Văn phong độc đáo và tình yêu quê
hương đất nước trong "Người lái đò
sông Đà"
I . ĐẶT VẤN ĐỀ .
Người lái đò Sông Đà là một trong những tuỳ bút xuất sắc nhất của
Nguyễn Tuân in trong tập tuỳ bút Sông Đà (1960) . Sông nước Việt
Nam đã chảy qua nhiều trang văn của Nguyễn Tuân, có sông Bến Hải,
sông Gianh nhưng đặc biệt nhất vẫn là Sông Đà bởi Sông Đà đem lại
cho nhà văn cảm giác mạnh, máu phiêu lãng giang hồ . Với một tâm hồn
luôn khát khao hướng tới cái đẹp, Nguyễn Tuân đã tìm đến nó như một
địa chỉ lớn của thi ca, nhạc hoạ để rồi biến vùng sông nước ấy thành
nghệ thuật . Và cũng từ đó ta bắt gặp một Sông Đà như một sinh thể có
linh hồn, có tâm trạng phức tạp để từ đó nhà văn nâng người lái đò Sông
Đà lên bậc nghệ sĩ tài hoa, anh hùng trên sông nước . Nhưng bao trùm
lên tất thảy vẫn là văn phong độc đáo và một tình yêu tha thiết với thiên
nhiên đất nước và sự tôn kính công sức lao động của con người .
II . GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ .
Dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân, con Sông Đà hiện lên không
còn là dòng sông vô tri vô giác mà là một sinh thể có hồn, có tâm trạng ,
ở đó luôn có sự hội tụ hai đặc điểm hung bạo và trữ tình .
Trước hết phải nói đến tính cách hung bạo của sông Đà . Nếu đã có một
lần xuôi ngược trên dòng sông này, ắt hẳn không mấy ai quên được tính
cách dữ dội của sông Đà dù đi vào mùa đông nước cạn hay mùa hè nước
nổi . Cái đáng sợ của sông Đà còn ở toàn bộ môi trường và cảnh quan
hùng vĩ với vẻ huyền bí hoang sơ của dòng sông chảy giữa chốn núi non
trùng điệp của Tây Bắc xa xôi . Sông Đà dữ, cát sông Đà cũng dữ “Nó
đục thủng gan bàn chân lỗ rỗ như những vệt hà đục thủng đáy tàu
thuyền” . Bờ sông Đà chẳng hiền hoà “Nó dựng vách thành , mặt sông
chỉ lúc đúng ngọ mới trông có mặt trời . Có vách thành chẹt lòng sông
lại như mọt cái yết hầu .Có quãng con nai con hổ đã có lần vọt từ bờ bên
này sang bờ bên kia . Ngồi trong khoang đò qua chỗ ấy giữa mùa hè
cũng cảm thấy lạnh, cảm thấy mình như đứng dưới một cái ngõ mà
ngóng lên khung cửa sổ nào từ cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt
đèn điện ” Tổng hợp các giác quan khác nhau và có những so sánh táo
bạo, mới mẻ, bất ngờ, Nguyễn Tuân đã tạo được ấn tượng sâu sắc về
vách đá dựng đứng với độ cao hun hút khôn cùng . Tất cả các chuyển
động đều náo động . Người đọc như có cảm giác đang ngồi trên một con
đò mà phóng đi vun vút trên sông, băng băng xuống thác để thấy được
quanh mình tiếng nước hò reo bốn mặt và cả những hòn đá ngỗ ngược
phía trước như “nhất tề nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền”, để ra oai hỏi cái
thuyền phải xưng tên tuổi trước khi chiến đấu, để thách thức chiếc
thuyền có giỏi thì tiến vào Cái dáng đá hất hàm ấy trông ngỗ ngược,
hỗn hào, du côn một cách rất hiện đại . Những hòn đá nằm, ngòi, nổi,
chìm tưởng như tuỳ thích lại được sông Đà giao cho mỗi hòn một nhiệm
vụ để bày thạch trận tiêu diệt chiếc thuyền .
Sông Đà hung bạo không chỉ ở thạch trận , ở bờ sông dựng vách thành .
Nước sông Đà cũng vào hùa như tiếp thêm cái oai linh hùng vĩ đó . Và
sự dữ dội của nó cứ thế nhân mãi lên . Những câu văn có kết cấu trùng
điệp, nhịp điệu khẩn trương gấp gáp giống như sự chuyển vận của gió to
và sóng lớn : “Nước xô đá, đá xô sóng , sóng xô gió gùn ghè suốt năm
như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò sông Đà nào tóm được
qua đấy ”. Rồi “nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc . Trên
mặt cái hút xoáy tít đáy cũng đang quay lừ lừ những cánh quạ đàn”
Những cái giếng nước sâu nước ặc ặc như vừa rót dầu sôi vào . Có
những thuyền đã bị cái hút nó hút xuống, thuyền trồng ngay cây chuối
ngược rồi vụt biến đi, bị dìm dưới dòng sông đến mươi phút sau mới
thấy tan xác ở khuỷnh sông dưới .
Nói đến sông Đà không thể bỏ qua những con thác nguy hiểm . Sông Đà
có cả thảy bảy mươi ba cái thác như bảy mươi ba cạm bẫy luôn rình rập
tàu thuyền . Nguyễn Tuân như một nhạc trưởng đang điều khiển một dàn
giao hưởng chơi thật hùng tráng bài ca của gió thác xô sóng đá . Ban đầu
là cung bậc nỉ non của dòng thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là
van xin, rồi lại như là khiêu khích . Thế rồi âm thanh đó bất ngờ được
phóng to hết cỡ , các nhạc khí bừng bừng hét lên như một khúc nhạc của
một thiên nhiên dang ở đỉnh điểm của sự phấn khích mạnh mẽ và man
dại . Trong đó âm vang cuồng loạn của núi rừng được đưa vào để thanh
viện cho sự diễn tả con thác giận dữ ầm ầm và va đập vào bờ đá . Tiếng
sóng thác rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa
rừng vầu tre nứa đổ lửa , đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm
thét với đàn trâu da cháy bùng bùng . Nước, đá, sóng hỗ trợ cho nhau tạo
nên thế thạch trận, mai phục hết trong lòng sông . Chúng hung hăng ,
bạo ngược, hùng vĩ và hiểm trở, trở thành hiểm hoạ của con người , trở
thành kẻ thù số một của những người lái đò trên sông Đà .
Bên cạnh tính cách hung bạo, Nguyễn Tuân còn chú trọng khắc hoạ tính
cách trữ tình của sông Đà . Lời văn Nguyễn Tuân như bồng bềnh với
bầu trời của mùa xuân, mùa thu , nơi tác giả từ trên tàu bay mà nhìn
xuống từng nét sông núi tải ra trên đại dương đá lờ lờ bóng mây dưới
chân mình . Con sông Đà được ví như một mĩ nhân kiều diễm, xinh đẹp .
Con sông Đà tuôn dài, tuôn dài như một áng tóc trữ tình mà đầu tóc,
chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng
hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân . Miêu tả dòng sông
từ nhiều góc độ, nhiều không gian khác nhau, Nguyễn Tuân đã phát hiện
ra một cách tinh tế màu sắc của nước sông Đà . Khi xuân về , dòng sông
xanh màu ngọc bích, còn khi thu sang thì nước sông lừ lừ chín đỏ như
mặt người bầm đi vì rượu bữa Hơn thế, sông Đà còn hiền từ, dịu dàng
đằm đằm âm ấm như một cố nhân xa lâu thì nhớ mà gặp lại thì cuống
quýt mừng vui . Lúc đầu chỉ là cảm giác mơ hồ về sự thèm chỗ thoáng,
do đi rừng dài ngày, thậm chí còn quên đi là mình đang đổ ra sông Đà .
Rồi dòng sông hiện ra , nhưng chỉ một chút thôi, loang loáng như trẻ con
nghịch gương chiếu vào mắt . Để rồi kịp nhận ra được dòng sông, người
bạn cũ thì sao mà nó ngẩn ngơ đến thế trong cái màu nắng rất Đường thi
“Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu” . Tác giả khéo làm cho cái ùa vui
đó trải dài ra thành nhịp điệu : bờ sông Đà, bãi sông Đà, chuồn chuồn
bươm bướm trên sông Đà . Ít nhiều hiểu được vì sao cái vui của tác giả
khi gặp lại sông Đà lại đằm đằm âm ấm như gặp lại cố nhân đến vậy , nó
cứ thấm thía thêm niềm hạnh phúc , niềm hân hoan được sống và tồn tại
trên đất nước này của nhà văn .
Nhưng ấn tượng nhất đối với người đọc có lẽ là đoạn văn bắt đầu từ câu
: Thuyền tôi trôi trên sông Đà Câu văn viết toàn thanh bằng đẹp như
một lời thơ . Mà cả đoạn văn ấy cũng là một đoạn thơ . Nguyễn Tuân đã
tạo được sự lặng lẽ đầy thơ mộng của một mũi đò lừ lừ trôi giữa đôi bờ
sông tiền sử, về một nỗi niềm cổ tích hay hoài niệm về thời Lí, thời Lê
Và cả cái lặng lẽ mơ màng đến độ con người chờ mong một sự giật mình
để rũ bỏ ra khỏi giấc mơ xưa mà không được . Mùa xuân dòng sông Đà
được nhà văn cho e ấp tỏ mình qua mấy lá non nhú lên trên một nương
ngô và những nõn búp của tranh đồi núi . Cả dòng nước lững lờ trôi vì
nhớ thương những con thác trên thượng nguồn cũng góp phần làm
cho dòng sông thêm trữ tình , thơ mộng .
Nhưng tác phẩm không chỉ đề cập đến dòng sông Đà, Nguyễn Tuân
dành nhiều trang văn của mình để nói đến người lái đò sông Đà . Ở ông
không chỉ có lòng dũng cảm của một người anh hùng mà còn thể hiện
cái tài hoa của một người nghệ sĩ . Chở đò không chỉ là một nghề khó
nhọc mà còn là cả một nghệ thuật cao cường, đầy tài hoa, đạt đến độ tinh
vi, siêu hạng . Ông lão tự tin, bình tĩnh khi đối diện với thác nước sông
Đà vì ông thấu hiểu qui luật của thần đá , thần sông, nhớ mặt từng hòn
đá trên sơ đồ thạch trận mà chúng giăng ra đánh bẫy những con đò . Với
người lái đò này, tài nghệ ở chỗ khong được phép sai lầm bởi chỉ cần
một phút lơi là, thiếu sự phối hợp là có thể phải trả giá bằng chính mạng
sống của bản thân mình . Tác giả miêu tả người lái đò phải luôn mắt
luôn tay, luôn chân như một nghệ sĩ xiếc trên sân khấu, vừa phải lanh
lẹn, vừa phải khéo léo .
Tính cách nghệ sĩ của người lái đò sông Đà còn được thể hiện ở chỗ :
những công việc gian nan đem lại hứng thú cho ông . Bởi vì khi con đò
đã về xuôi, đã hết thác ghềnh thì người lái đò chân tay như tê dại và
buồn ngủ .Vượt qua cuộc chiến đấu sinh tử với thiên nhiên, con người
lại trở về với cuộc sống thanh bình . Khi làn sóng thác lèo xèo tan trong
trí nhớ, song nước lại thanh bình thì chả ai bàn thêm một lời nào về cuộc
chiến đấu vừa qua . Cuộc chiến đấu sống chết vừa rồi hoá ra không có gì
đáng hồi hộp, đáng nhớ . Nhà thơ đã mượn cho kí ức của con người vẻ
đẹp thênh thang của bờ cát bên sông . Và những người lái đò đêm ấy đốt
lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam và chỉ toàn bàn về cá anh vũ, cá
dầm xanh Nhà Văn làm cho ta thấy họ lớn hơn bậc nữa vì họ có thể
hồn nhiên quên đi cái lớn của mình . Hay nói đúng hơn họ không cho là
lớn, cái chúng ta thấy rõ ràng là vĩ đại . Ta thấy trong tính cách này của
người lái đò sông Đà có một chút khinh bạc và kiêu ngạo của Nguyễn
Tuân . Người lái đò gan góc là thế nhưng cũng chính là người nhớ tiếng
gà gáy, buộc cái bu gà theo đuôi thuyền để nó gáy cho đỡ nhớ ruộng,
nhớ nương, nhớ bản, nhớ mường . Thì ra ông lái đò không chỉ là anh
hùng mà còn là nghệ sĩ, một tay lái tài hoa như Nguyễn Tuân đã gọi .
Với vốn hiểu biết sâu rộng và một tài năng thiên bẩm về nghệ thuật sáng
tạo hình tượng nghệ thuật, với cái nhìn mọi sự vật ở góc độ tài hoa nghệ
sĩ, ở phương diện văn hoá, Nguyễn Tuân đã dựng lên một hình tượng
sông Đà sống động, một người lái đò tài hoa anh dũng nhưng cũng rất
đỗi đời thường . Đem đến cho người đọc những cung bậc cảm xúc khác
nhau khi say sưa dõi theo vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Tây Bắc .
Và cái được nhất của tác phẩm chính là dấu ấn Nguyễn Tuân đóng vào
tâm trí độc giả .
III . KẾT THÚC VẤN ĐỀ .
Người lái đò sông Đà là tác phẩm tiêu biểu cho bút pháp Nguyễn Tuân
sau cách mạng tháng Tám . Tác phẩm thể hiện một cách sâu sắc phong
cách nghệ thuật của nhà văn, đồng thời khẳng định cái đẹp, cái tài hoa
không thuộc về một bộ phận nào, con người nào, cảnh sắc nào cụ thể mà
là ở quanh ta, ở trong chính mỗi con người . Điều cốt lõi là cái nhìn và
tâm hồn của người thưởng thức