Tải bản đầy đủ (.pdf) (9 trang)

Đôi điều cần bàn lại về mối quan hệ giữa Nguyễn Bỉnh Khiêm - Nguyễn Dữ_2 docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (122.82 KB, 9 trang )

Đôi điều cần bàn lại về mối quan hệ
giữa Nguyễn Bỉnh Khiêm - Nguyễn Dữ -
Phùng Khắc Khoan

Vấn đề này, thiển ý của chúng tôi như sau:

Một là, cũng như Nguyễn Quân, chúng tôi căn cứ vào bản Phả ký trên
của Ôn Đình hầu Vũ Khâm Lân cẩn thuật vào mùa đông năm Quý Hợi
(1743) có chép trong sách Đại Việt sử loại tiệp lục, mà sau đó quan Thự
Tham chính xứ Sơn Nam là Tiến sĩ Vũ Phương Đề đã sao chép lại
nguyên văn bài ký trên vào sách Công dư tiệp ký (Ghi nhanh lúc rỗi việc
quan) của ông, để khẳng định rằng, bà Nhữ Thị Thục thân mẫu cụ Trạng
Trình sau khi giận chồng không biết dạy con, bà bỏ về nhà cha mẹ đẻ, ít
lâu sau thì mất. Trong khi đó, để phản bác lại ý của Nguyễn Quân và của
Bùi Duy Tân, ông Trần Lê Sáng có lập luận rằng: “Còn danh hiệu Từ Thục
phu nhân của mẹ Nguyễn Bỉnh Khiêm thì chúng ta cũng đừng vội tin của
bà nào, bởi lẽ thân phụ của Nguyễn không chỉ có một bà vợ” (11). Nếu
lập luận như thế thì thử hỏi ông Trần Lê Sáng nghĩ gì khi chính cụ Vũ
Khâm Lân đã khẳng định trong Phả ký là “Thân mẫu họ Nhữ được
phong Từ Thục phu nhân”? Cũng nên lưu ý, đây chỉ là hàm vinh phong
của vua nhà Mạc khi cụ Trạng Trình ra làm quan cho triều đại này, chứ
không có thực quyền, hơn nữa lúc ấy, các cụ đã quy Tiên rồi. Trong bài
ký, Vũ Khâm Lân còn cho biết: Ông nội được tập phong là Thiếu bảo Tư
Quận công; bà nội là Chinh phu nhân Phạm thị Trinh Huệ; thân sinh
được tặng phong Thái bảo Nghiêm Quận công; thân mẫu họ Nhữ được
phong là Từ Thục phu nhân (12).

Hai là, cũng trong bài ký trên, cụ Ôn Đình hầu còn cho biết vì bà “vốn
người thông minh, học rộng văn hay, lại tinh giỏi cả môn tướng số”; “có
chí hướng phò vua giúp nước của bậc trượng phu, muốn chọn một
người vừa ý mới chịu kết duyên, nên đã chờ ngót 20 năm trời, khi gặp


ông Văn Định có tướng sinh quý tử, bà mới chịu lấy” (trong bản Phả ký
này, Vũ Khâm Lân còn ghi lại chi tiết bà gặp Mạc Đăng Dung ở bến đò
Hàn thuộc dòng Tuyết Giang, mà bà đã than tiếc “Lúc trẻ chẳng gặp,
ngày nay tới đây làm gì?” (13), cũng đủ rõ thêm cái chí muốn lớn lao
của bà).

GS. Bùi Văn Nguyên trong giáo trình Lịch sử văn học Việt Nam, tập 2
(thế kỷ X - giữa thế kỷ XVIII), xuất bản 1962 và Văn học Việt Nam thế kỷ
X - giữa thế kỷ XVIII, xuất bản 1989 đã căn cứ vào lời trên mà cho rằng
“cuối cùng bà lấy ông Văn Định, khi bà đã quá lứa, xấp xỉ tuổi 30. Mãi
cho đến khi sinh ra Văn Đạt, bà vẫn ôm ấp hoài bão không tưởng của
mình, cuối cùng bỏ chồng, bỏ con, đi lang thang, rồi trở về quê hương
cha mẹ đẻ ở An Tử thượng”. Nhiều tài liệu cũ, trong đó có nhiều bộ văn
học sử đều ghi rằng “cụ Nguyễn Văn Định nhờ nổi tiếng hay chữ, giỏi
thơ văn nên quan Thương thư Nhữ Văn Lan gọi đến gã con gái luống
tuổi cho” (14).

Chúng tôi cũng đồng ý với suy luận của GS. Bùi Văn Nguyên về tuổi tác
của bà Thục lúc lấy chồng. Đồng thời xin bổ sung thêm, người xưa đã có
tục tảo hôn và quan niệm rằng con gái 13, con trai 16 tuổi là có thể
dựng vợ gã chồng, vì đủ trưởng thành về sinh lý (nữ thập tam, nam
thập lục). Con gái bấy giờ mà luống tuổi có thể là ngoài 20 hay hơn nữa.
Thân mẫu cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm “đã chờ ngót 20 năm trời”, như vậy,
nếu làm phép tính giản đơn là: 13,14, hay 15 cộng với ngót 20 sẽ là 30
hoặc trên 30 tuổi. Bà ở với ông Văn Định, đến khi Nguyễn Văn Đạt (Bỉnh
Khiêm) 4 tuổi thì bỏ chồng con ra đi. Vậy khi ấy ít ra lúc này bà cũng đã
khoảng 35. Hãy chưa nói chuyện bà bỏ về nhà cha mẹ đẻ, mà nói việc
có thể bà đi lang thang lên mạn Từ Sơn rồi gặp nho sinh họ Phùng, thấy
người này phúc hậu, có tướng sinh quý tử, bà thổ lộ nỗi niềm rồi hai
người gá nghĩa vợ chồng, đưa về Sơn Tây như truyện về Mai Lĩnh hầu

(tước của Phùng Khắc Khoan lúc đi sứ lần thứ nhất trở về được vua Lê
chúa Trịnh ban cho) đã chép mà ở trên có lược dịch, thì lúc này bà đã
35 hay ngoài 35 tuổi rồi. Giả dụ như khi bà lấy ông Định và lúc sinh
Nguyễn Bỉnh Khiêm thì bà đã 30, và khi bà lấy ông nho sinh họ Phùng
để hơn ba chục năm sau sinh ra Phùng Khắc Khoan thì lúc lấy ông nho
sinh họ Phùng, ít ra bà cũng đã 35 hay ngoài 35. Mà theo sử sách chính
thống ghi Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm 1491, Phùng Khắc Khoan sinh
năm 1528, có nghĩa là cụ Trạng Trình lớn hơn cụ Trạng Bùng 37 tuổi.
Chẳng lẽ khi sinh ra Phùng Khắc Khoan, bà Nhữ Thị Thục đã ngoài 70
tuổi? Còn nếu cho luống tuổi, qua lứa là ngoài 20 đến 25 chẳng hạn, rồi
bà mới lấy chồng và sinh con, thì khi bà sinh ra Phùng Khắc Khoan cũng
đã 60 hay ngoài 60 tuổi. Mấy năm nay, chúng tôi hay vẩn vơ tính toán
lẩm cẩm như thế. Với cái tuổi này, thể trạng người phụ nữ Việt của
chúng ta còn có khả năng sinh đẻ được không? Cho dù có thuốc tiên đi
nữa! Vì thế, căn cứ vào bản Phả ký của Vũ Khâm Lân, cùng với suy tính
trên, chúng tôi hoàn toàn không đồng ý, không đồng tình với giai thoại,
truyền thuyết dân gian đã lưu truyền và người xưa đã viết lại, khi cho
rằng Nguyễn Bỉnh Khiêm và Phùng Khắc Khoan là anh em cùng mẹ khác
cha mà những tài liệu xưa nhất hiện được biết là phả ký họ Phùng ở
Phùng Xá và truyện Mai Lĩnh hầu thành mẫu chí truyện chép trong sách
Danh gia thi truyện tập.

Thiết nghĩ, cụ Vũ Khâm Lân thật có lý khi trong bài Phả ký về Nguyễn
Văn Đạt (Bỉnh Khiêm), đã viết rằng bà Thục giận chồng, bỏ về nhà cha
mẹ đẻ, cách ít lâu sau thì mất, mà không đá động gì đến chuyện bà
Thục “bước đi bước nữa” với ông nho sinh họ Phùng ở Thạch Thất để
sinh ra cụ Phùng Khắc Khoan, một nhân vật lỗi lạc đầu thời Lê trung
hưng. Và có thể là hồi ấy cụ cũng đã có nghe lời truyền về mối quan hệ
đó trong dân gian, chứ không phải là cụ né tránh việc này. Bởi bài Phả
ký được cụ Vũ Khâm Lân hoàn thành vào cuối năm Quý Hợi 1743, tức

sau khi cụ Trạng Trình đã quy Tiên đúng 158 năm; và cụ Trạng Bùng đã
tạ thế đúng 130 năm. Trong bài Phả ký, tác giả có nói đến tận nhà, hỏi
người cháu 7 đời của cụ Trạng Trình là Nguyễn Thì Đương để xem tộc
phả, nhưng ông này lại đưa ra những trang giấy rách nát, chỉ biên danh
tính tiền nhân, ngoài ra chẳng có gì khác. Cho nên họ Vũ đành phải
“thâu thái ý kiến mọi người rồi hợp với những điều mắt thấy tai nghe
trong lúc ngày thường để viết nên bài ký” (15). Như vậy, tuy không viết
ra cụ thể nhưng cụ Ôn Đình hầu ngày ấy cũng không tin là giữa cụ Trạng
Trình và cụ Trạng Bùng có mối quan hệ anh em cùng mẹ khác cha !

Kết luận vấn đề này của chúng tôi là quan hệ giữa cụ Trạng Trình với cụ
Trạng Bùng chỉ là quan hệ Sư - Đệ, chứ không phải là anh em cùng mẹ
khác cha.
Vấn đề thứ hai: CÓ PHẢI NGUYỄN DỮ LÀ HỌC TRÒ CỦA NGUYỄN BỈNH
KHIÊM ?

1. Từ thế kỷ XIX về trước đã có nhiều sách xưa khẳng định vấn đề này
như Đại Việt sử loại tiệp lục (có bài Phả ký đã dẫn) của Vũ Khâm Lân;
Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề; Công dư tiệp ký tục biên mà có nhà
nghiên cứu nghi vấn tác phẩm này chính là Cát Xuyên tiệp bút của Trần
Tiến?; Tục Công dư tiệp ký của Trần Trợ (Trần Quý Nha) là con trai của
Trần Tiến; Toàn Việt thi lục và Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn; Tang
thương ngẫu lục của Nguyễn Án và Phạm Đình Hổ; Hoàng Việt thi tuyển
và Hoàng Việt văn tuyển của Bùi Huy Bích; rồi Lịch triều hiến chương
loại chí - Mục Nhân vật chí và Văn tịch chí của Phan Huy Chú (16) v.v
Tất cả đều ghi “Nguyễn Dữ cùng với Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu
Khánh, Trương Thì Cử, Đinh Thì Trung, Nguyễn Quyện … là những học
trò xuất sắc của Nguyễn Bỉnh Khiêm”.

Sang thế kỷ XX đến nay, Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử

yếu; Văn Tân, Nguyễn Hồng Phong, Nguyễn Đổng Chi trong Sơ thảo lịch
sử văn học Việt Nam, tập 2, (thế kỷ X đến hết thế kỷ XVII); Đinh Gia
Khánh, Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Ngọc San trong Hợp tuyển thơ văn Việt
Nam, tập 2 (thế kỷ X - thế kỷ XVII); Bùi Văn Nguyên với Lịch sử văn học
Việt Nam tập 2 và Văn học Việt Nam thế kỷ X - giữa thế kỷ XVIII; Đinh
Gia Khánh với Văn học cổ Việt Nam và Văn học Việt Nam thế kỷ X - nửa
đầu thế kỷ XVIII; Thúc Ngọc Trần Văn Giáp trong Tìm hiểu kho sách Hán
Nôm tập 1 và Lược truyện các tác gia Việt Nam; Lê Trí Viễn (chủ biên),
Văn học trung đại Việt Nam; Nguyễn Đăng Na, Văn xuôi tự sự Việt Nam
thời trung đại, tập 1, Truyện ngắn; Nguyễn Nam, Phiên dịch học lịch sử -
văn hoá Trường hợp Truyền kỳ mạn lục (công trình này có dịch và đăng
lại bài viết của M. Tkachov “Bậc thầy của những chuyện kỳ diệu sáng
tạo từ đất Hải Dương”); Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu,
Trần Hữu Tá (chủ biên), Từ điển văn học, Bộ mới, các mục từ viết về
Nguyễn Bỉnh Khiêm, về Nguyễn Dữ, về Phùng Khắc Khoan; Trần Lê
Sáng, Phùng Khắc Khoan cuộc đời – thơ văn; Nguyễn Đăng Na (chủ
biên), Văn học trung đại Việt Nam, tập 1; Đoàn Thị Thu Vân (chủ biên),
Văn học trung đại Việt Nam (thế kỷ X - cuối thế kỷ XIX) (17). Đó là chưa
kể những bài viết trên các báo, tạp chí, các chuyên khảo v.v khi đề cập
đến Nguyễn Bỉnh Khiêm hay Nguyễn Dữ cũng đều cho rằng Nguyễn
Bỉnh Khiêm là thầy học của Nguyễn Dữ; và Nguyễn Dữ là học trò xuất
sắc của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Những công trình nghiên cứu về Nguyễn Dữ và Truyền kỳ mạn lục của
các học giả ở nước ngoài như ở Nhật bản có Xuyên Bản Bang Vệ
“Truyền kỳ mạn lục tiểu khảo”, Nghệ văn nghiên cứu, số 27 (18), tr. 379;
ở Trung quốc có La Hoài “Nho học tại Việt Nam”; Trịnh Vĩnh Thường
“Hán văn văn học tại An Nam đích hưng thệ”, Đài Loan Thương vụ ấn
thư quán, thiên 4, chương 3 (19); Trần Ích Nguyên “Tiễn đăng tân thoại
dữ Truyền kỳ mạn lục tỷ giảo so sánh”, chương 2, tiết 2, Đài Loan học

sinh thư cục xuất bản, Đài Bắc, 1990 (20); ở Nga có M. Tkachov, Bậc
thầy của những chuyện kỳ diệu sáng tạo từ đất Hải Dương (21) v.v Tất
cả đều dựa vào tư liệu cổ ở ta mà tin theo và viết rằng: Nguyễn Dữ là
học trò xuất sắc của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Từ nửa đầu thế kỷ XVIII đến nay, những người đời sau đều căn cứ vào
bản “Bạch Vân am cư sĩ Nguyễn công Văn Đạt phả ký” của Vũ Khâm Lân
và Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề là những tài liệu xưa nhất nói về
mối quan hệ này mà cho rằng Nguyễn Dữ là học trò xuất sắc của
Nguyễn Bỉnh Khiêm và là bạn học của Phùng Khắc Khoan. Trong bài Phả
ký, Vũ Khâm Lân đã viết: “Nói về môn sinh của ông sự thực không biết
bao nhiêu mà kể, nhưng nói riêng những người đã có tiếng tăm lừng lẫy
thì có những ông như Phùng Khắc Khoan, như Lương Hữu Khánh,
Nguyễn Dữ và Trường Thì Cử…, đều đã nhờ ơn truyền thụ, số học từng
đi đến chỗ uyên thâm, và sau đều là những bậc danh thần thời trung
hưng” (22).

Thực tế có phải như vậy không?

Đứng trước một khối tư liệu có thể nói là lớn và nhiều như trên (mà
chúng tôi liệt kê chưa đủ hết) để giải đáp một vấn đề rất nhỏ như tiêu
đề đã nêu, thì có nên không? Việc chẻ sợi tóc ra làm tư có đáng hay
không? Chúng tôi băn khoăn mãi, nhưng cuối cùng đành phải làm cái
việc thật dại dột là đặt lại nghi vấn về vấn đề này. Mặc dù chúng tôi biết
rằng mình là hậu sinh lại học thuật, kiến văn nông cạn, mà những tư
liệu trên đều là của những danh sĩ lỗi lạc thời phong kiến, hay của
những nhà nghiên cứu bậc thầy, của những vị giáo sư lỗi lạc thời hiện
đại đã viết ra, thì làm sao mà phản biện cho được!
Đức Khổng Tử từng căn dặn đồ đệ: “Tận tín thư bất như vô thư” (Hoàn
toàn tin ở sách, thà không có sách còn hơn). Có nghi vấn này là nhờ bắt

nguồn từ lời dạy trên của bậc Vạn thế sư biểu.

Chúng tôi thiển nghĩ, muốn đặt lại vấn đề đã được khẳng định và sàng
lọc qua mấy trăm năm như trên, có lẽ cần trở lại tiểu sử lai lịch của hai
cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Dữ. Về cuộc đời và tiểu sử cụ Trạng
Trình thì đã rõ. Còn cuộc đời và tiểu sử Nguyễn Dữ hiện vẫn còn là
khoảng trống, chưa được lấp đầy vì tư liệu xưa quá ít ỏi, chỉ có dăm ba
dòng.

×