Văn học cung đình và văn học
thành thị ở Thăng Long
Chúng ta biết đến một nền kiến trúc cung đình và kiến trúc dân gian Thăng
Long, một nền âm nhạc cung đình và âm nhạc dân gian Thăng Long. Vậy có thể nói
đến một thứ văn học cung đình và văn học thành thị Thăng Long không? Và nếu có
thể thì ta sẽ phải mô tả như thế nào hai dòng, hai kiểu văn học đó? Từ điểm nhìn về
hai dòng văn học như thế liệu ta có được nhận thức mới nào về bức tranh văn học
dân tộc? Với bài viết này, chúng tôi cố gắng phác họa một số ý tưởng bước đầu.
Nếu xét không gian sinh tồn và phát triển của văn học Thăng Long, một đô thị
kiểu phương Đông thời trung đại, nơi có thành và có thị, hiển nhiên ta có quyền nói đến
hai loại văn học, hai dòng văn học là văn học cung đình và văn học thành thị. Trong
những thế kỷ đầu tiên từ khi nhà Lý dời đô về Thăng Long, khi mà phần “thị” - chợ hãy
còn rất nhỏ bé, chắc chắn phần Hoàng thành bao bọc trong nó triều đình của các triều
đại Lý, Trần là không gian chủ yếu của Thăng Long. Những nhân vật văn hóa chủ yếu ở
Thăng Long trong quãng thời gian ấy là các ông vua, là hoàng tộc, là quan lại, quý tộc
và những lớp người có liên hệ mật thiết với các vương triều như thiền sư, nho sĩ. Tạm
thời, còn rất ít hoặc chưa có những kiểu nhân vật khác của giai đoạn sau như thương
nhân, thợ thủ công, sĩ tử từ các miền quê lai kinh ứng thí, các trí thức nho sĩ, những ca
nhi, ả đào, v.v… những kiểu nhân vật chủ yếu sinh tồn và có một đời sống văn hóa riêng
trong khu vực bên ngoài Hoàng thành, trong phần thị - chợ (Kẻ Chợ). Ra đời tại Thăng
Long trong bối cảnh như thế, các tác phẩm văn học dễ dàng và trên thực tế mang tính
chất cung đình.
Khái niệm “văn học cung đình” được dùng để chỉ các sáng tác văn học của vua
chúa, quan lại quý tộc và các trí thức Nho sĩ, thiền sư xuất hiện trong không gian cung
đình hay có mối liên hệ mật thiết với mọi hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa… của
triều đình, mang đậm điểm nhìn của một triều đình về con người và thế giới. Với một
giới thuyết đơn giản như vậy ta đã thấy văn học Thăng Long ở hình thái ban đầu của nó
chính là văn học cung đình. Không gian vật lý cho sự ra đời của không ít bài thơ là
không gian cung đình. Lý Nhân Tông với bài thơ khen tặng thiền sư Giác Hải và đạo sĩ
Thông Huyền - hai người đã trổ tài thần thông biến hóa trong sân điện trước sự chứng
kiến của nhà vua - là một sáng tác cung đình chính thống xét từ không gian ra đời và
điểm nhìn tác giả, một ông vua có quyền tối thượng yêu cầu và khen ngợi ngay cả thiền
sư và đạo sĩ, đồng thời sự khẳng định địa vị xã hội của Phật giáo, Đạo giáo cũng gắn liền
với sự thừa nhận của triều đình
(1)
. Những gì vua tôi Lê Thánh Tông xướng họa để
lại Quỳnh uyển cửu ca đích thị là văn học cung đình. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm
1495, tháng 11, vua Lê Thánh Tông thấy hai năm được mùa liên tiếp, đặt các bài ca vịnh
để ghi điềm lành. Nội dung gồm những bài về đạo làm vua, khí tiết bề tôi, vua giỏi tôi
hiền, nhớ bậc anh tài kỳ tuấn và đùa viết vội thành văn, nhân gọi là Quỳnh uyển cửu ca
thi tập. Bình Ngô đại cáo soạn bởi Nguyễn Trãi và Chiếu cầu hiềnsoạn bởi Ngô Thì
Nhậm, đều ra đời ở Thăng Long, cũng là văn học cung đình. Chúng đáp ứng những yêu
cầu của một triều đình vào những thời điểm lịch sử quan trọng, thực hiện chức năng
quan phương chính thống. Bình Ngô đại cáo thực ra có chức năng thuyết phục/ khẳng
định quyền tức vị hợp hiến hợp pháp của một người tài đức như Lê Lợi song vốn không
xuất thân từ dòng dõi quý tộc nhà Trần, vào một thời điểm lịch sử hết sức khẩn trương,
khoảng trống quyền lực cần được lấp đầy để ổn định tình hình đất nước. Chiếu cầu
hiền mà Ngô Thì Nhậm viết nhân danh Quang Trung lại thể hiện nhu cầu bức thiết về sự
cộng tác/ hợp tác của đội ngũ nho sĩ Bắc hà với triều Tây Sơn. Các bài thơ, phú, văn
sách, bất kể bằng chữ Hán hay chữ Nôm… làm trong các kỳ thi tại kinh đô Thăng Long
- nếu ta có thể xem đó là một loại sáng tác văn học - là văn học cung đình. Đề thi cho
các thể văn đều liên quan đến đường lối trị quốc (ví dụ chế trị bảo bang - về chính trị và
giữ nước), giáo dục đạo đức (ví dụ Giới sắc bách tư - Răn dạy trăm quan), những vấn đề
lấy từ trong kinh điển nho gia… rèn tập cho sĩ tử năng lực giải quyết những vấn đề quốc
kế dân sinh của quốc gia. Hiện mảng văn học này đã được nghiên cứu từ góc độ văn bản
học Hán Nôm nhiều hơn là về phương diện văn học sử
(2)
. Nhưng một sáng tác gọi là văn
học cung đình có thể ra đời ở một không gian ngoài kinh đô, ở một địa điểm xa Thăng
Long chứ không nhất thiết phải ra đời trong chốn cung đình. Dù là ra đời ở đâu, các sáng
tác văn học cung đình thường mang những diễn ngôn của các triều đại; hiện thực và
cảm xúc phải được trình bày từ góc nhìn của người đến từ cung đình. Đó là trường hợp
bài thơ Thượng hoàng Trần Nhân Tông viết tại hành cung Thiên Trường vào năm 1289,
sau cuộc chiến tranh cuối cùng chống Nguyên - Mông, bộc lộ cảm xúc của người đứng
đầu một triều đại đã trải qua những trận chiến khốc liệt chống ngoại xâm, nay bốn biển
đã quang, bụi đã lắng/ Chuyến đi này hơn hẳn chuyến đi năm xưa. Bài Nghệ An hành
điện (Hành cung ở Nghệ An) của Trần Minh Tông làm tại Nghệ An, có câu Sinh dân
nhất thị ngã bào đồng (Nhân dân hết thảy đều là ruột thịt của ta) cũng thể hiện cái nhìn,
cách nghĩ của người cung đình.
Đánh giá mảng văn học cung đình cũng cần chú ý đến sự đa dạng. Có những tác
phẩm văn học cung đình có giá trị tư tưởng cao khi một triều đại phong kiến đang lên,
vua tôi, quan lại quý tộc thực hành đường lối thân dân. Những vấn đề của cung đình khi
đó, trên những nét cơ bản thống nhất với vấn đề của nhân dân, của dân tộc. Song khi vua
tôi ca tụng lẫn nhau, ca tụng triều đại vua thánh tôi hiền thì sáng tác của họ khó tránh
khỏi công thức, nhàm chán, thậm chí có sắc thái xu nịnh. Hoàng Sĩ Khải (thế kỷ XVI)
tung hô “vạn tuế” cảnh tượng thái bình thời vua Lê chúa Trịnh: Đời sinh chúa thánh tôi
hiền/ Giúp tay tạo hóa sửa quyền âm dương…Bốn mùa ước những mùa xuân/ Trị dài
Trịnh chúa Lê quân muôn đời, nhưng rồi cả vua Lê và chúa Trịnh cũng không thể
“muôn năm” được. Hay Phụng thành xuân sắc phú của Nguyễn Giản Thanh ca tụng
Thăng Long dưới triều đại Lê Uy Mục cũng mang chất tụng ca tương tự - điều này lại
càng đáng suy nghĩ nếu ta liên hệ đến sự suy thoái của nhà Lê ở đầu thế kỷ XVI. Cuộc
“bút chiến” giữa Nguyễn Huy Lượng theo Tây Sơn (Tụng Tây Hồ phú ) và Phạm Thái
chống Tây Sơn(Chiến tụng Tây Hồ phú) về thực chất có thể xếp vào văn học cung đình.
Hồ Tây trong mắt hai người là một ẩn dụ riêng về chế độ Tây Sơn, cả kẻ ca ngợi và
người lên án đều thể hiện thái độ chính trị qua việc tả cảnh Hồ Tây.
Nhưng thực tế sáng tác của nhiều tác giả lại không dễ gì đưa vào cái khuôn chật
hẹp của khái niệm “văn học cung đình”. Thơ ca của nhiều nhà nho cho thấy tâm sự của
người có khi thân ở cửa khuyết nhưng tâm lại để ở nơi thôn dã, núi non. Ngay trong một
thi tập, có bài mang chất cung đình song có bài lại có chất thôn dã. Giới nghiên cứu văn
học Trung Quốc xem những sáng tác của ẩn sĩ được coi là văn học điền viên hay văn
học nông thôn (hương thổ văn học) chứ không phải văn học cung đình hay văn học
thành thị. Những trường hợp như sáng tác của Chu An hay Nguyễn Bỉnh Khiêm sau khi
dâng sớ xin chém bọn nịnh thần không được đã lui về ẩn dật, hoặc thơ Nôm của Nguyễn
Trãi khó gọi là văn học cung đình. Về lý thuyết, đây là sáng tác của những người tuy có
quan hệ mật thiết với triều chính rồi bất như ý mà lui bước, trở về điền viên vui thú và
giữ gìn nhân cách đạo đức thì tâm tư suy nghĩ của họ trực tiếp hay gián tiếp vẫn hướng
về nơi cửa khuyết. Song thực tế, cái nhìn hiện thực và tâm tư tình cảm của họ đã thuộc
về dòng văn học ẩn dật, văn học nông thôn. Nhưng bàn về văn học nông thôn hay văn
học điền viên, văn học hương thổ không thuộc phạm vi quan tâm của bài viết này.