Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

GnRH AGONIST TRONG KÍCH THÍCH BUỒNG TRỨNG ppt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (157.05 KB, 6 trang )

GnRH AGONIST TRONG KÍCH
THÍCH BUỒNG TRỨNG


Giới thiệu
GnRH được chế tiết từ vùng dưới đồi, có cấu trúc là một chuỗi polypeptide gồm
10 amino acid. GnRH phóng thích thành xung với tốc độ 1 xung/70 phút và thời
gian bán hủy ngắn 2 – 8 phút, điều hòa sự chế tiết FSH và LH của tuyến yên.
GnRH agonist hay các đồng vận của GnRH được tạo ra nhằm tăng thời gian bán
hủy của thuốc. Các chất này được tổng hợp bằng cách thay đổi 1 hoặc 2 amino
acid ở vị trí thứ 6 va 10 của chuỗi polypeptide (Bảng 1). GnRH agonist có ái tính
mạnh hơn với các thụ thể của GnRH, thời gian bán hủy dài hơn khoảng 80 – 90
phút và hoạt tính mạnh hơn GnRH từ 50 đến 100 lần. GnRH agonist đã được áp
dụng rộng rãi ở hầu hết các trung tâm điều trị vô sinh khoảng 20 năm nay với mục
đích giảm sự xuất hiện đỉnh LH sớm, tạo sự phát triển đồng bộ của các nang noãn,
thu được số noãn nhiều hơn, từ đó làm tăng tỉ lệ có thai.
Cơ chế tác dụng của GnRH agonist
Ban đầu khi một lượng GnRH agonist vào cơ thể, nó làm gia tăng sự phóng thích
LH va FSH từ tuyến yên (flare up). Nếu sử dụng GnRH agonist liên tục sẽ dẫn tới
làm giảm và cuối cùng là không còn chế tiết FSH và LH từ tuyến yên do tuyến yên
trở nên trơ hóa với các kích thích của GnRH agonist. Hiện tượng này thường được
ghi nhận vào khoảng 14 ngày sau khi sử dụng GnRH agonist do sự mất đi của thụ
thể gắn kết của GnRH trên bề mặt tuyến yên (down regulation) và cuối cùng là
hiện tượng trơ hóa không gắn kết thụ thể với GnRH. Sự chế tiết LH và FSH của
tuyến yên không phải bị dừng hẳn mà vẫn còn ở mức độ cơ bản. Sự chế tiết này
chỉ dừng hẳn khi sử dụng GnRH agonist kéo dài. Sự chế tiết FSH và LH sẽ trở lại
như cũ sau khi ngưng GnRH agonist. Dựa trên cơ chế flare up và chủ yếu là down
regulation, GnRH agonist được sử dụng rộng rãi trong kích thích buồng trứng phối
hợp với gonadotrophins để ngăn chặn sự xuất hiện của đỉnh LH sớm.
Các đường sử dụng thuốc
GnRH agonist là những phân tử polypeptide nhỏ, do đó phải dùng ngoài đường


tiêu hóa, nếu dùng đường uống hay đặt hậu môn sẽ có tác dụng sinh học rất thấp.
Dạng xịt trong mũi rất hiệu quả nhưng do thuốc có hoạt tính sinh học thấp khoảng
4% và thời gian thải khá nhanh nên cần dùng nhiều lần trong ngày (từ 2 – 3 lần).
Dạng tiêm dưới da mỗi ngày cho nồng độ ổn định trong máu thấp và liên tục. Thời
gian dùng thuốc để đạt hiệu quả down regulation của 2 dạng trên khoảng từ 12 –
14 ngày. Một dạng GnRH agonist khác có tác dụng dài (dạng depot) chỉ tiêm 1
liều duy nhất và đạt hiệu quả down regulation 2 tuần sau. Dạng depot này ít được
sử dụng hơn 2 loại trên do tác dụng thuốc kéo dài đến 8 tuần sau khi tiêm có thể
làm giảm tỷ lệ làm tổ hoặc ảnh hưởng tới sự phát triển của phôi thai trong tuần lễ
đầu.
Các phác đồ kích thích buồng trứng có sử dụng GnRH agonist
Kết hợp GnRH agonist với gonadotrophins có thể theo các phác đồ cực ngắn,
ngắn và dài.
Phác đồ cực ngắn nhằm tận dụng hiệu quả flare up làm gia tăng sự sản xuất FSH
và LH nội sinh khi mới tiêm GnRH agonist vào cơ thể. Thường GnRH agonist sử
dụng từ ngày thứ 2 đến ngày 4 của chu kỳ kết hợp với gonadotrophins ngoại sinh.
Phác đồ này giúp tăng số lượng nang noãn phát triển đầu chu kỳ nhưng không ức
chế được sự xuất hiện LH nội sinh.
Phác đồ ngắn, GnRH agonist phối hợp với gonadotrophins được sử dụng từ đầu
chu kỳ đến ngày tiêm hCG sẽ tận dụng được tác dụng fare up nên thời gian cho
thuốc ít hơn, số thuốc sử dụng ít hơn nhưng vẫn không hoàn toàn tránh được tác
dụng không mong muốn của LH nội sinh gây ra trong quá trình phát triển nang
noãn và không năng ngừa được sự xuất hiện đỉnh LH sớm. Thường phác đồ này sẽ
có hiệu quả hơn ở những trường hợp phụ nữ lớn tuổi.
Phác đồ dài, gonadotrophins ngoại sinh chỉ được sử dụng sau khi hiệu quả down
regulation của GnRH agonist đã đạt được, khoảng 2 tuần sau khi tiêm GnRH
agonist. Ưu điểm của phác đồ dài làm cho sự phát triển của các nang noãn đồng bộ
hơn, giảm mức tối thiểu nồng độ LH nội sinh từ đó năng chặn sự sản xuất quá
nhiều androgen gây giảm chất lượng nang noãn, tránh sự xuất hiện đỉnh LH sớm
có thể gây hiện tượng hoàng thể hóa sớm và ngăn ngừa phóng noãn sớm.

Nghiên cứu meta analysis so sánh giữa 3 phác đồ cực ngắn, ngắn và dài cho trong
IVF cho thấy số lượng trứng thu được và tỷ lệ có thai cao nhất trong phác đồ dài
mặc dù lượng gonadotrophins sử dụng nhiều hơn. Một tác dụng không mong
muốn khác khi sử dụng GnRH agonist trong phác đồ dài là sự hình thành nang cơ
năng sau thời gian down regulation 2 tuần. Vài nghiên cứu cho thấy việc đáp ứng
với kích thích buồng trứng sẽ kém hơn và tỷ lệ có thai thấp hơn ở những chu kỳ có
nang cơ năng.
Bên cạnh các phác đồ GnRH agonist phối hợp với gonadotrophins, GnRH agonist
còn được sử dụng thay thế hCG kích thích LH nội sinh gây trưởng thành noãn và
phóng noãn ở những chu kỳ kích thích có nguy cơ quá kích buồng trứng cao. Đặc
biệt khi GnRH antagonist được đưa vào sử dụng trong các phác đồ kích thích
buồng trứng, việc tiêm 1 liều GnRH agonist thay thế hCG ở những chu kỳ kích
thích buồng trứng có nguy cơ quá kích buồng trứng cao, cho thấy tỷ lệ có thai
tương đương và giảm được quá kích buồng trứng cho bệnh nhân.
Kết luận
GnRH agonist được sử dụng trong kích thích buồng trứng nhằm phòng ngừa sự
xuất hiện đỉnh LH sớm và hạn chế các tác dụng không mong muốn của LH nội
sinh trong khi kích thích buồng trứng. Việc sử dụng GnRH agonist sẽ giúp kiểm
soát tốt hơn sự phát triển nang noãn của buồng trứng, từ đó có thể chương trình
hóa thời gian tiêm hCG tạo sự tiện lợi hơn trong điều trị. Ngoài ra, một lợi điểm
khác có thể có là việc thay thế hCG kích thích rụng trứng ở một số chu kỳ kích
thích có nguy cơ quá kích buồng trứng cao. Bên cạnh những lợi điểm trên, việc sử
dụng GnRH agonist cũng có những bất lợi như về chí phí điều trị do phải dùng
gonadotrophins nhiều hơn trong kích thích buồng trứng. Tuy nhiên, do hiệu quả
điều trị cao nên GnRH agonist vẫn được sử dụng rộng rãi trong kích thích buồng
trứng mà đặc biệt là kích thích trong thụ tinh trong ống nghiệm.
Tài liệu tham khảo
1. Fauser BC, de Jong D, Olivennes F , et al. Endocrine profiles after triggering of
final oocyte maturatrion with GnRH agonist after cotreatment with the GnRH
antagonist ganirelix during ovarian hyperstimulation for in vitro fertilization. J

Clin Endocriol Metab 2002: 8-709-15.
2. G. Griesinger, K. Diedrich, P. Devroey, and E.M. Kolibianakis. GnRH agonist
for triggering final oocyte maturation in the GnRH antagonist ovarian
hyperstimulation protocol: a systematic review and meta-analysis Hum. Reprod.
Update, March/April 2006; 12: 159 - 168.
3. Judid AF Huirn, The use of GnRHa. Textbook of Assisted Reproduction
Techniques. David K Gardner. Taylor & Francis, 599 -609.
4. R. M. J. Janssens, L. Brus, D. J. Cahill, J. A. F. Huirne, J. Schoemaker, and C.
B. Lambalk. Direct ovarian effects and safety aspects of GnRH agonists and
antagonists. Hum. Reprod. Update, Sep 2000; 6: 505 - 518.
5. Zeev Shoham, Drugs use for control ovarian stimulation. Textbook of Assisted
Reproduction Techniques. David K Gardner. Taylor & Francis. 2004, 519 – 541.

×