Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

CÁI DẤU HIỂU “SANG THU” CỦA HỮU THỊNH_2 ppsx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (144.69 KB, 6 trang )

CÁI DẤU HIỂU “SANG THU” CỦA
HỮU THỊNH

Sang thu là bài thơ tinh tế. Điều này khỏi bàn thêm. Chẳng thế mà các
chi tiết gợi cảm của thi phẩm đã cuốn hút nhiều người yêu thơ. Nào
những hương ổi phả vào trong gió se, nào sương chùng chình qua ngõ,
rồi thì sông được lúc dềnh dàng… xem ra, thi ảnh nào cũng tài hoa. Mà
ấn tượng nhất hẳn phải là cảnh tượng Có đám mây mùa hạ/Vắt nửa mình
sang thu. Làm xác định cái không xác định, khiến cái vô hình thành hữu
hình, làm định dạng cái vốn mơ hồ, là lối viết đâu có gì lạ về thi pháp.
Thế mà thi ảnh lại mới, hình sắc lại gợi. Đám mây thực thế mà ảo thế !
Cái cách “vắt nửa mình” kia sao mà thi vị ! Có thật chăng một đám mây
vốn của mùa hè đang mải mê lấn sân sang mùa thu ? Có mà không có,
thật mà không thật. Cứ y như giữa mùa thu và mùa hè vẫn có một lằn
ranh làm bằng sợi dây vô hình giăng ra giữa thinh không, khiến đám
mây yêu kiều và đỏng đảnh kia có thể vắt nửa mình qua đó mà khoe sắc
phô duyên vậy !

Mà đâu chỉ trong quan sát, ở thi phẩm này, Hữu Thỉnh còn tỏ ra tinh hơn
nữa trong sự đồng điệu với nhịp chuyển mùa. Những hiện tượng riêng lẻ
thì gồm cả hai hệ thống tín hiệu trái chiều, có chậm có nhanh. Nhưng cái
nhịp luân chuyển chung chi phối vạn vật thì bao giờ cũng khẩn trương
và mau lẹ. Nhịp luân chuyển ấy dường như đã nhập vào mấy chữ tưởng
rất không đâu mà lại thần tình này: Sông được lúc dềnh dàng/Chim bắt
đầu vội vã ; Vẫn còn bao nhiêu nắng/Đã vơi dần cơn mưa”. Mấy chữ ấy
đi với nhau thành cặp, hô ứng và tiếp ứng nhau làm hiển thị cái nhịp
luân chuyển trong tạo vật vốn mải mê mà vô hình.

Người đọc cũng dễ say với những nét tài hoa trong việc sử dụng nhuần
nhuyễn yếu tố cổ điển của thi sĩ. Đọc Hữu Thỉnh, có một chất rất dễ
nhận : dân gian. Còn có một chất khác, luôn cặp kè, mà xem ra lại khó


thấy : Đường thi. Sao lại cặp kè ? Thì một trong những chiêu rất Hữu
Thỉnh chẳng phải là chế tác thi liệu dân gian bằng thi pháp Đường ư ?
Cố nhiên, anh không chỉ có chiêu này. Ở Sang Thu, cái súc tích Đường
thi kết hợp với chất hồn nhiên thơ trẻ cứ loáng thoáng đâu đó trong cách
nhìn tạo vật, trong cách kiệm lời, mà hiển lộ nhất là ở phép đối ngẫu
được dùng khá nhuyễn : Sông được lúc dềnh dàng-Chim bắt đầu vội vã ;
Vẫn còn bao nhiêu nắng-Đã vơi dần cơn mưa. Có lẽ khi đọc các cặp ấy,
tâm trí ta bị trôi theo lời thơ bình đạm, ít ai để ý đến nghệ thuật tổ chức,
chỉ lúc chợt ngoái lại, thì mới vỡ lẽ: ồ, ra là phép đối ! Thế là nhuyễn, là
tinh chứ sao !

Tuy nhiên, đó vẫn là những tinh tế tiểu tiết và dễ viết.

Đôi khi quá chú mục vào cái tinh tế trong tiểu tiết có thể quên sự tinh vi
trong đại cục. Tôi muốn nói đến điều khác : ý tưởng bao trùm. Nó mới là
nét tinh vi thuộc về đại cục. Ý tưởng Sang thu được gói kín vào thi tứ.
Một thi tứ đa tầng khiến hình tượng thơ thành đa nghĩa. Nhờ đó, thi
phẩm nhỏ đã mang thi tứ lớn.
Sang thu đa nghĩa, vì ít nhất, có sự chất chồng và giao thoa của ba lớp
nghĩa : trời đất sang thu, đời sống sang thu và đời người sang thu. Lớp
nghĩa thứ nhất dễ thấy. Vì nó ở bề nổi của văn bản thơ. Nó khiến bài thơ
như một bức tranh thiên nhiên. Không. Có lẽ như những thước phim về
cảnh vật thiên nhiên thì phải hơn. Tranh thì tĩnh, phim mới động. Sự
mẫn cảm của tâm hồn thi sĩ đã được dịp phô diễn qua những thi ảnh giàu
mỹ cảm trong việc nắm bắt bao vận động, chuyển động, biến động âm
thầm và sâu kín của thiên nhiên. Nhưng, nếu chỉ thế thôi, Sang thu cũng
mới là thơ tạo vật. Hữu Thỉnh chưa đem đến cái gì mới hơn so với các
tiếng thơ thuộc thi đề thu của những người đi trước. Đồng thời, cũng
chưa phổ được vào đó hơi thở của thời mình, tinh thần của thế hệ mình.
Hai lớp nghĩa sau mới thật là thứ hương ổi riêng mà Hữu Thỉnh phả vào

trong thi đề này. Tất nhiên, những hàm ý kín đáo kia toát lên trước hết từ
nghĩa bóng đây đó của các thi ảnh. Ai cũng có thể thấy những ẩn ý nào
đó thấp thoáng sau lối viết ẩn dụ trong các thi ảnh rải rác ngay từ đầu
sương chùng chình, sông dềnh dàng, chim vội vã v.v… Nhưng nếu chỉ
có thế thì ý nghĩa của chúng còn lờ mờ, chưa xa gì hơn một lối nói sinh
động về sự vật, chưa đủ tạo hẳn ra một lớp nghĩa khác cho văn bản. Lớp
nghĩa kia chỉ thực sự bật hầm khi hình ảnh cuối cùng đột hiện : Sấm
cũng bớt bất ngờ / Trên hàng cây đứng tuổi. Chữ “đứng tuổi” bật sáng,
phát động một lớp nghĩa khác cho bài thơ. Nó đâu chỉ nói cây, mà còn
nói người. Nhân hoá cây là bề nổi, giấu người vào cây là bề sâu. Tự
dưng, chúng ta thấy từ mạch hình ảnh thiên nhiên rải khắp bài thơ bỗng
bừng dậy một lớp nghĩa khác gắn với con người và cuộc đời.
Có thể thấy rõ hơn nữa, khi nhìn trong tương quan khác.

Cảm thụ nghệ thuật, căn cứ quan trọng nhất là văn bản. Nhưng, chỉ bó
hẹp trong văn bản không thôi, dễ làm nghèo nghệ thuật. Trong thực tế,
thông điệp nghệ thuật của một tác phẩm không chỉ cất lên từ những gì
thuộc nội bộ văn bản, mà còn vang lên cả từ tương quan giữa văn bản
với những thứ bên ngoài vốn thiết thân với nó nữa. Ví như hoàn cảnh
sáng tác . Tác giả cho biết thời điểm viết Sang thu là mùa thu 1977, ở
nhiều lần in cũng ghi rõ như vậy. Điều này ngẫu nhiên chăng ? vô nghĩa
chăng ? Không hẳn. Bấy giờ, cuộc sống vừa qua khỏi thời chiến đầy
khốc liệt đang chuyển sang thời bình êm ả. Nghĩa là, đời sống cũng vừa
sang thu. Đây là lúc trong lòng đời có bao trăn trở xao động. Nhìn bài
thơ trong tương quan với thời điểm ấy, tự dưng chúng ta thấy các hình
ảnh đó đây nhấp nháy lên những nghĩa khác : nghĩa thế sự. Đặc biệt từ
khổ hai trở đi. Nếu ở khổ đầu, thơ còn nặng về tạo vật, thì từ khổ thứ hai
đã bảng lảng cái bóng đời. Hèn chi, cùng diễn tả nhịp vận động chầm
chậm, nhưng Sương chùng chình qua ngõ thật khác với Sông được lúc
dềnh dàng. “Chùng chình” còn dễ ưa, “dềnh dàng” đã khó ưa. “Dềnh

dàng” đâu chỉ nói về nét riêng của dòng chảy đã chậm hơn khi con sông
vào thu. Dường như nó còn ngầm tỏ thái độ về cái điệu sống của những
đối tượng nào đó hồi mùa hạ hăng hái xông pha là thế, giờ vào thu đã tự
cho phép mình được dềnh dàng, được xả hơi chăng ? Chả phải vô cớ mà
thi sĩ đem chữ “được lúc” gắn với cái thói “dềnh dàng” ấy của sông.
Cũng như thế, Chim bắt đầu vội vã có phải chỉ đơn thuần nói về các loài
chim lúc sang thu đang gấp gáp bay đi lánh rét không thôi ? Xem ra, nó
còn muốn nói tới đối tượng sống tuỳ thời, xu thời nào đó nữa ấy chứ ?
Đến khổ thứ ba, cái lớp nghĩa thế sự bảng lảng này còn tỏ hơn nữa. Tôi
ngờ rằng đây là khổ thơ mà anh chàng thi sĩ cũng vừa trải qua một mùa
hè bỏng rát đang kín đáo nói về thế hệ mình và chính mình ? Vâng, tuy
đã sang thu, nhưng lòng vẫn còn bao nhiêu nắng. Đồng thời, bao tủi sầu
yếu đuối, bao cơn mưa thở than nay cũng đã vơi dần. Bước sang thu,
hàng cây trẻ hồi nào giờ đã đứng tuổi. Sự từng trải đã giúp cây trưởng
thành, đủ vững trãi đối đầu với mọi ba động, mọi cú giáng của cuộc đời :
Sấm cũng bớt bất ngờ /Trên hàng cây đứng tuổi. Không có chữ “đứng
tuổi” cứ như lạc hệ thống này, mọi suy cảm trên sẽ thành võ đoán, lớp
nghĩa thời sự vốn khuất mình không thể phát sáng được. Không có nó, ý
ngầm của kẻ viết vừa khó phát lộ vừa khó gói ghém.

Một cái kết quá là khôn ngoan.

Thì ra, mùa thu đâu chỉ có chuyện tiêu sơ. Mùa thu còn là chuyện trưởng
thành. Mùa thu đâu chỉ có biến thiên. Mùa thu còn tàng ẩn cả những
quân bình tự tại nữa. Chẳng phải đó là những nét độc đáo mà Hữu Thỉnh
đã đem đến cho một thi đề tưởng đã quá ư quen thuộc hay sao ?
Từ thơ tạo vật, Sang thu đã lẳng lặng thành thơ cuộc đời !

×