Tải bản đầy đủ (.pdf) (4 trang)

Tương đồng mô hình cốt truyện dân gian và những sáng tạo trong "Truyền kì mạn lục" của Nguyễn Dữ_3 pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (181.95 KB, 4 trang )


Tương đồng mô hình cốt
truyện dân gian và những sáng
tạo trong "Truyền kì mạn lục"
của Nguyễn Dữ




Thứ nhất, Truyền kỳ mạn lục thuộc bộ phận văn học viết, có chủ thể sáng tạo là
Nguyễn Dữ, có sự phân chia thành quyển, tập, được đặt trong một cấu trúc riêng, có
thứ tự, lớp lang, hệ thống. Nhà nghiên cứu Phạm Văn Thắm đã khu biệt và nhấn mạnh
sự khác biệt giữa hai kiểu sáng tác này: “Truyền kỳ mạn lục gồm 4 quyển, 20 truyện,
tiêu đề của mỗi truyện đều mang từ “ký”, “truyện” hoặc “lục”. Mỗi từ “ký”, “truyện”,
“lục” đều mang nét nghĩa “ghi chép”; ở một góc độ tâm lý, nét nghĩa này phản ánh sự
khiêm tốn của tác giả coi công việc của mình chỉ là sự ghi chép những câu chuyện có
nguồn gốc trong dân gian. Nhưng sự thực đây không phải là một sưu tập truyện cũ mà
là một sáng tác phẩm được người xưa đánh giá là Thiên cổ kỳ bút”
(13)

Thứ hai, khác với tính phiếm chỉ trong truyện dân gian, Truyền kỳ mạn lục gia
tăng tính xác thực và nội dung hiện thực của cốt truyện bằng việc biên chép rõ danh
tính, quê quán, tuổi tác, nghề nghiệp của nhân vật và thời gian, địa điểm xảy ra sự
kiện. Trong số các nhân vật này có nhiều vị là nhân vật lịch sử, được ghi chép trong
chính sử như Hồ Tông Thốc, Hạng Vương, Nguyễn Trung Ngạn, Trần Phế Đế, Hồ
Quý Ly, Ngô Chi Lan… Có thể nói các nhân vật lịch sử này thường chỉ đóng vai trò
“chiếc đinh” nhưng treo vào đó không phải là thực tại đời thường mà là những câu
chuyện hư ảo, thần tiên, ma quái. Thủ pháp đan xen, pha tạp giữa thực và ảo, tỉnh và
mơ, sinh và tử, người và ma, trần gian và tiên cảnh… đã tạo nên một không - thời gian
đặc trưng của thể loại truyện truyền kỳ, phản ánh trí tưởng tượng và sức sáng tạo nghệ
thuật đặc biệt phong phú của Nguyễn Dữ.


Thứ ba, khác với các biến cố làm nên sự vận động của thế giới nhân vật và cốt
truyện trong truyện dân gian thường có sự tham dự, tác động của lực lượng siêu nhiên
(trời, bụt, thần, tiên, ma, quỷ, phù thuỷ, đạo sĩ…), các nhân vật trong Truyền kỳ mạn
lục trước hết là con người, sau đó mới tham dự hoặc tự biến mình trở thành nhân vật
siêu nhiên, đồng đẳng với các nhân vật siêu nhiên, giữ vai trò chủ động để tự mình làm
nên sự kiện và cốt truyện giữa thế giới kỳ ảo. Sự khác biệt này xác định vai trò của chủ
thể sáng tạo và khả năng hư cấu của Nguyễn Dữ với tư cách người chủ sở hữu văn bản
nghệ thuật thuộc loại hình văn học viết.
Thứ tư, Nguyễn Dữ đã gia tăng các lời độc thoại và đối thoại, chuyển hoá lời kể
chuyện trong truyện dân gian thành lời đối thoại tham dự vào biến cố, lời đối thoại
mang tích sự kiện, lời đối thoại mang tính cốt truyện và biểu lộ rõ tính cách nhân vật.
Trong một chừng mực nhất định, ngôn ngữ đối thoại ở nhiều nhân vật đã được cá tính
hoá; chẳng hạn lớp từ đối thoại giữa Hồ Tông Thốc và Hạng Vương đều thiên về giọng
điệu quan phương, thuyết lý, chính luận (Câu chuyện ở đền Hạng Vương), những lớp
từ độc thoại của Dương Tạc, lời đối thoại của Thiên Tích với vợ, lời đàm đạo của
Thiên Tích với đạo sĩ đều phù hợp với tính cách nhân vật và tính sinh động, đa dạng
của kiểu truyện bao gồm nhiều lớp cốt truyện (Truyện gã trà đồng giáng sinh) Thêm
nữa, khả năng gia tăng lớp từ ngữ đời thường trong câu đối thoại cũng khiến các thiên
truyện trở nên giàu màu sắc hiện thực, góp phần dẫn dắt người đọc tin theo một thế
giới hư ảo, bịa như thực, “nửa tin nửa ngờ”, “có có không không”
Thứ năm, Nguyễn Dữ chủ ý gia tăng các bài ca, từ, văn tế, thơ trường thiên, thơ
Đường luật và tạo nên hiện tượng hỗn dung thể loại trong Truyền kỳ mạn lục. So với
truyện dân gian đôi khi cũng xuất hiện lời ca (chủ yếu là ca dao và đồng dao)
thìTruyền kỳ mạn lục lại đan xen, lưu giữ nhiều tác phẩm thi ca gắn với từng nhân vật
cụ thể. Rất khó tách bạch đâu là bài thơ do Nguyễn Dữ sáng tạo rồi đặt vào lời nhân
vật và đâu là những bài do ông sưu tập, chỉnh lý rồi gán ghép cho nhân vật. Điều này
góp phần tạo nên tính chất đa giọng điệu của Truyền kỳ mạn lục nói riêng và văn xuôi
dưới thời trung đại nói chung.
*
Từ sự khảo sát trên có thể thấy tác phẩm Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ vừa

có sự tương đồng vừa có sự tiếp nối, phát triển trên nền tảng kiểu thức xây dựng cốt
truyện dân gian. Đặt trong mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết dưới
thời trung đại, hiện tượng Truyền kỳ mạn lục dường như là minh chứng xác đáng cho
xu thế cá thể hoá vai trò chủ thể nhà văn và nằm trong cộng đồng sáng tạo nghệ thuật
đã được nhà nghiên cứu Lê Kinh Khiên đúc kết: “Xác định cái riêng, cái độc đáo của
mỗi tác giả trong việc sử dụng, cải biên, đồng hoá chất liệu dân gian và hiệu quả tư
tưởng - thẩm mĩ của sự sáng tạo đó. Đây là một phương diện thể hiện cá tính và bản
lĩnh nghệ thuật của tác giả. Từ đó có thể nói đến những bài học cụ thể trong việc tiếp
thu, vận dụng kinh nghiệm nghệ thuật dân gian vào việc sáng tạo nền văn học
mới”
(14)
… Chúng tôi nhấn mạnh thêm, ở trường hợp Nguyễn Dữ, chắc chắn ông chưa
có ý thức “tiếp thu, vận dụng kinh nghiệm nghệ thuật dân gian” nhưng hệ thống cốt
truyện trong Truyền kỳ mạn lục thực sự có tính tương đồng với truyện dân gian, phản
ánh trí tưởng tượng kỳ diệu của Nguyễn Dữ trong một thể loại độc đáo có tên gọi
truyền kỳ, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển nền văn xuôi dân tộc dưới thời
trung đại

×