LỊCH SỬ THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC
HÀN QUỐC
Silla thống nhất và Balhae
Vào giữa thế kỷ thứ 6, vương quốc Silla đã xâm chiếm và cai quản
vương quốc Gaya láng giềng, một vương quốc gồm các thành quốc
mạnh phát triển ở khu vực đông nam bán đảo từ giữa thế kỷ thứ nhất
đến giữa thế kỷ thứ 6. Vương quốc Silla cũng đã liên minh quân sự với
nhà Đường của Trung Quốc nhằm chinh phục các vương quốc Goguryeo
và Baekje. Nhưng sau đó, Silla đã chiến đấu chống lại nhà Đường khi
nhà Đường để lộ tham vọng sáp nhập lãnh thổ Goguryeo và Baekje.
Silla đã đẩy lùi Trung Quốc vào năm 676. Sau đó vào năm 698, những
người dân trước đây của vương quốc Goguryeo sống tại khu vực trung
nam Mãn Châu lý đã lập nên vương quốc Balhae. Balhae bao gồm
không chỉ những người dân của vương quốc Goguryeo mà còn một số
lớn dân vùng Malgal.
Balhae đã thiết lập một hệ thống chính phủ với trung tâm là năm thủ
phủ địa phương, đây là mô hình dựa trên cơ cấu hành chính của vương
quốc Goguryeo. Balhae đã phát triển một nền văn hóa tiên tiến bắt
nguồn từ vương quốc Goguryeo.
Vương quốc Balhae đạt đến đỉnh cao của thịnh vượng trong nửa đầu
thế kỷ 9 với việc xâm chiếm một vùng lãnh thổ rộng lớn từ sông Amur ở
miền Bắc và sông Kaiyuan ở trung nam Mãn Châu lý cho tới phía tây.
Quốc gia này cũng thiết lập quan hệ ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ và Nhật
Bản. Balhae tồn tại đến năm 926, khi nước này bị người Khitan lật đổ.
Rất nhiều giai cấp cầm quyền, hầu hết là người dân trên bán đảo Triều
Tiên, đã di chuyển xuống miền Nam sinh sống tại vương triều Goryeo
mới được thành lập.
Silla thống nhất Bán đảo Triều Tiên vào năm 668 và đạt tới đỉnh cao của
quyền lực và sự thịnh vượng vào giữa thế kỷ 8. Vương quốc này đã nỗ
lực thiết lập một đất nước Phật giáo. Đền Bulguksa được xây dựng
trong thời kỳ này. Tuy nhiên, quốc gia tôn sùng đạo Phật này đã bắt đầu
rơi vào tình trạng kém phát triển do giới quý tộc tự cho phép sống cuộc
sống quá xa xỉ. Ngoài ra, cũng có những xung đột giữa các nhà lãnh đạo
địa phương đòi quyền lực đối với hai quốc gia bị chiếm đóng là
Goguryeo và Baekje. Năm 935, vua Silla chính thức quy phục vương
triều mới được thành lập Goryeo.
Goryeo
Kể từ khi vương quốc Silla thống nhất bán đảo Triều Tiên, vào năm 668,
mặc dù bị ngoại xâm liên tiếp, bán đảo này vẫn thuộc quyền cai trị của
một chính quyền duy nhất, đồng thời vẫn duy trì được sự độc lập về
chính trị và giữ gìn các di sản văn hóa của dân tộc. Cả hai triều đại
Goryeo (918-1392) và Joseon (1392-1910) đã củng cố quyền lực và phát
triển văn hóa, đồng thời đẩy lùi quân ngoại xâm như Khitans, Mông Cổ
và Nhật Bản. Wang Geon, một vị tướng phục vụ dưới quyền Gungye,
một hoàng tử nổi loạn của vương triều Silla, đã lập nên triều đại
Goryeo. Wang Geon đã chọn quê hương ông Songak (ngày nay là
Gaeseong thuộc CHDCND Triều Tiên) làm thủ đô và tuyên bố mục tiêu
lấy lại lãnh thổ đã mất của vương quốc Goguryeo ở đông bắc Trung
Quốc.
Ông đã đặt tên triều đại của mình là Goryeo, nguồn gốc của tên gọi Hàn
Quốc ngày nay. Mặc dù Goryeo không lấy lại được những vùng đất đã
mất, triều đại này đã xây dựng một nền văn hóa tinh tế, tiêu biểu là
cheongja - một loại gốm xanh và các tập tục Phật giáo phát triển. Một
phát minh không kém phần ý nghĩa, đó là bản khắc chữ in kim loại di
động đầu tiên trên thế giới vào năm 1234, đi trước kỹ thuật in
Gutenberg của Đức hai thế kỷ. Trong cùng thời gian này, những nghệ
nhân đầy tài năng của Triều Tiên cũng đã hoàn thành một công việc phi
thường, đó là khắc toàn bộ các phép tắc Phật giáo lên các phiến gỗ lớn.
Các phiến khắc này gồm hơn 80.000 bản, được làm với mục đích cầu
mong sự phù hộ của Đức Phật để đẩy lùi kẻ xâm lược Mông Cổ. Những
bản khắc này được gọi là Bộ kinh Phật Koreana và ngày nay được lưu
trữ tại khu đền lịch sử Haeinsa.
Những phiến gỗ khắc bộ kinh Phật Korean tại đền Haeinsa
Trong những năm tiếp theo, những cuộc đấu tranh nội bộ giữa quan lại
học giả và chiến binh, giữa đạo Khổng và đạo Phật đã làm triều đại
Goryeo suy yếu. Cuộc tấn công của Mông Cổ bắt đầu vào năm 1231 đã
làm cho Goryeo trở thành một bang chư hầu của Mông Cổ trong gần
một thế kỷ bất chấp sự kháng cự quyết liệt của người dân Goryeo.
Joseon
Năm 1392, Tướng Yi Seong-gye đã lập nên một triều đại mới lấy tên là
Joseon. Tầng lớp cai trị đầu tiên của triều đại này đã lấy đạo Khổng làm
triết lý chỉ đạo của vương quốc nhằm chống lại ảnh hưởng thống trị của
Phật giáo trong thời kỳ Goryeo.
Những người thống trị Joseon đã cai trị vương quốc với một hệ thống
chính trị cân bằng. Hệ thống thi cử có sự tham gia của dân chúng là cơ
sở tuyển chọn ra tầng lớp quan lại. Các cuộc thi được dùng làm cơ sở
cho tính cơ động của xã hội và hoạt động trí tuệ trong thời kỳ này. Xã
hội sùng đạo Khổng này đánh giá cao học thuật, coi thường thương mại
và sản xuất.
Dưới triều Sejong Đại đế (1418-1450) - vị vua thứ tư của triều đại
Joseon - văn hóa và nghệ thuật phát triển chưa từng thấy trong lịch sử
Hàn Quốc. Dưới sự bảo trợ của đức vua Sejong, các học giả của viện
hàn lâm hoàng gia đã sáng tạo bảng chữ cái Hàn Quốc, được gọi là
Hangeul.
Sau đó bảng chữ cái này được gọi là Hunminjeongeum, nghĩa là "hệ
thống ngữ âm đúng để dạy dân chúng".
Vua Sejong cũng quan tâm một cách toàn diện đến lĩnh vực thiên văn
học. Đồng hồ mặt trời, đồng hồ nước, địa cầu và bản đồ thiên văn đều
được làm ra theo yêu cầu của ông. Ông đã truyền ngai vàng cho con trai
ông, vua Munjong (trị vì 1450-1452) nhưng Munjong qua đời hai năm
sau đó và Thái tử Danjong 11 tuổi lên ngôi vua.
Hunminjeongeum (trái) - chân dung Vua Sejong (phải)
Năm 1455, Hoàng tử Suyangdaegun, chú của vua Danjong, đã cướp
ngai vàng của vị hoàng đế trẻ tuổi này. Suyangdaegun trở thành vua
Sejo (trị vì 1455-1468). Ông đã lập nên một khung thể chế của chính
phủ bằng việc xuất bản một bộ luật gọi là Gyeongguk Daejeon.
Năm 1592, Nhật Bản xâm chiếm vương triều Joseon để dọn đường xâm
lược Trung Quốc.
Đô đốc Yi Sun-sin (1545-1598), một trong những nhân vật được tôn
kính nhất trong lịch sử Hàn Quốc, đã chỉ huy hàng loạt những cuộc tấn
công của thủy quân oanh liệt trên biển chống lại đội quân của Nhật Bản
bằng những Geobukseon (thuyền rùa) được coi là những thuyền chiến
bọc sắt đầu tiên trên thế giới.
Bản vẽ Geobukseon, được cho là chuyếc thuyền chiến bọc sắt đầu tiên
của thế giới, mô hình Geobukseon ở vùng biển ngoài khơi Yeosu (phải)
Trên mặt đất, những chiến binh nông dân tình nguyện và đội ngũ
những tăng lữ Phật giáo đã dũng cảm chống lại kẻ thù. Sau khi Tư lệnh
Toyotomi Hideyoshi tử trận, Nhật Bản bắt đầu rút lui khỏi Hàn Quốc.
Cuộc chiến cuối cùng đã kết thúc năm 1598, song nó đã để lại những
ảnh hưởng vô cùng to lớn tới triều đại Joseon của Hàn Quốc và Nhà
Minh Trung Quốc. Trong suốt thời gian chiến tranh, rất nhiều nghệ
nhân và kỹ thuật viên kể cả phu khuân vác Hàn Quốc đã bị cưỡng ép
đưa sang Nhật Bản.