Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

Tâm sự của Nguyễn Du qua bài thơ Độc Tiểu Thanh ký pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (88.73 KB, 8 trang )

Tâm sự của Nguyễn Du qua bài
thơ Độc Tiểu Thanh ký

Bài thơ Độc Tiểu Thanh ký được Nguyễn Du sáng tác nhân đọc bài ký về
nàng Tiểu Thanh. Sơ lược về cuộc đời nàng Tiểu Thanh như sau:

“Nàng Tiểu Thanh tức Phùng Văn Cơ (1594 - 1612) mồ côi từ nhỏ, được
một bà sư nuôi và cho đi học, là người có nhan sắc và thông tuệ. Năm
16 tuổi, nàng lấy lẽ một công tử cũng họ Phùng, con nhà quyền quý
nhưng ngốc nghếch. Người vợ cả độc ác, hay ghen ghét, bắt nàng ở
riêng. Nàng cô đơn chỉ biết gửi lòng vào thơ từ, rồi sinh bệnh. Trước khi
chết, nàng thuê họa sĩ đến vẽ hình. Nàng bắt họa sĩ vẽ đi vẽ lại cho đến
khi được một bức họa lộng lẫy, có thần thái, rất sinh động. Khi nàng
chết (18 tuổi) người chồng tìm được quyển thơ của nàng sáng tác và
mấy bức chân dung đó. Người vợ cả biết chuyện đòi đưa ra. Người
chồng giấu giữ lại bức vẽ có thần thái rồi trao mấy bức vẽ nháp cùng
quyển thơ cho vợ. Bà vợ cả đốt hết. Về sau, do tình cờ, một người họ
hàng nhà chồng tìm thấy mấy tờ giấy nàng gói quà cho con gái người
giúp việc, đó lại chính là bản nháp thơ của nàng, bèn đưa khắc in và đặt
tên tập thơ là Phần dư.”

Câu chuyện về cuộc đời nàng Tiểu Thanh đã gợi cảm hứng cho Nguyễn
Du sáng tác bài thơ Độc Tiểu Thanh ký để nói lên nỗi lòng mình. Đây là
một bài thơ tâm trạng, một tâm trạng u uất trong một hoàn cảnh rất tế
nhị nên tác giả thể hiện tâm tư cũng rất kín đáo.

Ngẫm kỹ trong lời văn và trong ý tứ của bài thơ Độc Tiểu Thanh ký, ta
thấy Nguyễn Du không viếng nàng Tiểu Thanh mà chỉ viếng một tờ giấy.
Ông cũng không đồng cảm chung chung với tất cả những gì liên quan
đến cuộc đời nàng Tiểu Thanh mà chỉ đồng cảm với một phần đời của
nàng thôi.



Tác giả quan niệm nàng Tiểu Thanh có hai phần đời: Phần nhan sắc
được thể hiện qua bức tranh và phần văn chương được thể hiện qua
tập thơ. Khi nàng chết đi, phần nhan sắc vẫn được người chồng yêu
dấu, giữ gìn, còn phần văn chương của nàng hẩm hiu, đã bị đốt bỏ. Cái
phần văn chương đó của nàng sở dĩ còn được người đời biết đến là nhờ
tờ giấy nháp đã bỏ đi. Do đó, nhà thơ chỉ cảm thương cho phần đời văn
chương của nàng mà cũng là cảm thương cho cái mệnh của văn chương
nói chung trong đó có thơ ông. Bài thơ này ông sáng tác trên cái nền
của cảm xúc đó.

Bài thơ mở đầu bằng việc tác giả chỉ viếng một tờ giấy, đó là tờ giấy
nháp thơ được dùng để gói quà còn sót lại. Tờ giấy đó là hiện thân cho
phần đời thơ của nàng đã bị người chồng rẻ rúng nên tác giả mới viếng
nó:

Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.
( Trước cửa sổ, ta chỉ viếng một tờ giấy.)

Trong phần thực: tác giả nêu lên một hiện thực đau lòng là vẻ đẹp son
phấn bên ngoài lại được người chồng nâng niu, quý mến cho đến cả sau
khi chết. Còn văn chương, biểu hiện của tài năng, trí tuệ và tình cảm là
những phẩm chất cao quý thì lại chịu phận hẩm hiu, bị rẻ rúng, phải
nhờ vào tờ giấy nháp dùng để gói quà còn sót lại (phần dư) mà đến
được với đời. Chúng ta hãy chú ý đến tình tiết tế nhị này trong câu
chuyện về cuộc đời nàng Tiểu Thanh:

Nhan sắc : Bản chính - giữ lại, bản nháp - đốt bỏ.
Văn chương: Bản chính - đốt bỏ, bản nháp - giữ lại.


Và liên hệ với hai câu thơ trong phần thực:

Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư.
( Nhan sắc có thần thái nên được thương tiếc cả sau khi chết.
Văn chương mệnh hẩm nên phải nhờ vào phần còn sót lại. )

Đó là nghịch cảnh trớ trêu cho đời thơ của nàng Tiểu Thanh. Và đọc tiếp
mấy câu sau, ta thấy đó cũng lại là nghịch cảnh trớ trêu với cả đời thơ
của Nguyễn Du nữa.

Phần luận: tác giả luận về nguồn gốc khó hiểu của những oán hận, oan
trái xưa nay ở đời, và chính ông cũng đang mắc phải nỗi oan kỳ lạ như
thế. Biết rằng những nỗi oan như thế rất khó làm sáng tỏ nên ông buộc
phải chấp nhận sống cùng oan trái:

Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kỳ oan ngã tự cư.
( Cái hận xưa nay khó hỏi trời cho rõ được,
Ta đành phải sống trong nỗi oan phong vận lạ kỳ. )

Phong vận là vận gió, vận nhất thời hay cũng có thể gọi là thời vận. Đó
là cái vận do thời thế mang lại. Phong vận nằm trong câu văn này cho
phép ta tin chắc rằng: Nỗi oan kỳ lạ mà ông buộc phải sống trong đó là
nỗi oan trong đời văn chương của ông, nỗi oan này do thời thế mang
lại.

Trong phần kết, ông viết:

Bất tri tam bách dư niên hậu,

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Nguyễn Du cho rằng: Khi thời vận đổi thay, thì có thể người đời sẽ hiểu
được ông. Và ông dự đoán khoảng thời gian đó là: Tam bách dư niên
hậu tức hơn ba trăm năm sau. Hơn ba trăm năm là một khoảng thời
vận theo quan niệm lúc đó của ông.

Vậy tại sao ông lại quan niệm một khoảng thời vận là hơn ba trăm năm?
Ta thấy ý nghĩ này nung nấu tâm can tác giả kể từ câu mở đầu bài thơ:

Tây Hồ hoa uyển tận thành khư.
(Vườn hoa bên Hồ Tây đã trở nên hoang phế. )

Bài thơ khiến ta liên tưởng đến những biến cố của thời cuộc đang diễn
ra trước mắt nhà thơ. Một triều đại từng một thời lừng lẫy đã vĩnh viễn
đi khuất; những gì huy hoàng của triều đại đó, triều đại đã tồn tại hơn
ba trăm năm với kinh đô đóng bên Hồ Tây (triều Lê), đã trở nên hoang
phế. Triều đại tiếp theo (Quang Trung) cũng đã nhanh chóng ra đi. Và
Nguyễn Du đoán rằng: Triều đại hiện thời (Nguyễn Gia Long) tồn tại lâu
lắm cũng không thể quá cái thời hạn hơn ba trăm năm kia được.

Xét trong mạch tâm tư của Nguyễn Du thì quan niệm về khoảng thời
vận của ông không phải lúc nào cũng như vậy. Trước đó mấy chục năm,
trong bài Vị Hoàng doanh, ông viết:

Cổ kim vị kiến thiên niên quốc.
(Xưa nay chưa thấy nước ngàn năm. )

Nước theo quan niệm của người phong kiến là triều đại của một dòng
họ nào đó chứ không phải là một vùng trên bản đồ địa lý như quan

niệm hiện nay. Nguyễn Du viết bài Vị Hoàng doanh khi ông thấy doanh
trại của quân đội Tây Sơn đóng bên sông Vị Hoàng. Khi đó, quân Tây
Sơn đang mạnh, nên chắc là ông lấy thực tế ở Trung Quốc mà suy. Ở
Trung Quốc, triều đại tồn tại lâu nhất là nhà Chu cũng mới 901 năm
(1122 - 221 trước công nguyên).

Còn khi viết bài Độc Tiểu Thanh ký, triều đại Tây Sơn hùng mạnh năm
nào đã không còn. Có lẽ Nguyễn Du đã lấy theo thực tế ở Việt Nam mà
suy. Ở Việt Nam ta, từ khi giành được độc lập cho đến khi đó, vương
triều tồn tại lâu nhất là triều Lê cũng chỉ 360 năm (1428 - 1788).

Lúc này, mệnh văn chương của ông đang gặp hồi hẩm. Nhưng ông tin
rằng: Văn đạo của ông, tư tưởng của ông là đúng. Bây giờ người ta
chưa hiểu ông, nhưng khi thời vận đổi thay, có thể sẽ có người hiểu
ông, ông hy vọng vào điều đó. Ông tự nhận lấy sự cô độc của một người
đi trước thời đại nên chưa được người đời hiểu đúng mình và tin chắc
rằng: Sự đổi thay tất yếu sẽ xảy ra, vận hạn mới sẽ tới, khi đó sẽ có
người hiểu đúng ông. Có lẽ vì thế mà nhà thơ tạo ra hai câu cuối thất
niêm so với toàn bài chứ như tài chữ nghĩa của ông mà với ý đó, viết lại
hai câu cuối cho đúng niêm luật chắc không đến nỗi quá khó. Hai câu
này nói lên ước mong của nhà thơ ở một vận hội mới nên chúng không
còn đơn giản xuôi theo niêm luật cũ nữa. Hình như nhà thơ dùng cả sự
bố trí niêm luật để góp phần thể hiện ý tưởng.

Đến đây, ta thấy cả hai bài thơ Điệp tử thư trung và Độc Tiểu Thanh ký
đã được viết trong cùng một trạng thái tâm lý là nỗi niềm u uất, đau
khổ cho mệnh văn chương. Cả hai bài thơ đã thể hiện cùng một mạch
tư duy với sự kiên định về quan điểm sáng tác nhưng mức độ có khác
nhau: Nếu như ở bài Điệp tử thư trung, tác giả bế tắc chưa tìm ra lối
thoát cho văn chương, thà cam chịu chết nhiều lần cho sách để giữ lấy

văn đạo thì đến bài Độc Tiểu Thanh ký, có vẻ như tác giả đã tìm thấy lối
ra khi ông nói đến cái thời hạn tam bách dư niên hậu đó.

Tâm sự của Nguyễn Du trong hai bài thơ Điệp tử thư trung và Độc Tiểu
Thanh ký là những tư liệu quý giúp chúng ta tìm hiểu về giai đoạn đầu
hành thế của tác phẩm Đoạn trường tân thanh.

×