Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

Chuyên đề văn học "Tuyên ngôn độc lập" & "Đây thôn Vĩ Dạ"_2 pot

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (181.18 KB, 7 trang )

Chuyên đề văn học
"Tuyên ngôn độc lập" & "Đây thôn Vĩ Dạ"

"Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành
một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh
thần và lực lượng, tính mạng và của cải, để giữ vững quyền tự do, độc
lập ấy".
"Tuyên ngôn Độc lập" đã thể hiện một cách cao đẹp và sáng tỏ phong
cách chính luận của Hồ Chí Minh. Bác viết văn làm thơ là để phục vụ
cách mạng. Trước lúc cầm bút, Người tự hỏi: "Viết nhằm mục đích gì?
Viết cho ai? Viết về vấn đề gì? Viết như thế nào?". Đối tượng của
"Tuyên ngôn Độc lập" không chỉ là nhân dân Việt Nam mà còn là để nói
với thế giới, đặc biệt là để nói với bọn đế quốc, thực dân đang âm mưu
tái chiến Việt Nam. Mọi lí lẽ, luận cứ đều tập trung hướng về những đối
tượng ấy và khẳng định quyền độc lập, tự do của nhân dân ta.
Những luận cứ được Hồ Chủ tịch nêu lên trong bản "Tuyên ngôn Độc
lập" là những bằng chứng không thể chối cãi được. Chỉ một lời vạch tội,
một mũi tên mà bắn trúng hai đích: "Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn
trường học". Đó là chính sách đàn áp khủng bố và ngu dân của thực dân
Pháp.
Lối viết ngắn gọn, hàm súc, đầy thuyết phục. Chỉ một câu 9 từ mà nêu
bật một cục diện chính trị: "Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái
vị". Cách dùng từ ngữ của Bác rất chính xác, gợi cảm. Văn chính luận,
bản chất của nó là lí lẽ và cách lập luận. Thế nhưng, có lúc xuất hiện
những hình ảnh cực kì xúc động: "Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của
ta trong những bể máu". Cách dùng từ ngữ, nhất là động từ, trạng ngữ
vừa chính xác vừa đanh thép: "thẳng tay chém giết ", "thoát li hẳn ",
"xóa bỏ hết ", "xóa bỏ tất cả ". Văn phong của Bác rất nhuần nhị,
uyển chuyển trong cách sử dụng điệp từ điệp ngữ, cấu trúc cân xứng,
trùng điệp, tăng cấp tạo nên những câu văn đẹp, ý tưởng sâu sắc, đầy
ấn tượng:


"Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay,
một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm
nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!".
Hồ Chí Minh đã viết "Tuyên ngôn Độc lập" vào hạ tuần tháng Tám năm
1945, tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, Hà Nội, ngay sau ngày Người
từ chiến khu Việt Bắc về tới thủ đô (26-8-1945). Hồ Chí Minh đã có lần
nói, suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, chỉ có lúc soạn thảo "Tuyên
ngôn Độc lập" là "những giờ phút sảng khoái nhất" của Người.
Bản "Tuyên ngôn Độc lập" đã kế thừa và phát triển bài thơ "Thần" của
Lý Thường Kiệt, "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi. Nó là bản anh
hùng ca của thời đại Hồ Chí Minh. Nó nói lên khát vọng độc lập, tự do
của dân tộc Việt Nam anh hùng. Với giá trị lịch sử to lớn, với lập luận
chặt chẽ, sắc bén đanh thép, hùng hồn, bản "Tuyên ngôn Độc lập" là một
nét chói lọi góp phần làm rạng rỡ nền văn hiến Việt Nam. Trong cuốn
hồi kí "Những năm tháng không thể nào quên", Đại tướng Võ Nguyên
Giáp có viết:
"Bản án chế độ thực dân Pháp" đã có từ 30 năm trước đây. Nhưng hôm
nay mới chính là ngày chế độ thực dân Pháp bị đưa ra cho toàn dân Việt
Nam công khai xét xử. Lịch sử đã sang trang. Một kỉ nguyên mới bắt
đầu: Kỉ nguyên Độc lập, Tự do, Hạnh phúc Cả dân tộc đã hồi sinh.
Vô vàn khó khăn còn ở phía trước mắt. Nhưng đối với bọn đế quốc,
muốn phục hồi lại thiên đàng đã mất, mọi việc cũng không còn dễ dàng
như xưa".
"Tuyên ngôn Độc lập" là thành quả chiến đấu trong suốt 80 năm của
nhân dân ta, là sự kết tinh bằng máu của hàng triệu con người Việt Nam:
"Tự do đã nở hoa hồng,
Trong dòng máu đỏ, trên đồng Việt Nam".
(Tố Hữu)
Bài làm (Câu 2)
Huế đẹp và thơ. Núi sông diễm lệ. Con gái Huế xinh tươi và đa tình.

Nếp sống thanh lịch của miền núi Ngự sông Hương đã trở thành ấn
tượng và cảm mến sâu sắc đối với bao người gần xa:
"Đã đôi lần đến với Huế mộng mơ
Tôi ôm ấp một tình yêu dịu ngọt "
Thơ ca viết về Huế có nhiều bài hay. Tiêu biểu là bài thơ "Đây thôn Vĩ
Dạ" của Hàn Mặc Tử (1912 - 1940), nhà thơ lỗi lạc trong phong trào
"Thơ mới". Bài thơ có 3 khổ thơ thất ngôn nói về cảnh sắc và cô gái Vĩ
Dạ trong hoài niệm với bao cảm xúc bâng khuâng, man mác, thẫn thờ.
Vĩ Dạ, một làng cổ xinh đẹp nằm bên bờ Hương Giang thuộc cố đô Huế,
qua hồn thơ Hàn Mặc Tử mà trở nên gần gũi yêu thương đối với nhiều
người hơn 60 năm qua. Đây là khổ thư thứ hai của bài "Đây thôn Vĩ
Dạ".
"Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?"
1. Khổ thơ thứ nhất nói về cảnh vật thôn Vĩ khi "nắng mới lên" Ở khổ
thơ thứ hai, Hàn Mặc Tử nhớ đến một miền sông nước mênh mang, bao
la, một không gian nghệ thuật nhiều thương nhớ và lưu luyến. Có gió,
nhưng "gió theo lối gió". Cũng có mây, nhưng "mây đường mây". Mây
gió đôi đường, đôi ngả:
"Gió theo lối gió / mây đường mây".
Cách ngắt nhịp 4/3, với hai vế tiểu đối, gợi tả một không gian gió, mây
chia lìa, như một nghịch cảnh đầy ám ảnh. Chữ "gió" và "mây" được
điệp lại hai lần trong mỗi vế tiểu đối đã gợi lên một bầu trời thoáng
đãng, mênh mông. Thi nhân đã và đang sống trong cảnh ngộ chia li và
xa cách nên mới cảm thấy gió mây đôi ngả đôi đường như tình và lòng
người bấy nay. Ngoại cảnh gió mây chính là tâm cảnh Hàn Mặc Tử.
Không có một bóng người xuất hiện trước cảnh gió mây ấy. Mà chỉ có
"Dòng nước buồn thiu, hoa bắp tay". Cảnh vật mang theo bao nỗi niềm.

Sông Hương lững lờ trôi xuôi êm đềm, trong tâm tưởng thi nhân đã hoá
thành "dòng nước buồn thiu", càng thêm mơ hồ, xa vắng. "Buồn thiu" là
buồn héo hon cả gan ruột, một nỗi buồn day dứt triền miên, cứ thấm sâu
mãi vào hồn người. Hai tiếng "buồn thiu" là cách nói của bà con xứ Huế.
Bờ bãi đôi bờ sông cũng vắng vẻ, chỉ nhìn thấy "hoa bắp lay". Chữ "lay"
gợi tả hoa bắp đung đưa trong làn gió nhẹ. Hoa bắp, hoa bình dị của
đồng nội cũng mang tình người và hồn người.
Hai câu thơ 14 chữ với bốn thi liệu (gió, mây, dòng nước, hoa bắp) đã
hội tụ hồn vía cảnh sắc thôn Vĩ. Hình như đó là cảnh chiều hôm? Hàn
Mặc Tử tả ít mà gợi nhiều, tượng trưng mà ấn tượng. Ngoại cảnh thì
chia lìa, buồn lặng lẽ biểu hiện một tâm cảnh: thấm thía nỗi buồn xa
vắng, cô đơn.
2. Hai câu thơ tiếp theo gợi nhớ một cảnh sắc thơ mộng, cảnh đêm trăng
trên Hương Giang ngày nào. "Dòng nước buồn thiu" đã biến hoá kì diệu
thành "sông trăng" thơ mộng:
"Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?".
Đây là hai câu thơ tuyệt bút của Hàn Mặc Tử được nhiều người ngợi ca,
kết tinh rực rỡ bút pháp nghệ thuật tài hoa lãng mạn. Một vần lưng tài
tình. Chữ "đó" cuối câu 3 bắt vần với chữ "có" đầu câu 4, âm điệu vần
thơ cất lên như một tiếng khẽ hỏi thầm "có chở trăng về kịp tối nay?".
"Thuyền ai" phiếm chỉ, gợi lên bao ngỡ ngàng bâng khuâng, tưởng như
quen mà lạ, gần đó mà xa xôi. Con thuyền mồ côi nằm trên bến đợi
"sông trăng" là một nét vẽ thơ mộng và độc đáo. Đã có "Thuyền ai đậu
bến Cô Tô" hiện lên trong ánh trăng tà và tiếng quạ kêu sương trong thơ
Trương Kế đời Đường. Đã có "Sông xuân đâu chẳng sáng ngời trăng"
trong "Xuân giang hoa nguyệt dạ" của Trương Nhược Hư, 1300 năm về
trước. Lại có cảnh "Gió trăng chứa một thuyền đầy" (Nguyễn Công
Trứ). Còn có "Trăng sông Trà như tấm gương soi dòng nước bạc" (Cao
Bá Quát). Qua đó, ta thấy hình tượng "sông trăng" là mới mẻ, sáng tạo.

Cả hai câu thơ của Hàn Mặc Tử, câu thơ nào cũng có trăng. Ánh trăng
tỏa sáng dòng sông, con thuyền và bến đò. Con thuyền không chở người
(vì người xa cách chia li) mà chỉ "chở trăng về". Phải "về kịp tối nay" vì
đã cách xa và mong đợi sau nhiều năm tháng. Con thuyền tình của ước
vọng nhưng đã thành vô vọng! Bến sông trăng trở nên vắng lặng vì
"thuyền ai" chỉ là con thuyền mồ côi.
Sau cảnh gió, mây, là con thuyền, bến đợi và sông trăng. Cảnh đẹp một
cách mộng ảo. Cả ba hình ảnh ấy đều biểu hiện một nỗi niềm, một tâm
trạng cô đơn, thương nhớ đối với cảnh và người nơi thôn Vĩ. Như ta đã
biết, thời trai trẻ, Hàn Mặc Tử đã từng học ở Huế, từng có một mối tình
đơn phương với một thiếu nữ thôn Vĩ, mang tên một loài hoa. Với chàng
thi sĩ tài hoa, đa tình và bất hạnh, đang sống trong cô đơn và bệnh tật,
nhớ Vĩ Dạ là nhớ cảnh cũ người xưa. Cảnh "gió theo lối gió, mây đường
mây", cảnh "thuyền ai đậu bến sông trăng đó" là cảnh đẹp mà buồn.
Buồn vì chia lìa, xa vắng, lẻ loi và vô vọng.
Khổ thơ trên đây, mỗi câu, mỗi chữ, mỗi vần thơ đều thấm đẫm tình
thương nhớ và một nỗi "buồn thiu" lẻ loi. Vần thơ tả cảnh ngụ tình đặc
sắc. Thơ Hàn Mặc Tử, đúng là thơ trữ tình hướng nội "tình trong cảnh
ấy, cảnh trong tình này"

×