Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

CẢM THỨC CÔ ĐƠN TRONG THƠ ĐỖ PHỦ VÀ THƠ CHỮ HÁN NGUYỄN DU_1 pdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (128.25 KB, 6 trang )

CẢM THỨC CÔ ĐƠN TRONG THƠ ĐỖ PHỦ
VÀ THƠ CHỮ HÁN NGUYỄN DU

Nhân cách - hồn thơ thi hào Nguyễn Du (1765-1820) đã tìm được sự
đồng vọng lớn lao và tình cảm đặc biệt ở Thi Thánh Đỗ Phủ (712-770).
"Lệch pha" thời gian hơn mười thế kỉ nhưng thơ ca của họ có khá nhiều
nét tương đồng. Bài viết đề cập đến những tương đồng khác biệt trong
cảm thức cô đơn để thấy rõ hơn sự độc đáo của cái tôi trữ tình trong
sáng tác của mỗi nhà thơ.

1. Nghiên cứu Đỗ Phủ có thể thấy những ám ảnh về nỗi cô độc dường
như đã được báo trước từ thuở nhà thơ còn thiếu thời đến lúc nhắm
mắt xuôi tay. Bàng bạc trong thơ ca ông là nỗi lòng cô đơn bi tráng của
một con người khát khao đi tìm lẽ sống đích thực của đời mình. Trên cái
nền trầm lắng của sự cô độc, ứng với mỗi giai đoạn, nỗi cô đơn của nhà
thơ có những sắc thái biểu hiện khác nhau.

Thời kì đầu, cảm hứng cô đơn trong thơ Đỗ Phủ không phải của một
người thường mà là của một bậc kì tài:

Cửu linh thư đại tự,
Hữu tác thành nhất nang
(Tráng du)
(Chín tuổi đã viết được chữ lớn,
Văn chương đã làm ra một phong cách riêng.)

Năm hai lăm tuổi, đến thăm cha đang giữ chức Tư mã ở Duyện Châu,
Đỗ Phủ bước lên lầu cao dõi mắt nhìn không gian rộng lớn: núi Thái Sơn
nối liền với biển cả trong đám mây nổi, cánh đồng Thanh Châu, Từ Châu
bằng phẳng, trơ trọi, bát ngát Trong cái bơ vơ trước ngoại cảnh, quá
khứ - tương lai dồn dập hiện về, thi nhân đã viết nên những câu thơ


tuyệt bút để diễn tả cái cô độc "bi thảm" của lòng mình:

Tòng lai đa cổ ý,
Lâm diễu độc trù trừ.
(Đăng Duyện Châu thành lâu)
((Nơi này) xưa nay nhiều ý vị cổ kim
Đứng ngắm mà lòng (cảm khái) dùng dằng.)

Giấc mộng tiến thân bằng con đường thi cử không thành. Cuộc đời nhà
thơ bắt đầu những chuỗi ngày lữ thứ phiêu linh, ăn nhờ ở đậu quê
người. Lưu vong trong chiến loạn, Đỗ Phủ sống phiêu bạt cô đơn nơi
đất khách quê người. Nỗi lòng sầu xứ, tâm trạng lưu đày, tâm thế bi
thương cùng lúc đã phả vào thơ ông những hơi thở thê lương, chua
chát của một con người khát khao dấn thân lập chí giúp đời nhưng bị
gạt bỏ ra ngoài xã hội. Giờ đây nỗi cô độc không còn là của người trẻ
tuổi tài cao "kiêu ngạo, lạ lùng" như ngày trước mà là của con người bất
đắc chí đã nếm trải hết những thất bại, đau thương, đói khổ trong đời.
Từ giai đoạn này trở đi, trong thơ Đỗ Phủ xuất hiện hình ảnh một ông
già côi quạnh thường lui về ở ẩn xóm bên sông, lấy cảnh tịch mịch, u
buồn để sống nốt những ngày cuối đời:

Giang thôn độc quy xử,
Tịch mịch dưỡng tàn sinh.
(Phụng tế dịch trùng tống Nghiêm công tứ vận)
(Nay một mình về ở ẩn xóm bên sông,
Lấy cảnh vắng nuôi cuộc đời còn lại.)

thường ngắm trăng một mình mà lòng não nề đau đớn:

Thu nguyệt nhưng viên dạ,

Giang thôn độc lão thôn.
(Thập thất dạ đối nguyệt)

(Đêm có vầng trăng thu vẫn tròn,
Thân già một mình ở xóm bên sông.)

Ông thường ngủ một mình dưới trăng thu trong vắt, thấu lạnh hồn
người:

Thanh thu mạc phủ tỉnh ngô hàn,
Độc túc giang thành lạp cự tàn.
(Túc phủ)

(Trời thu trong, cây ngô bên giếng mạc phủ lạnh lùng,
Một mình ngủ lại ở thành sông, ngọn nến lụi tắt.)

Dưới ánh trăng lạnh lẽo, úa vàng tàn tạ, thi nhân thấy mình nhỏ bé, lẻ
loi, đơn độc hơn bao giờ hết:

Phiêu phiêu hà sở tự?
Thiên địa nhất sa âu.
(Lữ dạ thư hoài)
(Thân mình chơi vơi giống cái gì?
Giống chim âu trên bãi cát trong khoảng trời đất)

Với dự cảm nếu gặp thời Khai Nguyên vua sáng tôi hiền "đường mây
rộng thênh thênh cử bộ" thì Đỗ Phủ đâu phải rơi vào cảnh "nhất sa âu"
mà khóc thương cho thân phận mình:

Hải nội phong trần chư đệ cách,

Thiên nhai thế lệ nhất thân dao.
(Dã vọng)
(Trong nước đang cơn gió bụi đàn em xa cách,
Một thân nơi chân trời xa thẳm luống những sụt sùi)

Thi nhân cảm nhận nỗi cô độc của mình cũng là nỗi cô độc của Tam Lư
Đại phu Khuất Nguyên ngày trước:

Phấn độc sử kỳ sự,
Ký quýnh độc nhi bất như quân hề.
(Sở từ)
(Ở một mình nơi đất lạ,
Đã cô độc lại lẻ loi)

Ngẫm lại thấy mình "loay hoay trong cảnh cô độc giữa đất trời vô tình",
nhà thơ càng cảm thương cho thân phận mình.

Nỗi đau vì "quốc phá, gia vong", vì thân thế, lý tưởng sụp đổ cứ chồng
chất lên tấm thân già yếu nhiều bệnh tật đã khiến tình cảm trong thơ
Đỗ Phủ về giai đoạn cuối đời trở nên tiêu sái, âm điệu thê lương. Nỗi
khổ vật chất và bi kịch tinh thần cứ đè nặng lên đôi chân yếu, mắt mờ,
tóc bạc để rồi một ngày kia nhà thơ bước lên đài cao đặt một mái tóc
bạc giữa đất trời mênh mông, bát ngát:

Vạn lý bi thu thường tác khách,
Bách niên đa bệnh độc đăng đài.
(Đăng cao)
(Thương cho mùa thu muôn dặm cứ phải xa nhà,
Đau ốm suốt cuộc đời, một mình lên đài cao.)


Câu thơ như tổng kết mọi nỗi truân chuyên, uất hận nhuốm màu bi
thương cả một đời người. Cũng là "đăng cao" nhưng con người đăng
cao trong giai đoạn đầu Thịnh Đường của Trần Tử Ngang có tư thế hiên
ngang, hào phóng, mang chiều kích vũ trụ "đầu đội trời, chân đạp đất",
còn con người trong giai đoạn cuối Thịnh Đường của Đỗ Phủ lại nhiều
trầm uất, bi thương.

×