Tình hình văn học chữ Hán nửa
sau thế kỉ XIX
Trở lên trên là tình hình thơ văn chữ Hán đứng về số đông mà nói. Nhưng thời kì
nửa sau của thế kỉ XIX, chính là thời kì đã xẩy ra nhân tố chính trị quan trọng vào bậc
nhất, lung lay tận gốc rễ cơ cấu của toàn xã hội phong kiến Việt Nam: đó là nhân tố đế
quốc Pháp dần dần xâm chiếm Việt Nam. Các nhà thơ chữ Hán thời kì này, dù muốn
hay không, buộc lòng cũng phải chọn lấy một chỗ đứng nhất định, là chủ trương đầu
hàng hay tán thành kháng chiến. Và chúng ta thấy ngọn lửa của phong trào nhân dân
quật cường chống ngoại xâm đã hun đúc tim gan của một số nhà thơ phong kiến yêu
nước. Cuộc kháng chiến gian khổ và anh dũng của toàn dân đã thổi một luồng tráng
khí vào văn học nói chung, trong đó có văn học chữ Hán nói riêng.
Thể văn nghị luận chính trị trong sáng và chặt chẽ, mang nhiều tư tưởng duy tân,
ra đời với những cây bút mới đã từng tiếp xúc với tư tưởng khoa học phương Tây, như
bài biểu của Nguyễn Đức Hậu, những điều trần của Nguyễn Trường Tộ (1828-1871)
hay Thời vụ sách của Nguyễn Lộ Trạch (1852-1895), v.v
Ngay cả trong những bài sớ can gián vua, hoặc trình bày sự cần thiết phải sửa
đổi đường lối chính trị trong nước, của Thân Văn Nhiếp (1803-1871), Phạm Văn
Nghị (1805-1880), Trần Bích San (1840-1877), Nguyễn Xuân Ôn (1825-1889),
v.v cũng bừng bừng tinh thần yêu nước, căm thù giặc.
Trong một bài sớ gửi Tự Đức năm 1866, Thân Văn Nhiếp viết: “Ở chốn tôn
nghiêm trong cung điện, nhà vua nên nghĩ tới nhà cửa của dân Nam Kỳ hiện đang bị
giặc đốt sạch; ngắm vẻ nguy nga lộng lẫy của lăng Vạn niên cơ, nên nghĩ tới mộ địa của
dân Nam Kỳ bị giặc san bằng; nếm những thức ngon vật lạ trong nội đình, nên nhớ rằng
sản vật Nam Kỳ ngày nay không còn gì nữa; nhìn thấy hạng người cùng khổ ở kinh kỳ,
nên tưởng tới nhân dân miền Nam không biết nhờ cậy vào ai ”, v.v
Lại trong bài sớ gửi năm 1868 sau khi đã mất hết toàn cõi Nam Kỳ, cũng chính
Thân Văn Nhiếp trực tiếp vạch tội Tự Đức càng gay gắt hơn nữa: “Đất nước bị chiếm
đóng, giặc Thanh tung hoành khắp nơi. Nào lụt, nào hạn, nào gió, nào bão, đâu đâu cũng
báo hiệu tai ương; của hết, sức kiệt, dân không còn biết trông cậy vào đâu để sinh sống.
Kinh kỳ dao động, biến loạn nổi lên, tình thế nguy cấp thật quá sức tưởng tượng. Thế mà
gần đây công việc kiến trúc, hoang xa vô độ vẫn tiếp tục tiến hành. Vạn niên cơ so với
lăng Thiên thọ lớn gấp mười lần. Sắt, ngói phải gửi mua từ Hạ Châu, giày hia phải gửi
mua từ Trung Quốc. Gấm, vóc, trà, rượu năm nào cũng phải đi mua; đàn, địch, tranh,
ảnh năm nào cũng phải thanh toán Lầu trong nội vừa làm xong, lầu ngoài sông lại bắt
đầu xây dựng. Đương lúc trời hạn mất mùa, đói kém và cũng không hề dè dặt chút nào
Chúng tôi chỉ sợ một khi lòng người tan rã, thì dù có lầu cao, gác rộng cũng không ngồi
yên mà hưởng thụ được. Bệ hạ có nước mà không biết yêu nước. Chúng tôi chưa từng
dám tiếc cái chết, nên đã nhiều lần tâu lên mà không thấy bệ hạ sửa chữa cho ”, v.v
Được phong trào đấu tranh quyết liệt của nhân dân tiếp sức, văn học chữ Hán có
những khí sắc mới. Từ chỗ là món giải trí cho từng nhóm nhỏ người, những lúc họ gọi là
“trà dư tửu hậu”, văn học dần dần trở thành công cụ tuyên truyền cổ vũ mọi người tham
gia chống giặc cứu nước. Một chủ nghĩa nhân đạo mới được nhóm lên, bao gồm một
tinh thần yêu nước thắm thiết và một mối căm thù giặc sâu sắc. Văn học chữ Hán dần
dần trở nên thiết thực và hiện thực.
Có những sĩ phu yêu nước chân chính thời kì này vừa làm thơ, làm văn, vừa trực tiếp
cầm gươm, lãnh đạo nhân dân chống giặc. Đó là Phan Văn Đạt, Đỗ Trình Thoại, Nguyễn
Hữu Huân, Hồ Huân Nghiệp, Trần Thiện Chánh, Phạm Văn Nghị, Phan Đình Phùng,
Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Quang Bích, v.v
Có người không có cơ hội hoặc điều kiện tham gia đấu tranh trực tiếp, đã dùng
ngòi bút của mình để ca ngợi cuộc kháng chiến, đề cao nghĩa cử anh hùng của các lãnh
tụ nghĩa quân, và qua đó mà khích lệ, cổ vũ nhân dân tích cực chống giặc. Nếu không
như thế nữa thì cũng dùng một bút pháp đã có ít nhiều nhân tố hiện thực để tố cáo sự
thối nát của xã hội, sự ngột ngạt của chế độ, hoặc sự ươn hèn nhút nhát của bọn thống
trị. Đó là Phạm Văn Nghị (1805-1880) với Nghĩa Trai thi văn tập, Nguyễn Văn Siêu
(1799-1872) với Phương Đình thi văn loại, Nguyễn Thông (1827-1894) với Ngọa du
sào thi văn tập, Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) với những bài thơ chữ Hán của ông,
Miên Thẩm (1819-1870) với Thương Sơn thi tập, Trần Bích San (1840-1877) với Mai
Nham thi thảo, Hoàng Văn Hòe (1848-1885) với Hạc nhân tùng ngôn, v.v
Có một điều cần nói thêm là hệ thống ý thức chi phối phần lớn thơ văn của cả
những người trên này, vẫn là hệ thống ý thức phong kiến. Đọc từ tác phẩm này đến
tác phẩm khác, ta cứ bắt gặp tư tưởng tôn quân lảng vảng đi về như một thứ “con
ranh con lộn” chưa có thầy phù thủy cao tay ấn nào xua đuổi.
Không kể hồi sau kinh thành thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn (1805) phong trào
Cần vương nổi dậy khắp nước, mà vì danh nghĩa của nó (Cần vương: tất cả vì vua), thơ
văn chữ Hán mười lăm năm cuối thế kỉ đều nhuốm mùi tôn quân, cái đó đã đành. Nhưng
nhìn chung, kể từ buổi đầu, tư tưởng tôn quân không phải không có sức nặng bên cạnh
tư tưởng yêu nước chân chính. Danh từ đầu miệng của tất thảy các nhà thơ này là “trung
quân”, là “quân ưu thần nhục” (vua mà đến phải lo, thì bầy tôi nên lấy việc đó làm
nhục), v.v Đọc ngay Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ gần nhân dân hơn ai hết, chúng ta
cũng thấy điều này rất rõ.
Kể ra đây cũng là một hiện tượng tất yếu. Trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ,
người sĩ phu phong kiến - mà cho đến cả người dân bị áp bức bóc lột cũng thế thôi - họ
không còn trông cậy và tin tưởng ở ai khác ngoài vua. Nước với vua, trung quân với ái
quốc lúc bấy giờ là hai khái niệm gắn liền làm một.
Mặt khác nữa, không thể nào tìm thấy lại ở đây ý chí quật cường, tinh thần tự
hào dân tộc, như đã từng thấy trong các bài thơ Lý Thường Kiệt, Trần Quang Khải,
Phạm Ngũ Lão, trong Hịch tướng sĩ văn của Trần Quốc Tuấn, trong Phú Bạch Đằng
giang của Trương Hán Siêu, đặc biệt trong Bình Ngô đại cáo và Phú núi Chí
Linh của Nguyễn Trãi. Đến cả cái hơi nóng của thơ ca dân gian yêu nước đương
thời, tiếng dội của một Hịch đánh Pháp, một Hịch Lãnh Cồ chẳng hạn, cái khí thế
của con người đang tạm thời bị thua trận nhưng vẫn nắm chắc phần thắng lợi cuối
cùng, cái hào hùng của những tâm hồn dũng cảm, cái lạc quan tin tưởng của những
bản lĩnh kiên cường, đều không thể có được trong những thơ văn này.
Thơ văn chữ Hán của thời kì cuối thế kỷ này cũng chỉ là những thơ văn cuối
mùa! Trong lúc nó ca ngợi những chiến công oanh liệt của bao anh hùng nghĩa sĩ, hoặc
kêu gọi nhân dân chiến đấu chống xâm lăng một cách chân thành nhất, chúng ta vẫn
thấy trong đó có cái gì u buồn, bạc nhược héo hon, có cái gì như những tiếng thở dài
được ngăn chặn lại một cách vụng về!
Kể cũng dễ hiểu. Tất cả những nhà thơ nhà văn này đều thuộc giai cấp phong
kiến. Giai cấp đó, đến lúc này đã tàn lụn quá mất rồi. Nó đang ốm liệt, và rồi đây nếu
có trỗi dậy một lần cuối cùng, cũng là nhờ có đế quốc xâm lược đỡ lấy đằng lưng, và
nếu có cử động được tí nào lại là do bọn cướp giật giây. Những nhà thơ, nhà văn
phong kiến tiến bộ thời kì này, là tiến bộ trong cái chừng mực họ tiếp thụ ảnh hưởng
tốt đẹp của cuộc đấu tranh của nhân dân. Và chúng ta yêu quí thơ văn họ cũng là yêu
quí ở cái phần ảnh hưởng ấy.
Nhìn lại phần thơ văn này không phải không thấy những tác dụng tích cực của
nó. Tính chất chủ yếu của văn học chữ Hán thời kì này mà đồng thời cũng là tính
chất chủ yếu của văn học Việt Nam thời kì này nói chung - là tính chất trữ tình.
Trước cảnh nhà tan nước mất, bao nhiêu tình cảm chân thực, thiêng liêng bị kích
động: tình thương cha nhớ mẹ, tình yêu vợ tiếc con, tình anh em bè bạn, xóm làng,
và trên tất cả, bao trùm tất cả, tình yêu nước thương nòi, và căm thù giặc cướp
nước! Máu đổ xương rơi, chia lìa tang tóc, hỏi trong số những người lương thiện đã
sống thời kì đen tối này, mấy ai là không nếm ít nhiều mùi tổn thất, đau thương?
Văn học chữ Hán đã đảm nhiệm một phần trong việc phản ánh thực tế ấy. Thơ văn
của Nguyễn Xuân Ôn (1825-1889) trong Ngọc Đường thi văn tập, của Nguyễn
Quang Bích (1832-1889) trong Ngư Phong thi tập, hoặc các bài thơ và câu đối tuyệt
mệnh của khá nhiều lãnh tụ nghĩa quân như Hồ Huân Nghiệp, Nguyễn Hữu Huân,
Phan Đình Phùng, Nguyễn Duy Hiệu, Tống Duy Tân, v.v là những thơ văn sáng
ngời tiết tháo Đông phương, nói lên tinh thần bất khuất của dân tộc ta.
Bên cạnh yếu tố trữ tình, văn học chữ Hán thời kì này còn có hai khía cạnh mới
mẻ và cũng rất có giá trị, ấy là yếu tố hiện thực và châm biếm, trào phúng. Về mặt
này, chúng ta thấy có những thơ của Nguyễn Hàm Ninh (1808-1867) trong Tĩnh Trai
thi sao, Nguyễn Văn Siêu trong Phương Đình thi loại, Hoàng Văn Hòe trong Hạc
nhân trung ngôn, và Miên Thẩm trongThương Sơn thi tập. Yếu tố hiện thực phê phán
trong thơ Miên Thẩm, với những bài như Hô gia hử (Dô ta hò), Mại trúc(Bán
tre), Phù lưu tiền (Tiền cau trầu), Bổ hổ (Bắt cọp), Sát hổ (Diệt cọp), Cùng cư (Cảnh
nghèo đói), Lưu dân than (Lời than của những người đi lưu vong), Kim hộ thán (Lời
than của những người đi mò vàng), v.v đã lên đến mức độ của những lời tố cáo
đanh thép.
Phần thơ văn chữ Hán tiến bộ nửa sau thế kỉ XIX sẽ được kế tục và phát huy
vào những năm đầu thế kỉ sau với các phong trào Duy tân, Đông du, Đông kinh nghĩa
thục, v.v Về mặt hình thức nghệ thuật, thì vì nó sử dụng một thứ chữ ngày nay
không còn được phổ cập trong nhân dân ta nữa, nên chúng ta bất tất phải phân tích ở
đây. Nhưng về mặt nội dung mà nói thì nó vẫn có những giá trị lớn. Đó là những bài
học về tinh thần dân tộc chống đế quốc xâm lược, chống thỏa hiệp đầu hàng, chống
bè lũ bán nước hại dân. Đó là những bản cáo trạng vạch trần cơ cấu thối nát của xã
hội phong kiến cuối mùa, chế độ ngột ngạt của nhà Nguyễn. Tác dụng của nó ngày
nay vẫn còn nguyên vẹn