Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

Vladimir Soloviev triết gia, thi sĩ và nhà phê bình văn học [Phần 2]_5 pot

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (134.67 KB, 8 trang )

Vladimir Soloviev
triết gia, thi sĩ và nhà phê bình văn học
[Phần 2]

Mà tổ chức đúng đắn toàn bộ thực tại của con người có nghĩa là con
người phải hiện thực hoá cái bản nguyên thần thánh tiềm ẩn cả ở trong
nó lẫn trong giới tự nhiên, làm hiển lộ khắp nơi trong thế giới những
sức mạnh thánh thần - cái mà Soloviev gọi là “thần thuật tự do”
(svobodnaja teurgia).

Như vậy nhận thức luận của Soloviev xét cho cùng là một bộ phận của
học thuyết siêu hình của ông về thế giới và con người. Trong lý thuyết
nhận thức, cũng như trong toàn bộ triết học của mình, Soloviev luôn
luôn chú mục cái đích cuối cùng - thực hiện cái tận Chân, tận Thiện, tận
Mỹ.

Từ những gì đã nói, trở nên hết sức hiển nhiên là Soloviev cương quyết
cự tuyệt chủ nghĩa cá nhân trong nhận thức. Nếu có chân lý tuyệt đối -
cái chân lý cứu giải và hoá thần toàn nhân loại và cả thế giới - thì nhiệm
vụ của mọi con người là phải hiệp lực kết đoàn (“kết đoàn” là một trong
những chữ yêu chuộng nhất của Soloviev) tìm tới nó. Đứng ngoài chân
lý, chủ thể nhận thức là cái hư ảo, cái không có tính thực thể - đó là tư
tưởng chính của ba chương mở đầu Tiết học lý thuyết mà Soloviev viết
trong những năm cuối đời mình. Các nhà nghiên cứu hiện đại chỉ ra
rằng ở đây Soloviev đã tiến sát tới việc kiến tạo một thuyết nhân vị mới
và một hiện tượng học mới khắc phục tính nhị nguyên truyền thống
giữa chủ thể - khách thể. Như đã nói, trường phái hiện tượng luận
trong triết học phương Tây hiện đại nhìn thấy ở Soloviev một trong
những tiền khu của mình.

4 - Siêu hình học



Soloviev tự gọi học thuyết triết học của mình là triết thuyết về “tính
nhất thể chính diện của tất cả”. Mọi triết thuyết thực thụ, Henri
Bergson nói, đều khởi phát từ một trực giác cơ bản nào đó. Triết thuyết
của Soloviev cũng thế, toàn bộ nó ngự yên trên trực giác mãnh liệt và
thường hằng về một cơ sở khởi nguyên thần thánh thống nhất của vạn
vật. Cảm quan về cái bản thể vĩnh hằng, bất biến, tuyệt hảo và tuyệt
mỹ, đứng sau muôn triệu hiện tượng nay còn mai mất và có giá trị
tương đối của thế giới này được diễn đạt trực tiếp trong nhiều thi
phẩm của Soloviev bằng những lời có sức lay động nhân tâm:

Bạn yêu quý, lẽ nào bạn không nhận thấy
Rằng tất cả những gì chúng ta trông thấy
Chỉ là những hồi quang, những bóng chập chờn
Của cái mà mắt ta không thấy được?
Bạn yêu quý, lẽ nào bạn không nghe thấy
Rằng tất cả những tạp âm chối tai trên đời
Chỉ là hồi âm lạc sai
Của những hợp thanh huy hoàng chiến thắng?

Soloviev - nhà thơ lúc thì say đắm với vẻ đẹp lộng lẫy của thế giới này
(như trong bài “Đất - Chúa tể…” đã dẫn) lúc thì cảm thấy mình bị giam
hãm trong nó như trong nhà tù, nhưng không lúc nào đánh mất cảm
giác sống động về quan hệ liên thông giữa nó với thực tại thần thánh.

Vẫn là tù nhân của cõi trần phù phiếm
Dưới cái vỏ thô nháp của vật chất
Tôi bỗng nhận ra áo lễ hồng thắm không phai
Và ánh hào quang chói lọi của Thượng Đế.


Sự hoà nhập của linh hồn cá thể bị xâu xé bởi những đam mê dục vọng
phàm trần với bản thể thần thiêng siêu phàm trong thơ Soloviev
thường được mô tả như là hạnh phúc cao nhất.

Bị vây hãm bởi tha lực của bão lòng cháy bỏng
Đã lãng quên những linh thị xán lạn thuở xưa
Tôi chợt nghe tiếng gọi khe khẽ từ xa
Của người bạn gái huyền bí.
Và với tiếng thét đau đớn kinh hoàng
Như con đại bàng bị nhốt trong lồng sắt
Hồn tôi lồng lên trong ngục tối
Xé toang lưới sắt bay lên cao.
Và trên đỉnh cao ngoài trần gian ấy
Giữa đại dương của những phép mầu rực lửa
Trước đấng linh thiêng ngời sáng hơn tất cả
Nó bốc cháy và tiêu tan.

Cái mà trong thơ ca hiện ra như là linh thị cuốn hút cảm xúc và trí
tưởng tượng của ta, trong triết học phải được diễn đạt bằng ngôn ngữ
khái niệm tuân theo những quy luật của tư duy lôgic, để trở nên có sức
thuyết phục đối với trí tuệ, để từ kinh nghiệm cá nhân có cơ may trở
thành nhận thức của nhiều người. Học thuyết của Soloviev về “tính
nhất thể của tất cả”, hình thành từ thời trẻ, có hai cách diễn đạt liên
thông với nhau, cách diễn đạt triết học được trình bày trong Những cơ
sở triết học của tri thức toàn vẹn và Phê phán những nguyên lý trừu
tượng, cách diễn đạt thần học được triển khai chủ yếu trong Những
thuyết trình về Thần-Nhân loại.

Soloviev bắt đầu sự diễn đạt triết học bằng phân tích phạm trù “cái
tuyệt đối” (một tên gọi triết học của thần linh tối cao). Trước tiên ông

nhấn mạnh: cái tuyệt đối là cái duy nhất đáp ứng những nhu cầu cuối
cùng của sinh linh con người, thỏa mãn đến cùng những đòi hỏi của trí
tuệ, ý chí và tình cảm của nó. Nhưng cái tuyệt đối ấy không chỉ là cái
phải có, mà còn là cái có thật. Nó được nhận biết ở tầng sâu nhất của
tâm thức con người. “Không nghi ngờ gì nữa, ở mọi sinh linh con người,
sâu hơn mọi tình cảm xác định, mọi quan niệm và ý chí, tồn tại một cảm
giác trực tiếp về cái thực tại tuyệt đối; trong cảm giác ấy tác động của
cái tuyệt đối được chúng ta tiếp nhận trực tiếp, có thể nói, chúng ta
tiếp xúc trực tiếp với cái tự tồn.” Cái bản thể tự tồn ấy từ cổ xưa ở
phương Tây (trường phái Eléates ở Hy Lạp) cũng như phương Đông
(Lão-Trang ở Trung Quốc, trường phái Vedanta ở ấn Độ) thường được
xem là mang tính đơn nhất không thể chia cắt; so với cái đơn nhất,
không chia cắt và không đổi thay ấy thế giới đa tạp của muôn triệu hiện
tượng dị biệt nhất thời thường được xem là cái “huyền ảo” (maya), là
hệ quả của sự “vô minh” (avidya). Soloviev suy luận một cách khác.
Trước hết dựa vào từ nguyên của khái niệm này (absolutum trong tiếng
Latinh), ông xác định cái tuyệt đối vừa là cái thoát ly mọi thứ, lại vừa là
cái mang mọi thứ trong mình (bởi lẽ nó là cái hoàn bị, viên mãn, toàn
vẹn). Nó vừa là cái tịnh không, vừa là tất cả. Nó là tịnh không, bởi vì nó
không phải là bất cứ một cái gì xác định, cụ thể, hữu hạn. Nó là tất cả, vì
không thể có một cái gì tồn tại ở ngoài nó (nếu thế thì nó sẽ mất đi tính
hoàn bị, viên mãn, toàn vẹn). Do đó, theo Soloviev cái tuyệt đối tất yếu
kết hợp trong mình tính đơn nhất với tính đa phức. “Tính đơn nhất
tuyệt đối là định tính chính diện đầu tiên của cái khởi nguyên đầu tiên,
và định tính ấy được tất cả các hệ thống siêu hình học tôn giáo cũng
như triết học ít nhiều sâu sắc thừa nhận, nhưng nó hiện ra đặc biệt rõ
ràng trong các tôn giáo tư biện của phương Đông. Phương Đông tĩnh
quan nhận thức cái chân tồn chỉ trong định tính đơn nhất tuyệt đối của
nó, loại trừ mọi thuộc tính khác (…) và chí hướng thường hằng của các
tôn giáo phương Đông là khiến buộc con người từ bỏ mọi sự đa phức,

mọi hình thức, và như thế tức là mọi sự tồn tại. Nhưng cái siêu tồn
tuyệt đối đồng thời là khởi nguyên của mọi sự tồn tại, cái đơn nhất là
khởi nguyên của cái đa phức, cái chỉnh thể là khởi nguyên của cái cục
bộ, cái tự do khỏi mọi hình thức tạo tác ra tất cả các hình thức. Cái bản
nguyên tuyệt đối vì vậy không chỉ là Một, mà là “Một-và-Tất-cả”. Như
vậy, ngay trong ý niệm về cái tuyệt đối, như nó được Soloviev phô diễn,
đã hàm chứa hạt nhân của học thuyết về “thể nhất thống chính diện
của tất cả” được quan niệm như là “sự tự do hoàn toàn của các bộ
phận cấu thành trong sự thống nhất hoàn toàn của chỉnh thể”.[4]

Thượng Đế, theo định nghĩa của Soloviev, là Sinh linh Tuyệt đối. Với tư
cách sinh linh tuyệt đối, ngài mang trong mình đầy đủ những định tính
của cái tuyệt đối: ngài vừa là cái tịnh không vừa là hữu thể viên mãn
nhất, hoàn hảo nhất, vừa là một vừa là tất cả, là thể thống nhất của
mình với cái khác mình, thể thống nhất của cái thường tồn với cái biến
dịch. Trong bài Khái niệm Thánh thần viết vào những năm cuối đời,
Soloviev đưa vào trong quan niệm về Thượng Đế (và thần thánh nói
chung) một định minh quan trọng nữa: ngài là sinh linh siêu ngã. Nếu
ngã thể là đặc điểm đặc trưng của con người, phân biệt nó với giới tự
nhiên vật chất phi ngã, thì Thượng Đế khác con người ở bản tính siêu
ngã của mình. Ngã thể, tức là cái tôi có tự ý thức, có tính độc lập tự chủ,
theo Soloviev, vừa là nét ưu việt vĩ đại của con người so với thế giới tự
nhiên, vừa là một hạn chế lớn của nó so với Thánh Thần: mỗi một ngã
thể (cá nhân) chỉ có thể là mình, mà không thể đồng thời là cá nhân
khác, không thể thu nạp vào trong mình cuộc sống và bản ngã của
những người khác, không thể trở thành tất cả. Còn Chúa Trời và các
thành viên của Vương quốc của ngài thì mỗi sinh linh vừa là mình lại
vừa là tất cả, sống bằng cuộc sống của mình và cuộc sống của tất cả. Với
tư cách sinh linh siêu ngã, Chúa Trời trong đời sống nội tại của mình là
Tam Vị Nhất Thể.


Thi tài đua sức với rất nhiều nhà thần học Kitô giáo, Soloviev trong
Những thuyết trình về Thần-Nhân loại thử nghiệm tường giải bằng
phương pháp diễn dịch tín điều thần khải về Tam Vị Nhất Thể, nhưng
sự diễn dịch ấy không được giới học giả xem là có sức thuyết phục. Cái
được thừa nhận là cống hiến độc đáo của Soloviev cho thần học Kitô
giáo là việc ông đã khẳng định tính Thần-Nhân nguyên thủy và vĩnh
hằng của Chúa Trời. Từ “thần-nhân” trong giáo thuyết đạo Kitô, như ta
biết, được dùng một cách phổ thông để chỉ Giêsu Kitô, con của Chúa
Trời (đức Chúa Con) đã nhập thể thành người để chuộc tội cho loài
người. Sự nhập thể thành người ấy được xem là ý đồ muôn thuở, có
trước cuộc sáng thế, của Đấng Sáng Tạo, nhưng dẫu sao thì mục đích
vẫn là để cứu vãn nhân loại và toàn thể thế giới thụ tạo. Soloviev nhìn
nhận vấn đề một cách cơ bản hơn. Theo ông, Chúa Trời, ở ngôi thứ
nhất là Tinh Thần thuần tuý, là khởi nguyên và tiềm năng tuyệt đối của
mọi hữu thể, ở ngôi thứ hai, trong sự tự thể hiện mình (mà mọi sự tự
thể hiện đều là sự tự giới hạn) ngay từ đầu đã là Thần-Nhân. Nhân tính
là nội dung được hiện thực hoá, được khách thể hoá của Thần tính.

×