Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

“Tiến sĩ giấy” của Nguyễn Khuyến - Hình tượng nghệ thuật đa nghĩa_2 potx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (168.72 KB, 7 trang )

“Tiến sĩ giấy” của Nguyễn
Khuyến - Hình tượng nghệ
thuật đa nghĩa

Ở đây, thêm một lần nữa tác giả tiếp tục khắc họa sâu thêm sự đối lập,
tương phản gay gắt giữa cái bên ngoài và bản chất thật của ông tiến sĩ.
Cụm từ ghế chéo lọng xanh vẫn gây cho người đọc ấn tượng về dáng vẻ
oai vệ vốn có của nhân vật có học vấn cao nhất đương thời. Nhưng lần
nâng lên cuối cùng này cũng sẽ là lần Nguyễn Khuyến giáng cho đối
tượng trào phúng đòn hạ bệ chí mạng nhất. Giọng điệu mỉa mai, hài
hước của hai chữ bảnh chọe đã giết chết, đã vạch rõ cái oai phong của vị
tiến sĩ kia thực chất chỉ là cái mẽ giả dối bên ngoài :

Tưởng rằng đồ thật hóa đồ chơi.

Thật là một hình ảnh thảm hại! Cái kẻ mà ghế chéo lọng xanh ngồi bảnh
chọe ấy hóa ra là một thứ con rối chịu để kẻ khác giật dây mà thôi. Cái
xã hội bát nháo ấy, cái thứ triều đình bù nhìn toàn những quan chèo vai
nhọ khác chi thằng hề ấy nhất định chỉ có thể sản sinh ra cái thứ hàng
mã này. Mà cái kẻ đứng đằng sau giật dây tất cả lũ rối người ấy từ trên
xuống dưới không ai khác chính là bè lũ thực dân cướp nước. Nguyễn
Khuyến đã nhìn thấy tất cả điều đó và ông kín đáo đưa ra trào phúng đại
diện ưu tú nhất nhưng đã trở nên lỗi thời của cái thể chế đó.

Tam nguyên Yên Đổ đã táo bạo đưa vào trong thơ mình những hư từ, lời
nói khẩu ngữ kiểu như: cũng cũng, kém ai, sao mà nhẹ, ấy mới hời,
tưởng rằng , đưa chất văn xuôi, chất thế tục vào trong một thể thơ có
tính ước lệ, tượng trưng cao như thơ Đường luật, khiến cho thể thơ này
trở nên gần gũi hơn, giàu giá trị hiện thực hơn. Nhà thơ phát hiện mâu
thuẫn đáng cười ở đối tượng qua những nét đối lập của sự đồng dạng,
giống nhau, (tiến sĩ thật - tiến sĩ giấy). Đó là những mâu thuẫn, những


điều lố bịch gây cười có ngay trong bản thân đối tượng mà chính nó
không hề ý thức được. Lối trào phúng của ông già Yên Đổ là lối trào
phúng gián tiếp, kín đáo và thâm thúy, ý định trào phúng của người viết
không bộc lộ trên bề mặt văn bản mà chìm sâu sau những hình ảnh và từ
ngữ. Muốn hiểu được tiếng cười của ông, buộc phải qua những bước
“giải mã”, suy đoán, bóc tách từng lớp ngôn từ, ẩn ngữ với những ẩn dụ,
phúng dụ Để nhận ra thực chất của loại tiến sĩ thật dưới chế độ nửa
thực dân phong kiến thì phải có tri thức về thứ đồ chơi trung thu của trẻ
nhỏ - hình nộm ông nghè tháng Tám; hay muốn biết về thân phận vua
hề, quan nhọ dưới chế độ thực dân nô lệ thì phải hiểu nghệ thuật chèo,
đặc biệt là hề chèo (bài thơ Lời vợ người hát phường chèo) v.v Rõ
ràng, để có được sự thành công khi sử dụng lối trào phúng này, tác giả
phải là người trong cuộc, phải am hiểu đối tượng, nếu không sẽ tạo nên
những cú đánh trượt. Nguyễn Khuyến hiểu đối tượng sâu sắc như vậy
chính vì ông là con đẻ của chế độ khoa cử triều Nguyễn và là người đạt
đến đỉnh cao vinh quang của học vấn đương thời. Nhưng con người ấy
đã dần đánh mất niềm tin vào chế độ, vào triều đình, vào vốn học vấn
của mình trước thực tế lịch sử, khi mà tất cả vũ khí vật chất và tinh thần,
tất cả thế ứng xử truyền thống tồn tại hàng ngàn năm của dân tộc đã bị
kẻ thù mới bẻ gãy một cách dễ dàng. Ông cũng cảm thấy nghi ngờ cả tài
năng, sức lực của lớp người đại diện cho tinh hoa của chế độ ấy và nghi
ngờ chính bản thân mình. Bởi trong số những ông nghè tháng Tám hết
thời ấy có cả bản thân Nguyễn Khuyến nhưng tất nhiên ông Tam nguyên
phủ Yên Đổ hoàn toàn khác với những kẻ hữu danh vô thực đương thời.
Điều ấn tượng và độc đáo ở đây là cái hài hước ấy xuất phát từ trong
lòng đối tượng bị phê phán. Sự phủ định rõ ràng còn có thêm màu sắc tự
phủ định. Tính bi hài của hình tượng văn học nhờ vậy càng trở nên sâu
sắc gấp bội. Tính tự trào của bài thơ cũng hé mở cho ta nhận thấy, nghe
thấy, chứng kiến một cuộc đối thoại và một cuộc tự đối thoại của nhà
thơ với chính mình - tiếng nói phản tỉnh của một người trong cuộc. Đó

cũng chính là tiếng nói phản chính thống, một hành vi tưởng như là nói
ngược nhưng thực chất lại phản ánh một cách chính xác nhất bản chất
của xã hội và sự tha hóa của lớp người đại diện cho tinh hoa của thể chế
đương thời. Tiến sĩ giấy là biểu hiện rõ nhất của tiếng nói tự trào.
Nguyễn Khuyến đã lấy việc khách thể hóa bản thân để bộc lộ tâm trạng
mình. Tiếng nói lưỡng phân đa chiều, vừa hướng nội, vừa hướng ngoại
này chỉ có được khi con người tự ý thức được tình trạng bi hài của mình
trước thực tế lịch sử, nó bộc lộ những day dứt, trăn trở, những mâu thuẫn
trong chính bản thân nhà thơ, bỏ xa kiểu con người đơn nhất trong văn
chương trung đại. Trong văn học trào phúng, phê phán và phủ định điều
này cũng chính là để khẳng định, bảo vệ một chân lí nào đó. Nguyễn
Khuyến châm biếm, đả phá cái giả Nho, cái vô dụng, chính là để khẳng
định cái chân Nho, khẳng định những giá trị truyền thống của dân tộc,
khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của riêng mình để tự phản tỉnh
trước thực tế của sự khủng hoảng các giá trị đạo đức đương thời.

Mỹ học về cái hài dường như không bao quát hết những sắc thái đa diện
của thi tài Nguyễn Khuyến. Trong Tiến sĩ giấy nói riêng và trong thơ tự
trào của ông nói chung, cái hài thường bị cái bi lấn át. Điều đó cũng
khiến cho tính trữ tình, sự kết hợp giữa hai phẩm chất trào phúng và trữ
tình trong các bài thơ trào phúng của ông trở nên nhuần nhuyễn, ý thơ
như còn đọng mãi trong lòng người đọc. Vì vậy, Nguyễn Khuyến tự
trào, tự giễu cợt mình, về mặt khách quan, cũng chính là đang trào
phúng cả một tầng lớp đại diện cho một xã hội thối nát, một nền học vấn
đã hết thời, và một giai cấp đang từng bước chấm dứt vai trò lịch sử.
Danh vị tiến sĩ nay đã trở thành trò hề, trở thành thứ đồ chơi để dứ thằng
cu, mà mỗi lần nhìn thấy thứ hình nộm ấy, vị Tam nguyên lừng lẫy một
thời, vị quan đại thần của triều đại đương thời lại cứ tưởng như người ta
đang đem mình ra để bỡn cợt:


Rõ chú hoa man khéo vẽ trò
Bỡn ông mà lại dứ thằng cu.
(Vịnh tiến sĩ giấy, I)

Nghĩ mình cũng gớm cho mình nhỉ
Thế cũng bia xanh, cũng bảng vàng.
(Tự trào)

Có lẽ Nguyễn Khuyến là người trí thức đầu tiên trong thời đại ông có
được cái nhìn tỉnh táo như vậy. Không phải người trí thức nào trong cơn
phong ba của lịch sử cũng nhận ra được những hạn chế tất yếu của giai
cấp mình, thừa nhận sự bất lực của nó trước thực tế lịch sử. Nguyễn
Khuyến lớn chính vì ông đã sớm nhận ra tất cả những điều đó.

Rõ ràng, bên cạnh màu sắc bi, hài, tự trào thấm đẫm chất trữ tình, thơ
trào phúng Nguyễn Khuyến còn mang tính triết lý sâu sắc về nhiều vấn
đề xã hội, trong đó nổi bật là triết lý về thân phận của người trí thức, của
lớp nho sĩ cuối mùa tầng lớp mang trong số phận của mình bi kịch có
tính chất nhân loại ở buổi giao thời dưới chế độ thực dân nửa phong
kiến. Nguyễn Khuyến đã tự phản tỉnh mình, tự ý thức được thân phận
con người thừa của mình, thấy mình là một hủ nho trong thời buổi mới.
Mặc cảm con người thừa, con người vô tích sự phải đến Nguyễn Khuyến
và đặc biệt Tú Xương sau này mới thật sự rõ nét. Tuy nhiên về chủ đề
này giữa hai nhà thơ có những khác biệt cơ bản. Tú Xương cũng có bài
thơ Tiến sĩ giấy nhưng hình tượng nhân vật của ông không có lớp nghĩa
tự trào, không có màu sắc bi kịch và ít chi tiết khắc họa mang tính điển
hình. Con người không có duyên phận với khoa cử này đứng ở thế đối
lập với những kẻ mang danh khoa bảng mà không phải là người trong
cuộc, người ở trên nhìn xuống như Nguyễn Khuyến. Vì vậy ông Tú có
thể chửi thẳng mà không e dè và cũng không hề có chút chua xót cho đối

tượng bị trào phúng :

Ông đỗ khoa nào, ở xứ nào ?
Thế mà hoa hốt với trâm bào ?
Mỗi năm ngày tết trung thu đến
Tôi vẫn quen ông chẳng muốn chào.

Có thể thấy, hình tượng Tiến sĩ giấy của Nguyễn Khuyến mang tính đa
nghĩa, giàu liên tưởng và cũng là hình tượng có tính điển hình và tính
khái quát cao độ hơn. Điểm chung giữa hai tác giả chính là tấm lòng ưu
ái suốt đời trăn trở vì dân, vì nước được thể hiện phong phú qua những
bài thơ giàu giá trị nghệ thuật.

Tiến sĩ giấy không chỉ là thành tựu nghệ thuật tiêu biểu của thơ Nguyễn
Khuyến mà còn là một trong những hình tượng điển hình có giá trị nhất
của văn học trào phúng Việt Nam ở giai đoạn đỉnh cao. Tiến sĩ giấy
cũng không chỉ có ý nghĩa nhất thời, chỉ diễn ra trong thời đại của Tam
nguyên Yên Đổ mà còn là hình tượng nghệ thuật mang giá trị phổ biến,
chỉ những kẻ bề ngoài mang danh của người có học thức cao nhất nhưng
thực chất bên trong lại không tương xứng với cái nhãn mà mình đang
mang. Những nhân vật đó thời nào cũng có, đặc biệt trong những giai
đoạn mà những giá trị thật giả lẫn lộn, đồng tiền lên ngôi, thời kỳ mà
con người được định giá bằng đủ thứ danh hiệu hình thức thì loại người
đó càng nhiều. Họ có thể là những kẻ mua danh bán tước, những tiến sĩ
giả, nhưng họ cũng có thể là những người đi học thật nhưng tài năng
kém cỏi và Nguyễn Khuyến chính là người đầu tiên đã tổng kết hiện
tượng xã hội đó thành một hình tượng nghệ thuật điển hình tượng trưng
cho mọi thời đại. Điều đó đã khẳng định giá trị sáng tạo và sức sống bền
vững muôn đời của thơ ca Tam nguyên Yên Đổ.

×