghệ thuật, thấy được sự chi phối của người kể chuyện đối với các yếu tố khác
trong cấu trúc nội tại của tác phẩm. Có thể nói, đối với mỗi người kể chuyện
khoảng cách được thiết lập giữa người kể chuyện và tác giả sẽ có những dịch
chuyển và biến đổi tùy thuộc vào việc tác giả sẽ lựa chọn kiểu người kể chuyện
nào. Khi khoảng cách này càng lớn, tức sự khác biệt giữa người kể chuyện và tác
giả càng khó đoán định thì càng mở ra nhiều khả năng suy đoán, phân tích, lập
luận cho độc giả, những người đang lắng nghe và đọc các câu chuyện. Khả năng
này dường như vô tận khi kiểu người kể chuyện không đáng tin cậy ngày càng
được nhiều nhà văn yêu thích sử dụng
______________