Mị Châu - Trọng Thủy: bài học cảnh
giác hay bi kịch tình yêu
"Tôi kể ngày xưa chuyện Mị Châu
Trái tim nhầm chỗ để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc.
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu"
(Tố Hữu - Tâm sự)
An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy là truyền thuyết đẹp của
người xưa với chủ đề dựng nước và giữ nước, để lại cho đời sau bài học
cảnh giác chính trị sâu sắc và thấm thía. Nhưng có phải câu chuyện chỉ
chứa dựng một tấn bi kịch là mất nước hay không? Theo tôi câu chuyện
là sự đan xen giữa cả hai bi kịch mất nước và tình yêu. Chính khi bi kịch
mất nước đã tạo nên bi kịch tình yêu và bi kịch tình yêu đã mở đường
cho bi kịch mất nước.
Cả hai tấn bi kịch bắt đầu khi An Dương Vương để tình riêng lấn át tầm
nhìn của một đấng minh quân. Vua cho Trọng Thủy về ở rể mà chẳng
mảy may nghi ngờ không chút cảnh giác chính vì thế vua đã để Trọng
Thủy có cơ hội mang mầm tai họa vào bén rễ trong Loa Thành. Sự mất
cảnh giác đã cuốn vua vào bi kịch mất nước do chính tay mình tạo nên;
nhưng hậu quả đâu chỉ dừng lại ở đó, chính An Dương Vương đã đẩy
con gái là công chúa Mị Châu vào con đường bi kịch tình yêu.
Truyền thuyết ghi lại bởi người đời sau ngắn gọn, nhưng cốt lõi của bi
kịch khá rõ ràng: mối quan hệ thông gia giữa hai nhà vốn dĩ đối địch đã
tiềm ẩn những bất trắc khó lường. Vậy mà An Dương Vương lại " vô
tình" gả con gái yêu cho con trai kẻ thù. Theo mạch kể của truyền thuyết
không có lí giải nguyên nhân sâu xa khiến Mị Châu tiếp tay cho Trọng
Thủy cướp mất nỏ thần Kim Quy. Mị Châu rõ ràng đã quá yêu và tin
Trọng Thủy đến với mình bằng tình yêu chân thành vì vậy nàng đã nghe
theo mọi lời nói của y. Nếu xét dưới góc độ của một thần tử, nàng mang
tội đáng chết vì một thần tử mà dám đem bí mật quân sự quốc gia ra nói
với người khác, nhất là khi đó lại là con trai của kẻ thù. Đáng trách hơn,
Mị Châu bị tình yêu làm mờ lí trí đến nỗi chẳng còn đủ tỉnh táo để nhận
ra những ẩn ý trong lời nói của Trọng Thủy khi từ biệt để cảnh báo với
vua cha. Nàng không còn đủ tỉnh táo để nhận ra trong lời chồng tiềm ẩn
hiếm họa binh đao: "Ta nay về thăm cha, nếu như đến lúc hai nước thất
hòa bắc nam chia cắt, ta tìm lại nàng biết lấy gì làm dấu?" Mị Châu mê
muội đến mức không biết hỏi nguyên cớ chia lìa, lại chỉ chăm chăm nghĩ
về sự đoàn tụ lứa đôi. Rồi ngay cả khi giặc của Triệu Đà đuổi đến nơi
nàng vẫn chẳng chịu trở về với thực tại, mãi đắm mình trong cơn mộng
mị, vẫn còn rắc lông ngỗng làm dấu cho Trọng Thủy đuổi theo. Đặt tình
riêng lên trên vận mệnh quốc gia như vậy quả là vô cùng đáng trách,
đáng phê phán.
Nhưng nếu nhìn dưới góc độ của một người con gái bình thường đang
yêu một cách cuồng nhiệt thì quả thật Mị Châu đã làm tròn trách nhiệm
với con tim của mình. Dù cho có mù quáng đi chăng nữa thì tình yêu của
Mị Châu thật đẹp đẽ và trong sáng. Nàng yêu hết mình và hiến dâng tất
cả cho người mình yêu. Chính vì lẽ đó mà Mị Châu trở thành thủ phạm
góp phần làm nên tấn bi kịch mất nước đồng thời nàng cũng là nạn nhân
"bất đắc dĩ" của tấn bi kịch tình yêu. Mị Châu chẳng làm tròn chữ trung
chữ hiếu, nàng chỉ để lại duy nhất cho đời riêng một chữ tình mà thôi.
Đằng sau câu chuyện tình yêu của Mị Châu - Trọng Thủy là cả một âm
mưu về chính trị thâm hiểm của Triệu Đà và không ai khác kẻ trực tiếp
thực hiện âm mưu đó lại chính là Trọng Thủy. Ngay từ khi bước chân
vào Loa Thành y đã lộ nguyên hình là tên nội gián thâm độc, y luôn đặt
nhiệm vụ gián điệp lên hàng đầu. Bỉ ổi hơn, y lợi dụng luôn cả người vợ
ngây thơ để thực hiện gian kế. Xét về bản chất Trọng Thủy là một kẻ
tham lam và gian trá. Chính điều đó giúp y hoàn thành xuất sắc nhiệm
vụ được giao, y đã làm tròn cả chữ trung lẫn chữ hiếu. Nhưng đáng tiếc
thay Trọng Thủy lại lỡ đánh rơi mất chữ tình. Trái với Mị Châu, Trọng
Thủy để cái đầu lạnh làm nguội trái tim mình. Những hành động đầy
toan tính của y giúp y tạo nên cái bẫy đưa cha con Mị Châu vào bi kịch
mất nước nhưng từ thủ phạm hắn biến thành nạn nhân của chính mình
trong tấn bi kịch tình yêu.
An Dương Vương mất nước từ sự thiếu cảnh giác, khinh địch của mình.
Bản thân vua mong mỏi sự hòa bình giữa hai quốc gia, chấm dứt cảnh
chiến tranh loạn lạc từ tình yêu con trẻ. Nhưng trớ trêu thay điều đó lại
tạo nên khe hở cho những toan tính của cha con Triệu Đà len lỏi vào.
Bản thân An Dương Vương cũng phải gánh chịu bi kịch khi phải tuốt
gươm trừng phạt kẻ phản bội là chính con gái yêu của mình. Nhà vua
đứng trên quyền lợi quốc gia mà gạt bỏ tình riêng, hành động ấy rất
được nhân dân coi trọng qua cách xử lí của dân gian: Rùa vàng rẽ nước
cho vua xuống biển. Mị Châu phải trả giá cho sự nông nổi của mình
nhưng nàng cũng kịp thức tỉnh để nhận ra bi kịch đau đớn. Một người
con gái ngây thơ trong trắng đáng yêu bị phản bội, cuối cùng đã nhận ra
kẻ thù dù đã quá muộn màng. Cái nhìn nhân hậu của nhân dân ta đã
dành cho Mị Châu khi đã để nàng hóa thành ngọc thạch, máu hóa thành
ngọc trai ở biển đông. Mị Châu thật đáng trách nhưng cũng thật đáng
thương. Truyền thuyết không chỉ kể lại trang sử mất nước mà còn chứa
đựng cả cái nhìn thương cảm cho lứa đôi - khi tình yêu phải đối mặt với
âm mưu.
Trọng Thủy đã phải trả giá cho sự lừa dối khi hắn chỉ còn mang được
xác Mị Châu về chôn cất. Với kẻ cướp nước, nhân dân ta không để cho
hắn chiếm đoạt và tiếp tục lừa phỉnh Mị Châu. Nhưng điều đáng nói ở
đây là cái chết lao đầu xuống giếng của Trọng Thủy và kết thúc câu
chuyện: "Người đời sau mò được ngọc trai ở biển Đông lấy nước giếng
mà rửa thì thấy trong sáng thêm". Sự lừa dối của Trọng Thủy là lời cảnh
tỉnh người đời: Chỉ có tình yêu chân thành mới được đền đáp xứng đáng,
tình yêu không bao giờ đồng hành với những âm mưu toan tính thấp
hèn, với tham vọng cướp nước.
Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy muôn đời vẫn còn
giá trị từ ý nghĩa nhân văn, từ bài học cảnh giác đến lời nhắc nhở về
cách giải quyết cái chung và cái riêng, việc nước và việc nhà. Truyền
thuyết ấy như ta vẫn biết chứa đựng bài học mất nước sâu sắc, bài học
mất nước là chính và không ai có thể phủ nhận, nhưng chỉ nhắc đến bi
kịch mất nước thôi là chưa đủ mà còn ẩn sâu bi kịch tình yêu còn nhiều
tranh cãi