Tải bản đầy đủ (.pdf) (11 trang)

G. W. G. Hegel - HIỆN TƯỢNG HỌC TINH THẦN [Phần 5]: SỰ ĐỘC LẬP-TỰ CHỦ_4 ppsx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (123.95 KB, 11 trang )

G. W. G. Hegel - HIỆN TƯỢNG HỌC TINH THẦN
[Phần 5]: SỰ ĐỘC LẬP-TỰ CHỦ VÀKHÔNG ĐỘC
LẬP-TỰ CHỦ CỦA TỰ-Ý-THỨC; LÀM CHỦ VÀ
LÀM NÔ (318)



(318)“Herrschaft und Knechtschaft”: chúng tôi dịch là: “Làm Chủ và
làm Nô”. Theo J.H, chữ “làm Nô” (ông dịch ra tiếng Pháp là “servitude”
# “domination”) của Hegel có từ nguyên La tinh là “servus”, “servare”
(bảo tồn, bảo lưu), theo đó Nô là kẻ “bảo tồn”, tức ưu tiên chọn việc
bảo tồn mạng sống hơn là sự tự do; còn Chủ, trái lại, không sợ cái chết
và chứng minh sự độc lập đối với sự sống hay mạng sống. Về nhiều
cách lý giải khác nhau đối với diễn trình biện chứng của “sự thừa nhận”
này, xem Chú giải dẫn nhập: 6.2. Xin lưu ý: Hegel dùng cặp danh từ
“Herr-Knecht” để chỉ hai chủ thể trong mối quan hệ “làm Chủ” và “làm
Nô”. “Herr-Knecht” có thể được dịch là “Chủ-Tớ” theo nghĩa khái quát
của sự đối lập giữa “chính” và “tùy”, giữa sự độc lập tự chủ và sự lệ
thuộc của hai hình thái ý thức. Hegel không dùng chữ “Chủ nô”
(Sklavenhalter) và “người nô lệ” (Sklave) theo nghĩa xã hội học và lịch
sử. Tuy nhiên, chúng tôi cố ý dịch là “Chủ-Nô” (thay vì “Chủ-Tớ”) để giữ
được tính hàm hồ, đa nghĩa của khái niệm, vì chính tính hàm hồ ấy đã
dẫn đến nhiều cách tiếp cận khác nhau đối với đoạn văn nổi tiếng này.


(319)Khái niệm “sự vô tận” hay “tính vô tận” (Unendlichkeit) là sự
thống nhất trong sự nhân đôi. (Xem: Chú thích 290).


(320)Tự-ý thức xa lạ vừa là cái khác vừa là chính mình. Khi xem chính
mình như là cái khác, Tự-ý thức tự đánh mất chính mình; khi tự nhìn


thấy chính mình trong cái khác, nó thủ tiêu cái khác này và chỉ thấy
chính mình.


(321)Ở đây, cái tồn tại-khác có một ý nghĩa nhị bội, bởi nó là cái khác và
là chính mình, qua đó chuỗi diễn trình có ý nghĩa nhị bội: trong vận
động thứ nhất, Tự-ý thức quay về trong chính mình, nhưng đồng thời
để cho cái Tự-ý thức khác được tự do, tức trở thành khác tuyệt đối với
chính mình.


(322)Chúng tôi dịch: “Tun”, “das Tun” là “làm”, “việc làm” theo nghĩa
“thao tác”; “Tat” là “việc đã làm” theo nghĩa là kết quả của “Tun”;
Tätigkeit” là “hoạt động”; còn dịch “Handeln”, “Handlung” là “hành
động”, “động tác”, “hành vi”.


(323)Việc làm của hai Tự-ý thức này là một và cùng một việc làm không
bị tách rời (ungetrennt); và bởi tính tương quan và tương hỗ này là có-ý
thức, nên vận động của hai Tự-ý thức là khác với vận động qua lại của
hai Lực (xem: Chương III). Vận động của hai Lực tỏ ra là hợp nhất chỉ
“cho ta” mà thôi. (Xem §184).


(324)Mỗi Tự-ý thức là tồn tại-cho-mình một cách hiện thực là nhờ cái
khác thừa nhận nó; còn trong tình trạng trực tiếp của mình, nó chỉ là
một “sự vật sống thực” (ein Lebendiges), chưa phải là Tự-ý thức đích
thực. Câu này được Trần Đức Thảo (Sđd) dịch là: “hai bên công nhận
cho nhau rằng mình có công nhận lẫn nhau”.



(325)Hạn từ trung giới là Tự-ý thức như là một và đồng nhất ở trong sự
thừa nhận lẫn nhau. Khi chuyển hóa thành những đối cực, – hai Tự-ý
thức đối lập –, Tự-ý thức, trước hết, đối lập với chính mình. Đây sẽ là
tấn (thảm) kịch của sự “không ngang bằng” giữa Chủ và Nô.


(326)Trong trạng thái “trực tiếp” này, mỗi Tự-ý thức là Ý thức cá biệt,
cô lập; và toàn bộ tiến trình biện chứng tiếp theo là nhằm nâng Ý thức
cá biệt lên thành Tự-ý thức phổ biến.


(327)Mỗi Tự-ý thức biết chính mình là tuyệt đối, nhưng chưa phải như
thế đối với cái khác; đối với cái khác, nó còn là “sự vật sống thực” chứ
chưa phải Tự-ý thức. Nó phải tự chứng tỏ cho cái khác điều nó tự biết
về mình, nhưng chỉ làm được điều này bằng cách “liều mạng sống”.


(328)Tồn tại-cho mình tự tước bỏ ra khỏi chính mình tất cả những gì
không phải là mình, nghĩa là cả bản thân sự tồn tại của Sự sống. Khi
chứng minh rằng mình đứng “lên trên” Sự sống, nó tự thể hiện cho cái
khác như là tồn tại-cho mình. Đây là một “thuyết duy tâm” (un
idéalisme: “duy tư tưởng”) nhưng là một “thuyết duy tâm” tự chứng
minh bằng sự liều mạng sống (theo J.H).


(329)“Person”: “con người”. Ý nghĩa của chữ “Person” trong Hegel
không ổn định. Trong HTHTT, “Person” là sự biểu thị chung ở cấp độ
thấp nhất về “con người”, được áp dụng cho bất cứ ai, không thể hiện
một Tự-ý thức độc lập; vì thế, trong Chương VI, §§477-480, ông còn

bảo “Person” là từ “diễn đạt sự khinh bỉ”. Nhưng, trong “Triết học pháp
quyền” (§35), một “Person” là ý thức về chính mình như một cái Tôi,
trong khi Tự-ý thức là ý thức về chính mình chỉ như là một “tồn tại nhất
định”. (Xem thêm: Triết học pháp quyền: §35, §41, §46, §105). Tuy
nhiên, nhìn chung, khác với Kant, Hegel hiểu “Person” là sự biểu thị
tương đối mờ nhạt, trừu tượng về “con người”, đơn thuần theo nghĩa
“pháp nhân”.


(330)“Sự phủ định tuyệt đối” (absolute Negation): Sự phủ định tuyệt
đối là sự phủ định nhị bội (gấp đôi, phủ định của phủ định). Sự phủ định
thứ nhất là sự phủ định mà Tự-ý thức đã trải nghiệm thông qua sự tồn
tại ở bên ngoài chính mình (Außersichsein). Nhưng, để quay trở lại với
“sự tồn tại-cho mình thuần túy” của mình, sự phủ định này phải được
phủ định hay vượt bỏ đi; do đó là sự phủ định gấp đôi hay “sự phủ định
tuyệt đối”.


(331)Sự phủ định vừa “thủ tiêu”, vừa “bảo lưu” và “duy trì” chính là sự
“vượt bỏ” (Aufheben) (xem: Chú giải dẫn nhập: 3.4.3.2.f). Ở đây, theo
J.H, ta không được quên rằng có hai sự độc lập-tự chủ: sự độc lập của
Sự sống (không có tính phủ định tuyệt đối) và sự độc lập của cái tồn tại-
cho mình (chỉ đơn thuần là tính phủ định tuyệt đối). Vậy, kết quả của
cuộc đấu tranh mất còn này là tính bản chất của Sự sống “cho” Tự-ý
thức.


(332)Bước chuyển hóa có tính bản chất: hai mô-men (Moment) của Tự-
ý thức sẽ tự phân ly: một bên là sự lặp thừa của Tôi = Tôi sẽ mang lại ý
thức của CHỦ đặt mình lên trên sự tồn tại của Sự sống; bên kia là ý thức

trong hình thức của vật tính (Dingheit), mang lại ý thức của Nô, chỉ hiện
hữu cho một cái khác. Vậy, có ba hạn từ cho diễn trình biện chứng tiếp
theo: Chủ, Nô và Vật tính. Đoạn §189 này là nền tảng cho cách lý giải
“bản thể học” về Tự-ý thức (E. Fink, R. Ludwig ) khác với cách lý giải
“nhân loại học” hay “triết học lịch sử” của nhiều tác giả khác. Xem: Chú
giải dẫn nhập: 6.2.


(333)tức nó là sự lặp thừa (Tautologie) của Tự-ý thức: Tôi = Tôi.


(334)“Với cả hai yếu tố”: nghĩa là: với sự vật (đối tượng của sự ham
muốn), và với Nô. Chủ quan hệ gián tiếp (qua trung giới) với sự vật, vì
Nô lao động với sự vật mà Chủ hưởng thụ; và cũng gián tiếp với Nô, vì
điều làm cho Nô thành Nô là sự lệ thuộc của nó với sự vật, với cái tồn
tại tự nhiên mà nó không thể dứt bỏ trong cuộc chiến đấu. Nói cách
khác, sự trung giới thiết yếu đối với Tự-ý thức đã chuyển sang bên
ngoài Tự-ý thức, trong một ý thức khác, đó là ý thức của Nô.


(335)“bearbeiten”: Nô cũng là Tự-ý thức nói chung vì nó phủ định sự
vật, nhưng sự vật vẫn bảo tồn sự độc lập-tự chủ của mình đối với Nô.
Do đó, sự phủ định không đi đến tận cùng (tức “hưởng thụ” sự vật) mà
là sự phủ định dang dở, tức chỉ là “lao động”, nhào nặn, cải biến, tạo
hình thể cho sự vật theo nguyên nghĩa của từ “bearbeiten”.


(336)Quan hệ trực tiếp (sự lặp thừa của Tự-ý thức: Tôi = Tôi) sở dĩ có
được cho Chủ là nhờ thông qua sự trung giới (không được nhận thức)
của Nô. Đối với Chủ, thế giới khách quan không có sự đề kháng; nó là

đối tượng cho sự hưởng thụ của Chủ (cho sự khẳng định bản ngã của
Chủ); trong khi đó, với Nô, thế giới này là thế giới “cứng rắn” mà nó chỉ
có thể “nhào nặn, tạo hình thể, cải biến” mà thôi (theo J.H).


(337)Chính “sự thừa nhận một chiều và không ngang bằng” (ein
einseitiges und ungleiches Anerkennen) này sẽ tạo ra sự chuyển hóa:
Chủ trở thành Nô của Nô và Nô trở thành Chủ của Chủ. Sự phát triển
tiếp theo nhấn mạnh vào vai trò của sự “đào luyện” (Bildung) (hiểu
theo nghĩa rộng là: “Văn hóa”) đối với Tự-ý thức của Nô. Sự đào luyện
khắc nghiệt bằng “sự sợ hãi, phục dịch và lao động” là yếu tố bản chất
trong việc đào luyện mọi Tự-ý thức. (Xem chú thích 12).


(338)Câu tối nghĩa: “ die [Wahrheit] jedoch FÜR SIE [die Knechtschaft]
noch nicht an ihr ist”. J. Hyppolitte dịch nguyên văn (như chúng tôi) là:
, “mais cette verité qui est pour elle n’est pas encore en elle-même”.
Baillie và Miller đều hiểu cách khác: Baillie: “although this truth is not
taken yet as inherent in bondage itself” (“mặc dù sự thật này chưa
được nắm lấy như là tự-mình [mặc nhiên] trong bản thân việc làm Nô);
Miller: “However, servitude is not yet aware that this truth is implicit in
it” (“Tuy nhiên, việc làm Nô chưa ý thức rằng sự thật này là mặc nhiên
[tự-mình] ở bên trong nó”). Cách dịch thoát của Baillie và Miller cũng có
phần tương ứng với các câu tiếp theo sau.


(339)Furcht(Pháp: La peur/Anh: fear): sợ hãi, kinh sợ trước đối tượng
cụ thể (vd: cái chết).




(340)Sự phân rã “nói chung” chưa đủ cho việc “đào luyện” Tự-ý thức.
Nó còn phải phân rã (giải thể) trong từng yếu tố riêng lẻ sự lệ thuộc đối
với cái hiện hữu nhất định [sự vật tự nhiên] thông qua việc “phục dịch”
(im Dienen) và lao động.


(341)Ở đây Hegel dùng hình ảnh “Kính sợ Chúa Trời”, Kinh Thánh, Ca
Vịnh, 110, 10.


(342)“So ist das Bewußtsein darin für es selbst, nicht das Fürsichsein”.


(343)“bilden”: đào luyện, tạo hình thể: thuật ngữ có ý nghĩa rất rộng
trong Hegel. Ở chương này, đây là sự đào luyện của cá thể đối với sự
vật (nhào nặn, tạo hình thể) và qua đó, tự-đào luyện chính mình. Sau
này, ở phần B, Chương VI bàn riêng về “sự đào luyện” (Bildung) thì lại
có nghĩa là một hiện tượng xã hội theo nghĩa “văn hóa, văn minh”.
(Xem thêm: chú thích 12).


(344)Đoạn văn này chứa đựng một lý luận triết học về sự ham muốn và
lao động đã được Hegel phát triển trong các tác phẩm thời kỳ ở Jena.
Xem: System der Sittlichkeit, Tác phẩm, VII, 425-432 và các bài giảng về
“Triết học Tinh thần”, Tác phẩm, XIX, 220; XX, 197. Trong lao động, sự
thống nhất đầu tiên giữa ý thức lý thuyết và ý thức thực hành được
thực hiện (dẫn theo J.H).



(345)Ý thức làm nô chỉ đã có cái tồn tại-cho mình ở trong CHỦ mà nó
run sợ; còn khi kiến tạo hình thể cho đối tượng, nó mới tự tạo ra cái tồn
tại-cho mình của chính mình và không còn run sợ nữa.


(346)Cần phân biệt chữ “thuộc về chính mình” hay “đối với nó” (für es)
với chữ “cho-mình” (für sich) cũng như giữa “nơi nó” (an ihm) với “tự
mình” (an sich). (Xem thêm: chú thích 223).


(347)“được thiết định hay được đặt ra bên ngoài”: được ngoại tại hóa,
đối tượng hóa.

(348)“Eigner Sinn” và “Fremder Sinn”: Trong lao động, ý thức làm Nô có
vẻ như ở bên ngoài chính mình, nhưng trong thực tế, nó nhận ra lại
chính mình trong tính cá biệt, độc đáo của mình, vì kết quả lao động là
tính cá biệt này ở trong môi trường của tồn tại.


(349)Ở đây, Hegel chơi chữ: “der eigene Sinn” (ý nghĩ riêng) và
“Eigensinn” (sự ngoan cố). Sự tự do tuyệt đối tiền giả định sự thoát ly
đối với tồn tại tự nhiên trong tính toàn thể của nó. Nếu không có sự
thoát ly này, sự tự do ấy chỉ là “sự ngoan cố”, bị khép kín ở trong cái
tồn tại-nhất định.

×