Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

Vladimir Soloviev triết gia, thi sĩ và nhà phê bình văn học [Phần 2]_1 pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (163.47 KB, 8 trang )

Vladimir Soloviev
triết gia, thi sĩ và nhà phê bình văn học
[Phần 2]

II- hệ thống triết học trong chỉnh thể sáng tác Soloviev

Có thể nói được hay không về hệ thống triết học Soloviev nếu, như ta
biết, ông mới chỉ hoàn thành một trong ba bộ phận của nó - triết học
đạo đức? Quả là cuối đời mình, trong sách Biện chính cái thiện, Soloviev
đã tập hợp, phát triển và xắp xếp thành hệ thống hoàn chỉnh những tư
tưởng và quan điểm của ông về đạo đức học, song giả dụ ông không kịp
viết nên tác phẩm ấy, thì chúng ta vẫn có thể căn cứ vào những trước
tác đã viết trước đó, mà ở đấy ngòi bút Soloviev bàn luận sâu rộng về
những vấn đề luân lý - đạo đức, để xác định trong những đường nét
chung triết học đạo đức của ông. Cũng tương tự như vậy, lý thuyết
nhận thức và siêu hình học mà theo ý đồ của Soloviev phải hợp thành
triết học lý thuyết của ông, thời trẻ đã được ông phác thảo trong những
công trình cơ bản như Những nguyên lý triết học của tri thức toàn vẹn,
Phê phán những nguyên lý trừu tượng, Những thuyết trình về Thần-
Nhân loại. Soloviev, như đã nói, thuộc số những triết gia có thế giới
quan và nhân sinh quan định hình sớm. Trong một bức thư năm 1890,
khi ông đã sắp đạt tuổi tứ tuần, ta đọc một câu nặng trĩu ý nghĩa tự
truyện: “Giai đoạn hoài nghi và không tin tưởng thuộc thời non trẻ của
tôi; còn khi bắt đầu xuất hiện trước công chúng, tôi đã có những lý
thuyết siêu hình hoàn bị, và chúng vẫn ở lại trong tôi đến tận hôm nay”.
Do đó hoàn toàn có thể xem ba công trình cơ bản nói trên cùng với một
loạt bài viết sau này bổ khuyết cho chúng là những cứ liệu đáng tin cậy
để xác định trong những đường nét lớn triết học lý thuyết của Soloviev.
Còn mỹ học Soloviev thì một phần quan trọng được trình bày trong hai
khảo luận: Cái đẹp trong thiên nhiên (1889) và ý nghĩa chung của nghệ
thuật (1990), phần khác tiềm ẩn trong những bài phê bình văn học rất


giàu nội dung triết-mỹ của ông. Dựa vào chúng, ta hoàn toàn có thể
hình dung được, tất nhiên cũng trong những đường nét chính, hệ thống
mỹ học của Soloviev.

1 – Những nguồn ảnh hưởng và cổ lệ

Nhà triết học và thần học S.N. Bulgakov, một môn đồ tinh thần của
Soloviev, gọi hệ thống triết học của ông là “một hợp âm đa thanh nhất
trong toàn bộ lịch sử triết học”. Có nghĩa là hệ thống triết học ấy, thuần
toàn trong chỉnh thể hữu cơ của mình, được hợp thành bởi nhiều tư
tưởng và môtip có nguồn gốc rất xa nhau. Các nhà nghiên cứu Soloviev
trong thế kỷ qua đã vạch ra một phổ rất rộng những ảnh hưởng của
triết học thế giới đến Soloviev, từ Platon và trường phái tân Platon
thông qua các dòng triết học thần bí và bí truyền Trung cổ - Phục hưng
đến các triết gia và trường phái triết học thời mới, đặc biệt triết học cổ
điển Đức (Kant, Fichte, Hegel, Schelling), nhưng phải thêm vào đấy cả
những triết thuyết đương thời xa nhau một trời một vực như của
Schopenhauer và Comte. Xét về năng lực tiếp thụ và tiêu hoá những tư
tưởng rất khác nhau đến từ bên ngoài, biến chúng thành cái của mình,
người ta hay so sánh Soloviev với Leibniz - nhà bác học và triết học
thiên tài của thế kỷ XVII. Không dừng lại lâu hơn (song sẽ còn trở lại) với
những nguồn ảnh hưởng ngoại lai ấy, chúng tôi muốn lưu tâm đặc biệt
đến những tư tưởng minh triết của dân tộc Nga mà Vladimir Soloviev -
một triết gia Nga chính thực - đã hấp thụ sâu sắc và nhuần nhuyễn, biến
thành tinh thần sống, thành cảm hứng chủ đạo của triết học và thần
học của mình.

Như ta đã biết, văn hoá Nga trong một nghìn năm phát triển đã đạt
được nhiều thành tựu rực rỡ - chỉ cần nhắc đến hội họa và kiến trúc tôn
giáo Nga thời Trung cổ, văn học và âm nhạc thời mới - nhưng trong lĩnh

vực triết học thì cho đến cuối thế kỷ XIX nước Nga vẫn còn là nước
chậm tiến (về phương diện này, nó giống như Nhật Bản so với Trung
Quốc hay ẤnĐộ hoặc Tây Ban Nha so với Pháp hay Anh). Bản thân
Soloviev hơn một lần than phiền về tình trạng nghèo nàn đến đáng
thương của triết học nước mình và ao ước khắc phục thật nhanh sự
thua kém này so với các nước Tây Âu. Nhưng phê phán sự nghèo nàn
chậm tiến ấy, Soloviev không bỏ qua một thành tựu đáng kể nào đã đạt
được của tư tưởng triết học dân tộc, luôn luôn giữ thái độ trân trọng
đối với những nhà tư tưởng Nga ưu tú đi trước ông hay hoạt động cùng
thời với ông (Chaadaiev, Khomiakov, I. Kireievski, Iurkevich, Leontiev,
Fiodorov…), hưởng ứng nhạy bén những tư tưởng tâm huyết của họ,
tiếp sức họ khai mở những nẻo đường mới cho nền triết học non trẻ
của nước mình. Nền triết học ấy, thời Soloviev còn đương ở trong giai
đoạn hình thành, đã bắt đầu phân chia thành hai dòng đối lập: dòng
duy tâm-duy linh và dòng duy vật-thực chứng, trong đó dòng thứ nhất
rõ ràng có lực lượng hùng hậu hơn và mang đậm bản sắc dân tộc hơn.
Ứng với lòng mộ đạo sâu sắc của dân tộc Nga - một thực tại đập vào
mắt các du khách nước ngoài và được ghi lại trong nhiều sách du ký của
họ - ứng với cảm hứng tôn giáo là đặc điểm nổi bật của nền văn học
Nga cổ điển, khu biệt nó với các nền văn học Tây Âu cùng thời, triết học
Nga ở những hiện tượng sâu sắc nhất, độc đáo nhất và có ảnh hưởng
bền lâu nhất (như Soloviev với những tiền bối và hậu bối của ông) về
bản chất là nền triết học tâm linh-tín ngưỡng, triết học tôn giáo luận.
ỞNga, khác với ở Tây Âu, đã không diễn ra cuộc ly hôn giữa triết học và
thần học. Ra đời muộn mằn trong một xã hội đã được thế tục hoá về
nhiều mặt và chịu ảnh hưởng mãnh liệt của nền khoa học và triết học
thế tục phương Tây, triết học Nga ở dòng chủ lưu của nó vẫn nuôi
dưỡng quan hệ huyết thống với tôn giáo, nhìn thấy ở những chân lý
thần khải của tôn giáo những tiền đề bất biến của mình. Không ấp ủ ảo
tưởng về sức mạnh vô biên của trí tuệ con người, nó luôn luôn tìm kiếm

sự liên minh giữa trí tuệ với tín ngưỡng, cố gắng thiết lập quan hệ
tương hỗ với thần học, dẫn đưa nhiều vấn đề thần học vào nội dung
triết học của mình, kiến giải theo quan điểm thần học sáng tạo, thần
học phi giáo điều những thực tại lịch sử mới và thành tựu khoa học
mới. Tất nhiên, quan hệ giữa triết học với thần học ở Nga thời Soloviev
không diễn ra một cách thuận buồm xuôi gió. Như đã nói, do tính bảo
thủ thâm căn cố đế của giáo hội Chính thống Nga được nhà nước Sa
hoàng bảo hộ, những tư tưởng thần học mới mẻ của các triết gia Nga
thường bị giới tăng lữ đả kích quyết liệt và nhiều khi bị cấm đoán
truyền bá ở trong nước. Song bất chấp mọi khó khăn trở ngại các triết
gia Nga vẫn kiên trì theo đuổi mục tiêu tái hợp triết học với thần học.
Ởchâu Âu trong thế kỷ XX, sau thời đại ngự trị của chủ nghĩa thực
chứng, khi trong triết học lại thức tỉnh mối quan tâm đến những vấn đề
siêu hình học và tôn giáo-tín ngưỡng, ta sẽ chứng kiến khuynh hướng
tương tự trong sáng tác của một loạt triết gia lớn như Theillardde
Chardin, Schweitzer, Buber, Maritain, Marsel, Simone Weil, Mounier…
Sinh sau đẻ muộn, triết học tôn giáo luận Nga về một phương diện nhất
định lại hoá ra đi trước triết học Tây Âu.

Về ảnh hưởng tác thành của hai nhà tư tưởng Nga lớn - I. Kirejevski và
A. Khomiakov - đến triết học Soloviev thời trẻ chúng tôi sẽ còn nói đến
khi giới thiệu lý thuyết nhận thức của ông. Song thiết nghĩ có một điều
to lớn hơn và hệ trọng hơn những ảnh hưởng một chiều từ nhà tư
tưởng này sang nhà tư tưởng kia trong nội bộ một nền văn hoá dân tộc
- đó là những nguồn cảm hứng sáng tạo chung, những đề tài và ý tưởng
chung phát sinh từ một tâm thức dân tộc thống nhất, từ những định
hướng tinh thần, những ý tưởng, hoài bão, khát vọng chung làm nên
hồn cốt của một nền văn hoá dân tộc và chi phối một cách vô thức (hay
siêu thức) những tìm kiếm sáng tạo của những đại diện ưu tú của nó.
Xin đơn cử một thí dụ. Soloviev nhiều lần lưu ý độc giả tới việc nhân

dân Nga từ ngàn xưa nhất tề tán tụng một “nước Nga thánh thiện”
(Svjataja Rus) của mình. Như ông phân tích, đây không phải là một định
danh như chẳng hạn tổ từ cố định “nước Pháp tuyệt diễm” (la belle
France) trong thơ ca Pháp trung cổ. Thành ngữ “nước Nga thánh thiện”,
theo Soloviev, thể hiện lý tưởng dân tộc-quốc gia của người Nga và
quan hệ mật thiết với những xác tín tôn giáo của họ. Hướng tới sự
thánh thiện không chỉ là ý nguyện thực hiện cho bằng được cái thiện
trong cuộc sống phù du đầy thăng trầm này. Hướng tới sự thánh thiện
tức là ao ước một kiểu sinh tồn hoàn hảo tuyệt đối, xứng đáng tuyệt
đối, mà cái hoàn hảo tuyệt đối, cái xứng đáng tuyệt đối là cái không thể
bị tiêu diệt, không thể mất đi, là cái bất tử, cái vĩnh hằng[1]. Soloviev,
cũng như nhiều nhà văn hoá Nga, đặc biệt lưu tâm tới việc ở nước Nga,
ngày hội hân hoan nhất, tưng bừng nhất của toàn dân là ngày phục sinh
của Giêsu Kitô - cuộc phục sinh cá nhân của một thần-nhân hoàn hảo
ấy, theo hàm nghĩa tôn giáo sâu xa của nó, tiên báo và dự liệu sự phục
sinh của toàn thể nhân loại và toàn thể vũ trụ cho sự sống chí thiện,
chân phúc và bất tử trong Vương quốc của Chúa Trời. Về sự phục sinh
vĩnh viễn của tất cả trong cuộc sống tương lai ấy, mà không có nó thì sự
hiện sinh của từng con người và cả loài người, cả hoàn vũ trở nên vô
nghĩa, những nhà văn và nhà tư tưởng Nga đi trước Soloviev như
Gogol, Dostoievski, Khovmiakov, Fiodorov đã để lại những trang viết
xán lạn. Soloviev với tất cả nhiệt huyết và sức mạnh trí tuệ tiếp thụ và
phát triển tư tưởng lớn ấy của văn hoá Nga, biến nó thành môtip chủ
đạo, chủ đề quán xuyến của toàn bộ sáng tác của mình. Có thể nói tất
cả những gì mà nhà triết học và thi sĩ này để lại là sự trải nghiệm nội
tâm thường trực cái bí mật vĩ đại của sự sống và sự chết, là sự suy
ngẫm không dứt về nguyên nhân của thân phận hữu tử của mọi con
người trong thế gian này, về những điều kiện không thể thiếu được cho
sự chiến thắng cái chết, cho sự sống bất tử của loài người trong linh
hồn và thân xác. “Hai ước vọng rất gần gũi nhau - ông viết trong sách

Những cơ sở tâm linh của cuộc sống - như đôi cánh vô hình cất bổng
tâm hồn con người lên bên trên toàn bộ thế giới tự nhiên - đó là ước
vọng bất tử và ước vọng chính nghĩa, hay là đạo đức thập toàn. Cái này
không có cái kia sẽ mất giá trị. Sự sống bất tử không song hành với đạo
đức thập toàn không phải là cái chân phúc - còn phải xứng đáng với sự
bất tử ấy bằng việc thực hiện mọi điều hay lẽ phải trên đời. Thế nhưng
đạo đức thập toàn mà lại nằm dưới quy luật của sự chết, sự diệt vong,
cũng không phải là cái phúc. Sự sống vĩnh hằng không mang trong mình
chính nghĩa trọn vẹn sẽ chỉ là sự lưu đầy vô thời hạn, còn chính nghĩa
trọn vẹn không được hưởng sự vĩnh tồn sẽ là sự bất công tầy trời, sự
bạc đãi vô độ.” Đạo Kitô trong con mắt của Soloviev sở dĩ là tôn giáo
hoàn hảo nhất, đáng noi theo nhất là vì nó hứa hẹn và bảo đảm - thông
qua cái chết và sự phục sinh của Kitô - một sự cải biến và tái sinh toàn
thế giới, từng con người và tất cả mọi người cho sự sống hoàn hảo bất
tử. Nhu cầu bất tử và quan niệm đinh ninh rằng chỉ có sự sống bất tử
mới xứng đáng với con người với tư cách hình ảnh và thể tương đồng
của Chúa Trời sống mãnh liệt trong Soloviev đến nỗi năng lực thực hiện
sự bất tử ấy trong tư tưởng của ông trở thành tiêu chí để ông xác định
giá trị cuối cùng của mọi học thuyết tôn giáo và xã hội.

×