Tải bản đầy đủ (.pdf) (14 trang)

Tư tưởng Hồ Chí Minh sự thống nhất giữa đức trị với pháp trị potx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (125.13 KB, 14 trang )

Tư tưởng Hồ Chí Minh sự thống nhất
giữa đức trị với pháp trị
PGS. TS Bùi Đình Phong
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Bài viết đề cập đến quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự
thống nhất giữa “đức trị” với “pháp trị”; sự thực thi vấn đề “đức
trị” và “pháp trị” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cơ sở cách
mạng, khoa học và nhân nghĩa, nói đi đôi với làm, vì hạnh phúc
của nhân dân.
Ra đi tìm đường cứu nước năm 1911, Hồ Chí Minh nuôi dưỡng
khát vọng thành lập một nhà nước kiểu mới. Sau Cách mạng
Tháng Tám năm 1945, trên cơ sở những nhận thức trước đây về
một nhà nước “phải có thần linh pháp quyền”, Hồ Chí Minh đặc
biệt quan tâm đến quyền lực của Nhà nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa phải thuộc về nhân dân, lợi ích phải vì dân. Đó phải là
một nhà nước dân chủ – dân là chủ và dân làm chủ. Đồng thời
nhà nước đó phải được vận hành và quản lý bằng pháp luật kết
hợp chặt chẽ với việc giáo dục đạo đức. Quan niệm về sự thống
nhất giữa “đức trị” với “pháp trị” trong tư tưởng Hồ Chí Minh
có nguồn gốc sâu xa từ truyền thống văn hóa phương Đông và
từ tấm gương trị nước của các vị vua chúa hiền minh trong lịch
sử Việt Nam. Tuy nhiên, vượt lên tất cả những ông vua đức độ
và kẻ sĩ hiền tài, trong quá trình trị vì đất nước, Hồ Chí Minh đã
thực thi triệt để vấn đề “đức trị” với “pháp trị” trên cơ sở cách
mạng, khoa học và nhân nghĩa, nói đi đôi với làm vì hạnh phúc
của nhân dân.
Pháp luật và đạo đức là hai lĩnh vực khác nhau thuộc hình thái ý
thức xã hội. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, hai vấn đề này có
mối quan hệ mật thiết với nhau. Pháp luật là một biện pháp để
khẳng định một chuẩn mực đạo đức; ngược lại đạo đức là những
nguyên tắc, chuẩn mực, định hướng giá trị được xã hội thừa


nhận, có tác dụng chi phối, điều chỉnh hành vi con người trong
quan hệ với người khác, nhưng nhiều khi rất cần sự hỗ trợ của
pháp luật. Bởi vì nếu không kết hợp với tính nghiêm minh, khoa
học của pháp luật thì giáo dục đạo đức trở thành vô nghĩa. Tư
tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh cho thấy rõ điều này. Chẳng
hạn khi trả lời vụ Chu Bá Phượng, Người nói Chính phủ đã cố
gắng liêm khiết (tức là đạo đức). Nhưng nếu làm gương không
xong, thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ. Trước khi
ký lệnh bác đơn chống án của Trần Dụ Châu, với một trái tim
bao dung, độ lượng, Hồ Chí Minh rất đau lòng, suy nghĩ nhiều
đêm. Nhưng rõ ràng, những vụ tham nhũng kiểu đó mà nếu chỉ
kêu gọi, giáo dục đạo đức không thôi thì không bao giờ giải
quyết được vấn đề. Phải có một bộ máy thể hiện tính khoa học
và nghiêm minh của pháp luật. Tư tưởng Hồ Chí Minh là nặng
về giáo dục, nhẹ về xử phạt, nhưng cái gì cũng không dùng đến
xử phạt thì không nên, sẽ mất cả kỷ luật. Trọn đời Hồ Chí Minh
là một cuộc đời giáo dục mọi người làm người, lấy đức làm gốc.
Bởi vì, dù tài giỏi đến mấy mà không có đức, không có căn bản
thì không làm được cách mạng. Nhưng Người luôn quán triệt
“đức trị” phải thống nhất với “pháp trị”. Trong Di chúc, Người
viết: “Đối với nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái
điếm, cờ bạc, buôn lậu,v.v thì Nhà nước phải dùng vừa giáo
dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những
người lao động lương thiện” (1).
Một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập khẳng định quyền
con người và quyền của các dân tộc, tại phiên họp đầu tiên của
Chính phủ (3-9-1945), trong 6 nhiệm vụ cấp bách, Chủ tịch Hồ
Chí Minh đề ra nhiệm vụ thứ ba là “chúng ta phải có ngay một
hiến pháp dân chủ; phải tổ chức càng sớm càng hay cuộc TổNG
TUYểN Cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” để sớm có một

Nhà nước hợp hiến do nhân dân bầu ra. Ngày 17-9-1945, Chủ
tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh ấn định thể lệ Tổng tuyển cử.
Ngày 20-9-1945, Người ký Sắc lệnh 34 thành lập ủy ban dự thảo
hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để chuẩn bị đệ
trình Quốc hội. Chính phủ liên hiệp kháng chiến được Quốc hội
họp phiên đầu tiên ngày 2-3-1946 bầu ra là Chính phủ hợp hiến
đầu tiên có đầy đủ tư cách và hiệu lực trong việc giải quyết mọi
vấn đề đối nội và đối ngoại.
Hồ Chí Minh hiểu rõ rằng, từ một nền văn hóa nông nghiệp, trải
qua hàng nghìn năm dưới chế độ phong kiến chuyên chế và
hàng trăm năm dưới chế độ thực dân cũng không kém phần
chuyên chế, chúng ta không thể đi nhanh tới việc xác lập một
nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên phải nhấn mạnh tới vai trò của
pháp luật trong quản lý điều hành đất nước và phải có những
hoạt động tích cực, kịp thời để từng bước hoàn thiện hệ thống
pháp luật. Nói tới pháp luật của chế độ mới dân chủ cộng hòa là
phải gắn với dân chủ, hai nội dung đó nương tựa vào nhau. Pháp
luật là bệ đỡ của dân chủ và không thể có dân chủ ngoài pháp
luật. Theo Hồ Chí Minh, mọi quyền dân chủ phải được thể chế
hóa bằng pháp luật và pháp luật bảo đảm cho quyền tự do dân
chủ được thực thi trong thực tế.
Hồ Chí Minh là người có công lớn nhất trong sự nghiệp lập hiến
và lập pháp. Nhưng điều quan trọng hơn là Người tập trung chỉ
đạo đưa pháp luật vào cuộc sống, làm cho pháp luật có hiệu lực
trong thực tế, tạo cơ chế bảo đảm cho pháp luật được thi hành.
Đối với một nước dân chủ, Hồ Chí Minh quan tâm tới năng lực
làm chủ của người dân. Trước đây, dưới chế độ cũ, bọn thực dân
phong kiến tìm cách làm cho dân ngu để dễ trị. Trong chế độ
mới, Hồ Chí Minh quan tâm giáo dục lại nhân dân, nâng cao dân
trí, làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng

quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm. Pháp luật chỉ có
hiệu lực trong thực tế khi nhân dân có những hiểu biết nhất định
về văn hóa, chính trị, về pháp luật, về quyền công dân. Người
dân chỉ có thể “dám mở mồm ra” – như cách nói của Bác Hồ –
khi có những hiểu biết nhất định về pháp luật.
Giáo dục nhân dân hiểu biết về pháp luật là cần thiết, vì điều đó
tạo ra tính chủ động của người dân trong thực thi pháp luật.
Nhưng cán bộ – nhất là cán bộ ngành tư pháp – làm gương trong
việc tuân thủ pháp luật cũng rất cần thiết. Nói chung thì đạo làm
gương cần thiết trong mọi hoạt động. Bởi vì văn hoá phương
Đông chứa đựng một triết lý “một tấm gương sống còn có giá trị
hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Trong thư gửi Hội
nghị tư pháp toàn quốc tháng 2-1948, Hồ Chí Minh viết: “Các
bạn là bậc trí thức. Các bạn có cái trách nhiệm nặng nề và vẻ
vang là làm gương cho dân trong mọi việc… Các bạn là những
người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn phải
nêu cao cái gương “phụng công, thủ pháp”, chí công vô tư cho
nhân dân noi theo”(2). Hồ Chí Minh là tấm gương sáng, mẫu
mực trong việc thực thi pháp luật. Những câu chuyện về việc
Người chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông, đèn đỏ dừng lại,
hay đơn giản là tôn trọng quy định của nhà chùa cởi dép khi vào
lễ Phật,… được nhân dân truyền tụng, học tập, có sức giáo dục
to lớn cho cán bộ, nhân dân trong việc thực thi pháp luật.
Tư tưởng “pháp trị” của Hồ Chí Minh đặc biệt thể hiện nổi bật ở
việc bảo đảm tính khoa học, hiệu lực và nghiêm minh của pháp
luật. Hơn hai tháng sau khi tuyên bố độc lập, ngày 23- 11-1945,
Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 64-SL về việc thành lập Ban Thanh
tra đặc biệt và một Toà án đặc biệt có nhiệm vụ giám sát và xét
xử các sai phạm của các nhân viên từ trong các uỷ ban nhân dân
các cấp đến cơ quan cao nhất của chính quyền (các Bộ).

Bốn ngày sau khi ký Sắc lệnh thành lập Ban Thanh tra đặc
biệt và Toà án đặc biệt, Hồ Chí Minh lại ký tiếp Sắc lệnh ấn
định hình phạt tội đưa và nhận hối lộ sẽ bị phạt từ 5 đến 20 năm
khổ sai và phải nộp phạt gấp đôi số tiền nhận hối lộ. Cuối năm
đó, khi giao cho đồng chí Lê Giản phụ trách ngành Công an (Ty
Liêm phóng), Người đã dặn rằng: Chú phụ trách ngành này là
phải “thiết diện vô tư”, tức là mặt sắt không thiên vị. Nếu chú
không “thiết diện vô tư” thì Bác sẽ “thiết diện vô tư” đối với
chú. Như vậy, chỉ trong vòng 3-4 tháng sau ngày tuyên bố nước
Việt Nam độc lập, Hồ Chí Minh đã tập trung cao độ cho việc
xây dựng bộ máy, trong đó có khía cạnh pháp luật chống tham
nhũng, một trong những vấn đề lớn liên quan tới sự sống còn
của chế độ mới. Ngay cả khi nói về Đảng, gắn vấn đề pháp luật
chống tham nhũng, Người khẳng định “nếu cần có đảng phái thì
sẽ là đảng dân tộc Việt Nam. Đảng đó sẽ chỉ có một mục đích
làm cho dân tộc ta hoàn toàn độc lập. Đảng viên của đảng đó sẽ
là tất cả quốc dân Việt Nam, trừ những kẻ phản quốc và những
kẻ tham ô ra ngoài”. Trong trường hợp này, Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã đặt ngang hàng kẻ tham ô với kẻ phản quốc. Và hai tội
danh này đều xếp vào khung hình phạt tử hình theo Quốc lệnh
10 điều thưởng và 10 điều phạt ngày 26-1-1946 do Hồ Chí Minh
ký.
Với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, Hồ Chí Minh trăn trở
với vận nước, với “nền dân chủ mới chưa hoàn toàn”. Năm
tháng sau khi tranh được quyền độc lập, Hồ Chí Minh đã có bài
“tự phê bình” trên báo Cứu quốc số 153, ngày 28-1-1946. Sau
khi khẳng định Chính phủ có làm được một số việc, Hồ Chí
Minh đau lòng thừa nhận rằng “tuy nhiều người trong ban hành
chính làm việc tốt và thanh liêm, song cái tệ tham ô, nhũng lạm
chưa quét sạch”. Đây là lần đầu tiên trong chế độ mới, Hồ Chí

Minh dùng hai từ “nhũng lạm” với nghĩa lạm dụng quyền lực để
tham nhũng. Người lạm dụng quyền lực thì trước hết phải có
quyền lực. Vậy thì ai là những người có quyền lực? Theo Hồ
Chí Minh, đó chỉ có thể là những người làm việc trong các công
sở, cán bộ các cơ quan, các đoàn thể. Và quyền lực ở đây được
đặt trong mối tương quan giữa cán bộ công chức với nhân dân.
Người dân không thể có quyền hành, quyền lực; chỉ có cán bộ
công chức mới có quyền hành, quyền lực. Người viết: “Những
người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu
không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính, thì dễ trở nên hủ bại,
biến thành sâu mọt của dân” (3). Sau này Người lại viết: “Trước
nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to,
cấp thấp thì quyền nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp
đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư” (4).
Trong năm 1946, những chuyện về ăn hối lộ, tham nhũng trong
Chính phủ đã được Quốc hội nước ta lúc bấy giờ hết sức quan
tâm. Đặc biệt là sau vụ Chu Bá Phượng, Bộ trưởng Bộ kinh tế
trong Chính phủ liên hiệp kháng chiến, là đại biểu của Việt Nam
Quốc dân đảng, thành viên trong đoàn Chính phủ ta dự Hội nghị
Fontainbleau, bị các nhà chức trách Pháp bắt được vì mang vàng
đi buôn. Tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá I (11-1946), có đại
biểu Quốc hội đã chất vấn Chính phủ về vụ việc này. Thay mặt
Chính phủ, Bác Hồ đã trả lời thẳng thắn rằng, “Chính phủ hiện
thời đã cố gắng liêm khiết lắm. Nhưng trong chính phủ, từ Hồ
chí Minh đến những người làm việc ở các uỷ ban làng, đông
lắm, phức tạp lắm. Dù sao, Chính phủ đã hết sức làm gương, và
nếu làm gương không xong, thì sẽ dùng pháp luật mà trị những
kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết”. Tư tưởng Hồ
Chí Minh về tính nghiêm minh của pháp luật thật rõ ràng, dứt
khoát: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất

kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”(5).
Bước vào thập niên năm mươi, để tập trung mọi khả năng cho
thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược,
Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới công tác chỉnh Đảng, chống
tham ô, lãng phí, quan liêu, nghiêm minh với tội hối lộ. Ngày
24-1-1952, khi viết về “Sự nghiệp vĩ đại của Lênin”, Người đã
nhắc tới tính nghiêm khắc của Lênin trong việc xử bọn ăn hối
lộ: “Đối với tệ tham ô hủ hoá, Lênin rất nghiêm khắc. Có một
lần Toà án Mạc Tư Khoa xử nhẹ một vụ ăn hối lộ, Lênin liền
viết trong một bức thư: “không xử bắn bọn ăn hối lộ mà xử nhẹ
như thế, là một việc xấu hổ cho những người cộng sản, những
người cách mạng”(6). Trong kháng chiến chống Pháp (9-1950),
Bác Hồ – dù rất đau lòng – vẫn đã y án tử hình Trần Dụ Châu,
Đại tá, Cục trưởng Cục quân nhu, phạm tội lợi dụng chức vụ,
quyền hạn, bớt xén phần cơm áo của bộ đội để sống trác táng,
trụy lạc. Người tâm sự với Trần Đăng Ninh trước khi ký bác đơn
chống án của Trần Dụ Châu: “Với loài sâu mọt đục khét nhân
dân, nếu phải giết đi một con mà cứu được cả rừng cây, thì việc
đó là cần thiết, hơn nữa là nhân đạo” (7).
Để bảo đảm nhà nước pháp quyền có hiệu lực mạnh, với tư
tưởng ‘tìm người tài đức”, chiêu hiền đãi sĩ, cầu người hiền tài,
Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng đội ngũ cán
bộ công chức vừa “hồng” vừa “chuyên”. “Hồng” ở đây là nói tới
phẩm chất đạo đức của người cán bộ công chức, mà hàng đầu và
xuyên suốt là ý thức và tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân, phục
vụ Tổ quốc. Còn “chuyên’ là nói tới năng lực thực tế của công
chức Việt Nam nói chung và năng lực trong việc giữ một nhiệm
vụ cụ thể trong bộ máy nhà nước nói riêng với tinh thần “làm
nghề gì cũng phải học” và “làm nghề gì phải giỏi nghề đó”.
Hiện nay, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, chúng ta phải có tư duy

toàn cầu về một Quốc hội, một Chính phủ thời hội nhập. Vấn đề
rộng lớn, nhưng lõi cốt là tập trung xây dựng Nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân;
Chính phủ phải thật sự là công bộc của dân. Chúng ta coi việc
giáo dục cán bộ, đảng viên, nhân dân học tập và làm theo tấm
gương đạo đức Hồ Chí Minh là vấn đề có ý nghĩa cơ bản, lâu dài
và cấp bách. Tuy nhiên, hội nhập quốc tế mà pháp luật không
nghiêm thì phải trả giá đắt. Chúng ta đã có quá nhiều bài học về
vấn đề này do sự kém hiểu biết về pháp luật (Việt Nam và quốc
tế), non kém trong trình độ quản lý, không nghiêm và minh về
pháp luật. Trước tình hình đó, việc nghiên cứu và quán triệt sâu
sắc tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh về sự thống nhất giữa
“đức trị” với “pháp trị” là hết sức cần thiết, vì nó tiếp tục soi
sáng công cuộc đổi mới của Đảng và dân tộc ta.
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H. 1996, t.12, tr.504.
2. Hồ Chí Minh, Sđd, t.5, tr.381-382.
3. Hồ Chí Minh, Sđd, t.5, tr.104.
4. Hồ Chí Minh, Sđd, t.5, tr.641.
5. Hồ Chí Minh, Sđd, t. 5, tr.641.
6. Hồ Chí Ming, Sđd, t.6, tr. 386.
7. Xem: Chương trình khoa học công nghệ cấp nhà nước KX.02,
Đề tài KX.02.13: Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà
nước và pháp luật (bài của PGS. Song Thành: Tư tưởng pháp
quyền Hồ Chí Minh – sựthống nhất giữa “đức trị” với “pháp
trị”), Bộ Tư pháp – Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý, 1993,
tr.214.



×