Lịch sử Đội TNTP Hồ Chí Minh
CHƯƠNG V
THIẾU NIÊN VIỆT NAM TRONG
HÀNH TRÌNH CÙNG DÂN TỘC THỰC
HIỆN ĐỔI MỚI ĐẤT NƯỚC (1986 -
2001)
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (từ ngày 15 đến ngày 18-12-1986) với tinh thần nhìn
thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật đã đề ra đường lối đổi mới đất nước tạo bước
ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã chỉ đạo những
nhiệm vụ trọng tâm công tác của Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi đó là:
- Từng bước đổi mới công tác tổ chức, cán bộ và công tác giáo dục chính trị tư tưởng để
tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ V.
- Đổi mới hoạt động của Đoàn trên các lĩnh vực đời sống, xã hội, quan tâm đến những lợi
ích chính đáng của tuổi trẻ.
Sự chỉ đạo đổi mới nội dung và phương pháp công tác của Đoàn đã tác động tích cực đến
công tác Đội và phong trào thiếu nhi cả nước. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V của
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (từ ngày 27 đến ngày 30 tháng 11 năm 1987) đánh giá cao
những thành tích của công tác Đội và phong trào thiếu nhi đã đạt được, đồng thời cũng
chỉ rõ những thiếu sót cần phải khắc phục.
Báo cáo tại Đại hội khẳng định tổ chức Đoàn các cấp đã có nhiều chủ trương bám sát
mục tiêu và nguyên lí giáo dục theo hướng đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của các em.
Việc ban hành và chỉ đạo thực hiện chương trình hoạt động ngoài giờ lên lớp, làm cho
hoạt động Đội đi dần vào nền nếp và ngày càng có chiều sâu. Nghị quyết 8 của Ban Chấp
hành Trung ương Đoàn (khóa IV) đã được triển khai, mở ra nhiều hình thức tập hợp thiếu
nhi trên địa bàn dân cư, xuất hiện nhiều mô hình tốt như các xã Thái Thịnh (Thái Bình),
Mỹ Thành (Nghệ An) Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ V đề ra chủ trương: "Toàn Đoàn
chăm lo xây dựng Đội và chăm sóc giáo dục thiếu niên, nhi đồng".
Cuộc "Hành quân theo bước chân những người anh hùng" do Đoàn phát động được các
tổ chức Đội ở cơ sở nhiệt liệt hưởng ứng. Đỉnh cao của cuộc hành quân là các cuộc gặp
gỡ "Cháu ngoan Bác Hồ, Chiến sĩ nhỏ Điện Biên" năm 1984; "Chiến sĩ nhỏ giải phóng
quân" năm 1985; Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ II năm 1986.
Các phong trào đã trở thành truyền thống như "Công tác Trần Quốc Toản, "Kế hoạch
nhỏ", "Tiến bước lên Đoàn" v. v ngày càng được phát triển. Thành phố Hồ Chí Minh,
Sông Bé có phong trào "Tìm địa chỉ đỏ" "Lớp học tình thương"; Hà Nội và Hải Phòng có
"Sưu tầm truyền thống cách mạng"; Đồng Tháp có "Theo dấu vết son" Hoạt động học
tập, hướng nghiệp và vui chơi phát triển thêm nhiều hình thức mới. Đội còn tổ chức
nhiều hoạt động xã hội như "Vì điểm tựa tiền tiêu", "Sao đỏ an ninh", "Câu lạc bộ phòng
cháy, chữa cháy trẻ"; "Chữ thập đỏ trẻ" v. v Hoạt động đoàn kết quốc tế được đẩy
mạnh. Nhân năm "Quốc tế hòa bình" phong trào "Triệu lá thư, triệu việc làm vì hòa bình"
từ Thủ đô lan nhanh ra nhiều tỉnh, thành phố. Báo Thiếu niên Tiền phong mở cuộc thi
tranh vẽ quốc tế "Để mãi mãi xanh" được đông đảo thiếu nhi trong nước và quốc tế
hưởng ứng, nay đã trở thành cuộc thi truyền thống hàng năm.
Ngoài việc biểu dương những chuyển biến đáng kể như đã nêu trên, báo cáo của Đại hội
còn chỉ rõ: Toàn Đoàn chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về công tác
thiếu nhi và vai trò, vị trí của tổ chức Đội. Nhiều cấp bộ Đoàn còn buông lỏng chỉ đạo,
nhiều chủ trương, nghị quyết về công tác thiếu nhi không được triển khai, có nơi còn
khoán trắng cho cán bộ phụ trách.
Với tinh thần xây dựng Đoàn bắt đầu từ xây dựng Đội để thực hiện chương trình: "Toàn
Đoàn chăm sóc giáo dục thiếu nhi, toàn Đoàn chăm lo xây dựng Đội" cần tăng cường xây
dựng và phát triển tổ chức Đội, mở rộng các hình thức hoạt động Đội trong nhà trường và
trên địa bàn dân cư được mở rộng để thu hút tất cả thiếu nhi đi học và không đi học vào
tổ chức Đội. Tiếp tục giáo dục theo 5 điều Bác Hồ dạy, hình thành trong thiếu nhi tính
tích cực chính trị, xã hội, tình yêu lao động, sáng tạo, nếp sống, đạo đức lành mạnh. Bồi
dưỡng và tạo mọi điều kiện để đội viên phát huy vai trò tự quản, xây dựng nhiều chi đội
mạnh, liên đội mạnh, Sao nhi đồng tự quản. Qua hoạt động Đội, thiếu niên nhi đồng phấn
đấu trở thành Cháu ngoan Bác Hồ, thành đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
Hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác Hồ kính yêu, Đội TNTP Hồ Chí Minh đã
phát động trong thiếu niên, nhi đồng cả nước phong trào "Nói lời hay, làm việc tốt, phấn
đấu trở thành cháu ngoan Bác Hồ".
Đại hội cũng đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể như tập trung phát triển các nhà thiếu nhi,
câu lạc bộ thiếu nhi, điểm vui chơi, hợp tác xã Măng non; các hình thức hoạt động văn
nghệ, thể thao, tham quan du lịch nhằm tập hợp đông đảo thiếu nhi hoạt động theo sở
thích.
Tập trung xây dựng Hội đồng Đội các cấp đủ sức tham mưu cho Đoàn và chỉ đạo công
tác thiếu nhi, phối hợp với các ngành, đặc biệt là giáo dục để nhanh chóng có quy hoạch
xây dựng, bồi dưỡng, đào tạo hệ thống cán bộ phụ trách Đội, từng bước hình thành đội
ngũ chuyên gia giỏi về công tác thiếu nhi.
Xây dựng trường Đội ở Trung ương, củng cố khoa thiếu nhi của Trường Đoàn các tỉnh,
thành phố. Khuyến khích các địa phương xây dựng Trường Đoàn, trường cán bộ Đội để
bồi dưỡng cán bộ ban chỉ huy, phụ trách chi đội, cộng tác viên cả trong và ngoài nhà
trường. Liên các lực lượng xã hội để bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Cũng ở thời điểm này, cùng với phong trào "Ngày lao động vì tương lai con em chúng ta"
do ủy ban thiếu niên, nhi đồng phát động, Đoàn đã tích cực thực hiện và đề xuất với
Đảng, chính quyền các cấp xây dựng cơ sở vật chất cho công tác giáo dục thiếu nhi.
Đồng thời tổ chức Đoàn kiến nghị với các lực lượng xã hội có sự phân công, phối hợp
trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục thiếu nhi để mỗi ngành, mỗi cấp có kế hoạch cụ
thể và tổ chức thực hiện một cách thiết thực và có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu ngày càng
cao của sự nghiệp giáo dục thiếu nhi với khẩu hiệu "Tất cả vì hạnh phúc con em chúng
ta".
Với quan điểm xây dựng Đoàn bắt đầu từ xây dựng Đội, Đại hội Đoàn lần thứ V một lần
nữa khẳng định Đội TNTP Hồ Chí Minh là "Tổ chức quần chúng cộng sản của thiếu nhi
Việt Nam" là "lực lượng dự bị của Đoàn". Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ V
cũng chỉ rõ cần "Tích cực mở rộng các hình thức hoạt động Đội ở nhà trường và ở địa
bàn dân cư, thu hút tất cả các em đi học và không đi học vào tổ chức Đội", với quan
điểm, nhận thức đó Đại hội khẳng định sự thống nhất Đội Nhi đồng Hồ Chí Minh với Đội
TNTP Hồ Chí Minh. Việc thống nhất này đã góp phần tăng cường vị trí, vai trò của Đội
TNTP Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới và xác định rõ nhi đồng là lực lượng dự bị của
Đội TNTP Hồ Chí Minh. Các em sinh hoạt theo các Sao nhi đồng, mỗi sao 5 đến 7 em,
phụ trách sao là các anh, chị đội viên TNTP; mục tiêu phấn đấu của nhi đồng là trở thành
đội viên Đội TNTP Hồ Chí Minh. Đại hội quyết định hoàn thiện Hội đồng Đội Trung
ương trên cơ sở Nghị quyết 46 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn khóa IV. Hội đồng Đội
được thành lập từ Trung ương đến cơ sở (gọi tắt là Hội đồng Đội). Hội đồng Đội vừa thay
mặt cho Đoàn, vừa đại diện cho Đội TNTP Hồ Chí Minh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo
các hoạt động của Đội và phong trào thiếu nhi ở trong nước cũng như trong quan hệ đối
ngoại. Sau Đại hội Đoàn toàn quốc, ngày 6 tháng 3 năm 1988 Ban Bí thư Trung ương
Đoàn đã quyết định thành lập Hội đồng Trung ương Đội TNTP Hồ Chí Minh khóa II (gọi
tắt là Hội đồng Đội Trung ương) gồm 21 đồng chí đại diện cho các Ban của Trung ương
Đoàn và lãnh đạo Bộ Giáo dục tham gia do anh Phùng Ngọc Hùng, Bí thư Trung ương
Đoàn làm Chủ tịch.
Ngày 23 tháng 9 năm 1988 Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đoàn khóa V đã họp và
kết luận về "Một số vấn đề tổ chức hoạt động của Đội TNTP Hồ Chí Minh". Nội dung
các kết luận của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn nêu rõ:
- Về công tác tổ chức của Đội phải chú trọng đến tính chất tự quản và dân chủ trong sinh
hoạt Đội.
- Tổ chức Đội TNTP Hồ Chí Minh trong nhà trường cho những em đi học và tổ chức Đội
ngoài nhà trường cho những em chưa có điều kiện đến trường. Tiến hành thí điểm tổ
chức Đội hỗn hợp trên địa bàn dân cư. Mục tiêu là những nơi nào có các em thì ở đó phải
có tổ chức Đội TNTP Hồ Chí Minh để thu hút, tập hợp các em vào hoạt động Đội, quy
định tính chất, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy cụ thể cho Hội đồng Đội ở
từng cấp. Hướng chung là: Hội đồng Đội vừa có tính chất đại diện của các em thiếu nhi là
bộ phận của Đoàn trực tiếp phụ trách Đội. Tuy nhiên tính đại diện ở mỗi cấp có khác
nhau.
Về nội dung và những biện pháp đối với công tác Đội:
+ Cần phát huy tối đa sự tự quản và tinh thần dân chủ trong tổ chức Đội. Giao cho Hội
đồng Đội Trung ương sớm soạn thảo ban hành và hướng dẫn thực hiện "Chương trình đội
viên", "Quy trình hoạt động của chi đội và liên đội". Khôi phục lại nội san "Người phụ
trách", phát triển các hình thức sinh hoạt nghiệp vụ phụ trách như "Câu lạc bộ phụ trách",
"Liên đội phụ trách".
+ Tăng cường trách nhiệm của các cấp bộ Đoàn đối với công tác Đội.
Rà soát, đánh giá tình hình tổ chức hoạt động của Hội đồng Đội từng cấp, có biện pháp
lãnh đạo để thực hiện theo quy chế Hội đồng Đội của Ban thường vụ Trung ương Đoàn.
Để động viên kịp thời cán bộ làm công tác phụ trách, Ban Thường vụ Trung ương Đoàn
quyết định ban hành danh hiệu và huy chương "Người phụ trách giỏi" để tặng cho các
cán bộ có thành tích xuất sắc trong công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng. Đây
là phần thưởng của Đoàn để đánh giá những cống hiến của lực lượng phụ trách Đội
TNTP Hồ Chí Minh.
Với sự chỉ đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn và Hội đồng Đội các cấp,
hoạt động làm kế hoạch nhỏ xây dựng khách sạn Khăn quàng đỏ được đội viên và thiếu
nhi cả nước hưởng ứng sôi nổi và sau một thời gian đã đóng góp được 183.844.676 đồng
gửi về tài khoản của Trung ương. Sau 6 năm vận động, triển khai phong trào và được sự
ủng hộ của các ngành, đoàn thể và các bậc cha mẹ, ngày 16-5-1987 khối nhà ở của khách
sạn được bàn giao và đưa vào sử dụng và một thời gian sau hai khối nhà kiến trúc phù
hợp với tuổi thơ, hội trường và khu vườn hoa được hoàn thành đã là nơi đón tiếp thiếu
nhi cả nước đến ở, sinh hoạt trong các kỳ đại hội cháu ngoan Bác Hồ hoặc về Hà Nội
viếng Bác, thăm Thủ đô đúng theo ý nguyện ban đầu của các em.
Qua phong trào "Kế hoạch nhỏ", ở các tỉnh Phú Khánh, Lâm Đồng, Tây Ninh, Tiền
Giang các em đã góp phần xây dựng công trình "Những chiếc xe khăn quàng đỏ" để
mua ô tô phục vụ hoạt động thiếu nhi tại địa phương mình. Phong trào của các em cũng
nhận được sự ủng hộ to lớn của các cơ quan, đoàn thể trong việc xây dựng khách sạn
Khăn quàng đỏ như sự ủng hộ kinh phí của Hội Liên hiệp phụ nữ, 200m3 gỗ quý của
Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân và thanh niên tỉnh Hà Tuyên. Các đơn vị Đội khảo sát đo đạc
Bộ tư lệnh Công binh giúp các em không lấy tiền công, Công ty kiến trúc đường sắt của
Bộ Giao thông Vận tải, Xí nghiệp xây dựng Ba Đình, Trung đoàn 29, Sư đoàn 319 quân
khu 3 vừa ủng hộ vật chất vừa tham gia xây dựng với tinh thần vì thiếu nhi và Đội Thiếu
niên Tiền phong Hồ Chí Minh.
Cũng vào thời điểm này, từ sáng kiến của các bạn thiếu nhi Thái Thịnh (Thái Thụy, Thái
Bình) thiếu nhi cả nước đã phát triển rộng khắp phong trào kế hoạch nhỏ với những cách
làm phù hợp với từng địa phương như tham gia lao động công ích cho xã hội để bảo vệ
mùa màng, các em đội viên ở các tỉnh Thái Bình, Hà Nam Ninh, Quảng Nam - Đà Nẵng,
Vĩnh Phú (cũ) đã tổ chức "Hội hoa đăng bắt bướm"; các em ở huyện Phước Long (Sông
Bé) tổ chức chăm sóc vườn cây cao su và đã dọn sạch được 7 ha vườn cây cao su cho
nông trường. Phong trào tổ chức tăng gia sản xuất và chăn nuôi ở chi đội, liên đội hay ở
HTX Măng non, liên đội trường PTCS Thắng Lợi (Bắc Thái), các em ở tỉnh Long An tổ
chức nuôi nấm mèo, nấm rơm. Các em ở Thuận Hải trồng cây, ươm cây con để bán. Các
em ở xã Mỹ Thành (Nghệ Tĩnh) trồng lúa, nuôi cá. Bên cạnh đó còn có những hình thức
khác như xây dựng phòng học, đóng bàn ghế hay tổ chức phong trào "Khéo tay hay làm".
ở Vũng Tàu, Côn Đảo làm được hơn 2.000 sản phẩm đồ chơi gửi cho các em mẫu giáo
nhà trẻ.
Phong trào thu nhặt phế liệu, phế phẩm, thu nhặt giấy vụn, mảnh chai, túi ni lông, hạt táo
được triển khai ở hầu khắp các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước thu hút đông đảo thiếu
nhi và các lực lượng xã hội tham gia, đặc biệt là ở địa bàn như Hà Nội, Hải Phòng, thành
phố Hồ Chí Minh, Thái Bình. Nhiều đơn vị đã sớm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch nhỏ, ở
các tỉnh Bắc Trung Bộ, thiếu nhi đã có phong trào mót thóc, dùng đất dẻo chấm lúa rơi
vãi với khẩu hiệu "Hạt lúa, hạt vàng". ở tỉnh Hậu Giang các em đã tổ chức những ngày
thu nhặt thóc rơi ở các nông trường như là những ngày hội với trống, cờ, khẩu hiệu để tạo
khí thế. Các em ở Vũng Tàu thu nhặt vỏ sò, bông sứ bán lấy tiền làm kế hoạch nhỏ. Các
em ở Đắc Lắc thu nhặt quả cà phê, các em ở Bắc Thái thu nhặt bông chín, hái nấm
hương, mộc nhĩ bán cho ngoại thương để xuất khẩu
Có thể thấy phong trào kế hoạch nhỏ đã làm phong phú thêm hoạt động Đội, tạo không
khí thi đua rất sôi nổi giữa các thành phố, giữa các chi đội, liên đội với nhau. Qua phong
trào đã có quỹ phục vụ cho hoạt động Đội, xây dựng được cơ sở vật chất ở các chi đội,
liên đội như mua trống, cờ, khăn quàng đỏ.
Thực hiện kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đoàn, nhiều tỉnh thành trong cả nước đã
chú trọng việc biểu dương, lựa chọn, khuyến khích đội ngũ cán bộ phụ trách. Gần 30
tỉnh, thành đã tổ chức các cuộc liên hoan, gặp mặt phụ trách giỏi, tiến tới liên hoan toàn
quốc từ ngày 12 đến ngày 16-11-1988. Đây là Hội nghị cán bộ phụ trách giỏi toàn quốc
đầu tiên, kể từ khi thống nhất Tổ quốc được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội và Bút Tháp
(huyện Thuận Thành - Bắc Ninh). Về dự cuộc liên hoan có 216 đại biểu phụ trách giỏi
toàn quốc trong đó có 187 phụ trách giỏi các tỉnh, thành và các đơn vị quân đội, công an;
29 cán bộ phụ trách ở Trung ương và các phụ trách cơ sở.
Cuộc liên hoan lần này khẳng định sự trưởng thành và cống hiến của lực lượng phụ trách
Đội và đã tuyên dương những anh chị phụ trách giỏi tiêu biểu của cả nước. Tại cuộc gặp
gỡ cho thấy phong trào thi đua phấn đấu trở thành "Tổng phụ trách giỏi, cán bộ phụ trách
giỏi" gắn với danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp đã trở thành nền nếp, thường xuyên
hàng năm. Nhiều đề tài, sáng kiến của các anh chị phụ trách được khẳng định có giá trị lí
luận và thực tiễn nhất là ở các tỉnh như Sông Bé, Bắc Thái, Hà Nội, Hải Phòng, thành
phố Hồ Chí Minh
Trưởng thành và có nhiều cống hiến quý báu cho công tác phụ trách Đội và phong trào
nhiều năm, trong đội ngũ cán bộ phụ trách đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu mà
điển hình là người giáo viên Tổng phụ trách giỏi Nguyễn Đức Thìn (Tam Sơn - Tiên Sơn
- Bắc Ninh) được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân vì
tấm lòng cao cả hết mực thương yêu, chăm sóc đàn em, có nhiều sáng kiến và cách làm
có hiệu quả trong công tác phụ trách Đội. Đội ngũ lãnh đạo, cán bộ Hội đồng Đội các cấp
và lớp lớp cán bộ Tổng phụ trách tuy gặp nhiều khó khăn về thời gian, về cuộc sống kinh
tế gia đình, về nghiệp vụ nhưng bằng tâm huyết, bằng ý thức trách nhiệm của người thầy,
người anh, người chị phụ trách, và bằng cả vốn nghề nghiệp đã được tích lũy với nhiều
sáng tạo đóng góp tích cực trong công tác phụ trách. Chị Nguyễn Thị Dũ, Tổng phụ trách
trường PTCS Tân Hiệp A, huyện Châu Thành (Tiền Giang) suốt 13 năm liền kiên trì xây
dựng phong trào chi đội mạnh có kết quả, có sáng kiến duy trì được giờ sinh hoạt đội
thành nền nếp. Từ phong trào, chị Dũ trở thành Tổng phụ trách giỏi, chiến sĩ thi đua liên
tục của ngành giáo dục. Chị Trần Thị Châu, Tổng phụ trách trường PTCS Việt Thanh,
Trấn Yên, Yên Bái tuy gia đình gặp rất nhiều khó khăn nhưng kiên trì làm công tác phụ
trách 17 năm liền và hàng vạn anh, chị phụ trách Đội khác đang ngày đêm tìm mọi cách
làm tốt nhất để xây dựng tổ chức Đội TNTP Hồ Chí Minh ngày càng vững mạnh, thúc
đẩy phong trào, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu nhi ngày càng có hiệu quả thiết thực.
Chị Nguyễn Thị Len, Tổng phụ trách trường PTCS An Tiến, Kiến An, Hải Phòng nhiều
năm liền kiên trì xây dựng và tổ chức Sao nhi đồng đi vào hoạt động có nội dung, có nền
nếp. Không những làm tốt công tác phụ trách trong trường, nhiều anh, chị Tổng phụ trách
đã cố gắng đi vào địa bàn dân cư để đưa hoạt động của các em đi học gắn với thực tiễn,
đáp ứng sở thích, nguyện vọng của các em và hàng nghìn anh chị phụ trách đã có nhiều
sáng tạo trong công tác tổ chức hướng dẫn cho các em hoạt động thiết thực, bổ ích trong
các HTX Măng non, các Đội Tuyên truyền Măng non phục vụ kịp thời cho yêu cầu giáo
dục và gắn với yêu cầu tuyên truyền cổ động của Đảng và Nhà nước ở các vùng cao biên
giới
Cũng ở thời điểm này, trên địa bàn dân cư, một "trận địa" đa dạng có nhiều khó khăn
phức tạp, nhiều cán bộ phụ trách đã dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng, đấu tranh với bản thân,
với môi trường công tác để làm tốt công tác phụ trách và đã có nhiều thành công như chị
Nguyễn Thị Ngọc ánh, cán bộ Hội đồng Đội huyện Xuyên Mộc, tỉnh Đồng Nai tình
nguyện đi vùng kinh tế mới của huyện chỉ đạo cơ sở liên tục gần 6 năm, đã thành công
trong việc mở lớp bồi dưỡng BCH Đội với 8 lớp cho 405 em. Anh Lê Văn Chước là
thương binh dũng cảm trong chiến đấu, trở về lao động công tác ở địa phương đã trở
thành anh phụ trách năng động, kiên trì suốt 13 năm gắn bó với tổ chức Đội và các em ở
xã Đông Thành, Đông Sơn, Thanh Hóa.
Trong lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy, bồi dưỡng, đào tạo và hướng dẫn nghiệp vụ, đội
ngũ cán bộ phụ trách của 80 cung, nhà thiếu nhi, khoa thiếu nhi các trường Đoàn, 2
trường Đội của Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các trường sư phạm đã đóng góp nhiều
kinh nghiệm có giá trị cả về thực tiễn chỉ đạo phong trào và nghiên cứu lí luận về công
tác phụ trách. Nhiều giáo viên khoa công tác thiếu nhi trường Đoàn Trung ương, trường
Đội Lê Duẩn Hà Nội, trường Đội thành phố Hồ Chí Minh có nhiều sáng kiến, nhiều công
trình có giá trị trong việc gắn bó giảng dạy với việc hướng dẫn hoạt động thực tiễn. Tiêu
biểu là cuốn sách "Lao động của người phụ trách" của Hồng Trực thành phố Hồ Chí
Minh đã được xuất bản; Nguyễn Văn Minh (Nghệ An) có hàng chục năm tuổi nghề vẫn
luôn luôn say sưa gắn bó với công việc hướng dẫn đào tạo các em cho đến khi nghỉ hưu.
Nhiều anh chị đã dành trọn cả cuộc đời mình cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc,
giáo dục thiếu nhi và xây dựng tổ chức Đội vững mạnh, có thể nói mỗi anh chị là một
tấm gương tiêu biểu cho các em noi theo.
Sự hy sinh, đóng góp của đội ngũ cán bộ phụ trách trong quá trình phấn đấu vượt qua
những cam go, thử thách mới đã và đang đặt ra qua những lời căn dặn ân cần của Tổng
Bí thư Nguyễn Văn Linh: "Không ai có khả năng làm tốt nhiệm vụ phụ trách thiếu niên
nhi đồng bằng Đoàn thanh niên. Tôi mong Đoàn cần có kế hoạch thường xuyên chăm lo
xây dựng đội ngũ phụ trách Đội giàu tình thương và tinh thần trách nhiệm, có kiến thức
và phương pháp vận động, tổ chức và giáo dục các em, làm gương tốt cho các em noi
theo.
Hơn bao giờ hết, lúc này trong công tác thiếu nhi, người phụ trách phải thật sự tôn trọng
sự tự quản của Đội, phát huy tinh thần dân chủ của các em trong tổ chức Đội, trong từng
hoạt động của Đội.
Đối tượng mà các đồng chí phụ trách là trẻ em, cho nên công việc của các đồng chí có
không ít khó khăn, phức tạp. Không phải bất cứ ai cũng làm được tốt công tác phụ trách
thiếu nhi, vì ngoài sự tận tụy và các phẩm chất tốt đẹp, còn đòi hỏi những yêu cầu khác.
Đó là lòng nhiệt tình yêu trẻ, là nghệ thuật giao tiếp và làm việc với trẻ em. Các đồng chí
luôn ghi nhớ và thực hiện lời dạy của Bác Hồ: "Làm sao cho các cháu khi chơi là được
học, mà trong khi học vui vẻ như được chơi". Có làm được như vậy thì Đoàn và Đội mới
có thể thu hút mạnh mẽ các em tham gia các hoạt động tập thể của mình".
Để ghi nhận thành tích của lực lượng phụ trách Đội, nhiều ngành, nhiều cấp như Tổng
Công đoàn Việt Nam đã tặng Bằng lao động sáng tạo cho các anh chị phụ trách có quá
trình hoạt động và nghiên cứu sáng tạo, Trung ương Hội phụ nữ cũng tặng Bằng khen và
phần thưởng cho các phụ trách Đội là nữ, Bộ Giáo dục đã tặng Bằng khen và phần
thưởng cho các giáo viên Tổng phụ trách giỏi các địa phương.
Công tác Đội và phong trào thiếu nhi tiếp tục được nâng cao và phát triển đạt những
thành tựu mới. Cuộc vận động "Hành quân theo chân Bác", hướng tới kỷ niệm 100 năm
ngày sinh của Bác Hồ kính yêu đã tạo cho đội viên, thiếu nhi cả nước có nhiều sáng kiến
trong phong trào thi đua "Nói lời hay, làm việc tốt phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi,
đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ". Và để rồi từ ngày 30-6 đến 4-7-1990, Đại hội Cháu
ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ III đã được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh
của Người. Đại hội khai mạc tại Hội trường lớn của Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh. 189 đại
biểu cháu ngoan Bác Hồ của 43 tỉnh thành và đại biểu cháu ngoan Bác Hồ thuộc đoàn
Quân đội, Đường sắt trong đó có 62 nam và 127 nữ; 45 anh chị phụ trách giỏi tiêu biểu
của các tỉnh thành và các đơn vị trực thuộc đại diện cho hàng vạn anh chị phụ trách cả
nước đã về dự cùng với các cháu ngoan Bác Hồ; các đoàn đại biểu của Đội TNTP Lênin -
Liên Xô; Đội thiếu niên Lào, Campuchia đến Việt Nam và tham gia các hoạt động của
Đại hội.
Trong phấn đấu thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy để trở thành những cháu ngoan Bác Hồ đã
xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong học tập, giúp nhau vượt khó để đến trường
học giỏi. Đó là những tấm gương cháu ngoan Bác Hồ làm tốt công tác Trần Quốc Toản
để tạo nên 1,9 triệu ngày công giúp gia đình thương binh, liệt sĩ, neo đơn và hơn 700.000
công tu sửa làm đẹp nghĩa trang liệt sĩ ở khắp các địa phương. Hàng trăm tấm gương
dũng cảm cứu bạn và tham gia bắt kẻ gian bảo vệ xóm làng. Các đại biểu vui mừng báo
cáo với các cô, bác lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bậc cha mẹ của mình về Đội TNTP Hồ
Chí Minh, tổ chức của thiếu nhi Việt Nam. Các hoạt động của Đội đã hấp dẫn cuốn hút
thiếu nhi cả nước. Đội đã thu hút 6 triệu đội viên và 4 triệu nhi đồng vào sinh hoạt ở hàng
nghìn Sao nhi đồng.
Thay mặt Đảng, Nhà nước, bác Võ Chí Công, ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng
Nhà nước tuyên dương thành tích của Đội TNTP Hồ Chí Minh và cháu ngoan Bác Hồ cả
nước:
"Các cháu hãy tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả của phong trào thi đua "Nói lời hay,
làm việc tốt", "Phấn đấu trở thành cháu ngoan Bác Hồ", để tới Đại hội Cháu ngoan Bác
Hồ toàn quốc lần thứ tư, chúng ta đều phấn khởi tự hào báo công trước Bác Hồ kính yêu
là tất cả các cháu thiếu niên, nhi đồng Việt Nam đều có cử chỉ đẹp, lời nói hay, việc làm
tốt, mãi mãi xứng đáng với muôn vàn tình thương yêu của Bác Hồ, mãi mãi xứng đáng là
"Cháu ngoan Bác Hồ".
Sau buổi khai mạc trọng thể, Đại hội đã vào Lăng viếng Bác Hồ kính yêu và tổ chức các
hoạt động ở Hà Nội, các đại biểu cháu ngoan Bác Hồ đã lên tàu hành quân vào Nghệ An
quê Bác kính yêu với nhiều hoạt động bổ ích để rồi cùng thiếu nhi cả nước tập trung thực
hiện tốt phong trào thi đua với những nội dung:
+ Đẩy mạnh phong trào thi đua "Nói lời hay, làm việc tốt, phấn đấu trở thành cháu ngoan
Bác Hồ" cả ở trong trường học, trên địa bàn dân cư và trong từng gia đình.
+ Tổ chức và tham gia tích cực các hoạt động xã hội như: Cuộc vận động xóa mù chữ,
vận động các bạn bỏ học đến trường và vào học các lớp học tình thương, giúp các bạn
gặp khó khăn về kinh tế, bệnh tật, sức khỏe, tích cực tham gia các phong trào Trần Quốc
Toản, Chữ thập đỏ, bảo vệ giữ gìn trật tự an toàn xã hội, nếp sống văn minh lành mạnh,
vận động các bạn không hút thuốc, không xem sách, phim ảnh, nghe băng nhạc có nội
dung xấu.
+ Mỗi tháng chọn một ngày thiếu nhi làm chủ, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tổ
chức vui chơi giải trí lành mạnh tại các nhà thiếu nhi, các tụ điểm trên địa bàn dân cư,
tham gia Hội khỏe Phù Đổng, tiếng hát Hoa phượng đỏ, các cuộc thi viết vẽ, thi văn
nghệ, thi tuổi thơ sáng tạo nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Đoàn và 50 năm thành lập Đội
Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, xây dựng các "Công trình Măng non", xây dựng
Đội vững mạnh giới thiệu các đội viên lớn lên Đoàn góp phần tích cực xây dựng tổ chức
Đoàn ngày càng vững mạnh.
Sau Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ III, thực hiện lời hứa của mình, đội
viên thiếu niên cả nước đã tích cực thi đua "Nói lời hay, làm việc tốt, phấn đấu trở thành
Cháu ngoan Bác Hồ".
Các hoạt động của Nhà thiếu nhi càng ngày càng phát triển đã góp phần tích cực vào các
phong trào của Đội để trở thành Trung tâm Giáo dục hoạt động của Đoàn TNCS Hồ Chí
Minh với sự phát triển từ 86 đơn vị đã tăng lên 167 Cung thiếu nhi ở các tỉnh và các quận
huyện cùng các điểm vui chơi ở xã, phường vào năm 1991. Để tạo thời cơ cho hệ thống
Nhà thiếu nhi càng ngày càng phát triển và trở thành ngôi nhà chung của tuổi thơ, hè năm
1991, Hội đồng Đội Trung ương phối hợp với Bộ Văn hóa và Thông tin tổ chức Liên
hoan các Nhà thiếu nhi toàn quốc lần thứ nhất tại Thủ đô Hà Nội. Liên hoan diễn ra từ
ngày 5 đến 10-8-1991 có 28 đơn vị Cung, Nhà thiếu nhi và hơn 308 diễn viên nhỏ tuổi và
181 các anh chị phụ trách, giáo viên đạo diễn tham dự.
Buổi lễ tổng kết trao giải của cuộc liên hoan các Nhà thiếu nhi đã được Trung ương
Đoàn, Bộ Văn hóa Thông tin - thể thao và du lịch tặng Bằng khen, các loại huy chương
vàng, bạc và nhiều phần thưởng khác.
Trong các cuộc thi đơn ca, vẽ, kể chuyện có 30 diễn viên, họa sĩ nhỏ tuổi đã được tặng
huy chương vàng, bạc và các giải thưởng của Ban Tổ chức.
Liên hoan Nhà thiếu nhi toàn quốc lần thứ nhất là ngày hội của thiếu nhi cả nước, qua đó
khẳng định các tài năng trẻ của đất nước. Nhà thiếu nhi trở thành ngôi nhà của tuổi thơ,
chiếc nôi ươm mầm, những nghệ sĩ, vận động viên, các nhà khoa học, nhà thơ, văn,
những nhân tài của Tổ quốc sau này. Sau cuộc liên hoan, vị trí xã hội của các Nhà thiếu
nhi được khẳng định rõ thông qua ba chức năng cơ bản là trung tâm hoạt động của thiếu
nhi từng địa phương, là trung tâm phương pháp công tác Đội và phong trào thiếu nhi và
là sự phát hiện góp phần bồi dưỡng các năng khiếu thiếu nhi về các bộ môn nghệ thuật,
thể dục thể thao, ngoại ngữ và các hoạt động xã hội khác. Với những kết quả đó, hệ thống
Nhà thiếu nhi đã được các bộ ngành càng ngày càng quan tâm hỗ trợ các điều kiện để
hoạt động, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa và Thông tin.
Cũng bắt đầu từ đây, các Nhà thiếu nhi được Bộ văn hóa và Thông tin tài trợ, sau đó Bộ
Kế hoạch và Đầu tư trình Nhà nước đầu tư thiết bị vật chất theo dự án hàng năm.
Tháng 8 năm 1991, Quốc hội khóa VII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam họp kỳ
thứ 9 đã xem xét thông qua Luật bảo vệ, chăm sóc và và giáo dục trẻ em. Nhà nước ta đã
ký và phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em. Đây là Công ước được
Liên hiệp quốc thông qua ngày 20-11-1989 và trở thành luật quốc tế từ ngày 2-9-1990.
Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới và nước đầu tiên ở châu á tham gia ký Công ước
quốc tế. Ngày 16-8-1991, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam đã ký lệnh Công bố Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em. Đây là cơ sở rất quan
trọng nhằm thúc đẩy sự nghiệp chăm sóc, giáo dục trẻ em; tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ
em phát triển và trưởng thành. Luật đã quy định rõ các quyền và bổn phận cơ bản của trẻ
em, đồng thời quy định rất rõ về trách nhiệm của Nhà nước, của các ngành đoàn thể, của
cha mẹ, mọi công dân Việt Nam. Bộ luật cũng quy định nhiều nội dung liên quan đến
công tác Đội và phong trào thiếu nhi, tại khoản 2 điều 18: "Cô nuôi dạy trẻ, giáo viên,
tổng phụ trách Đội phải được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, phải có sức
khỏe, có phẩm chất, đạo đức tốt, yêu nghề, yêu trẻ, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ" và
khoản 3 điều 21 quy định: "Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, ngoài trách nhiệm quy định như
khoản 1, Điều này, có nhiệm vụ phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, tổ
chức, hướng dẫn hoạt động của thiếu nhi".
Sau khi Nhà nước ta ký Công ước về quyền trẻ em, theo đề nghị của Trung ương Đoàn
TNCS Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước ta đã quyết định đổi tên ủy ban thiếu niên nhi đồng
Việt Nam thành ủy ban Bảo vệ, chăm sóc trẻ em Việt Nam trực thuộc Chính phủ vào
tháng 11 năm 1991 do Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh làm Chủ tịch.
Để góp phần thực hiện tốt Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, giúp đỡ các em
không có đủ điều kiện đến trường, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn. Tại Hội nghị
toàn quốc công tác Đội và phong trào thiếu nhi gồm Chủ tịch Hội đồng Đội và Giám đốc
Nhà thiếu nhi các tỉnh, thành họp tại thành phố Đà Nẵng vào tháng 4-1992, Hội đồng Đội
Trung ương cùng các tỉnh thành thống nhất phát động phong trào mới của Đội mang tên
"Thiếu nhi nghèo vượt khó".
Cuộc "Gặp mặt thiếu nhi nghèo vượt khó" được tổ chức vào ngày 27-6 đến 1-7-1992 với
những tấm gương sáng vượt khó tiêu biểu. Cuộc gặp mặt được tổ chức như một diễn đàn
của tuổi thơ đầy tình cảm giữa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành, các
lực lượng xã hội và các bậc cha mẹ. Em Lê Hồng Sơn ở Phú Gia (Hương Sơn, Hà Tĩnh)
bị dị tật cả hai tay co rút, hai chân teo, biến dạng nhưng lại học giỏi viết chữ đẹp, làm giỏi
nghề mộc cùng nhiều em khác đã nói lên ước mở trở thành người công dân có ích cho
xã hội trong tương lai gây nên sự xúc động sâu sắc
Từ cuộc gặp mặt này Hội đồng Đội Trung ương đã có sáng kiến xây dựng quỹ "Thiếu nhi
nghèo vượt khó" thu hút sự quan tâm ủng hộ của các cấp các ngành để hàng năm tặng
cho hàng trăm thiếu nhi có thành tích vượt khó trong học tập, phấn đấu rèn luyện trong
cuộc sống hàng ngày. Có thể nói cuộc Gặp mặt thiếu nhi nghèo vượt khó là sáng kiến của
Đội TNTP Hồ Chí Minh đã tác động đến các phong trào quần chúng khác và là việc làm
thiết thực phù hợp chủ trương của Đảng và Nhà nước ta sau đó nhiều phong trào "Nghèo
vượt khó" của sinh viên, nông dân được phát động trên phạm vi cả nước.
Sau cuộc "Gặp mặt thiếu nhi nghèo vượt khó" toàn quốc, các hoạt động của Đội và phong
trào thiếu nhi càng ngày càng phát triển. Các liên đội trong cả nước thi đua lập thành tích
chào mừng Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VI.
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VI (tháng 10 - 1992) đã tập trung đánh giá tình hình công
tác Đội và phong trào thiếu nhi, đồng thời nêu rõ những chủ trương chủ yếu của giai đoạn
1992 - 1997. Sau Đại hội, Ban Thường vụ Trung ương Đoàn đã thành lập Hội đồng Đội
khóa III gồm 21 ủy viên. Chị Phạm Phương Thảo, Bí thư Trung ương Đoàn được cử giữ
chức Chủ tịch Hội đồng Đội khóa III, và sau đó tháng 10 - 1994 anh Hoàng Bình Quân,
ủy viên Thường vụ Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng
Đội Trung ương được bầu làm Bí thư Trung ương và được cử giữ chức Chủ tịch Hội
đồng Đội khóa III thay chị Phạm Phương Thảo.
Thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về công tác miền núi, các
hoạt động giúp thiếu nhi miền núi của Đội đã tạo điều kiện cho các cơ sở Đội và hoạt
động của thiếu nhi dân tộc ngày một tiến bộ. Nhiều tổ chức cơ sở Đội và nhiều gương đội
viên xuất sắc của các dân tộc đã xuất hiện với các phong trào khắc phục khó khăn để học
giỏi, dũng cảm bảo vệ buôn làng, cùng với những tài năng trẻ về văn hóa, nghệ thuật, thể
dục thể thao góp phần vào sự phát triển chung của tuổi thơ đất nước. Để kịp thời biểu
dương những thành tích xuất sắc đó, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương đã tổ
chức cuộc họp mặt thiếu nhi các dân tộc toàn quốc tại Hà Nội và Hải Phòng từ ngày 2 - 7
đến 6-7-1993 với 225 đại biểu và anh chị phụ trách thiếu nhi cả nước về dự trong đó có
168 đại biểu thiếu nhi (101 nữ, 67 nam) của 41 dân tộc đại diện cho 54 dân tộc trong cả
nước và 56 anh chị phụ trách (23 nữ, 33 nam) của 53 tỉnh, thành và đoàn Quân đội, Bộ
Nội vụ, Hàng không Việt Nam, Đường sắt. Thể theo nguyên vọng của thiếu nhi các dân
tộc trong cả nước, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã đồng ý cho phép các đại biểu thiếu nhi
làm lễ hội báo công tại sân đá hoa cương ở Phủ Chủ tịch - nơi Bác Hồ trước đây thường
đón các cháu thiếu nhi vào gặp. Trong lễ hội báo công này, đúng vào dịp kỳ họp của
Quốc hội khóa IX các đại biểu thiếu nhi dân tộc đã được đón bác Lê Đức Anh, ủy viên
Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, bác Nông Đức Mạnh, ủy viên
Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước cộng hoà XHCN Việt Nam cùng các đồng chí lãnh
đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành, đoàn thể tới dự. Đặc biệt trong lễ hội khai mạc, đại
biểu thiếu nhi các dân tộc được đón các cô, bác trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của các
tỉnh trong cả nước tới dự và gặp gỡ các cháu.
Báo cáo được trình bày tại cuộc liên hoan đã khẳng định: "Cuộc họp mặt lần này là một
cuộc biểu dương lực lượng của tuổi thơ các dân tộc đang phát triển trên Tổ quốc Việt
Nam yêu quý".
Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh rất tự hào về các bạn đại biểu có mặt ở cuộc
gặp mặt này. Vì mỗi bạn là một gương sáng, mỗi bạn là một bông hoa đẹp góp vào trang
sử vàng của Đội.
Sau khi nghe các cháu báo công những thành tích của thiếu nhi các dân tộc trong cả nước
và phần trình diễn nghệ thuật của thiếu nhi trường múa Việt Nam thể hiện các phong trào
của Đội và các vũ điệu dân gian cùng với dàn cồng chiêng của tỉnh Hòa Bình, bác Lê
Đức Anh đã phát biểu khen ngợi các cháu và đánh những hồi trống thúc giục thiếu nhi
các dân tộc trong cả nước tiếp bước những người anh hùng để phấn đấu rèn luyện trở
thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ.
Bác Chủ tịch nước đã phát biểu:
"Đảng, Nhà nước, Quốc hội và các bậc cha mẹ rất vui mừng biết rằng thiếu nhi các dân
tộc cả nước ta đã đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau khắc phục nhiều khó khăn để
học tập, rèn luyện và công tác Đội tốt. Nhiều tập thể Đội và đội viên ở các vùng núi cao,
hải đảo đã góp phần cùng cha mẹ xây dựng bản làng có cuộc sống đẹp hơn. Nhiều
gương sáng của thiếu nhi các dân tộc đã được thiếu nhi cả nước học tập, đã làm đẹp thêm
trang sử của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh mà Kim Đồng, Vừ A Dính, Kơpa
Kơlơng và nhiều anh hùng thiếu nhi năm xưa đã viết nên.
Bác mong thiếu nhi các dân tộc trong cả nước hãy phát huy truyền thống đoàn kết của
cha ông, giúp đỡ lẫn nhau để cháu nào cũng được học tập, vui chơi sinh hoạt Đội; để
cháu nào cũng "nói lời hay, làm việc tốt", giúp đỡ cha mẹ, trở thành con ngoan, trò giỏi,
đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ".
Sau các ngày hoat động ở Hà Nội, đại biểu thiếu nhi các dân tộc đã tới thành phố cảng
Hải Phòng, bãi biển Đồ Sơn tham quan và tổ chức các hoạt động. Các đại biểu đã được
lãnh đạo Thành ủy, ủy ban nhân dân, các bạn thiếu nhi Hải Phòng và Bộ Tư lệnh Hải
quân đón tiếp nồng nhiệt. Đồng thời Bộ Tư lệnh Hải quân còn tổ chức cho tham quan các
chiến hạm và gặp gỡ các chiến sĩ hải quân đang ngày đêm gìn giữ biển Đông và những
hải đảo yêu quý của Tổ quốc. Sau lễ bế mạc, đại biểu các tỉnh phía Nam và Sơn La, Lai
Châu đã được Tổng cục Hàng không Việt Nam tặng vé máy bay để trở về địa phương.
Cuộc gặp mặt đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng các em.
Bước vào năm học 1993 - 1994, sau thời gian nghiên cứu tiếp thu nội dung chương trình
rèn luyện đội viên do Hội đồng Đội Trung ương khóa I ban hành năm 1993, Hội đồng
Đội Trung ương khóa III đã bổ sung và ban hành chương trình rèn luyện đội viên theo 4
lứa tuổi:
- Chương trình dự bị đội viên cho các em nhi đồng từ 6 đến 8 tuổi.
- Chương trình Măng non dành cho các em đội viên từ 9 đến 11 tuổi.
- Chương trình Sẵn sàng dành cho các em đội viên từ 11 đến 13 tuổi.
- Chương trình Trưởng thành dành cho các em đội viên từ 13 đến 15 tuổi.
Sau một năm thực hiện, Hội đồng Đội Trung ương
ban hành tiếp 13 chuyên hiệu để tạo điều kiện cho đội viên học tập, phấn đấu và rèn
luyện thực hiện tốt chương trình rèn luyện đội viên theo lứa tuổi của mình. Đó là các loại
chuyên hiệu:
1. Nhà sử học nhỏ tuổi
2. Nhà sinh học nhỏ tuổi
3. Thầy thuốc nhỏ tuổi
4. Nghi thức đội viên
5. An toàn giao thông
6. Kỹ năng trại.
7. Thông tin liên lạc
8. Nghệ sĩ nhỏ
9. Chăm học
10. Khéo tay hay làm
11. Vận động viên nhỏ tuổi
12. Hữu nghị quốc tế.
13. Bảo vệ an toàn đường sắt.
Chương trình rèn luyện đội viên được Hội đồng Đội Trung ương ban hành là những nội
dung giáo dục cơ bản để đội viên phát huy tính tự giác, chủ động phấn đấu rèn luyện góp
phần nâng cao chất lượng học tập, phẩm chất đạo đức để trở thành con ngoan, trò giỏi,
đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ đồng thời xây dựng Đội vững mạnh. Sau khi Hội đồng
Đội Trung ương ban hành, các tỉnh, thành đã vận dụng sáng tạo tổ chức các nội dung hoạt
động, nhiều hình thức sinh hoạt bổ ích, đáp ứng nhu cầu của đội viên, thiếu niên nhi đồng
đồng thời góp phần để hoạt động Đội trở nên đa dạng và sinh động hơn.
Năm 1994, kết thúc "Cuộc hành quân theo bước chân những người anh hùng", đặc biệt là
hướng về ngày kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, đồng thời để đánh giá
những kết quả thi đua của đội viên thiếu niên, nhi đồng cả nước, Hội đồng Đội Trung
ương đã tổ chức "Liên hoan chiến sĩ nhỏ Điện Biên Phủ toàn quốc lần thứ II" từ ngày 28-
6 đến 7-7-1994 tại Điện Biên Phủ - Hà Nội - Quảng Ninh. 185 chiến sĩ nhỏ Điện Biên
xuất sắc gồm 125 nữ, 60 nam và 50 anh chị phụ trách Đội giỏi của cả nước về dự.
Trước lễ báo công, ngành hàng không Việt Nam đã dành một chuyên cơ đưa đoàn đại
biểu "chiến sĩ nhỏ Điện Biên" xuất sắc do anh Hoàng Bình Quân, Bí thư Trung ương
Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương dẫn đầu lên thăm Chỉ huy sở chiến dịch - nơi
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Tham mưu chiến dịch chỉ huy các cuộc tấn công
của quân đội nhân dân Việt Nam đánh vào các cứ điểm của quân đội Pháp ở Điện Biên
Phủ. Các đại biểu đã dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ ở nghĩa trang Điện
Biên. Tổ chức Lễ lấy đất từ Điện Biên lịch sử để đưa về bảo tàng.
Tối ngày 3-7-1996 tại Trung tâm thể thao Quân đội, bên Tháp Cột Cờ, Hà Nội, lễ mừng
công đã được long trọng khai mạc. Các đại biểu được đón bác Đỗ Mười, Tổng Bí thư
Ban Chấp hành Trung ương Đảng, bác Nông Đức Mạnh, ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch
Quốc hội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Tổng chỉ huy chiến dịch lịch sử Điện Biên
Phủ và các cô, bác lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành, đoàn thể đến dự. Sau hoạt
cảnh sử thi về Điện Biên và các phong trào của Đội, các chiến sĩ nhỏ Điện Biên đã được
nghe lời khen ngợi, căn dặn của bác Tổng Bí thư đối với đội viên, thiếu niên nhi đồng cả
nước:
Phong trào thi đua "Chúng em về với Điện Biên" do Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí
Minh phát động đã tạo những hoạt động sôi nổi, có ý nghĩa giáo dục lớn về truyền thống
cách mạng, về "Anh bộ đội Cụ Hồ". Các cháu đã làm vui lòng các bậc cha mẹ, thầy cô
giáo trong học tập, rèn luyện và lao động. Các cháu đã làm nên những chiến thắng của
mình. Đó là hàng vạn "Sao chiến công" trong học tập, hàng triệu ngày công giúp gia đình
thương binh liệt sĩ, quyên góp hàng trăm triệu đồng để giúp các bạn nghèo, các bạn ở
vùng khó khăn đến trường Các cháu đã thực hiện được lời dạy của Bác Hồ căn dặn năm
xưa:
"Tuổi nhỏ làm việc nhỏ
Tùy theo sức của mình"
Bước vào năm học 1994 - 1995, năm học có nhiều ngày lễ trọng đại kỷ niệm 50 năm
thành lập nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 65 năm thành lập Đảng Cộng sản
Việt Nam, 105 năm ngày sinh của Bác Hồ kính yêu, 20 năm chiến dịch Hồ Chí Minh
toàn thắng và thống nhất
Tổ quốc và phong trào thiếu nhi cả nước thi đua lập thành tích để tiến tới Đại hội Cháu
ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ IV.
Hè năm 1995, từ ngày 2-7 đến 6-7-1995 Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ
IV được tổ chức ở Đền Hùng - Phú Thọ và Thủ đô Hà Nội. Về dự Đại hội có 179 đại biểu
(76 nam, 103 nữ, 25 đại biểu dân tộc ít người) và 58 anh chị phụ trách giỏi của 53 tỉnh
thành, 4 đơn vị trực thuộc cùng với đoàn thiếu nhi Việt kiều 4 em và 1 phụ trách từ Cộng
hoà Dân chủ Nhân dân Lào về dự.
Tại Đại hội, các đại biểu Cháu ngoan Bác Hồ đã được đón chào bác Đỗ Mười, Tổng Bí
thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, bác Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Quốc hội, bác
Nguyễn Thị Bình và các cô bác lãnh đạo Đảng, Nhà nước các Bộ, ngành đến dự.
Tại Lễ báo công, các Đại biểu Cháu ngoan Bác Hồ đã báo cáo những kết quả công tác
Đội và phong trào thiếu nhi cả nước đạt được từ Đại hội lần thứ III đến nay.
Đại hội biểu dương những phẩm chất cao đẹp của các Cháu ngoan Bác Hồ, đó là:
- Những Cháu ngoan Bác Hồ là lớp đội viên tiên tiến biết "Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào"
hiểu biết, tự hào phát huy truyền thống cha anh.
- Những Cháu ngoan Bác Hồ là những đội viên học tập tốt, đồng thời biết giúp bạn vượt
khó học tốt.
- Những Cháu ngoan Bác Hồ không những là đội viên học tốt mà còn là những đội viên
tích cực trong các hoạt động xã hội.
- Những Cháu ngoan Bác Hồ là những thiếu nhi thật thà, dũng cảm biết làm nghìn việc
tốt.
- Những Cháu ngoan Bác Hồ chẳng những học giỏi, rèn luyện tốt mà còn là những đội
viên, cán bộ Đội giỏi tích cực xây dựng Đội.
Những phẩm chất của các Cháu ngoan Bác Hồ đã làm đẹp thêm truyền thống của Đội
TNTP Hồ Chí Minh và góp phần tạo nên những thành tích rực rỡ của Đội trong nhiều
năm. Đó là hơn 1,5 triệu em tham gia cuộc thi về với Điện Biên lịch sử, 1,3 triệu em tham
gia cuộc thi tìm hiểu về Đảng và Bác Hồ, 1 triệu em tham gia cuộc thi Tuổi trẻ với Bộ đội
Cụ Hồ. Và trong nhiều hoạt động khác nhau đội viên thiếu nhi cả nước với phong trào
Uống nước nhớ nguồn đã có 50 triệu ngày công giúp đỡ gia đình thương binh liệt sĩ, dâng
hàng chục ngàn bát hương cho các nghĩa trang liệt sĩ, gửi hàng triệu con tem, lá thư và
các tặng phẩm cho các anh bộ đội. Khi Nhà nước ta quyết định phong tặng danh hiệu "Bà
mẹ Việt Nam anh hùng" thì ngay sau đó phong trào "áo lụa tặng Bà" nhang chóng lan
nhanh trong các liên đội cả nước Sau một thời gian, kể từ ngày phát động tại trường
Bích Sơn - Việt Yên, Hà Bắc và thị xã Hà Đông - hai địa phương nuôi tằm, dệt lụa nổi
tiếng của cả nước cùng các tập thể Đội và thiếu niên nhi đồng khắp mọi miền Tổ quốc đã
tặng 17.780 áo lụa và hàng vạn phần quà cho các Mẹ Việt Nam anh hùng và các mẹ liệt
sĩ. Cùng với phong trào "áo lụa tặng Bà" các hoạt động "Vì bạn nghèo", "Ngày vàng vì
bạn" đã trở thành phong trào chung của cả nước để quyên góp, ủng hộ các bạn nghèo.
Hầu hết các liên đội và các địa phương đều có quỹ vì bạn nghèo với số tiền lên đến 60 tỷ
đồng. Từ trong các phong trào và hoạt động của Đội như đã nêu trên, các tấm gương
Cháu ngoan Bác Hồ tiêu biểu xuất hiện đó là: Nguyễn Đăng Mỹ Duyên, học sinh lớp 9
trường Mạc Đĩnh Chi, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, 9 năm liền là học sinh giỏi, giải
nhì môn Văn toàn quốc. Trần Tiến Hoàng lớp 5 trường tiểu học Gio Sơn, huyện Gio
Linh, tỉnh Quảng Trị, 5 năm liên tục là học sinh giỏi toàn diện, năm 1994 - 1995 đạt giải
nhì môn Toán toàn quốc. Hàn Ngọc Đức, học sinh lớp 5 trường tiểu học Phùng Chí Kiên,
huyện Mỹ Văn (Hải Hưng) đạt giải nhì môn Toán toàn quốc; Trần Phương Tâm, trường
tiểu học thị trấn Cái Vồn A, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long giải nhì Toán toàn quốc;
Nguyễn Trung Thành, lớp 9 trường PTTH Trần Đăng Ninh, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây
giải nhất môn Vật lý toàn quốc; Phan Vũ Toàn học sinh lớp 5 trường tiểu học Dịch Vọng,
huyện Từ Liêm, Hà Nội đạt giải nhất thi Toán toàn quốc.
Nguyễn Thị Lành ở Hiệp Sơn, Kim Môn, Hải Dương là con gái duy nhất của một liệt sỹ,
em đã dũng cảm cứu 2 bạn nhỏ và mãi mãi ra đi không bao giờ trở lại. Nguyễn Đắc Hải
người con của đất sông Lam dũng cảm cứu 3 em nhỏ; Phạm Duy Cương, tuy tuổi mới 12
đã cứu em nhỏ trên dòng lũ sông Hồng. Đó là những gương mặt trong bao gương mặt
dũng cảm cứu bạn. Nguyễn Văn Nam, học sinh lớp 4 trường tiểu học Cổ Loa, Đông Anh,
Hà Nội, nhà nghèo, 3 lần nhặt được của rơi trả lại người mất trong đó có lần nhặt được 17
triệu đồng, song bạn vẫn tự nguyện trả lại cho người mất. Phạm Hữu Bằng, trường tiểu
học cơ sở Lý Tự Trọng, xã Pông Prang, huyện Krông Buk, Đắc Lắc không những nhặt
được của rơi trả lại người mất mà còn tích cực giúp các chú thương binh, đặc biệt hơn
nữa là cả năm trời đưa bạn bị liệt 2 tay đến trường học. Đây là những tấm gương tiêu
biểu, là niềm tự hào của Đội ta.
Tại Đại hội, các đại biểu đã được nghe lời khen ngợi và căn dặn của bác Tổng Bí thư Đỗ
Mười và bác đã tặng 53 bộ máy vi tính cho 53 Nhà thiếu nhi của 53 tỉnh trong cả nước
với hy vọng món quà này sẽ tạo cho các cháu thiếu nhi phấn khởi thi đua học tập để nắm
vững khoa học kỹ thuật tiên tiến, vững bước tiến vào thế kỷ 21.
Các đại biểu Cháu ngoan Bác Hồ cũng vui mừng được nhận bức Trướng của bác Chủ
tịch nước Lê Đức Anh, thay mặt Đảng, Nhà nước tặng cho thiếu nhi Việt Nam với những
dòng chữ vàng:
"Nỗ lực học tập
Trau dồi đạo đức
Rèn luyện sức khỏe
Làm nhiều việc tốt
Xứng đáng Cháu ngoan Bác Hồ.
Đại hội còn được nhận lẵng hoa của bác Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt gửi tặng.
Sau Đại hội Cháu Ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ IV, đội viên thiếu nhi cả nước đã tích
cực thi đua lập thành tích chào mừng 55 năm ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh.
Các hoạt động của Đội càng ngày càng đi vào chiều sâu để từ đó mở rộng các hoạt động
chính trị xã hội ở từng địa phương để tạo phong trào chung cả nước, ở thời điểm này
cùng với việc mở rộng và phát triển quỹ "vì bạn nghèo" ở TW thông qua phát hành xổ số
và nhiều phương thức khác, những hoạt động mang tính nhân ái, nhân đạo được mở rộng,
phong trào "Vòng tay bè bạn", từng bước được hình thành và phát triển rộng khắp trong
cả nước. Đây là phong trào thể hiện tính tương thân, tương ái của tuổi thơ hướng về các
bạn thiếu nhi gặp khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo và các bạn bè gặp khó
khăn ở lớp mình, chi đội mình, địa phương mình. Phong trào "Vòng tay bè bạn" được
phát động rộng khắp trong cả nước đã góp phần tích cực vào việc giáo dục phẩm chất tốt
đẹp mang tính truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đó là lòng nhân ái, tình thương đồng
bào, tính nhân văn đẹp đẽ của dân tộc ta truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VI ngày 10-1-1996 Ban Thường
vụ Trung ương Đoàn đã ra Nghị quyết 473 về tăng cường công tác thiếu nhi và xây dựng
Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Nghị quyết đã đánh giá sâu sắc tình hình thiếu
nhi và công tác thiếu nhi trong giai đoạn hiện tại và đề ra các mục tiêu, giải pháp quan
trọng nhằm góp phần xây dựng lớp thiếu nhi Việt Nam thành những người giàu có về trí
tuệ, giỏi về chuyên môn, cường tráng về thể lực, trong sáng về đạo đức và có lối sống
lành mạnh.
Các chủ trương giải pháp lớn được đề cập cụ thể:
- Đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng thiếu nhi nhất là giáo dục đạo đức, nếp sống và
các phong trào, các chương trình giáo dục truyền thống.
- Nâng cao vai trò của Đoàn trong việc bảo vệ các quyền và góp phần đáp ứng nhu cầu
của thiếu nhi.
- Tăng cường chỉ đạo các hoạt động Đội, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt
động của Đội, xây dựng tổ chức Đội TNTP Hồ Chí Minh vững mạnh.
- Củng cố bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ Đội vững mạnh, đủ sức đảm đương nhiệm
vụ.
- Tích cực nghiên cứu đề xuất để thể chế hóa, kế hoạch hóa và huy động các nguồn lực
cho công tác thiếu nhi.
Nghị quyết đề cập rõ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, tham mưu
và tổ chức thực hiện ở từng cấp. Đây là cơ sở, tiền đề quan trọng nhằm góp phần nâng
cao nhận thức và trách nhiệm của từng cấp bộ Đoàn, đồng thời tạo ra sự chuyển đổi mới
quan trọng trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi.
Năm 1996, năm kỷ niệm 55 năm thành lập Đội, ở Trung ương lễ kỷ niệm trọng thể được
tiến hành tại Khu di tích Kim Đồng và tại Thủ đô Hà Nội. Nhân dịp này, Nhà xuất bản
Kim Đồng đã tặng cho thiếu nhi Nà Mạ, quê hương người đội trưởng đầu tiên của Đội
một ngôi trường xinh xắn, đặt liền sát ngay khu di tích và tượng đài Kim Đồng.
Sau lễ mít tinh ở Cao Bằng thiếu nhi các tỉnh đã về Hà Nội tổ chức lễ hội 55 năm ngày
thành lập Đội tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, các hoạt động diễu hành tại hồ Hoàn Kiếm, gặp
gỡ các thế hệ phụ trách Đội ở các tỉnh phía Bắc và phía Nam.
Các đại biểu dự lễ hội kỷ niệm đã gửi thư tới đội viên thiếu nhi cả nước cổ vũ nhau phấn
đấu, rèn luyện, chuẩn bị bước vào thế kỷ 21 với những nhiệm vụ cụ thể:
- Một là, phấn đấu thực hiện xuất sắc 5 điều Bác hồ dạy, tích cực chuẩn bị hành trang cho
thế kỷ 21.
- Hai là, đẩy mạnh các hoạt động thi đua học tập sáng tạo, yêu khoa học, giúp đỡ bạn bè
xung quanh có hoàn cảnh khó khăn, rèn luyện nâng cao thể lực, tích cực tham gia các
hoạt động xã hội góp phần xây dựng cuộc sống mới.
- Ba là, không ngừng chăm lo xây dựng tổ chức Đội vững mạnh và nâng cao chất lượng
đội viên. Tích cực tham gia công tác phụ trách Sao và giúp đỡ nhi đồng vào Đội, thực
hiện rèn luyện theo chương trình rèn luyện đội viên. Nhân dịp kỉ niệm 55 năm ngày thành
lập Đội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã tặng Đội TNTP Hồ
Chí Minh bức trướng mang dòng chữ:
"Thiếu nhi Việt Nam hãy làm tốt 5 điều Bác Hồ dạy:
1. Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
2. Học tập tốt, lao động tốt
3. Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
4. Giữ gìn vệ sinh thật tốt
5. Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm".
Trong không khí sôi động kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Đội, để đánh giá công lao của
các anh chị phụ trách đã hết lòng chăm lo cho Đội TNTP Hồ Chí Minh và thiếu niên nhi
đồng phát triển, trưởng thành, Liên hoan phụ trách thiếu nhi toàn quốc lần thứ II đã được
tổ chức từ ngày 6 đến 10 tháng 7-1996 ở thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu.
179 anh chị phụ trách giỏi trong cả nước đã về dự. Các hoạt động của cuộc Liên hoan
được diễn ra ở Nhà thiếu nhi thành phố, khu tượng đài Bác Hồ, Bến Nhà Rồng, Dinh
Thống Nhất và các khu di tích cách mạng ở Củ Chi, 18 thôn vườn Trầu Các anh chị
phụ trách giỏi của cả nước đã học làm những chiến sĩ giải phóng quân năm xưa để vào
địa đạo, làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở Đền Thờ Bến Dược và Ngã Ba Giồng
Trò chơi lớn đêm lửa trại bế mạc đã tạo cho cuộc Liên hoan trở nên rất sôi nổi, gắn bó
tình cảm và trách nhiệm của các anh chị phụ trách thiếu nhi luôn vì đàn em thân yêu.
Hướng về Đại hội lần thứ VIII của Đảng, Hội đồng Đội Trung ương tiếp tục tổ chức Liên
hoan Nhà thiếu nhi toàn quốc lần thứ hai từ 14 đến 31 - 7 - 1996 tại 3 khu vực.
Khu vực các tỉnh phía Bắc đến Quảng Trị được tổ chức ở Nhà thiếu nhi Việt Đức thành
phố Vinh, Nghệ An.
Khu vực các tỉnh miền Trung và Tây nguyên được tổ chức ở Nhà thiếu nhi thành phố Đà
Nẵng.
Khu vực các tỉnh Nam Bộ được tổ chức ở Nhà thiếu nhi tỉnh Vĩnh Long.
Liên hoan Nhà thiếu nhi toàn quốc lần II một lần nữa biểu dương lực lượng thiếu nhi cả
nước về những tài năng trẻ tuổi và là hoạt động thiết thực chào mừng Đại hội Đảng toàn
quốc lần thứ VIII.
Tháng 1-1997 anh Đào Ngọc Dung, Thường vụ tỉnh ủy, Bí thư tỉnh Đoàn Nam Hà,
Thường vụ Trung ương Đoàn được điều động về công tác tại Hội đồng Đội Trung ương
và sau đó được cử giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương khóa III thay anh
Hoàng Bình Quân.
Năm học 1996 - 1997, từ sáng kiến của Báo Thiếu niên Tiền phong phong trào "Những
viên gạch hồng" góp phần xây dựng tượng đài anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu ở Côn Đảo
được thiếu nhi cả nước hưởng ứng sôi nổi. Sau một năm phát động đoàn đại biểu gồm các
anh Vũ Trọng Kim, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, anh Đào Ngọc Dung, Chủ tịch
Hội đồng Đội Trung ương, các anh chị lãnh đạo báo Thiếu niên Tiền phong, Tổng Công
ty Bảo hiểm Việt Nam, các thầy cô giáo, anh chị phụ trách và các đại biểu thiếu nhi đã ra
thăm Côn Đảo và trao hơn 300 triệu đồng để xây dựng tượng. Sau đó một thời gian tượng
đài chị Võ Thị Sáu đã được hoàn thành để tưởng nhớ người nữ anh hùng tiêu biểu cho
khí phách của tuổi trẻ Việt Nam.
Từ ngày 26 đến 29 - 11- 1997, Đại hội đại biểu Đoàn toàn quốc lần thứ VII được tổ chức
tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã đánh giá kết quả công tác Đội và phong trào thiếu nhi cả
nước, khẳng định rõ: "Công tác Đội và phong trào thiếu nhi của cả nước đã tiếp tục phát
triển, tạo điều kiện cho các em học tập và rèn luyện củng cố tổ chức Đội, tham gia xây
dựng Đoàn. Các phong trào, các chương trình như "Tiến bước lên Đoàn", "Vườn hoa
điểm mười", "Điểm tốt mùa thi", "Uống nước nhớ nguồn", "Vì điểm tựa tiền tiêu", "Đọc
và làm theo báo Đội" phát triển ở mọi nơi. Nhiều hoạt động như "Thành phố Bác Hồ -
Thành phố của em", "Chủ nhân Thăng Long 1000 năm", "Đồng Nai - Biên Hòa 300
năm", "50 năm chiến thắng sông Lô" đã nâng cao lòng tự hào, lòng yêu quê hương, đất
nước cho đội viên, thiếu niên. Phong trào "Vòng tay bè bạn" do Hội đồng Đội Trung
ương phát động đã nhanh chóng lan tỏa và đem lại những kết quả đáng mừng với hơn 10
tỷ đồng giúp đỡ bạn nghèo, vận động 19.870 bạn quay lại trường học tập. 2160 em có
hoàn cảnh khó khăn được đề nghị miễn giảm học phí. Các điểm vui chơi cho thiếu nhi ở
địa bàn dân cư tiếp tục được xây dựng: Nam Định có hơn 200 điểm, Thái Bình có 100
điểm vui chơi cho thiếu nhi ở xã, phường. Hoạt động của hệ thống Nhà thiếu nhi được
đẩy mạnh, số lượng tăng từ 226 năm 1997 lên 240 năm 1998. Nhiều tỉnh, thành đã đầu tư
kinh phí lớn cho xây dựng, nâng cấp Nhà thiếu nhi như Lạng Sơn, Quảng Bình, Quảng
Trị, các huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), Tam Điệp (Ninh Bình), Núi Thành (Quảng
Nam), Điện Biên (Lai Châu), Tiến Yên (Quảng Ninh), Anh Sơn (Nghệ An) Nhiều hoạt
động liên kết giữa các Nhà thiếu nhi trong từng vùng trên cả nước được tổ chức tốt, có
tác động đẩy mạnh và tạo nên sự thống nhất cao trong hệ thống Nhà thiếu nhi trong cả
nước. Năm 1998 có 2,8 triệu nhi đồng được tập hợp vào các Sao nhi đồng, kết nạp hơn
1,4 triệu đội viên mới, 5 triệu em đạt danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ, 8400 liên đội đạt
danh hiệu liên đội mạnh. Năm 1999 có 1.586.644 đội viên mới được kết nạp, 378.473 đội
viên lớn được kết nạp Đoàn; cả nước có 6.924.840 đội viên được công nhận là Cháu
ngoan Bác Hồ, bằng 75% tổng số đội viên trong cả nước. Đại hội cũng đã xây dựng
chương trình của Đoàn về công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng và xây dựng
Đội vững mạnh".
Sau Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VII, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần
3 khóa VII đã thông qua sửa đổi Điều lệ Đội và Nghi thức Đội phù hợp với điều kiện và
nhu cầu của thiếu niên, nhi đồng. Đồng thời có quyết định thành lập Hội đồng Đội Trung
ương khóa IV. Anh Đào Ngọc Dung, Bí thư Trung ương Đoàn tiếp tục được cử làm Chủ
tịch Hội đồng Đội Trung ương khóa IV.
Để đánh giá công sức và sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ chỉ huy Đội, Hội đồng Đội
Trung ương đã tổ chức Hội trại chỉ huy Đội giỏi toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội và
Quảng Ninh từ ngày 18 - 7 đến 22-7-1998.
Lễ khai mạc Hội trại được tổ chức tại Hội trường Ba Đình lịch sử với 179 đại biểu là cán
bộ Đội đại diện cho 791.963 chỉ huy Đội của 22.870 liên đội trong cả nước về dự. Hội
trại được đón các bạn thiếu nhi 4 nước ASEAN và 61 anh chị phụ trách giỏi đại diện cho
hơn 2 vạn anh chị phụ trách trong cả nước về tham dự. Hội trại lần này không chỉ là niềm
vui mà còn là niềm tự hào của Đội, là "cuộc biểu dương lực lượng của hàng triệu đội viên
và cán bộ chỉ huy Đội". Từ 3 diễn đàn: Ước mơ tuổi thơ, Chủ nhân tương lai và Tiến
bước lên Đoàn, các chỉ huy Đội giỏi đã nói lên nguyện vọng tuổi thơ, ngày mai sẽ trở
thành đoàn viên TNCS, người chủ tương lai của đất nước và là lớp người kế tục sự
nghiệp của cha anh xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa mạnh giàu.
Trong buổi Lễ báo công của chỉ huy Đội giỏi cả nước, các đại biểu đã được đón bác Trần
Đức Lương, Chủ tịch nước; bác Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Quốc hội cùng các bác lãnh
đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành, đoàn thể đến dự và động viên.
Trong lễ báo công tại Hội trại chỉ huy Đội giỏi toàn quốc lần thứ I, lần đầu tiên các đại
biểu được xem một màn trình diễn "Vũ điệu trống kèn" thật sôi nổi, sinh động với gần
200 bạn trong Đội nghi thức của Cung thiếu nhi Hà Nội biểu diễn nghi thức Đội và
những bản nhạc thiếu nhi ưa thích. Từ hoạt động này, các địa phương đã quan tâm đầu tư
mạnh cho các Đội nghi thức của các Nhà thiếu nhi và các liên đội TNTP.
Những ngày sau đó, tại Quảng Ninh đã diễn ra các hoạt động thật náo nhiệt và đầy sáng
tạo của những người chỉ huy Đội.
Đêm chia tay thật cảm động trong ánh lửa trại bập bùng, uốn lượn trong các điệu múa
rồng cùng nối vòng "Hà Nội - Quảng Ninh - Việt Nam - ASEAN", tay trong tay đoàn kết
và để rồi mỗi cán bộ chỉ huy Đội và mỗi thiếu nhi cả nước sẽ còn nhớ mãi nhắc nhở và
mong ước của bác Chủ tịch nước Trần Đức Lương: "Các chỉ huy Đội cùng thiếu niên, nhi
đồng cả nước hãy phát huy hơn nữa truyền thống của mình, ra sức học tập và rèn luyện,
mỗi ngày làm một việc tốt để ngày càng xuất hiện nhiều hơn những tấm gương chủ nghĩa
anh hùng những chủ nhân của thế kỷ 21".
Sau Hội trại chỉ huy Đội giỏi toàn quốc lần thứ nhất, Hội đồng Đội Trung ương đã chỉ
đạo chặt chẽ các hoạt động của Đội theo chương trình "Chào thế kỷ mới" và chủ đề
"Thiếu nhi Việt Nam - Chào thế kỷ mới", "Cuộc hành trình vào thế kỷ mới", các địa
phương trong cả nước đã sáng tạo tổ chức nhiều hoạt động mang màu sắc mới hấp dẫn,
tạo không khí sôi động với tinh thần "Xứng đáng là chủ nhân thế kỷ 21".
Hè năm 1999 Hội đồng Đội Trung ương đã chỉ đạo Liên hoan Búp Sen Hồng tại thành
phố Cần Thơ từ ngày 7 đến ngày 10-8-1999 theo chủ đề "Chào thế kỷ mới" và "Liên
hoan tuyên truyền Măng non và Giải cầu lông tuổi 15 Chào thế kỷ mới" tại Hà Nội từ
ngày 15 đến ngày 18-8-1999 ở các tỉnh phía Bắc.
Hai cuộc liên hoan ở hai miền, thực chất là Liên hoan các Nhà thiếu nhi toàn quốc lần thứ
III mang chủ đề "Thiếu nhi Việt Nam - Chào thế kỷ mới" trở thành ngày hội của tuổi thơ
các dân tộc Việt Nam. Gần 3.000 đội viên, thiếu nhi các dân tộc ở 70 Nhà thiếu nhi các
địa phương đã về Hà Nội và thành phố Cần Thơ để mở hội tạo thành sân chơi bổ ích, trí
tuệ, và đầy ước vọng với trách nhiệm của những chủ nhân tương lai để bước vào thế kỷ
21.
Trong những ngày hội này, ở Hà Nội cũng như Cần Thơ, các thành viên tham dự đã đóng
góp và vận động nhân dân đóng góp được gần 100 triệu đồng, tặng quà 40 Bà mẹ Việt
Nam anh hùng, 300 thiếu nhi nghèo vượt khó mỗi suất 200.000 đồng và 10 triệu đồng
tặng các bạn thiếu nhi Sủng Trà huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang làm điểm vui chơi.
Kết thúc Liên hoan, các Nhà thiếu nhi thêm phấn khởi bắt tay tổ chức các hoạt động
"Chào thế kỷ mới" hướng về Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ V kỷ niệm
110 năm ngày sinh của Bác Hồ kính yêu.
Từ ngày 7 đến 12-7- 2000, Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ V đã được tổ
chức ở Thủ đô Hà Nội và bãi biển Cửa Lò -Nghệ An. Với 271 bạn là người chỉ huy Đội
xuất sắc trong cả nước, trong đó có 156 bạn nữ. Lễ báo công được tổ chức tại Hội trường
Ba Đình lịch sử. Đại hội đã được đón bác Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, bác Chủ tịch Quốc
hội Nông Đức Mạnh, bác Phạm Thế Duyệt, ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị
và các cô bác lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành, đoàn thể đến dự. Các đoàn thiếu
nhi Việt kiều đang sống và học tập ở Ba Lan, Hunggari, Lào, Campuchia về dự. Đại hội
cũng được đón các bạn thiếu nhi các nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Vương quốc
Campuchia, Vương quốc Thái Lan sang vui chung cùng với đại biểu Cháu ngoan Bác Hồ
toàn quốc.
Đại hội như bừng lên trong không khí vui tươi của"rừng hoa" chỉ huy Đội của những tấm
gương sáng của tuổi thơ Việt Nam trong học tập và rèn luyện được nhận thư khen của
Chủ tịch nước Trần Đức Lương như Lê Thị Tám ở Quảng Bình, Vi Thị Hải Anh ở Cao
Bằng, Phạm Văn Tài ở Đồng Tháp. Hoặc như Trần Thế Kiều ở Nghệ An đã dũng cảm
cứu 2 em nhỏ khỏi chết đuối được Thủ tướng Phan Văn Khải tặng bằng khen và bạn Đỗ
Minh Quỳnh Trang ở Lâm Đồng cùng nhiều bạn khác đại diện cho hơn 100 bạn được
nhận Huy chương Tuổi trẻ dũng cảm và gần 3000 bạn trong 5 năm 1995 - 2000 được
nhận giải thưởng Kim Đồng.
Sự trưởng thành của các em trong học tập và cuộc sống luôn gắn liền với các tập thể Đội
TNTP Hồ Chí Minh. Chính các hoạt động Đội đã giúp cho thiếu nhi phấn đấu, rèn luyện
để trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt và trở thành những đoàn viên TNCS, những
công dân tốt của Tổ quốc. Trong báo công của các đại biểu đã nêu lên kết quả của phong
trào phấn đấu rèn luyện " Tiến lên Đoàn" với kết quả hàng năm có gần 500.000 đội viên
TNTP ưu tú được giới thiệu lên Đoàn và trở thành những đoàn viên và cán bộ tốt của
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và hàng vạn chi đội, liên đội mạnh là cơ sở cho việc xây dựng
Đội Thiếu niên Tiền phong và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vững mạnh.
Đại hội vui mừng được bác Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khen ngợi và căn dặn:
"Tôi tin chắc rằng các Cháu ngoan Bác Hồ có mặt hôm nay và các cháu ở khắp các miền
của đất nước sẽ trở thành những công dân có ích, những người có tấm lòng tốt đẹp, cao
thượng, nhân nghĩa, trí tuệ, chí bền, sức khỏe và lòng dũng cảm vượt qua khó khăn, trở
thành những tài năng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hôm nay cũng có mặt các đại biểu thiếu niên một số nước ASEAN. Tôi chúc các cháu,
vui chơi và sống những ngày ở Việt Nam trong tình bè bạn thân thiết.
Các đồng chí cán bộ Đoàn và cán bộ Đội, các thầy giáo, cô giáo là những người cùng với
gia đình, quê hương trực tiếp dìu dắt các cháu trong đoạn đường tuổi thơ, những năm
tháng đẹp nhất của đời người. Mong các đồng chí cố gắng xứng đáng với trách nhiệm cao
quý của mình.
Nước ta, thời xưa đã có một vị trạng nguyên 13 tuổi tên là Nguyễn Hiền, ngày nay có
những người anh hùng trẻ tuổi như Lý Tự Trọng, Kim Đồng, Lê Văn Tám, Kơpa
Kơlơng
Tôi tin rằng gần 9 triệu đội viên thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, hơn 5 triệu nhi đồng
cả nước sẽ trở thành những công dân Việt Nam xứng đáng với Tổ quốc, làm chủ đất
nước, xây dựng non sông ta giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh và hạnh phúc".
Tổ quốc, Đảng, nhân dân và gia đình đặt niềm tin vào các cháu".
Sau những ngày hoạt động ở Hà Nội, các đại biểu Cháu ngoan Bác Hồ đã vào thăm quê
hương Bác Hồ kính yêu. Các em đã làm lễ dâng hương ở khu nhà Bác, mộ bà Hoàng Thị
Loan - thân mẫu của Bác. Những hoạt động ở quê nội, quê ngoại của Bác Hồ tạo cho các
đại biểu tình cảm thân thương của quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhân dịp này, Đại
hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ V đã tặng các bạn thiếu nhi Kim Liên các thiết
bị vui chơi trị giá 100 triệu đồng.
Tạm biệt quê Bác, các đại biểu về với bãi biển Cửa Lò đầy nắng và gió, sóng biển dạt dào
làm đẹp thêm những ước mơ của tuổi thơ. Niềm vui mừng bất tận đến với các đại biểu
bên bờ biển xanh khi bác Chủ tịch nước Trần Đức Lương đến thăm, động viên và tặng
quà cho các Cháu ngoan Bác Hồ. Bác ân cần nói với các Cháu ngoan Bác Hồ và các anh
chị phụ trách dự Đại hội:
"Tôi rất vui mừng được gặp gỡ đoàn đại biểu các Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc trên quê
hương Bác. Tôi theo dõi và được đọc báo của các đồng chí lãnh đạo Hội đồng Đội Trung
ương cho biết về kết quả và những thành tựu của các cháu ở lứa tuổi thiếu niên và nhi
đồng toàn quốc để tiến tới đại hội đầy phấn khởi, tự hào ngày hôm nay. Tôi rất xúc động
và vui mừng trước những thành công của các cháu. Các cháu đã phấn đấu cùng với lớp
lớp cha anh, cô chú trong cả nước thi đua vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc.
Tôi cũng rất vui mừng thấy rằng Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội, và các anh chị phụ
trách, thầy giáo, cô giáo ở tất cả các nhà trường đã tổ chức tốt phong trào thi đua trong cả
nước để rèn luyện cho các cháu, để có được kết quả là Đại hội tiêu biểu ngày hôm nay.
Trên thực tế, Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ của chúng ta mở đầu cho các Đại hội thi đua
trong phong trào làm theo lời Bác Hồ dạy của thiếu niên nhi đồng trên cả nước.
Tôi rất phấn khởi khi được biết rằng Đại hội chúng ta có mặt đông đủ các cháu thiếu niên
và nhi đồng từ mọi miền của Tổ quốc và đầy đủ thành phần con em các cộng đồng dân
tộc, tôn giáo trong cả nước. Đặc biệt, có đại diện thiếu niên nhi đồng là con em đồng bào
ta đang sinh sống ở nước ngoài.
Bác Hồ dạy chúng ta: Trước hết phải "Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào" - Tổ quốc mà ông cha
chúng ta đã xây dựng lên từ mấy ngàn năm. Các cháu có mặt ở đây là một dịp để trao đổi
học tập lẫn nhau - các cháu hãy ghi nhớ mãi mãi lời dạy của Bác Hồ: "Yêu Tổ quốc, yêu
đồng bào". Bác cũng đã từng nói: "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước,
nhất định không chịu làm nô lệ". Các cháu hãy mãi ghi nhớ lời dạy của Bác, ghi nhớ để
làm sao đến lượt các cháu cũng sẽ dốc sức xây dựng một tình yêu nước cao cả, đưa nước
Việt Nam chúng ta đi lên sánh vai với các cường quốc năm châu".
Đại hội làm lễ bế mạc tại công viên Nguyễn Tất Thành bên tượng đài Bác Hồ với thanh
thiếu nhi. Các đại biểu chia tay với niềm xao xuyến nhớ nhung vô hạn, "Ngày mai chúng
ta phải xa nhau thì hôm nay chúng ta hãy cùng nhau hát vang bài ca tình bạn, đừng khóc
nhé, nhớ nhau ta cất lại trong lòng, dù chúng ta có xa nhau mỗi đứa một phương trời
nhưng hãy nhớ về nhau và nhớ về Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ này, hẹn đến Đại hội
Cháu ngoan Bác Hồ lần thứ VI - Đại hội đầu tiên của thế kỷ 21.
Xin cảm ơn các cô bác, anh chị phụ trách và các bạn. Chúng tôi xin chào các bạn
ASEAN, các bạn Việt kiều. Chúng ta sẽ đoàn kết và nhớ về nhau mãi mãi.
Xin gặp lại các bạn ở thế kỷ 21". Những giai điệu ngọt ngào ấy cứ vang mãi trong lòng
các bạn đại biểu nhỏ tuổi.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đoàn toàn quốc lần thứ VII, này 25-7-2000 Hội
nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ 7 đã ra Nghị quyết số 10 về "Công tác
chăm sóc giáo dục thiếu niên nhi đồng và xây dựng Đội TNTP Hồ Chí Minh vững mạnh
giai đoạn 2000 - 2005". Đây là Nghị quyết quan trọng của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tạo
tiền đề cho Đội phát triển mạnh mẽ, vững bước tiến vào thế kỷ 21 và xứng đáng là tổ
chức của thiếu nhi Việt Nam, là lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường.
Nghị quyết lần này đã nêu rõ những phương hướng chung:
1. Tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức của cán bộ đoàn viên thanh niên, các lực
lượng xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng và xây
dựng Đội TNTP Hồ Chí Minh trong thời kỳ mới.
2. Xây dựng Đội TNTP Hồ Chí Minh vững mạnh, góp phần tạo ra môi trường thuận lợi
để đông đảo thiếu nhi rèn luyện, phấn đấu trở thành những con ngoan, trò giỏi,
đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ, đoàn viên Đoàn TNCS
Hồ Chí Minh.
3. Tham mưu xây dựng chính sách, cơ chế phối hợp với các ngành, các lực lượng xã hội
trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục thiếu nhi, góp phần xã hội hóa công tác thiếu
nhi, đồng thời tạo ra các nguồn lực cho công tác Đội và phong trào thiếu ni.
Từ phương hướng chung Nghị quyết đã nêu những giải pháp cơ bản là:
1. Giải pháp về nhận thức và phát huy vai trò của tổ chức Đoàn trong công tác chăm sóc,
giáo dục thiếu niên, nhi đồng và xây dựng Đội.
a. Nâng cao nhận thức và kiến thức cho cán bộ, đoàn viên thanh niên, các lực lượng xã
hội về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu nhi và xây dựng Đội TNTP
Hồ Chí Minh.
b. Đẩy mạnh cuộc vận động "Vì đàn em thân yêu" với chỉ tiêu hàng tháng mỗi chi đoàn
có một việc tốt dành cho trẻ em; mỗi đoàn viên làm tấm gương tốt trong công tác phụ
trách thiếu nhi (tóm tắt là: "Chi đoàn có việc làm tốt, đoàn viên làm phụ trách tốt").
2. Giải pháp về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động thiếu nhi.
Hệ thống hóa và hoàn thiện các loại hình giáo dục thiếu nhi, trên cơ sở đó xây dựng nội
dung giáo dục phù hợp với lứa tuổi, đối tượng, vùng miền gắn với những chủ đề cụ thể,
đồng thời tăng cường đổi mới các phương thức hoạt động thiếu nhi, góp phần tạo ra môi
trường xã hội lành mạnh cho các em rèn luyện và phát triển toàn diện.
3. Giải pháp về xây dựng tổ chức Đội TNTP Hồ Chí Minh vững mạnh.
Củng cố, xây dựng Đội TNTP Hồ Chí Minh vững mạnh, xứng đáng là đội dự bị tin cậy
bổ sung lực lượng thường xuyên cho Đoàn và là lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà
trường. Cụ thể cần tập trung:
- Nâng cao chất lượng tổ chức Đội và đội viên.
- Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chỉ huy Đội.
- Bồi dưỡng, phát triển đội viên lớn lên Đoàn.
- Củng cố và nâng cao chất lượng công tác nhi đồng.
- Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác cán bộ phụ trách Đội.
4. Giải pháp về xây dựng cơ chế, chính sách trong công tác bảo vệ, chăm sóc giáo dục
thiếu nhi và xây dựng Đội TNTP Hồ Chí Minh:
- Nâng cao năng lực và chất lượng tham mưu cho Đảng, Nhà nước và chính quyền địa
phương để hoàn thiện các chế độ, chính sách cho cán bộ và tổ chức Đội.
- Phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo và các Bộ, ngành khác trong công tác cán bộ và
xây dựng tổ chức Đội.
- Tăng cường công tác thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương
và cơ sở.
Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ 7 về công tác chăm sóc,
giáo dục thiếu niên, nhi đồng và xây dựng Đội TNTP của Đoàn là cơ sở, tiền đề quan
trọng góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của từng cán bộ Đoàn và các lực
lượng xã hội trong sự nghịêp chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng và xây dựng Đội
vững mạnh. Đồng thời sẽ tạo thời cơ và điều kiện thuận lợi cho Đội TNTP Hồ Chí Minh
phát triển vững mạnh, đáp ứng nhu cầu của thiếu niên, nhi đồng Việt Nam trước thềm thế
kỷ 21.
Sau khi quán triệt và tổ chức triển khai điểm tại Bắc Ninh, các địa phương trong cả nước
đã tập trung triển khai đến cơ sở. Nhiều Tỉnh, Thành Đoàn tham mưu cho cấp ủy, chính
quyền ra các chỉ thị, nghị quyết, chuyên đề; nhiều địa phương có những chủ trương hành
động cụ thể, thiết thực cho thiếu nhi như thành phố Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Bình
Dương, Tây Ninh, Bắc Ninh, Long An, Hà Nam
Năm 2000, năm kết thúc thế kỷ 20 - năm chuẩn bị bước vào thiên niên kỷ mới, là Năm
Thanh niên Việt Nam với phong trào thi đua "Thiếu nhi Việt Nam - Chào thế kỷ mới" và
"Hành trình vào thế kỷ 21" của đội viên, thiếu niên, nhi đồng cả nước với khí thế thực sự
sôi nổi. Nét nổi bật là quá trình xã hội hóa công tác Đội và phong trào thiếu nhi ngày
càng hiệu quả tác động trực tiếp tới chất lượng hoạt động của Đội và chất lượng của đội
viên thiếu niên, nhi đồng cả nước.
Thông qua cuộc vận động "Vì đàn em thân yêu" các tổ chức Đoàn, Hội đồng Đội các cấp
đã tích cực tham gia chăm sóc giáo dục thiếu niên, nhi đồng và xây dựng Đội; tham mưu
cho Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền ban hành nhiều văn bản quan trọng tạo điều
kiện thuận lợi cho tổ chức Đội và phong trào thiếu nhi như chủ trương chuyển giao hệ
thống nhà thiếu nhi thống nhất về một đầu mối quản lý, chỉ đạo là Ban Chấp hành Đoàn
cùng cấp. Chỉ thị 02 ngày 9-3-2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy năm 2001 -
2002 là "Năm xã hội tình nguyện vì trẻ em đặc biệt khó khăn" theo đề xuất của Trung
ương Đoàn thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của Đoàn thanh niên với trẻ em
có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tạo cho các em có điều kiện, cơ hội được chăm sóc, phát
triển và hòa nhập cộng đồng.
Những năm cuối cùng của thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 đã mở ra nhiều quan hệ phối hợp
có hiệu quả giữa Đoàn thanh niên với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và tổ chức
quốc tế, nhất là sự phối hợp với ngành giáo dục - đào tạo, văn hóa - thông tin, kế hoạch
và đầu tư, tài chính, ban chỉ đạo quốc gia nước sạch vệ sinh môi trường, UNICEF tạo ra
thế và lực cho các hoạt động của Đội với nhiều chương trình, dự án thiết thực như
Chương trình quốc gia về vui chơi giải trí, dự án "trẻ với trẻ", dự án phòng chống ma tuý
học đường và phòng chống HIV/AIDS, Chương trình truyền thông nước sạch, vệ sinh
môi trường, khăn quàng đỏ và sách báo tặng thiếu nhi dân tộc, miền núi
Hệ thống thông tin tuyên truyền xuất bản báo chí của Đoàn đã tăng cường đầu tư hỗ trợ
cho các hoạt động của thiếu nhi, chỉ tính riêng năm 2000 và 3 tháng đầu năm 2001, Hội
đồng Đội Trung ương đã xuất bản 13 đầu sách với 188.000 bản; đặc biệt Nhà xuất bản
Kim Đồng, Nhà xuất bản Thanh Niên xuất bản thêm hàng trăm đầu sách nghiệp vụ, sách
văn học nghệ thuật và sách dịch từ tiếng nước ngoài phục vụ thiếu nhi; Đặc biệt Nhà xuất
bản Kim Đồng bình quân mỗi năm in từ 700 đến 800 đầu sách với số lượng bình quân 12
triệu bản, phấn đấu năm 2002 đạt 1000 đầu sách, truyện; Báo Nhi đồng phát hành
100.000 tờ/ tuần; Báo Thiếu niên Tiền phong 2 kỳ/tuần với 120.000 tờ/ngày; Chương
trình phát thanh, truyền hình thiếu nhi thường xuyên có các chuyên mục phục vụ thiếu
nhi. Các tỉnh thành đều có báo hoặc tờ tin, chuyên mục thiếu nhi và nghiệp vụ phụ trách.
Tạp chí Người Phụ trách được Ban Bí thư TW Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương chỉ đạo
và đầu tư toàn diện trở thành tạp chí lý luận, nghiệp vụ về công tác Đội và phong trào
thiếu nhi. Tạp chí là cẩm nang cho cán bộ phụ trách thiếu nhi trong cả nước. Nhân kỷ
niệm 7 năm ngày ra số đầu tiên, ngày 23-3-2001 Tạp chí đã được đón nhận thư chúc
mừng của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, trong thư Chủ tịch nước căn dặn: 'Tôi hoan
nghênh và chúc mừng Tạp chí Người Phụ trách trong những năm qua đã có nhiều cố
gắng trở thành một diễn đàn tốt, giúp cho các Hội đồng Đội, các nhà thiếu nhi, các anh
chị phụ trách trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu được những tài liệu học tập, bồi dưỡng
nâng cao trình độ lý luận, kỹ năng nghiệp vụ góp phần tổ chức tốt các hoạt động của Đội
và phong trào thiếu niên nhi đồng cả nước.
Bước vào thời kỳ mới, tôi mong tạp chí có thêm nội dung hay, hình thức đẹp và hấp dẫn
hơn nữa để đáp ứng mong mỏi không chỉ của các anh, chị phụ trách mà còn đến tay được
các thầy giáo, cô giáo, các bậc cha mẹ và các lực lượng xã hội cùng tham gia công tác
bảo vệ chăm sóc giáo dục thiếu niên, nhi đồng và xây dựng Đội Thiếu niên Tiền phong
Hồ Chí Minh vững mạnh".
Với phương châm "mỗi tổ chức Đoàn, mỗi đoàn viên có việc làm thiết thực vì đàn em",
các anh chị cán bộ và phụ trách Đội đã tổ chức, vận động và xây dựng nhiều loại quỹ hỗ
trợ hoạt động thiếu nhi như "Quỹ thiếu nhi nghèo vượt khó" từ Hội đồng Đội Trung ương
đến các liên đội với số vốn hàng chục tỉ đồng; Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ, Quỹ Đô rê môn,
Quỹ Vừ A Dính; các tỉnh thành đều có nhiều sáng kiến để tổ chức các hoạt động trợ giúp
thiếu nhi vươn lên vượt khó học tập tốt và khuyến khích các tài năng trẻ.
Cùng với việc khởi công xây dựng "Trung tâm hoạt động thiếu nhi Trung ương" (tháng