Tải bản đầy đủ (.pdf) (9 trang)

Để ôn tập và làm tốt bài thi tốt nghiệp môn Địa lí ppsx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (225.85 KB, 9 trang )

Để ôn tập và làm tốt bài thi tốt nghiệp môn Địa lí
Mỗi học sinh có thể đã có những cách ôn tập
riêng, lại thêm sự hướng dẫn của thầy cô trực
tiếp giảng dạy mình. Ở bài viết này, thầy Lê
Huy Hiếu - giáo viên Địa lý Trường THPT chuyên ĐHSP
Hà Nội sẽ chia sẻ cùng các em một số kinh nghiệm khi ôn
tập và làm bài thi Địa lí để đạt kết quả cao nhất.
I. Khi ôn tập

1. Không được học tủ, học lệch: cấu trúc đề thi môn Địa
của Bộ Giáo dục ban hành phủ toàn bộ chương trình, vì vậy
khi ôn không nên bỏ bất cứ bài nào. Thà bỏ mươi phút học
còn hơn phải ôm hận vì “tủ lệch”.

2. Trong từng bài ôn tập, cần lưu ý mấy điểm sau:

- Bất kì bài học nào cũng nằm trong mối quan hệ với nhiều
bài khác, vì vậy phải nắm được bài đó nằm ở phần nào của
chương trình (muốn nhanh chóng nhất, hãy xem ở phần
mục lục).

- Không nên ôn theo kiểu đọc lần lượt từ đầu đến cuối bài
vì như vậy ghi nhớ được rất ít. Nên xem bài có bao nhiêu
mục lớn, từng mục lớn có những mục nhỏ nào ( SGK Địa lí
thể hiện rất rõ các tiêu mục này), trong các mục có những ý
lớn nào, ý lớn bao gồm những ý nhỏ nào. Ôn theo nguyên
tắc từ tổng thể đến chi tiết, từ khái quát đến cụ thể.

- Đánh dấu lại những ý, những câu, những từ, số liệu quan
trọng. Lần sau xem lại, không cần đọc hết bài, những chỗ
đánh dấu này sẽ giúp các em nhanh chóng tái hiện toàn bộ


bài học.

- Ghi tóm tắt lại bài học. Có thể viết tắt, dùng kí hiệu. Mỗi
câu, mỗi ý chỉ dùng một vài từ “chốt” để phần ghi lại thật
ngắn gọn, đỡ mất thời gian khi xem lại.

- Phần nào không hiểu thì ghi lại để trao đổi với bạn bè
hoặc hỏi thầy cô giáo. Không hiểu rất khó nhớ. Chỉ nhớ mà
không hiểu nội dung lúc làm bài dễ bị vận dụng sai.

3. Học bằng sơ đồ. Nên hệ thống hoá kiến thức bằng sơ đồ.
Có những cách lập sơ đồ khác nhau. Dễ làm và thích hợp
với việc hệ thống kiến thức là vẽ sơ đồ cây thư mục. Sơ đồ
cho cả chương trình, cho từng phần nên dựa vào mục lục.
Đối với từng bài, trước hết dựa vào các đề mục của bài, sau
đó phát triển các nhánh ý chính, ý phụ. Vẽ sơ đồ để khi
nhìn vào, các em sẽ nhanh chóng nắm được các ý quan
trọng nhất của nội dung bài.

4.Số liệu trong địa lí rất nhiều. Nếu không thể nhớ chính
xác các số liệu thì có thể nhớ gần đúng theo kiểu khoảng,
gần bằng, lớn hơn….Đường bờ biển nước ta dài 3260 km,
có thể viết hơn 3000 km cũng được chấp nhận. Nên dùng
số liệu trong Atlat để đỡ phải nhớ nhiều vì phần lớn số liệu
sách giáo khoa có ở đây.

5. Ôn tập luôn gắn với Atlat địa lí Việt Nam. Đây là cuốn
tài liệu quan trọng được phép mang vào phòng thi tốt
nghiệp. Biết sử dụng Át lát thì việc ôn tập trở nên rất nhẹ
nhàng. Khi sử dụng cuốn tài liệu này cần lưu ý:


- Cần nắm được cấu trúc của Atlat, việc xắp xếp các bản đồ
như thế nào để khi học bài có thể nhanh chóng tìm đến các
trang có liên quan.

- Nhớ các kí hiệu càng nhiều càng tốt để khi học không
phải giở đi giở lại mất thời gian. Atlat phần lớn sử dụng
các kí hiệu tượng hình, hiểu các tượng hình này sẽ dễ nhớ
hơn nhiều. Công nghiệp cơ khí kí hiệu bánh xe răng cưa,
vật liệu xây dựng là ba viên gạch, cây cao su kí hiệu một
đoạn cây có rãnh nghiêng và bát hứng mủ, sân bay kí hiệu
máy bay, cảng kí hiệu là mỏ neo….

- Phần bản đồ chủ yếu cho thấy sự phân bố theo không
gian của các đối tượng địa lí. Chú ý tới nền màu bản đồ,
các kí hiệu và các biểu đồ trong các tỉnh, vùng. Phần biểu
đồ ngoài bản đồ cho biết tình hình phát triển, sự thay đổi,
quy mô, cơ cấu …đối tượng.

- Tuỳ theo bài học mà sử dụng một hay nhiều bản đồ.
Thông thường là phải dùng nhiều trang trong đó có trang
chủ đạo của nội dung bài.

II. Một số lỗi học sinh hay mắc khi làm bài và cách khắc
phục

- Đọc không kĩ đề nên trả lời dễ lạc đề hoặc trả lời không
đúng trọng tâm. Cần đọc thật kĩ đề để xác định xem câu hỏi
đó thuộc dạng nào ( trình bày, chứng minh, phân tích, so
sánh hay giải thích). Chú ý trả lời theo nguyên tắc “hỏi cái

gì trả lời cái đó”.

- Phân bố thời gian làm bài không hợp lí, một số câu
thường được dành quá nhiều thời gian làm quá kĩ, chi tiết
nên không đủ thời gian làm các câu còn lại, phải làm sơ sài,
bỏ ý, bỏ câu, mất số điểm lớn. Đề thi tốt nghiệp có 4 câu,
cần làm đều cả 4 câu, không thiên lệch câu nào. Từng câu
đã quy định số điểm. Việc phân bổ thời gian làm bài chủ
yếu dựa vào số điểm này.

- Không nháp dàn bài trước khi viết vào bài làm nên rất dễ
bị sót ý. Cần phác nhanh dàn bài cho từng câu. Vừa viết
vừa rà soát lại các ý. Viết theo dàn bài, bài viết sẽ mạch lạc
và dễ phát hiện các ý thiếu để bổ sung.

- Không biết cách trình bày cũng dễ bị mất điểm. Trình
bày sơ sài theo kiểu dàn bài cho dù đúng ý cũng không
được điểm tối đa, chỉ thường đạt khoảng 50 đến 75% số
điểm của ý. Trình bày dài dòng quá vừa mất thời gian làm
bài vừa không làm nổi bật ý trọng tâm. Các ý khác nhau
viết lẫn lộn thường chỉ được điểm của một ý. Đáp án môn
Địa thường rất rõ ràng, chi tiết theo từng ý. Nên trình bày
rõ từng câu bằng các mục 1, 2… hoặc a,b…. Trong từng ý
nên thông báo ngay ý các em định trình bày ở dòng đầu
tiên, sau đó mới triển khai ra.

- Đối với phần biểu đồ, học sinh mắc lỗi nhiều nhất là
không xác định được đúng kiểu biểu đồ cần vẽ và vì thế
mất rất nhiều điểm. Hai yếu tố để xác định kiểu biểu đồ là
yêu cầu của đề và bảng số liệu. Những học sinh xác định

sai kiểu vẽ phần lớn là do chỉ chú ý tới bảng số liệu mà
không đọc kĩ yêu cầu của đề. Vì vậy quan trọng nhất là
xem đề yêu cầu như thế nào, thể hiện cơ cấu, so sánh hay
thay đổi, phát triển…Theo yêu cầu đó có thể bao nhiêu
cách vẽ, sau đó kết hợp bảng số liệu mới quyết định chính
xác kiểu vẽ thích hợp nhất. Những lỗi thông thường khác
cần tránh là thiếu tên biểu đồ, thiếu chú giải, không điền
những số liệu cần vào biểu đồ, chia khoảng cách thời gian
sai, không ghi đơn vị tính. Các lỗi này sẽ làm mất điểm
thành phần. Khi vẽ cũng cần tính toán kích cỡ biểu đồ vừa
phải, trực quan, đẹp. Vẽ to quá mất thời gian, nhỏ quá khó
nhìn. Không cần cầu kì quá đối với với các kí hiệu. Trừ
đường tròn, tất cả phần còn lại của biểu đồ không được vẽ
bằng bút chì mà phải vẽ bẳng bút cùng màu với chữ viết.

- Phần nhận xét và giải thích bảng số liệu và biểu đồ nhiều
học sinh làm rất lộn xộn và không thể hiện được các ý cần
nhận xét, giải thích. Cần đọc kỹ câu hỏi để làm rõ đề yêu
cầu gì, mức độ ra sao. Không xác định rõ yêu cầu chính của
đề dễ bị lạc đề. Bảng số liệu thường có các tiêu chí hàng
dọc, hàng ngang, dựa vào đây đưa ra các ý cần nhận xét căn
bản. Bao quát toàn bộ số liệu, chú ý tới các giá trị lớn nhất,
nhỏ nhất, trung bình, những đột biến. Cần thiết thì chế
biến, xử lý số liệu. Có thể xắp xếp ghép nhóm lại số liệu
theo thời kì, độ lớn, vùng…Đưa ra các ý nhận xét theo
nguyên tắc từ khái quát đến cụ thể. Đưa ra bất cứ nhận xét
gì đều phải có số liệu dẫn chứng nhưng không lắt nhắt, chi
tiết quá sẽ làm cho ý nhận xét bị xé vụn. Phần giải thích
(nếu đề yêu cầu) lỗi nhiều nhất là nhận xét một đằng, giải
thích một nẻo. Chỉ cần giải thích những vấn đề đã nhận

xét.Tuỳ từng đề mà có thể nhận xét đến đâu giải thích đến
đấy hoặc nhận xét xong mới giải thích sau.

- Với các câu hỏi gắn với Atlat, đề thường ra là “ Dựa vào
Atlat Địalí Việt Nam và kiến thức đã học…”, làm bài học
sinh thường chỉ sử dụng một trong hai cơ sở trên là không
đủ, sẽ bị sót một số ý. Thiếu sót thứ hai là học sinh chỉ sử
dụng một trang Atlat. Kể cả câu hỏi đơn giản nhất cũng cần
thận trọng vì rất ít nội dung Địa lí chỉ nằm ở một trang.

Nếu làm theo những góp ý trên, tất nhiên cùng với cách ôn
tập có kế hoạch, thày tin là các em sẽ thành công.
Thầy Lê Huy Hiếu
(Giáo viên Địa lý Trường THPT chuyên ĐHSP Hà Nội)

Mai Thị Tâm


×