Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

Chuyên đề văn học "Tây Tiến" của Quang Dũng & phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân & "Tuyên ngôn Độc lập"_1 docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (214.67 KB, 8 trang )

Chuyên đề văn học
"Tây Tiến" của Quang Dũng & phong cách
nghệ thuật của Nguyễn Tuân & "Tuyên ngôn
Độc lập", Chủ tịch Hồ Chí Minh

ĐỀ RA
* Câu 1.
Anh (chị) hãy bình giảng đoạn thơ sau đây trong bài thơ "Tây Tiến" của
Quang Dũng:
"Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa".
* Câu 2.
Một trong những nét phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân là nhìn
con người ở phương diện tài hoa nghệ sĩ.
Anh (chị) hãy phân tích nhân vật người lái đò trong tuỳ bút "Người lái
đò Sông Đà" để làm sáng tỏ nhân định trên.
* Câu 3.
Kết thúc bản "Tuyên ngôn Độc lập", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh
trọng tuyên bố rằng:
"Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành
một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả
tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do,
độc lập ấy".
Dựa vào những hiểu biết về tác phẩm "Tuyên ngôn Độc lập" anh (chị)
hãy phân tích đoạn văn trên để làm sáng tỏ những tư tưởng lớn của
Người.

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
Hướng dẫn (Câu 1)


1. "Tây Tiến" là bài thơ tiêu biểu của Quang Dũng và của thơ ca thời kì
kháng chiến chống thực dân Pháp. Cả bài thơ là một hồi tưởng, bốn câu
thơ bình giảng ở đây cũng là hồi tưởng.
Sau cảm hứng tràn đầy về cuộc hành trình đầy gian khổ, tự hào của các
chiến sĩ Tây Tiến, bài thơ gợi lại những kỉ niệm sâu sắc, một thời từng
gắn bó với đoàn quân Tây Tiến. Bên cạnh hình ảnh chan hòa màu sắc
âm thanh (xiêm y của các cô gái miền Tây và nhạc điệu tiếng khèn) của
"hội đuốc hoa" là cảnh sông nước miền Tây mênh mang, mờ ảo.
2. Không gian dòng sông trong một buổi "chiều sương" ở Châu Mộc thật
lặng lờ, hoang dại. Bên dòng sông đậm màu sắc cổ tích, huyền thoại ấy,
thiên nhiên qua ngòi bút tài hoa của Quang Dũng như có linh hồn phảng
phất trong gió, trong cây:
"Có thấy hồn lau nẻo bến bờ".
3. Quang Dũng không tả mà chỉ gợi. Và cái "dáng người trên độc mộc"
cũng là gợi, nhưng vẫn làm rõ cái dáng đứng đẹp của những chàng trai,
cô gái trên con thuyền độc mộc lao trên sông nước. Như hòa hợp với con
người, những bông hoa rừng cũng "đong đưa" làm duyên trên dòng
nước lũ. Ở đây là cái nhìn đầy tính chất tạo hình của một họa sĩ.
4. Bốn câu thơ như một bức tranh thuỷ mặc với những nét vẽ chấm phá,
tinh tế, mềm mại, tài hoa truyền được cái hồn của cảnh vật.
Gợi ý bài làm (Câu 1)
Một trong những thành tựu chói lọi của thơ ca kháng chiến chống Pháp
là những bài thơ viết về anh bộ đội Cụ Hồ: "Đồng chí" (Chính Hữu),
"Đèo Cả", "Màu tím hoa sim" (Hữu Loan), "Viếng bạn" (Hoàng Lộc),
"Lên Tây Bắc", "Hoan hô chiên sĩ Điện Biên" (Tố Hữu), "Tây Tiến"
(Quang Dũng), v.v Trong đó, bài thơ "Tây Tiến" mãi mãi là một tráng
ca anh hùng của đất nước và con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí
Minh.
Sau hơn một năm trời, cùng đồng đội trong đoàn binh Tây Tiến vào sinh
ra tử tại chiến trường miền Tây, Quang Dũng được điều động đi nhận

nhiệm vụ mới. Tại Phù Lưu Chanh (Hà Tây), ông viết bài thơ "Tây Tiến"
này (1948). Bài thơ đầy ắp nỗi nhớ và niềm tự hào đối với chiến trường
miền Tây, đối với đồng đội và đoàn binh Tây Tiến thân yêu một thời
trận mạc.
"Tây Tiến" được viết theo thể thơ thất ngôn, như những liên khúc trường
thiên, dài 34 câu, chia làm 4 phần:
- Phần I, 14 câu: nhớ chiến trường miền Tây.
- Phần II, 8 câu: nhớ hội đuốc hoa và chiều sương Châu Mộc.
- Phần III, 8 câu: tự hào về đoàn binh Tây Tiến anh hùng.
- Phần IV, 4 câu: càng bồi hồi thương nhớ
Bốn câu thơ dưới dây nằm trong phần II bài "Tây Tiến". Sau nỗi nhớ
"em" trong xiêm áo rực rỡ, nhớ khèn, nhớ "nàng e ấp" trong "hội đuốc
hoa" là nỗi nhớ miền đất lạ:
"Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa".
"Người", nhân vật trữ tình phiếm chỉ, vừa là đồng đội, vừa nhà nhà thơ.
Nỗi nhớ vơi đầy, nhớ Mộc Châu một chiều sương. Hình ảnh "chiều
sương" rất gợi, như dẫn hồn người nhập và một thế giới hoang sơ, lặng
tờ mang màu sắc cổ tích, đó là một chiều thu chiến khu đã phủ mờ
sương khói hoài niệm. Mộc Châu thuộc tỉnh Sơn La, nơi có dãy núi Pha
Luông cao 1.880m "Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống" như mái
nhà chọc trời. Là nơi có bản Pha Luông sầm uất của đồng bào Thái (Tây
Bắc), nhà sàn lớp lớp nhấp nhô hiện lên trong màn mưa rừng: "Nhà ai
Pha Luông mưa xa khơi". Mộc Châu còn có những cánh đồng cỏ xanh
biếc mênh mông, là xứ sở của những đồi chè, đặc sản ở nước ta đã bao
đời nay. "Xoè xứ Thái, gái Pha Luông" đã trở thành ca dao, tục ngữ. Câu
thơ "Người đi Châu Mộc chiều sương ấy" như nhắc khẽ một nỗi niềm
với bao man mác bâng khuâng về một miền đất lạ, hoang vắng, xa xôi

Chữ "ấy" cuối câu trên bắt vần với chữ "thấy" ở phần đầu câu dưới, tạo
nên một vần lưng tài tình. Âm hưởng vần thơ cất lên như một tiếng thầm
thì "có thấy", một tiếng khẽ hỏi nhiều xao xuyến, mênh mang. Thật lắng
đọng và rất đỗi tài hoa:
"Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ".
"Nẻo" là lối đi, đường đi, là nơi chốn. "Truyện Kiều" có câu: "Nẻo xa
mới tỏ mặt người", hay "Bụi hồng dứt nẻo đi về chiêm bao", v.v "Nẻo
bến bờ" là nơi bến bờ sông suối hoang sơ, heo hút. Thi liệu - hình ảnh
"hồn lau" đầy thơ mộng là một nét đẹp của chiều sương Mộc Châu. Mùa
xuân, hoa lau nở tím rừng. Sang thu, hoa lau trắng rừng. Hoa lau, cờ lau
phất phơ, lá lau kêu xào xạc trong gió thu. Các thi sĩ gọi hồn lau cũng là
hồn của mùa thu. Tản Đà cảm nhận được hồn lau "chạy" trong gió thu:

"Một dãy lau cao làn gió chạy,
Mấy cây thưa lá sắc vàng pha".
(Thăm mả cũ bên đường)
Trong bài "Lau mùa thu", thi sĩ Chế Lan Viên viết:
"Ngàn lau cười trong nắng
Hồn của mùa thu về
Hồn mùa thu sắp đi
Ngàn lau xao xác trắng".
Câu thơ "Có thấy hồn lau nẻo bến bờ" đúng là "câu thơ mang đậm tâm
hồn một thi nhân" (Phan Cự Đệ).
Những năm đầu kháng chiến chống Pháp, chiến trường miền Tây vô
cùng dữ dội, ác liệt và gian khổ. Núi rừng hùng vĩ, hoang dại nhưng rất
thơ mộng đối với những chàng lính trẻ Tây Tiến. Các từ ngữ, hình ảnh:
"chiều sương", "hồn lau nẻo bến bờ" đã thể hiện một cách nhìn, cách
cảm thiên nhiên rất lạc quan yêu đời, yêu thiên nhiên của một hồn thơ
chiến sĩ hào hoa, tài hoa.

Điệp ngữ "có thấy" và "có nhớ" trong câu hỏi tu từ như hai nốt nhấn vào
cõi tâm linh, khẽ nhắc và khẽ hỏi. Hoài niệm về miền đất lạ bỗng trào
lên, ùa về:
"Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc".
Ở đây, nhạc của thơ cũng là nhạc của lòng. Phải sống hết mình với núi
rừng miền Tây, "chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh" mới có nỗi nhớ
ấy. Con thuyền độc mộc là một nét đẹp độc đáo của sông suối miền Tây.
Chế Lan Viên đã so sánh vầng trăng khuyết giữa núi rừng miền Tây như
con thuyền độc mộc:
"Những vầng trăng như con thuyền độc mộc
Xuôi ta trên Thời Gian - ngọn thác vô-cùng".
(Sông Lào)
"Dáng người trên độc mộc" là một nét vẽ rất gợi, tả ít mà gợi nhiều, đã
làm hiện lên dáng đứng đẹp, thanh nhẹ, trẻ tráng của những chàng trai,
những cô gái đang điều khiển con thuyền độc mộc lướt nhẹ như bay trên
dòng suối, dòng nước:
"Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa".
Chữ "trôi" rất tinh tế, gợi tả sự nhẹ nhàng, thanh thản; "Trôi dòng nước
lũ hoa đong đưa". Phải có "tay lái ra hoa" (chữ Nguyễn Tuân) thì mới
"đong đưa" đẹp như thế. Hình ảnh "hoa đong đưa" có 2 cách hiểu. Giáo
sư Phan Cự Đệ đã nhận xét: "Như hoà hợp với con người, những bông
hoa rừng cũng "đong đưa" làm duyên trên dòng nước lũ". Lại có người
cho rằng "hoa đong đưa" là một ẩn dụ nghệ thuật thể hiện bút pháp lãng
mạn, tài hoa của Quang Dũng. Cô gái Thái miền Châu Mộc xinh đẹp,
duyên dáng như một đóa hoa rừng đang lái con thuyền độc mộc trôi
nhanh, lướt nhanh trên dòng suối. "Dòng nước lũ" đã trở thành "suối
mơ" (nhạc của Văn Cao). Cảnh sắc cao nguyên Mộc Châu càng trở nên
thơ mộng đáng yêu.

Thơ Quang Dũng không chỉ đẹp ở thi liệu, hình sắc mà còn hấp dẫn về
sự phong phú nhạc điệu, vần điệu. Vừa có vần chân (bờ - đưa) vừa có
vần lưng (ấy - thấy), vừa có điệp ngữ (có thấy có nhớ ) vừa có điệp
âm, điệp thanh (Châu Mộc - độc mộc; dòng - đong đưa), tất cả đã phối
hợp một cách hài hoà làm cho khổ thơ "tươi nhạc, tươi vần" (chữ của Tố
Hữu).
Về bằng trắc, niêm luật, 4 câu thơ trên đây, tự thân nó mang tính chuẩn
mực của một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật. Về thi liệu rất chọn
lọc, cổ điển: chiều sương, hồn lau, độc mộc, hoa đong đưa.
Bức tranh thiên nhiên và con người nơi Châu Mộc hơn nửa thế kỉ trước,
trong máu lửa chiến tranh đã được cảm nhận một cách thơ mộng qua bút
pháp nghệ thuật tài hoa, qua hồn thơ lãng mạn của khách chinh phu
trong thời đại Hồ Chí Minh. Đoạn thơ như một bức tranh thuỷ mặc với
vài nét vẽ mềm mại, tinh tế, biểu cảm, vừa mang màu sắc cổ điển, vừa
mang tính thời đại, hiện đại.

×