Tải bản đầy đủ (.pdf) (47 trang)

BỆNH UNG THƯ DẠ DÀY pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (318.21 KB, 47 trang )






BỆNH UNG THƯ DẠ DÀY
BỆNH UNG THƯ DẠ DÀY

ĐỊNH NGHĨA
Ung thư dạ dày là bệnh lý ác tính của tế bào dạ dày, khi bị kích thích của các tác
nhân sinh ung thư, tế bào tăng sinh một cách vô hạn độ, vô tổ chức không tuân
theo các cơ chế kiểm soát về phát triển của cơ thể.
DỊCH TỄ HỌC
Ung thư dạ dày là bệnh hay gặp ở nước ta và một số nước trên thế giới, là một
trong những ung thư hay gặp nhất của ống tiêu hoá.
1.Tần số
Một số nước có tỷ lệ tử vong cao do ung thư dạ dày cho 100.000 dân :
-Nhật Bản 66,7
-Chi Lê 56,5
-Áo 40
-Phần Lan 35,7
-Nouvelle Zelande 16,5
-Australia 15,6
-Người Mỹ da trắng 8,5
Các tỷ lệ trên cũng thay đổi theo từng vùng : có tỷ lệ cao hơn ở những vùng về
phía bắc và / hoặc ở những vùng khí hậu lạnh hơn.
Ở Pháp theo số liệu thống kê của J. L. Gouzi ung thư dạ dày chiếm 5% các loại
ung thư; đứng vị trí thứ 4 sau ung thư đại trực tràng (14%), ung thư vú (12%), ung
thư phổi (11%).
Theo tài liệu của Viện ung thư Hà Nội, hiện nay là Bệnh viện K do Nguyễn Văn
Vân trích dẫn trong 12 năm 1955-1966 có 13.403 trường hợp ung thư các loại,


trong đó có 1.367 trường hợp ung thư dạ dày chiếm tỷ lệ 10,19%. Và chỉ riêng tại
Bệnh viện Việt Đức trong 11 năm 1960-1970 có 1.244 bệnh nhân được mổ vì ung
thư dạ dày.
Tần số và tỷ lệ tử vong ung thư dạ dày đã giảm tại nhiều nước trên thế giới :
-Tại Mỹ tỷ lệ mắc bệnh trên 100.000 dân năm 1930 là 33; năm 1997 là 7,8.
-Tại Pháp, tỷ lệ tử vong đã giảm 30% kể từ năm 1950 đến năm 1968.
2.Tuổi
Tuổi mắc ung thư dạ dày thường gặp là 50-60 tuổi; trẻ nhất là 14 tuổi tại Bệnh
viện Việt Đức. Tuổi càng cao, càng tăng khả năng mắc ung thư dạ dày.
3.Giới
Nam mắc nhiều hơn nữ, với tỷ lệ 1,5 / 2.
Bệnh viện Việt Đức, trong 10 năm 1959-1968 có 646 nam và 621 nữ mắc ung thư
dạ dày.
4.Nhóm máu
Nhóm máu A có tỷ lệ mắc ung thư dạ dày cao hơn các nhóm khác.
5.Những người di cư
Những người di cư nói chung vẫn giữ nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày của các
nước mẹ đẻ, nhưng nguy cơ này sẽ giảm đi ở thế hệ con cái của họ. Thí dụ : những
người Nhật Bản, người Châu Âu khi di cư sang Mỹ vẫn có nguy cơ cao mắc bệnh
ung thư dạ dày.
6.Yếu tố di truyền
Nhiều tác giả công nhận di truyền là một bẩm chất dễ mắc ung thư dạ dày.
Vidabeek Mosbeeck nghiên cứu trên 3.294 người trong gia đình của bệnh nhân
mắc bệnh ung thư dạ dày, thấy họ có nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày gấp 4 lần
so với người trong các gia đình không mắc bệnh này.
7.Có một số bệnh được coi như tình trạng tiền ung thư dạ dày
a)Loét dạ dày lành tính : có nguy cơ cao bị ung thư hoá, sau khi đã loại trừ một sự
nhầm lẫn với một ung thư dạ dày thể loét. Nguy cơ này có liên quan với những ổ
loạn sản biểu mô thường được gặp trên bờ ổ loét hoặc xa ổ loét. Khám kỹ những
mảnh sinh thiết dạ dày ở xa ổ loét dạ dày lành tính, đã có những trường hợp người

ta phát hiện được những ổ ung thư nhỏ-ung thư vi thể.
b)Khối u lành tính : Các pôlíp hoặc u tuyến dạ dày có thể ung thư hoá, tỷ lệ thay
đổi theo thống kê của từng tác giả. Tỷ lệ bị ung thư này thường gây ra nhiều hơn
khi đường kính của khối u to hơn 2cm. Nguy cơ bị ung thư không mất đi khi cắt
pôlíp, vì ung thư có thể phát triển ở xa trên những ổ loạn sản.
c)Viêm teo dạ dày làm tăng nguy cơ ung thư gấp 4-5 lần. “Ung thư không bao giờ
phát triển trên một niêm mạc lành” (Konjetzny). Nếu viêm teo dạ dày phối hợp với
thiếu máu ác tính thì khả năng ung thư tăng gấp 22 lần so với người bình thường.
8.Các yếu tố sinh ung thư dạ dày
Vai trò của chế độ ăn uống rất khó kết luận. Nếu có sự liên quan giữa ung thư dạ
dày với chế độ ăn, thì đó không phải là do loại chế độ ăn uống mà là do cách thức
chế biến : hun khói, đun nấu, dự trữ. Gần đây, người ta có nêu lên vai trò gây ung
thư dạ dày của các nitrosamine được tạo nên từ các nitrat, nitrit có trong các thức
ăn, nước uống, hoặc những thức ăn đã mọc trên đất giàu nitrat.
GIẢI PHẪU BỆNH LÝ
Ung thư có thể gặp ở mọi vị trí trong dạ dày, nhưng thường gặp ở vùng môn vị
(50%), tâm vị (10%), hang vị (10%), chỗ còn lại 30%.
Phần lớn 85-95% các ung thư dạ dày là ung thư biểu mô (carcinoma), còn loại
saccôm (sarcoma) rất hiếm gặp.
1.Phân loại
-Theo hình thái đại thể, người ta có thể chia ung thư dạ dày ra làm 3 loại : thể loét,
thể sùi, thể thâm nhiễm. Nhưng trong thực tế, các loại này thường xen kẽ nhau với
những mức độ khác nhau.
a)Ung thư biểu mô thể loét :
+Biểu hiện dưới hình ảnh một ổ loét lớn trên 2-4cm , bờ méo mó, lồi lên, mật độ
cứng.
+Về mặt vi thể, người ta thấy tổ chức ung thư ở các bờ và cả đáy của ổ loét. Đây
là dữ liệu cho chẩn đoán phân biệt ung thư thể loét với loét dạ dày lành tính ung
thư hoá. Khi một ổ loét lành tính ung thư hoá, thì tổ chức ung thư hoá được phát
hiện thấy trên bờ của ổ loét và điều quan trọng nếu ung thư chưa phát triển nhiều

thì sẽ không thấy thâm nhiễm ung thư ở đáy ổ loét.
b)Ung thư biểu mô thể sùi hoặc dạng pôlíp :
+Biểu hiện như những khối to, sùi như súp lơ, có đáy rộng và phát triển vào trong
lòng dạ dày. Khối lượng các khối u có thể từ 3-4cm đường kính trở lên, có thể
chiếm gấn như toàn bộ lòng của dạ dày.
c)Ung thư biểu mô thể thâm nhiễm :
+Biểu hiện : có khi ung thư chỉ thâm nhiễm nông trên niêm mạc dạ dày, tạo nên
những mảng cứng, làm cho các nếp niêm mạc bị dẹt xuống, nhẵn. Lớp niêm mạc
trở thành đục, cứng và dính vào các lớp sâu hơn của thành dạ dày.
+Hiếm gặp hơn là ung thư đã lan tràn đến toàn bộ bề dày của thành dạ dày, gây
nên thể ung thư đét dạ dày, thành dạ dày dầy đến 2-3cm và cứng như sụn còn gọi
là thể trai (linite plastique), tiên lượng xấu.
-Vi thể :
+Ung thư biểu mô tuyến (adenocarcinoma) chiếm 95% các ung thư dạ dày, được
chia làm nhiều thể bệnh lý giải phẫu. Theo Lauren chia : Ung thư biểu mô tuyến
biệt hoá chiếm gần 50% có tiên lượng tốt hơn; loại không biệt hoá 30%; loại
không xác định được 15%.
+Loại saccôm chiếm 5%, chủ yếu là loại U lymphô ác tính và saccôm cơ trơn.
2.Di căn
Ung thư dạ dày có thể di căn :
a)Theo đường bạch huyết, hoặc đường tĩnh mạch đến hạch vùng mạc treo ruột non
và ruột già, gan, lách, hạch trên đòn.
b)Do tiếp giáp, di căn tới :
-Các bộ phận gần dạ dày : tuỵ, đại tràng, gan, lách, hổng tràng, màng bụng.
-Các buồng trứng : khối u Krukenberg.
-Ông ngực gây cổ trướng dưỡng trấp.
TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG
1.Triệu chứng sớm
-Có cảm giác đầy bụng sau khi ăn, khó tiêu, lúc đầu còn thưa và nhẹ, dần dần nặng
lên và trở thành thường xuyên.

-Ăn mất ngon. Lúc đầu chán ăn đối với thịt, mỡ, sau đó chán ăn với tất cả loại
thức ăn.
-Buồn nôn sau khi ăn, ngày càng tăng, rồi trở thành nôn ít, nôn nhiều, rồi ăn gì
cũng nôn.
2.Triệu chứng muộn
Ngoài những triệu chứng sớm đã nêu trên, có thể xuất hiện thêm một số triệu
chứng :
-Thiếu máu do :
+Ăn mất ngon, ăn ít, không đủ dinh dưỡng;
+Chảy máu tiêu hoá ẩn, vi thể;
+Thiếu acid dịch vị;
+Hấp thu sắt bị giảm sút.
-Suy nhược và sút cân :
+Hậu quả của ăn mất ngon, ăn ít, thiếu dinh dưỡng;
+Tiến triển của bản thân khối u.
-Đau : Lúc đầu chỉ là khó chịu mơ hồ, giảm đi sau khi ăn. Về sau, đau âm ỉ kéo
dài, có khi đau không chịu được nhất là ở những khối u dạ dày loét.
-Chảy máu tiêu hoá : thường ỉa phân đen rất kín đáo, xét nghiệm mới thấy có máu
trong phân. Chảy máu kéo dài, thiếu máu ngày càng nặng.
-Hẹp môn vị :
+Hay gặp nhất nghe thấy tiếng óc ách của dạ dày;
+Hiếm gặp hơn vùng thượng vị co cứng từng cơn gián đoạn - dấu hiệu Kussmaul;
nhìn thấy các làn sóng nhu động - dấu hiệu Beuveret.
-Sờ thấy một khối u ở vùng thượng vị. Đó là dấu hiệu của ung thư dạ dày đã tiến
triển lâu, điều trị đã muộn.
-Có khi đã có những dấu hiệu ung thư đã di căn :
+Vào gan : gan to và cứng, vàng da, cổ trướng.
+Vào xương, vào phổi.
+Hạch ở hố trên đòn trái - hạch Troisier.
+Khối u buồng trứng Krukenberg.

3.Tiến triển và tiên lượng
Tiên lượng bệnh ung thư dạ dày rất nặng, song còn phụ thuộc vào việc chẩn đoán,
mổ sớm hay muộn; mổ càng sớm càng tốt.
Bệnh nhân chết vì nhiều biến chứng có thể xảy ra :
-Thủng dạ dày
-Chảy máu tiêu hoá
-Hẹp môn vị
-Nhiễm khuẩn phổi và các cơ quan khác
-Các di căn ung thư.
CÁC THĂM KHÁM CẬN LÂM SÀNG
1.Chụp X quang dạ dày
Chụp X quang dạ dày rất quan trọng trong chẩn đoán ung thư dạ dày; nhưng đối
với ung thư thời kỳ đầu thì khó nhận định bằng X quang vì lúc đó thương tổn chủ
yếu biểu hiện ở niêm mạc. Trong phần lớn trường hợp, khi hình ảnh X quang đã rõ
rệt thì bệnh đã tiến triển một thời gian dài. Sau đây là những hình ảnh X quang
thường gặp của ung thư dạ dày :
-Thể thâm nhiễm.
Biểu hiện bằng nhiều hình ảnh khác nhau :
+Thâm nhiễm chỉ khu trú ở 1 vùng : hình ảnh của một đoạn của bờ cong dạ dày bị
cứng cố định, được nhìn thấy thường xuyên khi chiếu X quang hoặc trên nhiều
phim chụp ở những tư thế khác nhau. Đây là hình ảnh Guttman đã ví như một
mảnh gỗ trôi nổi trên mặt sóng.
+Có khi thấy một hình lõm xuống ở bờ cong dạ dày. Hai thành của hình lõm này
thẳng và cứng, đáy thường bằng phẳng và cứng.
+Có khi đoạn thâm nhiễm lại biểu hiện bởi một hình nhô lên ở bờ cong dạ dày
hình mái tôn, hình cao nguyên.
+Nếu vùng tiền môn vị bị thâm nhiễm, sẽ tạo nên hình ảnh đặc biệt : hình chóp
nón.
+Nếu thâm nhiễm ở vùng giữa thân dạ dày, nó sẽ làm biến dạng dạ dày thành hình
“chiếc đồng hồ cát” : dạ dày có hình hai túi, túi trên thường to hơn túi dưới và có

một đường thẳng giữa hai túi.
+Trong ung thư đét dạ dày, toàn bộ thành dạ dày bị thâm nhiễm, chúng ta sẽ thấy
một dạ dày nhỏ thành hình một ống dài cứng co rút lại.
Ở Nhật Bản có tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh ung thư dạ dày rất cao, người ta đã sử
dụng những phương pháp chẩn đoán bệnh sớm bằng cách chụp dạ dày hàng năm
bằng những phim nhỏ cho tất cả những người lao động trên 50 tuổi theo 5 tư thế.
Nhờ vậy hội tiêu hoá quốc gia của Nhật Bản đã mô tả được 4 thể của ung thư dạ
dày sớm, chưa vượt quá niêm mạc dạ dày : I Nhô lên; II Nông, IIa Nông nhô lên
nhẹ, IIb Nông phẳng, IIc Nông lõm nhẹ; III Loét; IV Phức hợp.
-Thể loét :
Thường biểu hiện bởi những hình ảnh sau :
+Hình một ổ loét, to hay nhỏ, nổi gồ lên trên bờ cong, với 2 thành ổ và đáy cứng.
Ổ loét cũng có thể thấp hơn hoặc ngang bằng với bờ cong.
+Cũng có khi ổ loét lại có hình lõm vào phía khoang dạ dày, cũng với 2 thành của
ổ loét cứng và đáy ổ loét phẳng và cứng.
+Có khi ở dưới chân ổ loét thấy một rãnh sáng, hình bán nguyệt lõm, bao lấy ổ
loét, đó là ổ loét hình thấu kính.
-Thể sùi :
+Ung thư dạ dày thể sùi biểu hiện trên phim X quang bằng những hình khuyết cố
định. +Vị trí và sự lan rộng của hình khuyết có thể : ở vùng hang vị, trên bờ cong
nhỏ, trên bờ cong lớn, ở thân dạ dày, hay ở tâm vị.
+Bờ bao quanh hình khuyết không đều đặn mà nham nhở, chỗ đậm chỗ nhạt.
+Thành của dạ dày xung quanh hình khuyết cứng. Các sóng nhu động của thành
dạ dày khi tới gần hình khuyết thì dừng lại và không bao giờ làm thay đổi hình ảnh
của hình khuyết.
2.Soi dạ dày
Soi dạ dày bằng ống soi sợi thuỷ tinh mềm là một phương pháp rất có giá trị trong
chẩn đoán ung thư dạ dày. Soi dạ dày kết hợp với sinh thiết niêm mạc dạ dày, đảm
bảo cho chẩn đoán được chính xác gần như là tuyệt đối.
Soi dạ dày sẽ giúp cho thầy thuốc phân biệt được :

-những hình thái ung thư dạ dày thường gặp như sùi loét, thâm nhiễm
-phân biệt được một ổ loét lành tính với một ung thư thể loét
-phát hiện được thể ung thư dạ dày sớm khi mới còn ở giai đoạn niêm mạc.
Chỉ định soi dạ dày trở thành bức thiết trước một trường hợp mà triệu chứng chức
năng đã rõ rệt nhưng hình ảnh X quang lại im lặng hoặc còn phải thảo luận.
Khi sinh thiết dạ dầy, phải lấy nhiều mảnh, chẩn đoán càng chính xác. Theo
Lambert :
-Nếu sinh thiết 8-12 mảnh, chẩn đoán chính xác đạt tỷ lệ 100%
-Nếu sinh thiết 3-7 mảnh, tỷ lệ là 67%.
-Nếu lấy 1-2 mảnh tỷ lệ là 50%.
Với những tiến bộ của soi và sinh thiết dạ dày, hiện nay không cần thiết phải làm
một test điều trị trong ung thư dạ dày như thời Guttman nữa.
3.Xét nghiệm dịch vị
Có thể thấy được một số dấu hiệu :
-Thường dịch vị của bệnh nhân ung thư dạ dày có độ acid giảm hoặc không có
acid. Nếu vừa có một ổ loét dạ dày cùng với không có acid trong dịch vị, thì
thường là dấu hiệu của một tổn thương ác tính.
-Thường phát hiện có máu ẩn trong dịch vị bệnh nhân ung thư dạ dày.
4.Xét nghiệm phân
Nếu phát hiện có máu ẩn trong phân trong một thời gian trên 10 ngày liền nên nghĩ
đến một nguồn gốc ung thư dạ dày.
5.Các xét nghiệm khác
-Siêu âm ổ bụng : Tìm di căn và đánh giá tình trạng của tuỵ tạng.
-Chụp cắt lớp vi tính CT Scann : Tìm di căn gan, phúc mạc, hạch cạnh động mạch
chủ.
-Các xét nghiệm cơ bản đánh giá toàn thân : xét nghiệm máu, xét nghiệm sinh hoá,
X quang phổi, … cần phải được làm đầy đủ trước điều trị.
-Xét nghiệm chất chỉ điểm ung thư CEA, CA724 : dương tính khoảng 50%.
CÁC THỂ LÂM SÀNG
1.Ung thư môn vị

-Là thể hay gặp nhất
-Nhanh chóng đưa đến hẹp môn vị.
2.Ung thư tâm vị
Triệu chứng lâm sàng là triệu chứng kinh điển của ung thư dạ dày. Đồng thời, xuất
hiện nuốt nghẹn như trong ung thư thực quản; đau nhiều do dây thần kinh hoành
bị kích thích và dịch của dạ dày hồi lưu lên thực quản.
Chụp X quang dạ dày theo tư thế bình thường không thấy tổn thương. Phải chụp X
quang dạ dày với tư thế đầu dốc – Trendelenburg mới phát hiện được ung thư tâm
vị.
Soi thực quản rất có giá trị để chẩn đoán ung thư tâm vị.
3.Ung thư đét dạ dày
Là một thể đặc biệt của ung thư dạ dày. Toàn bộ các lớp của thành dạ dày bị thâm
nhiễm, nhưng cấu trúc chung không bị đảo lộn.
Thành dạ dày bị dày lên rất nhiều, trở nên cứng, màu trắng xà cừ. Dạ dày bị tổn
thương hình tròn, nên co tròn lại, trở nên cứng và hẹp, khi bị cắt vẫn há rộng ra.
Về mặt lâm sàng : đầy hơi, khó tiêu và nôn mửa xuất hiện sớm, ỉa chảy nhiều; gầy
sút và suy mòn rất nhanh.
CHẨN ĐOÁN
1.Chẩn đoán xác định
Trước một bệnh nhân trên 40 tuổi, từ trước đến nay không có triệu chứng mắc
bệnh dạ dày, nay đột nhiên xuất hiện một số dấu hiệu như ăn khó tiêu, đau vùng
thượng vị, rối loạn tiêu hoá, thì cần nghĩ đến bệnh ung thư dạ dày, và làm các
thăm dò cần thiết để xác định chẩn đoán.
2.Chẩn đoán phân biệt
Cần phân biệt với :
-Loét dạ dày lành tính :
Phân biệt ung thư dạ dày thể loét với 1 ổ loét lành tính là một chẩn đoán rất
thường gặp và có khi rất khó khăn. Chủ yếu phải dựa vào kết quả soi và sinh thiết
nhiều mảnh.
-Các u lành tính của dạ dày :

Chẩn đoán phân biệt căn bản vẫn phải dựa vào chụp X quang, soi và sinh thiết dạ
dày. Hình ảnh X quang của u lành tính là một hình khuyết có giới hạn rõ rệt, tròn
nếu phát triển trên một mặt của dạ dày, hình viên phấn (segment de cercle) nếu
nằm trên một bờ cong. Gần hình khuyết, thành dạ dày vẫn hoàn toàn mềm mại,
các nếp niêm mạc vẫn còn nguyên vẹn cho tới tận khối u.
Soi dạ dày thấy khối u to hay nhỏ, không có cuống hay có cuống, niêm mạc của
khối u nhẵn và đều, màu hồng hoặc nhạt màu, ít khi sẫm màu; mật độ mềm nếu là
u mỡ hoặc u xơ, chắc nếu là u thần kinh và u xơ. Niêm mạc quanh khối u mềm
mại.
Bao giờ cũng phải sinh thiết khối u để xác định chẩn đoán một cách chắc chắn.
-Viêm dạ dày phì đại :
Một số tác giả cho đây là tình trạng tiền ung thư. Khi chụp X quang thấy các nếp
niêm mạc to. Soi và sinh thiết dạ dày nhiều mảnh là biện pháp duy nhất để chẩn
đoán bệnh được chính xác.
-Giãn tĩnh mạch vùng đáy dạ dày :
Có thể có hình ảnh giả khối u của Kirkling. Chẩn đoán phân biệt bằng soi dạ dày.
-Ung thư của một số cơ quan gần dạ dày như ung thư tuỵ, ung thư đại tràng, có thể
đè ép và thâm nhiễm vào dạ dày, làm cho chẩn đoán ung thư tiên phát của cơ quan
đó có khi khó khăn.
3.Xếp loại theo TNM
T : U nguyên phát, tuỳ theo mức độ xâm lấn của thành dạ dày.
Tx : Không thể đánh giá u nguyên phát.
Tis : U nội mạc chưa phá vỡ màng đáy.
T1 : U xâm lấn niêm mạc và dưới niêm.
T2 : U xâm lấn cơ hay dưới thanh mạc.
T3 : U xâm lấn vào thanh mạc chưa xâm lấn các cơ quan xung quanh.
T4 : U xâm lấn vào các cơ quan xung quanh.
N : Hạch tại vùng.
Nx : Không đánh giá được.
N1 : Hạch tổn thương cách u không quá 3cm.

N2 : Hạch tổn thương cách u trên 3cm.
M : Di căn xa.
Mx : Không đánh giá được.
M0 : Chưa di căn xa.
M1 : Đã di căn xa.
ĐIỀU TRỊ
1.Điều trị dự phòng
Điều trị dự phòng bao gồm :
-Việc phát hiện sớm ung thư dạ dày ở những người trên 40 tuổi có những rối loạn
tiêu hoá.
-Việc quản lý và sử trí kịp thời những người có bệnh lý coi như là tiền ung thư dạ
dày, hoặc có khả năng ung thư hoá :
+Cắt pôlíp dạ dày.
+Điều trị loét dạ dày sớm bằng phẫu thuật, …
+Điều trị và theo dõi những bệnh nhân viêm dạ dày mạn.
2. Điều trị triệt để
Chủ yếu là điều trị ngoại khoa : cắt dạ dày. Song phương pháp cắt dạ dày phụ
thuộc vào giai đoạn mà bệnh được chẩn đoán. Có thể :
-Cắt bán phần dạ dày rộng : Một phần dạ dày bị ung thư, các mạc nối lớn, tất cả
các hạch di căn, có khi cắt cả lách, một phần tuỵ, một đoạn đại tràng, một phần
gan nếu đã bị thâm nhiễm ung thư. Tỷ lệ tử vong trong phẫu thuật này thấp.
-Cắt toàn bộ dạ dày : Khi khối u quá lớn hoặc lan rộng, như ung thư đét dạ dày, có
nhiều di căn hạch. Tỷ lệ tử vong cao.
Sau khi mổ 15-20 ngày, có thể tiêm 5FU với liều lượng 15mg / kg cân nặng /
ngày, pha loãng trong 500ml dung dịch glucoza đẳng trương 5% tiêm truyền trong
4 ngày. Nếu bệnh nhân dung nạp được thuốc, có thể tiêm tiếp 4 liều như trên, cách
1 ngày tiêm 1 liều.
Tia xạ : Chỉ định rất hạn chế và còn đang được thảo luận. Có thể tia xạ vào u, vào
hạch trong phẫu thuật. Ngoài ra tia xạ còn điều trị các ổ di căn như di căn xương,


Hoá chất : Điều trị hoá chất bằng đường tĩnh mạch với 5FU, Adriamycin,
Mitomycin, Cis-platin và VP 16 đã cho đáp ứng khách quan 20-40% các trường
hợp nhưng chưa cải thiện thời gian sống thêm của các bệnh nhân. Hoá chất có thể
được thực hiện cho những bệnh nhân có di căn hoặc giai đoạn muộn.
3. Điều trị tạm thời
Nếu trong tình trạng tổn thương thể trạng bệnh nhân không cho phép điều trị triệt
để như trên, thì cần điều trị tạm thời để kéo dài thêm đời sống cho bệnh nhân, đảm
bảo đưa được thức ăn vào bệnh nhân như :
-Mổ dạ dày
-Nối thông dạ dày - ruột
-Nối thông hổng tràng.
ĐIỀU TRỊ UNG THƯ DẠ DÀY BẰNG ĐÔNG Y
Đông Y mô tả ung thư dạ dày trong vị nham, vị quản thống, phản vị, ế cách, tích
tụ, … . Bản chất bệnh thuộc bản hư tiêu thực, phép chữa thường phải kết hợp chặt
chẽ giữa phù chính : kiện tỳ hoà vị, tư bổ can thận, ích khí dưỡng huyết, với trừ tà
: thanh nhiệt giải độc, nhuyễn kiên tán kết, hoạt huyết hoá ứ.
1)Triệu chứng (TC) : Thường gặp ở ung thư dạ dày giai đoạn I, II. Vùng thượng vị
đầy đau, ợ mùi thối, buồn nôn, nôn, chất lưỡi nhạt hồng, rêu lưỡi trắng mỏng,
mạch huyền hoặc huyền tế.
Chẩn đoán (CĐ) : Can vị bất hoà.
Phép chữa (PC) : Sơ can hoà vị, giáng nghịch giảm đau.
Phương (P) : Tiêu dao tán [1] hợp Toàn phúc đại giả thạch thang [2] gia giảm.
Dược (D) : Sài hồ, Bạch truật đều 12g, Bạch thược, Đương quy đều 20g, Hoàng
liên, Khương Bán hạ, Chỉ xác, Hậu phác đều 8g, Trầm hương (tán bột) 1,5g hoà
thuốc, Xuyên luyện tử 4g, Toàn phúc hoa 10g, Đại giả thạch 12g. Sắc uống ngày 1
thang.
P2 : Sài hồ thư can thang [3] hợp Bình vị tán [4] gia giảm.
D2 : Sài hồ, Mộc hương, Chỉ xác, Thanh bì, Thương truật, Bán hạ đều 4g, Trần bì
8g, Hậu phác 10g, Cam thảo 2g, Sinh khương 3 lát. Sắc uống.
2)TC : Thường gặp ở ung thư dạ dày giai đoạn I, II. Bụng đau âm ỉ, ấn chườm

nóng đau giảm, đói thì đau tăng, hơi sốt, ăn kém, có khi nôn ra nước trong, gầy gò
không có sức, mệt mỏi, chân tay lạnh, đại tiện nát, lưỡi nhạt bệu có dấu răng,
mạch hư nhược hoặc trì hoãn.
CĐ : Tỳ vị hư hàn.
PC : Ôn trung kiện tỳ.
P : Hoàng kỳ kiến trung thang [5].
D : Bạch thược 16g, Hoàng kỳ, Sinh khương đều 12g, Chích Cam thảo, Quế chi
đều 8g, Đại táo 4 quả, Di đường 40g. Sắc uống.
Nếu như hàn nặng, đau kịch liệt, bụng lạnh, nôn mửa
P : Đại kiến trung thang [6], hoặc Lý trung hoàn [7].
D [6] : Nhân sâm 16g, Xuyên tiêu, Can khương đều 8g, Đường phèn 60g. 3 vị sắc
với nước xong, bỏ bã, thêm Đường phèn khuấy tan, chia 2 lần uống.
D [7] : Bạch truật 30g, Can khương 20g, Nhân sâm, Chích Cam thảo đều 10g. Sắc
chia 3 lần uống trong ngày.
Sau khi đau giảm có thể dùng :
P : Hoàng kỳ kiến trung thang [5] hợp Tứ quân tử thang [8] gia giảm.
D : chích Hoàng kỳ 30g, Quế chi 6g, Bạch thược 16g, chích Cam thảo 6g, Đại táo
12g, Can khương 8-12g: Đảng sâm 12g, Hồng sâm 8g, Bạch truật, Phục linh đều
12g; + Mộc hương, Sa nhân đều 8g.
3)TC : Cảm giác đau nóng cồn cào vùng thượng vị, mồm khô, ăn vào đau nhiều,
ngũ tâm phiền nhiệt, đại tiện táo bón, lưỡi đỏ không rêu, mạch tế sác.
CĐ : Vị âm hư.
PC : Thanh dưỡng vị âm.
P : Mạch môn đông thang [9] hợp Nhất quán tiễn [10] gia giảm. Hoặc Nhất
quán tiễn hợp Thược dược cam thảo thang [11] gia giảm.
D [9] [10] : Nam Sa sâm, Bắc Sa sâm, Tây dương sâm, Sinh địa, Mạch môn,
Thạch hộc, sinh Tỳ bà diệp đều 12g, khương Bán hạ 8g, Ma nhân 10g. Săc uống,
ngày 1 thang.
D [10] [11] : Sinh địa 20g, Đương quy, Mạch môn, Sa sâm, Kỷ tử, Bạch thược
tẩm rượu sao, chích Cam thảo đều 12g. Săc uống. Sắc uống, ngày 1 thang.

4)TC : Vùng thượng vị đau dữ dội, đau như dao đâm, vùng đau cố định, không
cho sờ vào khối u, đại tiện phân đen, chất lưỡi tím bầm, hoặc có ban ứ huyết,
mạch trầm sáp.
CĐ : Huyết ứ.
PC : Hoạt huyết hoá ứ.
P : Đào hồng tứ vật thang [12] hợp Thất tiếu tán [13] gia giảm.
D : Đương quy, Bạch thược đều 20g, Tam thất bột hoà uống 4g, Đan sâm, Xích
thược đều 12g, Xuyên khung, Đào nhân, Chỉ xác đều 8g; Bồ hoàng bột, Ngũ linh
chi bột đều 4g, trộn với nước thuốc uống (hoạt huyết hoá ứ, tán kết giảm đau).
GG :

Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×