Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

Vladimir Soloviev triết gia, thi sĩ và nhà phê bình văn học [Phần 2]_3 potx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (138.69 KB, 8 trang )

Vladimir Soloviev
triết gia, thi sĩ và nhà phê bình văn học
[Phần 2]

Chẳng hạn, đánh giá đạo thờ cúng tổ tiên của người Trung Hoa,
Soloviev vừa thừa nhận chân lý có ý nghĩa toàn nhân loại của nó, vừa
chỉ ra tính không đủ, tính bất túc của chân lý ấy. “Tổ tiên của chúng ta
chưa có sự sống chân chính - điều này là rõ chỉ từ một thực tại là họ đã
chết; bởi vì sự sống chân chính phải là bất tuyệt, nó phải tự mang trong
mình sức mạnh cho sự tiếp tục mãi mãi, chứ không phải định mệnh của
sự chấm dứt không thể tránh khỏi”. Từ đó ông đi đến kết luận: Không
trong quá khứ và không trong hiện tại, sự sống chân chính đứng trước
chúng ta như là tương lai, như là nhiệm vụ mà chúng ta phải gắng sức
giải quyết. Bởi vì tương lai ấy không thể tự đến với chúng ta mà không
cần đến sự tham gia của ta- nếu thế thì không có lý do vì sao nó đã
không đến từ lâu rồi, - tương lai ấy phải được làm nên (Soloviev nhấn -
P. V. C.) với sự hoạt động nỗ lực của bản thân loài người. Nếu sự gắn bó
với quá khứ, sự thờ phụng tổ tiên là chân lý của thế giới quan Trung
Hoa, thì chân lý ấy chỉ được phát triển đầy đủ trong ý tưởng Âu châu có
nguồn gốc trong đạo Kitô về sự tiến bộ toàn thế giới như là con đường
đạt tới sự sống chân chính. Nếu chúng ta quả thật gắn bó với quá khứ,
nếu chúng ta kính yêu sâu sắc tổ tiên của chúng ta thì chúng ta không
được giữ gìn không đổi thay những hình thức cũ của cuộc sống, mà với
chúng những gì chúng ta yêu quý đã tử vong; ngược lại, chúng ta phải
không ngừng hoàn thiện cuộc sống của chúng ta, cho đến khi chúng ta
đạt được thể viên mãn của sinh tồn, nó sẽ thống hợp trong mình tất cả
và sẽ phục sinh quá khứ cho sự sống vĩnh hằng bất biến.” Cái sinh tồn
viên mãn, mà ở đấy cả quá khứ (tức là các thế hệ người đã chết) cũng
được phục sinh cho sự sống vĩnh hằng đương nhiên chỉ có thể là cái mà
Thượng Đế chí thiện và toàn năng ban cho nhân loại, nhưng Ngài chỉ
ban tặng với điều kiện có sự hoạt động nỗ lực, tự giác và hợp đích của


toàn thể loài người - về tư tưởng cốt yếu này của Soloviev chúng tôi sẽ
còn nói đến. Cái muốn được nhấn mạnh ở đây là Soloviev, không thỏa
mãn với những tôn giáo dàn hoà với cái chết, cũng không chấp nhận cả
những học thuyết cải tạo xã hội và con người mà ở đấy không đặt ra
mục đích chiến thắng cái chết, giành lấy sự sống bất tử. Một thời say
mê với những học thuyết xã hội chủ nghĩa không tưởng, Soloviev đã
chóng nguội lạnh với chúng vì nhận thấy chúng theo đuổi một chiều sự
phân phối công bằng những lợi ích vật chất giữa những con người mà
mãn nguyện để họ ở lại trong thân phận phải chết của họ. Những học
thuyết khác nhau như nước với lửa nhưng đều có tiếng vang toàn cầu
như thuyết tự tu dưỡng đạo đức của Lev Tolstoi hay thuyết “siêu nhân”
của Nietzsche cũng bị Soloviev phê phán vì chúng đã nhắm mắt làm lơ,
mỗi thuyết theo một cách, trước khát vọng bản thể không thể triệt tiêu
ở con người - khát vọng bất tử. Theo Soloviev, sự cam chịu thân phận
hữu tử của con người cùng với khuynh hướng đơn sơ hoá, nghèo nàn
hoá đời sống của nó làm cho học thuyết đạo đức-xã hội của Tolstoi mất
hết sức mạnh, trở nên một thứ chủ nghĩa duy đạo đức nhạt nhẽo và
nông cạn. Còn “siêu nhân” của Nietzsche thì, theo Soloviev, chưa xứng
đáng được gọi là siêu nhân, mà dấu chỉ đầu tiên phải là sự bất tử, là
năng lực chiến thắng cái chết - không chỉ cho riêng mình, mà trong ý
tưởng và tiềm năng còn cho cả nhân loại, cả hoàn vũ. Một siêu nhân
như thế trong toàn bộ lịch sử thế giới mới chỉ có một - đó là Giêsu Kitô.
Kitô - người đầu tiên phục sinh từ cõi chết - là tâm điểm của toàn bộ tư
duy Soloviev.

Viacheslav Ivanov, một trong những trụ cột của dòng thơ tượng trưng
chủ nghĩa Nga, triết gia và nhà bác học, viết không sai về người thầy
tinh thần của mình: “Bởi đối với Soloviev tiêu chí của thần-nhân tính
chân chính là sự chiến thắng cái chết, cho nên vấn đề ấy trở thành
trung tâm của tất cả những suy biện nơi ông. Theo Soloviev, sợ hãi cái

chết của cá nhân mình là sự hèn nhát và điên rồ, nhưng thái độ không
dàn hoà với cái chết của cha ông, của những đồng loại mà ta yêu mến,
của những hậu duệ của chúng ta sẽ bước vào thế giới này là một xung
lực cao thượng và mang tính bắt buộc về phương diện đạo lý đối với
toàn bộ những việc làm của chúng ta trong cõi đời này. “Hãy gọi thần
chết vào cuộc chiến sinh tử” - đó là lời kêu gọi thực hiện một kỳ công
cao nhất” (tiểu luận Sự nghiệp tôn giáo của Vladimir Soloviev, 1910).

Như vậy có thể nói không cường điệu rằng khát vọng bất tử - một khát
vọng dưới con mắt của ai đó là hết sức hão huyền, không tưởng, nhưng
thực ra đó là ý nguyện nhân bản nhất, tha thiết nhất của cả loài người,
được thể hiện trong thần thoại và tôn giáo, thơ văn và triết học của rất
nhiều dân tộc, trong đó có dân tộc Nga - đã trở thành nguồn cổ lệ
chính, thành hứng cảm thường hằng của toàn bộ sáng tác Soloviev.
Chính cái hứng cảm thường hằng ấy, được diễn đạt với một bút lực phi
thường, làm nên sức sống trường cửu, sức hấp dẫn đối với mọi thời đại
của di sản Soloviev. Dưới đây ta sẽ thấy sự bất tử của tất cả trong
Thượng Đế chính là chân lý cuối cùng trong học thuyết của nhà tư
tưởng Nga này.

2 – Những tự định hướng sáng tạo

Trước khi đi vào trình bày những thành phần của triết học Soloviev, xin
dừng lại thêm đôi chút ở những đặc điểm cấu thành của cái “tôi” sáng
tạo nơi ông - chính nó ấn định những tìm kiếm tinh thần nhiều khi rất
khúc khuỷu nơi Soloviev, những sự xích lại gần hay lìa rời của ông đối
với những dòng tư tưởng triết học và tôn giáo khác nhau. Soloviev, như
ta đã thấy, là người đa tài, có điều những tài năng đa dạng nơi ông
không tồn tại biệt lập, không biết đến nhau (như thí dụ tài chơi đàn vĩ
cầm ở nhà vật lý Einstein) mà gắn bó mật thiết đến nhau, là những biểu

hiện của một nhân cách, một bản ngã thống nhất. Trong nhân cách,
trong bản ngã ấy có hai tố chất cơ bản đan bện làm nên hạt nhân của
nó - đó là chất triết và chất thơ. Soloviev là triết gia trong những thi
phẩm của ông, cái đó dễ nhận thấy. Nhưng cũng không khó nhận ra
rằng ông là nhà thơ trong triết học. Chất thơ không chỉ nằm trên bề nổi,
trong văn phong triết luận của Soloviev, làm cho ông giống Platon,
Augustin, Schopenhauer và khác với Aristote, Kant, Hegel. Điều quan
trọng hơn là nhiều định hướng trong hệ thống triết học Soloviev được
ấn định sâu kín bởi vũ trụ quan và nhân sinh quan thơ ca nơi ông, nhiều
luận điểm triết học và thần học, được Soloviev kiên trì bảo lưu và khẳng
định, xuất phát từ những trực giác và những linh cảm của một thi sĩ,
một nghệ sĩ. Đặc điểm này, hấp dẫn đối với nhiều độc giả, đã và vẫn
đương gây không ít rắc rối cho Soloviev trong sự nhìn nhận, đánh giá
của nhiều đồng nghiệp của ông, nhất là các nhà thần học. Cụ thể, hơn
một người trong họ trách cứ, cáo buộc nhà tư tưởng Kitô giáo Soloviev
đã xa rời những cơ sở giáo thuyết của đạo Kitô, sa vào một thứ dị
thuyết phiếm thần luận (panthéisme). Cái thuyết phiếm thần ấy, ở
phương Đông ta được gọi một cách sáng nghĩa hơn là thuyết “vạn vật
chí linh”, ở phương Tây xưa nay vẫn bị xem là không thể dung hoà với
đạo Kitô đến nỗi mà vì nó ba thế kỷ trước Soloviev Giordano Bruno
(1548-1600) đã bị đưa lên dàn thiêu, và hơn nửa thế kỷ sau đó Spinoza
(1632-1677) bị khai trừ ra khỏi giáo hội. Thần học Kitô giáo chính thống
trong mọi giáo phái được kiến lập trên quan niệm rắn chắc về tính siêu
tại của Thiên Chúa đối với thế giới, về sự khác biệt về bản chất giữa
Đấng Sáng Tạo với tạo vật, giữa cái siêu nhiên với cái tự nhiên. Thiên
nhiên, vũ trụ trong thế giới quan Kitô giáo chính thống vì thế mất đi tính
linh thiêng, tính đáng tôn thờ mà nó vốn có trong thế giới quan cổ sơ
của mọi dân tộc. Soloviev là tín đồ nhiệt thành của dạo Kitô, điều đó
không ai phủ nhận, thế nhưng trong học thuyết của ông các nhà phê
bình không tìm thấy ý niệm rõ ràng về sự sáng thế và về sự khác biệt về

bản chất giữa thế giới thụ tạo với Đấng Sáng Tạo. Trong siêu hình học
Soloviev, như ta sẽ thấy, thế giới được quan niệm như một “tha thể”
(thể khác) của Thiên Chúa mà không có nó thì Chúa không tồn tại, bởi lẽ
“Chúa là tình yêu”, Chúa sống trong thể khác của mình và vì nó. Với tư
cách cái tha thể của Thượng Đế, thế giới lại trở thành đối tượng của
lòng ngưỡng kính, tôn thờ; thái độ ngưỡng kính, tôn thờ vũ trụ ấy,
được biện hộ trong triết học Soloviev, bộc lộ trực tiếp, với đầy đủ cảm
hứng, trong thơ ông. Đây, một thi phẩm rất điển hình của Soloviev viết
năm 1886:

Đất - Chúa-Tể! Tôi cúi vừng trán xuống sát mặt người
Và qua tấm thảm cỏ thơm nức
Lại cảm thấy hơi nóng của lửa sống thân thuộc
Lại nghe thấy tiếng đập của trái tim hoàn vũ.
Trong nắng chói giờ trưa, với tình yêu nồng nàn
Trời xanh lộng lẫy ban tặng ánh sáng hồng phúc
Và hoan hỉ đón nhận chất sáng không lời, sông ngòi róc rách
Và rừng núi rì rầm cất tiếng chào.
Và trong bí lễ hiển lộ ấy tôi lại thấy
Hồn trái đất giao hoà với ánh sáng siêu nhiên
Và trong lửa của tình yêu, mọi đau khổ trong đời
Bỗng tan biến như làn khói nhẹ.

Trong bài thơ này, “Đất-Chúa-tể” với trái tim và linh hồn của nó, với
rừng núi sông ngòi có ngôn ngữ của chúng rõ ràng cũng được tôn kính
như trời xanh lộng lẫy ban tặng ánh sáng hồng phúc, và sự giao hoà
trọn vẹn, tình yêu nồng thắm giữa Trời và Đất, giữa cái siêu nhiên với
cái tự nhiên, giữa Tinh thần và Vật chất được cảm nhận như là hạnh
phúc cao nhất của sinh tồn. Bài thơ “phiếm thần luận” này gần gũi một
cách lạ lùng với thế giới quan của các dân tộc á Đông và không phải

ngẫu nhiên Soloviev trong bài viết bênh vực triết học Spinoza (1897)
nhấn mạnh rằng “vốn là tôn giáo dân gian ở vùng Viễn Đông, thuyết vạn
vật chí linh ở châu Âu từ lâu đã trở thành tôn giáo mến yêu của các nhà
siêu hình học và các nhà thơ, với họ nó không phải là một khái niệm
trừu tượng, mà là cái được nghiệm chứng sống động”. Dựa vào những
nghiệm chứng nội tâm của mình - những nghiệm chứng mang tính thần
bí sâu sắc - Soloviev cùng với những triết gia đi trước ông như Platon,
Plotin, Bruno, Schelling và những thi hào như Goethe, Shelley, Tiutchev,
khẳng định sự tồn tại của Linh hồn Vũ trụ không được nói đến trong
kinh sách đạo Kitô. Cái Linh hồn Vũ trụ ấy, là thực thể trung gian giữa
Đấng Tạo Hoá với thế giới thụ tạo, truyền sự sống hữu linh cho toàn bộ
thế giới ấy cũng như từng bộ phận nhỏ nhất trong nó. Thừa nhận chân
lý khoa học về sự khác biệt cơ bản giữa thế giới vô cơ và thế giới hữu
cơ, Soloviev đồng thời kiên trì quan niệm cho rằng trong vũ trụ không
có vật chất chết tuyệt đối, ở mức độ khác nhau tất cả đều được làm
sống bởi linh hồn hoàn vũ tiếp thụ năng lượng và ý chí của Thượng Đế
vĩnh hằng.

×