Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

G. W. G. Hegel - HIỆN TƯỢNG HỌC TINH THẦN [Phần 1]:Ý THỨC_5 pps

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (113.11 KB, 6 trang )

G. W. G. Hegel - HIỆN TƯỢNG HỌC
TINH THẦN [Phần 1]:Ý THỨC

tức thì tôi cũng đang nói về nó như cái hoàn toàn phổ biến bởi mọi sự
vật đều là một sự vật cá biệt; và cũng thế, “sự vật này” là mọi sự vật và
là bất kỳ sự vật nào người ta muốn. Nói một cách chính xác hơn, chẳng
hạn “tờ giấy này” thì mọi tờ giấy và bất kỳ tờ giấy nào cũng là “một tờ
giấy này” và tôi lúc nào cũng chỉ nói một cái phổ biến. Nhưng nếu tôi
không cho việc nói ra được lên tiếng bằng ngôn từ nữa – vì việc nói ra
có bản tính mầu nhiệm là đảo ngược trực tiếp cái “cho rằng” thành một
cái gì khác – bằng phương cách cứu vãn là [dùng tay] chỉ ra tờ giấy này,
thì tôi lại sẽ nếm trải kinh nghiệm trong thực tế về tính chân lý của sự
xác tín cảm tính: tôi chỉ nó ra như một cái Ở đây, nhưng đó là một cái Ở
đây của những cái Ở đây khác, hay nơi bản thân cái Ở đây đã là một tập
hợp đơn giản (ein einfaches Zusammen) của nhiều cái Ở đây, nghĩa là
một cái phổ biến. | [Bây giờ] Tôi tiếp thu (aufnehme) cái phổ biến này
đúng như là nó trong sự thật, và, thay vì biết về một cái trực tiếp, tôi
“NẮM LẤY CÁI ĐÚNG THẬT”, tức tôi tri giác nó (202).

(còn nữa)

Nguồn: Georg Wilhelm Friedrich Hegel. 2006. Hiện tượng học tinh thần
(Phänomenologie des Geistes). Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Hà
Nội: Nxb. Văn học. Bản điện tử của dịch giả Bùi Văn Nam Sơn. Bản đăng
trên triethoc.edu.vn có sự cho phép của dịch giả.


(177)“Die sinnliche Gewißheit oder das Diese und das Meinen”:Trong
“Hiện tượng học” nói chung, và trong cấp độ “ý thức” nói riêng, luôn có
sự đối lập và khác biệt giữa “sự xác tín” (die Gewißheit) chủ quan và
sự thật (hay chân lý) (Wahrheit) khách quan. “Sự xác tín” đầu tiên là


“sự xác tín” [của kinh nghiệm] cảm tính (die sinnliche Gewißheit). Sự
xác tín cảm tính “cho rằng” (meint) mình nắm được “cái này” (tức, cái
cá biệt, cụ thể) một cách trực tiếp, nhưng sự thật sẽ cho thấy không
phải như thế. Hegel đối lập việc “cho rằng” (meinen) với “tri giác”
(wahrnehmen), và chơi chữ khi gợi nên sự gần gũi giữa chữ “mein”
(của tôi) với “meinen” (cho rằng) để chỉ tính chủ quan, ngây thơ của sự
xác tín cảm tính, vì thế, nên hiểu “meinen” là “tư kiến chủ quan của tôi
về “cái này””.


(178)“Cái biết” (das Wissen):cái biết chủ quan, chưa phải là “nhận
thức” (das Erkennen). Xem chú thích 5.


(179) Chúng tôi dịch:
- das Wahre: cái đúng thật; wahrhaft: đúng thật, chân thực
- die Wahrheit: sự thật, chân lý, tính chân lý
- das Sein: tồn tại; Dasein, Existenz: hiện hữu [trực tiếp]; das Seiende:
cái đang hiện hữu [trực tiếp] trong môi trường của sự tồn tại.


(180) Sự thật của sự xác tín này khác với những gì sự xác tín chủ quan
ấy “cho rằng” hay “tưởng thật”. Cái trực quan ngây thơ cảm tính thực
ra là cái nghèo nàn nhất khi nó tưởng là phong phú nhất. Nên sự thật
của sự xác tín này chỉ là cái “Tồn tại” trừu tượng, nghèo nàn của
Parmenides: như sẽ thấy, cái sự việc hay sự vật “cá biệt”, cụ thể, phong
phú mà sự xác tín cảm tính “tưởng rằng” đã nắm được, thật ra trong sự
thật, chỉ là cái “Phổ biến” (trừu tượng, không cụ thể, không có chi tiết
phong phú).



(181)“Sự trung giới” (Vermittlung/Anh, Pháp: mediation): thuật ngữ
quan trọng của Hegel; xem: chú thích 58.


(182)“mannigfaltige” (đa tạp): tính đa tạp của việc trung giới, của
những thuộc tính là thuộc về cấp độ sau: Tri giác. Ta lưu ý đến sự song
hành hay tương đương giữa các quy định của “cái Tôi” và “đối tượng”.


(183)“beiherspielen”: Hegel dùng chữ “beiherspielen” đi kèm với chữ
“Beispiel” ở câu sau để chơi chữ: một “trường hợp điển hình”, một “ví
dụ” (Beispiel) diễn trò hay phụ diễn (beiherspielen) ở bên cạnh cái Bản
chất. Nghĩa là ở đây, cái cá biệt (mà sự xác tín chủ quan nhắm đến) và
cái phổ biến (sự thật của nó) chưa thâm nhập vào nhau thực sự, trái
lại, cái cá biệt chỉ là “một ví dụ” của cái phổ biến.


(184)Đây là “cái Tôi” theo nghĩa là nhà hiện tượng học phân tích tiến
trình kinh nghiệm (xác tín cảm tính) đã trải qua, cho thấy quan hệ trong
sự xác tín cảm tính thực ra không phải là quan hệ trực tiếp mà là được
trung giới. Dưới đây, ta sẽ thấy bản thân sự xác tín cảm tính cũng sẽ tự
trải nghiệm điều này trong tiến trình tự kiểm tra chính mình.


*Chú ý: từ §93 đến cuối sách, các tiểu mục (trong dấu [ ]) là của người
dịch, căn cứ vào cách đặt tên các tiểu mục của bản Lasson, để người
đọc dễ theo dõi. (N.D).



(185)Nếu đối với ta [“cho ta: nhà hiện tượng học phân tích kinh nghiệm
đã qua], yếu tố này chỉ có được là thông qua yếu tố kia; thì, đối với bản
thân sự xác tín cảm tính (còm chìm đắm trong kinh nghiệm trực tiếp,
tức là “tự-mình”) thoạt đầu “cho rằng” chính đối tượng mới là cái bản
chất, còn cái biết (chủ quan) là không-bản chất. Sau sự thất bại của lần
kiểm tra này, nó lại quay sang khẳng định ngược lại: chính cái biết (chủ
quan) là cái bản chất (§§100-102).


(186)Có một phép biện chứng nội tại nơi cái tồn tại cảm tính. Theo
Hegel, chính thuyết Hoài nghi (Hy Lạp cổ đại) đã chuẩn bị cho tư duy
siêu hình học khi phản bác những sự xác tín chắc nịch của ý thức cảm
tính. Để hiểu phép biện chứng này, cần “nhập thân” vào nó một cách
ngây thơ như bản thân kinh nghiệm đang diễn ra và đừng quên rằng ta
chưa ở cấp độ của tri giác: §§111-131.


(187)“Cái phủ định” và “tính phủ định”: Xem: Chú giải dẫn nhập 3.4.3.


(188)Kết quả đầu tiên của sự kiểm tra lần thứ nhất: bước chuyển đột
ngột từ cái cá biệt (như sự xác tín cảm tính đã tưởng, đã “cho rằng”)
thành cái phổ biến. Cái bây giờ (cá biệt) thực ra là cái phổ biến, nhưng
cái phổ biến này cũng trừu tượng không kém, đó là thời gian (một Khái
niệm trừu tượng).


(189)Xem thêm: Hegel: “Bách khoa toàn thư các Khoa học triết học”
§20:ta chỉ có thể nói ra cái phổ biến: cái này, cái bây giờ, cái tôi Ngôn
ngữ – sản phẩm của tư duy – chỉ diễn đạt cái phổ biến.



(190)Cái phổ biến này là không gian, có cùng tính biện chứng như thời
gian ở trên. Cái ở đây trở thành không gian phổ biến. Vậy, cả thời gian
lẫn không gian – như là các cái phổ biến – không còn là trực tiếp nữa
mà có sự trung giới hay sự phủ định ở bên trong chúng.

×