Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

Diễn ngôn gián tiếp tự do trong truyện ngắn Cá sống" của Nguyễn Ngọc Thuần pdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (195.24 KB, 6 trang )

Diễn ngôn gián tiếp tự do trong
truyện ngắn "Cá sống" của
Nguyễn Ngọc Thuần





Nguyễn Ngọc Thuần được biết đến như một tác giả viết truyện cho thiếu nhi với hai
tác phẩm nổi tiếng Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ và Một thiên nằm mộng. Tuy nhiên, mảng
viết dành cho người lớn của anh cũng là một đóng góp không nhỏ cho văn xuôi Việt Nam
đương đại. Tập truyện ngắn Cha và con và… tàu bay của Thuần đã được nhiều bạn đọc
cũng như giới phê bình đón nhận. Những giấc mơ mà tôi đi tìm, Bước qua một quãng đồi
dài, Ánh sáng trong đêm cồn cát… đều là những truyện ngắn tinh tế và dạt dào cảm xúc.
Nhưng có lẽ lạ và ấn tượng nhất trong số mười chín truyện ngắn của tuyển tập làCá sống.
Nó chỉ dài gần 9 trang sách khổ 12,5x20,5 nhưng tràn ngập những chi tiết kỳ quái, thậm chí
có thể coi đây là một truyện ngắn kinh dị.
Nhân vật kể chuyện (được viết từ ngôi thứ nhất) kể về cuộc sống của người cậu
thiểu năng trí tuệ. Anh ta nghiện ăn cá sống nguyên con, ngày nào gia đình cũng phải chu
cấp cá sống cho anh ta. Theo suy đoán của người anh rể (cũng là cha của nhân vật kể
chuyện), sở dĩ người cậu ra nông nỗi này là do bà ngoại lúc mang thai cậu toàn nằm mơ
những giấc mơ “quái quỉ” về biển cả, chẳng hạn bà mơ thấy mình sinh ra những con cá có
gai trên lưng. Có lẽ vì thế bà đã cho ra đời một đứa con nghiện ăn cá sống. Tuy không hài
lòng về căn bệnh tạp ăn của người em vợ nhưng người anh rể vẫn đi bắt cá đều đặn chu cấp
cho anh ta. Trong nhà có hai cái hồ nhỏ (một dạng bể chứa cá). Một hồ ngoài sân có hai ông
tiên đánh cờ dùng để thả khẩu phần cá hàng ngày cho người cậu. Một cái hồ bí mật khác ở
dưới gầm giường người anh rể dùng để trữ cá. Ở trong đó có hàng chục con cá ngày cũng
như đêm bơi lội trong bóng tối. Một hôm, vì vớ phải một con cá hung dữ “thơm mùi quỉ
sứ” nên người cậu đã bị chết thảm do con cá quẫy quá mạnh trôi tuột vào cổ họng. Sau khi
anh ta chết cái hồ cá bí mật bị lãng quên. Năm mươi con cá đã xâu xé ăn thịt lẫn nhau đến
mức hàm răng chúng trở nên “nhọn hoắt” còn khuôn mặt thì “gầy trơ xương”. Cho đến khi


hồ cá được mở ra thì chỉ còn lại một con cá “gớm ghiếc” duy nhất đang bơi lượn. Vì quá sợ
hãi nên gia đình đó đã phải đổ cả cá lẫn nước trong hồ chứa xuống con sông gần nhà.
Một câu chuyện khá rùng rợn. Những tính từ mang sắc thái kinh dị như “quái đản”,
“quái quỷ”, “quỷ sứ”, “ác quỷ”, “rùng rợn”, “gớm ghiếc”… được đưa vào liên tục suốt
chiều dài tác phẩm. Bản thân diện mạo của người cậu cũng được miêu tả đáng sợ, “miệng
đầy răng sâu”, “đôi mắt trắng dã”, “gục gặc đầu khi ăn cá”. Điều khác biệt ở đây là một câu
chuyện rùng rợn như thế lại được kể bằng môt giọng văn tinh tế, phảng phất chất thơ, vốn là
nét đặc trưng trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Thuần. Ngay từ những dòng đầu tiên
trong Cá sống ta có thể cảm nhận được chất thơ man mác của nó.
“Từ giây phút đó đã là quá muộn rồi (tác giả bài viết nhấn mạnh). Cuộc đời cậu đã
dạy dỗ cả nghìn con cá về sự sai lầm của chúng. Cậu ăn ngày ăn đêm. Tôi cũng chưa từng
thấy ai có thể ăn ngấu nghiến ngon lành như cậu”
(1)
.
Có thể nhận ra ngay câu đầu tiên của đoạn viết thuộc loại diễn ngôn gián tiếp tự
do (Free indirect discouse). Không đơn nghĩa như diễn ngôn trực tiếp (direct discouse) và
gián tiếp (indirect discouse), diễn ngôn gián tiếp tự do thường mở ra nhiều hướng tiếp nhận,
trở thành kiểu lời nói đặc trưng cho ngôn ngữ trần thuật đa thanh. Diễn ngôn gián tiếp tự do
thường xuất hiện với tần số cao ở những tác phẩm có sự xâm nhập lẫn nhau giữa truyện hư
cấu và tự truyện. Một trong những đặc điểm cơ bản của diễn ngôn gián tiếp tự do là tính
song điệu. Đây là kiểu lời nói có sự hòa trộn giữa ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ
nhân vật, giọng người kể và giọng nhân vật lẫn vào nhau. Không đồng nhất với độc thoại
nội tâm nhưng phần lớn diễn ngôn gián tiếp tự do đều gắn với ngôn ngữ độc thoại và dòng
tâm tư nhân vật
(2)
. Có thể thấy diễn ngôn gián tiếp tự do mở đầu cho Cá sống mang đầy đủ
những đặc điểm đã nêu trên. Câu văn không có chủ ngữ, nó giống như lời thốt ra từ miệng
hay tâm tưởng của nhân vật kể chuyện hoặc tác giả. Khi đọc Từ giây phút đó đã là quá
muộn rồi có ba câu hỏi được dấy lên gần như đồng thời. Giây phút đó là giây phút nào? Cái
gì quá muộn rồi? và Quá muộn đối với ai? Đây thực sự là một diễn ngôn lơ lửng giàu ám

gợi. Nó tạo nên chất thơ ngay từ phần mở đầu truyện ngắn. Trong Đây thôn vĩ dạ, câu thơ
đầu tiên Sao anh không về chơi thôn Vĩ? cũng đã từng tạo ra những câu hỏi thắc mắc từ
phía độc giả. Người đặt câu hỏi trên là nam hay nữ? Anh ở đây là ai? Đó là một nguời đàn
ông cụ thể hay chỉ là một đại từ nhân xưng được xướng lên với mục đích nhằm tạo ra một
vần thơ lửng lơ, không xác định? Và liệu có phải tác giả đã tự vấn chính mình vì để vợi đi
phần nào tâm trạng cô đơn, buồn bã? Vân vân và vân vân. Tuy diễn ngôn gián tiếp tự do
mở đầu của Cá sống không mơ hồ và bí ẩn như Sao anh không về chơi thôn Vĩ? nhưng rõ
ràng nó cũng phảng phất nỗi phiền muộn và tiếc nuối.
Ở trang thứ tư của truyện ngắn ta lại gặp một diễn ngôn gián tiếp tự do khác.
“Con người ta sống chỉ bằng những ám ảnh. Lúc đầu tôi không tin ý nghĩ này, dù
nó cứ luôn vụt qua đầu tôi. Nhưng bây giờ thì tôi tin rồi”
(3)
.
Lần này thì chính tác giả truyện ngắn chủ động in nghiêng câu đầu tiên của đoạn văn
và cũng là một diễn ngôn gián tiếp tự do quan trọng khác trong Cá sống. Vẫn không xác
định được chính xác ai là chủ thể phát ngôn (nhân vật kể chuyện hay tác giả?), chỉ biết rằng
lời thốt ra đó tràn ngập cảm giác hoài niệm và day dứt. Và đó cũng chính là cảm xúc chủ
đạo của truyện ngắn này.
Diễn ngôn gián tiếp tự do tiếp theo trong Cá sống nằm ở trang thứ tám.
“Đã nói con người ta sống chỉ bằng những ám ảnh mà. Nó ám ảnh cả mười năm
sau. Hai mươi năm sau và hơn thế”
(4)
.
Tác giả láy lại diễn ngôn gián tiếp tự do đã được sử dụng ở trang thứ tư. Vẫn là một
lời thốt ra lơ lửng, không thể xác định rõ chủ ngữ. Ngoài ra, truyện ngắn này mang dáng
dấp tự truyện hư cấu nên khó xác định được câu “Đã nói con người ta chỉ sống bằng ám
ảnh mà” là lời của nhân vật kể chuyện hay chính tác giả. Khi một diễn ngôn tự do lơ lửng
như vậy xuất hiện câu chuyện dường như được tạm ngưng lại, một thoáng ngơi nghỉ xen
vào giữa bề bộn những sự cố kinh dị về cá. Một cảm giác bâng khuâng, hoài niệm từ đâu đó
chợt xen vào. Và từ đó, ấn tượng về một giọng kể đa thanh đã xuất hiện trong cảm nhận của

người đọc.
Kết thúc truyện, chúng ta lại gặp một diễn ngôn tự do khác, nó bắt đầu bằng một lời
văng tục.
“Vứt mẹ nó xuống sông, trút nó xuống như người trút một nỗi sợ hãi: vội vàng,
không kịp suy tính và sau khi về nhà lại tiếp tục mang nó trong tâm tưởng mình. Nó
làm chúng tôi nhớ về cậu, nhớ những buổi sáng, cậu đã ngồi nhìn những con cá hung ác kia
với một ánh mắt trẻ thơ nhất…”
(5)
.
Lời văng tục trên không hề ảnh hưởng tới chất thơ phảng phất trong Cá sống. Trái
lại, nó giống như một nhát cắt bất ngờ nhưng hợp lý. Những thứ được trút đi ở đây đều
hung hiểm, dơ bẩn giống như là hiện thân của Quỷ. Cho dù quá khứ vẫn ám ảnh nhưng dẫu
sao nó cũng đã kết thúc.
Nhiều bạn đọc cho rằng Cá sống mang những ẩn dụ về nhân sinh nghiệt ngã kiểu
như “ác giả ác báo” hay “cá lớn nuốt cá bé”. Nhưng chưa chắc đó là chủ ý của Nguyễn
Ngọc Thuần. Bản năng nguyên thủy của người cậu thiểu năng (ăn cá sống) cũng như cái
cách người ta đối xử với những con cá hiền lành (nhốt cá trong bể kín rồi bỏ quên) đều tạo
ra những khoảnh khắc thật kinh hãi của thực tại. Có thể thấy sự hiện diện của quỷ tính tràn
ngập trong Cá sống. Vậy thì quỉ tính luôn ngự trị ngay trong tâm trí con người hay thực ra
nhiều khi, nó được tạo ra một cách ngẫu nhiên và tình cờ? Cả hai nhân vật trong truyện,
người cậu và anh rể của anh ta, đều là những người lương thiện. Người cậu thiểu năng luôn
ăn cá với nụ cười hiền lành. Ngoài việc ăn cá sống ra anh ta chẳng làm gì hại ai. Người anh
rể là người luôn có trách nhiệm với em vợ. Ông ta nhốt cá trong bể kín cũng chỉ vì muốn dự
trữ thức ăn cho người em vợ và cũng để anh ta không ăn quá nhiều cá sống đến mức lâm
bệnh. Vậy mà những sự kiện quỷ quái cứ liên tiếp xảy ra để rồi trở thành nỗi ám ảnh của cả
gia đình trong chuỗi ngày dài sau đó. Điều đáng chú ý ở đây là thái độ của người kể chuyện
hoặc cũng có thể coi là của chính tác giả với những sự cố rùng rợn đã diễn ra. Một loạt diễn
ngôn gián tiếp tự do cài đặt suốt chiều dài câu chuyện không hề bộc lộ thái độ ghê tởm hay
ghét bỏ, có chăng chỉ là chút hối tiếc và những ám ảnh dai dẳng về cá. Thực ra, việc sử
dụng một loạt diễn ngôn gián tiếp tự do để tạo ra một mạch thơ ngầm xuyên suốt tác phẩm

không phải một thủ pháp sáng tác quá xa lạ. Cách đây nửa thế kỷ, nhà văn mỹ Toni
Morrison đã từng tạo ra một mạch ngầm tương tự trong cuốn tiểu thuyết Mắt biếc.
Thay bằng việc đánh số cho mỗi chương Morrison đã đặt tên chương theo mùa: Mùa thu,
mùa đông, mùa xuân, mùa hạ. Ở đầu mỗi chương bà đưa vào những dòng kể bâng quơ
giống như lời nói ngô nghê dễ thương của con trẻ. Đây là căn nhà màu xanh và trắng có
cửa màu đỏ căn nhà thật xinh xắn thật xinh xắn xinh xắn xinh xắn. Hay Hãy nhìn con mèo
nó vừa đi vừa kêu meo meo lại đây chơi lại đây chơi với Jane mèo ơi mèo con không thèm
chơi chơi chơi chơi chơi và cuối cùng là Nhìn nhìn đây này một người bạn đến bạn sẽ chơi
đùa với Jane chúng sẽ chơi đùa rất vui Jane chơi đùa đi Jane
(6)
. Cho tới khi câu chuyện kết
thúc, những dòng viết mào đầu mỗi chương khiến bạn đọc lờ mờ hình dung ra một cô bé
tên là Jane, cô sống rất hạnh phúc với bố mẹ và những người bạn của mình và điều này
dường như chẳng ăn nhập gì với số phận bi thảm của những cô bé da đen tội nghiệp. Có lẽ
vì sợ khó hiểu cho độc giả Morrison đã gộp tất cả những dòng này lại và đưa vào trang đầu
tiên của tiểu thuyết. Thực ra chỉ cần đọc kỹ một chút độc giả có thể hình dung ra tác giả cố
đưa vào tiểu thuyết một lạch ngầm xuyên suốt nhằm bật lên cuộc đời khốn đốn của những
bé gái da đen nghèo khổ mà hình ảnh của những cô bé như Jane (có lẽ là da trắng) cứ lơ
lửng chập chờn khiến cho chúng lúc nào cũng thèm muốn và tuyệt vọng.
Trở lại với Cá sống, nếu như gộp tất cả những lời gián tiếp tự do và sắp đặt
chúng đúng như thứ tự trong truyện chúng ta sẽ có một khổ thơ tự do bốn câu
Từ giây phút đó đã là quá muộn rồi
Con người ta chỉ sống bằng những ám ảnh
Đã nói con người ta chỉ sống bằng những ám ảnh mà
Vứt mẹ nó xuống sông, trút nó xuống như người ta trút
một nỗi sợ hãi
Không thể qui kết Nguyễn Ngọc Thuần đã xé lẻ một bài thơ nào đó của mình rồi
dùng từng câu một cài đặt rải rác trong truyện ngắn Cá sống. Nhưng chắc chắn không phải
ngẫu nhiên mà chúng đều là những diễn ngôn lơ lửng giàu chất thơ. Một mạch thơ ngầm
xuyên suốt đã được tạo ra, nó khiến cho Cá sống có một cấu trúc thơ thực sự. Cấu trúc thơ

đó cùng với giọng kể được tết dệt từ những câu văn tinh tế, trong vắt đã biến một câu
chuyện kinh dị về cá trở thành một tác phẩm nghệ thuật thuần khiết đầy ám gợi

×