Về bài thơ "Chiều hôm nhớ nhà" của bà
Huyện Thanh Quan
Trong nền văn học Việt Nam trung đại, số nữ sĩ còn đứng lại với thời
gian không phải là nhiều. Chúng ta thường nhắc đến 3 gương mặt tiêu
biểu là Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương và Bà huyện Thanh Quan. Ba
nữ sĩ này, mỗi người một vẻ, mỗi người có một đóng góp riêng cho thơ
văn nước nhà. Trong 3 nữ sĩ đó, Bà huyện Thanh Quan khiêm nhường
đứng riêng một chiếu với chùm thơ khoảng 5 - 6 bài (có bài vẫn còn gây
tranh cãi, bị xem là của nhà thơ khác) trong đó thường được nhắc đến
hơn cả là bài thơ Chiều hôm nhớ nhà. Bài thơ Nôm Đường luật này diễn
tả nỗi nhớ nhà của người nữ sĩ khi cô đơn thân gái dặm trường:
Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn
Tiếng ốc xa đưa vẳng trống đồn
Gác mái ngư ông về viễn phố
Gõ sừng mục tử lại cô thôn
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn
Kẻ chốn Chương Đài người lữ thứ
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn?
Bài thơ đưa chúng ta vào một không - thời gian tưởng như cụ thể nhưng
lại khá mơ hồ. Thời điểm “trời chiều” được cụ thể hoá trong sự “bảng
lảng” của “bóng hoàng hôn” mang đến cho ta một buổi chiều như bao
buổi chiều khác trong thơ ca xưa. Có nỗi nhớ của người con xa quê:
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều
(Ca dao)
Buồn trông cửa bề chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
(Truyện Kiều)
Câu phá đề gợi cho ta một cảm giác mệt mỏi và chậm rãi của thời gian
ban chiều, một thời điểm mang tính ám ảnh văn hoá trong thơ xưa. Câu
thơ bắt đầu bằng “trời chiều” và khép lại bằng “bóng hoàng hôn” như
muốn hắt cả ánh vàng của nắng chiều lên con người và cảnh vật. Thời
điểm chiều hôm là lúc con người trở về sum họp, quây quần cùng gia
đình nhưng dường như nhân vật trữ tình trong bài thơ vẫn tạm nghỉ chân
trên hành trình xa xôi và vắng vẻ. Ở không gian đó con người có thể
nghe thấy “tiếng ốc xa đưa” và tiếng “vẳng trống đồn”. Những âm thanh
này vốn không xa lạ nhưng khi đặt vào khung cảnh đất khách quê người
thì lại gợi lên sự bâng khuâng, se buồn trong lòng người lữ khách. Hai
âm thanh đan quyện vào nhau như muốn báo hiệu sự vội vã của thời
gian đang đổ dần về tối. Thời điểm “trời chiều” cùng sự báo hiệu của
tiếng ốc và tiếng trống sẽ làm nền cho hai câu thực:
Gác mái ngư ông về viễn phố
Gõ sừng mục tử lại cô thôn
Đến hai câu thơ này ta mới thấy hiện ra một cách rõ nét hơn những mã
nghệ thuật của thơ ca nhà nho xưa (dù Nguyễn Thị Hinh có là một nữ sĩ
nhưng khi sáng tác bà vẫn chịu ảnh hưởng của quan niệm văn học Nho
gia). Xuân Diệu đã từng gọi bà là “Bà chúa hoàng hôn”. Đọc hai câu
thực chúng ta sẽ cảm nhận rõ hơn lời khen ngợi của “nhà thơ mới nhất
trong phong trào Thơ mới”. Vẫn là hình tượng quen thuộc của ngư ông
và mục tử (trong bộ tứ “ngư - tiều - canh - mục”) trong thơ xưa, vẫn là
động tác “gác mái”, “gõ sừng” ấy gắn liền với hai biểu tượng này. Nó
nhắc ta nhớ tới những câu thơ như:
Ngư lão buông câu ngồi mép bến
Mục đồng té nước tắm đầu sông
hay:
Viễn tự chung thanh thôi khách bộ
Mục đồng xung địch dẫn ngưu qui
Nhà nho xưa quan niệm giống nhau về một cuộc sống thanh sạch gắn
với nông thôn và thiên nhiên trong các nghề ngư - tiều - canh - mục. Đó
là những hình ảnh đẹp mãi có sức cuốn hút đối với họ. Nó mang âm
hưởng từ những vần thơ từ xa lắm, tận thời Đường ở bên Tàu với những:
Cô chu soa lạp ông
Độc điếu hàn giang tuyết
(Liễu Tông Nguyên)
hay:
Tá vấn tửu gia hà xứ hữu
Mục đồng dao chỉ Hạnh Hoa thôn
(Đỗ Mục)
Tuy nhiên giữa mảng lưới văn hoá đầy hình tượng, điển tích đó cái còn
lại của Thanh Quan là gì? Đó có phải là cách dùng những từ Hán Việt
“ngư ông”, “viễn phố”, “mục đồng”, “cô thôn” tạo cho bài thơ sự trang
trọng và cổ kính đầy hấp dẫn? Điều này chỉ đúng một phần. Cái còn lại
của dòng thơ, dấu ấn của Thanh Quan chính là ở hai tiếng “cô”, “viễn”
tưởng như vô tình nhà thơ đặt theo niêm luật đăng đối ở tiếng thứ 6 của
hai câu thực. Nhà thơ đâu có biết “ngư ông” và “mục tử” nghĩ gì và cũng
đâu có biết họ đi về đâu. Với cái nhìn đầy màu sắc chủ quan, nhân vật
trữ tình đã phổ cảm xúc của mình vào hai hình tượng đó. Con người lẻ
loi trên hành trình thiên lý tự dưng lại cảm nhận về cảnh vật quanh mình
như cảm nhận về thân phận của mình, thấy chúng cũng trở nên “cô”,
“viễn” như thường. Chúng ta lại nhớ tới cảm xúc của người chinh phụ
cô đơn ngồi trong đêm vắng tủi buồn với cả trăng - hoa vô tri, vô giác:
Hoa giãi nguyệt nguyệt in một tấm
Nguyệt lồng hoa hoa thắm từng bông
Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng
Trước hoa dưới nguyệt trong lòng xiết đau.
Dấu ấn chủ quan của nhân vật trữ tình thoáng hiện ra rồi lại chìm khuất
đi giữa mịt mù thiên nhiên:
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn
Sự tương phản trong bức tranh thơ gợi lên mộtchút gì nhỏ nhoi mà yếu
đuối của cánh chim và hình ảnh người khách giữa chiều tà. Vẫn là “ngàn
mai” ấy, ngàn mai từng nở trắng trong thơ xưa (Tuyết mai trắng bãi, phù
dung đỏ bờ - Chinh phụ ngâm) nhưng đặt cạnh hình ảnh “gió cuốn” đã
gợi lên sự rộng lớn của không gian như muốn nuốt chìm cánh chim nhỏ
nhoi vào trong đó, như cánh “chim hôm thoi thót về rừng” trong Truyện
Kiều và xa hơn nữa là hình ảnh:
Chúng điểu cao phi tận
Cô vân độc khứ nhàn
trong thơ Lí Bạch xưa. Con người luôn thấy nhỏ bé trước thiên nhiên.
Đứng trước thiên nhiên, người xưa muốn mình là một tiểu vũ trụ cố
gắng hoà hợp (và cả hoà tan) vào trong đại khối, đại vũ trụ vô cùng đang
bao bọc quanh mình. Người “khách” đang “bước dồn” qua “dặm liễu”
kia liệu lòng có còn thôi ám ảnh về:
Tóc ai trao chửa bạc màu
Liễu ai bẻ tặng bên cầu còn tươi
(Nguyễn Bính)
hay điển tích “Bá kiều chiết liễu” cùng hình ảnh “Hoa dương sầu sát độ
giang nhân” (Trịnh Cốc) hay kí ức về:
Sông Tần một dải xanh xanh
Loi thoi bờ liễu mấy cành Dương quan
ở chốn quê nhà, nơi ly biệt, lưu luyến người thân mà “Tiễn đưa một chén
quan hà - Xuân đình thoắt đã dạo ra Cao đình” (Truyện Kiều). Con
người - nhân vật trữ tình (hay là một dạng phân thân của hình tượng này:
“khách”) - như muốn giấu mình đi. Đó là đặc trưng phi ngã, vô ngã của
thơ ca trung đại. Con người không xuất hiện trong vai trò cá nhân. Nó
chỉ thể hiện mình trong các mối quan hệ cộng đồng, làng xóm, họ mạc,
gia đình. Con người có khi là “khách” trên chính quê hương mình như
trong thơ Hạ Tri Chương:
Nhi đồng tương kiến bất tương thức
Tiếu vấn: Khách tòng hà xứ lai?
hay trở thành “Càn khôn nhất hủ nho” hoặc “Giang Hán tư quy khách”
trong thơ Đỗ Phủ. Sự đơn chiếc, cô lẻ đã thấm sâu trong nó một nỗi
buồn khôn tả. Nhịp “bước dồn” chỉ là vẻ bề ngoài che đi nỗi lòng nặng
trĩu ưu tư của nhân vật trữ tình. Tình cảm được dồn nén và bật ra thành
câu hỏi:
Kẻ chốn Chương Đài người lữ thứ
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn?
Thơ ca nhà nho xưa thường hướng tới các vấn đề thế sự, đạo lý, hay than
thở về thế đạo nhân tâm, tránh nói đến tình cảm cá nhân riêng tư trong
đời sống thường ngày. Tuy nhiên thơ ca nửa cuối thế kỷ XVIII nửa đầu
thế kỷ XIX mang trong nó sắc thái chủ tình rõ rệt, chủ trương bày tỏ
những cảm xúc vốn bị đạo đức Nho giáo chế ngự bấy lâu nay. Có lẽ
tiếng nói tiền khu mang tính tiên phong của Chinh phụ ngâm, Cung oán
ngâm, Truyện Kiều, thơ Hồ Xuân Hương đã là tiền đề cho hai câu kết
này. Qua điển tích “Chương Đài” cùng cặp đại từ nhân xưng “người -
kẻ” chúng ta có thể thấy người mà nhân vật trữ tình hướng tới là nửa kia
của mình. Câu chuyện về bài thơ “Chương Đài liễu, Chương Đài liễu -
Tích nhật thanh thanh kim tại phủ? - Túng sử trường điều tự cựu thuỳ -
Giả ưng phan chiết tha nhân thủ” còn đó như minh chứng cho khao khát
đoàn viên, sống trong hạnh phúc lứa đôi của người lữ thứ. Chính vì cảnh
lữ thứ mà khát khao mong gặp người chia sẻ, “kể nỗi hàn ôn” càng da
diết hơn. Nhu cầu sẻ chia đó vẫn thường trực trong mỗi con người tự
ngàn xưa.
Bài thơ gói gọn trong thể Đường luật thất ngôn bát cú nhưng nó đã nói
được tiếng lòng của người nữ sĩ. Cảm giác nhớ nhà của con người khi
“Lòng còn gửi áng mây vàng” (Truyện Kiều) là điều dễ hiểu. Trong
không gian tha hương thời trung đại, con người thấy lẻ loi, yếu đuối khi
bị bứt ra khỏi không gian quê nhà quen thuộc nên chỉ ra khỏi nhà mười
dặm đã có cảm giác “lữ thứ, hoàng hoa” là thế. Đó không chỉ là một mã
nghệ thuật mà còn phản ánh một phần sự thực của tâm trạng con người.