Về việc biên soạn giáo trình
lý luận văn học bậc đại học ở
ta 50 năm qua
Phần ba, trình bày về Phương pháp sáng tác. Ngoài các phương
pháp sáng tác quen thuộc mà không giáo trình nào bỏ qua, giáo trình mới
bổ sung các chương nói về vấn đề phương pháp sáng tác trong văn học
cổ phương Đông, về chủ nghĩa tự nhiên và chủ nghĩa hiện đại, về việc
tăng cường kiến thức cơ sở của lý luận văn học đối với giáo viên, học
sinh THPT phù hợp với việc đưa phân môn lý luận văn học với tư cách là
môn học độc lập vào chương trình bộ môn ngữ văn THPT.
Phần bốn, hoàn toàn mới mẻ, có tên là Phương pháp nghiên cứu văn
học. ở đây vừa trang bị những kiến thức về phương pháp luận nghiên cứu
văn học nói chung, vừa đi sâu vào các phương pháp nghiên cứu cụ thể
khi phân tích tác phẩm, nhân vật, tác giả. Điều đó sẽ giúp người học khi ra
trường đảm nhiệm công tác giáo dục có thể phát huy hiệu quả khi đứng
lớp giảng văn.
Có thể nói, bộ giáo trình lý luận văn học này là một nỗ lực đổi mới tư
duy lý luận văn học ở ta, ít nhiều đáp ứng kịp thời nhu cầu của người học,
người đọc và xã hội. Sách được sử dụng trong khoảng thời gian dài trên
dưới 15 năm cho đến cuối thế kỷ XX, vắt sang đầu thế kỷ XXI. Sách được
tái bản vào các năm 1997 và 2002, cả hai lần tái bản đều được in vào một
quyển khổ lớn dày hơn 700 trang.
Song song với trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhưng có chậm hơn
một chút, tổ bộ môn Lý luận văn học trường Đại học Tổng hợp Hà Nội
(nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà
Nội), do GS. Hà Minh Đức làm chủ biên, đã cho ra mắt cuốn giáo trình Lý
luận văn học mới. Một tập thể cán bộ giảng dạy trẻ của bộ môn đã được
huy động vào việc viết các phần của sách.
Xuất hiện vào những năm đầu của công cuộc đổi mới, quán triệt tinh
thần cải cách giáo dục theo định hướng dân tộc và hiện đại, so với bộ
giáo trình đầu tiên của trường này được biên soạn trước đó 30 năm như
phần trên đã điểm qua, giáo trình mới được trình bày gọn vào một quyển
sách chỉ hơn 300 trang khổ vừa. Vẫn kết cấu gồm bốn phần như trước
đây, song nội dung cụ thể và logic tư duy, kiến văn đã có nhiều điểm mới
khác trước nhiều. Sức trẻ trong tư duy lý luận đã tìm đến những góc độ
tiếp cận mới mẻ do mạnh dạn sử dụng các phương pháp nghiên cứu
chuyên ngành kết hợp với liên ngành, xem xét thấu đáo và toàn diện quá
trình văn học trong mối tương tác giữa các thành tố chỉnh thể: hiện thực
đời sống - tài năng sáng tạo - chất lượng tác phẩm - hiệu quả tiếp nhận.
Giáo trình đã có thêm các chương mới về nhà văn và quá trình sáng
tác và thi pháp học. Tác phẩm văn học là nơi hội tụ các vấn đề lý luận thiết
cốt của sáng tạo và tiếp nhận văn học. Nó cần được quan sát như một cấu
trúc chỉnh thể với các thành tố nội dung và hình thức xuyên thấm vào
nhau, nương tựa vào nhau mà tồn tại, phát huy giá trị thẩm mĩ. Không thể
xem nhẹ phương diện hình thức, cũng như biệt lập hoặc thổi phồng vai
trò của nó, song đúng là ở một tác phẩm văn học đích thực, hình thức là
cái nhờ vào đó nội dung tác phẩm được biểu hiện và nhận biết; bản thân
hình thức tác phẩm cũng có ý nghĩa và nội dung nội tại.
Vậy là, trong tình hình các quan điểm lý luận đang vận động phát
triển, giáo trình lý luận văn học trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã cố
gắng nâng hệ thống kiến thức lên bình diện cao hơn trước, đảm bảo sự
bền vững và tính năng động của lý luận trong sự tham chiếu vào thực tiễn
sáng tạo của nhà văn và quá trình tiếp nhận của công chúng. Cũng như
sách của các đồng nghiệp bên Đại học Sư phạm Hà Nội, cuốn giáo trình
Lý luận văn học của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội hiện vẫn đang được
sử dụng, tính đến năm 2003, sách đã được nhà xuất bản Giáo dục tái bản
đến lần thứ 9.
4. Bước sang thế kỷ XXI, Đảng ta đã nhận thức sự cấp bách của việc
“đẩy mạnh công tác lý luận, phê bình, nghiên cứu văn học nghệ thuật”.
Tại Chỉ thị số 18/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (2003) Tiếp tục
thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về công tác văn
học nghệ thuật trong tình hình mới, một trong những nhiệm vụ chiến lược
đề ra là “xây dựng cơ sở lý luận của nền văn học nghệ thuật Việt Nam”,
“chỉ đạo chặt chẽ việc biên soạn các chương trình văn học, nhạc, hoạ,
múa… trong Nhà trường”(1).
Gần đây Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương
Đảng trình Đại hội X, lại nhấn mạnh vấn đề “nâng cao chất lượng dạy và
học” theo hướng “chuẩn hoá, hiện đại hóa, xã hội hoá” và “tạo bước
chuyển biến cơ bản về chất lượng và hiệu quả của hoạt động lý luận - phê
bình văn học nghệ thuật”(2).
Theo tinh thần trên, để tránh nguy cơ tụt hậu trong lĩnh vực nghiên
cứu, giảng dạy lý luận văn học ở Nhà trường bậc Đại học, chúng tôi thiển
nghĩ: trong vòng mười năm tới chúng ta nên sớm tập trung lực lượng các
nhà khoa học và nhà sư phạm thuộc các trung tâm giảng dạy Đại học và
viện nghiên cứu cấp Quốc gia, khẩn trương tiến hành biên soạn bộ sách
giáo khoa chuẩn về lý luận văn học, để giảng dạy trong khoa văn các
Trường Đại học trên cả nước.
Nhân đây chúng tôi xin bày tỏ niềm vui mừng, khi thấy rằng ngay từ
những năm đầu thế kỷ XXI, nhận thức đổi mới biên soạn sách giáo trình lý
luận văn học đã được triển khai một cách nhạy cảm, bởi một nhóm
chuyên gia của bộ môn lý luận văn học khoa văn Đại học Sư phạm Hà Nội,
do các giáo sư đầu ngành chủ trì. Tập 1, 400 trang, của Bộ giáo trình lý
luận văn học mới của nhóm này, do GS.TSKH. Phương Lựu chủ biên, đã
được xuất bản vào năm 2002, cho thấy những tín hiệu mới, năng động của
tư duy lý luận văn học đương đại ở ta. Với tựa đề Văn học - Nhà văn - Bạn
đọc, trọng tâm của giáo trình giờ đây đã không còn hướng vào những
khía cạnh chung chung của nguyên lý văn học, mà tập trung nhằm lý giải
sâu sắc quá trình sáng tạo cũng như tiếp nhận văn học nghệ thuật. Tính
nhân văn, bản chất thẩm mỹ của văn học nghệ thuật được đề cao từ góc
độ nhận thức rằng văn học được làm ra bởi tài năng của con người và
hướng về con người mà tác động, nhắn gửi.
Tập III của Giáo trình dày 336 trang, mang tên Tiến trình văn học (chứ
không có tựa đề Phương pháp sáng tác như trước đây), cũng vẫn do
GS.TSKH. Phương Lựu chủ biên, đã xuất bản vào đầu năm 2006. Phần
được bổ sung mới đã nghiên cứu hai khái niệm là “tiến trình văn học” và
“thời đại văn học”, giới hạn xem xét chúng căn cứ vào những nguyên tắc
tư tưởng - nghệ thuật. Văn học, trên hai phương diện sinh thành và cấu
trúc, có quan hệ gắn bó chặt chẽ; và tuy có những quy luật phát triển
tương đối độc lập, nhưng văn học về cơ bản vận động tương ứng với sự
phát triển của lịch sử xã hội. Đối với các phương pháp sáng tác, tập sách
trình bày chúng theo diễn tiến của các thời đại văn học, trong đó chủ
nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa được đặt trong bình diện nghiên cứu
đồng đại với các khuynh hướng hiện thực khác của thế kỷ XX. Từ bỏ cái
nhìn độc tôn đối với phương pháp sáng tác vang bóng một thời này, sách
vừa cho thấy tính hợp lý - lịch sử cùng tinh hoa và đóng góp nổi bật của
nó, nhưng đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập, giới hạn, thậm
chí mặt trái của kiểu tư duy nghệ thuật mà phương pháp sáng tác này hàm
chứa.
Tập II - Tác phẩm và loại thể văn học - do GS.TS. Trần Đình Sử được
phân công chủ biên đang khẩn trương biên soạn. Tập này, như Lời giới
thiệu in ở đầu tập 1, sẽ được triển khai theo hướng khám phá các đặc
trưng nghệ thuật, tính dân tộc và bản lĩnh cá tính sáng tạo in dấu trong
cấu trúc tác phẩm và thể loại sáng tác như thế nào. Hy vọng tập này sớm
ra mắt nay mai, để khép lại trọn bộ Giáo trình, minh chứng nỗ lực cách tân
kiến văn lý luận từ một trung tâm đào tạo bậc Đại học ở Việt Nam những
năm đầu thế kỷ mới.
Song, có lẽ không nên bằng lòng và dừng lại ở đó.
Chúng tôi nghĩ, sau Đại học Sư phạm Hà Nội, trong khi các cơ sở
đào tạo và nghiên cứu khác (chẳng hạn: Đại học Quốc gia, Viện khoa học
xã hội Việt Nam…) vẫn có thể biên soạn các giáo trình hoặc sách chuyên
đề đi sâu vào một vài phương diện của khoa học văn học để đáp ứng yêu
cầu đào tạo của mình, thì Nhà nước ta vẫn rất cần nghĩ đến một giáo trình
lý luận chuẩn quốc gia làm chủ thể. Nó sẽ có vai trò tiến tới thay vì các
giáo trình có tính chất nội bộ.
Logic của con đường chuẩn hoá kiến thức lý luận văn học đòi hỏi
như vậy! Thực tế ở các quốc gia có nền lý luận tiên tiến cũng đã và đang
làm như vậy(3).
Một giáo trình chuẩn quốc gia cần tham khảo kinh nghiệm biên soạn
của các nước tiên tiến trên thế giới. Theo đó, chẳng hạn, văn học không
thể nghiên cứu một cách tách biệt, mà cần xem xét trong sự tương thích
với mỹ học, văn hoá học và nghệ thuật học. Bởi, văn học là một loại hình
nghệ thuật đặc thù, có ngôn ngữ nghệ thuật riêng; nó là một bộ phận
trọng yếu của văn hoá dân tộc và văn minh nhân loại; văn học nhận thức
và sáng tạo theo quy luật của cái Đẹp.
Lý luận văn học cũng không thể chỉ tổng kết đơn phương trên cơ sở
kinh nghiệm nghệ thuật của Âu - Mỹ, dù đó là khu vực có nền văn minh
hiện đại phát triển cao. Ngày nay lý luận văn học cần phải bao quát cả
thành tựu của tư duy văn học từ các chân trời khác, từ phương Đông và
các châu lục khác. Sự độc đáo và phong phú của tư duy văn học xưa nay
ở bất kỳ đâu, cũng luôn luôn là dấu hiệu thể hiện sự đa dạng, quyền bình
đẳng tăng trưởng của văn hoá, văn minh nhân loại.
Lý luận văn học là khoa học lý thuyết nhằm làm sáng tỏ nội dung tư
duy văn học và phương pháp luận của tư duy ấy. Nó cần phải chỉ ra sự
vận động đồng đẳng của các quan điểm, lý thuyết, khuynh hướng, trường
phái trong lộ trình khám phá bản chất và đặc thù của đối tượng nghiên
cứu (tác giả, tác phẩm, người đọc). Và các phương pháp nghiên cứu, tiếp
cận văn học đã ra đời, tồn tại với các ưu điểm/ bất cập, sở trường/ sở
đoản của nó cần xem như những thực thể hiện hữu. Tất cả những nội
dung đó cho thấy sự đa dạng, kế tục và phát triển của các trường phái,
phương pháp sáng tác, phương pháp và thủ pháp nghiên cứu xưa nay đã
phô bày bức tranh sống động của đời sống văn học dân tộc trên mỗi giai
đoạn lịch sử văn minh của loài người.
Một bộ giáo trình lý luận văn học chuẩn hoá như vậy, tất nhiên đòi
hỏi sự chuẩn bị kiên trì, kỹ lưỡng, chu tất về lực lượng, đầu tư thích đáng
về kinh phí. Và cần được tiếp sức từ thái độ trân trọng tham khảo kinh
nghiệm quý báu và hợp tác đa phương với các nhà khoa học có bề dày
thành tựu trên lĩnh vực chuyên ngành này của nước ngoài. Cần tổ chức
biên dịch công phu các công trình có giá trị tham khảo của họ ra tiếng
Việt, trao đổi kinh nghiêm biên soạn và giảng dạy lý luận văn học bằng
các hội thảo quốc tế.
Một nền Đại học đạt tiêu chuẩn quốc tế mà chúng ta đang nhằm tới,
trong đó không thể không bao hàm lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy lý luận
văn học, mà khâu đột phá là trước mắt tự mình biên soạn giáo trình lý
luận chuẩn quốc gia, đạt chất lượng cao, có khả năng hội nhập được với
trình độ tiên tiến của khu vực và quốc tế./.