Đọc hiểu bài thơ "Đồng chí" của
Chính Hữu
I - TÌM HIỂU CHUNG
1. Tác giả:
Nhà thơ Chính Hữu tên khai sinh là
Trần Đình Đắc, sinh năm 1926, quê
huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Năm
1946 ông gia nhập Trung đoàn Thủ
đô và hoạt động trong quân đội suốt
hai cuộc kháng chiến chống thực dân
Pháp và đế quốc Mĩ. Chính Hữu hầu
như chỉ viết về người lính và chiến
tranh.
"Bài thơ đầu tiên của Chính Hữu được biết đến là bài Ngày về (1947),
thể hiện ý chí của những người chiến sĩ Hà Nội quyết trở về giành lại
quê hương đang nằm trong tay giặc. Chính Hữu thành công thực sự là
bài Đồng chí (1948). Bài thơ được viết ngay sau chiến dịch Việt Bắc, thể
hiện chân thực hình ảnh người lính cách mạng trong vẻ đẹp bình dị và
tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng, thắm thiết của họ. Trong hai cuộc
kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ cũng như trong hòa bình, Chính
Hữu gần như chỉ viết về người chiến sĩ và cuộc chiến đấu: tình đồng chí,
đồng đội (Đồng chí, Giá từng thước đất), cảm xúc và suy nghĩ của người
lính về nhân dân, đất nước (Tháng Năm ra trận, Sáng hôm nay, Lá nguỵ
trang. Ngọn đèn đứng gác ), tình cảm tha thiết với gia đình (Gửi mẹ,
Thư nhà), nỗi đau thương và căm giận trước tội ác của kẻ thù thúc giục
người chiến sĩ ra trận (Trang giấy học trò). Thơ Chính Hữu in đậm
những hình ảnh của một đất nước ngày đêm đánh giặc, với khí thế
mạnh mẽ và hào hùng của những cuộc hành quân không ngừng nghỉ.
Mọi khung cảnh, âm vang của thời đại đã được đón nhận và tái hiện với
sức vang ngân rất sâu trong tâm khảm nhà thơ, để trở thành những
hình ảnh và ấn tượng đậm nét, giàu sức gợi cảm và ý nghĩa biểu trưng.
Hiện Chính Hữu mới chỉ công bố: tập thơ Đầu súng trăng treo (1966),
Thơ Chính Hữu (1977), Tuyển tập Chính Hữu (1988). Thơ Chính Hữu
giàu hình ảnh, nhiều suy tưởng, ngôn ngữ chọn lọc, cô đọng. Ông
thường sử dụng thể thơ tự do, giàu nhạc điệu, mà chủ yếu là nhạc điệu
của nội tâm, vừa lắng đọng vừa có sức âm vang. Chính Hữu làm thơ
không nhiều nhưng vẫn có một vị trí xứng đáng trong nền thơ hiện đại
Việt Nam, và một số bài thơ của ông thuộc số những tác phẩm tiêu biểu
nhất của thơ ca kháng chiến (Đồng chí, Đường ra mặt trận, Ngọn đèn
đứng gác, Trang giấy học trò). Chính Hữu được tặng Giải thưởng Hồ Chí
Minh về văn học nghệ thuật năm 2000" (Nguyễn Văn Long - Từ điển văn
học, Sđd).
2. Tác phẩm:
Bài thơ Đồng chí được sáng tác đầu năm 1948, thể hiện những cảm xúc
sâu xa và mạnh mẽ của nhà thơ Chính Hữu với đồng đội trong chiến
dịch Việt Bắc. Cảm hứng của bài thơ hướng về chất thực của đời sống
kháng chiến, khai thác cái đẹp và chất thơ trong sự bình dị của đời
thường.
Bài thơ nói về tình đồng chí, đồng đội gắn bó thắm thiết của những
người nông dân mặc áo lính trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến
chống thực dân Pháp. Trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, tình cảm
đó thật cảm động, đẹp đẽ.
II - GIÁ TRỊ TÁC PHẨM
Nói đến thơ ca thời kì kháng chiến chống Pháp không thể không nói đến
Đồng chí (1948) của Chính Hữu. Bài thơ mang vẻ đẹp của tình đồng đội,
đồng chí giản dị, mộc mạc mà sâu sắc của những người lính cách mạng
trong những tháng ngày kháng chiến gian lao.
Nhà thơ Chính Hữu đã từng nói về tác phẩm của mình:
" Trong bài thơ Đồng chí, tôi muốn nhấn mạnh đến tình đồng đội.
Suốt cả cuộc chiến đấu, chỉ có một chỗ dựa dường như là duy nhất để
tồn tại, để chiến đấu là tình đồng chí, tình đồng đội. Đồng chí ở đây là
tình đồng đội. Không có đồng đội, tôi không thể nào hoàn thành được
trách nhiệm, không có đồng đội, có thể nói, tôi cũng chết lâu rồi. Bài
Đồng chí là lời tâm sự viết ra để tặng đồng đội, tặng người bạn nông
dân của mình."
Thật vậy, không gian trữ tình trong Đồng chí giá buốt mà không lạnh
lẽo. Hơi ấm toả ra từ tình người, từ tình tri kỉ, kề vai sát cánh bên nhau
của những con người chung lí tưởng, chung chí hướng. Đứng trong
hàng ngũ cách mạng, chiến đấu cho độc lập, tự do của Tổ quốc, người
lính vượt lên trên mọi gian khó bằng sự sẻ chia, đồng tâm hiệp lực. Họ
sống trong tình đồng đội, nhờ đồng đội, vì đồng đội.
Những người đồng đội ấy thường là những người "nông dân mặc áo
lính". Điểm giống nhau về cảnh ngộ xuất thân giúp họ có thể dễ dàng
gần gũi, đồng cảm với nhau:
Quê hương anh nước mặn, đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau,
"Anh và tôi" từ những vùng quê khác nhau, chỉ giống nhau cái nghèo
khó của đất đai, đồng ruộng. Anh từ miền quê ven biển: "nước mặn
đồng chua". Tôi từ vùng đất cao "cày lên sỏi đá". Hai người xa lạ, từ hai
phương trời xa lạ trở thành tri kỉ:
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ
Những người "nông dân mặc áo lính" ấy gặp nhau trong cuộc chiến đấu
vì chính cuộc sống của họ, cùng đứng trong hàng ngũ những "người lính
cụ Hồ". Sự nghiệp chung của dân tộc đã xoá bỏ mọi khoảng cách xa lạ
về không gian nơi sinh sống của mỗi người.