Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

Vladimir Soloviev triết gia, thi sĩ và nhà phê bình văn học [Phần 2]_7 pdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (133.18 KB, 8 trang )

Vladimir Soloviev
triết gia, thi sĩ và nhà phê bình văn học
[Phần 2]


Mang trong mình bản tính thần thánh được Thượng Đế ban truyền cho
nó, con người có thể muốn và đã muốn có cái bản tính ấy từ mình, tức
là muốn lầ Thượng Đế. ý nguyện có được cái bản thể tự tồn ấy, nó
khẳng định mình riêng biệt với Thượng Đế, bên ngoài Thượng Đế, lìa rời
ngài trong ý thức của mình, giống như trước đây, ở điểm khởi thủy của
thế giới vật chất, linh hồn hoàn vũ đã lìa rời Thượng Đế để khẳng định
mình.

Và với con người đã xảy ra cái mà xưa kia đã xảy ra với linh hồn hoàn vũ
- tấn kịch thế giới lặp lại. Dấy loạn chống lại bản nguyên thần thánh hợp
nhất tất cả, loại trừ nó khỏi ý thức mình, con người rơi vào vòng cương
tỏa của bản nguyên vật chất, bởi vì chỉ bằng sức mạnh của thiên ân, nó
mới được tự do khỏi quyền lực của thế giới vật chất. Chối từ thiên ân,
con người trở thành chỉ một hiện tượng trong muôn triệu hiện tượng
của giới tự nhiên. “Nếu trước đây, với tư cách trung tâm tinh thần của
toàn thể vũ trụ, nó bằng linh hồn mình bao quát toàn bộ thiên nhiên và
sống một cuộc sống với thiên nhiên, yêu và hiểu, vì thế mà điều khiển
được nó thì giờ đây, khẳng định mình trong cái tự ngã của mình, khép
kín hồn mình khỏi tất cả, con người nhận thấy mình trong thế giới xa lạ
và thù địch, thế giới ấy đã không còn nói với nó bằng một ngôn ngữ
hiểu được và cũng không hiểu và không nghe theo những lời của nó”.
Đánh mất năng lực cộng thông với mọi vật, trở thành tù nhân của yếu
tố vật chất, con người đánh mất cả tri thức về thần thánh chính thực.
Mà không có quan niệm tương thích về Thượng Đế, con người (và cả
linh hồn thế giới ở trong nó) không thể trở về với ngài, không thể tái
hợp với ngài một cách tự do và hữu thức. Đáp ứng những kêu gọi của


linh hồn hoàn vũ sống trong loài người, Thượng Đế khải thị mình cho
loài người, sự khải thị ấy được thực hiện thông qua một loạt tôn giáo và
học thuyết triết học, được mô tả trong Những thuyết trình về Thần-
Nhân loại như là những bậc đi lên của quá trình loài người nhận biết
thánh thần chân chính. Bậc khải thị thứ nhất là các tôn giáo đa thần thờ
bái thiên nhiên. Bản nguyên thánh thần ở đây còn ẩn khuất sau thế giới
hiện tượng, và con người thờ bái trực tiếp những hiện tượng ấy -
những sức mạnh tự nhiên hùng mạnh hơn nó không thể so sánh. ở bậc
thứ hai bản nguyên thánh thần khai mở mình trong sự tách biệt với thế
giới tự nhiên, như là sự phủ định nó (đạo Phật). Con người yếu đuối về
thể chất ở đây cất mình lên cao hơn thế giới các hiện tượng biến hoá vô
nghĩa, nhận thức nó như là cái huyễn ảo, giải phóng mình khỏi mọi sự
quyến luyến với sinh tồn, hướng về cõi hư tịch (Niết Bàn). Đó là sự khải
thị tiêu cực. Triết học duy tâm Hy Lạp (chủ nghĩa Platon) là bước khải
thị tích cực đầu tiên. Phản bác đạo Phật, nó nói: đúng, thế giới hiện
tượng không phải là chân lý, nhưng có chân lý đích thực - đó là vũ trụ
của các ý tưởng hoàn hảo và vĩnh tồn. Nhưng vũ trụ lý tưởng ấy tồn tại
bên ngoài thế giới vật chất này, đó là vũ trụ trí hội thuần tuý. Bậc tiếp
theo của sự khải thị chân lý tôn giáo là đạo Do Thái - ở đây bản thể
thánh thần đã xuất hiện như là một sinh linh, một ngã thể sống động.
Nhưng quan hệ của vị thần độc nhất ấy với dân của ngài vẫn còn mang
tính khế ước bề ngoài, cốt lõi của khế ước ấy là con người phục tùng vô
điều kiện ý chí của một sinh linh toàn năng siêu tại. Tuy nhiên, trong
đạo Do Thái đã xuất hiện những nhà tiên tri, họ nhận ra tính bất túc của
một liên minh bề ngoài như vậy giữa con người và thánh thần, dự cảm
và tiên báo một sự liên kết khác, nội tại và hoàn hảo thông qua sự ra
đời trong lòng dân tộc Do Thái một Thần-Nhân, ngài sẽ không chỉ là đại
diện tối cao của dân tộc ấy nữa, mà còn là “ngọn cờ của mọi dân tộc”,
là đại diện và người đứng đầu toàn thể nhân loại được tái sinh. Thần-
Nhân ấy, con của Chúa Trời và con của loài người, thần linh hoàn hảo và

con người hoàn hảo trong một cá thể, chính là Giêsu Kitô.

Soloviev tìm ra những lời của mình để nói về cái giáo điều cơ bản của
đạo Kitô - sự nhập thể của Thiên Chúa - mà về nó trước ông đã được
viết hàng núi sách. “Sự nhập thể thành người của Thiên Chúa không
phải là cái gì đó kỳ diệu theo đúng nghĩa của từ ấy, tức là một cái gì đó
xa lạ với trật tự chung của sinh tồn, mà ngược lại gắn bó một cách cơ
bản với toàn bộ lịch sử thế giới và nhân loại (…) Toàn bộ thế giới tự
nhiên hướng tới và trù bị cho sự xuất hiện con người, toàn bộ lịch sử
loài người hướng tới Thần-Nhân”. Nếu chỉ nhìn thấy ở Thiên Chúa một
sinh linh siêu tại, toàn mãn trong cuộc sống nội tại tam vị nhất thể của
mình, thì sẽ không thể hình dung được sự nhập thể của ngài. Nhưng
Thiên Chúa, là siêu tại, trong quan hệ với thế giới xuất hiện như là một
sức mạnh hoạt động, hướng dẫn loài người đến đích lý tưởng (Chúa-
Lời). Sự hiện diện của Thiên Chúa trong thân thể con người chỉ là sự
thần hiện (théophanie) đầy đủ nhất trong một loạt cuộc thần hiện trù bị
mà nhân loại đã chứng kiến. Giêsu Kitô - Thiên Chúa đã nhập thể - cho
loài người một mẫu mực về sự liên kết hoàn hảo bản nguyên con người
với bản nguyên thánh thần - cái phải trở thành hiện thực phổ biến
trong Thần-Nhân loại tương lai. “Quan hệ cần phải có giữa thần tính và
tự nhiên trong con người, đã đạt được bởi Giêsu Kitô với tư cách trung
tâm hay là nguyên thủ tinh thần của nhân loại, phải được toàn thể nhân
loại, với tư cách thân thể của Ngài, hấp thụ”. Cái chết và sự phục sinh
của Kitô chỉ cho loài người con đường đạt tới sự bất tử ngàn đời mong
ước - đó sẽ là sự bất tử trong thân xác được cải hoá, thân xác thoát
khỏi những thuộc tính của vật chất trơ ì không thể thẩm thấu, trở thành
biểu hiện và công cụ của tinh thần. Kitô đã chỉ ra cho nhân loại cái đích
tốt đẹp, xứng đáng của cuộc sống và chỉ ra cả những phương cách đạt
tới đích ấy. Tức là ngài đã làm cho nó trở nên hữu khả. Nhưng chỉ có
toàn thể nhân loại, hợp quần trong hội thánh toàn thế giới, mới có thể

thực hiện được đích ấy bằng hành vi tự do của ý chí.

Một cách tự nhiên, siêu hình học tôn giáo của Soloviev dẫn đưa chúng
ta vào triết học lịch sử của ông.

5 - Triết học lịch sử

Trong triết học lịch sử cũng như trong những bộ phận khác của hệ
thống triết học của mình, Soloviev kiên trì chủ trương thực hiện cuộc
tổng hoà giữa triết học với thần học và khoa học. Khoa học xã hội thời
Soloviev, căn cứ vào những bước tiến hiển nhiên đã đạt được trong
nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống nhân loại, khẳng định tiến bộ
như là một quy luật của lịch sử loài người - quy luật này lại càng thu
nhận được sức thuyết phục do được gắn bó với học thuyết về sự tiến
hoá của thế giới tự nhiên. Soloviev, như đã nói, tin vào tiến bộ lịch sử,
niềm tin ấy hoà hợp với xác tín của ông về tính hướng đích và hợp đích
của toàn bộ tiến trình thế giới. Có điều ông hiểu cái đích ấy không giống
những nhà tư tưởng xã hội vô thần tin rằng loài người tự nó bằng trí
tuệ và lao động của mình có thể từng bước hoặc bằng những cú “nhảy
vọt vĩ đại” xây dựng một xã hội hoàn hảo, chinh phục những sức mạnh
tự nhiên, bắt chúng phục vụ những lợi ích của con người, cuối cùng tạo
dựng nên một thiên đường trên trái dất. Cái đó theo Soloviev vừa là cái
bất khả vừa là cái chưa thật đáng mong ước. Bất khả do bản chất bất
hoàn thiện của con người, với trí năng hữu hạn và sức mạnh của cái ác,
cái tội lỗi bên trong nó. Chưa thật đáng mong muốn vì một xã hội với
những quan hệ cứ cho là hoàn hảo giữa người với người và với sự sung
mãn vật chất mà các nhà tư tưởng nhân văn chủ nghĩa vô thần hướng
tới và tưởng có thể xây dựng được vẫn để lại con người trong thân
phận một sinh vật tự nhiên phải chịu đựng những tai ương của cuộc
sống tự nhiên: bệnh tật, tuổi già, những tai họa thiên nhiên và cuối

cùng - sự chết. Đồng tình với Dostoievski, Soloviev không biết mệt mỏi
cảnh báo về những hiểm họa nằm sẵn trong những ý đồ của nhân loại
tự sắp xếp cho mình một cuộc sống bên ngoài Thượng Đế, thực hiện
“cơ đồ hạnh phúc chung” mà không cần đến sự phù trợ của sức mạnh
siêu nhân loại. “Cơ đồ chân chính chỉ có thể có được, - Soloviev nói
trong Ba diễn từ tưởng niệm Dostoievski, - nếu mà cả trong con người
và trong thiên nhiên có những sức mạnh chính diện và tự do của ánh
sáng và của cái thiện; nhưng không có Thượng Đế thì cả con người lẫn
thiên nhiên đều không có được những sức mạnh như thế. Sự tách biệt
với Thượng Đế, tức là với cái Thiện thập toàn, là điều ác và hành động
trên cơ sở cái ác ấy, chúng ta chỉ có thể chuốc lấy những điều tồi tệ.
Việc cuối cùng của con người vô thần là chém giết hoặc tự chém giết.
Con người đưa vào trong giới tự nhiên cái ác và rút ra từ đấy cái chết”.
Như vậy, cương quyết cự tuyệt nền văn minh vô thần, cho rằng nó sẽ
đưa loài người đến bại vong - đó là một cực trong tư tưởng triết học
lịch sử của Soloviev.

Nhưng chỉ là một cực. Cực khác là lập trường trước sau như một tán
thành, hoan nghênh tất cả những thành quả chính diện đạt được trong
nền văn minh thế tục, nền văn minh dựa vào sự phát triển tự do, chủ
động những nguồn lực của con người. Đinh ninh rằng loài người chỉ có
thể thực hiện được những lý tưởng cao cả của mình trong sự liên minh
với Thượng Đế, Soloviev luôn luôn quan niệm rằng liên minh ấy phải
mang tính tự do, tự nguyện, chứ không cưỡng chế, áp đặt. Nhìn thấy
nguyên nhân tiêu vong của tất cả các nền thần quyền cổ xưa ở chỗ yếu
tố con người ở đấy bị đè nén, phong tỏa, bị cưỡng bức phục tùng yếu
tố thần thánh, Soloviev cho rằng sự giải phóng con người khỏi sự lệ
thuộc một chiều vào thần thánh để cho nó tự phát huy mọi năng lực
sáng tạo của mình là giai đoạn không thể thiếu được và tối quan trọng
trong lịch sử nhân loại và giai đoạn này nằm trong ý đồ của Thượng Đế.

Minh triết của Thượng Đế dẫn dắt tiến trình lịch sử loài người cũng như
trước đó đã dẫn dắt tiến trình vũ trụ. Bác bỏ chủ nghĩa cuồng tín tôn
giáo và chủ nghĩa thủ cựu hẹp hòi, Soloviev sẵn sàng tôn vinh những
người vô đạo nhưng đóng góp thiết thực vào sự tiến bộ chung của nhân
loại như là những người thừa hành một cách vô thức ý chí của Chúa
Trời. Sự tiến bộ toàn diện của loài người, sự thực hiện ngày một đầy đủ
hơn trong đời sống của nó những nguyên tắc tự do, công bằng, bác ái,
theo Soloviev, là điều kiện không thể thiếu cho sự hiển hiện Vương
quốc của Chúa Trời. Vương quốc ấy không thể xuất hiện giữa loài người
man rợ, cũng như trước đấy con người không thể xuất hiện giữa thế
giới những động vật hạ đẳng. Cho nên chỉ có nền văn minh nhân văn
chủ nghĩa phát triển cao, mà trong đó loài người sau khi đã phát huy
cao độ mọi năng lực sáng tạo của mình, nhận thức được tất cả tính hữu
hạn, bất toàn của mình, cảm thấy nhu cầu bức thiết, tái hợp với sức
mạnh siêu nhân loại chí thiện - chỉ có nền văn minh ấy mới trù bị được
những điều kiện cần thiết cho sự giáng thế lần thứ hai của Thiên Chúa,
cho sự cải hoá nhân loại tự nhiên thành Thần-Nhân loại và đưa cả thế
giới tự nhiên được cải hoá cùng với loài người vào Vương quốc của
Chúa. Soloviev đặc biệt nhấn mạnh sứ mệnh cứu tinh của con người đối
với thiên nhiên. Là đỉnh cao của tiến hoá tự nhiên, con người phải trở
thành môi giới cứu độ giữa tự nhiên và Thượng Đế.

×